Họa Mi (ca sĩ)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
(Đổi hướng từ Họa Mi)
Họa Mi
Tên khai sinhTrương Thị Mỹ
Tên gọi khácHọa Mi
Sinh1 tháng 5, 1955 (68 tuổi)
Thể loạiNhạc vàng
Tình khúc 1954-1975
Nhạc cụGiọng hát
Hợp tác vớiHoàng Thi Thơ

Họa Mi (tên khai sinh Trương Thị Mỹ, sinh ngày 1 tháng 5 năm 1955) là nữ danh ca nhạc vàng người Việt Nam. Bà cùng với ca sĩ Sơn Ca đều là học trò của nhạc sĩ nổi tiếng Hoàng Thi Thơ. Họa Mi được nhận xét có "giọng hát trong và thánh thót ở những nốt cao, ấm áp và tình cảm ở những nốt trầm".[1] Họa Mi định cư tại Pháp từ năm 1988. Năm 2009, bà về thu âm ba album ở Việt Nam.

Tiểu sử[sửa | sửa mã nguồn]

Họa Mi sinh năm 1955 và đi hát từ năm 15 tuổi[2]. Năm 1972, khi còn là nữ sinh trường Gia Long, bà được Đoàn Chính (em trai nhạc sĩ Đoàn Chuẩn) gợi ý thi vào lớp thanh nhạc tại Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệSài Gòn. Bấy giờ bà chưa có ý định làm ca sĩ mà mơ ước làm bác sĩ.[1]

Trước khi có nghệ danh như hiện nay, Họa Mi từng lấy nghệ danh là Trường My khi hát ở đài truyền hình, trường học, nhạc viện.[2] Họa Mi học trường âm nhạc đến năm thứ ba thì nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đề nghị lăng-xê bà thành ca sĩ chuyên nghiệp. Hai tuần sau đó, bà lần đầu tiên lên sân khấu nhà hàng Maxim's với nhạc phẩm "Đưa em xuống thuyền" của Hoàng Thi Thơ.[1] Chính tại sân khấu này, cái tên "Họa Mi" đã ra đời. Bà kể lại: bản chương trình ở Maxim's ghi tên ca sĩ là Họa Mi, khiến bà thắc mắc liệu có phải là nhầm lẫn. Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đáp lại: "Bắt đầu từ hôm nay, cháu là Họa Mi chứ không phải là Trường My nữa." Sở dĩ như vậy là vì Hoàng Thi Thơ muốn đào tạo một số ca sĩ với nghệ danh toàn các loài chim quý, bắt đầu là từ Sơn Ca.[2] Họa Mi tốt nghiệp trường nhạc năm 1974.[3]

Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, Họa Mi theo học ngành Luật, cho đến một ngày nhạc sĩ Ngọc Chánh mời bà đi hát lại ở đoàn ca nhạc hát chung với đoàn Kim Cương, nơi tụ hội Thanh Phong, Phương Đại, Thái Châu, Lệ Thu, Thanh Tuyền, Sơn Ca,... Từ đó đến khi sang Pháp, Họa Mi đã đi lưu diễn khắp các miền của Việt Nam.

Năm 1976, Họa Mi kết hôn với nghệ sĩ saxophone Lê Tấn Quốc. Chồng Họa Mi mắc bệnh mắt bẩm sinh và thị lực ngày càng kém đi, trong khi cuộc sống tại Việt Nam thập niên 1980 lại tràn đầy khó khăn. Trong một chuyến lưu diễn tại Pháp năm 1988, Họa Mi đã quyết định ở lại, nguyên nhân theo nhà văn Nguyễn Đông Thức giải thích là để tìm cách chữa mắt cho chồng. Đêm đêm bà đi hát ở nhà hàng người Hoa và có cộng tác với một trung tâm ca nhạc. Hai năm sau bà đưa chồng và ba con sang Pháp.[3] Tuy nhiên, chồng Họa Mi chẳng những không chữa được bệnh mà còn mất không gian âm nhạc ở môi trường mới. Hai người ly hôn dù còn yêu nhau. Chồng về Việt Nam còn Họa Mi ở lại một tay chăm sóc ba đứa con. Thời gian này Họa Mi không dám đi diễn dài ngày nên sự trình diễn bị thu hẹp. Sau, Họa Mi tái giá với chồng là người Pháp gốc Sa Đéc[3] và gần như nghỉ hát về giúp chồng kinh doanh cửa hàng bánh và kem. Vì sợ cảm xúc ùa về mà bà không dám nghe nhạc trong một thời gian dài.[1] Hai vợ chồng có một đứa con chung.[3] Trong khi rất nhiều bạn ca sĩ chọn định cư tại Hoa Kỳ thì Họa Mi vẫn ở lại Pháp bởi bà mang ơn đất nước đã cưu mang mình.[2]

Năm 2009, Họa Mi về Việt Nam ba tháng để thu âm liền một lúc ba album,[1] lần đầu tiên kể từ cuốn băng Hoàng Thi Thơ 3 do Hoàng Thi Thơ thực hiện trước 1975. Trong lời tựa cho album Một thời yêu nhau, Họa Mi viết: "Ngày tháng đã qua đi trong chớp mắt, tóc đã điểm bạc. Có chăng là kỷ niệm, là hạnh phúc, là khổ đau. Tôi muốn giữ mãi những phút giây quý giá của hạnh phúc. Tôi muốn tôi quên đi những chuỗi ngày của buồn đau, của những vết thương lòng đã chôn chặt từ lâu."

Album[sửa | sửa mã nguồn]

Album góp giọng[sửa | sửa mã nguồn]

  • Hoàng Thi Thơ 3 - Đưa em qua cánh đồng vàng - nhiều ca sĩ (phát hành tại miền nam Việt Nam trước sự kiện 1975): Họa Mi có bảy tiết mục gồm hát đơn và song ca với Nhật Trường và Bùi Thiện.
  • Em đến thăm anh đêm 30 - Họa Mi & Anh Khoa (Thúy Nga CD028, 1992): hát đơn bốn bài và song ca một bài
  • Phố chiều - Họa Mi & Ý Lan (Mimosa CD024, tháng 7 năm 1992): hát đơn năm bài

Album riêng[sửa | sửa mã nguồn]

Chương trình truyền hình[sửa | sửa mã nguồn]

  • Biến hóa hoàn hảo (2016)
  • Sau ánh hào quang (2017)
  • Ký ức vui vẻ (2019)
  • Ký ức ngọt ngào (2020)
  • Ca sĩ bí ẩn (2020)

Các tiết mục trình diễn trên sân khấu[sửa | sửa mã nguồn]

Năm Chương trình Bài hát Sáng tác
1987 Nước Non Ngàn Dặm Ra Đi "Quê nghèo" Phạm Duy
"Tình hoài hương" với Duy Quang Phạm Duy
1988 PBN 6 "Em đi rồi" Lam Phương
1989 PBN 7 "Tóc mây" Phạm Thế Mỹ
PBN 8 "Con đường tình ta đi" Phạm Duy
PBN 9 "Bướm trắng" nhạc Anh Bằng, thơ Nguyễn Bính
1990 PBN 10 "Tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi" Lam Phương
PBN 11 "Nỗi niềm" Tuấn Khanh
1991 PBN 13 "Sérénade" nhạc Franz Schubert, lời Việt ("Dạ khúc"): Phạm Duy
"Khi người yêu tôi khóc" với Elvis Phương Trần Thiện Thanh
PBN 14 "Vũ nữ thân gầy" "La cumparsita", nhạc Gerardo Matos Rodríguez, lời Việt: Phạm Duy
Tình Yêu Và Ảo Ảnh "Nghẹn ngào" Lam Phương
1992 Mùa Xuân Nào Ta Về "Ngày về" với Ái Vân, Cát Phương Hoàng Giác
"Nương chiều" Phạm Duy
1993 PBN 23 "Chiếc lá cuối cùng" Tuấn Khanh
1996 PBN 35 "Trở về mái nhà xưa" "Torna a Surriento", nhạc Ernesto De Curtis, lời Việt: Phạm Duy
PBN 36 "Nửa hồn thương đau" Phạm Đình Chương
PBN 37 "Bóng chiều xưa" nhạc Dương Thiệu Tước, lời Minh Trang
PBN 38 "Tiếc thu" Thanh Trang
1997 PBN 39 "Mộng ban đầu" Hoàng Trọng
PBN 40 Quê Mẹ Thu Hồ
PBN 41 "Tạ tình" Hoàng Thi Thơ
PBN 42 "Biết nói gì đây" Huỳnh Anh
2007 PBN 88 "Em đi rồi" Lam Phương
PBN 90 LK Mẹ Trùng Dương, Mẹ Việt Nam Ơi với Khánh Ly, Khánh Hà, Hoàng Oanh, Ý Lan Phạm Duy
"Ai xuôi vạn lý" Lê Thương
2008 PBN 91 LK Tâm Tình Gửi Huế & Trở Về Huế với Ý Lan Tôn Nữ Trà Mi; Văn Phụng
PBN 94 Suối Lệ Xanh Phạm Mạnh Cương
2013 PBN 109 Liên Khúc Lam Phương với Elvis Phương Lam Phương
Hát Mãi Bài Tình Ca với Hợp Ca Thái Thịnh
PBN 109 VIP Party Niệm Khúc Cuối Ngô Thụy Miên
2018 PBN 128 VIP Party Vũ Nữ Thân Gầy LV: Phạm Duy
2019 PBN 128 LK Tương Tư 3, Bài Cuối Cho Người Tình với Anh Khoa Mặc Thế Nhân; Nguyễn Vũ
2023 PBN 134 Ai Nhớ Chăng Ai với Sơn Ca Hoàng Thi Thơ
Hơn Một Lời Cảm Ơn với Hợp Ca Ngô Minh Tài
2024 PBN 136 LK Tình Quê Hương, Qua Cơn Mê, Cho Lần Cuối với Sơn Ca, Hương Lan Việt Lang; Trịnh Lâm Ngân; Lê Uyên Phương
LK Màu Hoa Thiên Lý & Biết Đâu Tìm với Hương Lan Hoàng Thi Thơ

Sol Vàng[sửa | sửa mã nguồn]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b c d e Vân Anh (ngày 5 tháng 10 năm 2009). “Ca sĩ Họa Mi: Tôi sẽ trở về”. Thể thao & Văn hóa. Truy cập ngày 7 tháng 12 năm 2013.
  2. ^ a b c d Đức Bình (ngày 14 tháng 11 năm 2008). “Họa Mi, tiếng hát một thời để nhớ”. Đài phát thanh quốc tế Pháp. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 12 năm 2013. Truy cập ngày 7 tháng 12 năm 2013.
  3. ^ a b c d Hoàng Nguyên Vũ (ngày 1 tháng 10 năm 2009). “Ca sĩ Họa Mi: Một thời yêu nhau”. Mốt & Cuộc sống. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 12 năm 2013. Truy cập ngày 7 tháng 12 năm 2013. Đã định rõ hơn một tham số trong |accessdate=|access-date= (trợ giúp)