Dòng họ Bùi ở Thịnh Liệt

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Dòng họ Bùi ở làng Thịnh Liệt hoặc Họ Bùi làng Sét,[1] là một dòng họ khoa bảng có truyền thống lâu đời ở Việt Nam,[2] đã đóng góp nhiều nhân vật quan trọng cho các triều đại phong kiến Việt Nam trong thời gian từ đầu thế kỷ 15 đến đầu thế kỷ 20,[3] cũng như nhiều văn hào, tác gia… của nền văn hóa Việt Nam trong năm thế kỷ đó.[4][5] Gia tộc này đã được nhắc đến trong nhiều sách và tài liệu như Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn, Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú,...

Nguồn gốc[sửa | sửa mã nguồn]

Dựa theo gia phả Bùi Thị Gia phả do Bùi Huy Bích ghi chép lưu trữ tại Viện Hán Nôm thì nguồn gốc của họ Bùi làng Thịnh Liệt là từ làng Cát Xuyên, huyện Hoàng Hóa, phủ Hà Trung, trấn Thanh Hóa (nay là huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa).[6][7][8] Viễn tổ của dòng họ (khuyết tên) gia tộc này vốn làm nghề thuốc,[5] di cư đến Xã Định Công, huyện Thanh Đàm (sau này là Thanh Trì), phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng (gần thành Thăng Long). Sau đó chuyển sang xã Thịnh Liệt cư trú tại đây, khu vực cư trú sau thành thôn Bùi Đông, sau đó có tên là Làng Giáp Nhị gắn bó với lịch sử của dòng họ này.[7]

Viễn tổ có tên hiệu Chí Đức, sống trong khoảng từ cuối thế kỷ 14 đến giữa thế kỷ 15 và là người đã mang gia đình từ Thanh Hóa đến gần Thăng Long. Ông nổi tiếng khi còn trẻ là một người có sức khỏe phi thường và biết võ nghệ. Theo truyện kể lại thì ông đã một mình đánh đuổi một đàn trâu rừng để cứu con gái của Hoàng Công Thục – một võ tướng của nhà Trần. Vì công này, tướng Hoàng Công Thục gả con gái của mình. Bà Ngọc Trân cũng còn là cháu ngoại của vua Trần khi đó.[9]

Viễn tổ Chí Đức sinh con trai là Trung Thức. Theo truyện kể lại thì có một người Trung Hoa thông hiểu về phong thủy, vì muốn trả ơn cho Trung Thức, đã đề nghị cho Trung Thức hai vùng phúc địa – một vùng sẽ tạo ra một vị vua trong các người con cháu, còn vùng kia sẽ tạo ra nhiều thế hệ có nhiều danh nhân – và Trung Thức đã chọn vùng phúc địa thứ hai. Nghe theo lời, Trung Thức dọn gia đình sang làng Thịnh Liệt, lúc đó chỉ là một khu đầm lầy với gia đình của Cao Lệnh công đang ở. Sau khi dọn sang Thịnh Liệt, Trung Thức lấy con gái họ Cao là Cao Thục Tịnh. Về sau, khi gia đình trở nên quý hiển có nhiều con cháu làm quan trong triều, Trung Thức được vua nhà Hậu Lê phong tước Diễn Phúc bá, chức Tả thị lang và tên hiệu là Tả Dụ; do đó Trung Thức còn được biết với tên Tả Dụ.

Danh nhân[sửa | sửa mã nguồn]

Từ khi định cư tại làng Thịnh Liệt, gia tộc họ Bùi này đã đóng góp nhiều nhân vật trong lịch sử Việt Nam.[10] Số người làm quan trong dòng họ rất nhiều nhưng các người giữ chức vụ quan trọng và tiêu biểu trong triều đình là các người sau đây:[11][7]

  • Bùi Xương Trạch (1451-1529): con trai lớn của Diễn Phúc bá Tả Dụ (hay Trung Thức). Ông làm quan trong triều nhà Hậu Lê, giữ các chức vụ như Đông các Học sĩ, Thượng thư bộ Binh, Tế tửu Quốc Tử Giám... cũng như Thượng thư Trưởng Lục bộ (một chức vụ quan trọng điều khiển cả sáu bộ, tương đương như Tể tướng) kiêm Đô ngự sử, và được vua phong tước Quảng Văn hầu. Ông nổi tiếng thanh liêm, được nhiều người kính phục và được nhắc đến trong nhiều tài liệu lịch sử. Khi chết ông được phong tặng chức Thái phó, tước Quảng Quốc công và tên hiệu là Văn Lượng.
  • Quan Quốc Tử Giám bạ (1464-1552): em cùng cha khác mẹ của Bùi Xương Trạch; không rõõtên, chỉ biết qua tên của chức vụ vì ông giữ chức Giám bạ cho Quốc Tử Giám. Ông đỗ kỳ thi Hương năm 1492 và sau đó vào đến tam trường cho thi Hội nhưng không đỗ tiến sĩ.
  • Bùi Trụ (khoảng từ đầu đến giữa thế kỷ 16): con trai lớn của Bùi Xương Trạch. Ông làm quan đến chức Thượng thư bộ Hộ. Khi chết ông được phong tặng chức Thái bảo, tước Kính Quận công.
  • Bùi Vịnh (1508-1545): con trai thứ của Bùi Xương Trạch. Ông làm quan đến chức Tả Thị lang bộ Hộ kiêm Tả Xuân phường, sau này đến chức Đông các Đại học sĩ, tước Mai Lĩnh hầu. Khi chết ông được phong tặng chức Thái bảo, tước Mai Quận công.
  • Bùi Bỉnh Uyên (1520-1613): con của Bùi Vịnh; đỗ thi Hương nhưng không đi thi Hội vì đang có tang. Ông đã làm quan lúc ban đầu với nhà Mạc nhưng cùng bác là Bùi Trụ và cha vợ là Lê Bá Ly vào Thanh Hóa năm 1550 để lập lại nhà Lê. Sau này ông làm quan đến các chức Thượng thư Bộ binh, Tham tụng..., và được phong tước Tiên Quận công. Ông làm quan trong ba đời vua Lê và bốn đời chúa Trịnh; tất cả bảy người con của ông đều là võ tướng được phong tước.
  • Bùi Bỉnh Quân (1580-1630): cháu bốn đời của Bùi Xương Trạch, làm quan đến chức Phụng thiên Phủ doãn. Ông chết trong khi đi sứ nhà Minh và được phong tặng chức Hữu Thị lang.
  • Bùi Bỉnh Trục (1730-1815): làm quan đến chức Tự thừa.
  • Bùi Huy Bích (1744-1818): cháu bảy đời của Bùi Xương Trạch, làm quan đến các chức Đốc đồng Nghệ An, Tham tụng... và được phong tước Kế Liệt hầu. Sau khi dẹp yên nạn kiêu binh năm 1785, ông được phong chức Đồng binh Chương sự kiêm Tham tụng, nhưng ông từ chối để về hưu.
  • Bùi Phổ (1776-1836): làm quan đến chức Thượng thư bộ Hình.
  • Bùi Bành (1866-1935): giữ chức Án sát của nhiều tỉnh cũng như Hiệp lý Hà Nội và Tuần phủ Yên Bái dưới thời nhà Nguyễn.

Các bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn ghi tên của bốn vị tiến sĩ của dòng họ này:

Số người đỗ cử nhân trong các kỳ thi Hương cũng khoảng 20 người, như: Bùi Trụ, Bùi Bỉnh Uyên, Bùi Xuân Nghị, Bùi Xương Tự, Bùi Nhữ Tích, Bùi Ngạn Cơ, Bùi Phổ, Bùi Bành...

Ngoài ra, dòng họ này cũng đóng góp rất nhiều vào văn hóa và văn học Việt Nam với các tác gia. Nổi tiếng nhất là Bùi Huy Bích (Tồn am thi văn tập, Hoàng Việt thi tuyển, Hoàng Việt văn tuyển,...), Bùi Bỉnh Trục (Đản Trai trích đối, Đản Trai công thi tập), Bùi Phổ (Mão Hiên văn tập, Mão Hiên chuyết bút, Bùi thị gia phả...); sau đó là Bùi Vịnh (Đế đô hình thắng, Cung trung bảo huấn), Bùi Nhữ Tích (Minh đô thi), Bùi Xương Trạch (bài ký đình Quảng Văn tại cửa Đại Hưng của thành Thăng Long); và nhiều văn hào khác.

Trong sách Danh nhân Hà Nội có nhắc đến Bùi Liêm cũng thuộc gia tộc này. Bùi Liêm (1881-1916) là cháu 10 đời của quan Quốc Tử Giám bạ. Trong thời gian Pháp thuộc, ông tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thụcphong trào Đông du của Phan Bội Châu.[15] Năm 1912, ông sang Trung Quốc để gia nhập Việt Nam Quang Phục Hội. Ông bị bắt khi trở về nước năm 1915 và bị xử bắn vào ngày 8 tháng 11 năm 1916.[16]

Trong số các làng văn hiến tại Bắc Việt, làng Giáp Nhị - Thịnh Liệt là một trong số ít những làng có cả văn chỉ lẫn thọ chỉ. Thọ chỉ, giống như văn chỉ, là một gò đất lộ thiên có văn bia (để phần biệt với văn từ và thọ từ) trong cuộc trấn hưng Nho giáo thời Lê trung hưng do Tham tụng Bùi Huy Bích chấp chính đề xướng dùng để tôn vinh Nho giáo, các danh nhân khoa bảng, Thọ chỉ để tôn vinh các người lớn tuổi – từ 70 tuổi hay hơn nhưng đặc biệt là các người thọ bách niên.

Nhà thờ của họ Bùi trong làng được vua Lê Hiển Tông phong một bức hoành phi có bốn chữ "Sơn Nam Vọng Tộc" treo ở cửa từ đường để chỉ một dòng họ nhiều danh vọng của trấn Sơn Nam.[17][18][19][20] Trấn Sơn Nam lúc đó bao gồm các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hà NamHà Đông.

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Nguyễn, Thị Hiền (2008). “Hệ thống thể loại trong tác phẩm Hoàng Việt văn tuyển của Bùi Huy Bích”. Thông báo Hán Nôm: 354. ISSN 1022-8640.
  2. ^ Tăng, Chánh Tín (25 tháng 9 năm 2015). “Văn hóa dòng họ ở Đà Nẵng: Những vấn đề lý luận và thực tiễn”. Tạp chí Khoa học xã hội, Nhân văn và Giáo dục. 5 (3): 92. ISSN 1859-4603 – qua UED Journal of Social Sciences, Humanities and Education.
  3. ^ Nhiều tác giả (2003). Tạp chí văn học. Hà Nội: Viện Văn học. 151–156: 77 – qua Google Books. |title= trống hay bị thiếu (trợ giúp)
  4. ^ Dương Thiệu Tống (2000). Tâm trạng Dương Khuê Dương Lâm. Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội. tr. 18. OCLC 470974889.
  5. ^ a b Bùi Xuân Đính, Nguyễn Viết Chức (2004). Các làng khoa bảng Thăng Long-Hà Nội. Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia. tr. 446. OCLC 60590452.Quản lý CS1: sử dụng tham số tác giả (liên kết)
  6. ^ Trần Hoà (27 tháng 3 năm 2023). “Vị đại khoa nhận tin báo đỗ khi đang cày ruộng”. Giáo dục & Thời đại. Truy cập ngày 10 tháng 7 năm 2023.
  7. ^ a b c AnhThu (16 tháng 12 năm 2006). “Dòng họ Bùi danh tiếng ở làng Giáp Nhị, Thịnh Liệt”. Hànộimới. Truy cập ngày 24 tháng 6 năm 2023.
  8. ^ Vĩnh Thịnh (8 tháng 5 năm 2019). “Thanh Hóa - Thăng Long: "Mối lương duyên nghìn năm". Báo Thanh Hóa. Truy cập ngày 17 tháng 7 năm 2023.
  9. ^ Nguyễn Tô Hoài (11 tháng 4 năm 2022). “Một dòng họ khoa bảng trên đất Thăng Long - Hà Nội”. Người Hà Nội. Truy cập ngày 24 tháng 6 năm 2023.
  10. ^ Nguyễn Văn Hiệu, Hoàng Văn Lễ, Võ Văn Sen, Mạc Đường (2015). Văn hóa gia đình dòng họ và gia phả Việt Nam. Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. tr. 562. OCLC 945618276.Quản lý CS1: sử dụng tham số tác giả (liên kết)
  11. ^ HongHai (10 tháng 2 năm 2004). “Làng Giáp Nhị”. Hànộimới. Truy cập ngày 24 tháng 6 năm 2023.
  12. ^ “6- VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA MẬU TUẤT NIÊN HIỆU HỒNG ĐỨC NĂM THỨ 9 (1478)”. Viện nghiên cứu Hán Nôm. 25 tháng 1 năm 2009. Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2023.
  13. ^ “30- VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA KỶ MÙI NIÊN HIỆU HOẰNG ĐỊNH NĂM THỨ 20 (1619)”. Viện Nghiên cứu Hán Nôm. 22 tháng 1 năm 2009. Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2023.
  14. ^ “78- VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA KỶ SỬU NIÊN HIỆU CẢNH HƯNG NĂM THỨ 30 (1769)”. Viện Nghiên cứu Hán Nôm. 19 tháng 1 năm 2009. Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2023.
  15. ^ Nguyễn, Văn Uẩn (1995). Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX. 3. Hà Nội: Nhà xuất bản Hà Nội. tr. 795. OCLC 34850276.
  16. ^ Thái Doãn Hiểu, Hoàng Liên (1997). Giai thoại kẻ sĩ Việt Nam. Hà Nội: Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc. tr. 998. OCLC 44811848.Quản lý CS1: sử dụng tham số tác giả (liên kết)
  17. ^ Vũ, Khiêu (2004). Danh nhân Hà Nội. Hà Nội: Nhà xuất bản Hà Nội. tr. 342. OCLC 58535486. Ở nhà thờ họ Bùi, chi Giáp, tại làng Nhị tức làng Giáp Nhị nay thuộc xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì có bức hoành phi đề 4 chữ “Sơn Nam vọng tộc ” (họ có danh vọng tại đất Sơn Nam).
  18. ^ Bùi Việt Mỹ (2005). Ấn tượng Thăng Long-Hà Nội. Hà Nội: Nhà xuất bản Lao động. tr. 378. OCLC 255525469. Nhà thờ tổ Bùi Huy Bích có những đồ tự, gian thờ chính có hoành phi với 4 chữ lớn: Sơn Nam Vọng Tộc dòng họ có tiếng, được trọng vọng ở đất Sơn Nam...
  19. ^ Lại, Văn Hùng (2000). Dòng vǎn Nguyễn Huy ở Trường Lưu. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học xã hội. tr. 273. OCLC 49520767.
  20. ^ Vũ, Tuân Sán (2007). Hànội xưa & nay. Hà Nội: Nhà xuất bản Hội nhà văn. tr. 400. OCLC 166889273.
  • Bùi Đăng Thái, 600 năm họ Bùi – Giáp Nhị - Thịnh Liệt trong tạp chí Họ Bùi Việt Nam, tập 4, tháng 12 năm 2005
  • Anh Chi, Dòng họ Bùi danh tiếng ở làng Giáp Nhị, Thịnh Liệt, trong tạp chí Hà Nội Mới, 16 tháng 12 năm 2006