Concerto cho violin (Mendelssohn)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Chân dung Mendelssohn, 1839

Concerto cho violon giọng Mi thứ, Op. 64 của Felix Mendelssohn là tác phẩm lớn cuối cùng của ông viết cho dàn nhạc giao hưởng. Tác phẩm này là một phần quan trọng trong danh sách biểu diễn của những tác phẩm viết cho đàn violon và là một trong những concerto cho violon được biểu diễn nhiều nhất từ xưa đến nay.[1][2][3] Một lần biểu diễn trung bình kéo dài khoảng gần nửa tiếng đồng hồ.

Lúc đầu Mendelssohn ngỏ ý về chuyện viết một violon concerto với Ferdinand David, một người bạn thân và là concertmaster của dàn nhạc Leipzig Gewandhaus. Mặc dù thai nghén từ năm 1838, nhưng sáu năm sau tác phẩm mới hoàn tất, và tới năm 1845 mới được công diễn lần đầu tiên. Trong suốt thời gian này, Mendelssohn giữ liên lạc thường xuyên với David, hỏi ý kiến của David về chuyện sáng tác bản concerto này. Đây là một trong những concerto cho violon lỗi lạc nhất của thời Lãng Mạn và đã có ảnh hưởng nhiều lên các sáng tác của nhiều nhà soạn nhạc khác.

Mặc dù bản violon concerto này gồm có ba chương theo cấu trúc tiêu chuẩn nhanh-chậm-nhanh và mỗi chương được viết theo dạng truyền thống, nhưng đây là một tác phẩm đầy sáng tạo và có nhiều yếu tố mới lạ đi trước thời đại. Có thể kể những điểm đặc biệt của concerto này là violon độc tấu bắt đầu ngay ở đầu chương một (thay vì phải chờ dàn nhạc chơi phần giới thiệu chủ đề chính của chương một trước, giống như những violon concerto của thời Cổ Điển) và toàn bộ tác phẩm được tạo thành một tổng thể, ba chương được nối với nhau không chỉ về giai điệu, hòa âm mà còn được trình bày liên tục không nghỉ giữa các chương.

Tác phẩm được đón nhận nồng nhiệt ngay từ đầu và sau đó nhanh chóng trở thành một trong những violon concerto vĩ đại nhất của mọi thời đại. Cho tới ngày nay concerto này vẫn được nhiều người ái mộ và phát triển danh tiếng thành một violon concerto cốt yếu mà mọi nghệ sĩ độc tấu violon có tham vọng đều muốn tinh thông, và thường là tác phẩm đầu tiên mà họ học trong số những violon concerto của thời Lãng Mạn. Rất nhiều nghệ sĩ violon chuyên nghiệp đã thu âm bản violon concerto này và nó được biểu diễn thường xuyên trong các buổi hòa nhạc hay các cuộc thi nhạc cổ điển.

Đôi khi tác phẩm cũng được gọi là Violon concerto số 2, để phân biệt với Violon concerto giọng Rê thứ (1821-1823) được "tái khám phá" bởi Yehudi Menuhin vào năm 1951.

Lịch sử[sửa | sửa mã nguồn]

Sau khi được bổ nhiệm làm chỉ huy trưởng của dàn nhạc Leipzig Gewandhaus vào năm 1835, Mendelssohn đã cho người bạn thuở thơ ấu của mình là Ferdinand David làm concertmaster của dàn nhạc. Nguồn gốc của tác phẩm được hình thành từ sự hợp tác chuyên nghiệp này. Trong bức thư ngày 30 tháng 7 năm 1838, Mendelssohn đã viết cho David: "Tôi rất muốn viết cho anh một concerto vào mùa đông tới. Một giai điệu Mi thứ cứ vang lên trong đầu tôi, giai điệu mở đầu của nó không để cho tôi yên."

Concerto mất sáu năm để hoàn thành. Có nhiều nguyên nhân cho sự trì hoãn này, bao gồm sự tự nghi ngờ bản thân, bản giao hưởng số 3, và một thời kì không vui vẻ ở Berlin theo yêu cầu của vua Frederick William IV của Phổ. Tuy vậy, Mendelssohn và David vẫn giữ liên lạc thường xuyên trong thời kì này, Mendelssohn luôn tìm lời khuyên về kĩ thuật và sáng tác từ David. Thực sự, đây là violon concerto đầu tiên sáng tác với sự tham gia của người được đề tặng và là một nghệ sĩ violon chuyên nghiệp, tạo tiền đề cho những sự hợp tác khác sau này. Bút tích để lại cho thấy tác phẩm hoàn thành ngày 16 tháng 9 năm 1844, nhưng Mendelssohn vẫn tiếp tục tìm lời khuyên từ David cho đến khi tác phẩm ra mắt. Concerto được biểu diễn lần đầu tại Leipzig vào ngày 13 tháng 3 năm 1845, với David là nghệ sĩ độc tấu, nhưng Mendelssohn bị ốm nên chỉ huy là nhà soạn nhạc Đan Mạch Niels Gade, một nhạc sĩ được Mendelssohn bảo trợ. Mendelssohn chỉ huy tác phẩm lần đầu vào này 23 tháng 10 năm 1845, David tiếp tục vai trò nghệ sĩ độc tấu.

Ferdinand David

Nhạc khí[sửa | sửa mã nguồn]

Concerto được soạn cho violon độc tấu và dàn nhạc giao hưởng tiêu chuẩn gồm có hai flute, hai oboe, hai clarinet, hai bassoon, hai horn, hai trumpet, timpani, và bộ dây.[3][4]

Chương[sửa | sửa mã nguồn]

Concerto gồm có ba chương:

  1. Allegro molto appassionato (Mi thứ)
  2. Andante (Đô trưởng)
  3. Allegretto non troppo – Allegro molto vivace (Mi trưởng)

Allegro molto appassionato[sửa | sửa mã nguồn]

12 – 14 phút

Thay vì phần tutti[5] của dàn nhạc, tác phẩm mở đầu bằng một giai điệu huyền ảo và gần như ngay lập tức bắt đầu bằng tiếng đàn violon độc tấu, giai điệu Mi thứ đã khiến Mendelssohn không thể nào yên. Theo sau một đoạn bravura[6] nhanh chóng được đẩy lên cao trào, dàn nhạc nhắc lại chủ đề mở đầu.

Giai điệu mở đầu của violin

Andante[sửa | sửa mã nguồn]

8 – 9 phút

Bassoon duy trì nốt Si từ hợp âm cuối của chương một trước khi chuyển lên thành bán âm tới Đô trung. Đây đóng vai trò là một sự chuyển khóa từ mở đầu Mi thứ thành chương chậm Đô trưởng trữ tình. Chương này có cấu trúc ba đoạn và gợi nhắc lại Những bài ca không lời của chính Mendelssohn. Chủ đề trở nên tăm tối hơn, phần giữa ở giọng La thứ được giới thiệu trước bởi dàn nhạc, kế tiếp violon nắm giữ cả giai điệu lẫn phần đệm cùng một lúc. Phần đệm tremolo đòi hỏi sự nhanh nhạy

khéo léo của nghệ sĩ độc tấu trước khi quay lại chủ đề chính Đô trưởng trữ tình, lần này dẫn đến một kết thúc thanh bình.

Chủ đề chính chương 2

Allegretto non troppo – Allegro molto vivace[sửa | sửa mã nguồn]

6 – 7 phút

Nối tiếp chương hai, một khúc chuyển đoạn dài 14 ô nhịp giọng Mi thứ chỉ dành cho violon độc tấu và bộ dây. Đây dẫn đến một chương kết sinh động và sôi nổi, toàn chương trong giọng Mi trưởng và mở đầu được đánh dấu bằng tiếng kèn lệnh của trumpet. Chương này nằm trong hình thức sonata rondo với một chủ đề mở đầu đòi hỏi sự nhanh nhẹn của người độc tấu.

Chủ đề mở đầu của phần Allegro molto vivace

Phân tích[sửa | sửa mã nguồn]

Concerto có nhiều đổi mới trong nhiều khía cạnh. Trong chương đầu tiên, Mendelssohn đã rời khỏi hình mẫu chuẩn mực của concerto Cổ Điển bằng nhiều cách thức, như sự bắt đầu gần như ngay lập tức của violon trong phần mở đầu, điều này xảy ra tương tự trong Piano concerto No.1 của ông. Dù chương đầu phần lớn vẫn theo hình thức sonata, Mendelssohn đã cho chủ đề chính được thể hiện bằng violon rồi mới đến dàn nhạc. Các concerto Cổ Điển thường mở đầu bằng dàn nhạc giới thiệu chủ đề chính trước tiên.

Khúc trổ ngón cũng rất cải tiến khi được viết riêng ra như một phần của bản concerto, được đặt trước phần tóm lược. Trong concerto Cổ điển, khúc trổ ngón được ứng tác bởi các nghệ sĩ độc tấu và thường nằm trong phần kết thúc của chương nhạc, sau phần tóm lược và chỉ ngay trước đoạn kết (coda) cuối cùng.

Concerto cũng nổi bật so với các concerto trước đó bởi tính liên kết của các chương. Không có đoạn nghỉ giữa chương một và chương hai, bassoon làm cầu nối giữa hai chương này. Đoạn nối giữa hai chương cuối cũng bắt đầu gần như ngay lập tức sau chương chậm. Giai điệu giống như phần mở đầu, thể hiện kết cấu vòng của tác phẩm. Sự kết nối này nhằm loại bỏ việc vỗ tay giữa các chương. Đây có lẽ là một bất ngờ lớn cho khán giả của Mendelssohn, không như khán giả ngày nay, thường vỗ tay hoan hô giữa các chương nhạc.

Concerto cũng yêu cầu vai trò của nghệ sĩ độc tấu chỉ là người đệm cho dàn nhạc trong những phần mở rộng, ví dụ như những hợp âm rải lúc bắt đầu phần tóm lược. Đó là những điều quá mới lạ cho một violon concerto thời kì đó.

Di sản[sửa | sửa mã nguồn]

Violon concerto của Mendelssohn đã tạo ảnh hưởng lên nhiều concerto của nhiều nhà sọan nhạc khác. Những nhà sọan nhạc này thường dùng những đặc điểm của concerto này trong concerto của họ.[7] Điều này dẫn tới việc violon concerto của Mendelssohn là concerto được mượn ý tưởng nhiều nhất xưa nay.[1]

Ví dụ như phần khúc trổ ngón được đặt trước phần tóm lược đã ảnh hưởng lên violon concerto của Tchaikovsky (phần trổ ngón cũng ở vị trí tương tự) hay Sibelius (phần trổ ngón dùng để nối dài phần phát triển).[8] Thêm vào đó, từ concerto này trở đi, rất ít khi nhà soạn nhạc để ngỏ không viết phần trổ ngón và để cho nghệ sĩ độc tấu chơi theo ý họ, giống như thời của MozartBeethoven.[7] Sự nối kết giữa ba chương cũng ảnh hưởng lên những concerto khác, ví dụ như Piano Concerto số 2 của Liszt.[8]

Violon concerto của Mendelssohn đạt thành công ngay lập tức, được hoan nghênh đón nhận trong những lần công diễn đầu tiên bởi khán giả và những nhà phê bình âm nhạc đương thời.[9] Tới cuối thể kỷ XIX thì concerto này đã được công nhận là một trong những violon concerto vĩ đại nhất.[8] Nó trở thành một trong những tác phẩm được ưa chuộng nhất của Mendelssohn, và vẫn được thường xuyên biểu diễn cho tới nay. Năm 1906, một năm trước khi qua đời, nghệ sĩ violon nổi tiếng Joseph Joachim tuyên bố với khách tới dự tiệc sinh nhật 75 tuổi của ông:[4]

Danh tiếng của bản concerto đã đưa nó lên thành một tác phẩm quan trọng cho mọi nghệ sĩ violon bậc thầy với tham vọng muốn chinh phục. Điều đó khiến cho concerto này gần như có trong mọi danh mục thu âm của các nghệ sĩ violon, bao gồm cả những người chỉ hoạt động trong buổi bình minh của công nghệ thu âm và những người còn rất ít bản thu âm còn sót lại, như Eugène Ysaÿe. Dù vậy, concerto này vẫn là một thách thức kĩ thuật và được đánh giá rộng rãi là một tác phẩm khó như nhiều concerto khác.

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b “BBC Mendelssohn Profile”. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 6 năm 2007. Truy cập ngày 26 tháng 4 năm 2007.
  2. ^ Dane, J. Facility & Mastery: Felix Mendelssohn. University of Chicago. Truy cập ngày 28 tháng 4 năm 2007.
  3. ^ a b Mendelssohn, F. Violin Concerto in E minor, Op. 64, Dover Miniature Scores (1999)
  4. ^ a b Steinberg, M. The Concerto: A Listener's Guide, OUP (1998)
  5. ^ Tất cả cùng chơi
  6. ^ Nghệ sĩ độc tấu thể hiện kỹ năng điêu luyện của mình
  7. ^ a b Kerman, J. Concerto Conversations, HUP (1999)
  8. ^ a b c Keefe, S. P. The Cambridge Companion to the Concerto, CUP (2005)
  9. ^ Mendelssohn, F. Violin Concerto in E minor, Op. 64, Eulenberg Miniature Scores

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]

Bản mẫu:Mendelssohn concertos