Bước tới nội dung

Mười (phim)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Mười
Poster chính thức tại Hàn Quốc.
Đạo diễnKim Tae-kyeong
Tác giảKim Tae-kyeong
Sản xuấtBily Pictures
Phước Sang
Diễn viênJo An
Cha Ye-ryeon
Anh Thư
Trần Huỳnh Bảo
Quay phimPark Jae-hong
Dựng phimKo Im-pyo
Âm nhạcRyu Hyeong-wook
Hãng sản xuất
CJ Entertaiment Phuoc Sang Cinema
Phát hànhCinema Service
CJ Entertainment (Hàn Quốc)
Hãng phim Phước Sang (Việt Nam)
Công chiếu
25 tháng 7 năm 2007[1]
(Hàn Quốc)
24 tháng 12 năm 2007
(Việt Nam)
Thời lượng
98 phút
Quốc giaHàn Quốc
Việt Nam
Ngôn ngữTiếng Hàn
Tiếng Việt
Kinh phí3 triệu USD
Doanh thu158 tỷ VND (Việt Nam)

Mười: Truyền thuyết về bức chân dung, hay còn gọi ngắn là Mười, là một bộ phim kinh dị Việt Nam ra mắt năm 2007 do Kim Tae-kyeong đạo diễn, các đơn vị Việt NamHàn Quốc đồng sản xuất. Đây được xem là phim điện ảnh kinh dị Việt Nam đầu tiên sau nhiều năm thể loại này vắng bóng trên màn ảnh rộng.[2]

Nội dung

[sửa | sửa mã nguồn]

Ở Hàn Quốc, sau ba năm không được xuất bản sách, Yoon-hee (Jo An) bị chủ bút buộc tìm ra gì đó hấp dẫn cho tác phẩm mới. Cô được Seo-yeon (Cha Ye-ryeon), người bạn cũ giờ sống ở Việt Nam, tiết lộ câu chuyện dân gian về oán hồn Mười. Yoon-hee hăm hở đến Việt Nam để tìm hiểu truyền thuyết, bất chấp từng kể xấu Seo-yeon trong một cuốn sách cũ.

Ở Việt Nam, Yoon-hee biết thêm về Mười (Anh Thư), đứa con thứ mười trong một gia đình khoảng 100 năm trước. Cô trưởng thành với vẻ đẹp lạ kỳ và phải lòng họa sĩ tài hoa Nguyễn (Bình Minh). Nhưng Nguyễn đã sánh duyên cùng người vợ giàu có Hồng (Hồng Ánh), rất ghen tuông và ác độc. Phát hiện chồng ngoại tình, Hồng cho người bẻ chân Mười rồi tạt axit khiến khuôn mặt cô biến dạng. Mười tràn ngập thù hận vì bị xã hội cô lập, ngược đãi, cũng không dám gặp người yêu vì hình hài xấu xí. Ngày 15 âm lịch, cô treo cổ tự vẫn để trở thành oán hồn báo thù. Những nhà sư trong làng phong ấn linh hồn Mười trong bức chân dung cô bằng một chiếc trâm cài tóc. Trong Thế chiến thứ hai, một sĩ quan Nhật tháo phong ấn khiến oán hồn Mười thoát ra, còn bức tranh thất lạc.

Những điều ghê rợn xảy ra trong lúc Yoon-hee tìm hiểu về Mười. Ngoài ra, giáo sư Hàn Quốc tên Park, người nghiên cứu về Mười nhiều năm qua, đã biến mất không chút manh mối. Yoon-hee tới phòng vẽ tranh của Seo-yeon, phát hiện bức tranh về xâm hại tình dục và đặc biệt là một bức tranh Seo-yeon trong bộ áo dài trắng. Seo-yeon mở lòng với Yoon-hee về ngày cô bị xâm hại và quay phim. Đồng cảm và thấy có lỗi với Seo-yeon, Yoon-hee nói lời xin lỗi và Seo-yeon đáp bằng việc trao cho bạn chiếc nhẫn của mẹ và lời gợi ý Yoon-hee tới ngôi chùa năm xưa đã phong ấn Mười. Ngày 15 tháng Giêng (âm lịch), Yoon-hee chứng kiến Seo-yeon lên cơn và cho rằng Mười đã nhập vào bạn mình. Cô đến chùa, nhận một cây trâm được cho là có thể tiêu diệt Mười bằng cách đâm vào tim Seo-yeon. Đêm đó, trong nhà, Yoon-hee tìm ra thi thể giáo sư Park cùng cuộn băng ghi âm câu thần chú triệu hồi Mười. Cuối đường hầm, cô thấy bức tranh của Mười. Oán hồn được đánh thức, truy đuổi Yoon-hee. Mười đột nhiên biến mất, còn Seo-yeon xuất hiện và khăng khăng đòi Yoon-hee giết cô bằng cách đâm cây trâm vào tim. Yoon-hee đau đớn ra tay, nhưng Seo-yeon tiết lộ đó là âm mưu của cô. Cái chết của Seo-yeon khiến Mười nhập vào Yoon-hee, bắt đầu một lời nguyền nữa.

Ngày 15 tháng Hai (âm lịch), Yoon-hee (đã bị Mười chiếm hữu) về Hàn Quốc để sát hại đôi trai gái từng tổ chức vụ hãm hiếp Seo-yeon năm xưa, khiến cô ô nhục đến mức phải sang Việt Nam sống. Mọi chuyện là kế hoạch của Seo-yeon để trả thù những người hại mình, bao gồm Yoon-hee vì đã viết các tin đồn sai sự thật về cô vào sách. Ở Việt Nam, một nhà sư thông báo "Mười đã trở lại" bên bức tranh Seo-yeon trong tư thế và bộ áo dài y hệt Mười, với cây trâm cắm vào tim.

Diễn viên

[sửa | sửa mã nguồn]

Phát hành tại Việt Nam

[sửa | sửa mã nguồn]

Xét theo thời điểm sản xuất, Mười được xem là phim điện ảnh kinh dị đầu tiên của Việt Nam sau năm 1975[4]. Tuy được nhiều trông đợi, phim gặp một số trở ngại khi phát hành tại Việt Nam.

Trong quá trình kiểm duyệt, Cục Điện ảnh Việt Nam đánh giá phim có "nội dung không phù hợp"[5], khiến hãng Phước Sang phải hoãn thời điểm ra mắt. Do đó, xét theo thời điểm phát hành, tác phẩm kinh dị đầu tiên của Việt Nam ra rạp sau 1975 là hai phim ngắn của hãng Chánh Tín Film: Ngôi nhà bí ẩnSuối oan hồn, tháng 8 năm 2007.

Ngày 24 tháng 12 năm 2007, Mười công chiếu, là một trong các phim Việt đầu tiên dán nhãn 16+ (cấm trẻ em dưới 16 tuổi)[5]. Một số cảnh bị cắt, gồm đoạn Mười bị bẻ chân, đoạn một nhà sư bị chặt đứt thân thể và đoạn nhân vật Eun-jung (So-hee) bị thắt cổ.

Mười sau đó được phát hành trên Netflix ở Việt Nam với phiên bản có các cảnh bị cắt khi chiếu rạp.

Đón nhận

[sửa | sửa mã nguồn]

Theo đánh giá của báo Sài Gòn Giải phóng: "Phim Mười ra rạp vào tháng 7 ở Hàn Quốc nhưng chỉ như "hòn đá ném xuống ao bèo", không gây được tiếng vang nào ngoài sự tấm tắc của công chúng về bối cảnh Việt Nam lạ và đẹp.... Tuy nhiên bản phim Mười này đậm chất Hàn Quốc, hơn chục diễn viên Việt Nam xuất hiện trên phim rất ngắn, nhiều nhất như Anh Thư (vai Mười) cũng chỉ được mươi phút. Thất vọng nhiều hơn vì xem phim mà không có cảm giác sợ, ngoại trừ vài cảnh tra tấn quá dã man, thậm chí cả khi nhân vật trên phim la hoảng mà người xem vẫn có thể... bật cười. Chưa kể nội dung phim thật khó hiểu..."[6]. Bài báo cũng nhận định: "Sự chuyển hướng mới của phim Việt Nam theo dòng kinh dị sẽ không suôn sẻ do những quy định liên quan đến khán giả, nhất là Luật Điện ảnh chưa có hệ thống phân loại phim cụ thể và rõ ràng. Doanh thu của phim cũng là điều gây nhiều trở ngại cho nhà sản xuất. Phim kinh dị nước ngoài ăn khách, có lãi, một phần vì kinh phí mua bản quyền thấp hơn nhiều lần so với phim sản xuất trong nước".[6]

Theo báo VnExpress: "Tuy có để lại những nuối tiếc (thời gian xuất hiện quá ít của các diễn viên Việt Nam), hoặc không ít băn khoăn (một hồn ma Việt "du hý" tận xứ Hàn), Mười đã thành công trong thể loại phim kinh dị. Với kết thúc không có hậu, khác xa môtip "cái thiện luôn chiến thắng", linh hồn không được siêu thoát của cô gái trẻ đau khổ vì tình yêu khiến người xem phải xót xa và suy ngẫm... "[7]

Phim đạt giải Quay phim và Âm thanh tại giải Cánh diều 2007.[8]

Tương lai

[sửa | sửa mã nguồn]

Tháng 3 năm 2021, hãng Silver Moonlight Entertainment công bố làm phần hai, nhan đề Mười: Lời nguyền trở lại. Phim do Hằng Trịnh đạo diễn, dự kiến ghi hình ở Việt Nam trong năm 2021, quy tụ ba diễn viên Việt trong phần đầu là Hồng Ánh, Anh Thư, Bình Minh.[9]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Korean Film List 2007, Koreanfilm.org. Truy cập 20 tháng 1 năm 2008.
  2. ^ Nở rộ phim kinh dị "made in VN" Hương Nhu báo Người lao động 21/03/2007 01:49
  3. ^ Lý Nhã Kỳ và những góc khuất Trương Phong - Thanh Toàn, 20/02/2008 09:21:44. Bản lưu 17/7/2009
  4. ^ Phim kinh dị đầu tiên của Việt Nam Lưu trữ 2007-06-19 tại Wayback Machine hoặc Bộ phim truyện nhựa kinh dị, huyền bí đầu tiên của VN báo Tuổi Trẻ 29/11/2006 01:06 GMT+7 (Thông tin trên báo không hoàn toàn chính xác vì chỉ tính những phim trong vòng kiểm soát của chính phủ Việt Nam đương thời. Trước năm 1975, tại miền Nam đã có phim Con ma nhà họ Hứa, phim bộ Chuyện lúc không giờ, sau năm 1975 trong nước có video Xác chết trên cao nguyên, tại hải ngoại có phim nhựa Oan hồn) (2004))
  5. ^ a b Vì sao lại "hạn chế tối đa" phim ma?, Trâm Anh báo Thanh Niên, 27/08/2007 22:22
  6. ^ a b Phim kinh dị trở lại, SGGP 5/11/2007
  7. ^ ‘Mười’ - nỗi ám ảnh vì lòng thù hận, VnExpress, 03/01/2008
  8. ^ “Phương Thanh giành giải Cánh diều vàng 2007”. VnExpress. 10 tháng 3 năm 2008.
  9. ^ “Bộ phim "Mười" phần 2 xác nhận quay trở lại”. Sài Gòn Giải Phóng. 2 tháng 3 năm 2021.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]