Hồ Chiêu

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Hồ Chiêu
Tên chữKhổng Minh
Thông tin cá nhân
Sinh162
Mất250
Nghề nghiệpthư pháp gia

Hồ Chiêu (chữ Hán: 胡昭, 162 – 250), tên tựKhổng Minh, người quận Dĩnh Xuyên (quận trị nay là Vũ Châu, Hà Nam) [1][2], nhà thư pháp, ẩn sĩ thời Tam Quốc. Ông có cùng tên tự với thừa tướng nhà Thục HánGia Cát Lượng.

Cuộc đời[sửa | sửa mã nguồn]

Không rõ thiếu thời của Chiêu. Dã sử cho biết, Chiêu từ nhỏ học rộng, tính xem nhẹ công danh, có tiết tháo của Nhị Trình.[3] Ngoài ra, Chiêu rất chuộng sử học,[4][5] tề danh với nhiều danh sĩ đương thời: Chung Do, Hàm Đan Thuần, Vệ Ký, Vi Đản,...[6]

Ban đầu Chiêu tránh loạn ở Ký Châu, từ chối lời mời của Viên Thiệu, trốn về quê nhà. Tào Tháo đang làm Tư không, Thừa tướng, nhiều lần vời gọi trọng thể, Chiêu mới nhận lời; sau khi đến gặp, ông tự nhận là kẻ học trò quê mùa, không có tài năng giúp nước, thành thật xin về, mong được đáp ứng. Tào Tháo không miễn cưỡng, nên Chiêu chuyển về sống trong núi Lục Hồn, cày cấy nuôi thân, sung sướng cầu đạo, lấy sách vở làm vui. Láng giềng tôn kính mà yêu mến Chiêu.[7]

Dã sử cho biết, Chiêu với Tư Mã Ý từng quen biết khi Ý còn chưa ra làm quan. Người cùng quận của Chiêu là bọn Chu Sanh mưu hại Ý, ông đón đầu để khuyên ngăn, thái độ khẩn thiết, khiến bọn Sanh cảm động, từ bỏ ý định. Chiêu không hề nói ra việc này, nên đương thời không ai biết. Năm Kiến An thứ 16 (211), quân phiệt Tây Lương nổi dậy phản kháng Tào Tháo, dân chúng tránh nạn trốn vào trong núi hơn ngàn nhà, bởi đói kém nên họp nhau cướp bóc, Chiêu ra sức khuyên giải, khiến mọi người từ bỏ hành vi ấy.[8]

Năm Kiến An thứ 23 (218), Lục Hồn huyện trưởng Trương Cố nhận lệnh điều động dân phu, đem cấp cho Hán Trung. Lòng người ghét sợ việc lao dịch xa xôi, vì thế bọn Tôn Lang nổi dậy, giết chủ bộ của huyện, phá hoại khắp nơi. Trương Cố đến cầu cạnh Chiêu, nên ông tập hợp dân chúng, an định tình hình trong huyện. Bọn Tôn Lang chạy sang Kinh Châu nương nhờ Quan Vũ, được Vũ ban quan chức, cấp lực lượng, khiến họ quay về tiếp tục quấy nhiễu. Tuy nhiên, bọn Lang hẹn thề với nhau không làm hại Chiêu và láng giềng của ông. Sau khi Quan Vũ thất bại, Trung Nguyên trở lại ổn định, Chiêu dời nhà sang Nghi Dương.[9]

Dã sử cho biết, U Châu thứ sử Đỗ Thứ từng ghé thăm Chiêu, cùng ông trò chuyện và lý luận, tỏ thái độ khiêm nhường và tôn kính. Thái úy Tưởng Tế vời, Chiêu không nhận lời.[10]

Thời Tào Ngụy Phế đế Tào Phương, bọn Phiếu kỵ tướng quân Triệu Nghiễm, Thượng thư Hoàng Hưu (chưa rõ là ai), Quách Di (chưa rõ là ai), Tán kỵ thường thị Tuân Ỷ (con của Tuân Úc), Chung Dục, Thái phó Dữu Nghi (cụ bác của Dữu Lượng), Hoằng Nông thái thú Hà Trinh (cụ của Hà Sung) tiến cử Chiêu.[11] Dã sử cho biết, việc này chịu nhiều dị nghị, nhờ Vi Đản ủng hộ nên triều đình mới đồng ý.[12]

Năm Gia Bình thứ 2 (250), công xa đến triệu Chiêu, gặp lúc ông mất, hưởng thọ 89 tuổi. Con là Hồ Toản làm đến Lang trung.[13]

Thư pháp[sửa | sửa mã nguồn]

Thư pháp của Chiêu được Bí thư giám Tuân Úc đời Tây Tấn chọn làm phép tắc (cùng với Chung Do).[14] Bút tích của Chiêu luôn được người đời xem là khuôn mẫu.[15] Dã sử cho biết, Chiêu theo học Lưu Đức Thăng [16], nên giỏi thể Chân Hành, theo lời Vệ Hằng thì ông cũng giỏi Thảo Hành (đều do Lưu Đức Thăng sáng tạo ra),[17] theo lời Trương Hoa thì ông giỏi cả Lệ thư.[18]

Đánh giá[sửa | sửa mã nguồn]

  • Triệu Nghiễm, Hoàng Hưu, Quách Di, Tuân Ỷ, Chung Dục, Dữu Nghi, Hà Trinh: "Phẩm tính cao khiết, già nhưng kiên định. Tính điềm tĩnh đạm bạc, có tiết tháo của (Trình) Di, (Trình) Hạo. Nên được trưng triệu, để khích lệ phong tục." [21]
  • Phó Huyền: "Hồ trưng quân vui vẻ chẳng ai không yêu, dẫu là nô bộc, cũng đối đãi lễ độ. Ngoài theo thói tục, trong giữ thuần khiết, lòng thấy trái lẽ, vương công không thể khuất, tuổi đã 80 mà không mỏi mệt với sách vở, tôi thấy Hồ trưng quân thế đấy." [22]
  • Trần Thọ: "Trương Tiến, Hồ Chiêu, đóng cửa giữ thanh tĩnh, không mưu tính việc đời." [23]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Tam quốc chí quyển 11, Ngụy thư quyển 11 – Quản Ninh truyện: Dĩnh Xuyên Hồ Chiêu, tự Khổng Minh, cũng nuôi chí không làm quan.
  2. ^ Trương Hoài QuánThư đoán, quyển trung – Diệu phẩm 98 nhân, Lệ thư 25 nhân, Hồ Chiêu: Hồ Chiêu, người Dĩnh Xuyên...
  3. ^ Thư đoán, tlđd:...thiếu nhi bác học, bất khái vinh lợi, có tiết của Di, Hạo,...
  4. ^ Tam quốc chí, tlđd: Sơ, Chiêu thiện sử thư...
  5. ^ Thư đoán, tlđd:...thậm năng sử thư...
  6. ^ Tam quốc chí, tlđd:...cùng Chung Do, Hàm Đan Thuần, Vệ Ký, Vi Đản đều nổi tiếng...
  7. ^ Tam quốc chí, tlđd: Hồ Chiêu ban đầu tránh loạn ở Ký Châu, cũng từ mệnh của Viên Thiệu, trốn về hương lý. Thái tổ làm Tư không thừa tướng, nhiều lần gia lễ tích. Chiêu đi ứng mệnh, đến rồi, tự trần là một kẻ dã sanh, không hữu dụng với quân quốc, thành tâm muốn về mà thỉnh cầu được đi. Thái tổ nói: "Người đều có chí riêng, làm quan hay ẩn cư có cái thú khác nhau, miễn sao được trọn niềm vui cao nhã, về lý không thể khuất phục." Chiêu bèn chuyển cư trong núi Lục Hồn, cung canh nhạc đạo, lấy kinh tịch làm vui. Lư lý kính mà yêu ông.
  8. ^ Bùi Tùng Chi chú Tam quốc chí, tlđd, dẫn Hoàng Phủ MậtCao sĩ truyện: Ban đầu, khi Tấn Tuyên đế là áo vải, với Chiêu có tình bạn cũ. Đồng quận là bọn Chu Sanh mưu hại đế, Chiêu nghe tin thì đi bộ trèo qua nơi hiểm trở, đón Sanh ở khoảng Hào, Thằng, ngăn Sanh, Sanh không chịu. Chiêu khóc mà cam kết chân thành, Sanh cảm động trước nghĩa cử của ông, bèn thôi. Chiêu nhân nhân đó đẵn cây táo cùng thề rồi từ biệt. Chiêu dẫu có âm đức với đế, rốt cục không nói ra, nên chẳng ai biết. Nhờ đức tín mà nổi tiếng ở quê nhà. Năm Kiến An thứ 16, trăm họ nghe tin Mã Siêu nổi loạn, người tránh binh loạn mà vào núi có hơn ngàn nhà, đói kém, dần cướp bóc lẫn nhau, Chiêu thường từ tốn khuyên giải họ, cho rằng nạn giặc giã có lúc này lúc khác, mọi người đều theo lời ông. Nên trong bộ lạc của ông, 300 dặm không có ai xâm bạo lẫn nhau.
  9. ^ Tam quốc chí, tlđd: Năm Kiến An thứ 23, Lục Hồn trưởng Trương Cố nhận thư điều đinh phu, đương cấp Hán Trung. Trăm họ ghét sợ viễn dịch, đều có lòng làm loạn. Dân là bọn Tôn Lang nhân đó hưng binh giết Huyện chủ bộ, gây ra bạn loạn, huyện ấp tàn phá. Cố đem theo hơn 10 lại tốt, ở nhờ nhà Chiêu, Chiêu tập hợp di dân, an phục xã tắc. Bọn Lang bèn nam phụ Quan Vũ. Vũ thụ ấn cấp binh, trở về làm khấu tặc, đến đình Trường Lạc ở phía nam núi Lục Hồn, tự cùng nhau ước thề: "Hồ cư sĩ là người hiền, nhất được không được phạm bộ lạc của ông ấy." Cả vùng cậy nhờ Chiêu, đều không lo sợ gì. Thiên hạ an tập, dời nhà đến Nghi Dương.
  10. ^ Bùi Tùng Chi dẫn Cao sĩ truyện, tlđd: U Châu thứ sử Đỗ Thứ từng ghé qua lều tranh mà Chiêu cư trú, nói chuyện và lý luận, lời lẽ khiêm kính, Thứ rất trọng vậy. Thái úy Tưởng Tế vời, không tựu.
  11. ^ Tam quốc chí, tlđd: Trong niên hiệu Chánh Thủy, bọn Phiếu kỵ tướng quân Triệu Nghiễm, Thượng thư Hoàng Hưu, Quách Di, Tán kỵ thường thị Tuân Ỷ, Chung Dục, Thái phó Dữu Nghi, Hoằng Nông thái thú Hà Trinh lần lượt tiến Chiêu rằng...
  12. ^ Bùi Tùng Chi dẫn Cao sĩ truyện, tlđd: Triều đình cho rằng nhung xa chưa nghỉ (ý nói chiến tranh chưa dứt), việc trưng mệnh, có lẽ nên đợi sau này, tỏ ý lấy cớ để không trưng ngay. Sau Ỷ, Hưu lại cùng Dữu Nghi tiến Chiếu, có chiếu hỏi đến bình nghị của bản châu. Thị trung Vi Đản bác rằng: "Lễ hiền trưng sĩ, là việc vương chánh xem trọng, người xưa khảo qua ở hương. Nay vị của bọn Ỷ đều thường trùm nạp ngôn, Nghi xứng làm khanh tá, đủ để tin cậy. Bợ dưới lừa trên, là việc mà trung thần không làm. Chiêu vốn là kỳ ngải (bậc cao niên) có đức, di dật núi rừng, tin rằng nên được gia dị (ý nói khen ngợi)." Bèn theo lời nghị của Đản.
  13. ^ Tam quốc chí, tlđd: Đến năm Gia Bình thứ 2, công xa đặc trưng, gặp lúc tốt, tuổi 89. Bái con là Toản làm Lang trung.
  14. ^ Tấn thư quyển 39, liệt truyện 9 – Tuân Úc truyện: Lại lập Thư bác sĩ, đặt đệ tử giáo tập, lấy Chung, Hồ làm pháp.
  15. ^ Tam quốc chí, tlđd:...xích độc chi tích, động kiến mô khải. Thư đoán, tlđd:...thư độc chi tích, động kiến mô khải.
  16. ^ Thư đoán, tlđd: Vệ Hằng nói: "Chiêu với Chung Do, cùng theo học Lưu Đức Thăng..."
  17. ^ Thư đoán, tlđd:...chân hành lại diệu. Vệ Hằng nói: "...đều thiện Thảo Hành..." {真行/Chân hành là thể thư pháp, lấy thể Hành thư (thể lai giữa Thảo thư và Khải thư) làm chủ đạo, kèm với Chân thư (tức là Khải thư). Theo Lục Thâm (nhà Minh) – Thư tập: Lưu Đức Thăng tiểu biến Khải pháp, gọi là Hành thư, kiêm Chân gọi là Chân Hành, kèm Thảo gọi là Hành Thảo.}
  18. ^ Thư đoán, tlđd: Trương Hoa nói: "Hồ Chiêu thiện Lệ thư."
  19. ^ Thư đoán, tlđd: Vệ Hằng nói: "...mà Hồ phì Chung sấu..."
  20. ^ Thư đoán, tlđd: Dương Hân nói: "Hồ Chiêu đắc kì cốt, Sách Tĩnh đắc kì nhục, Vi Đản đắc kì cân."
  21. ^ Tam quốc chí, tlđd:... bọn Phiếu kỵ tướng quân Triệu Nghiễm, Thượng thư Hoàng Hưu, Quách Di, Tán kỵ thường thị Tuân Ỷ, Chung Dục, Thái phó Dữu Nghi, Hoằng Nông thái thú Hà Trinh lần lượt tiến Chiêu rằng: "Thiên chân cao khiết, lão nhi di đốc. Huyền hư tĩnh tố, có tiết của Di, Hạo. Nên được trưng mệnh, để lệ phong tục."
  22. ^ Bùi Tùng Chi chú Tam quốc chí, tlđd, dẫn Phó Huyền – Phó tử: Hồ trưng quân di di vô bất ái dã, tuy bộc lệ, tất gia lễ yên. Ngoại đồng hồ tục, nội bỉnh thuần khiết, tâm phi kì hảo, vương công bất năng khuất, niên bát thập nhi bất quyện vu thư tịch giả, ngô vu Hồ trưng quân kiến chi hĩ.
  23. ^ Tam quốc chí, tlđd: Bình rằng,... Trương Tiến, Hồ Chiêu, hạp môn thủ tĩnh, bất doanh đương thế.