Cirrhilabrus cenderawasih

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Cirrhilabrus cenderawasih
Cá đực
Tình trạng bảo tồn
Phân loại khoa học
Giới (regnum)Animalia
Ngành (phylum)Chordata
Lớp (class)Actinopterygii
Bộ (ordo)Labriformes
Họ (familia)Labridae
Chi (genus)Cirrhilabrus
Loài (species)C. cenderawasih
Danh pháp hai phần
Cirrhilabrus cenderawasih
Allen & Erdmann, 2006

Cirrhilabrus cenderawasih là một loài cá biển thuộc chi Cirrhilabrus trong họ Cá bàng chài. Loài này được mô tả lần đầu tiên vào năm 2006.

Từ nguyên[sửa | sửa mã nguồn]

Từ định danh cenderawasih được đặt theo tên gọi của vịnh Cenderawasih, nơi mà mẫu định danh của loài cá này được thu thập.[2]

Phạm vi phân bố và môi trường sống[sửa | sửa mã nguồn]

C. cenderawasih là một loài đặc hữu của Indonesia, và hiện chỉ được biết đến tại vịnh Cenderawasih (Indonesia), phổ biến hơn ở bờ đông của vịnh.[1] Loài này sinh sống tập trung gần các rạn san hô trên nền đá vụn ở độ sâu khoảng 22–75 m (thường được nhìn thấy ở độ sâu hơn 35 m).[3]

Mô tả[sửa | sửa mã nguồn]

Chiều dài lớn nhất được ghi nhận ở C. cenderawasih là 6,5 cm.[3] Vây đuôi cụt ở cá cái, nhưng lõm sâu với hai thùy đuôi phát triển ở cá đực. Vây bụng ngắn, không chạm tới gốc vây hậu môn khi khép vào bụng. Cá đực có màu hồng tím, nhạt hơn ở thân dưới và bụng, đặc trưng bởi 4–5 đốm đen lớn trên lưng và lan rộng sang vây lưng với một vệt màu vàng giữa thân. Cá cái phớt đỏ với một đốm đen trên cuống đuôi. Mống mắt màu đỏ ở cả hai giới.[4]

Số gai ở vây lưng: 11; Số tia vây ở vây lưng: 9; Số gai ở vây hậu môn: 3; Số tia vây ở vây hậu môn: 9; Số gai ở vây bụng: 1; Số tia vây ở vây bụng: 5; Số tia vây ở vây ngực: 15.[3]

Phân loại học[sửa | sửa mã nguồn]

C. cenderawasih có quan hệ họ hàng rất gần với Cirrhilabrus walindiCirrhilabrus marjorie. Cá cái của ba loài này có kiểu hình rất giống nhau nên khó mà phân biệt được. Việc xác định cá cái của loài nào thường được quan sát dựa vào sự xuất hiện của cá đực trong bầy nếu chúng có cùng phạm vi phân bố.[4] Cá đực của C. cenderawasihC. walindi có thể được phân biệt qua số lượng đốm đen trên lưng (chỉ có hai ở C. walindi).

Sinh thái học[sửa | sửa mã nguồn]

C. cenderawasih sống thành từng nhóm nhỏ, khoảng 10–20 cá thể, trong đó có khoảng 5 con đực trưởng thành. Thức ăn của chúng chủ yếu là các loài động vật phù du.[3]

Thương mại[sửa | sửa mã nguồn]

C. cenderawasih được thu thập trong ngành buôn bán cá cảnh nhưng không nhiều.[1]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b c Rocha, L. (2010). Cirrhilabrus cenderawasih. Sách đỏ IUCN về các loài bị đe dọa. 2010: e.T187543A8563451. doi:10.2305/IUCN.UK.2010-4.RLTS.T187543A8563451.en. Truy cập ngày 10 tháng 12 năm 2021.
  2. ^ Scharpf, Christopher; Lazara, Kenneth J. (2021). “Order Labriformes: Family Labridae (a-h)”. The ETYFish Project Fish Name Etymology Database. Truy cập ngày 10 tháng 12 năm 2021.
  3. ^ a b c d Ranier Froese và Daniel Pauly (chủ biên). Thông tin Cirrhilabrus cenderawasih trên FishBase. Phiên bản tháng 10 năm 2023.
  4. ^ a b Lemon T. Y. K. (8 tháng 5 năm 2015). “1.1 Fairy Wrasses: The lubbocki group”. Reef Builders. Truy cập ngày 10 tháng 12 năm 2021.

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]