Mai Thục (nhà báo)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Mai Thục
Nhà văn, nhà báo Mai Thục trong chuyến thăm Tổ chức vì Phụ nữ United Methodist Women, Washington, DC, 2000
Sinh15 tháng 3 năm 1950
Mất24 tháng 6 năm 2018
Quốc tịchViệt Nam
Nghề nghiệpNhà văn, nhà báo
Tác phẩm nổi bậtTinh Hoa Hà Nội, NXB Văn hóa Thông tin, 1998, 2000, 2004, 2006

Mai Thuc, Vietnamese writer and journalist

Nhà văn, nhà báo Mai Thục (tên khai sinh Mai Thị Thục, 15 tháng 3 năm 1950 - 24 tháng 6 năm 2018) được biết đến với những tác phẩm về lịch sử, văn hoá, và con người Việt Nam, đặc biệt về Hà Nội [1][2][3]. Bà là Tổng biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô từ năm 1995-2003, và sau này khi đã nghỉ hưu, tham gia phát triển và giảng dạy môn Văn hóa Hà Nội tại Đại học Thăng Long, Hà Nội.

Tự giới thiệu về mình, Mai Thục viết: "Văn dĩ tải Đạo. Tôi cầm bút cùng mọi người hành trình trên con đường Chân Thiện Mỹ." [4]

Cuộc đời, Giáo dục, và Sự nghiệp[sửa | sửa mã nguồn]

Mai Thục sinh tại Yên Phúc, Ý Yên, Nam Định ngày 15 tháng 3 năm 1950. Trong bối cảnh thời kháng chiến chống Pháp, tuy cha là bác sĩ, mẹ làm nội trợ, nhưng là con cả, bà bắt đầu theo học y tá để có thể đi làm sớm giúp gia đình. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, bà là y tá tại Bệnh viện Uông Bí (nay là bệnh viện Việt Nam-Thuỵ Điển, Uông Bí, Quảng Ninh) [5].

Từ năm 1975 đến đầu những năm 1980, bà làm việc tại Bộ Điện Than (nay là Bộ Công Thương) và theo học tại Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội). Luận văn tốt nghiệp của bà có tiêu đề "Ánh sáng và Bóng tối trong Tiểu thuyết Những người khốn khổ của Victor Hugo", do giáo sư Đỗ Đức Hiểu hướng dẫn.

Từ giữa những năm 1980, bà chuyển sang làm phóng viên, biên tập viên tại Báo Hà Nội Mới, sau đó nhận vị trí Phó ban Văn xã. Cùng với đồng nghiệp, bà là những người đầu tiên gây dựng tờ báo Hà Nội Mới Chủ nhật, một ấn phẩm mới của báo Hà Nội Mới [6].

Năm 1994 Mai Thục là Phó Tổng Biên tập, và một năm sau là Tổng Biên tập báo Phụ nữ Thủ đô (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) cho đến khi nghỉ hưu năm 2003. Trong thời gian 10 năm tại đây, bà được biết đến là một người lãnh đạo quyết đoán, nhiệt tâm, đấu tranh cho bình đẳng giới. Bà phát triển Quỹ "Vì Phụ nữ và trẻ em hoạn nạn". Trong một cuộc phỏng vấn, bà nói để có vị thế ngày một cao hơn trong xã hội, trước tiên mỗi người phụ nữ phải biết tự bảo vệ bằng cách nâng cao bản lĩnh, tri thức, hiểu biết của chính mình. Nhà báo Mai Thục cũng nhận thấy rằng trách nhiệm của các tờ báo phụ nữ là phải dẫn đường, bảo vệ họ [2].

Năm 2000, bà được mời tham gia Chương trình trao đổi Lãnh đạo quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (International Visitor Leadership Program, IVLP).

Trong những năm sau này, bận rộn với vai trò người vợ, người mẹ, người bà, Mai Thục vẫn tích cực hoạt động xã hội, viết và xuất bản sách. Bà xuất bản tiểu thuyết, truyện ngắn mới, tham gia viết cho các báo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, và một số tổ chức Phi chính phủ, tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Thăng Long, Hà Nội [4][7][8][9][10].

Mai Thục mất ngày 24 tháng 6 năm 2018 tại Hà Nội.

Tác phẩm[sửa | sửa mã nguồn]

Di sản báo chí của Mai Thục bao gồm hàng trăm bài báo đăng tải. Là một Nhà văn, bà để lại nhiều tác phẩm văn chương gồm thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết. Sách của bà hiện được lưu giữ và có thể được truy cập tại nhiều thư viện trên thế giới [11].

Nhiều cuốn sách của bà được tái bản nhiều lần. Trong số đó, nổi tiếng nhất là tác phẩm Tinh hoa Hà Nội. Năm 2001, một bộ phim tài liệu về cuộc đời Mai Thục và các tác phẩm của bà được Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất và công chiếu trong chương trình "Văn nghệ Chủ nhật" [12]. Tiểu thuyết lịch sử Vương miện lưu đày [13] được trao giải B Giải thưởng Văn học nghệ thuật Quốc gia của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật, 2004.

Điển tích Văn học (sách chuyên khảo, in chung cùng Đỗ Đức Hiểu), NXB Khoa học xã hội, 1990. Tái bản NXB Văn học, 2006.

Hà Nội sắc hương, (Tản văn báo chí), NXB Hội nhà văn, 1994. Tái bản NXB Văn hóa Thông tin, 2004.

Hương đất Hà Thành, (Tản văn báo chí), NXB Lao Động, 1996. Tái bản NXB Văn hóa Thông tin, 2004.

Đi tìm miền thương nhớ, (Tản văn báo chí), NXB Lao Động, 1998.

Tinh Hoa Hà Nội, (Tản văn báo chí), NXB Văn hóa Thông tin, 1998. Tái bản có bổ sung năm 2000, 2004, 2006.

Chuyển kiếp (Tập truyện ngắn), NXB Hội Nhà văn, 2000.

Còn tình yêu ở lại, (Tiểu thuyết), NXB Hội Nhà văn 2001. Tái bản NXB Thanh Niên 2006.

Vương miện lưu đày, (Tiểu thuyết lịch sử), NXB Văn hóa Thông tin, 2004. Tác phẩm được Ủy ban Toàn quốc, Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật Việt Nam tặng giải B năm 2004.

Mây trắng tình yêu (Tiểu thuyết lịch sử). Paris: Việt Văn mới (French-Viet Literary Group), 2005. Link

Lệ Chi Viên (Tiểu thuyết), NXB Văn hóa Thông tin, 2010.

Những chuyện tình lịch sử (Tập truyện ngắn), NXB Phụ nữ, 2011.

Đi Tìm Tổ Tiên Việt (Sách nghiên cứu - chuyên khảo), NXB Văn hóa Thông tin, 2014.


Nguồn tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Đài truyền hình Việt Nam, Văn nghệ Chủ nhật (2000). “Đi tìm miền thương nhớ”. Vietnam National Television VTV3. Truy cập ngày 1 tháng 7 năm 2020.
  2. ^ a b Vu, Quynh Trang (ngày 13 tháng 8 năm 2008). “Nhà báo Mai Thục-Nguyên TBT báo Phụ nữ Thủ đô: "Chảy đi sông ơi…". Văn nghệ Công an. Truy cập ngày 4 tháng 7 năm 2020.
  3. ^ Huynh, Ai Tong. “Văn học Việt Nam Cận và Hiện đại (A history of modern Vietnamese Literature)” (PDF). Việt Nam Văn hiến Vietnam Heritage. Truy cập ngày 6 tháng 7 năm 2020.
  4. ^ a b Cooperation & Development Foundation. “Advisory Board”. Cooperation & Development Foundation. Truy cập ngày 4 tháng 7 năm 2020.
  5. ^ Truong, Thi Kim Dung (ngày 4 tháng 7 năm 2018). “Obituary: "Nhà báo - nhà văn Mai Thục: "Tan trong Ánh sáng vô thường bay lên". Bao Phu nu Thu do (Hanoi Women's Newspaper). Truy cập ngày 1 tháng 7 năm 2020.
  6. ^ Vuong, Tam (ngày 28 tháng 3 năm 2019). “Một thời hồ dễ mấy ai quên!”. Hà Nội Mới (Hanoimoi Newspaper). Truy cập ngày 4 tháng 7 năm 2020.
  7. ^ Vietvanmoi, NewArtt Viet Art. “Mai Thục Nhà văn nữ Việt Nam hiện đại”. Vietvanmoi New Viet Art. Truy cập ngày 4 tháng 7 năm 2020.
  8. ^ The Buddhist Sangha of Vietnam (Giáo hội Phật giáo Việt Nam) (ngày 12 tháng 4 năm 2016). “Hội nghị báo cáo hoạt động triển khai 4 đề án và trang website do Ban Văn Hoá chủ trì”. The Buddhist Sangha of Vietnam (Giáo hội Phật giáo Việt Nam). Truy cập ngày 6 tháng 7 năm 2020.
  9. ^ Đại học Thăng Long Thanglong University, 20 tháng 9 năm 2009. “Thí điểm môn học Văn hoá Hà Nội”. Báo Hà Nội mới. (Số 112 ra ngày 22/02/2005). Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 7 năm 2020. Truy cập ngày 6 tháng 7 năm 2020.
  10. ^ Mai, Thuc (ngày 4 tháng 4 năm 2015). “Đạo của Tổ Tiên Việt”. Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội Hanoi University of Business and Technology. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 7 năm 2020. Truy cập ngày 6 tháng 7 năm 2020.
  11. ^ WorldCat. “Author: Mai Thuc”. Worldcat.org. Truy cập ngày 1 tháng 7 năm 2020.
  12. ^ Đài Truyền hình Việt Nam, Văn nghệ Chủ nhật (2000). “Đi tìm miền thương nhớ”. Vietnam National Television VTV3. Truy cập ngày 1 tháng 7 năm 2020.
  13. ^ Thu, Hang (ngày 17 tháng 3 năm 2004). “Vương miện lưu đày, một cuốn truyện lịch sử đầy hấp dẫn”. Báo Hà Nội Mới Hanoimoi Newspaper. Truy cập ngày 6 tháng 7 năm 2020.