Giảng viên

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Giảng viên

Giảng viên là công chức chuyên môn đảm nhiệm việc giảng dạy và đào tạo ở bậc đại học, cao đẳng thuộc một chuyên ngành đào tạo của trường đại học hoặc cao đẳng. Giảng viên chính là công chức chuyên môn đảm nhiệm vai trò chủ chốt trong giảng dạy và đào tạo ở bậc đại học, cao đẳng và sau đại học, thuộc một chuyên ngành đào tạo của trường đại học, cao đẳng.

Ứng viên dự thi vào ngành Giảng viên chính phải có đủ tiêu chuẩn theo quy định như: Có học vị thạc sĩ,là nhà giáo được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch giảng viên (mã số 15.111),hệ số lương 3.66, trực tiếp giảng dạy ở các cơ sở giáo dục ĐH từ đủ chín năm trở lên - tính từ thời điểm được bổ nhiệm vào ngạch giảng viên đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ dự thi;Có đề án hoặc công trình sáng tạo được cấp khoa hoặc trường công nhận và được áp dụng có kết quả trong chuyên môn được hội đồng sơ tuyển của các cơ sở giáo dục ĐH trực tiếp quản lý xét duyệt theo chỉ tiêu được phân bổ và thủ trưởng cơ sở giáo dục ĐH có văn bản cử đi dự thi gửi về hội đồng thi của cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi.Hình thức thi nâng ngạch gồm: thi viết (trắc nghiệm và tự luận), thi vấn đáp; đối với môn tin học, ứng viên phải làm bài thi thực hành trên máy tính,môn Ngoại ngữ thi trình độ C hoặc một trong các thứ tiếng Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc, gồm các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Ứng viên là giảng viên ngoại ngữ phải thi ngoại ngữ 2 là một trong bốn thứ tiếng trên không thuộc chuyên môn chính đang giảng dạy.

  • Ngạch Giảng viên cao cấp:Là công chức chuyên môn cao nhất đảm nhiệm vai trò chủ trì, tổ chức chỉ đạo và thực hiện giảng dạy và đào tạo ở bậc đại học và sau đại học, chuyên trách giảng dạy về một chuyên ngành đào tạo ở trường đại học.

Ứng viên dự thi vào ngạch này phải có đủ tiêu chuẩn theo quy định như:Có học vị tiến sĩ,là nhà giáo được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch phó giáo sư - giảng viên chính (mã số 15.110), đang trực tiếp giảng dạy ở trường ĐH, CĐ từ đủ sáu năm - tính từ ngày có quyết định bổ nhiệm ngạch giảng viên chính hoặc ở chức danh phó giáo sư từ đủ ba năm trở lên - tính từ ngày có quyết định bổ nhiệm phó giáo sư hoặc giảng viên chính - đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ dự thi; có đủ điều kiện về chức trách, hiểu biết và yêu cầu trình độ theo quy định hiện hành về tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch giảng viên cao cấp;Có tối thiểu 3 đề án hoặc công trình khoa học sáng tạo được Hội đồng khoa học Trường đại học hoặc ngành công nhận và đưa vào áp dụng có hiệu quả được hội đồng sơ tuyển của cơ sở giáo dục ĐH trực tiếp quản lý xét duyệt.Hình thức thi nâng ngạch gồm: thi viết (trắc nghiệm và tự luận), thi vấn đáp; đối với môn tin học, ứng viên phải làm bài thi thực hành trên máy tính,môn Ngoại ngữ thi trình độ C thi tiếng Anh trình độ C của hai ngoại ngữ là tiếng Anh và một trong các thứ tiếng Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc, gồm các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Ứng viên là giảng viên ngoại ngữ phải thi ngoại ngữ 2 là một trong bốn thứ tiếng trên không thuộc chuyên môn chính đang giảng dạy.

Giảng viên đại học tại Việt Nam[sửa | sửa mã nguồn]

Tại Việt Nam, giảng viên là những người làm công tác giảng dạy ở các trường đại học (công lập hoặc ngoài công lập).

Đối với giảng viên đại học tại các trường công lập sẽ được phân chia thành các hạng khác nhau: Giảng viên, Giảng viên chính, Giảng viên cao cấp. Ngoài ra còn có chức danh trợ giảng nhằm hỗ trợ giảng viên trong quá trình lên lớp.

Tiêu chuẩn về đạo đức của giảng viên[sửa | sửa mã nguồn]

Về đạo đức, giảng viên tại Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau đây:[1]

- Tâm huyết với nghề, giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của một nhà giáo.

- Có tinh thần đoàn kết, tôn trọng và hợp tác với đồng nghiệp trong cuộc sống và trong công tác.

- Đối xử hòa nhã với người học (sinh viên, học viên...).

- Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người học, đồng nghiệp và cộng đồng.

- Thực hiện đúng nội quy, quy chế tại trường đại học.

- Công bằng trong giảng dạy và giáo dục, đánh giá đúng thực chất năng lực của người học.

Lương của giảng viên trường công lập[sửa | sửa mã nguồn]

Tại Việt Nam, mức lương của giảng viên sẽ được tính bằng mức lương cơ sở nhân với hệ số lương (quy định này áp dụng trước khi thực hiện chính sách cải cách tiền lương từ 01/7/2024).

Theo đó, mức lương cơ sở hiện nay là 1,8 triệu đồng.[2]

Hệ số lương của giảng viên sẽ tùy vào từng chức danh. Cụ thể:

- Chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp được áp dụng hệ số lương từ 6,20 đến 8,00; tương đương từ 11.160.000 đồng đến 14.400.000 đồng

- Chức danh nghề nghiệp giảng viên chính được áp dụng hệ số lương từ 4,40 đến 6,78; tương đương từ 7.920.000 đồng đến 12.204.000 đồng

- Chức danh nghề nghiệp giảng viên được áp dụng hệ số lương từ 2,34 đến 4,98; tương đương từ 4.212.000 đồng đến 8.964.000 đồng.

Ngoài mức lương trên, giảng viên tại các trường công lập còn được hưởng thêm các khoản phụ cấp khác.

Sau ngày 01/7/2024, sẽ thực hiện chính sách cải cách tiền lương, giảng viên trong trường công lập (viên chức) sẽ có cách tính lương khác phù hợp với tình hình thực tế.

Trên tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018[3] về cải cách tiền lương, sau khi thực hiện cải cách tiền lương, cơ cấu tiền lương sẽ bao gồm các khoản: Lương cơ bản + Phụ cấp và tiền thưởng.

Đối với các giảng viên tại các trường ngoài công lập, mức lương sẽ do giảng viên và nhà trường thỏa thuận với nhau nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ “Bộ Giáo Dục và Đào Tạo”. vbpl.vn. Truy cập ngày 23 tháng 4 năm 2024.
  2. ^ baochinhphu.vn (27 tháng 6 năm 2023). “Hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở từ 1/7/2023”. baochinhphu.vn. Truy cập ngày 23 tháng 4 năm 2024.
  3. ^ xaydungchinhsach.chinhphu.vn (20 tháng 6 năm 2022). “TOÀN VĂN NGHỊ QUYẾT SỐ 27 VỀ CẢI CÁCH TIỀN LƯƠNG”. xaydungchinhsach.chinhphu.vn. Truy cập ngày 23 tháng 4 năm 2024.