Lịch sử thế giới
Lịch sử thế giới hay còn gọi là lịch sử loài người, bắt đầu từ thời đại đồ đá cũ đến nay trong quá trình tiến hóa loài người. Khác với lịch sử Trái Đất (nó gồm cả lịch sử địa chất Trái Đất và lịch sử sự sống trước khi có sự xuất hiện của con người), lịch sử thế giới được nghiên cứu qua khảo cổ học và các ghi chép, truyền miệng còn sót lại từ thuở xưa. Lịch sử cổ đại được lưu giữ lần đầu tiên qua các tài liệu lưu trữ.[1][2]
Tuy nhiên nguồn gốc của nền văn minh loài người trải dài từ trước khi có sự xuất hiện của chữ viết.
Thời tiền sử mở đầu từ kỷ Paleolithic (hay thời đại đồ đá cũ), tiếp sau là kỷ Neolithic (hay thời đại đồ đá mới) và chuyển tiếp dân số thời đại đồ đá mới (Neolithic Revolution hay cuộc cách mạng nông nghiệp khoảng 8000 đến 5000 năm trước Công nguyên) tại vùng đồng bằng trăng lưỡi liềm. Cuộc cách mạng nông nghiệp là mốc dấu thay đổi lịch sử loài người, con người bắt đầu tìm ra phương pháp làm nông nghiệp với những cây trồng trong tự nhiên và động vật thuần hóa từ hoang dã.[3][4][5] Khoảng 3000 năm trước đây, cư dân ở Tây Á và Nam Á là những người đầu tiên biết đúc và sử dụng đồ bằng sắt.
Sự tăng trưởng của nông nghiệp dẫn đến việc con người chuyển dần từ lối sống du cư sang định cư lâu dài. Lối sống du cư vẫn duy trì tại nhiều nơi khác, đặc biệt tại những vùng lãnh thổ bị tách biệt do tự nhiên với vài loài súc vật và thực vật.[6]
Nhu cầu liên kết tự vệ và sự gia tăng sản phẩm nông nghiệp đã cho phép các cộng đồng người mở rộng thành các đơn vị ngày càng lớn hơn, càng được thúc đẩy hơn bởi sự phát triển của giao thông vận tải.
Khi nông nghiệp phát triển, canh tác cây lương thực trở nên phức tạp hơn và thúc đẩy việc phân công lao động để tích trữ sản phẩm lương thực dư thừa giữa các mùa cây trồng sinh trưởng. Phân công lao động dẫn đến có nhiều thời gian nhàn hạ cho lớp người thượng lưu và sự phát triển của các thành phố. Xã hội ngày càng phức tạp của con người đòi hỏi phải có hệ thống chữ viết và kế toán.[7]
Nhiều thành phố phát triển cạnh hồ và sông. Khoảng đầu năm 3000 TCN, có những điểm nổi bật đầu tiên, các khu định cư ở vùng đồng bằng Lưỡng Hà,[8] vùng bờ sông Nin,[9][10][11] và thung lũng sông Indus mọc lên và phát triển mạnh mẽ. Nền văn minh tương tự có lẽ cũng phát triển dọc các sông chính tại Trung Quốc.
Lịch sử của Cựu Thế giới (đặc biệt ở châu Âu và vùng Địa Trung Hải) thông thường chia thành lịch sử cổ đại (Antiquity), đến năm 476 CN; Trung Cổ[12][13] từ thế kỷ thứ V đến thế kỷ XV, gồm thời đại hoàng kim của Hồi giáo (750 CN- 1258 CN) và giai đoạn đầu thời kỳ Phục Hưng (bắt đầu từ khoảng 1300 CE)[14][15]; thời kỳ cận đại[16] (từ TK 15 đến cuối TK 18), bao gồm Thời kỳ Khai Sáng; và thời kỳ hiện đại, từ cuộc cách mạng công nghiệp đến hiện tại, gồm cả lịch sử đương đại.
Văn minh Tây Á[17][18][19], Hy Lạp cổ đại, La Mã cổ đại là những văn minh nổi bật trong thời kỳ cổ đại.
Trong lịch sử của nền văn minh Tây Âu, sự sụp đổ của đế quốc Tây La Mã dưới thời trị vì của hoàng đế Romulus Augustus năm 476 do sự tấn công của các bộ tộc German, nó được coi là mốc đánh dấu kết thúc thời kỳ cổ đại và là khởi đầu của thời kỳ Trung Cổ. Trong khi đó vùng Đông Âu trải qua sự chuyển tiếp từ đế quốc La Mã sang đế quốc Byzantine, đế chế này còn tồn tại vài thế kỷ mới suy tàn.
Vào khoảng giữa thế kỷ XV, Johannes Gutenberg phát minh ra máy in ấn hiện đại,[20] sử dụng đầu mô di động làm nên cuộc cách mạng về truyền tin, là nhân tố kết thúc thời kỳ Trung Cổ, báo hiệu sự khởi đầu của cuộc cách mạng khoa học.[21] Đến thế kỷ XVIII, sự tích lũy tri thức và công nghệ, đặc biệt là ở châu Âu, đã đạt đến khối lượng tới hạn dẫn đến cuộc cách mạng công nghiệp.[22]
Thời tiền sử
[sửa | sửa mã nguồn]Bình minh loài người
[sửa | sửa mã nguồn]Bằng chứng khoa học dựa trên di truyền học và nghiên cứu hóa thạch, dựa vào Đồng hồ phân tử (Molecular clock) chỉ ra rằng nòi giống loài khỉ hình người, loài tiến hóa thành nhánh Homo sapiens và loài tiến hóa thành nhánh Chimpanzee (sinh vật sống có quan hệ gần gũi nhất với loài người hiện đại) đã rẽ nhánh khoảng 5 triệu năm trước[23].
Chi người vượn phương nam Australopithecine được cho là loài khỉ không đuôi đầu tiên đứng thẳng đi bộ bằng 2 chân, cuối cùng tiến hóa thành chi loài Homo.
Về phương diện giải phẫu loài người hiện đại, Homo sapiens (người Khôn ngoan) tiến hóa ở châu Phi khoảng 200.000 năm trước, đạt tới hành vi hiện đại khoảng 50.000 năm trước [24].
Giống người hiện đại di cư ra khỏi châu Phi khoảng 70.000 năm trước, đến châu Âu khoảng 40.000 năm trước; và Đông Nam châu Á khoảng 50.000 năm trước.[25]
Sự lan rộng nhanh chóng của loài người đến Bắc Mỹ và châu Đại Dương đã diễn ra đỉnh điểm ở kỷ băng hà gần đây nhất, khi những vùng ôn đới của ngày nay đã từng vô cùng khắc nghiệt.
Tuy nhiên con người đã xâm chiếm gần như toàn bộ các vùng băng giá vào thời điểm cuối kỷ băng hà, khoảng 12.000 năm trước.
Các giống khỉ hình người khác như Người đứng thẳng (Homo erectus) đã sử dụng gỗ và đá làm công cụ trong cả thiên niên kỷ, theo thời gian các công cụ ngày càng trở nên tinh xảo. Tại một số thời điểm, con người bắt đầu sử dụng lửa để sưởi ấm và nấu ăn. Họ cũng bắt đầu phát triển ngôn ngữ vào giai đoạn Thời đại đồ đá cũ, và ý niệm về âm nhạc, phương thức chôn cất cho người chết và trang điểm cho người sống.
Sự thể hiện nghệ thuật đầu tiên có thể được tìm thấy dưới dạng bức tranh hang động và tác phẩm điêu khắc làm từ gỗ và xương. Trong thời điểm này, tất cả loài sống bằng săn bắt - hái lượm, và nói chung là du cư.
Các xã hội săn bắt - hái lượm có khuynh hướng rất nhỏ, mặc dầu trong một số trường hợp họ đã phát triển sự phân tầng xã hội và những tiếp xúc ở khoảng cách xa đã có thể diễn ra ở trường hợp những "xa lộ" bản xứ Australia.
Cuối cùng đa số các xã hội săn bắt - hái lượm đã phát triển, hay buộc phải bị hấp thu vào những tổ chức xã hội nông nghiệp lớn hơn. Những xã hội không hội nhập bị tiêu diệt, hay vẫn trong tình trạng cách ly, những xã hội săn bắt hái lượm nhỏ đó hiện vẫn tồn tại ở những vùng xa xôi.
Sự đi lên của văn minh loài người
[sửa | sửa mã nguồn]Cuộc cách mạng nông nghiệp, bắt đầu từ khoảng 8000 năm TCN, sự phát triển của nông nghiệp đã gây ra thay đổi mạnh mẽ phương thức sống của con người. Nông nghiệp cho phép tập trung dân số dày hơn, theo thời gian nó chuyển biến thành các thành bang. Nông nghiệp cũng tạo ra lượng dư lương thực, cấp dưỡng cho những người không trực tiếp tham gia vào sản xuất lương thực. Sự phát triển nông nghiệp cho phép tạo ra các thành phố đầu tiên. Đây là các trung tâm thương mại, sản xuất thủ công nghiệp và quyền lực chính trị mà bản thân nó gần như không có sản xuất nông nghiệp. Sự hình thành các thành phố đi kèm là sự cộng sinh với các vùng nông thôn xung quanh nó, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, và cung cấp lại các sản phẩm thủ công nghiệp và nhiều cấp độ khác nhau về kiểm soát quân sự và bảo vệ lãnh thổ.[26][27][28]
Sự phát triển của các thành phố đồng nghĩa với sự đi lên của nền văn minh[29]. Nền văn minh xuất hiện sớm nhất là ở vùng Lưỡng Hà(3500 năm TCN)[30][31]. Tiếp sau là nền văn minh Ai Cập cổ đại dọc dòng sông Nin (3000 năm TCN)[11] và văn minh lưu vực sông Ấn ở thung lũng sông Ấn (hiện tại là Ấn Độ và Pakistan; 2500 năm TCN)[32][33]. Các xã hội này phát triển dựa trên một số đặc điểm thống nhất, gồm một chính quyền trung ương, một nền kinh tế và cấu trúc xã hội phức tạp, hệ thống ngôn ngữ và chữ viết phức tạp, nền văn hóa và tôn giáo khác biệt. Chữ viết là mấu chốt trong lịch sử phát triển của loài người, vì nó giúp chính quyền của các thành phố biểu đạt ý nghĩ dễ dàng hơn.
Nền văn minh trở nên phức tạp kéo theo làm phức tạp về tôn giáo, và dạng đầu tiên cũng bắt nguồn từ giai đoạn này[34][35][36]. Các thực thể như mặt trời, mặt trăng, Trái Đất, bầu trời và biển thường được tôn sùng[37]. Các đền thờ được xây dựng, phát triển, và dần hoàn thiện với hệ thống cấp bậc như linh mục,thầy tế và các chức danh khác. Điển hình của thời kỳ đồ đá này là có xu hướng thờ các vị thần mang hình dáng con người. Trong số những văn bản kinh tôn giáo lâu đời nhất còn tồn tại là các văn bản kim tự tháp Ai Cập (khoảng giữa 2400 đến 2300 TCN)[38]. Một số nhà khảo cổ học cho rằng, dựa trên dấu tích khai quật được ở ngôi đền Göbekli Tepe (Potbelly Hill) ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, có niên đại từ 11500 năm trước, tôn giáo hình thành trước khi xảy ra cuộc cách mạng nông nghiệp chứ không phải sau như suy nghĩ trước đó[39].
Thời đại đồ đồng là một phần trong hệ thống ba thời đại (thời đại đồ đá mới, thời đại đồ đồng, thời đại đồ sắt), là thuật ngữ mô tả nền văn minh cổ đại từng tạo ảnh hưởng tại một số khu vực trên thế giới. Trong thời đại này những vùng đất màu mỡ đã sản sinh ra những thành bang và những nền văn minh này bắt đầu phát triển hưng thịnh ở một số nơi trên thế giới. Các nền văn minh đều nằm trên lưu vực ven sông bởi nước có vai trò thiết yếu trong một xã hội nông nghiệp, và các dòng sông cũng hỗ trợ cho nhu cầu giao thông vận tải được trở nên thuận tiện.
Sự xuất hiện các nền văn minh
[sửa | sửa mã nguồn]Vùng Lưỡng Hà
[sửa | sửa mã nguồn]Lưỡng Hà là vùng đất thuộc vùng đồng bằng trăng lưỡi liềm, nơi khai sinh ra các nhà nước thành bang cổ đại. Vùng giao nhau của sông Tigris và sông Euphrates đã tạo nên một vùng đất màu mỡ và nguồn cung cấp nước cho tưới tiêu. Những nền văn minh nổi lên xung quanh hai con sông này là những nền văn minh lâu đời nhất không du canh- du cư được biết cho đến nay. Vùng Lưỡng Hà này sản sinh ra những nền văn minh như Sumerian, Akkadian, Assyrian, and Babylonian [40].
Sumerian, một trong những nền văn minh phát triển mạnh trong khu vực Lưỡng Hà là nền văn minh phức tạp đầu tiên được biết đến cho đến nay, phát triển từ một số thành bang vào thiên niên kỷ thứ 4 trước Công nguyên. Nền văn minh này phát minh ra gạch, bánh xe, công cụ cày bừa, và đồ gốm lần đầu tiên trong lịch sử.
Nền văn minh Sumerian nổi lên trong suốt thời kỳ Ubaid (Ubaid period) (6500-3800 TCN) và những thành phố cổ đại Uruk, Eridu phát triên ổn định trong giai đoạn đầu thời kỳ Ubaid. Tại thành phố cổ Eridu (miền nam Lưỡng Hà) những ngôi đền thờ nằm xen lẫn với các khu định cư cổ đại (khoảng 5000 năm TCN).
Nông nghiệp Sumerian phát triển trên lưu vực sông Tigris và sông Euphrates. Lương thực dư thừa dẫn đến phân công lao động, không cần phải ai cũng tham gia vào nông nghiệp, cuối cùng hình thành các tầng lớp xã hội. Trên là vua Sumerian, thầy tế, và quan chức chính quyền dưới là các người phụ việc, thương gia, nông dân, ngư dân. Đáy xã hội là những người nô lệ. Nô lệ thường là một phạm nhân, tù nhân, hoặc những người trong nợ nần.
Trong khu vực Lưỡng Hà, dạng chữ viết đầu tiên đã xuất hiện là chữ hình nêm (Cuneiform) có nguồn gốc từ hệ thống chữ tượng hình. Những hình ảnh đại diện của nó dần trở nên đơn giản hơn. Chữ hình nêm được viết trên đá phiến sét, những chữ cái được viết bằng cây sậy có tác dụng như bút trâm (Stylus). Cùng với sự thành lập của các trạm chuyển phát sự quản lý quốc gia trở nên dễ dàng hơn. Với người Sumerian chỉ những con cái nhà giàu, quý tộc mới được học chữ. Chúng được học tại một nơi gọi là Edubba, chỉ có con trai được học. Các văn bản lịch sử văn hóa đã góp phần vào sự tồn tại của nền văn minh này. Một trong những văn bản cổ nhất trên thế giới, có tên Sử thi Gilgamesh, có nguồn gốc từ nền văn minh này. Năm 2400 TCN, đế chế Akkadian được tạo dựng ở vùng Lưỡng Hà[41]. Vài thế kỷ tiếp sau, đế chế Assyria nổi lên, tiếp theo đó là đế chế của người Babylon.
Lưu vực sông Nin
[sửa | sửa mã nguồn]Lưu vực sông Nin ở Bắc Phi là nơi ra đời nền văn minh Ai Cập cổ đại. Khoảng 6000 năm TCN, xuất hiện các vương quốc của xã hội tiền Ai Cập cổ đại (trước khi xuất hiện chế độ quân chủ ở Ai Cập) có kĩ năng trồng trọt và chăn thả gia súc. Những hình ảnh ban đầu đó có thể quan sát được qua những biểu tượng trên đồ gốm của nền văn hóa Gerzeh, khoảng 4000 năm TCN, giống với chữ tượng hình của Ai Cập cổ đại. Vữa hồ bắt đầu được sử dụng từ khoảng 4000 năm TCN, đồ gốm sứ bắt đầu được sản xuất từ khoảng 3500 năm TCN. Bệnh viện và trung tâm phục vụ y tế bắt đầu có từ 3000 năm TCN.
Bằng chứng khảo cổ cho thấy sự hiện diện của con người ở khu vực tây nam Ai Cập, gần biên giới với Sudan, khoảng 8000 năm TCN. Khoảng 7000-3000 TCN, khí hậu sa mạc Sahara ẩm ướt hơn ngày hôm nay, do đó cho phép các hoạt động canh tác trên đất mà bây giờ trở nên khô hạn. Biến đổi khí hậu bắt đầu từ sau năm 3000 TCN dẫn đến quá trình khô cằn dần dần trong khu vực. Do tác động của những biến đổi này, các cư dân của bộ lạc cổ đại tại sa mạc Sahara buộc phải di chuyển đến khu vực xung quanh sông Nin khoảng năm 2500 TCN. Ở đó, họ phát triển một nền kinh tế và xã hội nông nghiệp và hệ thống xã hội phức tạp hơn. Bộ tộc người từ lâu đã sinh sống hai bên bờ sông Nin cũng đã phát triển cộng đồng của họ một cách độc lập. Gia súc được nhập từ châu Á khoảng 7500-4000 năm TCN.
Người Ai Cập cổ đại được biết đến với nhiều thành tựu và phát minh trong lịch sử, bao gồm cả việc xây dựng các kim tự tháp khổng lồ, phẫu thuật cổ đại, khoa học toán học, và vận tải bằng thuyền. Sự nổi lên của triều đại Ai Cập bắt đầu khi thống nhất Thượng và Hạ Ai Cập khoảng 3200 năm TCN, và kết thúc vào khoảng năm 340 TCN, bắt đầu từ triều đại Nhà Achaemenes trên lãnh thổ Ai Cập. Vương quốc của Ai Cập dẫn đầu bởi một vị vua nắm giữ cung điện Pharaon. Lúc đỉnh điểm, đế chế của ông trải dài từ đồng bằng sông Nin đến núi Gebel Barkal, Sudan.
Xã hội Ai Cập cổ đại tạo dựng sự cân bằng giữa con người với thiên nhiên, đặc biệt là dựa vào dòng sông Nin trong tưới tiêu nông nghiệp của họ. Quốc gia cổ đại này được biết qua những văn bản chữ tượng hình, công trình kim tự tháp, đền thờ và các lăng mộ dưới lòng đất; sử dụng xe ngựa chiến để tăng cường sức mạnh quân đội.
Có sự khác biệt lớn giữa các tầng lớp xã hội. Hầu hết các thành viên cộng đồng là nông dân, nhưng họ không được hưởng sản phẩm họ trồng được. Sản phẩm nông nghiệp thuộc sở hữu của nhà nước, đền thờ, hoặc gia đình quý tộc có đất nông nghiệp. Chế độ nô lệ cũng tồn tại, nhưng chi tiết về họ trong xã hội Ai Cập cổ đại vẫn chưa rõ ràng[42].
Lưu vực sông Ấn
[sửa | sửa mã nguồn]Văn minh lưu vực sông Ấn xuất hiện khoảng 3300 năm TCN. Giai đoạn đầu xuất hiện trước 4000 năm TCN. Trung tâm của nền văn minh là nằm bao quanh sông Ấn (chủ yếu thuộc lãnh thổ của Pakistan, và một phần nhỏ là thuộc Afghanistan, Iran và Ấn Độ), mở rộng về phía đông đến lưu vực sông Ghaggar-Hakra[43] và ngược dòng vươn tới sông Hằng- sông Yamuna[44][45]. Phía tây mở rộng tới bờ biển Makran thuộc Balochistan (Pakistan), phía nam đến làng Daimabad, tỉnh Maharashtra, Ấn Độ.
Sự phát triển của nền văn minh được chia thành nhiều giai đoạn và đánh dấu sự phát triển của các thành phố trong tiểu lục địa Ấn Độ.[46].
Đây là nền văn minh đầu tiên xuất hiện hoạt động nông nghiệp ở Nam Á.
Lúa mì (tiểu mạch), đại mạch, và táo tàu (Jujube) được trồng khoảng 9000 năm trước Công nguyên; dê và cừu nuôi sau đó[47]. Nền nông nghiệp và chăn nuôi phát triển tại Mehrgarh khoảng 8000-6000 năm TCN[48][49]. Thời kỳ này cũng xuất hiện sự kiện thuần hóa loài voi. Khoảng thiên niên kỷ thứ 5 trước Công nguyên, một cộng đồng nông nghiệp nằm rải rác ở khu vực Kashmir[50]. Tại các bãi khảo cổ của nền văn minh này người ta tìm thấy các vật dụng như giỏ, công cụ bằng đá, công cụ bằng xương, vòng cổ, vòng tay, hoa tai, vỏ động vật giáp xác biển, đá vôi, ngọc lam, sa thạch và đồng. Nền văn minh này phát triển thịnh vượng các thành phố gồm: Harappa (3300 TCN), Dholavira (2900 TCN), Mohenjo-Daro (2500 TCN), Lothal (2400 TCN), và Rakhigarhi, và hơn 1000 thị trấn và ngôi làng nhỏ khác. Kiến trúc đô thị của nền văn minh này được xây bằng gạch, có hệ thống thoát nước bên đường, và nhà ở tập trung liền sát nhau (Terraced house). Các thành phố lớn có bề rộng khoảng một dặm, và có khoảng cách lớn giữa các thị trấn và nhiều khả năng là dấu hiệu của sự tập trung chính trị, hoặc dưới dạng của 2 thành bang, hoặc dưới dạng một đế chế không có thủ đô cố định hay có lẽ thay thế Harappa, Mohenjo-Daro, do bị phá hủy bởi lũ lụt không chỉ một lần[51]. Nền văn minh này cũng được biết đến với việc sử dụng hệ thống đo lường thập phân cổ đại[52][53].
Vào cuối thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên, sự phát triển của văn minh lưu vực sông Indus bước vào thời kỳ Vệ Đà. Bộ sách thánh ca Vệ đà tiếng Phạn theo ước tính được soạn thảo từ 1700-1100 TCN, bộ sưu tập các bài thánh ca này trở thành nền tảng của Ấn Độ giáo và xu hướng của các xã hội tiền Ấn Độ khác. Vào một thời điểm không chắc chắn khoảng cuối thế kỷ thứ VI TCN, có một người tiên phong tạo nên Ấn Độ giáo, tôn giáo mà còn tồn tại đến ngày nay.
Lưu vực sông Hoàng Hà
[sửa | sửa mã nguồn]Khởi phát nền văn minh Trung Quốc nằm cách không xa sông Hoàng Hà (dọc theo sông Trường Giang) do xung quanh khu vực tìm thấy nhiều di tích của thời Trung Quốc tiền sử. Các nền văn minh thời đại đồ đá mới tìm thấy được ở Trung Quốc là văn minh Bành Đầu Sơn (Pengtoushan) (sông Trường Giang) và văn minh Bùi Lý Cương (Kebudayaan Peiligang), tất cả chúng đều xuất hiện khoảng 7000 năm TCN hoặc sớm hơn. Giai đoạn văn hóa Bành Đầu Sơn khó xác định, kết quả các tính toán cho biến thiên từ 9000-5500 năm TCN, tại di chỉ của nền văn hóa này tìm thấy dấu tích của lúa gạo từ khoảng 7000 năm TCN. Tại di chỉ Giả Hồ (Jiahu) cổ đại tìm thấy vài bằng chứng về việc trồng lúa. Một khám phá quan trọng tại Giả Hồ là cây sáo cổ có niên đại khoảng 7000-6000 năm TCN. Văn minh Bùi Lý Cương là một trong những nền văn minh lâu đời nhất tại Trung Quốc có sản xuất đồ gốm. Cả nền văn minh Bành Đầu Sơn và nền văn minh Bùi Lý Cương đều phát triển hoạt động trồng Kê, chăn nuôi, lưu trữ và phân phối thực phẩm. Bằng chứng khảo cổ cũng cho thấy sự hiện diện của các thợ thủ công, đày tớ. Lối chữ hình vẽ (Pictogram) được cho là khởi đầu của hệ thống chữ viết Trung Quốc bắt nguồn từ các hoạt động nông nghiệp và chăn nuôi tại Trung Quốc. Tại di chỉ Giả Hồ tìm thấy một số lối chữ hình vẽ, nó không được xem là có hệ thống chữ viết nhưng những ký hiệu đó dẫn đến hệ thống chữ viết[54].
Tại văn hóa Đại Mạch Địa (Damaidi), Ninh Hạ có hàng ngàn dấu chạm khắc trên vách đá có từ 6000-5000 năm TCN, mang những đặc trưng của lối chữ hình vẽ giống với mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao, thánh thần, các khung cảnh đi săn và trông nom gia súc. Lối chữ hình vẽ tại đây gần như tương đồng với các ký tự Trung Quốc cổ đại được biết cho đến nay[55][56].
Văn hóa Bành Đầu Sơn được thay thế bởi văn hóa Ngưỡng Thiều (Yangshao culture) (5000-3000 năm TCN) ảnh hưởng của nền văn hóa này bao trùm phía Bắc Trung Quốc. Nền văn hóa này cũng đã thay thế nền văn hóa Long Sơn (Yangshao culture) khoảng 2500 năm TCN. Tại địa điểm khảo cổ di chỉ Tam Tinh Đôi (Sanxingdui) và văn hóa Nhị Lý Đầu (Erlitou culture) có bằng chứng của văn minh đồ đồng. Con dao bằng đồng với hình thái cổ xưa nhất (khoảng 3000 năm TCN) được tìm thấy tại di chỉ văn hóa Mã Gia Diêu (Majiayao culture) (thuộc tỉnh Cam Túc và tỉnh Thanh Hải).
Theo lịch sử Trung Quốc, sông Hoàng Hà được sử dụng cho tưới tiêu khoảng năm 2200 TCN thời vua Hạ Vũ, người đặt nền móng nhà Hạ. Nhà Hạ (khoảng 2100-1600 TCN) được đề cập là triều đại đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, nó được nhắc đến trong sử ký Tư Mã Thiên và Trúc thư kỉ niên[57][58]. Mặc dù có sự tranh cãi về triều đại thần thoại này, có vài bằng chứng khảo cổ học chứng minh cho sự tồn tại của nó. Tư Mã Thiên nói rằng triều đại này thành lập được thành lập khoảng năm 2200 TCN nhưng mốc thời gian này không thuyết phục. Hiện nay nhiều nhà khảo cổ học kết nối được sự tồn tại của triều đại nhà Hạ bởi cuộc khai quật ở tỉnh Hà Nam[59], nơi khám phá ra những nội thất đồ đồng khoảng năm 2000 TCN.
Triều đại lịch sử đầu tiên được công nhận là triều đại nhà Thương, khoảng năm 1500 TCN. Bằng chứng khảo cổ học cho sự tồn tại của triều đại nhà Thương là các đồ tạo tác bằng đồng và giáp cốt văn, mai rùa hay xương thú được khắc các ký tự Trung Quốc cổ, các văn tự này được tìm thấy ở lưu vực sông Hoàng Hà tại thủ đô Triều Ca nhà Thương. Các di tích mai rùa của nhà Thương có niên đại 1500 năm TCN, tính toán theo công nghệ Cacbon phóng xạ.
Thay thế nhà Thương là nhà Chu, vào khoảng thế kỷ XI TCN. Thời điểm kết thúc nhà Chu đã ra đời 2 nhà triết học nổi tiếng Trung Quốc là Khổng Tử (người thiết lập Khổng giáo) và Lão Tử (người thiết lập Đạo giáo[60].
Hy Lạp cổ đại
[sửa | sửa mã nguồn]Trong hang động Franchthi, phía đông nam Argolis, Hy Lạp có bằng chứng về hoạt động nông nghiệp của Hy Lạp cổ đại. Xấp xỉ 11000 năm TCN, canh tác ngũ cốc, các loạt hạt, lúa mì xảy ra đồng thời[61], trong khi yến mạch và đại mạch xuất hiện khoảng 10500 năm TCN; đậu Hà Lan và Lê thì khoảng 7300 năm TCN. Khu vực định cư thời đồ đá mới rải rác khắp Hy Lạp cùng với hoạt động nông nghiệp và sản xuất đồ gốm. Những địa điểm nổi tiếng như Sesklo và Dimini, đã có đường giao thông, quảng trường. Nó là một ví dụ về không gian thành phố cổ trong lục địa châu Âu. Một địa điểm quan trọng khác là Dispilio nơi phát hiện ra một phiến đá cổ xưa với đường nét như văn bản cổ[62].
Văn minh Minoan là nền văn minh thời đại đồ đồng đầu tiên tại Hy Lạp. Nền văn minh phát sinh trên đảo Crete và phát triển mạnh mẽ khoảng 2700-1500 năm TCN, nhưng thời điểm khởi đầu phát triển của nó xảy ra rất xa trước đó[63]. Con người bắt đầu sinh sống trên đảo Crete ít nhất từ 128.000 năm TCN, trong thời kỳ đồ đá cũ[64]. Các hoạt động nông nghiệp ngày lớn, phức tạp hơn, và dẫn đến nền văn minh dần được khởi tạo vào khoảng 5000 năm TCN[65]. Sự tồn tại của các nền văn minh này đã bị lãng quên đến khi nó được phát hiện vào đầu thế kỷ XX bởi nhà khảo cổ học người Anh Sir Arthur Evans. Will Durant nhìn nhận nền văn minh là "xâu chuỗi đầu tiên trong sợi dây lịch sử châu Âu"[66].
Nền văn minh Mycenae phát triển tại phía bắc của đảo Crete khoảng năm 1600 TCN, khi nền văn hóa Helladik trên đất liền Hy Lạp chuyển đổi dưới ảnh hưởng của nền văn hóa Minoan của đảo Crete. Không giống như người Minoan người dựa vào thương mại. Nền văn minh Mycenae có cộng đồng thích đi xâm chiếm, thống trị bởi tầng lớp hiệp sĩ quý tộc Aristocracy.
Khoảng năm 1400 TCN, người dân Mycenae mở rộng phạm vi quyền lực của họ cho Crete do trung tâm của nền văn minh Minoan gặp phải vụ phun trào Minoa tại đảo Santorini, và họ chấp nhận hệ thống chữ viết Linear A để viết ngôn ngữ Hy Lạp cổ đại, hệ thống chữ viết phát triển trong suốt văn minh Mycenae gọi là Linear B[67].
Truyền thuyết về các cuộc xâm chiếm giữa các thành bang ở Hy Lạp không chỉ là Mycenae, thành bang Troy được đề cập đến trong sử thi Iliad như là một đối thủ của Mycenae. Vì chỉ có duy nhất nguồn sử liệu của Hómēros về lịch sử thành Troy và cuộc chiến tranh thành Troia nên có thể nó không có thật. Năm 1876, nhà khảo cổ học người Đức Heinrich Schliemann khám phá ra các di tích tại Hisarlik, vùng phía tây bán đảo Tiểu Á thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày này và công bố rằng nó là địa điểm của thành Troy. Chắc chắn rằng địa điểm của thành Troy được nhắc đến bởi Hómēros vẫn còn tiếp tục bị bàn cãi[68]
Nền văn minh Hy Lạp đã ảnh hưởng rất lớn đến các nền văn minh châu Âu sau đó, đặc biệt là nền văn minh La Mã. Trong Hy Lạp cổ các thành bang Athena, Sparta, Corinth, và Thebes có nền chính trị độc lập, và mối quan hệ ít căng thẳng với nhau. Nếu một thành phố không đủ nhu cầu lương thực để duy trì toàn bộ dân số, thì họ sẽ rời đi một phần để thiết lập một thành phố mới, thị trấn mới có vai trò thuộc địa, lệ thuộc vào thành phố ban đầu để cùng bảo vệ trước các mối đe dọa, trước các cuộc chiến với bên ngoài.
Dãy Andes
[sửa | sửa mã nguồn]Trung Bộ châu Mỹ
[sửa | sửa mã nguồn]Sự phát triển của nông nghiệp
[sửa | sửa mã nguồn]Một sự thay đổi lớn, được miêu tả bởi nhà tiền sử học Vere Gordon Childe như là một "cuộc cách mạng," đã diễn ra khoảng thiên niên kỷ 9 TCN với việc hình thành nghề nông. Mặc dầu nghiên cứu có khuynh hướng tập trung vào vùng đất Trăng lưỡi liềm màu mỡ ở Trung Đông, khảo cổ học ở châu Mỹ, Đông Á và Đông Nam Á cho thấy rằng những hệ thống nông nghiệp trồng cấy nhiều loại ngũ cốc khác nhau và sử dụng các loại gia súc khác nhau có thể đã phát triển hầu như đồng thời ở một số nơi.
Một bước tiến nữa ở nông nghiệp Trung Đông xảy ra với sự phát triển tưới tiêu có tổ chức và sử dụng lực lượng lao động chuyên biệt, bởi những người Sumer, bắt đầu vào khoảng 5.500 TCN. Đồng và sắt thay thế đá để trở thành công cụ trong nông nghiệp và chiến tranh. Tới tận lúc đó những xã hội nông nghiệp định cư hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào các công cụ đá. Ở Âu Á, các công cụ đồng đỏ và đồng thau, những đồ trang trí và vũ khí bắt đầu trở nên dồi dào vào khoảng năm 3000 TCN. Sau đồ đồng, vùng Đông Địa Trung Hải, Trung Đông và Trung Quốc bắt đầu sử dụng công cụ và vũ khí bằng sắt.
Những người dân châu Mỹ có thể không hề biết tới công cụ kim loại cho tới tầng Chavin năm 900 TCN. Chúng ta cũng biết rằng Moche có áo giáp, những con dao và bộ đồ ăn bằng kim loại. Thậm chí người Inca vốn ít dùng đồ kim loại cũng có những chiếc cày mũi kim loại, ít nhất sau khi chinh phục Chimor. Tuy nhiên, ít có những tìm kiếm khảo cổ học ở Peru và hầu như toàn bộ khipus (những vật sáng chế để ghi lại thông tin, dưới hình thức các nút thắt, người Incas từng sử dụng) đã bị đốt cháy khi diễn ra Cuộc chinh phục Peru của người Tây Ban Nha. Toàn bộ các thành phố vẫn đang được khám phá vào năm 2004. Một số khai quật khảo cổ cho thấy rằng có thể thép đã từng được chế tạo tại đây trước khi nó phát triển ở châu Âu.
Các vùng lưu vực ven sông trở thành những cái nôi của những nền văn minh đầu tiên như lưu vực sông Hoàng Hà ở Trung Quốc, sông Nin ở Ai Cập, và lưu vực sông Ấn ở Pakistan. Một số dân tộc du cư, như những người Thổ dân Australia và thổ dân Nam Phi ở phía Nam châu Phi, không biết tới nông nghiệp cho tới tận thời hiện đại.
Nhiều nhóm người không thuộc về các quốc gia trước 1800. Trong số những nhà khoa học, đã có sự bất đồng về thuật ngữ "bộ lạc" phải được sử dụng để miêu tả loại xã hội của những người sống trong đó. Những phần rộng lớn của thế giới có thể là lãnh thổ của những "bộ lạc" đó trước khi người châu Âu bắt đầu tiến hành thực dân hoá. Nhiều "bộ lạc" chuyển thành quốc gia khi họ bị đe dọa hay bị ảnh hưởng bởi các quốc gia. Ví dụ như Marcomanni và Lát via. Một số "bộ lạc", như Kassites và Mãn Châu, chinh phục các quốc gia và lại bị chúng đồng hoá.
Nông nghiệp đã tạo cơ hội cho các xã hội phức tạp hơn, cũng được gọi là những nền văn minh. Các cuộc gia và các thị trường xuất hiện. Các kỹ thuật cải thiện khả năng của con người nhằm kiểm soát thiên nhiên và phát triển giao thông và thông tin.
Sự phát triển của tôn giáo
[sửa | sửa mã nguồn]Đa số các nhà sử học truy nguyên sự khởi đầu của Đức tin tôn giáo ở thời Đồ đá mới. Đa số các đức tin tôn giáo thời kỳ này cốt ở sự thờ phụng một Đức mẹ nữ thần, một Cha bầu trời, và cũng có sự thờ phụng Mặt trời và Mặt Trăng như các vị thần. (xem thêm sự thờ phụng Mặt trời)
Phát triển của văn minh
[sửa | sửa mã nguồn]Quốc gia
[sửa | sửa mã nguồn]Nông nghiệp dẫn tới nhiều thay đổi lớn. Nó cho phép một xã hội đông đúc hơn rất nhiều, và nó tự tổ chức mình vào trong những quốc gia. Đã có nhiều định nghĩa được sử dụng cho thuật ngữ "quốc gia" Max Weber và Norbert Elias định nghĩa quốc gia là một tổ chức những người có một độc quyền về sự sử dụng hợp pháp vũ lực trong một vùng địa lý riêng biệt.
Những quốc gia đầu tiên xuất hiện ở Lưỡng Hà, Ai Cập cổ đại và lưu vực sông Ấn Độ vào cuối thiên niên kỷ thứ 4 và đầu thiên niên kỷ thứ ba TCN. Ở Lưỡng Hà, có nhiều thành bang. Ai Cập cổ đại khởi đầu là một quốc gia không có các thành phố, nhưng nhanh chóng sau đó các thành phố xuất hiện. Một quốc gia cần một quân đội để thực hiện việc sử dụng vũ lực hợp pháp. Một quân đội cần một bộ máy quan liêu để duy trì nó. Ngoại trừ duy nhất là trường hợp văn minh lưu vực sông Ấn Độ vì thiếu bằng chứng về một lực lượng quân sự.
Các quốc gia đã xuất hiện ở Trung Quốc vào cuối thiên niên kỷ thứ ba đầu thiên niên kỷ thứ hai TCN. Các cuộc chiến tranh lớn nổ ra giữa các quốc gia ở Trung Đông. Hiệp ước Kadesh, một trong những hiệp ước hòa bình đầu tiên, được ký kết giữa người Hittites và Ai Cập cổ đại khoảng 1275 TCN. Vào thế kỷ thứ VI TCN, Hoàng đế Cyrus II (Cyrus Đại Đế) trỗi dậy kiến lập Đế quốc Ba Tư cường thịnh,[69] chinh phạt được các nước Media, Lydia và Babylon. Ai Cập cũng rơi vào tay của con trai ông là Hoàng đế Cambyses II.[70] Ngoài ra, lịch sử thế giới cổ đại cũng có những quốc gia hùng mạnh khác như đế quốc Maurya (thế kỷ thứ IV TCN), Trung Quốc (thế kỷ thứ III TCN), và Đế quốc La Mã (thế kỷ thứ I TCN).
Đụng độ giữa các đế quốc diễn ra vào thế kỷ thứ VIII, khi Khalip của Ả Rập (cai trị từ xứ Tây Ban Nha cho đến Iran) và nhà Đường bên Trung Quốc (cai trị từ Triều Tiên) đã đánh nhau trong hàng thập kỷ để giành quyền kiểm soát Trung Á. Rộng lớn hơn cả trong thời đại này là đế quốc Mông Cổ vào thế kỷ thứ XIII. Lúc ấy, đa số người dân ở châu Âu, châu Á, Bắc Phi đều thuộc vào các quốc gia. Cũng có các quốc gia ở México và tây Nam Mỹ. Các quốc gia tiếp tục kiểm soát ngày càng nhiều vùng lãnh thổ và dân chúng trên thế giới; vùng đất cuối cùng chưa có quốc gia bị các quốc gia chia sẻ với nhau theo Hiệp ước Berlin năm (1878).
Thành phố và thương mại
[sửa | sửa mã nguồn]Nông nghiệp cũng tạo nên và cho phép sự tích trữ lương thực thặng dư có thể dùng để cung cấp cho những người không dính dáng trực tiếp tới việc sản xuất lương thực. Sự phát triển của nông nghiệp cho phép sự xuất hiện của những thành phố đầu tiên. Chúng là những trung tâm của quốc gia và hầu như không tự mình sản xuất ra lương thực. Các thành phố là những kẻ ăn bám và được cung cấp lương thực từ những vùng nông thôn xung quanh, nhưng trái lại nó cung cấp sự bảo vệ quân sự ở nhiều mức độ khác nhau.
Sự phát triển của các thành phố dẫn tới cái được gọi là văn minh: đầu tiên Văn minh Sumerian ở hạ Lưỡng Hà (3500 TCN), tiếp theo là văn minh Ai Cập dọc sông Nin (3300 TCN) và nền văn minh Harappan ở lưu vực sông Ấn (3300 TCN). Đã có bằng chứng về những thành phố phức tạp với những mức độ xã hội cao và nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, những nền văn minh này khá khác biệt so với nhau bởi vì chúng hầu như có nguồn gốc độc lập. Chính ở thời gian này chữ viết và thương mại ở tầm rộng bắt đầu xuất hiện.
Tại Trung Quốc, những xã hội tiền thành thị có thể đã phát triển từ 2500 TCN, nhưng triều đình đầu tiên được khảo cổ học xác định là nhà Thương. Thiên niên kỷ thứ 2 TCN chứng kiến sự nổi lên của nền văn minh ở Crete, lục địa Hy Lạp và trung tâm Thổ Nhĩ Kỳ. Ở châu Mỹ, các nền văn minh như Maya, Moche và Nazca nổi lên ở Mesoamerica và Peru vào cuối thiên niên kỷ thứ 1 TCN. Những đồng tiền xu đã được sử dụng ở Lydia.
Những con đường thương mại tầm xa xuất hiện lần đầu thiên niên kỷ thứ 3 TCN, khi những người Sumerians ở Lưỡng Hà buôn bán với nền văn minh Harappan ở lưu vực sông Ấn. Những con đường thương mại cũng xuất hiện ở phía đông Địa Trung Hải vào thiên niên kỷ thứ 4 TCN. Con đường tơ lụa giữa Trung Quốc và Syria bắt đầu từ thiên niên kỷ thứ 2 TCN. Các thành phố ở Trung Á và Ba Tư là nơi ngã ba đường của những con đường thương mại đó. Các nền văn minh Phoenician và Hy Lạp đã lập ra các đế quốc ở lưu vực Địa Trung Hải vào thế kỷ thứ I TCN dựa trên thương mại. Người Ả Rập thống trị các con đường thương mại ở Ấn Độ Dương, Đông Á, và Sahara vào cuối thiên niên kỷ thứ 1 và đầu thiên niên kỷ thứ 2. Những người Ả Rập và Do Thái cũng thống trị thương mại ở Địa Trung Hải vào cuối thiên niên kỷ thứ 1. Người Ý chiếm vai trò này vào đầu thiên niên kỷ thứ 2.
Các thành phố người Flemish và Đức nằm ở trung tâm các con đường thương mại ở Bắc Âu vào đầu thiên niên kỷ thứ 2. Ở mọi vùng, các thành phố chính phát triển ở những ngã ba đường dọc theo những con đường thương mại.
Tôn giáo và Triết học
[sửa | sửa mã nguồn]Những triết học và tôn giáo mới xuất hiện ở cả phía đông và phía tây, đặc biệt là vào khoảng thế kỷ thứ VI TCN. Cùng với thời gian, một tập hợp đa dạng các tôn giáo phát triển trên thế giới, với Ấn Độ giáo và Phật giáo ở Ấn Độ, Hỏa giáo ở Ba Tư là một trong số những đức tin lớn và sớm nhất. Ở phía đông, ba trường phái tư tưởng ngự trị Trung Quốc cho đến tận ngày nay. Chúng gồm Đạo giáo, Pháp gia, và Khổng giáo. Truyền thống Khổng giáo, sau này đạt được vị trí thống trị, không tìm cách tăng cường luật pháp, mà là tìm kiếm quyền lực và những tấm gương truyền thống cho đạo đức chính trị. Ở phía tây, truyền thống triết học Hy Lạp, được thể hiện qua các tác phẩm của Plato và Aristotle, đã được truyền bá ra khắp châu Âu và Trung Đông qua các cuộc chinh phục của vua Alexandros Đại Đế xứ Macedonia vào thế kỷ thứ IV TCN.
Những vùng và những nền văn minh lớn
[sửa | sửa mã nguồn]Tới những thế kỷ cuối cùng TCN, vùng Địa Trung Hải, sông Hằng và sông Dương Tử đã trở thành khu vực phát sinh của các đế quốc mà các nhà cai trị về sau này sẽ phải tìm cách học tập. Trong lịch sử Ấn Độ, đế quốc Maurya cai trị đa phần tiểu lục địa Ấn Độ, trong khi người Pandyas cai trị phần nam Ấn Độ. Trong lịch sử Trung Quốc, nhà Tần và nhà Hán đã mở rộng sự cai trị của đế quốc thông qua sự thống nhất chính trị, cải thiện thông tin và nổi tiếng nhất là việc thành lập nhà nước độc quyền của vua Hán Quang Vũ Đế. Ở phía tây, những người La Mã bắt đầu mở rộng lãnh thổ của mình thông qua các cuộc chinh phục và thực dân hóa từ thế kỷ III TCN. Dưới thời cai trị của Hoàng đế Augustus, khoảng thời điểm ra đời của Giêsu thành Nazareth, La Mã kiểm soát mọi vùng đất bao quanh Địa Trung Hải.
Các đế quốc vĩ đại dựa trên khả năng khai thác quá trình sáp nhập thông qua quân sự và việc thành lập những vùng định cư được bảo vệ để trở thành những trung tâm nông nghiệp. Hòa bình mà họ mang lại thúc đẩy thương mại quốc tế, mà nổi tiếng nhất là sự phát triển của con đường tơ lụa. Họ cũng phải đối mặt với các vấn đề thông thường, như những vấn đề liên quan tới việc duy trì những đội quân đông đảo và ủng hộ một chế độ quan liêu trung tâm. Các chi phí đó đều đổ lên đầu nông dân, trong khi những lãnh chúa đất ngày càng trốn tránh quyền kiểm soát từ trung ương và cũng không chịu nộp thuế cho nhà nước. Áp lực của các bộ lạc du cư ở biên giới cũng đẩy nhanh quá trình tan rã từ bên trong. Vương triều nhà Hán rơi vào nội chiến năm 220, trong khi Đế quốc La Mã bắt đầu giảm tập trung hóa và cũng bị phân chia vào thời gian đó.
Trên các vùng khí hậu ở Âu Á, châu Mỹ và Bắc Phi, các đế quốc lớn tiếp tục nổi lên và sụp đổ. Tại Ba Tư, Vương triều nhà Sassanid phát triển hùng mạnh, với các Hoàng đế Ardashir I, Shapur I, Shapur II và Khosrow I.[71]
Sự tan rã dần dần của đế quốc La Mã, đã tồn tại qua nhiều thế kỷ, từ sau thế kỷ thứ II, trùng khớp với sự mở rộng của Ki-tô giáo về phía tây từ Trung Đông. Phần phía tây của Đế quốc La Mã rơi vào tay của nhiều bộ lạc người Đức vào thế kỷ thứ V, và những xã hội đó dần phát triển thành một số chiến quốc, tất cả đều liên kết với Giáo hội Công giáo La Mã theo cách này hay cách khác. Phần còn lại của đế quốc La Mã ở phía đông Địa Trung Hải từ đó được gọi là đế quốc Đông La Mã. Nhiều thế kỷ sau, một sự hợp nhất có giới hạn đã phục hồi lại tây Âu thông qua sự thành lập đế quốc La Mã thần thánh, gồm một số quốc gia hiện thuộc Đức và Ý.
Tại Trung Quốc, các triều đại nổi lên rồi lại sụp đổ giống như nhau. Những người du cư từ phía bắc bắt đầu xâm chiếm từ thế kỷ thứ IV, cuối cùng chinh phục hầu như toàn bộ miền bắc Trung Quốc và lập nên nhiều tiểu quốc. Nhà Tuỳ tái thống nhất Trung Quốc năm 581, và dưới thời nhà Đường (618-907) Trung Quốc lần thứ hai trải qua thời cực thịnh của họ. Tuy nhiên, nhà Đường cũng tan vỡ và, sau khoảng nửa thế kỷ hỗn loạn, nhà bắc Tống thống nhất Trung Quốc năm 982. Tuy nhiên, áp lực từ các quốc gia du cư phía bắc ngày càng cấp bách. Toàn bộ miền bắc Trung Quốc rơi vào tay người Nữ Chân năm 1141 và đế quốc Mông Cổ đã chinh phục toàn bộ Trung Quốc năm 1279, cũng như hầu như toàn bộ vùng Âu Á, chỉ còn lại vùng tây Âu và trung Âu, Nhật Bản và Đông Nam Á- hoặc là lệ thuộc như Cao Ly hoặc là đánh thắng như Việt Nam.
Miền bắc Ấn Độ được cai trị bởi đế quốc Gupta vào thời đó. Ở miền nam Ấn, ba vương quốc của bật của người Tamil xuất hiện, là Chera, Chola, và Pallava. Sự ổn định tiếp sau đó góp phần báo trước thời đại hoàng kim của văn hoá Ấn Độ giáo vào thế kỷ thứ IV và thế kỷ V.
Các xã hội rộng lớn cũng bắt đầu được dựng lên ở Trung Mỹ vào thời kỳ đó, người Maya và người Aztec ở Mesoamerica là những xã hội phát triển nhất. Khi nền văn hoá nguyên gốc của người Olmec dần tàn lụi, các thành bang lớn của người Maya chậm rãi vượt lên cả về số lượng và tầm ảnh hưởng, và văn hoá Maya phát triển ra khắp Yucatán và các vùng xung quanh. Đế quốc về sau này của người Aztec được xây dựng trên những nền văn hoá láng giềng và bị ảnh hưởng từ những dân tộc đã bị chinh phục, như người Toltec.
Nam Mỹ chứng kiến sự trỗi dậy của người Inca vào thế kỷ thứ XIV và thế kỷ thứ XV. Đế chế Inca ở Tawantinsuyu trải dài ra toàn bộ vùng Andes và có kinh đô ở Cusco. Inca thời ấy rất thịnh vượng và tiến bộ, được biết tới nhờ hệ thống đường sá Inca tuyệt vời và các công trình xây dựng lớn.
Hồi giáo, khởi đầu từ vùng Ả Rập vào thế kỷ thứ VII, cũng là một trong những thế lực đáng chú ý nhất trong suốt lịch sử thế giới, từ khởi đầu với một số ít tín đồ nó đã trở thành nền tảng cơ bản của nhiều đế quốc rộng lớn tại Ấn Độ, Trung Đông và Bắc Phi.
Ở vùng Đông Bắc Phi, Nubia và Ethiopia, cả hai nước từ lâu đã có quan hệ với vùng Địa Trung Hải, vẫn thuộc ảnh hưởng của Ki-tô giáo trong khi phần còn lại của châu Phi phía bắc đường xích đạo đã đổi sang Hồi giáo. Cùng với Hồi giáo là những kỹ thuật mới đã lần đầu tiên cho phép thương mại chính yếu vượt qua Sahara. Nguồn thuế từ thương mại đó dẫn tới sự thịnh vượng ở Bắc Phi và sự nổi lên của nhiều vương quốc vùng Sahel.
Thời kỳ này được ghi dấu bởi sự cải tiến kỹ thuật chậm chạp nhưng chắc chắn, với những sự phát triển có tầm ảnh hưởng quan trọng như bàn đạp yên ngựa và bừa (mouldboard plough) xuất hiện cách nhau chỉ vài thế kỷ.
Sự trỗi dậy của châu Âu
[sửa | sửa mã nguồn]Bối cảnh sự tiến bộ của châu Âu
[sửa | sửa mã nguồn]Các đế chế nông nghiệp ban đầu bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi môi trường của họ. Sản lượng còn thấp và các thảm hoạ thiên nhiên thường là nguyên nhân chính tác động vào vòng xoay thịnh vượng rồi suy tàn gây nên sự trỗi dậy và sụp đổ của chúng. Nhưng tới năm 1000, đã có một sự thay đổi về chất trong lịch sử thế giới. Tiến bộ kỹ thuật và sự thịnh vượng được thương mại thúc đẩy dần ngày càng có ảnh hưởng lớn hơn. Những thay đổi đó thường xảy ra ở những vùng có sản lượng nông nghiệp cao nhất: Trung Quốc, Ấn Độ và các khu vực trong thế giới Hồi giáo.
Trung Quốc có những người nông dân tự do không còn bị phụ thuộc, họ có thể bán hoa lợi và tham gia hăng hái vào thị trường. Nông nghiệp có sản lượng cao. Nhưng, sau những cuộc tấn công dữ đội đầu tiên của người Nữ Chân, những gì sót lại của Vương triều nhà Tống đã bị người Mông Cổ chinh phục năm 1279.
Bên ngoài, cuộc Phục hưng của châu Âu (bắt đầu vào thế kỷ XIV). Nó đã mang lại một nền văn hoá mang nhiều tính tò mò và sau cùng dẫn tới chủ nghĩa nhân đạo, cách mạng khoa học, và cuối cùng là sự chuyển đổi vị đại của cách mạng công nghiệp. Tuy nhiên, cách mạng khoa học ở thế kỷ XVII không gây ảnh hưởng lập tức tới công nghệ. Chỉ ở nửa sau của thế kỷ XIX những tiến bộ khoa học mới được áp dụng cho các phát minh thực tiễn. Những sự tiến bộ của châu Âu được phát triển vào giữa thế kỷ XVIII gồm cả hai: một nền văn hoá thương mại và sự giàu có nhờ thương mại ở Đại Tây Dương.
Một số ý kiến được đưa ra để giải thích tại sao, từ 1750 trở đi, châu Âu trỗi dậy và vượt qua các nền văn minh khác, trở thành nơi phát sinh cách mạng công nghiệp, và thống trị phần còn lại của thế giới. Max Weber cho rằng nó nhờ vào một tác dụng về mặt đạo đức của Tin lành (Protestant work ethic) đã thúc đẩy những người châu Âu làm việc hăng hái hơn và lâu dài hơn so với những thế hệ trước. Một giải thích kinh tế - xã hội khác lại lưu ý tới nhân khẩu học: châu Âu với giới tăng lữ sống độc lập, với sự di cư thuộc địa, những trung tâm thành thị có tỷ suất tử cao, những cuộc chiến triền miên, và có độ tuổi kết hôn muộn nên gây trở ngại lớn tới sự tăng trưởng dân số của nó so với các nền văn hoá châu Á. Sự thiếu hụt lao động đồng nghĩa với việc những thặng dư được đầu tư vào tiến bộ kỹ thuật nhằm tiết kiệm nhân công như các bánh xe và các cối xay, các xa quay tơ và khung cửi chạy bằng nước, động cơ hơi nước, và vận chuyển bằng tàu thủy chứ không mất chi phí vào việc mở rộng đơn giản quy mô dân số. Nhiều người cho rằng các thể chế của châu Âu cũng có tính ưu việt, rằng những quyền sở hữu và những nền kinh tế thị trường tự do ở châu Âu mạnh mẽ hơn ở bất kỷ nơi nào khác trên thế giới.
Địa lý châu Âu cũng có thể đóng một vai trò quan trọng. Trung Đông, Ấn Độ và Trung Quốc tất cả đều bị bao quanh bởi các dãy núi, nhưng một khi vượt qua được các biên giới bên ngoài đó thì đất đai lại khá phẳng. Trái lại, dãy Alps, Pyrenees, và các rặng núi khác chạy xuyên suốt châu Âu, và lục địa bị phân chia bởi nhiều biển. Điều này làm cho châu Âu có được sự bảo vệ khỏi mối nguy hiểm từ những kẻ xâm lược vùng Trung Á. Ở thời kỳ trước khi có súng cầm tay, tất cả vùng Âu Á đều bị đe doạ bởi những kỵ sĩ vùng thảo nguyên Trung Á. Những dân tộc du cư đó có ưu thế về quân sự so với các nước nông nghiệp ở vùng rìa lục địa và nếu họ tràn vào bên trong các đồng bằng phía bắc Ấn Độ hay những vùng châu thổ Trung Quốc thì không có cách nào để ngăn cản được họ. Những cuộc xâm lấn đó thường gây tàn phá và huỷ hoại. Thời đại hoàng kim của Hồi giáo đã chấm dứt khi quân Mông Cổ cướp phá kinh thành Baghdad năm 1258, và cả Ấn Độ cùng Trung Quốc cũng là mục tiêu của các cuộc xâm lược từ Đế quốc Mông Cổ hùng mạnh. châu Âu, đặc biệt là tây Âu cách khá xa khỏi mối đe doạ đó.
Địa lý cũng góp phần vào những khác biệt địa chính trị quan trọng. Trong đa phần lịch sử của mình Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông đều thống nhất dưới một quyền lực cai trị duy nhất và nó mở rộng cho đến khi chạm tới những vùng núi non và sa mạc. Vào năm 1600, Đế quốc Ottoman kiểm soát hầu như toàn bộ Trung Đông, nhà Minh cai quản Trung Quốc, và Đế quốc Mughal từng cai trị toàn bộ Ấn Độ. Trái lại, châu Âu hầu như luôn bị chia rẽ trong số các nước chiến quốc. Các đế quốc "toàn Âu", ngoại trừ Đế quốc La Mã, sớm trước đó, đều có khuynh hướng suy sụp sớm ngay sau khi họ nổi lên. Nghịch lý, sự cạnh tranh dữ dội giữa các nước đối nghịch thường được miêu tả như là một nguồn gốc của sự thành công của châu Âu. Ở những vùng khác, sự ổn định thường được ưu tiên hơn so với sự phát triển. Ví dụ, sự nổi lên của Trung Quốc với tư cách cường quốc trên biển đã bị Hai jin nhà Minh ngăn cản. Ở châu Âu sự cấm đoán như vậy là không thể xảy ra vì có sự bất hoà, nếu bất kỳ một nước nào áp đặt lệnh cấm đó, nó sẽ nhanh chóng bị bỏ lại sau so với những kẻ cạnh tranh với nó.
Một yếu tố địa lý quan trọng khác góp phần vào sự trỗi dậy của châu Âu là Địa Trung Hải, trong hàng nghìn năm, nó hoạt động như một siêu xa lộ trên biển tạo thuận lợi cho những trao đổi hàng hoá, con người, ý tưởng và những phát minh.
Một Tây Âu thực dân và một Đông Âu hùng mạnh
[sửa | sửa mã nguồn]Vào thế kỷ mười bốn, thời kỳ Phục hưng đã bắt đầu ở châu Âu. Một số học giả hiện nay đã đặt ra câu hỏi về việc thời kỳ nở rộ về nghệ thuật và chủ nghĩa nhân đạo này có ảnh hưởng thế nào đối với khoa học, nhưng quả thực thời kỳ này đã chứng kiến một sự hợp nhất quan trọng giữa kiến thức Ả rập và châu Âu. Một trong những phát triển có tầm quan trọng nhất là thuyền buồm, nó tích hợp buồm tam giác của người Ả Rập với buồm vuông của người châu Âu để tạo ra những chiếc tàu đầu tiên có thể chạy một cách an toàn trên Đại Tây Dương. Cùng với những phát triển quan trọng trong nghề hàng hải, kỹ thuật này đã cho phép Christopher Columbus năm 1492 đi ngang qua Đại tây dương và nối từ Phi-Âu Á đến Châu Mỹ.
Việc này có những ảnh hưởng to lớn tới cả hai lục địa, là một trong những vấn đề ngoài phạm vi sử học nổi tiếng nhất. Người châu Âu đem theo họ bệnh tật mà người châu Mỹ chưa từng bao giờ biết tới, và một số lượng không chắc chắn, có lẽ hơn 90% người thổ dân châu Mỹ đã bị giết hại trong một lô những vụ lan truyền bệnh dịch kinh khủng. Người châu Âu cũng có những tiến bộ khoa học về ngựa, sắt thép và súng cho phép họ có khả năng vượt trội so với các Đế chế của người Aztec và Inca, cũng như các nền văn hoá khác ở Bắc Mỹ.
Vàng và các nguồn tài nguyên từ châu Mỹ bắt đầu bị cướp đoạt khỏi tay những người châu Mỹ và được chất lên thuyền đem về châu Âu, cùng lúc đó số lượng lớn những người châu Âu thực dân bắt đầu di cư về phía tây. Để đáp ứng nh cầu lớn về lao động ở các thuộc địa mới, sự xuất khẩu ồ ạt những người châu Phi làm nô lệ bắt đầu. Ngay sau đó nhiều người châu Mỹ bắt đầu có đặc điểm di truyền từ các nô lệ. Ở Tây Phi, một loạt những quốc gia giàu có đã phát triển dọc theo Bờ biển nô lệ, bắt đầu trở nên thịnh vượng từ khai thác và bóc lột những người châu Phi nô lệ.
Sự mở rộng hàng hải của châu Âu, nhờ vào vị trí địa lý của họ, phần lớn là nhờ ở các nước lục địa gần bờ biển Đại tây dương: Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh Quốc, Pháp, Hà Lan. Đế quốc Bồ Đào Nha và Đế quốc Tây Ban Nha ban đầu là những kẻ chinh phục lớn mạnh nhất và có ảnh hưởng lớn nhất, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau nó đã được chuyển giao cho Anh Quốc, Pháp và Hà Lan những nước này thống trị Đại Tây Dương. Trong một loạt những cuộc chiến, diễn ra vào thế kỷ XVII và thế kỷ XVIII, lên tới cực điểm với những cuộc chiến thời Napoleon, Anh Quốc nổi lên là siêu cường đầu tiên của thế giới. Nó là một đế quốc trải dài khắp quả đất, kiểm soát, ở lúc cực điểm, gần một phần tư bề mặt lục địa thế giới, trên đó "Mặt trời không bao giờ lặn".
Lúc ấy, những cuộc viễn du của Đô đốc Trịnh Hòa bị nhà Minh, triều đình được thành lập sau khi đánh đuổi được người Mông Cổ ở Trung Quốc, cấm đoán. Một cuộc cách mạng thương mại Trung Quốc, thỉnh thoảng được miêu tả như là giai đoạn "chủ nghĩa tư bản sơ khai," cũng sớm chết yểu. Nhà Minh cuối cùng lại rơi vào tay những người Mãn Châu, trở thành nhà Thanh, và đó là một giai đoạn yên tĩnh và thịnh vương, nhưng càng ngày càng trở nên một con mồi đối với sự xâm lấn từ phương tây.
Ngay sau khi xâm chiếm châu Mỹ, người châu Âu đã sử dụng tiến bộ kỹ thuật của mình để chinh phục các dân tộc ở châu Á. Đầu thế kỷ XIX, nước Anh chiếm quyền kiểm soát tiểu lục địa Ấn Độ, Ai Cập và Bán đảo Malaysia; Người Pháp chiếm Đông Dương; trong khi người Hà Lan chiếm Đông Ấn. Người Anh cũng chiếm nhiều vùng khi ấy chỉ có những bộ tộc ở trình độ văn minh thời kỳ đồ đá mới, gồm Australia, New Zealand và Nam Phi, và, giống như trường hợp châu Mỹ, rất nhiều kẻ thực dân Anh bắt đầu di cư sang các vùng đó. Vào cuối thế kỷ mười chín, những vùng cuối cùng ở châu Phi còn chưa bị xâm chiếm bị các nước mạnh ở châu Âu đem ra chia chác với nhau.
Vào các thế kỷ XVIII và XIX, các liệt cường Đông Âu phát triển cường thịnh. Trong suốt 149 năm kể từ khi Nga hoàng Aleksei I mất vào năm 1676 cho đến khi Nga hoàng Aleksandr I mất vào năm 1825, Vương triều nhà Romanov đã đưa đất nước từ một cường quốc địa phương non trẻ lên thành một "tên sen đầm của châu Âu" bất khả chiến baị. Trong khi Nga hoàng Aleksei I lên ngôi cùng thập niên với vua Pháp là Louis XIV thì ông chẳng được biết đến mấy tại Hoàng cung Versailles, thì Nga hoàng Aleksandr I đã đánh tan tác quân Pháp mà thẳng tiến vào kinh thành Paris. Nga hoàng Pyotr I (trị vì: 1682 - 1725) và Nữ hoàng Ekaterina II (trị vì: 1762 - 1796) đều được tôn vinh là "Đại Đế", với tài năng phi thường họ đã cống hiến không nhỏ đến sự phát triển cường thịnh của nước Nga. Nước Nga giành thắng lợi trong nhiều cuộc chiến tranh và Đại Công quốc Moskva vươn lên thành một "Đế quốc của toàn dân Nga".[72] Lực lượng Quân đội Nga trở nên hùng cường.[73] Đế quốc Nga cường thịnh đã dẹp tan tác mọi mối đe dọa trước đây từ quân Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman và quân Thụy Điển.[74] Danh tiếng của nước Nga vang xa trong cuộc Chiến tranh Bảy năm, dù Nữ hoàng Elizaveta thất bại trong việc xâm lược nước Phổ.[75] Vua nước Phổ là Friedrich II cũng thoát khỏi chính sách bành trướng của nước Nga trong những năm tháng sau đó.[74]
Trong cùng thời gian đó, Vương quốc Phổ nhanh chóng phát triển hùng cường.[76] Nước Phổ trở thành một tấm gương sáng, phản ánh truyền thống châu Âu nhân văn: với một bộ máy hành chính chính phủ hữu hiệu, một chính sách khoan dung tôn giáo và một bộ máy dân sự không tham nhũng.[77] "Hào khí Phổ" trỗi dậy với niềm trung quân, niềm nhiệt huyết với nền quân sự, và niềm tự hào với sự phát triển của nền văn hóa đất nước. Các vua Friedrich I (trị vì: 1688 - 1713) và Friedrich Wilhelm I (trị vì: 1713 - 1740) phát triển đất nước, tham chiến trong các cuộc Chiến tranh Kế vị Tây Ban Nha và Đại chiến Bắc Âu, chiếm được những vùng đất quan trọng như Stettin và Tây Pomerania.[78] Vua Friedrich Wilhelm I ra sức xây dựng một lực lượng Quân đội Phổ hùng mạnh.[79] Vào ngày 16 tháng 12 năm 1740, tân vương Friedrich II (được tôn vinh là Friedrich Đại Đế hay Friedrich Độc Đáo) đem 27 nghìn quân chinh phạt được tỉnh Silesia của Đế quốc Áo.[80] Ông tiến hành những cải cách tiến bộ[81], và giữ vững được toàn bộ đất nước trong cuộc Chiến tranh Bảy năm chống cả liên quân Pháp - Áo - Nga - Thụy Điển.[82] Vị vua xuất chúng này được những người đương thời thán phục và các nhà sử học mê say.[80] Sau này, ông còn thiết lập "Liên minh các Vương hầu" thắng lợi, trở thành vị minh chủ của các tiểu quốc Đức trong Đế quốc La Mã Thần thánh.[83]
Thời kỳ này ở châu Âu chứng kiến Thời đại Lý tính dẫn tới cách mạng khoa học, làm thay đổi sự hiểu biết của chúng ta về thế giới và tạo cơ sở cho cách mạng công nghiệp, một sự chuyển đối căn bản của các nền kinh tế thế giới. Nó bắt đầu ở nước Anh và việc sử dụng những hình thức sản xuất mới như các nhà máy, sản xuất hàng loạt, và cơ giới hoá để sản xuất ra nhiều loại sản phẩm với tốc độ nhanh hơn và tốn ít nhân công hơn các cách thức sản xuất trước đó. Thời đại của lý trí cũng dẫn tới sự khởi đầu của dân chủ như chúng ta biết hiện nay, trong những cuộc cách mạng ở Mỹ và ở Pháp vào cuối thế kỷ XVIII. Dân chủ sẽ phát triển để có một ảnh hưởng sâu rộng lên các sự kiện thế giới và chất lượng cuộc sống. Trong thời cách mạng công nghiệp, kinh tế thế giới nhanh chóng dựa trên than, cũng như những hình thức giao thông mới, như đường sắt và tàu hơi nước, làm cho thế giới trở nên nhỏ hơn. Trong lúc ấy, ô nhiễm công nghiệp và những tổn hại đối với môi trường thiên nhiên, đã hiện diện từ khi khám phá ra lửa và sự bắt đầu của nền văn minh, đã được đẩy nhanh gấp hàng chục lần.
Thế kỷ XX
[sửa | sửa mã nguồn]Thế kỷ XX chứng kiến sự giảm sút mức độ thống trị đối với thế giới của châu Âu, một phần vì những thiệt hại và sự tàn phá khốc liệt của Chiến tranh thế giới thứ nhất và Chiến tranh thế giới thứ hai cùng với sự hiện diện của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ và Liên bang Xô viết với tư cách là những siêu cường mới. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Liên hiệp quốc được thành lập với hy vọng rằng ngăn chặn các cuộc xung đột giữa các quốc gia và làm cho chiến tranh không thể xảy ra trong tương lai - những hy vọng vẫn chưa bao giờ có thể thực hiện được. Sau năm 1990, Liên bang Xô viết sụp đổ và Hợp chúng quốc Hoa Kỳ trở thành siêu cường duy nhất trên thế giới. (Xem "Pax Americana.")
Thế kỷ này cũng chứng kiến sự trỗi dậy của những hệ tư tưởng mới. Đầu tiên, sau năm 1917 là chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô, nó lan rộng ra khắp Đông Âu sau năm 1945, và Trung Quốc năm 1949, cùng những nước khác thuộc Thế giới thứ ba trong những năm thuộc thập kỷ 1950 và 1960. Thập kỷ 1920 là giai đoạn chủ nghĩa độc tài phát xít quân phiệt chiếm được quyền lãnh đạo ở Đức, Ý, Nhật và Tây Ban Nha.
Những sự chuyển giao quyền lực đó đã dẫn tới các cuộc chiến tranh với tầm vóc và mức độ huỷ diệt khác nhau. Chiến tranh thế giới thứ nhất đã tiêu diệt nhiều chế độ quân chủ cũ tại châu Âu, và làm suy yếu Pháp và Anh Quốc. Chiến tranh thế giới thứ hai dẫn tới sự sụp đổ của những chế độ độc tài quân sự ở châu Âu và sự trỗi dậy của cộng sản chủ nghĩa ở Đông Âu và châu Á, gây ra cuộc Chiến tranh lạnh, sự căng thẳng kéo dài bốn mươi năm giữa Hoa Kỳ với Liên bang xô viết và đồng minh của họ. Toàn bộ nhân loại bị đặt trước nguy cơ hủy diệt bởi sự phát triển của các loại vũ khí hạt nhân. Sau khi có bước tiến bộ vượt bậc về vũ khí, thế giới lại phải chứng kiến sự tan rã của Liên bang Xô viết thành những quốc gia riêng lẻ, một số những nước cộng hoà cũ tái gia nhập với Nga vào trong một khối thịnh vượng chung, các nước khác hợp với Tây Âu.
Thế kỷ này cũng là thời điểm công nghệ tiến bộ vượt bật, tuổi thọ con người và tiêu chuẩn sống tăng lên đáng kể. Khi kinh tế thế giới chuyển từ căn bản dựa trên than đá chuyển qua dựa trên dầu mỏ, kỹ thuật thông tin và giao thông tiếp tục làm thế giới trở nên phát triển hơn. Những thành tựu công nghệ trong thế kỷ này cũng góp phần giảm các vấn đề ô nhiễm môi trường tại thành phố so với thời dùng than.
Nửa sau của thế kỷ XX là giai đoạn phát triển của thời đại tin học và toàn cầu hoá làm thuận tiện hơn trong thương mại và trao đổi văn hoá tăng lên ở mức đáng kinh ngạc. Thám hiểm vũ trụ mở rộng ra toàn bộ hệ mặt trời. DNA, mức độ bản nguyên nhất của sự sống đã được khám phá và bộ gene của con người cũng đã được nối kết đầy đủ, hứa hẹn sẽ mang lại một thay đổi về tình trạng bệnh tật của loài người. Số lượng những bài báo khoa học hiện nay vượt quá tổng số lượng của chúng trước năm 1900 [2] Lưu trữ 2005-12-26 tại Wayback Machine, và cứ 15 năm lại tăng gấp đôi.[3][liên kết hỏng] Tỷ lệ biết chữ tiếp tục tăng lên, và phần trăm nhân lực cần thiết để sản xuất ra đủ lượng lương thực cho thế giới ngày càng giảm bớt khi chúng ta đạt tới (thời đại của những máy móc trí tuệ).
Cũng trong giai đoạn này đã xuất hiện nguy cơ về sự kết thúc của lịch sử loài người, là kết quả của những nguy cơ không thể điều tiết được của quá trình toàn cầu hoá: sự phát triển vũ khí hạt nhân, hiệu ứng nhà kính và các hình thức khác của sự suy giảm chất lượng thiên nhiên có nguyên nhân từ "những nhà máy sử dụng nguyên liệu hoá thạch," những cuộc xung đột quốc tế có nguyên nhân từ sự suy giảm của các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sự lan truyền nhanh chóng của các loại dịch bệnh như HIV, và sự di chuyển gần Trái Đất của các tiểu hành tinh và sao chổi.
Sự phát triển của các quốc gia cũng làm gia tăng mong ước chiếm đoạt và nỗi sợ hãi vì bị thiệt hại. Ý thức đồng nhất quốc gia luôn được viện tới trong mọi cuộc xung đột với bên ngoài và được coi là một nguy cơ tiềm tàng. Khi thế kỷ XX chấm dứt, thế giới cũng chứng kiến sự trỗi dậy của một số nước được coi là cường quốc mới, là Liên minh châu Âu. Một số bước chuẩn bị đầy toan tính đã được thực hiện nhằm cạnh tranh với Liên minh châu Âu từ các nước Châu Á, Châu Phi và Nam Mỹ. Sự trỗi dậy, cuộc sống và sự sụp đổ của các quốc gia, được tổ chức với nhiều sắc dân đông đảo và cho mục đích hoàn thành các mục tiêu của loài người, tiếp tục là một nguy cơ của chiến tranh, với sự thiệt hại đi cùng về nhân mạng, vật chất, bệnh tật, đói nghèo và diệt chủng.
Toàn cầu hóa và Tây phương hóa
[sửa | sửa mã nguồn]Về mặt chính trị, thế giới được thống nhất bởi người châu Âu, những người đã lập nên các thuộc địa ở đa phần những vùng lãnh thổ thế giới bên ngoài châu Âu. Văn hóa phương Tây được hiện đại hóa nhanh chóng nhờ vào cuộc cách mạng công nghiệp và bắt đầu thống trị thế giới trong thế kỷ XIX và XX, nhưng nó cũng bị ảnh hưởng lớn từ các nền văn minh khác. Vẫn có nhiều khác biệt sâu sắc về văn hóa giữa các vùng trên thế giới, mặc dù khuynh hướng hiện tại là thống nhất dưới sự ảnh hưởng của phương Tây.
Các đế quốc thương mại như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Pháp và Anh Quốc từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX đã thống trị trên các vùng biển. Công nghiệp hóa và những thay đổi về chính trị cũng như xã hội ở phương Tây trong thế kỷ XVIII và XIX đã dẫn tới một cảm giác ưu việt trong số những nhà tư tưởng và chính trị phương Tây. Châu Phi và đa phần Châu Á trở thành những vùng nằm dưới quyền kiểm soát của châu Âu, trong khi những hậu duệ của người châu Âu cai quản Australia và Châu Mỹ.
Các ý tưởng mới nảy sinh với mục đích sửa đổi lại hình thức thế giới. Những người theo chủ nghĩa xã hội Darwin và những người theo chủ nghĩa đế quốc thường tin rằng người da trắng là ưu việt hơn và rằng họ sẽ "khai hóa" cho những dân tộc còn ở trình độ sơ khai (những nền văn hóa khác) bằng cách đưa tới đó cách thức sản xuất phương Tây (kinh tế) và những ý thức hệ phương tây như Ki-tô giáo. Nhờ vậy, những dân tộc sơ khai có thể có một cách sống ‘tốt hơn’, ‘đạo đức hơn’, mặc dù họ cho rằng những dân tộc đó sẽ không bao giờ văn minh được bằng với người da trắng.[cần dẫn nguồn] Những người theo chủ nghĩa xã hội và tự do cũng muốn khai hóa văn minh cho tầng lớp lao động ở các nước phương Tây. Những người theo chủ nghĩa xã hội và tự do ở Hoa Kỳ tin rằng (và hiện vẫn đang tin tưởng như vậy) xã hội, trong tổng thể, chịu trách nhiệm về cách ứng xử của các công dân của nó và rằng xã hội phải được thay đổi để làm cho thế giới tốt đẹp hơn [cần dẫn nguồn]. Những người bảo thủ tại Mỹ, những người tự do tại châu Âu, và tất cả những người theo chủ nghĩa tự do tin vào (và vẫn tiếp tục tin như vậy) tự do và những lực lượng thị trường và muốn rằng cá nhân tự chịu trách nhiệm về chính mình và rằng xã hội phải đảm bảo tự đo để cá nhân có thể phát triển một cách đầy đủ. Những người Ki-tô giáo, bất kể thuộc hệ tư tưởng chính trị nào, tin rằng các mối quan hệ của cá nhân với Nhà thờ và/hay Thiên Chúa là nhân tố chủ chốt của một đời sống thoả mãn. Những người theo Hồi giáo, Ấn Độ giáo, Phật giáo và các tôn giáo khác có những khái niệm tôn giáo của riêng họ.
Thế kỷ XX diễn ra một cuộc phân cực lớn giữa các hệ tư tưởng đó. Chủ nghĩa Darwin xã hội đã bị ảnh hưởng lớn khi nước Đức phát xít bị đánh bại trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai. Hoa Kỳ và Liên Xô thúc đẩy tiến trình giải thực. Phong trào nhân quyền và phong trào hippie phản đối văn hoá trong thập kỷ 1960 dẫn tới sự thống trị trên toàn thế giới của tư tưởng nhân văn vẫn còn tồn tại dai dẳng cho tới ngày nay ở các nước phương Tây.
Những người theo chủ nghĩa xã hội cố gắng thay đổi xã hội bằng nhiều phương cách khác nhau. Hai phong trào lớn nhất là dân chủ xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Các nhà dân chủ xã hội tìm cách đạt tới một xã hội xã hội chủ nghĩa bằng cách thay đổi xã hội thông qua liên kết với các đảng chính trị khác. Quốc gia hệ thống phúc lợi xã hội được thiết lập ở nhiều nước phương tây. Cánh tả Ki-tô giáo và những người theo chủ nghĩa tự do cùng chiếm ưu thế tại quốc gia kiểu này. Hiện nay quốc gia hệ thống phúc lợi xã hội không được phổ biến bởi các nhà tư bản, họ nghĩ ngăn cản phát triển kinh tế vì đầu tư không hiệu quả. Những người cộng sản tìm cách lập ra một xã hội xã hội chủ nghĩa bằng cách thay đổi xã hội cũ, những tầng lớp cũ và tất cả mọi ý thức hệ cạnh tranh. Nó là một mô hình ý niệm tốt tuy nhiên lại thiếu thực tế và bị phản đối mạnh mẽ ở các tầng lớp tư bản cao, vì nó ảnh hưởng đến quyền lợi trực tiếp của họ. Có nhiều ý kiến trái ngược về mô hình này. Các nhà lãnh đạo Xô viết và Trung Quốc và tầng lớp trí thức nhận ra rằng kiểu sản xuất của ‘phương Tây’ với trách nhiệm cá nhân dẫn tới tiến bộ liên tục trong khi các xã hội cộng sản theo mô hình Liên Xô lại rơi vào giảm phát kinh tế liên tục, vì thế họ bắt buộc phải thay đổi bằng cách tìm ra mô hình phù hợp vừa đảm bảo được sự phát triển kinh tế vừa không vi phạm những quy tắc cơ bản về xã hội chủ nghĩa.
Các nền văn minh ngoài phương tây ban đầu bị thực dân phương Tây thống trị, và họ thường đối xử rất ác nghiệt với dân bản xứ. Những người quốc gia và những phong trào cộng sản lan tràn khắp các quốc gia đó đã tuyên truyền cho dân chúng những ý tưởng đầu tiên về các phong trào độc lập, muốn yêu cầu quyền lợi công bằng trên thế giới. Nhiều thuộc địa châu Phi và châu Á bắt đầu giành lại độc lập trong thập kỷ 1960. Cuối cùng, đã có suy nghĩ lạc quan rằng những nước kém phát triển sẽ trở thành những nước phát triển, nhưng tình hình kinh tế của họ nói chung là rất kém sau khi đã giành được độc lập. Các cuộc nội chiến và những kẻ độc tài làm suy yếu các xã hội và các nền kinh tế địa phương – nguyên nhân của nó thỉnh thoảng là bắt nguồn từ chủ nghĩa thực dân mới và một phần vì Hoa Kỳ (xem Chủ nghĩa Sô vanh, và học thuyết quốc gia phụ thuộc). Hiện nay, nhiều quốc gia Mỹ Latin và châu Á đang bắt đầu chuyển tiếp để trở thành quốc gia thuộc thế giới thứ nhất; đa số các nước châu Phi và Trung Đông, tuy vậy, vẫn còn đang ở tình trạng trì trệ.
Những người bảo thủ và người theo chủ nghĩa quốc gia trên thế giới sợ rằng những xã hội của họ sẽ sụp đổ vì hiện đại hoá và các ý tưởng mới vì vậy họ tìm cách ngăn chặn làn sóng thay đổi.[cần dẫn nguồn] Chủ nghĩa bảo thủ đang càng ngày càng trở nên phổ biến trên nhiều vùng của thế giới,[cần dẫn nguồn] với việc chủ nghĩa bảo thủ mới hiện đang thống trị trong chính phủ Hoa Kỳ. Những người (tự xưng) Hồi giáo chính thống tìm cách ngăn chặn sự phi tôn giáo hóa bằng cách gây nên chiến tranh chống lại văn minh phương Tây. Nhiều lãnh đạo quốc gia và trí thức ở Trung Đông và vùng Hạ Sahara châu Phi chỉ trích phương tây vì cách sống "vô đạo đức" của họ. Chủ nghĩa bảo thủ được nuôi dưỡng, phần lớn nhờ ở niềm tin tôn giáo vào đời sống kiếp sau với những lo sợ hiện hữu về sự trừng phạt mãi về sau này.
Những nỗ lực nhằm thống nhất thế giới bằng sự chinh phục quân sự hay bằng các cuộc cách mạng đã không thành công. Quốc gia dân tộc trở thành cơ sở quan trọng nhất trong thế giới phương tây.[cần dẫn nguồn] Các đế quốc thực dân ở thế kỷ thứ XIX dựa trên quốc gia dân tộc, vốn từng kiểm soát phần lớn những vùng đất đai sinh sống của các sắc dân bộ lạc. Các quốc gia dân tộc thống nhất với nhau thành liên bang trong thế kỷ XX. Trong thời gian giữa hai cuộc chiến tranh thế giới, Liên đoàn các quốc gia không thể đóng vai trò to lớn trong việc ngăn chặn các cuộc chiến tranh. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Liên hiệp quốc (cũng không có vai trò gì nhiều) đã tìm cách giải quyết nhiều vấn đề mà từng nước riêng biệt không thể giải quyết. Liên đoàn quốc gia và Liên hiệp quốc phụ thuộc vào ý nguyện tham gia và kinh phí đóng góp tự nguyện của các quốc gia thành viên. Các tổ chức đó không thể hoạt động mà không có được sự ủng hộ của các quốc gia lớn, như đã từng xảy ra trong thập niên 1920 và 1930 và trong thời gian Chiến tranh lạnh. Nhiều quốc gia không chính xác (về mặt quy cách) là quốc gia dân tộc, nhưng tồn tại như nhiều dân tộc (hạ Saharan châu Phi), hay chỉ có một tỷ lệ nhỏ của một dân tộc bên trong biên giới lãnh thổ của họ (như tại các nước Ả rập).
Số lượng và kích cỡ của các nền kinh tế thị trường tự do ngày càng tăng trưởng nhanh chóng kể từ thế kỷ XIX, nhưng các nền kinh tế do nhà nước kiểm soát vẫn có thể tồn tại với tư cách thời kỳ chuyển tiếp, cho tới khi Liên bang Xô viết tan rã năm 1991. Các nền kinh tế thị trường tự do dẫn tới tăng trưởng to lớn trong đời sống người dân. Một thị trường tự do toàn cầu đã mang lại thành quả chung. Tự do trao đổi hàng hóa và thông tin dẫn tới sự phụ thuộc lẫn nhau của các quốc gia và muốn có lợi ích riêng thì cần phải hợp tác với các quốc gia khác. Quá trình này được gọi là toàn cầu hóa.
Dân số quá đông cũng bị coi là một trong những vấn đề to lớn nhất trên khắp thế giới. Vấn đề này từng được các nhà tư tưởng như Malthus và Max Weber đưa ra. Weber sợ rằng Ấn Độ và Trung Quốc sẽ phát triển những nền kinh tế lớn của họ với cái giá phải trả của châu Âu, và ủng hộ chủ nghĩa chủ nghĩa đế quốc kiểu Đức để ngăn chặn sự nghèo đói cho dân tộc Đức. Sự phát triển kỹ thuật và kinh tế của thế kỷ XX chỉ ra rằng các nước tây phương có thể có được phát triển kinh tế thông qua phát triển từ bên trong. Các nước châu Âu ở thời Max Weber có thể coi như là các quốc gia thuộc Thế giới thứ ba hiện nay.[cần dẫn nguồn] Trung Quốc, Ấn Độ và các nước Mỹ Latin đã phát triển trong vài thập kỷ gần đây, và hậu quả của nó là sự thất nghiệp ở các nước phương tây.[cần dẫn nguồn] Dân số tăng cũng dẫn tới sự tăng trưởng nhanh chóng của nhu cầu đòi chia sẻ các nguồn tài nguyên hạn chế và tăng nhanh sự phá hủy môi trường khi sử dụng các nguồn tài nguyên đó.
Văn hoá Mỹ đã có ảnh hưởng lớn trên thế giới. Các bộ phim Hollywood và nhạc jazz thống trị trên toàn thế giới phương Tây từ thập kỷ 1920.[cần dẫn nguồn] Văn hóa thanh niên đã bắt đầu ở Mỹ. Quần Jeans, áo T-shirt, phong cách quảng cáo Mỹ và nhạc pop đã thống trị toàn thế giới trong thập kỷ 1960 và 1970. Những cải cách kinh tế của Mỹ và Anh trong thập kỷ 1980 đã trở thành mẫu mực cho toàn thế giới.[cần dẫn nguồn]
Thế kỷ XXI
[sửa | sửa mã nguồn]Thế kỷ thứ 21 được đánh dấu bằng sự phát triển kinh tế toàn cầu hóa và hội nhập, hệ quả là gia tăng rủi ro cho các nền kinh tế liên kết, như trong Đại suy thoái vào cuối thập niên 2000 và đầu những năm 2010.[84] Thời kỳ này cũng chứng kiến sự phát triển của các phương thức liên lạc bằng điện thoại di động và internet, điều này tạo ra những thay đổi xã hội cơ bản trong kinh doanh, chính trị và đời sống cá nhân. Internet và điện thoại di động cũng mở rộng không gian cho hành vi tội phạm về phía các cá nhân, tổ chức, tập đoàn và các quốc gia bất hảo.[85][86]
Đầu thế kỷ 21 chứng kiến nhiều cuộc nội chiến và xung đột quốc tế leo thang ở vùng Cận Đông và Afghanistan, các mối thù giữa những sắc tộc và giáo phái và vụ tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới ở thành phố New York năm 2001.[87] Trong khi Mùa xuân Ả Rập, một làn sóng nổi dậy mang tính cách mạng ở các vùng Bắc Phi và Cận Đông vào đầu những năm 2010 đã tạo ra những khoảng trống quyền lực lớn dẫn đến sự hồi sinh của chủ nghĩa chuyên chế và sự ra đời của các nhóm phản động như Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Sự can thiệp của quân đội Hoa Kỳ vào vùng Cận Đông và Afghanistan,[88] cùng với cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế đã làm cạn kiệt nguồn lực kinh tế của nước này vào thời điểm mà Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác đang gặp phải tình trạng trật tự kinh tế xã hội trở nên trầm trọng hơn do robot hóa trong công việc và xuất khẩu các ngành công nghiệp đến các nước có lực lượng lao động rẻ hơn.[89][90][91][92][93] Trong khi đó, các nền văn minh châu Á cổ đại và đông dân như Ấn Độ và đặc biệt là Trung Quốc trở thành đối thủ kinh tế và chính trị tiềm năng của các cường quốc phương Tây.[94]
Cạnh tranh trên toàn thế giới về tài nguyên đã làm gia tăng dân số và quá trình công nghiệp hóa ngày càng phát triển, đặc biệt là ở Ấn Độ, Trung Quốc và Brazil. Điều đó đang góp phần làm suy thoái môi trường và hiện tượng ấm lên toàn cầu, với sự gia tăng mạnh mẽ của xoáy thuận nhiệt đới, lũ lụt, hạn hán, cháy rừng và tỷ lệ tử vong do tăng thân nhiệt.
Sự căng thẳng quốc tế đang gia tăng liên quan đến nỗ lực của một số nước có vũ khí hạt nhân để khiến Bắc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân và đồng thời ngăn cản Iran phát triển chương trình vũ khí hạt nhân của nước này.[95][96]
Xem thêm
[sửa | sửa mã nguồn]Lịch sử theo miền
[sửa | sửa mã nguồn]- Lịch sử châu Phi
- Lịch sử châu Mỹ
- Lịch sử Châu Nam Cực
- Lịch sử châu Á
- Lịch sử Australia
- Lịch sử Đông Á
- Lịch sử vùng Âu Á
- Lịch sử vùng Tây Âu Á
- Lịch sử châu Âu
- Lịch sử Trung Đông
- Lịch sử Bắc Mỹ
- Lịch sử Nam Mỹ
- Lịch sử Nam Á
- Lịch sử Đông Nam Á
- Lịch sử Việt Nam
Đề tài trong lịch sử
[sửa | sửa mã nguồn]Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]Bài viết này cần thêm chú thích nguồn gốc để kiểm chứng thông tin. |
- ^ “Những nguồn gốc của con người hiện đại: Đa vùng hay bên ngoài châu Phi?”. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 11 năm 2010. Truy cập 2006. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|ngày truy cập=
(trợ giúp)
- ^ Theo David Diringer ("Writing", Encyclopedia Americana, 1986 ed., vol. 29, p. 558), "Writing gives permanence to men's knowledge and enables them to communicate over great distances... The complex society of a higher civilization would be impossible without the art of writing."
- ^ Webster, H. (1921). World history. Boston: D.C. Heath. Page 27.
- ^ Tudge, Colin (1998). Neanderthals, Bandits and Farmers: How Agriculture Really Began. London: Weidenfeld & Nicolson. ISBN 0-297-84258-7.
- ^ Bellwood, Peter. (2004). First Farmers: The Origins of Agricultural Societies, Blackwell Publishers. ISBN 0-631-20566-7
- ^ Cohen, Mark Nathan (1977) The Food Crisis in Prehistory: Overpopulation and the Origins of Agriculture, New Haven and London: Yale University Press. ISBN 0-300-02016-3.
- ^ See Jared Diamond, Guns, Germs and Steel.
- ^ Schmandt-Besserat, Denise (January–February 2002). "Signs of Life". Archaeology Odyssey: 6–7, 63.
- ^ McNeill, Willam H. (1999) [1967]. "In The Beginning". A World History (4th ed.). New York: Oxford University Press. p. 15. ISBN 0-19-511615-1.
- ^ Baines, John and Jaromir Malek (2000). The Cultural Atlas of Ancient Egypt (revised ed.). Facts on File. ISBN 0-8160-4036-2.
- ^ Bard, KA (1999). Encyclopedia of the Archaeology of Ancient Egypt. NY, NY: Routledge. ISBN 0-415-18589-0.
- ^ a b Grimal, Nicolas (1992). A History of Ancient Egypt. Blackwell Books. ISBN 0-631-19396-0.
- ^ "Internet Medieval Sourcebook Project". Fordham.edu. Truy cập 2009-04-18.
- ^ "The Online Reference Book of Medieval Studies". The-orb.net. Truy cập 2009-04-18.
- ^ Burckhardt, Jacob (1878), The Civilization of the Renaissance in Italy, trans S.G.C Middlemore, republished in 1990 ISBN 0-14-044534-X
- ^ "The Cambridge Modern History. Vol 1: The Renaissance (1902)". Uni-mannheim.de. Truy cập 2009-04-18.
- ^ Rice, Eugene, F., Jr. (1970). The Foundations of Early Modern Europe: 1460–1559. W.W. Norton & Co.
- ^ William W. Hallo & William Kelly Simpson, The Ancient Near East: A History, Holt Rinehart and Winston Publishers, 1997
- ^ Jack Sasson, The Civilizations of the Ancient Near East, New York, 1995
- ^ Marc Van de Mieroop, History of the Ancient Near East: Ca. 3000–323 BC., Blackwell Publishers, 2003
- ^ "What Did Gutenberg Invent?". BBC. Truy cập 2008-05-20.
- ^ Grant, Edward. The Foundations of Modern Science in the Middle Ages: Their Religious, Institutional, and Intellectual Contexts. Cambridge: Cambridge Univ. Pr., 1996
- ^ More; Charles. Understanding the Industrial Revolution (2000) online edition
- ^ Chen, F.C. & Li, W.H. (2001). "Genomic divergences between humans and other hominoids and the effective population size of the common ancestor of humans and chimpanzees". Am J Hum Genet 68 (2): 444–456. doi:10.1086/318206. PMC 1235277. PMID 11170892
- ^ "Human Evolution by The Smithsonian Institution's Human Origins Program". Human Origins Initiative. Smithsonian Institution. Truy cập 2010-08-30.[dead link]
- ^ Stringer, C. (2012). "AOP". Nature 485 (7396): 33–35. doi:10.1038/485033a. PMID 22552077. edit
- ^ Stearns, Peter N.; William L. Langer (2001-09-24). The Encyclopedia of World History: Ancient, Medieval, and Modern, Chronologically Arranged. Houghton Mifflin Company. ISBN 0-395-65237-5.
- ^ Chandler, T. Four Thousand Years of Urban Growth: An Historical Census. Lewiston, NY: Edwin Mellen Press, 1987.
- ^ Modelski, G. World Cities: –3000 to 2000. Washington, DC: FAROS 2000, 2003.
- ^ The very word "civilization" comes from the Latin civilis, meaning "civil," related to civis, meaning "citizen," and civitas, meaning "city" or "city-state."
- ^ Ascalone, Enrico. Mesopotamia: Assyrians, Sumerians, Babylonians (Dictionaries of Civilizations; 1). Berkeley: University of California Press, 2007 (paperback, ISBN 0-520-25266-7).
- ^ Lloyd, Seton. The Archaeology of Mesopotamia: From the Old Stone Age to the Persian Conquest.
- ^ Allchin, Bridget (1997). Origins of a Civilization: The Prehistory and Early Archaeology of South Asia. New York: Viking.
- ^ Allchin, Raymond (ed.) (1995). The Archaeology of Early Historic South Asia: The Emergence of Cities and States. New York: Cambridge University Press.
- ^ "The Sun God Ra and Ancient Egypt". Solarnavigator.net. Truy cập 2009-04-18.
- ^ "The Sun God and the Wind Deity at Kizil," by Tianshu Zhu, in Transoxiana Webfestschrift Series I, Webfestschrift Marshak: Ēran ud Anērān, 2003.
- ^ Marija Gimbutas. The Language of the Goddess, Harpercollins, 1989, ISBN 0-06-250356-1.
- ^ Turner, Patricia, and Charles Russell Coulter, Dictionary of Ancient Deities, New York, Oxford University Press, 2001.
- ^ Allen, James (2007). The Ancient Egyptian Pyramid Texts. Atlanta, Ga.: Scholars Press. ISBN 1-58983-182-9.
- ^ Patrick Symmes, "History in the Remaking: a temple complex in Turkey that predates even the Pyramids is rewriting the story of human evolution," Newsweek, ngày 1 tháng 3 năm 2010, pp. 46–48.
- ^ "Ubaid Civilization". Ancientneareast.tripod.com. Diakses ngày 18 tháng 4 năm 2009.
- ^ Wells, H. G. (1921), The Outline of History: Being A Plain History of Life and Mankind, New York: Macmillan Company, hlm. 137.
- ^ "Social classes in ancient Egypt". Digital Egypt for Universities, University College London. Diakses 11 Desember 2007.
- ^ Possehl, G. L. (October 1990). "Revolution in the Urban Revolution: The Emergence of Indus Urbanization". Annual Review of Anthropology 19: 261—282. doi:10.1146/annurev.an.19.100190.001401. Diakses 6 Mei 2007.
- ^ "Excavations at Alamgirpur", Indian Archaeology, A Review, Delhi: Archaeolical Survey of India, 1958-1959
- ^ Leshnik, Lawrence S. (October 1968). "The Harappan "Port" at Lothal: Another View". American Anthropologist, New Series, 70 (5): 911—922. doi:10.1525/aa.1968.70.5.02a00070. JSTOR 669756.
- ^ "Indus civilization". Encyclopædia Britannica. 2007. Diakses ngày 19 tháng 10 năm 2008.
- ^ Gupta, Anil K. (10 Juli 2004), "Origin of Agriculture and Domestication of Plants and Animals Linked to Early Holocene Climate Amelioration", Current Science, 87, No. 1, Indian Academy of Sciences
- ^ Baber, Zaheer (1996), The Science of Empire: Scientific Knowledge, Civilization, and Colonial Rule in India, State University of New York Press, ISBN 0-7914-2919-9
- ^ Harris, David R.; Gosden, C. (1996), The Origins and Spread of Agriculture and Pastoralism in Eurasia: Crops, Fields, Flocks And Herds, Routledge, hlm. 385, ISBN 1-85728-538-7
- ^ Harris, David R.; Gosden, C. (1996), The Origins and Spread of Agriculture and Pastoralism in Eurasia: Crops, Fields, Flocks And Herds, Routledge, hlm. 385, ISBN 1-85728-538-7.
- ^ Encyclopædia Britannica. "Harappa (Pakistan) - Britannica Online Encyclopedia". Britannica.com. Diakses 9 Januari 2010.
- ^ "Early Indian Culture—Indus Civilization". Diakses ngày 18 tháng 4 năm 2009.
- ^ Kenoyer, Jonathan (1998). Ancient Cities of the Indus Valley Civilization. Oxford University Press.
- ^ Li, X; Harbottle, Garman; Zhang Juzhong; Wang Changsui (2003). "The earliest writing? Sign use in the seventh millennium BC at Jiahu, Henan Province, China". Antiquity 77 (295): 31—44.
- ^ "Asia-Pacific | Chinese writing '8,000 years old'". BBC News. 2007-05-18. Diakses ngày 18 tháng 4 năm 2009.
- ^ "Carvings may rewrite history of Chinese characters". Xinhua online. 18 Mei 2007. Diakses 19 Mei 2007.
- ^ "Public Summary Request Of The People's Republic Of China To The Government Of The United States Of America Under Article 9 Of The 1970 Unesco Convention". Bureau of Educational and Cultural Affairs, U.S. State Department. Diarsipkan dari aslinya tanggal ngày 15 tháng 12 năm 2007. Diakses 12 Januari 2008.
- ^ "The Ancient Dynasties". University of Maryland. Diakses 12 Januari 2008
- ^ Zaman Perunggu Tiongkok di National Gallery of Art
- ^ Fairbank, John King and Merle Goldman (1992). China: A New History; Second Enlarged Edition (2006). Cambridge: MA; London: The Belknap Press of Harvard University Press. ISBN 0-674-01828-1
- ^ T. Culen, Ritual pemakaman Mesolitik di Gua Franchthi, Yunani Antiquity.ac.uk
- ^ "Ancient Greece: The National Archaeological Museum of Athens". Athens-greece.us. Diakses 17 Agustus 2012.
- ^ Ancient Crete, Oxford Bibliographies Online
- ^ Bowner, B. (Januari 2010), Hominids Went Out of Africa on Rafts, Wired
- ^ Wilford, J.N. (Februari 2010), On Crete, New Evidence of Very Ancient Mariners, The New York Times
- ^ Durant, William (1939), "The Life of Greece", The Story of Civilization II, New York: Simon & Schuster
- ^ Roebuck, Carl, The World of Ancient Times, hlm. 107
- ^ Burkert, Walter. Greek Religion, p. 121; Meyer, E. RE Suppl. XIV, pp. 813—815.
- ^ Josef Wiesehöfer, Ancient Persia, trang 42
- ^ Josef Wiesehöfer, Ancient Persia, trang 2
- ^ Josef Wiesehöfer, Ancient Persia, trang 153
- ^ Norman Davies, Europe: a history, trang 649
- ^ Gregory L. Freeze, Russia: a history, trang 116
- ^ a b Christopher M. Clark, Iron kingdom: the rise and downfall of Prussia, 1600-1947, trang 212
- ^ Christopher M. Clark, Iron kingdom: the rise and downfall of Prussia, 1600-1947, trang 211
- ^ Norman Davies, Europe: a history, trang 647
- ^ Christopher M. Clark, Iron kingdom: the rise and downfall of Prussia, 1600-1947, trang 777
- ^ Norman Davies, Europe: a history, trang 648
- ^ Christopher M. Clark, Iron kingdom: the rise and downfall of Prussia, 1600-1947, trang 95
- ^ a b Christopher M. Clark, Iron kingdom: the rise and downfall of Prussia, 1600-1947, trang 183
- ^ Christopher M. Clark, Iron kingdom: the rise and downfall of Prussia, 1600-1947, trang 253
- ^ Christopher M. Clark, Iron kingdom: the rise and downfall of Prussia, 1600-1947, trang 206
- ^ Christopher M. Clark, Iron kingdom: the rise and downfall of Prussia, 1600-1947, trang 217
- ^ Bob Davis, "What's a Global Recession?", The Wall Street Journal, ngày 22 tháng 4 năm 2009. [1] Lưu trữ 2019-02-28 tại Wayback Machine Retrieved ngày 2 tháng 1 năm 2019.
- ^ Richard A. Clarke và Rob Knake, "The Internet Freedom League: How to Push Back against the Authoritarian Assault on the Web", Foreign Affairs, vol. 98, no. 5 (September / October 2019), pp. 184–92.
- ^ Adrian Chen, "The Confidence Game: How Silicon Valley broke the economy", The Nation, vol. 309, no. 11 (ngày 4 tháng 11 năm 2019), pp. 27–30. (p. 30.)
- ^ Robert Malley và Jon Finer, "The Long Shadow of 9/11: How Counterterrorism Warps U.S. Foreign Policy", Foreign Affairs, vol. 97, no. 4 (July–August 2018), pp. 60–67.
- ^ Andrew J. Bacevich, "Wars without End", The Nation, vol. 307, no. 2 (16/ngày 23 tháng 7 năm 2018), pp. 15–16.
- ^ Shlomo Ben-Ami, "Gobalization's Discontents", The Nation, vol. 307, no. 2 (16 / ngày 23 tháng 7 năm 2018), p. 27.
- ^ Liaquat Ahamed, "Widening Gyre: The rise and fall and rise of economic inequality", The New Yorker, ngày 2 tháng 9 năm 2019, pp. 26–29.
- ^ Bryce Covert, "What Money Can Buy: The promise of a universal basic income – and its limitations", The Nation, vol. 307, no. 6 (10 / ngày 17 tháng 9 năm 2018), p. 33.
- ^ Benjamin M. Friedman, "Born to Be Free" (review of Philippe Van Parijs and Yannick Vanderborght, Basic Income: A Radical Proposal for a Free Society and a Sane Economy, Harvard University Press, 2017), The New York Review of Books, vol. LXIV, no. 15 (ngày 12 tháng 10 năm 2017), pp. 39–41.
- ^ Nathan Heller, "Take the Money and Run: What's behind the enthusiasm for universal basic income?", The New Yorker, 9 & ngày 16 tháng 7 năm 2018, pp. 65–69.
- ^ Paul Kennedy, The Rise and Fall of the Great Powers: Economic Change and Military Conflict from 1500 to 2000, New York, Random House, 1987, ISBN 0-394-54674-1, pp. 242–45, 432, 514–19, 526–29, 533–35, and passim.
- ^ Wendy R. Sherman, "How We Got the Iran Deal: And Why We'll Miss It", Foreign Affairs, vol. 97, no. 5 (September / October 2018), pp. 186–97.
- ^ Christopher Clark, "'This Is a Reality, Not a Threat'" (review of Lawrence Freedman, The Future of War: A History, Public Affairs, 2018, 376 pp.; and Robert H. Latiff, Future War: Preparing for the New Global Battlefield, Knopf, 2018, 192 pp.), The New York Review of Books, vol. LXV, no. 18 (ngày 22 tháng 11 năm 2018), p. 54.
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- Christopher M. Clark, Iron kingdom: the rise and downfall of Prussia, 1600-1947, Harvard University Press, 2006. ISBN 0674023854.
- Josef Wiesehöfer, Ancient Persia, I.B.Tauris, 2001. ISBN 1860646751.
- Gregory L. Freeze, Russia: a history, Oxford University Press, 2002. ISBN 0198605110.
- Norman Davies, Europe: a history, Oxford University Press, 1996. ISBN 0198201710.
- Diamond, Jared (1996). Guns, Germs, and Steel: The Fates of Human Societies. New York: W. W. Norton. ISBN 0-393-03891-2.
- Braudel, Fernand (1996). The Mediterranean and the Mediterranean world in the age of Philip II. Berkeley, Calif.: University of California Press. ISBN 0-520-20308-9.
- Braudel, Fernand (1973). Capitalism and material life, 1400-1800. New York: HarperCollins. ISBN 0-06-010454-6.
- Hodgson M, Rethinking World History: Essays on Europe, Islam, and World History (Cambridge, 1993)
- Pomeranz, K, The Great Divergence:China, Europe and the Making of the Modern World Economy (Princeton, 2000)
- Ponting, C World History: A New Perspective (London, 2000)
Liên kết ngoài
[sửa | sửa mã nguồn]- WWW-VL: World History Lưu trữ 2006-06-21 tại Wayback Machine at European University Institute
- Lịch sử thế giới bằng đồ họa