Hồ Văn Kỳ Thoại

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Hồ Văn Kỳ Thoại
Chức vụ

Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải
Nhiệm kỳ1/1970 – 4/1975
Cấp bậc-Đại tá (1/1970)
-Chuẩn tướng (11/1972)
Chỉ huy trưởng Sở Phòng vệ Duyên hải
Nhiệm kỳ1/1966 – 12/1969
Cấp bậc-Trung tá (1/1966)
Kế nhiệm-Đại tá Nguyễn Xuân Sơn
Chỉ huy trưởng Hải quân Vùng 2 Duyên hải
Nhiệm kỳ1/1965 – 1/1966
Cấp bậc-Thiếu tá (1/1962)
-Trung tá
Tiền nhiệm-Trung tá Khương Hữu Bá
Chỉ huy trưởng Duyên khu 2
Đặc trách Chỉ huy trưởng
Căn cứ Hải quân Nha Trang
Nhiệm kỳ11/1963 – 1/1965
Cấp bậc-Thiếu tá
Trưởng phòng Nhân viên & Hành chính
tại Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân
Nhiệm kỳ1/1962 – 11/1963
Cấp bậc-Đại úy (6/1960)
-Thiếu tá
Tiền nhiệm-Đại úy Nguyễn Xuân Sơn
Thông tin chung
Quốc tịch Hoa Kỳ
 Việt Nam Cộng hòa
SinhTháng 11 năm 1933
Cần Thơ, Việt Nam
MấtNgày 20 Tháng 12 năm 2022
Houston, Hoa Kỳ
Nơi ởVirginia, Hoa Kỳ
Nghề nghiệpQuân nhân
Dân tộcKinh
ChaHồ Văn Kỳ Trân
MẹLiễu Cẩm Hồng
Họ hàng-Hồ Văn Trung (ông nội)
Các chú ruột:
-Hồ Văn Di Thuấn
-Hồ Văn Di Hinh
-Hồ Văn Ứng Kiệt
-Hồ Văn Kỳ Tường (em trai)
Học vấnTú tài toàn phần
Trường lớp-Trường Trung học Lycée Yersin, Đà Lạt
-Trường Sĩ quan Hải quân Nha Trang
-Trường Võ bị Hải quân Hoa Kỳ
Quê quánNam Kỳ
Binh nghiệp
Thuộc Quân lực Việt Nam Cộng hòa
Phục vụ Việt Nam Cộng hòa
Năm tại ngũ1954-1975
Cấp bậc Chuẩn tướng
Đơn vị Quân chủng Hải quân
Chỉ huy Quân đội Quốc gia
Quân lực Việt Nam Cộng hòa
Tham chiếnChiến tranh Việt Nam
Khen thưởng B.quốc H.chương IV[1]

Hồ Văn Kỳ Thoại (1933 - 2022[2]), nguyên là một tướng lĩnh Hải Quân của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, Hải hàm Phó Đề đốc, cấp bậc Chuẩn tướng. Ông xuất thân từ những khóa đầu tiên tại trường Sĩ quan Hải quân Nha Trang. Thời gian tại ngũ ông đã phục vụ trong Quân chủng Hải quân từ một sĩ quan với chức vụ nhỏ nhất cho đến sau cùng là Tư lệnh của một Hải khu (Vùng Duyên hải).

Ông là con trai trưởng của Dân biểu Hồ Văn Kỳ Trân, Tổng biên tập của Nam Kỳ tuần báo và Đại Việt Tập chí, cháu nội đích tôn của nhà văn Hồ Biểu Chánh.

Tiểu sử & Binh nghiệp[sửa | sửa mã nguồn]

Ông sinh vào tháng 11 năm 1933 trong một gia đình khá giả tại Ô Môn, Cần Thơ, miền Tây Nam phần Việt Nam. Dòng họ của ông là một Gia tộc khoa bảng trí thức, có nhiều thành viên là quan chức trong chế độ Việt Nam Cộng hòa và thời kỳ trước đó. Thời niên thiếu ông được học ở các trường chuyên về giáo trình Pháp như trường Tiểu học Tư thục Larègnère ở Cần Thơ. Năm 1946, khi học lên trên, ông được gia đình cho đi học ở trường Trung học Chasseloup Laubat, Sài Gòn. Đến năm 1952 ông học năm cuối cùng hệ Phổ thông ở trường Trung học Lycée Yersin, Đà Lạt. một năm sau, ông tốt nghiệp với văn bằng Tú tài toàn phần (Part II).

Quân đội Quốc gia Việt Nam[sửa | sửa mã nguồn]

Đầu năm 1954, Thi hành lệnh động viên, ông nhập ngũ vào Quân đội Quốc gia, mang số quân: 53/700.008. Trúng tuyển theo học khóa 4 (Đệ nhất Bắc giải)[3] tại trường Sĩ quan Hải quân Nha Trang, khai giảng tháng 2 năm 1954 với 15 khóa sinh (12 khóa sinh ngành chỉ huy và 3 khóa sinh ngành cơ khí). Tháng 12 năm 1954 mãn khóa tốt nghiệp với cấp bậc Hải quân Thiếu úy ngành chỉ huy. Ra trường ông được điều đi phục vụ trên Hộ tống hạm Glaive của Hải quân Pháp do Hải quân Đại úy Jacques Gauthier làm Hạm trưởng.

Quân đội Việt Nam Cộng hòa[sửa | sửa mã nguồn]

Trung tuần tháng 9 năm 1955, ông tham gia chiến dịch Hoàng Diệu và được tuyên dương công trạng trước quân đội và được ân thưởng Anh dũng Bội tinh với nhành Dương liễu, chiến dịch này kết thúc ngày 21 tháng 10 cùng năm. Năm 1956, sau một thời gian Quân đội Quốc gia đổi tên thành Quân đội Việt Nam Cộng hòa, ông được cử giữ chức vụ Trưởng phòng Truyền tin đầu tiên của Bộ tư lệnh Hải quân. Cùng năm, ông được cử làm Sĩ quan Tuỳ viên cho Tổng thống Ngô Đình Diệm. Cuối năm, ông được thăng cấp Hải quân Trung úy. Tháng 9 năm 1957, được đi du học khóa General Line của US.Naval Postgraduate School, tại Monterey, và khóa Instructor tại San Diego, California, Hoa Kỳ. Tháng 9 năm 1958 mãn khóa về nước, ông được cử làm Chỉ huy trưởng Trung tâm Huấn luyện Bổ túc Hải quân thay thế Hải quân Trung úy Vũ Xuân An.[4] Tháng 8 năm 1959, ông được chuyển lên Bộ tư lệnh Hải quân giữ chức vụ Trưởng phòng Nhân viên & Hành chính.

Giữa năm 1960, ông được thăng cấp Hải quân Đại úy và được cử giữ chức vụ Hạm trưởng Hộ tống hạm Tụy Động HQ-4, dưới sự chỉ huy của Thiếu tá Khương Hữu Bá,[5] Tư lệnh Hạm đội. Đầu năm 1962, tái nhiệm chức vụ Trưởng phòng Nhân viên & Hành chính Bộ Tư lệnh Hải quân hoán chuyển với Hải quân Đại úy Nguyễn Xuân Sơn[6] về làm Hạm trưởng Hộ tống hạm Tụy Động HQ-4 và cùng thời điểm này ông được thăng cấp Hải quân Thiếu tá. Cùng năm ông được cử đi du học khóa cao cấp đặc biệt Quản trị Nhân viên tại Ngũ giác đài ở Washington DC trong vòng 3 tháng.

Cuối năm 1963, sau cuộc đảo chính Tổng thống Ngô Đình Diệm (1 tháng 11). Ngày 7 tháng 11, ông được chỉ định làm Chỉ huy trưởng căn cứ Hải quân Nha Trang và Duyên khu 2. Đầu năm 1965, ông được bổ nhiệm làm Chỉ huy trưởng Vùng II Duyên hải tại Nha Trang thay thế Hải quân Trung tá Khương Hữu Bá. Tháng 2 cùng năm, ông chỉ huy cuộc Hành quân Vũng Rô, Phú Yên. Đầu năm 1966, ông được thăng cấp Hải quân Trung tá và được cử giữ chức vụ Chỉ huy trưởng Sở Phòng vệ Duyên hải.

Cuối năm 1969, ông nhận lệnh bàn giao chức vụ Chỉ huy trưởng Sở Phòng vệ lại cho Hải quân Đại tá Nguyễn Viết Tân.[7] Đầu năm 1970, ông được thăng cấp Hải quân Đại tá, và được bổ nhiệm làm Tư lệnh Hải quân Vùng I Duyên hải (Hải khu I) kiêm Tư lệnh Liên đoàn Đặc nhiệm 213 tại Đà Nẵng. Ngày Quốc khánh 1 tháng 11 năm 1972, ông được thăng cấp Chuẩn tướng, Hải hàm Phó Đề đốc tại nhiệm.

Ngày 19 tháng 1 năm 1974, thừa lệnh Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, ông ra lệnh cho Lực lượng Hải quân thuộc quyền khai hỏa tấn công Hải quân Trung quốc để bảo vệ chủ quyền của Việt nam trên Quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, lệnh này đã bị bỏ ngỏ và cuộc phản công không được triển khai, khiến Việt Nam bị chiếm phần lớn quần đảo.

1975[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày 31 tháng 3, ông kiêm thêm chức vụ Tư lệnh các Lực lượng Hải quân yểm trợ chiến trường Quy Nhơn.

Đêm 29 tháng 4, từ Vũng Tàu di tản ra khơi trên Cơ xưởng hạm Vĩnh Long HQ-802. Sau đó, ông sang định cư tại Tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ.

Ông qua đời tại Houston, Texas vào ngày 20 tháng 12 năm 2022, hưởng thọ 89 tuổi.[8]

Huy chương[sửa | sửa mã nguồn]

-Bảo quốc Huân chương đệ tứ đẳng
-Hải quân Huân chương đệ nhất đẳng
-Biệt công Bội tinh
-Năm Anh dũng Bội tinh với nhành dương liễu
-Ba Anh dũng Bội tinh với ngôi sao vàng, bạc và đồng
-Hải dũng Bội tinh với mỏ neo vàng
-Hai Huy chương Bronze Star with Combat V (HQ Hoa Kỳ)
-Huy chương Navy Commendation Medal (HQ Hoa Kỳ)

Bằng cấp Quân sự[sửa | sửa mã nguồn]

-General Line, US Naval Postgraduate School Monterey, Califfornia
-Senior Naval Personel Management, US Department of the Navy
-Nhảy dù của Lực lượng Đặc biệt Việt Nam Cộng hòa
-Nhảy dù của Lực lượng Đặc biệt Hoa Kỳ
-Nhảy dù của Binh chủng Nhảy dù Việt Nam Cộng hòa
-Nhảy dù của Hải quân Hoa Kỳ.

Gia tộc và Gia đình[sửa | sửa mã nguồn]

  • Tổ phụ: Cụ Hồ Văn Trung (Nguyên là quan Đốc phủ sứ và là nhà văn nổi tiếng ở miền Nam với bút hiệu Hồ Biểu Chánh).
  • Thân phụ: Cụ Hồ Văn Kỳ Trân (Nguyên là Giáo sư, Dân biểu Quốc hội thời Đệ nhất Cộng hòa)
  • Thân mẫu: Cụ Liễu Cẩm Hồng.
  • Thúc phụ:
    -Ông Hồ Văn Di Thuấn (nguyên Khu Trưởng Quan thuế Thương Cảng Sài Gòn, với cấp bật Thanh Tra, kiêm Hội Trưởng đội Túc Cầu Quan Thuế 1961-1963).
    -Ông Hồ Văn Di Hinh[9] (em song sinh với ông Hồ Văn Di Thuấn)
    -Ông Hồ Văn Ứng Kiệt (Nguyên Đại úy Không quân, tử trận được truy thăng Thiếu tá, phi đội trưởng, thuộc phi đoàn Thần Phong).
  • Bào đệ: Ông Hồ Văn Kỳ Tường (Nguyên Hải quân Thiếu tá Hạm phó Tuần dương Hạm Trần Bình Trọng HQ-5, Chỉ huy trưởng Hải khu Đà Nẵng).

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Bảo quốc Huân chương đệ tứ đẳng (ân thưởng).
  2. ^ “Phó Đề Đốc HỒ VĂN KỲ THOẠI Qúa Vãng Ngày 20 Tháng 01 Năm 2022 Tại Houston, TX USA”. chienhuuvnch.com. 22 tháng 12 năm 2022. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 23 tháng 12 năm 2022.
  3. ^ -Tốt nghiệp khóa 4 Sĩ quan Hải quân, sau này có một số là sĩ quan cao cấp trong Quân chủng Hải quân:
    -Cấp Đại tá ngành chỉ huy:
    -Nguyễn Văn Ánh (Sinh năm 1932 tại Cần Thơ. Nguyên Tham mưu trưởng Hải quân, sau cùng biệt phái phục vụ tại Phủ Thủ tướng.
    -Đặng Trần Du (Chức vụ sau cùng: Giảng viên tại trường Sĩ quan Hải quân Nha Trang.
    -Phạm Mạnh Khuê (Sinh năm 1933 tại Hà Nội. Chức vụ sau cùng: Tư lệnh Hạm đội Hải quân).
    -Phạm Gia Luật (Chức vụ sau cùng: Chỉ huy trưởng Hạm đội 5 Duyên phòng).
    -Nguyễn Xuân Sơn (Sinh năm 1935 tại Mỹ Tho. Chức vụ sau cùng: Tư lệnh Hạm đội Hải quân Vùng 1 Duyên hải).
    -Nguyễn Bá Trang (Sinh năm 1931 tại Vĩnh Long. Chức vụ sau cùng: Tư lệnh Lực lượng Đặc nhiệm HQ 211).
    -Bùi Cửu Viên (Sinh năm 1932 tại Nam Định. Chức vụ sau cùng: Tư lệnh Hạm đội HQ 801).
    -Cấp Đại tá ngành cơ khí:
    -Võ Văn Mười.
    -Lê Kim Sa (Sinh năm 1935 tại Khánh Hòa. Chức vụ sau cùng: Chỉ huy trưởng căn cứ Hải quân Nhà Bè.
  4. ^ Trung uý Vũ Xuân An sinh năm 1930 tại Thái Bình, tốt nghiệp khóa 1 Sĩ quan Trừ bị Nam Định và khóa 2 Brest Hải quân Pháp. Sau cùng là Đại tá Tư lệnh phó Lực lượng Đặc nhiệm HQ 214.
  5. ^ Thiếu tá Khương Hữu Bá sinh năm 1929, tốt nghiệp khóa 2 Hải quân Nha Trang. Chức vụ sau cùng: Đại tá Tư lệnh Hải quân Vùng 4 Sông ngòi
  6. ^ Đại tá Nguyễn Xuân Sơn đã chú thích ở phần trên.
  7. ^ Đại tá Nguyễn Viết Tân sinh năm 1932 tại Vĩnh Long, tốt nghiệp khóa 5 Sĩ quan Hải quân Nha Trang.
  8. ^ “Cựu Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại qua đời, thọ 89 tuổi”. nguoi-viet.com. 26 tháng 12 năm 2022. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 11 tháng 1 năm 2023.
  9. ^ Ông Hồ Văn Di Hinh sinh năm 1928 tại Trà Vinh, tốt nghiệp khóa 1 Sĩ quan Thủ Đức. Nguyên Đại tá Giám đốc Nha Quân nhu, nguyên Ủy viên Thanh niên trong Nội các Chính phủ Đệ nhị Cộng hòa, nguyên Thị trưởng Đà Lạt).

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  • Trần Ngọc Thống, Hồ Đắc Huân, Lê Đình Thụy (2011). Lược sử Quân lực Việt Nam Cộng hòa.