Bước tới nội dung

Ikigai

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Ikigai (生き甲斐?, n.đ.'lẽ sống') là một khái niệm trong văn hóa Nhật Bản, đề cập đến thứ/ điều gì đó mang lại cho mỗi người ý thức về mục đích, lý do tồn tại trong cuộc sống.

Ý nghĩa và từ nguyên

[sửa | sửa mã nguồn]

Từ điển Oxford English Dictionary định nghĩa ikigai là "động lực; cái gì đó, hoặc ai đó mang lại cho một cá nhân ý thức về mục đích hoặc lý do sống". Nói cách khác, nó đề cập đến điều gì đó mang lại niềm vui hoặc sự thỏa mãn.[1]

Thuật ngữ này là sự kết hợp của hai từ tiếng Nhật: iki (生き?, nghĩa là 'sống; tồn tại')kai (甲斐?, nghĩa là 'kết quả; thành quả; giá trị; ý nghĩa') (biến âm thành gai). Ý nghĩa nó truyền tải là 'lý do để sống; ý nghĩa trong cuộc sống; [điều gì đó] làm cho cuộc sống trở nên đáng sống'.

Tổng quan

[sửa | sửa mã nguồn]

Ikigai có thể dùng để mô tả việc có ý thức về mục đích[2][3] cũng như khả năng duy trì động lực trong cuộc sống.[4] Theo một nghiên cứu của Michiko Kumano, cảm nhận về ikigai tại Nhật thường được mô tả như cảm giác hoàn thành và thỏa mãn khi một cá nhân theo đuổi niềm đam mê của mình.[5] Các hoạt động mang lại ikigai không thể mang tính ép buộc; chúng được thực hiện một cách tự nguyện, do đó mang tính cá nhân và phụ thuộc vào nội tâm của từng người.[6]

Theo nhà tâm lý học Katsuya Inoue, ikigai là một khái niệm bao gồm hai khía cạnh: "nguồn/ đối tượng mang lại giá trị hoặc ý nghĩa cho cuộc sống" và "cảm giác rằng cuộc sống của chính mình có giá trị, nhờ vào sự tồn tại của nguồn/ đối tượng đó". Inoue phân loại ikigai thành ba loại – ikigai xã hội, ikigai phi xã hội và ikigai phản xã hội. Ikigai xã hội đề cập đến ikigai được xã hội chấp nhận thông qua các hoạt động tình nguyện và cộng đồng. Ikigai phi xã hội là một ikigai không liên quan trực tiếp đến xã hội (ví dụ: niềm tin, kỷ luật tự giác). Ikigai phản xã hội đề cập đến động lực cơ bản để vượt qua những cảm xúc tiêu cực (ví dụ: mong muốn ghét bỏ/ trả thù ai đó).[7]

Phóng viên National Geographic Dan Buettner cho rằng ikigai có thể là một trong những lý do chính ảnh hưởng đến tuổi thọ trung bình của người dân Okinawa.[8] Theo Buettner, người dân Okinawa thường không có mong muốn nghỉ hưu - chừng nào còn khỏe mạnh, mọi người sẽ vẫn tiếp tục làm công việc mình yêu thích. Bên cạnh đó, xu hướng kết nối qua việc tham gia các cộng đồng thân thiết (moai) cũng được xem là nguyên nhân quan trọng giúp người dân Okinawa sống lâu.[9]

Phổ biến

[sửa | sửa mã nguồn]

Tuy đã tồn tại từ lâu trong văn hóa Nhật Bản, khái niệm ikigai chỉ lần đầu tiên được phổ biến vào năm 1966 qua tác phẩm "Về ý nghĩa cuộc sống" ("On the Meaning of Life" (生きがいについて ikigai ni tsuite?)) của bác sĩ tâm thần và học giả người Nhật Mieko Kamiya.[10] Tác phẩm của bà vẫn chưa được dịch sang tiếng Anh.

Tầm quan trọng

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong thập niên 1960, 1970 và 1980, ikigai được cho là có tác dụng giúp hướng tới sự cải thiện xã hội ("đặt mong muốn của người khác lên trên chính mình") cũng như phát triển bản thân ("đi theo con đường của riêng mình").[11]

Theo nhà nhân chủng học Chikako Ozawa-de Silva, đối với thế hệ lớn tuổi ở Nhật Bản, ikigai của họ là "sống phù hợp với khuôn mẫu tiêu chuẩn của công ty và gia đình", trong khi thế hệ trẻ cho biết ikigai của họ là "suy nghĩ và mơ ước về những gì họ có thể trở thành trong tương lai".[12]

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người không cảm nhận được ikigai có nhiều khả năng mắc các bệnh lý về tim mạch hơn. Tuy nhiên, không có bằng chứng về mối tương quan giữa việc thiếu cảm nhận ikigai với sự phát triển khối u ác tính.[13][14]

Đọc thêm

[sửa | sửa mã nguồn]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ “ikigai”. Oxford English Dictionary (ấn bản thứ 3). Oxford University Press. tháng 9 năm 2005. Truy cập ngày 24 tháng 7 năm 2021. (yêu cầu Đăng ký hoặc có quyền thành viên của thư viện công cộng Anh.)
  2. ^ Schippers, Michaéla (16 tháng 6 năm 2017). IKIGAI: Reflection on Life Goals Optimizes Performance and Happiness (bằng tiếng Anh). Erasmus Research Institute of Management, Erasmus University Rotterdam. ISBN 978-90-5892-484-1. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 5 tháng 3 năm 2020.
  3. ^ Mathews, Gordon (1996). “The Stuff of Dreams, Fading: Ikigai and "The Japanese Self". Ethos. 24 (4): 718–747. doi:10.1525/eth.1996.24.4.02a00060. ISSN 0091-2131. JSTOR 640520.
  4. ^ Schippers, Michaéla C.; Ziegler, Niklas (13 tháng 12 năm 2019). “Life Crafting as a Way to Find Purpose and Meaning in Life”. Frontiers in Psychology. 10: 2778. doi:10.3389/fpsyg.2019.02778. ISSN 1664-1078. PMC 6923189. PMID 31920827.
  5. ^ Kumano, Michiko (1 tháng 6 năm 2018). “On the Concept of Well-Being in Japan: Feeling Shiawase as Hedonic Well-Being and Feeling Ikigai as Eudaimonic Well-Being”. Applied Research in Quality of Life (bằng tiếng Anh). 13 (2): 419–433. doi:10.1007/s11482-017-9532-9. ISSN 1871-2576. S2CID 149162906.
  6. ^ Nakanishi, N (1 tháng 5 năm 1999). 'Ikigai' in older Japanese people”. Age and Ageing (bằng tiếng Anh). 28 (3): 323–324. doi:10.1093/ageing/28.3.323. ISSN 1468-2834. PMID 10475874.
  7. ^ Inoue, Katsuya (2000). Psychology of Aging. Chuo Hoki Shuppan. tr. 80–99, 144–145. ISBN 978-4805818954.
  8. ^ Buettner, Dan (tháng 9 năm 2009). “How to live to be 100+”. TED. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 5 năm 2019. Truy cập ngày 9 tháng 9 năm 2021.
  9. ^ García, Héctor; Miralles, Francesc (2017). Ikigai: The Japanese Secret to a Long and Happy Life. Penguin Books. ISBN 978-0143130727.
  10. ^ Kamiya, Mieko (1980). "『生きがいについて』 ("On the Meaning of Life" in Japanese)". Japan: Misuzu Shobo. ISBN 4622081814.
  11. ^ Manzenreiter, Wolfram; Holthus, Barbara (27 tháng 3 năm 2017). Happiness and the Good Life in Japan (bằng tiếng Anh). Taylor & Francis. ISBN 978-1-317-35273-0. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 3 năm 2023. Truy cập ngày 4 tháng 10 năm 2020.
  12. ^ Ozawa-de Silva, Chikako (11 tháng 2 năm 2020). “In the eyes of others: Loneliness and relational meaning in life among Japanese college students”. Transcultural Psychiatry (bằng tiếng Anh). 57 (5): 623–634. doi:10.1177/1363461519899757. ISSN 1363-4615. PMID 32041496. S2CID 211078070.
  13. ^ Sone T.; Nakaya N.; Ohmori K.; Shimazu T.; Higashiguchi M.; Kakizaki M.; Kikuchi N.; Kuriyama S.; Tsuji I. (2008). “Sense of life worth living (ikigai) and mortality in Japan: Ohsaki Study”. Psychosomatic Medicine. 70 (6): 709–15. doi:10.1097/PSY.0b013e31817e7e64. PMID 18596247. S2CID 10483513.
  14. ^ Tanno K.; Sakata K.; Ohsawa M.; Onoda T.; Itai K.; Yaegashi Y.; Tamakoshi A.; và đồng nghiệp (JACC Study Group) (2009). “Associations of ikigai as a positive psychological factor with all-cause mortality and cause-specific mortality among middle-aged and elderly Japanese people: findings from the Japan Collaborative Cohort Study”. Journal of Psychosomatic. 67 (1): 67–75. doi:10.1016/j.jpsychores.2008.10.018. PMID 19539820.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]