Dương Văn Hiếu

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Dương Văn Hiếu (không rõ năm sinh, biệt danh Hùm xám của Chế độ) là người chỉ huy Đoàn Công tác Đặc biệt Miền Trung, cơ quan tình báo, phản gián của Ngô Đình Cẩn, vào những năm đầu của nền Đệ Nhất Cộng Hòa.

Dương Văn Hiếu sinh tại Hà Nam, trong một gia đình trung lưu, học trường trung học Louis Pasteur và Thăng Long, Hà Nội. Ông có bằng trung học đệ nhất cấp (tức bằng Thành Chung, tương đương lóp 9) là Diplôme d’Études Primaires Supérieures Indochinoises (DEPSI).

Sau Hiệp định Genève năm 1954, ông được Võ Như Nguyện, Giám đốc Công an Trung Phần tuyển vào ngành công an. Giữa năm 1957, ông giữ chức Trưởng ban Khai thác Nha Công an Cảnh sát Trung nguyên Trung phần, sau đó trở thành Trưởng ty Công an Tỉnh Thừa Thiên và Đô thị Huế. Giữa 1957, Dương Văn Hiếu được bổ nhiệm Trưởng Đoàn Công tác Đặc biệt Miền Trung.

Dưới sự chỉ huy của Dương Văn Hiếu, Đoàn Công tác Đặc biệt Miền Trung từng bắt ông Mười Hương[1] vào tháng 06/1958,[2] Vũ Ngọc Nhạ[3] vào tháng 12/1958, Lê Hữu Thúy[4] vào năm 1959, Nguyễn Vĩnh Nghiệp[5] vào năm 1960 và đại tá Lê Câu,[6] người chỉ huy chỉ huy Quân báo Miền Nam của Hà Nội vào năm 1961.[7] Đoàn Công tác Đặc biệt Miền Trung cũng từng theo dõi Phạm Ngọc Thảo[8] và đề nghị tổng thống Ngô Đình Diệm lưu ý tới Thảo.

Năm 1962, Dương Văn Hiếu được bổ nhiệm làm phụ tá Tổng Giám đốc Cảnh Sát Công An đặc trách Khối Cảnh Sát Đặc Biệt, dưới quyền tổng giám đốc Nguyễn Văn Y.

Sau cuộc đảo chính ngày 1/11/1963, Dương Văn Hiếu bị bắt, điều tra, và bị kết án khổ sai chung thân đày ra Côn đảo. Đến năm 1964, một năm sau, thì Dương Văn Hiếu được phóng thích và phải hành nghề mua bán thuốc tây để sinh sống. Sau năm 1968, Dương Văn Hiếu có một thời gian làm việc cho Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo nhưng không được trọng dụng nên ông bỏ việc.

Đêm 28 tháng 4 năm 1975, Dương Văn Hiếu cùng người con trai lớn rời Việt Nam trên một chiếc tàu Hải quân Việt Nam Cộng Hòa cùng với Trung tướng Nguyễn Văn Là, cựu Tổng Giám đốc Cảnh sát Quốc gia. Sau khi định cư ở Hoa Kỳ, năm 1989, vợ ông cùng 8 người con còn lại được phép sang đoàn tụ với ông tại San Jose, California.

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Người chỉ huy mạng lưới tình báo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chống Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa trong chiến tranh Việt Nam.
  2. ^ “Người đối đầu với Ngô Đình Cẩn”. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 11 năm 2012. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2012.
  3. ^ Nhân vật chủ chốt trong vụ án cụm tình báo A.22 làm rung động chính trường Sài Gòn vào cuối năm 1969. Nguyên mẫu nhân vật chính trong tiểu thuyết Ông Cố vấn
  4. ^ Anh hùng lực lượng vũ trang, một tình báo viên chiến lược trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Nổi tiếng với vụ án cụm tình báo A.22 làm rung động chính trường Sài Gòn vào cuối năm 1969. Nguyên mẫu của nhân vật chính trong tiểu thuyết Điệp viên giữa Sa mạc lửa
  5. ^ Anh hùng Lao động của Việt Nam, Nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
  6. ^ Trước 1954, quân hàm thiếu tá, chỉ huy Quân báo tại các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, Đà Nẵng, Quảng Nam. Năm 1961, bị Đoàn Đặc nhiệm Miền Trung bắt khi rời căn cứ về Sài Gòn, gặp Phạm Bá Lương để nhận tài liệu mật. Phạm Bá Lương làm việc tại Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng Hòa với chức vụ Công cán Ủy viên thời ông Vũ Văn Mẫu làm ngoại trưởng. Sau 1975, Lê Câu giữ chức vụ Tổng Thanh tra Công an
  7. ^ “Biến Động Miền Trung”. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 1 năm 2010. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2012.
  8. ^ Nhà tình báo, đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam và cũng là đại tá Quân lực Việt Nam Cộng hòa.

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  • Lâm Lễ Trinh, CUỐI CÙNG, DƯƠNG VĂN HIẾU LÊN TIẾNG
  • Văn Phan, Đoàn mật vụ của Ngô Đình Cẩn, Nhà xuất bản Công an Nhân dân, 1989