Linda Kiều

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Linda Kiều
Xuất hiện lần đầu1996; trên báo Tuổi Trẻ Cười
Sáng tạo bởiNguyễn Hữu Tài
Lê Văn Nghĩa
Thông tin
Giới tínhNữ

Linda Kiều là một nhân vật biếm họa được sáng tạo bởi họa sĩ Nguyễn Tài cùng nhà văn Lê Văn Nghĩa, xuất hiện lần đầu trên báo Tuổi Trẻ Cười vào cuối thập niên 1990 và từng được đưa lên sân khấu kịch cũng như xuất hiện tại những sự kiện khác nhau sau đó.

Lịch sử[sửa | sửa mã nguồn]

Theo suy luận từ các nguồn, Linda Kiều ra đời vào năm 1996.[1][2] Trong khoảng thời gian này, Nguyễn Hữu Tài (bút danh Nguyễn Tài) đã được giao nhiệm vụ vẽ Hai Nhái làm nhân vật định kỳ trong các số của báo, theo đó nhân vật sẽ mang dáng dấp bộ ba nhân vật châm biếm Bang Bạnh - Xã Xệ - Lý Toét nhưng chứa tinh thần mộc mạc của người nông dân Nam Bộ.[3] Ngoài Hai Nhái, cả Nguyễn Tài cùng nhà văn Lê Văn Nghĩa[1][4] cũng cho ra đời Linda Kiều.[a] Ban đầu, Linda Kiều và Hai Nhái chỉ có màu đen trắng nhưng sau đó được in dưới dạng tranh màu. Sau khi ra mắt một thời gian, Hai Nhái đã sớm bị cho "chết yểu" và chỉ còn tập trung vào vẽ Linda Kiều vì sự yêu thích của độc giả với nhân vật.[5][7] Trong các số về sau, Linda Kiều chủ yếu do Nguyễn Tài phụ trách đảm nhận.[7]

Trong những năm cuối đời, dù đã định cư sang Mỹ cùng gia đình cộng thêm tuổi cao sức yếu, thế nhưng họa sĩ Nguyễn Tài vẫn duy trì chuyên mục của nhân vật này.[3] Sau khi ông ngừng vẽ, các tiểu phẩm biếm họa có sự xuất hiện của Linda Kiều tiếp tục được thực hiện bởi một số họa sĩ khác nhau làm việc ở tòa báo.[8][9][10]

Mô tả[sửa | sửa mã nguồn]

Linda Kiều được khắc họa như một hình tượng điển hình[11] đại diện cho "bộ phận giới trẻ chạy theo những giá trị ảo trong cuộc sống".[12] Cô được miêu tả như là cô gái thời trang, sành điệu và thực dụng,[13] có tính ngây ngô, thích ham vui.[12][14] Linda Kiều sở hữu đôi mắt bồ câu "ngây thơ", đôi môi "chúm chím", một đôi chân dài[15] cùng số đo ba vòng "tuyệt vời".[5][6] Và vì vậy, cô chuyên dùng sắc đẹp của mình để "dụ" mấy đại gia "hảo ngọt".[16]

Trong một bài viết "tự truyện" của Linda Kiều, do Lê Văn Nghĩa ghi lại và đăng trên tờ Tuổi Trẻ Cười số 320 ngày 15 tháng 11 năm 2006, nhân vật được tiết lộ xuất thân trong một gia đình có ba mẹ giàu có và nhiều quyền chức; tuy nhiên, người ba chung sống cùng mẹ cô chỉ là "ba hờ": ba ruột của cô thực chất là một nhân vật quyền quý tại địa phương, và cô là sản phẩm của việc lén lút qua lại giữa mẹ cô và người đàn ông đã có gia đình này để giúp chồng được cân nhắc thăng chức.[17]

Ảnh hưởng[sửa | sửa mã nguồn]

Loạt truyện tranh Linda Kiều đã được xem như là truyện tranh biếm họa nhiều kỳ thành công nhất ở Việt Nam.[6] Hình tượng nhân vật Linda Kiều do Nguyễn Hữu Tài khắc họa cũng gây nên ấn tượng mạnh và sâu rộng trong độc giả của báo, đồng thời gắn liền với tên tuổi của nam họa sĩ.[18] Bài viết "Linda Kiều tự truyện" nói về nhân vật sau khi đăng tải đã tạo nên một làn sóng dư luận và được photocopy ra thành triệu bản, với mỗi bản có giá 100 đồng. Thậm chí, một số người hâm mộ nhân vật còn dán những bài copy này lên các cột đèn, bức tường bên cạnh quảng cáo trị yếu sinh lý, hút hầm cầu, v.v..[19]

Trong văn hóa đại chúng[sửa | sửa mã nguồn]

H'Hen nhớ báo Tuổi Trẻ Cười có nhân vật Linda Kiều đúng không? H'Hen rất là thích nhân vật đó, không chỉ xinh đẹp mà còn khéo léo nói lên nhiều vấn đề trong xã hội.

H'Hen Niê[20]

Linda Kiều đã được đưa lên sân khấu kịch và các sự kiện quan trọng khác nhau.[6] Tại Lễ trao giải Cù Nèo Vàng 2012 tổ chức bởi báo Tuổi Trẻ Cười, hai nhân vật Linda Kiều và Hai Cù Nèo, do Lê Văn Nghĩa sáng tác, đã xuất hiện trong một tiết mục trên sân khấu, lần lượt do Hạnh ThúyAnh Vũ đảm nhận.[13][21][22] Trước đó, Hạnh Thúy từng nhiều lần hóa thân thành Linda Kiều ở tiểu phẩm hài cùng tên và có được sự đón nhận tích cực từ khán giả, từ đó khiến nữ nghệ sĩ có thêm một biệt danh mới "Linda".[13] Trong sự kiện "Ngày hội 30 năm Tuổi Trẻ Cười" diễn ra vào ngày 4 tháng 1 năm 2014 tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn, cặp vợ chồng Thanh ThúyĐức Thịnh đã đóng vai Linda Kiều cùng Hai Cù Nèo và làm MC cho chương trình.[12] Cũng tại giải Cù Nèo Vàng năm 2014 tổ chức năm 2015, hai nghệ sĩ Thanh Giang và Đào Duy hóa thân thành Linda Kiều và Hai Cù Nèo kiêm cả dẫn chương trình.[23]

Vào năm 2008, trong khuôn khổ chương trình văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, Sở văn hóa thành phố đã hợp tác cùng hãng phim Nguyễn Đình Chiểu để sản xuất một bộ phim tài liệu về Linda Kiều, trong đó tường thuật lại chi tiết quá trình ra đời và phổ biến của nhân vật đặt trong bối cảnh xã hội đương thời. Phim được khởi quay từ tháng 3 năm 2008 và chiếu trên kênh HTV9 ngày 2 tháng 4 cùng năm, do Nguyễn Mộng Long đạo diễn.[1][2]

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

Ghi chú[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Có nguồn cho rằng Linda Kiều và Hai Nhái là hai cha con.[5][6]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b c H.Oanh (15 tháng 3 năm 2008). “Linda Kiều lên phim”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 11 năm 2022. Truy cập ngày 20 tháng 11 năm 2022.
  2. ^ a b M.D. (2 tháng 4 năm 2008). “Gặp "Linda Kiều" trên màn ảnh nhỏ”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 11 năm 2022. Truy cập ngày 20 tháng 11 năm 2022.
  3. ^ a b Nhím (6 tháng 2 năm 2021). “Nàng Linda Kiều đã mất đi người cha...”. Tuổi Trẻ Cười. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 11 năm 2022. Truy cập ngày 20 tháng 11 năm 2022.
  4. ^ Thúy Hạnh (27 tháng 7 năm 2021). “Xuất bản hai cuốn sách của nhà văn được mệnh danh "Người bán nụ cười". Tạp chí điện tử Thông tin và Truyền thông. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 11 năm 2022. Truy cập ngày 20 tháng 11 năm 2022.
  5. ^ a b c “Vô cùng thương nhớ họa sĩ biếm họa tài ba Nguyễn Tài”. Tuổi Trẻ Cười. 8 tháng 2 năm 2021. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 11 năm 2022. Truy cập ngày 20 tháng 11 năm 2022.
  6. ^ a b c d Lý Trực Dũng (16 tháng 6 năm 2008). "Cha đẻ" của Linda Kiều”. Thể thao & Văn hóa. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 11 năm 2022. Truy cập ngày 20 tháng 11 năm 2022.
  7. ^ a b “Giao lưu trực tuyến với các cây bút biếm của Tuổi Trẻ Cười”. Tuổi Trẻ. 10 tháng 1 năm 2009. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 11 năm 2022. Truy cập ngày 20 tháng 11 năm 2022.
  8. ^ Chính Vi, N9 (2 tháng 9 năm 2019). “Linda Kiều quốc tế hóa”. Tuổi Trẻ Cười. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 11 năm 2022. Truy cập ngày 20 tháng 11 năm 2022.
  9. ^ N9 (28 tháng 7 năm 2021). “Linda Kiều trong mùa dịch”. Tuổi Trẻ Cười. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 11 năm 2022. Truy cập ngày 20 tháng 11 năm 2022.
  10. ^ “Làm việc ở Tuổi Trẻ Cười thì có gì hot?”. Tuổi Trẻ Cười. 20 tháng 12 năm 2019. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 11 năm 2022. Truy cập ngày 20 tháng 11 năm 2022.
  11. ^ Hoàng Oanh (6 tháng 12 năm 2013). “30 năm một tiếng cười bền bỉ”. Tuổi Trẻ. Truy cập ngày 20 tháng 11 năm 2022.
  12. ^ a b c Hoàng Oanh (2 tháng 1 năm 2014). “Hồi hộp với Hai Cù Nèo và Linda Kiều”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 11 năm 2022. Truy cập ngày 20 tháng 11 năm 2022.
  13. ^ a b c Quang Thi (27 tháng 1 năm 2013). “Nghệ sĩ hẹn nhau đêm trao giải Cù nèo vàng”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 11 năm 2022. Truy cập ngày 20 tháng 11 năm 2022.
  14. ^ Đỗ Tuấn (1 tháng 4 năm 2006). “Những cây cọ... cọ vào đời”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 11 năm 2022. Truy cập ngày 20 tháng 11 năm 2022.
  15. ^ Đỗ Minh Tuấn (2 tháng 4 năm 2004). “Cho chiều cao một cái hẹn... hay thôi?”. Tuổi Trẻ Cười. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 11 năm 2022. Truy cập ngày 20 tháng 11 năm 2022.
  16. ^ Bà Tám (23 tháng 6 năm 2010). “Hạnh Thúy: Em là Linda Kiều”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 11 năm 2022. Truy cập ngày 20 tháng 11 năm 2022.
  17. ^ Lê Văn Nghĩa (17 tháng 11 năm 2006). “Linda Kiều tự truyện”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 11 năm 2022. Truy cập ngày 20 tháng 11 năm 2022.
  18. ^ Nhốp (5 tháng 2 năm 2021). “Họa sĩ biếm Nguyễn Tài, người sáng tạo hình ảnh LinDa Kiều, qua đời”. Tuổi Trẻ Cười. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 11 năm 2022. Truy cập ngày 20 tháng 11 năm 2022.
  19. ^ Tàu Tống Gió (2 tháng 12 năm 2006). “Vì muốn cho Tây học (Phỏng vấn Linda Kiều)”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 11 năm 2022. Truy cập ngày 20 tháng 11 năm 2022.
  20. ^ “H'Hen Niê thích Linda Kiều?”. Tuổi Trẻ Cười. 25 tháng 1 năm 2019. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 11 năm 2022. Truy cập ngày 20 tháng 11 năm 2022.
  21. ^ Hòa Bình (29 tháng 1 năm 2013). “Nghệ sĩ cải lương Thanh Nam nhận giải Cù Nèo Vàng 2012”. Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 11 năm 2022. Truy cập ngày 20 tháng 11 năm 2022.
  22. ^ Thanh Kiều (29 tháng 1 năm 2013). “Cù nèo vàng 2012 - nhiều nghệ sĩ lần đầu đoạt giải”. Thể thao & Văn hóa. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 11 năm 2022. Truy cập ngày 20 tháng 11 năm 2022.
  23. ^ Huỳnh Trường Giang (31 tháng 1 năm 2015). “Cù nèo vàng 2014: đa dạng loại hình sân khấu hài”. Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 11 năm 2022. Truy cập ngày 20 tháng 11 năm 2022.

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]