Bước tới nội dung

Khủng hoảng con tin In Amenas

Khủng hoảng con tin In Amenas
Địa điểmPhía tây In Amenas, Algerie
Tọa độ27°53′49″B 9°07′37″Đ / 27,897°B 9,127°Đ / 27.897; 9.127
Thời điểm16 - 19 tháng Giêng, 2013 (CETUTC +1)
Mục tiêuCác công nhân nhà máy khí thiên nhiên quốc tế
Loại hìnhPhục kích, vây hãm, khủng hoảng con tin
Vũ khí
  • Súng trường tự động
  • Súng cối
  • Tên lửa đất đối không
  • Thuốc nổ
  • Tử vongít nhất 67 (ít nhất 37 con tin ngoại quốc, một nhân viên bảo vệ Algerie, và 29 phiến quân)[1][2][3]
    Bị thươngKhông rõ
    Thủ phạmLữ đoàn al-Mua'qi'oon Biddam[4]
    Động cơChống lại Chiến dịch Serval

    Vụ khủng hoảng con tin In Amenas bắt đầu vào ngày 16 tháng 1 năm 2013, khi các tay khủng bố có liên hệ với Al-Qaeda liên kết với một lữ đoàn do Mokhtar Belmokhtar cầm đầu bắt giữ 800 người làm con tin tại cơ sở dầu khí Tigantourine gần In Amenas, Algerie. Abdul al Nigeri, một trong các phụ tá cao cấp của Belmokhtar, dẫn dắt cuộc tấn công và là một trong những tay khủng bố bị thiệt mạng. Sau bốn ngày, các lực lượng đặc nhiệm Algerie đột kích hiện trường, với nỗ lực nhằm giải thoát các con tin.

    Các nhân viên nhà máy bị cầm giữ thuộc nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Na Uy, Romania, Colombia, và Algerie. Ít nhất 39 con tin ngoại quốc bị thiệt mạng cùng với một nhân viên bảo vệ Algerie, cũng như 29 phiến quân. Tổng cộng có 685 công nhân Algerie và 107 người nước ngoài được giải thoát. Ba phiến quân bị bắt.

    Đây là một trong nhiều vụ tấn công tại Maghreb do các nhóm Hồi Giáo phát động từ năm 2002.

    Lực lượng Hồi giáo tấn công

    [sửa | sửa mã nguồn]

    Cơ sở dầu khí Tigantourine ở In Amenas thuộc Algerie trên sa mạc Sahara, gần biên giới Libya, cách bờ biển 800 dặm nằm sâu trong lục địa châu Phi. Cơ sở này được liên doanh khai thác bởi Statoil của Na Uy, BP của AnhSonatrach của Algerie có hàng trăm công nhân và các chuyên viên ngoại quốc.[5] Sáng sớm ngày 16 tháng 1 năm 2013, phiến quân Hồi Giáo tấn công vào cơ sở dầu khí, và bắt giữ 41 con tin người ngoại quốc. Những tin tức nhận được không rõ ràng vì liên lạc vô tuyến bị cắt đứt cho biết có ba người chết trong đó một người Anh và một người Pháp. Phiến quân nói trong số con tin có 7 người Mỹ nhưng các giới chức ngoại giao và quân sự Hoa Kỳ cho biết chưa thể nào kiểm chứng được. Trong số con tin còn có 5 người Nhật, 7 người Na Uy, một Pháp, một Áo, một Ireland cùng một số người Anh và Algerie.[5]

    Các thủ phạm

    [sửa | sửa mã nguồn]

    Bộ trưởng Nội vụ Algeria, Daho Ould Kablia, nói với thông tấn xã nhà nước APS rằng toán phiến quân tấn công gồm khoảng 20 người do Mokhtar Belmokhtar, dân Algerie đã chiến đấu chống quân đội cộng sản Liên XôAfghanistan hồi thập kỷ 1980. Sau này Belmokhtar cắt đứt liên lạc với các thủ lĩnh al-Qaida khác và trở về thành lập một nhóm riêng trong vùng sa mạc Sahara.[5] Tên này sau đó lại tái hợp với Al-Qaeda khi lập nhóm Maghreb ở đây.

    Đòi hỏi

    [sửa | sửa mã nguồn]

    Nhóm phiến quân đưa ra một loạt yêu sách, từ đòi hỏi quân đội Pháp rút khỏi Mali và không được tiến đánh lên miền Bắc nước này nơi họ đang chiếm giữ, cho tới phản đối Algerie để Pháp sử dụng không phận đưa quân tới Mali, ngăn chặn dân tị nạn chạy qua biên giới và yêu cầu Algerie phóng thích các chiến binh Hồi Giáo bị bắt giữ trong những cuộc xung đột từ thập kỷ 1990 đến nay. Đòi tiền chuộc mạng cũng có thể là một mục tiêu khác vì qua nhiều năm Belmokhtar đã từng thu được hàng triệu đô la bằng việc bắt giữ con tin. Nhóm này hăm dọa đã đặt chất nổ xung quanh cơ sở dầu khí và có hỏa tiễn phòng không, mọi ý đồ giải cứu con tin sẽ kết thúc bằng thảm kịch.[6]

    Algerie trong thập kỷ 1990 có cuộc chiến tranh đẫm máu với các nhóm quân Hồi Giáo trong vùng Sahara, tuyên bố không thương lượng. Người ta cũng không thể hiểu rõ tất cả mọi ý định của phiến quân vì trong vùng sa mạc Sahara và Tây Phi có nhiều nhóm quân Hồi Giáo khác nhau và thường xung đột lẫn nhau.[6]

    Một trang web ở Mauritanie, vốn thường xuyên nhận được tin tức từ các nhóm phiến quân liên hệ với al-Qaida, nói rằng những kẻ bắt giữ con tin đề nghị trao đổi hai con tin Mỹ lấy hai tù nhân đang bị giam ở Mỹ về tội khủng bố. Một trong hai người này là Omar Abdel Rahman, kẻ chủ mưu vụ nổ bom phá hoại tòa nhà Trung tâm Thương mại Thế giớiNew York vào năm 1993.[7]

    Algerie giải cứu

    [sửa | sửa mã nguồn]

    Ngày 16/1

    [sửa | sửa mã nguồn]

    Theo APS, quân đội Algerie bao vây cơ sở dầu khí từ ngày 16 tháng Giêng đã nổ súng khi hai xe truck chở một số người không rõ là bao nhiêu, tìm cách chạy thoát khỏi nơi đây. Phía Hồi Giáo khủng bố nói với truyền thông Mauritania là quân đội Algerie bắn từ trực thăng xuống.[8]

    Ngày 17/1

    [sửa | sửa mã nguồn]

    Ngày 17 tháng Giêng, quân đội Algerie mở cuộc tấn công. Những tin tức đầu tiên nhận được không thể xác định mức độ chính xác về tổn thất nhân mạng cho các bên. Loạn quân nói rằng họ bị máy bay trực thăng của Algerie đuổi theo khi rút khỏi cơ sở khí đốt In Amenas, có 67 người chết trong đó 37 con tin ngoại quốc và 29 chiến binh Hồi Giáo.[9]

    Theo tin của truyền thông Algerie thì 15 con tin ngoại quốc và 30 Algerie đã chạy thoát. Báo The New York Times dẫn lời của một giới chức cao cấp Algerie, xác nhận là quân đội bao vây và tấn công loạn quân rút chạy bằng xe truck, phương tiện di chuyển quen thuộc mà các chiến binh hoạt động ở vùng sa mạc vẫn sử dụng. Giới chức này nói có bốn con tin được cứu thoát.[10]

    Algerie nói cuộc khủng hoảng con tin kết thúc vào buổi chiều, lực lượng đặc biệt của quân đội Algerie có trực thăng yểm trợ giải tỏa được In Amenas. Truyền hình Algeria nói bốn con tin chết, 2 Anh và 2 Philippines, 600 con tin được giải thoát. Một phát ngôn viên của nhóm loạn quân Qatiba nói với thông tấn xã Mauritanie là 35 con tin và 15 chiến binh của họ, kể cả chỉ huy trưởng Abou El Baraa thiệt mạng. Qatiba (Lữ Đoàn Máu) do Mokhtar Belmokhtar được thành lập vào Tháng Mười Hai năm 2012.[11]

    Cho đến quá nửa đêm ngày 17/18 tháng Giêng ở châu Phi, vẫn chưa có tin tức gì chính xác và chi tiết về vụ giải cứu con tin ở Algerie. Thông tấn xã nhà nước APS loan báo 600 công nhân Algerie và 4 người ngoại quốc - 2 Scotland, 1 Pháp, 1 Kenya - được giải thoát. Thông tấn xã Pháp AFP dẫn lời các giới chức Algerie loan tin quân đội vẫn chưa kiểm soát hoàn toàn cơ sở In Amenas và các cuộc lục soát hãy còn tiếp tục. Theo ABC News, các giới chức Hoa Kỳ nói 5 công dân Mỹ sống sót và rời khỏi Algerie. Chính phủ Ireland xác nhận một công dân của họ được giải thoát. Nhật Bản xác nhận 3 công dân Nhật được giải thoát nhưng còn 14 người khác chưa có tin tức. Chủ biên chính trị Nick Robinson của BBC nói rằng chính phủ Anh còn đợi thông tin từ chính quyền Algerie về số công dân Anh thiệt mạng, bị thương và mất tích.[12]

    Không quốc gia nào được thông báo về cuộc hành quân. Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg cho biết thủ tướng Algerie giải thích với ông là chính quyền Algerie cố gắng tìm giải pháp nhưng không đi đến kết quả gì và không có sự chọn lựa nào khác hơn vào lúc sáng sớm. Thủ tướng Anh David Cameron được biết về cuộc tấn công đã dang diễn ra vào lúc 11:30 GMT khi ông gọi điện thoại cho thủ tướng Algerie. Phát ngôn viên của ông nói rằng không một chính phủ ngoại quốc nào được báo trước về cuộc đột kích. Nhật Bản phản đối hành động khi Algerie chưa có biện pháp bảo đảm sinh mạng các con tin, còn Hoa Kỳ yêu cầu làm sáng tỏ việc này.[13]

    Ngày 18/1

    [sửa | sửa mã nguồn]

    Sang đến ngày 18 tháng Giêng, hãng thông tấn nhà nước Algerie loan tin có khoảng 60 con tin ngoại quốc chưa được biết rõ số phận. Nguồn tin này nói rằng có hơn một nửa trong số 132 con tin ngoại quốc được giải cứu, nhưng không biết tình trạng những người còn lại. Bản tin này cho hay lực lượng đặc biệt Algerie vẫn tái tục thương thảo với phiến quân.[14]

    Các tin tức từ chính phủ Algerie cho biết sau ba ngày mở chiến dịch giải cứu có tất cả 18 phiến quân bị giết và khu vực sinh sống của các nhân viên nhà máy nằm dưới sự kiểm soát của quân chính phủ. Chính phủ Algerie kiểm soát chặt chẽ các tin tức loan tải về việc này, nhưng theo các nguồn tin khác thì cuộc tấn công của phiến quân vào ngày 16 tháng Giêng giết ít nhất sáu người và có thể lên tới vài chục người.[15]

    Thủ tướng Anh ra điều trần trước Quốc hội về vụ này tỏ vẻ không hài lòng vì quân đội chính phủ Algerie mở cuộc tấn công mà không tham khảo với các quốc gia liên hệ.[16]

    Hồi kết thúc

    [sửa | sửa mã nguồn]

    Bản tin của hãng thông tấn AP nói có khoảng 100 trong số 135 con tin ngoại quốc được phóng thích ngày 18 tháng Giêng. Chính phủ Hoa Kỳ khẳng định một trong số các con tin bị giết là ông Frederick Buttaccio, cư dân Texas.[17]

    Ngày 19 tháng Giêng, 11 kháng chiến quân bị giết trong cuộc tấn công của quân đội Algerie; và quân phiến loạn cũng giết bảy con tin, quốc tịch không được tiết lộ. Giới hữu trách nói rằng 107 con tin ngoại quốc cùng 685 con tin người Algeria được giải cứu.[18]

    Tham khảo

    [sửa | sửa mã nguồn]
    1. ^ Laura Smith-Spark; Joe Sterling (ngày 19 tháng 1 năm 2013). “Bloody Algeria hostage crisis ends after 'final' assault, officials say”. CNN. Truy cập ngày 20 tháng 1 năm 2013.
    2. ^ Lamine Chikhi (ngày 20 tháng 1 năm 2013). “Số người thiệt mạng lên tới 80, có thể hơn nữa”. Reuters. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 9 năm 2015. Truy cập ngày 20 tháng 1 năm 2013.
    3. ^ “Xác nhận thêm 2 người chết”. BBC. ngày 23 tháng 1 năm 2013. Truy cập ngày 25 tháng 1 năm 2013.
    4. ^ Thomas Joscelyn; Bill Roggio (ngày 16 tháng 1 năm 2013). “Al Qaeda-linked group claims credit for kidnappings in Algeria”. Long War Journal. Truy cập ngày 17 tháng 1 năm 2013.
    5. ^ a b c http://www.csmonitor.com/World/Latest-News-Wires/2013/0116/Algerian-militants-take-hostages-41-foreigners
    6. ^ a b http://www.foxnews.com/world/2013/01/16/islamist-militants-from-mali-reportedly-kidnap-8-foreigners-at-algerian-gas-1052027220/
    7. ^ Nhữn tay bắt cóc Hồi Giáo đòi thả Omar Abdel để đổi lấy hai người Mỹ
    8. ^ Algerie xác nhận trực thăng tấn công
    9. ^ Lo ngại cho các con tin khi Algerie tấn công
    10. ^ “30 người Algerie, 30 người ngoại quốc chạy thoát”. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 5 năm 2013. Truy cập ngày 16 tháng 7 năm 2013.
    11. ^ Một loạt con tin thiệt mạng
    12. ^ Một số sống sót sau vụ khủng hoảng con tin
    13. ^ Algerie đáp trả thẳng tay với khủng bố
    14. ^ “Người ngoại quốc còn mắc kẹt trong khủng hoảng con tin ở sa mạc Sahara”. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 7 năm 2013. Truy cập ngày 20 tháng 7 năm 2013.
    15. ^ Các phiến quân Algerie phủ quyết đầu hàng và tiếp tục cầm giữ các con tin
    16. ^ Bài phát biểu cửa Thủ tướng về tình hình các con tin
    17. ^ 1 ngưới Mỹ thiệt mạng, 2 chạy thoát khỏi vụ khủng hoảng con tin
    18. ^ Các con tin và phiến quân được ghi nhận thiệt mạng sau vụ đụng độ