Họ Điền thay Tề

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Họ Điền thay Tề (chữ Hán: 田氏代齐, Điền thị đại Tề) là sự kiện lịch sử xảy ra và kéo dài từ cuối thời Xuân Thu đến đầu thời Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc, với kết quả cuối cùng là họ Điền chiếm quyền hành ở nước Tề và đến năm 386 TCN Chu An vương chính thức thừa nhận Điền Hòa làm chư hầu, nước Tề của họ Khương chính thức tuyệt tự và thay vào đó, họ Điền lên nắm quyền thống trị ở nước Tề.

Nguồn gốc họ Điền[sửa | sửa mã nguồn]

Theo Sử ký, thủy tổ họ Điền là Điền Hoàn (hay Quy Hoàn, Trần Hoàn), vốn là công tử nước Trần, con của Trần Lệ công. Năm 705 TCN, lúc Điền Hoàn chào đời, thái sử nhà Chu là Phùng Chu đi sang nước Trần, được Trần Lệ công đón tiếp và nhờ Phùng Chu bói giúp về tương lai của Hoàn. Phùng Chu bói được một quẻ nói ngày sau Hoàn sẽ làm quan ở một nước của họ Khương, lợi dụng thế lực ở đó để chiếm lấy nước đó.[1]

Sau khi vua cha Trần Lệ công qua đời, Điền Hoàn không được nối ngôi mà ngôi vua thuộc về người anh họ là Lâm, tức Trần Trang công. Trần Trang công phong Điền Hoàn làm đại phu nước Trần.

Trần Trang công qua đời, em là Trần Tuyên công lên nối ngôi. Trần Tuyên công lập con lớn là Ngự Khấu làm thế tử. Điền Hoàn cũng là người cùng phe cánh với Ngự Khấu. Nhưng sau đó Tuyên công lấy người vợ thứ sinh được con trai khác là Khoản, rất được yêu quý. Năm 672 TCN, Trần Tuyên công giết thế tử Ngự Khấu để lập Khoản làm thế tử. Điền Hoàn năm đó 33 tuổi – chạy sang nước Tề nương nhờ Tề Hoàn công đang làm bá chủ chư hầu. Tề Hoàn công thu dụng Hoàn, cho làm quan ở đất Điền, trở thành thủy tổ của họ Điền. Tề Hoàn công muốn phong Điền Hoàn làm khanh nhưng Điền Hoàn không dám nhận, chỉ nhận chức công chánh.

Thu phục lòng dân[sửa | sửa mã nguồn]

Điền Hoàn làm quan ăn lộc ở đất Điền, được tôn là Điền Kính Trọng, con cháu nối đời được hưởng. Đến đời cháu bốn đời là Điền Vô Vũ, cùng các họ đại phu Cao, Loan, Bão tiêu diệt kẻ giết vua là Khánh Phong, lập công lớn. Con Điền Vô Vũ là Điền Khất, làm đại phu dưới thời Tề Cảnh công, được trọng dụng. Điền Khất ra sức thu phục lòng dân. Ông thường hay bỏ tiền ra phát thóc cho dân bằng cái đấu lớn, nhưng chỉ thu thóc bằng cái đấu nhỏ, lại thường xuyên giúp đỡ dân, nên được kính phục. Đại phu Án Anh nhiều lần khuyên can Tề Cảnh công, khuyên vua Tề đề phòng họ Điền lớn mạnh nhưng Cảnh công không nghe.

Năm 493 TCN, họ Phạm và họ Trung Hàng nước Tấn tranh chấp quyền lực với 4 họ thượng khanh khác, sai người sang Tề xin lương thực. Điền Khất xin Tề Cảnh công giúp thóc cho hai nhà[1][2][3].

Tranh chấp với các họ đại phu[sửa | sửa mã nguồn]

Tề Cảnh công có một người vợ lẽ là Nhuế Cơ, sinh con nhỏ là Khương Đồ. Cảnh công yêu quý Khương Đồ, muốn lập làm thế tử.

Mùa thu năm 490 TCN, Tề Cảnh công ốm nặng, lệnh cho đại phu họ Cao và họ Quốc giúp Khương Đồ làm vua và đuổi những người con lớn sang đất Lai. Sau đó Tề Cảnh công qua đời. Khương Đồ lên nối ngôi, tức là Tề An Nhũ Tử.

Khương Đồ chỉ được sự giúp đỡ của hai nhà Cao, Quốc. Điền Khất muốn lật đổ An Nhũ Tử và hai họ Cao, Quốc để thâu tóm quyền lực, bèn gièm pha chia rẽ khiến cho các đại phu ghét họ Cao và họ Quốc. Ông cho đón một người con khác của Tề Cảnh công là Dương Sanh đã trốn sang nước Lỗ về nối ngôi, bèn sai sứ đón Dương Sanh về. Sau đó Điền Khất mang công tử Dương Sinh về nước giấu trong nhà và triệu Bão Mục tới, ép phải đồng mưu lập vua mới.

Thuyết phục được họ Bão, Điền Khất bèn cùng Bão Mục tấn công vào cung. Cao Chiêu tử mời Quốc Huệ tử tới giúp mình. Quân Điền Khất bèn truy kích Quốc Huệ tử. Quốc Huệ tử phải giết Cao Chiêu tử rồi trốn sang nước Cử, còn Tề An Nhũ tử bị mang tới ấp Thai giết chết[1][2]

Điền Khất lập Dương Sanh lên làm vua, tức Tề Điệu công, còn mình thì lên làm tướng quốc, đảm đương chính sự nước Tề.

Chiếm quyền nước Tề[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 485 TCN, Điền Khất chết, con là Điền Hằng lên thế tập. Bão Mục vốn bất bình với Tề Điệu công, bị vua Tề giết chết. Con Bão Mục oán Điệu công, bèn giết chết ông rồi chạy sang nước Ngô.

Con Tề Điệu công là Khương Nhâm lên nối ngôi tức Tề Giản công. Tề Giản công nhớ ơn Hám Chỉ theo giúp khi lưu vong, bèn cho Hám Chỉ vào triều nắm trọng trách. Điều đó khiến Điền Hằng không bằng lòng.

Điền Hằng mưu trừ họ Hám để nắm toàn quyền. Năm 481 TCN, Điền Hằng cùng các anh em mang quân đến cung vua. Hám Chỉ mang quân tới đánh, bị Điền Hằng đánh bại, phải chạy sang Phong Khâu. Người Phong Khâu giết chết Hám Chỉ.

Tề Giản công chạy đến Từ châu thì bị quân Điền Hằng đuổi bắt được và bị giết chết tại Từ châu. Ông ở ngôi 4 năm. Điền Hằng lập em ông là Khương Ngao lên nối ngôi, tức là Tề Bình công. Từ đó họ Điền nắm toàn quyền chính sự ở nước Tề.

Điền Hằng tự ý cắt đất An Bình về phía đông làm ấp riêng[1][2].

Điền Hằng chọn con gái nước Tề hơn trăm người vào hậu cung, cho khách tự do ra vào nhà không cấm cản. Ông có hơn 70 người con trai, làm họ Điền nhanh chóng cường thịnh.

Điền Hằng qua đời, con là Điền Bàn lên thế tập làm tướng nước Tề. Cùng thời gian đó, ở nước Tấn, ba nhà Hàn-Ngụy-Triệu tiêu diệt họ Trí, chiếm quyền ở nước Tấn. Điền Bàn sai sứ sang kết giao với ba nhà, thường xuyên qua lại, lại phong cho anh em tất cả làm đại phu, cùng nhau chiếm gần hết nước Tề.

Thành lập Điền Tề[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 404 TCN, cháu nội Điền Bàn là Điền Hòa lên thế tập. Quyền hành nước Tề đã lọt vào tay họ Điền, tới thời Tề Khang công làm vua chỉ có hư vị. Họ Điền cùng ba họ Hàn, Triệu, Ngụy nước Tấn cắt đất tự nắm quyền hành để chuẩn bị xưng làm chư hầu.

Tề Khang công lên ngôi không quan tâm đến chính sự. Năm 391 TCN, Điền Hòa muốn xưng chư hầu, nên dời Tề Khang công ra bờ biển phía đông. Năm 386 TCN, Điền Hòa hội với Ngụy Văn hầu ở Trọc Trạch, nhờ vua Ngụy nói tốt cho mình trước mặt Chu An vương để vua Chu phong mình làm chư hầu. Được sự đồng ý của nhà Chu, Điền Hòa chính thức trở thành chư hầu, kết thúc sự cai trị của họ Khương và đánh dấu sự kiện họ Điền lên lãnh đạo ở nước Tề[1].

Tề Khang công sống tới năm 379 TCN thì mất. Họ Điền thu lại ấp phong nhập vào đất của mình. Họ Khương từ đó chính thức tuyệt tự.

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  • Sử ký Tư Mã Thiên, thiên:
    • Tề Thái công thế gia
  • Khổng Tử (2002), Xuân Thu tam truyện, tập 5, Nhà xuất bản TP Hồ Chí Minh

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b c d e Sử ký, Điền Kính Trọng Hoàn thế gia
  2. ^ a b c Sử ký, Tề Thái công thế gia
  3. ^ Tuy nhiên tới năm 488 TCN, hai họ này vẫn bị diệt