Bước tới nội dung

Gia tộc Uesugi

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Gia tộc Uesugi
上杉氏
Huy hiệu (mon) của gia tộc Uesugi
Nguyên quánTamba
Echigo
Dewa
Gia tộc mẹHokke (Fujiwara)
Tước hiệuNhiều tước hiệu khác nhau
Người sáng lậpUesugi Shigefusa
Người đứng đầu hiện tạiUesugi Kuninori
Thành lậpcuối thế kỷ 13
Sụp đổvẫn còn tồn tại
Cai trị đến1868 (Phế phiên lập huyện)
Chi tộc nhánhŌgigayatsu Uesugi
Inukake Uesugi
Yamanouchi Uesugi

Gia tộc Uesugi (上杉氏 (Thượng Sam thị) Uesugi-shi?) là một gia tộc samurai Nhật Bản, bắt nguồn từ gia tộc Fujiwara và đặc biệt đáng chú ý do sức mạnh của họ trong thời kỳ Muromachithời kỳ Sengoku (khoảng thế kỷ 14-17).

Gia tộc bị chia tách thành ba nhánh, các nhà Ōgigayatsu, Inukake và Yamanouchi Uesugi, vốn vẫn tự hào về sức ảnh hưởng đáng kể của mình. Nổi tiếng nhất trong nhà Uesugi có lẽ là Uesugi Kenshin (1530-1578), một trong các lãnh chúa lớn dưới thời Sengoku. Tên của gia đình này đôi khi được viết là Uyesugi, nhưng đây chỉ là phiên âm tiếng kana cổ; âm "ye" không còn được dùng trong tiếng Nhật hiện đại nữa.

Nguồn gốc và thời kỳ Muromachi

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong suốt thế kỷ 13, Kanjūji Shigefusa, hậu duệ đời thứ 13 của Fujiwara no Yoshikado, Daijō Daijin vào thế kỷ thứ 9 (và là người đầu tiên lấy cái tên Kanjûji), lấy họ là "Uesugi" khi định cư tại nơi có cái tên này ở tỉnh Tango.

Mẹ của Shogun Ashikaga Takauji (1305-1358) là con gái của Uesugi Yorishige và cháu gái của Shigefusa. Cả ba nhánh của nhà Uesugi đều là hậu duệ của Uesugi Yorishige.

Trong suốt thời đại Muromachi, các thành viên của gia tộc này được bổ nhiệm là shugo (thủ hộ, lãnh chúa đồng thời là quan cai trị một tỉnh của Nhật thời Muromachi, sang thời Mạc phủ Edo gọi là Đại danh) và luôn đảm nhiệm vị trí Kantō Kanrei (đại diện của shogun ở vùng Kantō).

Họ có quyền lực ở vùng Kantō lớn đến mức năm 1449, Kanrei Ashikaga Shigeuji âm mưu muốn giết người đại diện họ Uesugi của mình, để giảm bớt quyền lực nếu không muốn nói là tiêu diệt gia đình này. Nhà Uesugi đứng lên chống lại và đuổi Shigeuji khỏi vùng, thỉnh cẩu Mạc phủ ở Kyoto chọn một Kanrei khác. Sự phát triển này khiến gia đình Uesugi đặc biệt mạnh ở vùng Kantō, thậm chí còn hơn trước nhiều, gia tộc nhanh chóng mở rộng, lớn mạnh và chia thành ba nhánh, được đặt tên theo nơi họ sống. Nhà Ōgigayatsu đóng ở lâu đài Kawagoe, ở tỉnh Musashi, trong khi nhánh Yamanouchi ở Hirai, tỉnh Kozuke. Nhánh thứ ba, Inukake, cũng xây dựng một lâu đài ở trong vùng.

Ba nhánh này bắt đầu đánh lẫn nhau để tranh giành quyền kiểm soát gia tộc và địa phương gần như ngay khi việc chia tách diễn ra, những trận chiến căng thẳng diễn ra trong 25 năm sau đó, cho đến khi kết thúc chiến tranh Ōnin vào khoảng năm 1477, dẫn đến sự chấm dứt của chế độ Mạc phủ. Mặc dù hai nhánh Ōgigayatsu và Yamanouchi đều còn tồn tại sau cuộc giao tranh, nhưng nhánh Inukake bị tiêu vong.

Thời kỳ Sengoku và Edo

[sửa | sửa mã nguồn]

Theo truyền thống, nhà Ōgigayatsu dựa vào gia tộc Ōta, trong khi nhà Yamanouchi dựa vào gia tộc Nagaotỉnh Echigo như là cột trụ sức mạnh của mình. Ōta Dōkan, một chư hầu của Ōgigayatsu Uesugi, ít hơn những người họ hàng Yamanouchi của mình nhiều, đã trợ giúp cho họ rất nhiều khi xây dựng lâu đài Edo trong những năm 1450. Mặt khác, Nagao Tamekage, đốc quân ở Kamakura trong thập kỷ đầu của thế kỷ 16 lại liên minh với Hōjō Sōun, người sau này trở thành kẻ thù hùng mạnh nhất của nhà.

Sự mở rộng của Hōjō vào vùng hạ Kantō buộc hai nhánh của nhà Uesugi phải liên minh lại với nhau. Năm 1537, Kawagoe rơi vào tay Hōjō Ujitsuna. Sau đó năm 1545, cả hai nhánh của nhà Uesugi đều bị đánh bại, và cố khôi phục lại quyền lực của mình. Tuy vậy, nhánh Ōgigayatsu chấm dứt với cái chết của Uesugi Tomosada, trong khi đang cố chiếm lại lâu đài Kawagoe cùng năm đó. Uesugi Norimasa, thành chủ của lâu đài Hirai, mất năm 1551 dấy binh với thuộc hạ của mình, Nagao Kagetora ở Echigo. Kagetora sau đó lấy cái tên "Uesugi" sau chiến dịch đánh lại nhà Hōjō ở tỉnh Sagami; ông sau này sẽ lấy cái tên Uesugi Kenshin, và trở thành một trong những tướng quân nổi tiếng nhất của thời kỳ Sengoku, chiến đầu với nhà Hōjō và Takeda Shingen để giành quyền kiểm soát vùng Kantō.

Cuối thời Sengoku, con nuôi Uesugi Kagekatsu của Kenshin, sau này trở thành tộc trưởng, đứng về phe Ishida Mitsunari trong trận Sekigahara. Kết quả của việc ở trong phe thất trận trong trận đánh này, nhà Uesugi sau đó bị suy giảm nhiều quyền lực. Ông được cấp cho lãnh địa tozama Yonezawa (300.000 koku) ở tỉnh Dewa, vùng Tōhoku cực Bắc đảo Honshu.

Nhiều nghiên cứu đã được tiến hành về kinh tế của Yonezawa vào thời Edo, đặc biệt là của Mark Ravina. Yonezawa khác xa so với thủ đo, với quyền kiểm soát chính trị từ Mạc phủ rất yếu, cũng ít giao thương và đô thị hóa. Yonezawa là một lãnh địa dựa chủ yếu vào nông nghiệp, biến nó trở thành một ví dụ điển hình về việc phát triển nông nghiệp và xã hội trong giai cấp nông dân thời kỳ này.

Bất chấp nông nghiệp tiến bộ và sự phát triển cao ở thế kỷ 17, Yonezawa cũng như phần lớn các vùng khác trong nước, phải chịu sự suy thoái đáng kể sau năm 1700; nó có thể đã lâm vào nạn đói và suy sụp. Thu koku của daimyo Uesugi bị mất một nửa vào năm 1664, nhưng gia tộc này vẫn tiếp tục tiêu xài như cũ, duy trì mức sống như các lãnh chúa khác. Yonezawa, giống như nhiều lãnh địa khác, lâm vào cảnh nợ nần, và đặc biệt khốn khó khi bị nạn đói tấn công trong những năm 1750. Tình hình tồi tệ đến mức năm 1767, daimyo Uesugi Shigesada còn cân nhắc việc trả lãnh địa này lại cho Mạc phủ. Thay vào đó, ông để người con trai nuôi của mình Uesugi Harunori tiếp quản vị trí daimyo; qua những cải cách nông nghiệp và đạo đức, và hàng loạt các chính sách khắt khe, Harunori đã làm hồi sinh miền đất này. Năm 1830, gần 10 năm trước khi Harunori qua đời, Mạc phủ đã biểu dương Yonezawa như một ví dụ về việc cai trị tốt.

Minh Trị Duy Tân năm 1868 khiến hệ thống các ‘’han’’ sụp đổ, và đó là sự chấm dứt của các lãnh địa, lãnh chúa phong kiến và tầng lớp samurai.

Một số nhân vật đáng chú ý của nhà Uesugi

[sửa | sửa mã nguồn]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Frederic, Louis (2002). "Japan Encyclopedia." Cambridge, Massachusetts: Harvard University Press.
  • Mark Ravina (1995). "State-Building and Political Economy in Early-Modern Japan," Journal of Asian Studies 54.4.
  • Sansom, George (1961). "A History of Japan: 1334-1615." Stanford, California: Stanford University Press.
  • Sansom, George (1963). "A History of Japan: 1615-1867." Stanford, California: Stanford University Press.