Bước tới nội dung

Mật tông

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
(Đổi hướng từ Mật giáo)
Mạn-đà-la

Mật Tông (zh. 密宗 mì-zōng) là từ gốc Hán dùng để gọi pháp môn bắt nguồn từ sự kết hợp giữa Ấn Độ giáo và Phật giáo Đại thừa, được hình thành vào khoảng thế kỷ 5,6 tại Ấn Độ. Mật Tông lại chia thành hai phái: Chân ngôn thừa (Mantrayàna) và Kim cương thừa (Vajrayàna). Sự phát triển của Mật Tông gắn với các luận sư nổi tiếng như Subha Karasimha (Thiên Vô Úy, 637-735), Vajra Bodhi (Kim Cương Trí, 671-741), Amoghavajra (Bất Không Kim Cương, 705-774), Padmasambhava (Liên Hoa Sinh, cuối thế kỷ thứ VIII), Dipankarasrijanàna (Atisa, cuối thế kỷ thứ XI).

Nguồn gốc và sự truyền thừa

[sửa | sửa mã nguồn]

Tư tưởng Mật giáo có từ thời Phật giáo Nguyên thủy, thể hiện qua các câu thần chú trong các bộ luật và trong Kinh Khổng Tước. Nửa sau thế kỷ thứ 7 CN, Ấn Độ giáo đã len lỏi trong các hệ thống học thuyết, kể cả giáo lý Phật giáo mà phục hưng trở lại, từ đó tạo ra sự cạnh tranh mãnh liệt đối với Phật giáo đương thời. Lúc bấy giờ, Phật giáo Đại thừa chỉ giới hạn trong phạm vi “kinh viện triết học”, lý luận học vấn, các phạm trù triết học biện luận.... Do vậy, đã tự tách mình ra khỏi phần đông quần chúng trong khi những hiện tượng siêu hình, thần bí có ở khắp nơi trên đất Ấn. Vì thế, để thích ứng với tình thế mới, Phật giáo Đại thừa nhanh chóng và tích cực tiếp cận với Ấn Độ giáo và Bà-la-môn giáo. Ban đầu khi tiếp xúc, phía Phật giáo có những phản ứng khá kịch liệt, có lúc cật lực phê phán những quan niệm nghi chấp về tế tự cầu phúc trừ họa và mật chú. Tuy nhiên vẫn xúc tiến việc hợp lý hóa hoặc Phật giáo hóa theo tinh thần tùy duyên, cuối cùng Mật giáo đã hình thành nên một hệ thống tương đối độc lập trong Phật giáo Đại Thừa.

Theo Mật giáo,[1] sự truyền thừa bắt đầu từ Đại Nhật Như Lai truyền cho Kim Cương Bồ tát. Ông viết 2 quyển kinh Đại Nhật và Kim Cương Đỉnh đem lưu lại trong một ngôi tháp. Long Thụ [2] mở tháp tiếp nhận 2 quyển kinh này và được Kim Cương Bồ tát chỉ dạy. Sau đó, Long Thụ truyền cho Long Trí, một cao tăng tại viện Đại học Nalanda.

Ngài Long Trí sau khi thụ pháp với ngài Long Thụ, đã truyền pháp và giáo hóa các nước miền Nam Thiên Trúc và Tích Lan (Sri Lanka). Mật giáo sau đó đã sớm được phổ biến về hướng Bắc để sang Tây Tạng, Trung Hoa và Nhật Bản và về hướng Nam để qua mấy xứ Tích Lan, Miến Điện (Myanmar), Nam Dương (Indonesia), Campuchia, Lào… hình thành hai nhánh Mật Giáo chính: Mật tông Nam Tông và Mật tông Bắc Tông.[3]

Mật tông tại Trung Quốc

[sửa | sửa mã nguồn]

Mật Tông du nhập vào Trung Quốc vào khoảng thế kỷ 7 và thịnh hành vào thế kỷ 8 với sự xuất hiện của ba vị Cao tăng Ấn Độ sang truyền pháp là Thiện Vô Uý (zh. 善無畏, sa. śubhākārasiṃha; 637-735), Kim Cương Trí (zh. 金剛智, sa. vajrabodhi; 663-723) và Bất Không Kim Cương (zh. 不空金剛, sa. amoghavajra; 705-774). Ba ngài được tôn vinh là Khai Nguyên Tam Đại Sĩ. Dòng truyền thừa vào Trung Quốc xuất phát từ trung tâm Phật học Na-lan-đà. Cả ba ngài Kim Cương Trí, Thiện Vô Úy và Bất Không Kim Cương từng được Sư Long Trí (là đệ tử của Ngài Long Thọ) truyền pháp. Thiện Vô Uý, được coi là tổ sư của Mật tông Trung Hoa và là người dịch Đại Nhật kinh (sa. mahāvairocana-sūtra), kinh căn bản của tông này, ra chữ Hán.

Hai dòng Mật tông Ấn Độ Chân Ngôn thừa và Kim Cương thừa truyền đến đại sư Nhất Hạnh - đệ tử của Thiện Vô Úy - thì nhập lại làm một ở Trung Quốc.[4]

Mật tông tại Trung Quốc rất thịnh hành vào đời Đường, nhưng dần dần thoái trào và về sau này thì tưởng như suy vi hẳn.

Mật tông tại Tây Tạng

[sửa | sửa mã nguồn]
Vajrabhairava

Trước khi Mật giáo được truyền vào Tây Tạng, dân chúng nơi này chưa có một tôn giáo nào đậm nét. Lúc đó, vùng đất chỉ có đạo Bon là đạo giáo cổ truyền của dân bản xứ. Thời đó,người ta chỉ biết thờ cúng chư thần kể cả hung thần, ác quỷ. Pháp môn Mật tông này truyền vào Tây Tạng muộn hơn Trung Quốc, vào khoảng cuối thế kỷ thứ 8, vua Tisongdetsen (740-786) có thỉnh rước 2 vị cao tăng Ấn Độ là Đại Sư Liên Hoa Sinh (Padma-Jungne) và Antarakshita. Tại đây Kim cương thừa đã hòa nhập với Phật giáo Đại thừa sẵn có của Tây Tạng và được gọi là Lạt Ma giáo.

Tây Tạng có 4 tông phái Mật Tông chính là:

  • Phái Cổ Mật hay Cựu phái (Nyingmapa, Ninh mã phái) do Đại Sư Liên Hoa Sinh (Padma-Jungne) sáng lập vào năm 749. Ngài là giáo sư danh tiếng ở viện đại học Nalanda Phật giáo.
  • Phái Kagyu (Ca-nhĩ-cư phái)
  • Phái Sakya (Tát-ca phái)
  • Phái Hoàng Mạo (Guelugpa, Cách-lỗ phái) do ngài Tsongkhapa, quê ở miền bắc Tây Tạng lập ra vào thế kỷ 14. Lúc đó,Phật giáo bị mê mờ vì nhiều tín điều sai lầm và huyễn hoặc. Sư đã dùng tư tưởng cao sáng khuyên nhủ người tu hành nên tinh tiến tu, tham thiền hỏi đạo, trai giới đạo hạnh. Cuộc cải cách tôn giáo của ngài có hiệu quả vững bền. Về sau, phái của Sư đổi tên là Lạt-ma-giáo và trở thành người đứng đầu nhà nước Tây Tạng do Đức Đạt-lai Lạt-ma nắm giữ quyền cai trị dân chúng và trông nom mối đạo.

Ở Tây Tạng, đệ tử chỉ được thu nhận vào Mật tông thông qua một nghi lễ khai ngộ (initiation) đặc biệt được tiến hành bởi một lạt-ma có tên tuổi. Mật tông cũng chủ trương sự tự giác ngộ thông qua việc thiền định (meditation) và niệm chân ngôn (mantra). Dòng truyền thừa vào Tây Tạng xuất phát từ trung tâm Phật học Vikramasila.

Mật tông tại Nhật Bản

[sửa | sửa mã nguồn]

Mật tông dòng Chân Ngôn thừa du nhập vào Nhật Bản vào khoảng cuối thế kỷ 8 đầu thế kỷ 9 bởi hai vị:

  • Truyền giáo: Đại Sư hay Tối Trừng (Dengyodaishi 767-823) là sơ tổ của Thai Mật.
  • Hoằng Pháp: Đại Sư Không Hải (zh. 空海, ja. kūkai), sư đã đi sang Trung Quốc tầm sư học đạo và làm môn đệ của Đại sư Huệ Quả, một môn đệ của Bất Không. Sau khi về nước và lập ra trường phái Chân ngôn tông (ja. shingon-shū) rất hưng thịnh và là một trong những tông phái quan trọng của nền Phật giáo Nhật Bản.

Các yếu tố quan trọng của Mật tông là phép niệm chân ngôn, phép bắt ấn (sa. mudrā) và sử dụng Mạn-đồ-la cũng như các lần Quán đỉnh (zh. 灌頂, sa. abhiṣeka). Mật tông là giáo pháp mà sư phụ truyền cho học trò bằng lời (khẩu quyết) và đó là lý do mà Mật tông không được truyền bá rộng rãi. Thật ra, sau này do nhiều pháp sư lạm dụng sự huyền bí của chân ngôn nên Mật tông dần co cụm lại và truyền thụ cho những người có duyên với pháp môn này.

Mật tông tại Việt Nam

[sửa | sửa mã nguồn]

Mật tông vốn truyền vào Việt Nam từ khá sớm. Theo Thiền uyển tập anh, vào thế kỷ thứ VI, Tỳ Ni Đa Lưu Chi, người Ấn Độ, đã đến Việt Nam và dịch kinh Đại thừa phương quảng tổng trì tại chùa Pháp Vân. Đây là một bộ kinh của Mật giáo, và liên hệ rất nhiều đến Thiền. Vào thời Đinh và Tiền Lê, Mật tông đã khá thịnh hành tại Việt Nam. Những trụ đá được phát hiện tại Hoa Lư, Ninh Bình vào các năm 1963, 1964, 1978 - dựng vào năm 973, thời Đinh; có trụ dựng năm 995, thời Lê Đại Hành - đều khắc bản kinh Phật đỉnh Tôn thắng Đà La Ni (Usnisavijaya dharani), một bản kinh rất phổ biến của Mật giáo, đã chứng minh cho điều đó.

Dĩ nhiên Mật tông thịnh hành không chỉ do mỗi ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi, mà còn từ Phật giáo Chiêm Thành, những Tăng sĩ ngoại quốc và những vị sư Việt Nam thọ học từ Ấn Độ. Trong đó, ngài Mahamaya, gốc Chiêm Thành, thuộc đời thứ 10 của thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, từng theo học với ngài Pháp Thuận - Pháp hành sám và trì tụng chú Đại bi - cũng rất nổi tiếng về pháp thuật. Thiền uyển tập anh cho rằng ông đắc pháp Tổng trì Tam muội, thi triển nhiều pháp thuật khiến cho vua Lê Đại Hành và dân chúng đều nể phục. Một thiền sư Việt, ngài Sùng Phạm (mất năm 1087), đời thứ 11 của thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, đã đến Ấn Độ chín năm, sau mở trường dạy tại chùa Pháp Vân. Đệ tử của ngài có sư Từ Đạo Hạnh nổi tiếng về phù chú và sư Trì Bát cũng thấm nhuần Mật giáo. Đại Việt sử ký toàn thư cũng ghi chép về một vị Tăng sĩ Ấn Độ, vào năm 1311, đến nước ta, xưng là 300 tuổi, theo Mật giáo, có thể ngồi xếp bằng nổi trên mặt nước. Năm 1318, vua Anh Tông mời một Tăng sĩ Ấn Độ, tên Ban Để Đa Ô Sa Thất Lợi đến dịch một bộ kinh Mật giáo tên là Bạch Tán Thần chú kinh.  

Trong Nam, có Hòa Thượng Nhẫn Tế thế danh Nguyễn Văn Tạo sanh năm 1889 tại thôn An Thánh (nay là thị trấn Lái Thiêu), tỉnh Bình Dương, hâm mộ đạo Phật từ nhỏ, năm 1904, được 16 tuổi ông đến chùa Thiên Tôn trong vùng, quy y với Hòa Thượng Ấn Thành - Từ Thiện, pháp danh Chơn Phổ. Sau khi học hành xong, ông đi làm việc nhưng vì có bệnh nên xin nghỉ dưỡng bệnh.

Năm 1926, chùa Thiên Thai ở Bà Rịa có giới đàn, ông đến xin thọ giới do Đầu đàn Hòa Thượng Huệ Đăng truyền giới, ông được ban pháp danh Trừng Liễn, pháp hiệu Minh Tịnh thuộc đời thứ 42 Thiên Thai Thiền Giáo Tông.

Năm 1933, chùa Thiên Tôn mở Đại giới đàn, ông xin thọ giới do Đầu dàn Hòa Thượng Ngộ Định - Từ phong truyền giới, ông được ban pháp hiệu Nhẫn Tế, đệ tử nối pháp đời thứ 40 dòng Lâm Tế Chúc Thánh chùa Thiên Tôn.

Ngày 17-4-1935, ông lên tàu đi sang Ấn Độ, chiêm bái và học Phật, có sang Népal nhận được Xá lợi Phật, rồi sang Tây Tạng ngày 28-6-1936, được yết kiến Nhiếp chánh Quốc vương Tây Tạng, được Lạt ma Nhiếp chánh nhận là tu sĩ Tây Tạng, ban cho pháp danh Thubten Osall Lama (Huệ Phát), ông đắc pháp Mật Tông Tây Tạng. Đến ngày 29-10-1936, ông rời khỏi Tây Tạng, trở lại Ấn Độ học hỏi thêm một thời gian rồi mới trở về xứ. Ông đặt chân lại am thất cũ của mình tại Bình Dương ngày 30-6-1937.

Tại Phú Cường có ngôi chùa Bửu Hương, Phật tử tại đây quy ngưỡng nên dâng cúng chùa cho ông. Ông đổi tên thành Tây Tạng tự, từ đó ông tu và truyền bá Mật tông, nhưng vì Phật giáo thời đó, nên Mật Tông của sư Nhẫn Tế không lan rộng, không lập nên Giáo Hội. Hòa thượng Nhẫn Tế viên tịch ngày 17-5-1951, thọ 63 tuổi đời, đắc 25 hạ lạp, là một Lama Việt Nam đầu tiên, được chính Nhiếp chánh quốc vương Tây Tạng ấn chứng.

Ở Huế có Mật tông lưu truyền, thập niên 60, Hội Phật Học Nam Việt có thỉnh chư Tăng từ Huế vào chùa Xá Lợi làm lễ Trai Đàn Cứu Tế, những vị Tăng nầy đã hành lễ theo nghi thức Mật Tông Trung Hoa.

Thích Viên Đức có dịch một BỘ MẬT TÔNG gồm những sách: Hiển Mật Viên Thông Thành Phật Tâm yếu, Kinh Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương, Kinh Chuẩn Đề Đà La Ni Hội Thích (hay Kinh Thất Cu Chi Phật Mẫu Sở Thuyết), Kinh Mạt Pháp Nhất Tự Đà La Ni.

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ “Mật giáo”. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 1 năm 2015. Truy cập ngày 12 tháng 1 năm 2015.
  2. ^ “Long Thọ Bồ tát”. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 1 năm 2015. Truy cập ngày 12 tháng 1 năm 2015.
  3. ^ “Khái niệm về Mật Giáo- Sự Truyền Thừa: Mật Tông Phật giáo Tinh Hoa Yếu Lược (soạn giả Triệu Phước)”.
  4. ^ Thích Viên Giác, "Giới thiệu về Mật Tông (Kim Cương Thừa)", trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2001), Phật học cơ bản - tập III.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Tàng thư Phật học
  • Fo Guang Ta-tz'u-tien 佛光大辭典. Fo Guang Ta-tz'u-tien pien-hsiu wei-yuan-hui 佛光大辭典編修委員會. Taipei: Fo-Guang ch'u-pan-she, 1988. (Phật Quang Đại Từ điển. Phật Quang Đại Từ điển biên tu uỷ viên hội. Đài Bắc: Phật Quang xuất bản xã, 1988.)
  • Das Lexikon der Östlichen Weisheitslehren, Bern 1986.
Bảng các chữ viết tắt
bo.: Bod skad བོད་སྐད་, tiếng Tây Tạng | ja.: 日本語 tiếng Nhật | ko.: 한국어, tiếng Triều Tiên |
pi.: Pāli, tiếng Pali | sa.: Sanskrit संस्कृतम्, tiếng Phạn | zh.: 中文 chữ Hán