Hai mùa Noel

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
"Hai mùa Noel"
Bìa băng nhạc Sơn Ca 3. Ca khúc "Hai mùa Noel" nằm ở vị trí thứ ba trong mặt thứ hai của đĩa
Bài hát từ album Sơn Ca 3: Mừng Giáng Sinh – Tình yêu và thanh bình
Ngôn ngữTiếng Việt
Sáng tácĐài Phương Trang
Phát hành1972
Thu âmAnh Khoa
Thể loạiNhạc vàng
Hãng đĩaSơn Ca
Sản xuấtNguyễn Văn Đông

"Hai mùa Noel" là một ca khúc về chủ đề Giáng sinh thuộc dòng nhạc vàng do nhạc sĩ Đài Phương Trang sáng tác và hãng dĩa Sơn Ca ra mắt trong băng Sơn Ca 3 năm 1972,[a] với nguồn cảm hứng từ hình ảnh một chàng trai chờ đợi người yêu trong đêm thánh lễ. Ca khúc được một số ca sĩ tại Việt Nam lẫn hải ngoại biểu diễn bằng các hình thức khác nhau.

Hoàn cảnh sáng tác[sửa | sửa mã nguồn]

Hình ảnh đó cứ ám ảnh trong tôi. Rồi khi tan lễ vào lúc nửa đêm, đoàn người lũ lượt ra về, tôi để ý và rất ngạc nhiên khi thấy người thanh niên vẫn còn đứng ở chỗ cũ với vẻ bồn chồn, buồn bã. Tôi đi ngang qua và khẽ nhìn khuôn mặt người ấy, lòng thầm cám cảnh cho một người mãi đợi chờ mà người kia không hiểu vì sao lại không đến chỗ hẹn?

Đài Phương Trang[2][3]

Theo lời kể của nhạc sĩ Đài Phương Trang, trong một đêm thánh lễ tháng 12, khi ông và vợ cùng dự lễ tại Nhà thờ Đức Bà thì phát hiện ra một thanh niên ăn mặc lịch thiệp đang đứng chờ ai đó bên gốc cây.[4] Bất chấp đoàn người đã vào trong giáo đường nhưng anh chàng này vẫn đứng đó chờ đợi với gương mặt lo lắng. Khi tan lễ, ông trở ra và anh chàng nọ vẫn còn đứng ở chỗ cũ, nhưng vẻ mặt đã trở nên buồn bã hơn.[2]

Cũng thời điểm này vào năm 1972, Nguyễn Văn Đông - Giám đốc nghệ thuật công ty băng đĩa Continental nơi Đài Phương Trang làm việc - đã yêu cầu vị nhạc sĩ sáng tác một ca khúc về lễ Giáng Sinh. Khi nhớ lại hình ảnh chàng trai năm trước, nguồn cảm hứng trong ông trở về, thôi thúc vị nhạc sĩ sáng tác ra ca khúc "Hai mùa Noel".[4] Bài hát được ông sáng tác chỉ trong hai giờ đồng hồ. "Hai mùa Noel" được phát hành trong băng Sơn Ca 3 (cũng do nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông chủ trì), với Anh Khoa là ca sĩ thu âm.[2][3]

Hai tuần sau khi ca khúc ra mắt, Đài Phương Trang nhận được một bức thư của một người ẩn danh khẳng định là chàng trai trong ca khúc. Trong thư, người này cảm ơn ông vì nhờ có "Hai mùa Noel" mà anh này đã hàn gắn mối quan hệ với người bạn gái không đến chỗ hẹn. Sau này, ông được chàng trai mời đến dự lễ cưới của mình.[2]

Nội dung[sửa | sửa mã nguồn]

Một góc Nhà thờ Đức Bà, nơi tác giả lấy bối cảnh sáng tác ca khúc "Hai mùa Noel"

"Hai mùa Noel" kể về câu chuyện tình yêu của một đôi trai gái. Mùa Giáng sinh đầu tiên, chàng trai dắt cô gái đến giáo đường cầu nguyện Chúa chứng giám cho tình yêu của họ. Tại đó, họ thề nguyền rằng giờ này năm sau, họ sẽ cưới nhau, cùng nhau đi xem lễ. Mặc dù vậy, đến mùa Giáng sinh năm sau, chàng trai quay lại chỗ cũ chờ đợi người con gái nhưng cô ấy không đến. Chàng trai bèn ngậm ngùi quay về, rơi nước mắt tự hỏi: "Yêu nhau sao đành xa nhau?"[5]

Tầm ảnh hưởng và đánh giá[sửa | sửa mã nguồn]

Theo báo Thanh Niên, "Hai mùa Noel" là một trong những tình khúc quen thuộc với mọi người trong đêm Giáng sinh.[2] Còn báo Dân Việt thì cho rằng tác phẩm "luôn được yêu mến bởi rất đông người nghe nhạc Việt sống ở khắp mọi nơi trên thế giới".[6] Thạch Thảo của tạp chí Thời Đại nhận xét ca từ của bài hát "khiến người nghe như ngập tràn vào trong cảm xúc và tình yêu đôi lứa" khi vừa vẽ nên hình ảnh đối lập giữa hai mùa Giáng sinh, vừa dựng nên một câu chuyện tình lãng mạn, hạnh phúc nhưng không kém phần cô đơn của đôi trai gái.[7]

Ca sĩ thể hiện[sửa | sửa mã nguồn]

"Hai mùa Noel" được thu âm và trình diễn lần đầu tiên bởi Anh Khoa vào năm 1972.[2] Đến năm 1995, Tuấn Vũ song ca với Hương Lan trong album Giáng Sinh. Đây được đánh giá là một trong những sản phẩm bán chạy nhất của Làng Văn Audio.[8] Ca khúc còn được một số nghệ sĩ khác như Mạnh ĐìnhNhư Quỳnh,[9] Đàm Vĩnh HưngLệ Quyên song ca[10] và năm 2020 là Phạm Sĩ Phú trên kênh YouTube cá nhân.[6] Bên cạnh đó, nghệ sĩ violin Quang Phúc cũng từng thực hiện hòa âm cho ca khúc này trong album Tình khúc đêm Noel ra mắt năm 2013.[11]

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

Ghi chú[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Theo tư liệu ghi chép ở bìa sau băng nhạc Sơn Ca 3 thì bài hát được phát hành vào mùa Giáng sinh năm 1972. Nguồn từ Nhạc Xưa Thời Báo cũng xác nhận việc này.[1]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ “Băng nhạc Sơn Ca 3: Mừng Giáng Sinh – Tình Yêu & Thanh Bình – Băng nhạc Việt dành cho mùa Noel sống mãi cùng thời gian”. Nhạc Xưa Thời Báo. ngày 22 tháng 12 năm 2020. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2020.
  2. ^ a b c d e f Hà, Đình Nguyên (24 tháng 12 năm 2017). “Tác giả 'Hai mùa Noel' kể chuyện tình”. Thanh Niên. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2020.
  3. ^ a b Đông, Kha (14 tháng 12 năm 2020). “Câu chuyện có thật về đằng sau ca khúc Hai Mùa Noel (Đài Phương Trang) – "Mùa Noel đó chúng ta quen bên giáo đường…". Nhạc Xưa Thời Báo. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2020.
  4. ^ a b Nguyên, Vân (24 tháng 12 năm 2014). 'Hai mùa Noel' cho người... xa lạ”. Thanh Niên. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2020.
  5. ^ Nguyễn, Thắng (9 tháng 12 năm 2020). "Hai mùa noel" câu chuyện tình buồn bên nhà thờ Đức Bà”. Hoài Niệm. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2020.
  6. ^ a b Trần, Thủy (14 tháng 12 năm 2020). “Phạm Sĩ Phú: Sự trở lại với bản tình ca cũ "Hai mùa Noel" được "khoác" mảng màu âm nhạc mới”. Dân Việt. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2020.
  7. ^ Thạch, Thảo (15 tháng 12 năm 2020). “Lời bài hát "Hai mùa Noel". Thời Đại. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2020.
  8. ^ Trọng, Thịnh (21 tháng 12 năm 2019). “Tối nay, Tuấn Vũ hát '2 mùa Noel' giữa Sài Gòn”. Tiền Phong.
  9. ^ T, Lê (24 tháng 1 năm 2018). “Như Quỳnh, Mạnh Đình kể chuyện ghen tuông”. VietNamNet. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2020.
  10. ^ ELLE Team (16 tháng 12 năm 2016). “Đàm Vĩnh Hưng lịch lãm bên hai trò cưng trên thảm đỏ”. ELLE Vietnam. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2020.
  11. ^ Q, N (24 tháng 12 năm 2013). “Nhạc sĩ Quang Phúc trở lại với album Giáng sinh”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2020.