Chiến tranh Punic lần thứ nhất

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Chiến tranh Punic lần thứ nhất
Một phần của Chiến tranh Punic

Biển Tây Địa Trung Hải năm 264 TCN. Rome được thể hiện bằng màu đỏ, Carthage màu tím và Syracuse màu xanh lá cây.
Thời gian264– 241 TCN
Địa điểm
Kết quả La Mã chiến thắng
Thay đổi
lãnh thổ
Người La Mã kiểm soát Sicilia
Tham chiến
Cộng hòa La Mã Carthage
Chỉ huy và lãnh đạo
Marcus Atilius Regulus
Gaius Lutatius Catulus
Gaius Duilius
Hamilcar Barca
Hanno Vĩ đại
Hasdrubal
Xanthippus

Chiến tranh Punic lần thứ nhất (264-241 TCN) là cuộc chiến tranh lớn đầu tiên xảy ra giữa CarthageCộng hòa La Mã, kéo dài suốt 23 năm giữa hai thế lực hùng mạnh tranh nhau quyền làm chủ ở phía Tây Địa Trung Hải. Trước khi cuộc chiến xảy ra, Carthage, mà vùng lãnh thổ chính thuộc Tunisia ngày nay, đã là thế lực chi phối miền Tây Địa Trung Hải. Tuy nhiên, sau cuộc chiến tranh, La Mã là kẻ chiến thắng và đặt ra một hiệp ước nghiêm ngặt với một khoản bồi thường tài chính nặng nề chống lại Carthage.[1]

Một loạt các cuộc chiến tranh giữa người Carthage và người La Mã còn được người La Mã biết đến là "Chiến tranh Punic" vì tên Latin của người Carthage là Punici, bắt nguồn từ Phoenici, ám chỉ tổ tiên Phoenici của người Carthage cổ đại.[2]

Bối cảnh[sửa | sửa mã nguồn]

Bản đồ miền Tây Địa Trung Hải năm 264 TCN. La Mã màu đỏ, Carthage màu xám, và Syracuse màu xanh lục.

Đến giữa thế kỷ 3 TCN, người La Mã đã chiếm được toàn bộ bán đảo Ý. Quá trình này thống nhất này kéo dài hơn 100 năm và thành La Mã đã đánh bại nhiều thế lực đua tranh trong quá trình tạo chỗ đứng trên bán đảo Ý. Đầu tiên là liên minh Latin đã bị giải tán bằng vũ lực trong Chiến tranh Latin,[3] sau đó là thế lực của người Samnites đã bị đánh bại trong 3 cuộc chiến tranh trong chiến tranh Samnite,[4] và những thành thị Hy Lạp của Đại Hy Lạp (Magna Graecia) vốn đã được Pyrros của Ipiros thống nhất, cuối cùng đã quay sang quy phục người La Mã vào lúc kết thúc chiến tranh Pyrros.[4]

Carthage lúc này đang nắm quyền làm chủ hải quân ở khu vực miền Tây Địa Trung Hải. Bắt nguồn từ một thuộc địa của người Phoenici ở châu Phi, gần thành phố Tunis ngày nay, Carthage đã dần dần phát triển thành trung tâm của một nền văn minh có quyền lực dọc theo bờ biển Bắc châu Phi và tiến sâu vào khu vực nội địa, cũng có thể bao gồm các đảo Balearic, Sardegna, Corse, một khu vực nhỏ ở miền Nam Tây Ban Nha, và phía Tây Nam của Sicilia.[5] Cuộc xung đột bắt đầu khi cả La Mã và Carthage can thiệp vào thành phố Messana, thành phố của người Sicilia gần bán đảo Ý.[2]

Bắt đầu[sửa | sửa mã nguồn]

Vào năm 288 TCN, những người Mamertine - một nhóm lính đánh thuê người Ý (Campanian) - ban đầu phục vụ dưới quyền Agathocles của Syracuse - chiếm thành phố Messana (Messina ngày nay) nằm ở đỉnh phía Tây bắc của Sicilia, giết chết tất cả những người đàn ông và bắt những người phụ nữ làm vợ cho họ.[6] Tại cùng một thời điểm, một đội quân La Mã được thành lập ở Campanian từ "những công dân không có quyền bỏ phiếu" cũng đang chiếm quyền kiểm soát thành Rhegium, nằm ở eo biển nối với lục địa Ý. Vào năm 270 TCN, người La Mã chiếm lại Rhegium và trừng phạt nghiêm khắc những kẻ sống sót sau cuộc nổi loạn. Ở Sicilia, những người Mamertine cướp bóc những vùng nông thôn và xung đột với các khu vực thuộc vương quốc độc lập Syracuse. Hiero II, bạo chúa của Syracuse, đã đánh bại người Mamertines gần Mylae trên bờ sông Longanus.[7] Sau thất bại ở sông Longanus, những người Mamertine cầu cứu sự giúp đỡ từ cả La Mã và Carthage. Và hành động đầu tiên của người Carthage là tiếp cận Hiero, ngăn ngừa để ông ta không có thêm hành động nào và buộc người Mamertine chấp nhận một đơn vị đồn trú của người Carthage ở Messana. Hoặc là không hài lòng với viễn cảnh của một đơn vị đồn trú của Carthage, hoặc tin rằng liên minh gần đây giữa La Mã và Carthage chống Pyrros phản ánh mối quan hệ thân mật giữa hai bên, người Mamertine cầu viện tới La Mã để tìm kiếm sự liên minh. Hy vọng để có sự bảo trợ đáng tin cậy hơn. Tuy nhiên, sự ganh đua giữa La Mã và Carthage đã tăng lên kể từ cuộc chiến tranh với Pyrros; một liên minh giữa 2 thế lực hùng mạnh là không còn khả thi.[8]

Một cuộc tranh luận lớn đã diễn ra tại La Mã về vấn đề chấp nhận hay không chấp nhận sự cầu xin giúp đỡ người Mamertine vì có thể tham gia vào một cuộc chiến tranh với Carthage. Trong khi những người La Mã đã không muốn đi đến trợ giúp những người lính đã vô cớ cướp lấy thành phố từ những người chủ hợp pháp của nó, và mặc dù họ vẫn còn phục hồi từ các cuộc nổi dậy của quân nổi loạn Campania tại Rhegium vào năm 271 TCN, nhiều người cũng không muốn nhìn thấy sức mạnh của Carthage tại Sicilia mở rộng thêm nữa. Để mặc người Carthage một mình ở Messana sẽ giúp họ rảnh tay để đối phó với Syracuse. Một khi người Syracuse bị đánh bại thì việc chiếm đóng Sicilia của người Carthage sẽ hoàn thành.[9] Vấn đề bế tắc của viện nguyên lão đã được đưa ra trước dân chúng và một quyết định được đưa ra là chấp nhận lời cầu cứu của người Mamertine. Appius Claudius Caudex được chọn làm chỉ huy của cuộc viễn chinh với mệnh lệnh vượt biển đến Messina.[10][11]

Giao tranh trên bộ[sửa | sửa mã nguồn]

Người La mã tới và sự trung lập của Syracuse.

Sicilia là một hòn đảo với nhiều đồi núi,với những trở ngại về địa lý và địa hình gồ ghề gây khó khăn trong liên lạc và bảo vệ.Chính vì vậy giao tranh trên bộ giữ vai trò chính trong chiến tranh Punic lần thứ nhất.Những hoạt động trên bộ chỉ bao gồm những cuộc giao tranh ở những trận đánh nhỏ và các chiến dịch ngắn,với một vài trận đánh ác liệt.bao vây và phong tỏa là phổ biến nhất xảy ra với một số lượng lớn quân đội và thường xuyên. Mục tiêu chính bị phong tỏa là các hải cảng quan trọng.[12]

Cuộc chiến tranh trên bộ ở Sicilia bắt đầu với việc đổ bộ của người La Mã ở Messana năm 264 TCN. Mặc dù địch thủ của người La Mã, Carthage có được lợi thế về hải quân, nhưng người La Mã đã đạt được mục đích mà không gặp trở ngại nào đáng kể. Hai quân đoàn dưới sự chỉ huy của Appius Claudius Caudex đổ bộ ở Messana, nơi người Mamertines đã đuổi được đội quân đồn trú Carthage dưới sự chỉ huy của Hanno (không liên quan đến Hanno Vĩ Đại).[13] Sau khi đánh bại các lực lượng của Syracuse và Carthage vây hãm Messana, người La mã hành quân về phía nam và bao vây Syracuse.[14] Sau một cuộc bao vây ngắn, không có sự trợ giúp của người Carthage, người Syracuse đã ký kết hiệp ước hòa bình với La Mã.[15] Theo các điều khoản của hiệp ước, Syracuse sẽ trở thành một đồng minh La Mã, phải trả một khoản bồi thường là 100 talent bạc và có lẽ quan trọng nhất, sẽ đồng ý để giúp cung cấp cho quân đội La Mã tại Sicilia.[15] Điều này đã giải quyết vấn đề cung cấp cho quân đội La Mã ở nước ngoài trong khi phải đối mặt với kẻ thù có lực lượng hải quân mạnh hơn.[15][16] Theo sau Syracuse, nhiều thành bang nhỏ hơn của Sicilia vốn phụ thuộc Carthage cũng chuyển sang theo La Mã.[15]

Trong khi đó, Carthage đã bắt đầu xây dựng một đội quân lính đánh thuê ở châu Phi mà được chuyển đến Sicilia để đối phó với người La mã. Theo sử gia Philinus, đội quân này bao gồm 50.000 bộ binh, 6.000 kỵ binh, và 60 con voi, mặc dù những con số này có thể nhiều hơn.[17] Theo Polybius, quân đội này có một phần gồm người Liguria, Celts và Iberia.[18]

Trong cuộc chiến tranh vừa qua tại Sicilia, Carthage đã thắng bằng cách dựa vào một số cứ điểm được tăng cường mạnh mẽ trên khắp hòn đảo, và kế hoạch của họ là tiến hành chiến tranh trên bộ với cùng một cách tiến hành. Quân đội lính đánh thuê sẽ tiến hành các hoạt động chống lại người La Mã, trong khi các thành phố được tăng cường mạnh mẽ sẽ cung cấp một căn cứ phòng thủ mà từ đó giúp cho họ hoạt động.[15]

Trận Agrigentum[sửa | sửa mã nguồn]

Một trong những thành phố, Agrigentum (được người Hy Lạp biết đến là Acragas), sẽ là trở thành vấn đề với người La Mã. Năm 262 TCN, La Mã tiến hành bao vây Agrigentum, một hoạt động mà cả quân đội của các chấp chính quan cũng tham gia - tổng số là bốn quân đoàn La Mã - và họ đã mất nhiều tháng để giải quyết. Các đơn vị đồn trú của Agrigentum đã cố gắng để kêu gọi quân tiếp viện và cứu trợ từ các lực lượng Carthage chỉ huy bởi Hanno được phái đến để giải cứu và phá hủy các kho lương thực của người La Mã tại Erbessus.[19] Sau một vài cuộc giao tranh ngắn, bệnh tật tấn công quân đội La Mã trong khi nguồn lương thực ở Agrigentum đã đang ở mức thấp, và cả hai bên đã thấy rằng một trận chiến mở là thích hợp hơn với tình hình hiện tại.[19] Mặc dù người La Mã đã giành một chiến thắng dễ dàng trước lực lượng cứu viện của Carthage trong trận Agrigentum, quân đội Carthage bảo vệ thành phố đã cố gắng để rút lui.[19] Agrigentum, bây giờ không còn khả năng phòng thủ thực sự, và quá dễ dàng cho những người La Mã, những người sau đó đã cướp phá thành phố và bắt dân chúng làm nô lệ.[19][20]

Người La Mã bây giờ tiếp tục đi về hướng tây từ Agrigentum để giải vây vây cho các thành phố Segeste và Macella, đã đứng về phía La Mã và bị tấn công bởi người Carthage vì vấn đề này.

Người La Mã xây dựng hạm đội[sửa | sửa mã nguồn]

Vào lúc bắt đầu cuộc chiến tranh Punic lần thứ nhất, La Mã hầu như không có kinh nghiệm trong thủy chiến, trong khi Carthage có rất nhiều kinh nghiệm về biển nhờ hàng thế kỷ thương mại bằng đường biển. Tuy nhiên, Nhà nước Cộng hòa La Mã đang lớn mạnh đã sớm hiểu được tầm quan trọng của việc kiểm soát Địa Trung Hải từ kết quả của cuộc xung đột này[21]

Nguồn gốc trang bị của người La Mã[sửa | sửa mã nguồn]

Hạm đội La Mã lớn đầu tiên đã được xây dựng sau chiến thắng Agrigentum vào năm 261 trước Công nguyên. Một số nhà sử học đã suy đoán rằng vào lúc đó La Mã vốn thiếu những kĩ thuật hải quân tiến bộ về thiết kế các tàu chiến, và họ đã có thể sao chép nguyên vẹn các con tàu trireme của Carthage và quinquereme mà họ chiếm được hoặc từ các tàu đã mắc cạn trên bờ biển La Mã do các cơn bão [22] Những Sử gia khác lại chỉ ra rằng bản thân La Mã đã có kinh nghiệm với các kĩ thuật hải quân, bởi vì họ đã tiến hành tuần tra bờ biển của mình chống lại hải tặc.[23] Một khả năng khác là La Mã nhận được hỗ trợ kỹ thuật từ đồng minh Sicilia của nó, Syracuse.[23] Bất kể tình trạng có công nghệ hải quân vào lúc bắt đầu của cuộc chiến tranh hay không, La Mã đã nhanh chóng thích nghi với cuộc chiến.[24]

Con ó[sửa | sửa mã nguồn]

Diagram of a corvus boarding device.

Để bù đắp cho sự thiếu kinh nghiệm thủy chiến, và để nhằm sử dụng chiến thuật tiêu chuẩn quân sự trên đất liền vào trên biển,,[25] người La Mã được trang bị cho những con tàu mới của họ với một thiết bị chiếm tàu đặc biệt, Con ó (Corvus) [26]. Quân đội La Mã là một đạo quân bộ binh trong khi quân đội Carthage lại là một lực lượng hải quân hùng mạnh. Cây cầu dùng để chiếm tàu địch này cho phép hải quân La Mã có thể phá vỡ một số các kỹ năng hải quân của người Carthage bằng cách sử dụng lính hải quân của họ để chiếm lấy tàu chiến Carthage và sử dụng cách đánh cận chiến.

Thứ vũ khí mới này sẽ chứng minh giá trị của nó trong trận Mylae, chiến thắng đầu tiên của hải quân La Mã, và họ sẽ tiếp tục làm như vậy trong những năm sau, đặc biệt là trong trận chiến rất lớn đó là Trận Mũi Ecnomus. Việc bổ sung trang bị Con Ó buộc người Carthage phải xem xét lại các chiến thuật quân sự của mình, và kể từ đó thành phố đã gặp khó khăn trong việc đối phó lại điều này, điều này giúp La Mã đã có được lợi thế về hải quân.[27]

Trận Mylae[sửa | sửa mã nguồn]

Vị trí của Mylae (Milazzo) trên bờ biển phía Bắc Sicilia.

Duilius đã trạm chán Hamilcar ở ngoài khơi phía bắc Mylae vào năm 260 TCN. Polybius cho rằng quân Carthage đã có 130 tàu chiến, nhưng không đưa ra một con số chính xác cho những người La Mã.[28] Với việc mất 17 tàu tại quần đảo Lipari trong tổng số tàu chiến vào lúc đầu là 120 tàu cho thấy rằng người La Mã còn lại 103 tàu. Tuy nhiên, có thể con số này lớn hơn 103 tàu, có được điều này là từ những con tàu bị chiếm trước đó và sự hỗ trợ của các đồng minh La Mã.[29] Carthage đã mong đợi vào một chiến thắng, đặc biệt là vì kinh nghiệm vượt trội của họ trên biển[28].

Những trang bị Con Ó đã tỏ ra rất thành công, và nó đã giúp cho những người La Mã đánh chiếm được 30 tàu đầu tiên của Carthage khi đủ gần. Để tránh những trang bị Con Ó này, người Carthage đã buộc phải để di chuyển xung quanh họ và tiếp cận những người La Mã từ phía sau, hoặc từ hai bên. Tuy nhiên, những trang bị Con Ó lại thường vẫn có thể xoay quanh trục và móc lấy hầu hết các con tàu đang lao tới [30]. Khi có thêm 20 tàu chiến Carthage bị móc và bị mất về tay người La Mã, Hamilcar đành phải rút quân cùng với những con tàu còn sót lại của ông ta, và để cho Duilius có được một chiến thắng dễ dàng.

Thay vì truy đuổi tàn quân Carthage trên biển, Duilius khởi hành tới Sicilia để nắm lấy quyền kiểm soát quân đội ở đây. Ở đó, ông đã giải vây cho thành phố Segesta, vốn đang bị bao vây bởi bộ binh Carthage dưới sự chỉ huy của Hamilcar.[31] Những nhà sử học hiện đại đã tự hỏi tại sao Duilius lại quyết định không theo đuổi một cuộc tấn công hải quân khác, nhưng có lẽ Hamilcar vẫn còn lại 80 tàu và có thể vẫn còn quá mạnh để La Mã có thể đánh bại được.[32]

Cuộc phản công của Hamilcar[sửa | sửa mã nguồn]

Cuộc tấn công của Hamilcar.

Lúc này, người La Mã tiếp tục tiến về phía tây từ Agrigentum để giải vây cho thành phố Macella đang bị vây khốn,[33] vì đã đứng về phía La Mã và bị người Carthage tấn công vì đã làm như vậy. Ở miền Bắc, người La Mã, với phía bờ biển phía bắc bên sườn của họ được bảo đảm bằng chiến thắng trong chân thủy chiến tại Mylae, tiếp đó tiến về phía Thermae. Họ đã bị đánh bại ở đó bởi người Carthage dưới quyền Hamilcar (một tên Carthage phổ biến, không nhầm lẫn với người cha của Hannibal Barca, có cùng tên) trong năm 260 trước Công nguyên [34]. Người Carthage đã tận dụng chiến thắng này bằng cuộc phản công sau đó, trong năm 259 TCN, và họ chiếm được Enna. Hamilcar tiếp tục về phía nam tới Camarina, nằm trong lãnh thổ của người Syracuse, có lẽ với mục đích thuyết phục người Syracuse quay lại đứng về phía Carthage.[35]

Đà tiến quân của người La Mã trong giai đoạn từ năm 260-256 TCN.

Trong năm sau, năm 258 trước Công nguyên, người La Mã đã có thể giành lại thế chủ động bằng cách chiếm lại Enna và Camarina. Ở miền trung Sicilia, người La Mã cũng chiếm được thị trấn Mytistraton, mà họ đã tấn công hai lần trước đó. Người La Mã cũng di chuyển ở phía bắc bằng cách hành quân dọc theo bờ biển phía bắc về phía Panormus, nhưng không thể chiếm được thành phố.[36]

Xâm lược châu Phi[sửa | sửa mã nguồn]

Sau chiến thắng trong chiến dịch Agrigentum, và sau vài trận thủy chiến, La Mã đã cố gắng mở một chiến dịch trên bộ quy mô lớn lần thứ hai trong cuộc chiến tranh (trong năm 256/255 TCN). Với mục đích tìm kiếm một kết thúc mau lẹ cho cuộc chiến tranh hơn là những vây hãm lâu dài ở Sicilia, La Mã đã quyết định xâm lược các thuộc địa của Carthage ở châu Phi và chiếm đoạt uy quyền tối cao của Carthage ở biển Địa Trung Hải, do đó buộc Carthage phải chấp nhận các điều khoản của họ [37][38].

Trận mũi Ecnomus[sửa | sửa mã nguồn]

Để bắt đầu cuộc xâm lược châu Phi, Cộng hòa La Mã đã xây dựng một hạm đội lớn, bao gồm nhiều tàu vận chuyển cho quân đội và các trang bị của nó, và các tàu chiến để bảo vệ. Carthage đã cố gắng ngăn cản cuộc viễn chinh này với một hạm đội gồm 350 tàu (theo Polybius),[39] nhưng họ đã bị đánh bại trong trận Mũi Ecnomus.[40]

Cuộc xâm lược châu Phi.

Cuộc cướp bóc của Regulus[sửa | sửa mã nguồn]

Như là kết quả của trận đánh, quân đội La Mã, dưới sự chỉ huy bởi Marcus Atilius Regulus, đã đổ bộ lên châu Phi và bắt đầu tàn phá các vùng nông thôn của Carthage [41] Lúc đầu, Regulus đã giành chiến thắng, ông chiến thắng trong trận Adys và buộc Carthage phải đề nghị hòa bình.[42] Các điều khoản Regulus đặt ra rất nặng nề và vì vậy mà đàm phán đi đến thất bại. Để đáp trả, người Carthage đã thuê Xanthippos, một lính đánh thuê người Sparta, để tổ chức lại quân đội của họ.[37][43] Xanthippus đã đánh tan quân La Mã và bắt sống Regulus trong trận Tunis,[44][45] và sau đó cố gắng để chia cắt tàn quân La Mã khỏi căn cứ của nó bằng cách tái lập uy quyền tối cao của hải quân Carthage.[46][47]

Sự đáp trả của Carthage[sửa | sửa mã nguồn]

Trong khi đó, người La Mã, đã phái một hạm đội mới để đón những người còn sống sót trong đoàn viễn chinh châu Phi. Mặc dù người La Mã đánh bại hạm đội Carthage và đã thành công trong việc giải cứu tàn quân ở châu Phi, một cơn bão đã phá hủy gần như toàn bộ hạm đội La Mã trên chuyến hành trình trở về quê nhà, số thương vong trong thảm họa này có thể đã vượt quá 90.000 người [47] Carthage đã lợi dụng điều này để tấn công Agrigentum. Họ không tin rằng bản thân họ có thể giữ thành phố, do đó, họ đốt cháy nó và rời đi[48].

Người La Mã tiếp tục tấn công[sửa | sửa mã nguồn]

Người La mã tấn công trong giai đoạn từ năm 253-251 TCN.

Tuy nhiên, người La Mã đã có thể nhanh chóng tập hợp quân đội và nối lại các cuộc tấn công. Cùng với việc xây dựng một hạm đội mới gồm 140 tàu, La Mã đã quay trở lại chiến lược đánh chiếm các thành phố của người Carthage ở Sicilia, hết cái này tới cái khác.[49]

Thất bại ban đầu[sửa | sửa mã nguồn]

Các cuộc tấn công của người La Mã bắt đầu với cuộc tấn công bằng hải quân vào Lilybaeum, trung tâm quyền lực của Carthage trên đảo Sicilia, và một cuộc đột kích vào châu Phi. Cả hai nỗ lực đều kết thúc trong thất bại.[50] Người La Mã phải rút lui khỏi Lilybaeum, và đạo quân tới châu Phi đã gặp phải một cơn bão khác và bị tiêu diệt.[50]

Đà tiến quân phía Bắc[sửa | sửa mã nguồn]

Tuy nhiên, Người La Mã đã được những bước tiến lớn ở phía bắc. Thành phố Thermae bị chiếm trong năm 252 TCN, cho phép tạo đà tiến quân về thành phố cảng Panormus. Người La Mã tấn công thành phố này sau khi chiếm Kephalodon trong năm 251 TCN. Sau một cuộc giao tranh ác liệt, người Carthage đã bị đánh bại và thành phố thất thủ. Với việc Panormus bị chiếm, phần lớn phía tây hòn đảo Sicilia đã thất thủ cùng với nó. Các thành phố như Ietas, Solous, Petra, và Tyndaris đồng ý hòa bình với người La Mã trong cùng năm đó.[51]

Cuộc viễn chinh phía Tây Nam[sửa | sửa mã nguồn]

Người La Mã tấn công trong giai đoạn từ năm 250-249 TCN.

Năm sau, người La Mã chuyển sự chú ý của họ về phía tây nam. Họ đã phái một đoàn viễn chinh hải quân tiến đánh thành Lilybaeum. Trên đường đi, người La Mã chiếm và thiêu cháy những thành phố không chịu đầu hàng là Selinous và Heraclea Minoa của người Carthage. Cuộc viễn chinh tới Lilybaeum đã không thành công, nhưng với việc tấn công tổng hành dinh của người Carthage đã minh chứng một điều là người La Mã đã kiên quyết chiếm lấy toàn bộ Sicilia [52]. Với việc hạm đội La Mã bị đánh bại bởi người Carthage tại Drepana, người La Mã buộc phải tiếp tục các cuộc tấn công của họ từ trên đất liền.

Sau chiến thắng trong trận thủy chiến Drepana vào năm 249 trước Công nguyên, Carthage đã quay lại thống trị trên mặt biển vì La Mã không muốn tài trợ cho việc xây dựng thêm một hạm đội đắt giá nào khác. Tuy nhiên, phe phản chiến đối cuộc chiến tranh của Carthage, dưới sự lãnh đạo của viên quý tộc đất đai Hanno Vĩ Đại, đã giành được quyền lực và trong năm 244 TCN, cho rằng cuộc chiến tranh đã đi đến hồi kết, và bắt đầu giải tán hạm đội, điều này đã giúp cho những người La Mã một cơ hội để một lần nữa đạt được ưu thế về hải quân[53].

Kết thúc[sửa | sửa mã nguồn]

Sự bế tắc ở Sicilia[sửa | sửa mã nguồn]

Tập tin:RomaWins.jpg
Người Carthage đàm phán hòa bình và triệt thoái.

Tại thời điểm này (năm 247 TCN [54]), người Carthage đã phái tướng Hamilcar Barca (cha của Hannibal) tới Sicilia. Sự đổ bộ của ông tại Heirkte (gần Panormus) đã thu hút người La Mã tới để nhằm bảo vệ thành phố cảng này và trở thành điểm tái tiếp tế cũng như giải tỏa bớt áp lực cho Drepana. Cuộc chiến tranh du kích tiếp sau đó đã giữ chân được các quân đoàn La Mã và bảo vệ được chỗ đứng của Carthage ở Sicilia, mặc dù vậy quân La Mã đã phớt lờ Hamilcar buộc ông phải di chuyển đến Eryx, để nhằm bảo vệ tốt hơn cho Drepana.[52]

Trận chiến ở quần đảo Aegates[sửa | sửa mã nguồn]

Có lẽ để đối phó với các cuộc tấn công của Hamilcar, La Mã đã cho xây dựng một hạm đội mới nhờ sự đóng góp của các công dân giàu có và nó chính là hạm đội mà đã khiến cho những thành công của Carthage ở Sicilia trở nên vô ích, bởi vì sự bế tắc mà Hamilcar tạo ra ở Sicilia đã không còn thích hợp nữa sau chiến thắng của hải quân La Mã trong Trận chiến ở quần đảo Aegates vào năm 241 TCN. Tại nơi đó, hạm đội La Mã mới dưới quyền của chấp chính quan Gaius Lutatius Catulus đã giành chiến thắng trước một hạm đội Carthage thiếu thủy thủ và được xây dựng vội vàng. Carthage bị mất hầu hết hạm đội của mình và không còn đủ khả năng tài chính để xây dựng một hạm đội khác, hoặc tìm kiếm được nhân lực cho thủy thủ đoàn của nó.[55]

Không có sự hỗ trợ từ hải quân, Hamilcar Barca đã bị chia cắt khỏi Carthage và buộc phải đàm phán hòa bình cùng với đó là phải đồng ý rút khỏi Sicilia.[56] Cần lưu ý rằng Hamilcar Barca đã để cho một người cấp dưới tên là Gesco tiến hành các cuộc đàm phán với Lutatius, để tạo ra ấn tượng rằng ông đã không thực sự bị đánh bại..[2][57]

Vai trò của những trận thủy chiến[sửa | sửa mã nguồn]

Photo of the remains of the naval base of the city of Carthage. Before the war, Carthage had the most powerful navy in the western Mediterranean.

Do những khó khăn trong việc hành quân tại Sicilia, hầu hết các trận chiến trong cuộc chiến tranh Punic lần thứ nhất đã diễn ra trên biển, bao gồm cả những trận đánh quyết định nhất[12] Tuy nhiên, một trong những lý do khiến chiến tranh sa lầy vào bế tắc trên đất liền là bởi vì những lực lượng hải quân cổ đại không có hiệu quả trong việc duy trì việc phong tỏa các cảng của đối phương về phía biển. Do đó, Carthage đã có thể củng cố và nối lại việc tiếp tế cho các thành trì đang bị bao vây, đặc biệt là Lilybaeum, ở tận cùng phía tây của Sicilia.

Bất chấp việc đã giành được nhiều thắng lợi trên mặt biển, Cộng hòa La Mã bị mất vô số tàu chiến và thủy thủ trong suốt cuộc chiến, do cả những cơn bão và những trận đánh. Ít nhất hai lần (vào năm 255 và 253 TCN), toàn bộ đội tàu đã bị phá hủy do thời tiết xấu, đặc biệt là thảm họa ở phía ngoài khơi Camarina vào năm 255 TCN nhấn chìm hơn 270 tàu chiến và khiến cho hơn 100.000 người bỏ mạng, sự mất mát lớn nhất trong lịch sử [58] Một giả thuyết cho vấn đề này đó là do trọng lượng của trang bị Con Ó ở phía mũi tàu khiến cho các con thuyền trở nên không ổn định và khiến cho chúng bị chìm trong thời tiết xấu. Sau này, khi mà người La Mã dần có nhiều kinh nghiệm thủy chiến hơn, trang bị Con Ó đã bị dỡ bỏ do tác động của nó đối với sự di chuyển của các con tàu chiến[59].

Kết quả[sửa | sửa mã nguồn]

La Mã đã giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh Punic lần thứ nhất sau 23 năm chiến tranh và cuối cùng nó đã trở thành cường quốc hải quân thống trị ở khu vực Địa Trung Hải. Hậu quả mà cuộc chiến tranh để lại cho cả hai nước đó là sự cạn kiệt về cả sức người và sức của[60]Corse, Sardegna và châu Phi vẫn thuộc về Carthage, nhưng họ đã phải trả một khoản bồi thường chiến phí nặng nề. Chiến thắng của La Mã đã dựa rất nhiều vào sự bền bỉ của nó.

Thương vong[sửa | sửa mã nguồn]

Con số thương vong chính xác của mỗi bên thực sự rất khó khăn để xác định, do thiên vị trong các nguồn lịch sử.

Theo các nguồn (không bao gồm thương vong trong giao tranh trên bộ):[61]

  • La Mã mất 700 tàu chiến (một phần do thời tiết xấu) với một số lượng không rõ thủy thủ đoàn bị chết.
  • Carthage mất 500 tàu cùng một số lượng không rõ thủy thủ bị chết.

Mặc dù không chắc chắn, nhưng cả hai bên đều đã phải chịu thương vong nặng nề. Polybius nhận xét rằng vào thời điểm đó, cuộc chiến này có sức tàn phá ghê gớm nhất về thương vong trong lịch sử chiến tranh, bao gồm cả các trận đánh của Alexandros Đại đế. Phân tích dữ liệu từ cuộc điều tra dân số La Mã trong thế kỷ thứ 3 TCN, Adrian Goldsworthy lưu ý rằng trong cuộc chiến này La Mã bị mất khoảng 50.000 công dân. Con số này không bao gồm quân trợ chiến trợ và bất cứ người lính nào khác trong quân đội không có tư cách công dân, những người vốn sẽ nằm ngoài việc đếm đầu người.[62][63]

Các điều khoản hòa bình[sửa | sửa mã nguồn]

Các điều khoản của Hiệp ước Lutatius đã được đưa ra bởi người La Mã và nó đặc biệt nặng nề đối với người Carthage, vốn đã mất đi quyền thương lượng sau thất bại của họ tại quần đảo Aegates. Cả hai bên thoả thuận:

  • Carthage rút quân khỏi Sicilia và các đảo nhỏ phía tây của nó (Quần đảo Aegates).
  • Carthage trả tự do cho tù nhân chiến tranh La Mã mà không phải mất tiền chuộc, trong khi phải trả tiền chuộc nặng nề về phía họ.
  • Carthage phải kiềm chế việc tấn công Syracuse và các đồng minh của nó.
  • Carthage phải giao một nhóm các đảo nhỏ phía bắc Sicilia (Quần đảo AeolianUstica) cho La Mã.
  • Carthage rút quân khỏi tất cả những hòn đảo nhỏ nằm giữa Sicilia và châu Phi (Pantelleria,Linosa, Lampedusa, LampioneMalta).
  • Carthage phải trả một lượng 2200 talent (66 tấn) bạc bồi thường theo từng đợt hàng năm trong 10 năm, cộng với một khoản bồi thường bổ sung khoảng 1.000 talent (30 tấn) ngay lập tức[64].

Những điểu khoản khác được định rõ đó là các đồng minh của mỗi bên sẽ không bị tấn công bởi bên kia, và không có các cuộc tấn công nào được phép tiến hành bởi các đồng minh của cả hai bên và cả hai bên đều bị cấm tuyển mộ binh lính trong phạm vi lãnh thổ của nước khác. Điều này ngăn cản Carthage chiêu mộ bất kỳ nguồn lực lính đánh thuê nào từ cả Ý và Sicilia, mặc dù điều khoản này sau đó đã được tạm thời bãi bỏ trong thời kì chiến tranh lính đánh thuê.

Tác động chính trị[sửa | sửa mã nguồn]

Do hậu quả của chiến tranh, Carthage đã không còn đủ ngân khố quốc gia. Hanno Vĩ Đại đã cố gắng để đề xuất việc giải tán quân đội nhằm giảm bớt gánh nặng của việc trả lương, nhưng bước đi này lại dẫn đến một cuộc nổi loạn khác, đó là cuộc Chiến tranh lính đánh thuê. Và sau khi trải qua một cuộc chiến đầy cam go cùng với những nỗ lực phối hợp của Hamilcar Barca, Hanno Vĩ Đại và những người khác, quân đội Punic cuối cùng đã có thể tiêu diệt được đám lính đánh thuê và quân nổi loạn. Tuy nhiên, trong cuộc xung đột này, La Mã đã lợi dụng cơ hội để cướp từ tay Carthage hai hòn đảo Corse và Sardegna.[2]

Có lẽ hậu quả chính trị trực tiếp nhất của cuộc chiến tranh Punic lần thứ nhất đó là sự sụp đổ của sức mạnh hải quân Carthage. Những điều ước được ký kết trong hiệp ước hòa bình được dự định là để làm tổn hại tình hình kinh tế của Carthage và ngăn ngừa sự hồi phục của thành phố. Yêu cầu bồi thường của người La Mã đã gây ra căng thẳng về tài chính cho thành phố và buộc Carthage phải trông đợi vào những vùng đất mới nhằm có tiền bồi thường để trả cho La Mã[1].

Trong nỗ lực tìm kiếm để bù đắp cho những mất mát lãnh thổ gần đây và có một nguồn bạc dồi dào để trả khoản bồi thường lớn cho La Mã, người Carthage đã hướng sự chú ý của mình tới bán đảo Iberia, và trong năm 237 TCN người Carthage, dưới sự chỉ huy của Hamilcar Barca, đã bắt đầu một loạt các chiến dịch mở rộng sự kiểm soát của họ trên bán đảo. Mặc dù Hamilcar tử trận trong năm 229 TCN, công cuộc bành trướng của họ vẫn tiếp tục và cùng với việc mở rộng quyền lực về phía thung lũng sông Ebro, người Carthage đã thành lập nên thành phố "Tân Carthage" trong năm 228 TCN. Sự bành trướng này đã dẫn đến cuộc chiến tranh Punic lần thứ hai khi quân Carthage bao vây thành phố Saguntum được người La Mã được bảo trợ vào năm 218 TCN, gây nên một cuộc xung đột với La Mã.[65]

Về phía La Mã, sự kết thúc của cuộc chiến tranh Punic lần thứ nhất đã đánh dấu sự khởi đầu của công cuộc bành trướng vượt ra ngoài bán đảo Ý. Sicilia đã trở thành tỉnh La Mã đầu tiên (Sicilia) nằm dưới sự cai trị của một cựu pháp quan, thay vì bởi một đồng minh. Sicilia sẽ trở nên rất quan trọng đối với La Mã nhờ vào nguồn cung cấp ngũ cốc.[2] Quan trọng hơn, Syracuse đã được ban cho địa vị của một đồng minh độc lập trên danh nghĩa kéo dài cho tới hết đời Hiero II, và không bị sáp nhập vào tỉnh Sicilia của La Mã cho đến khi bị cướp phá bởi Marcus Claudius Marcellus trong cuộc chiến tranh Punic lần thứ hai.[66]

Những chỉ huy nổi tiếng[sửa | sửa mã nguồn]

La Mã[sửa | sửa mã nguồn]

Carthage[sửa | sửa mã nguồn]

Khác[sửa | sửa mã nguồn]

Biên niên sử[sửa | sửa mã nguồn]

  • Năm 264 TCN: người Mamertine tìm kiếm sự trợ giúp từ La Mã để thay thế sự bảo trợ của Carthage nhằm chống lại các cuộc tấn công từ Hiero II của Syracuse.
  • Năm 263 TCN: Hiero II bị đánh bại bởi chấp chính quan Manius Valerius Messalla và buộc phải chuyển sang trung thành với La Mã. Sau đó ông ta được công nhận địa vị của mình là Vua của Syracuse và lãnh thổ xung quanh.
  • Năm 262 TCN: La Mã can thiệp vào Sicilia,Thành phố Agrigentum của người Carthage bị vây hãm.
  • Năm 261 TCN: Trận Agrigentum, mà kết quả là một chiến thắng của người La Mã và họ chiếm đóng thành phố sau đó. La Mã quyết định xây dựng một hạm đội để đe dọa sự thống trị của người Carthage trên biển.
  • Năm 260 TCN: Trận giao tranh trên biển đầu tiên (Trận quần đảo Lipari) là một thảm họa cho La Mã, nhưng ngay sau đó, Gaius Duilius thắng trận Mylae với sự trợ giúp từ trang bị Con ó.[2]
  • Năm 259 TCN: Giao tranh trên bộ lan đến SardegnaCorse.
  • Năm 258 TCN: Hải chiến Sulci: La Mã chiến thắng.
  • Năm 257 TCN: Hải chiến Tyndaris: La Mã chiến thắng.
  • Năm 256 TCN: La Mã nỗ lực để xâm chiếm châu Phi và Carthage nhằm ngăn chặn sự tiếp viện của người Carthage. Kết quả của Trận Cape Ecnomus là một chiến thắng lớn cho La Mã. Trận Adys là chiến thắng đầu tiên người La Mã trên đất châu Phi và Carthage kiến nghị hòa bình. Đàm phán không đi đến kết quả và chiến tranh tiếp tục.
  • Năm 255 TCN: Người Carthage sử dụng một vị tướng Sparta, Xanthippos, để tổ chức phòng thủ cho họ và đánh bại người La Mã trong trận Tunis. Những người La Mã sống sót rút lui bằng thuyền nhưng hạm đội của họ bị phá huỷ ngay sau đó, trên đường quay trở lại Sicilia.
  • Năm 254 TCN: Một đội mới gồm 140 tàu của người La Mã được xây dựng để thay thế cho hạm đội bị mất trong cơn bão và một đội quân mới được xây dựng. Người La Mã đã giành được một chiến thắng tại Panormus, ở Sicilia, nhưng không tạo được thêm bất kỳ bước tiến nào nữa trong chiến tranh. Năm thành phố Hy Lạp tại Sicilia từ bỏ phe Carthage để đứng về phía La Mã.
  • Năm 253 TCN: Người La Mã sau đó đã theo đuổi một chính sách cướp bóc bờ biển châu Phi, phía Đông của Carthage. Sau một năm không thành công, hạm đội của họ quay trở về quê hương. Trên đường quay trở lại Ý, những người La Mã lại một lần nữa gặp phải một cơn bão và bị mất 150 tàu.
  • Năm 251 TCN: Người La Mã đã một lần nữa giành chiến thắng tại Panormus trước người Carthage, dưới quyền Hasdrubal. Như một kết quả của những thất bại gần đây, Carthage nỗ lực tăng cường các đơn vị đồn trú ở Sicilia và tái chiếm lại Agrigentum. Trong khi người La Mã bắt đầu vây hãm Lilybaeum.
  • Năm 249 TCN: La Mã mất gần như toàn bộ hạm đội trong trận Drepana. Trong cùng năm Hamilcar Barca đã tiến hành thành công các cuộc đột kích ở Sicilia và một cơn bão khác tiếp tục quét sạch các con tàu La Mã còn lại. Aulus Atilius Calatinus được bổ nhiệm nhà độc tài và được phái đến Sicilia.
  • Năm 248 TCN: Bắt đầu của một giai đoạn ít các cuộc giao tranh ở Sicilia, và cũng không có trận hải chiến nào. Giai đoạn này sẽ kéo dài cho đến năm 241 trước Công nguyên.
  • Năm 244 TCN: Với việc gần như không có trận hải chiến nào, Hanno Vĩ Đại của Carthage chủ trương cho phục viên phần lớn hải quân Carthage để tiết kiệm tiền. Carthage đã làm như vậy.
  • Năm 242 TCN: La Mã cho xây dựng một hạm đội lớn.
  • Năm 241 TCN: Vào ngày 10 tháng 3, trận quần đảo Aegates xảy ra với một chiến thắng quyết định cho La Mã. Carthage tiến hành thương lượng hòa bình và cuộc chiến tranh Punic lần thứ nhất kết thúc.[2]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b Fields 2007, tr. 15.
  2. ^ a b c d e f g Sidwell & Jones 1997, tr. 16.
  3. ^ Starr 1965, tr. 464–465.
  4. ^ a b Starr 1965, tr. 465.
  5. ^ Starr 1965, tr. 478.
  6. ^ Warmington 1993, tr. 165.
  7. ^ Polybius. The Histories, 1:9.7-9.8.
  8. ^ Warmington 1993, tr. 167.
  9. ^ Polybius. The Histories, 1:10.7-10.9.
  10. ^ Starr 1965, tr. 479; Warmington 1993, tr. 168–169.
  11. ^ Polybius. The Histories, 1:11.3.
  12. ^ a b Niebuhr 1844, tr. 18–19.
  13. ^ Polybius. The Histories, 1:11.2-11.4.
  14. ^ Polybius. The Histories, 1:11.12-11.14.
  15. ^ a b c d e Warmington 1993, tr. 171.
  16. ^ Polybius. The Histories, 1:16.6-16.8.
  17. ^ Warmington 1993, tr. 171–172.
  18. ^ Polybius. The Histories, 1:17.4.
  19. ^ a b c d Polybius. The Histories, 1:19.
  20. ^ Warmington 1993, tr. 172.
  21. ^ Zoch 2000, tr. 94–96.
  22. ^ Lazenby 1996, tr. 49.
  23. ^ a b Reynolds 1998, tr. 22.
  24. ^ Roberts 2006, tr. 64–65.
  25. ^ Warmington 1993, tr. 173.
  26. ^ Wallinga 1956, tr. 73–77.
  27. ^ Addington 1990, tr. 29.
  28. ^ a b Polybius. The General History of Polybius, Book I (p. 28).
  29. ^ Lazenby 1996, tr. 70.
  30. ^ Polybius. The General History of Polybius, Book I (p. 29).
  31. ^ Bagnall 2002, tr. 63.
  32. ^ Lazenby 1996, tr. 73.
  33. ^ Polybius. The Histories, 1:24.1-24.2.
  34. ^ Polybius. The Histories, 1:24.3-24.4.
  35. ^ Lazenby 1996, tr. 75.
  36. ^ Polybius. The Histories, 1:24.10-24.13.
  37. ^ a b Starr 1965, tr. 481.
  38. ^ Warmington 1993, tr. 175.
  39. ^ Polybius. The Histories, 1:25.9.
  40. ^ Warmington 1993, tr. 175–176.
  41. ^ Warmington 1993, tr. 176.
  42. ^ Warmington 1993, tr. 176–177.
  43. ^ Warmington 1993, tr. 177.
  44. ^ Polybius. The Histories, 1:33-34.
  45. ^ Warmington 1993, tr. 177–178.
  46. ^ Polybius. The Histories, 1:36.5-36.9.
  47. ^ a b Warmington 1993, tr. 178.
  48. ^ Smith 1854, tr. 76.
  49. ^ Warmington 1993, tr. 178–179.
  50. ^ a b Warmington 1993, tr. 179.
  51. ^ Lazenby 1996, tr. 116.
  52. ^ a b Smith 1854, tr. 788.
  53. ^ Bagnall 2002, tr. 80.
  54. ^ Goldsworthy 2001, tr. 95.
  55. ^ Mokhtar 1981, tr. 457.
  56. ^ Bedford & Bradford 2001, tr. 174.
  57. ^ Lendering, Jona (1995–2010). “First Punic War: Chronology”. Livius: Articles on Ancient History. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 4 năm 2010. Truy cập ngày 27 tháng 11 năm 2010.Quản lý CS1: định dạng ngày tháng (liên kết).
  58. ^ Dupuy 1984.
  59. ^ Penrose 2008, tr. 51.
  60. ^ Bringmann 2007, tr. 127.
  61. ^ Polybius. The Histories, 1:63.6.
  62. ^ Goldsworthy 2007, Backcover.
  63. ^ Goodrich 1864.
  64. ^ Polybius. The Histories, 1:62.7-63.3.
  65. ^ Collins 1998, tr. 13.
  66. ^ Allen & Myers 1890, tr. 111.

Nguồn[sửa | sửa mã nguồn]

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

  • Lazenby, J.F. (1996). The First Punic War, A Military History. Stanford University Press.

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]