Bước tới nội dung

Mai Trần

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Mai Trần
Thông tin cá nhân
Sinh
Tên khai sinh
Mai Văn Thịnh
Ngày sinh
1954 (70–71 tuổi)
Nơi sinh
Trà Vinh, Việt Nam Cộng hòa
Giới tínhnam
Quốc tịch Việt Nam Cộng hòa (trước 1975)
Việt Nam (hiện tại)
Nghề nghiệpDiễn viên
Sự nghiệp điện ảnh
Nghệ danhMai Trần
Vai tròDiễn viên
Vai diễnNăm Đực trong Sống trong sợ hãi
Sự nghiệp sân khấu
Nghệ danhMai Trần
Vai tròĐạo diễn, diễn viên
Năm hoạt động1975 - thập niên 2000
Đào tạoTrường Quốc gia Kịch nghệ Sài Gòn
Trường Nghệ thuật Sân khấu 2
Trường pháiKịch nói
StudioĐoàn ca múa kịch tỉnh Đồng Nai
Đoàn kịch Kim Cương
Sân khấu 5B
Vai diễnHoàng Tú trong Nhân danh công lý
Website

Mai Trần (tên thật Mai Văn Thịnh; sinh năm 1954) là nam diễn viên kiêm đạo diễn kịch nói và điện ảnh người Việt Nam. Ông từng nổi tiếng tại miền nam Việt Nam trong thập niên 1970 và 1980; từ những năm 2000, ông bắt đầu chuyển sang làm diễn viên điện ảnh, đặc biệt là sau khi giành được giải Nam diễn viên phụ xuất sắc tại Giải Cánh diều 2005.

Cuộc đời

[sửa | sửa mã nguồn]

Mai Trần sinh năm 1954 tại Trà Vinh, mẹ của ông là vợ bé; khi ông ra đời, vợ lớn của cha ông quyết định đưa ông cho một gia đình gốc Hải Phòng làm con nuôi vì hoàn cảnh khó khăn trong thời chiến và bà vợ lớn đã sinh được 3 người con trai[1] trong khi cha đẻ ông chỉ mong có con gái.[2] Gia đình cha mẹ nuôi của Mai Trần sau đó chuyển ra Quảng Trị sinh sống, đến năm ông 6 tuổi họ lại chuyển vào Sài Gòn, ông lớn lên tại đây, lập nghiệp và kết hôn.[3] Gia đình cha mẹ nuôi của ông thuộc diện khá giả, năm 1987 khi cha nuôi ông mất, ông mới biết sự thật.[4] Ngay sau đó, Mai Trần vào Trà Vinh và tìm lại được cha đẻ nhưng cha ông không dám nhận ngay. Mai Trần đã mất thêm 10 năm để tìm được mẹ đẻ, bà lúc này đã lập gia đình khác và có thêm một vài người con riêng.[1] Mai Trần còn có một người em gái cùng cha cùng mẹ.[4]

Mai Trần kết hôn lần đầu với diễn viên Hải Yến, đồng nghiệp trong đoàn kịch Kim Cương, họ có một con gái.[1] Mai Trần và Hải Yến là cặp đôi diễn viên hoạt động từ khi còn còn là sinh viên Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ, Hải Yến ít hơn một tuổi nhưng học trước ông hai khóa, họ được người hâm mộ gọi là "cặp đôi sóng thần".[2][5] Vợ chồng ông sau đó li hôn,[5] bà Yến sang Na Uy định cư, ông sống một mình và nuôi con gái một thời gian.[2] Sau này con gái ông cũng sang Na Uy sống cùng mẹ.[1] Mai Trần bắt đầu sa đà rượu chè cho đến năm 1999, ông gặp và kết hôn với Phan Ngọc Quỳnh Vân và có hai người con một trai – một gái. Bà Quỳnh Vân kém ông 20 tuổi, từng là công nhân bưu điện.[6][3] Những năm về sau cuộc sống của ông ngày càng khó khăn, không có nhà cửa cố định, vợ con ông phải về ngoại còn ông lang thang theo các đoàn phim.[3]

Từ năm 2012, cuộc sống gia đình Mai Trần ổn định hơn khi ông nhận được nhiều lời mời đóng phim.[3] Năm 2018, ông bị tai biến mạch máu não lần thứ 2, sang đầu năm 2019 ông lại bị tắc mạch máu lên não tưởng chừng không qua khỏi và phải trải một ca phẫu thuật tim trong tháng 9 cùng năm.[7][8] Di chứng của căn bệnh ảnh hưởng đến trí nhớ khiến ông không thể tiếp tục hoạt động nghệ thuật.[6]

Sự nghiệp

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1970, Mai Trần thi đỗ vào Khoa Thoại kịch của Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn cùng với Thương Tín, Minh Hoàng, Khánh Hoàng[9][5] Ông từng xuất bản tập thơ khá hút khách sau đó,[5] đến khi biến cố năm 1975 xảy ra, Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ sáp nhập và đổi tên thành trường Nghệ thuật Sân khấu 2, ông tiếp tục nhập học ngành đạo diễn và tốt nghiệp năm 1977.[3][2] Việc từng phục vụ trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa khiến bước đầu trong sự nghiệp của ông sau năm 1975 không thuận lợi,[5] ông làm diễn viên tại Đoàn ca múa kịch tỉnh Đồng Nai.[2][5] Mai Trần thuộc số hiếm nghệ sĩ Việt Nam có 2 bằng tốt nghiệp chính quy[7] ở hai chế độ chính trị khác nhau. Nghệ danh Mai Trần được ghép từ họ của ông và người vợ đầu – diễn viên Hải Yến.[10][11]

Sau vài năm hoạt động nghệ thuật, ông được Nghệ sĩ nhân dân Kim Cương mời về đoàn kịch của bà và có được vai chính Hoàng Tú trong vở "Nhân danh công lý", vở kịch được dàn dựng thành công giúp ông tạo được dấu ấn với khán giả.[6][1] Đầu những năm 1990, khi sự nghiệp đang lên, ông bất ngờ bỏ ngang để kinh doanh đồ ăn vặt và mở lò bánh mì, thời gian này Lê Công Tuấn Anh (Lê Công) thường sang phụ giúp ông.[3][5] Một thời gian sau, nghệ sĩ Kim Cương đã thuyết phục ông quay trở lại đoàn, ông vừa là diễn viên vừa là thành viên hội đồng nghệ thuật chuyên thẩm định vở diễn và tuyển chọn diễn viên mới.[7][6] Ông đã xin nghệ sĩ Kim Cương cho Lê Công vào đoàn để chỉ dạy và là người thầy đầu tiên của ngôi sao điện ảnh này.[9][8] Cuộc sống của Mai Trần chỉ đỡ cơ cực hơn từ khi ông nhận được lời mời làm đạo diễn cho nhiều vở cải lương trong đó có các vở của đạo diễn, NSƯT Thanh ĐiềnThanh Nam.[3] Khi ở đỉnh cao của sự nghiệp, Mai Trần bắt đầu sống buông thả, rượu chè khi hai vợ chồng chia tay.[6]

Diễn viên Việt Anh đánh giá Mai Trần là người đa tài, ca hát, chơi đàn, làm thơ, võ thuật hay thể thao,[2] ông từng được học, thi đấu, làm huấn luyện viên Việt Võ Đạo và từng thách đấu mà bất phân thắng bại với diễn viên Nguyễn Chánh Tín.[12]

Năm 2006, Mai Trần giành được giải Nam diễn viên phụ xuất sắc hạng mục Phim truyện điện ảnh của Giải Cánh diều cho vai diễn Năm Đực trong bộ phim Sống trong sợ hãi do Bùi Thạc Chuyên đạo diễn. Dù giành giải thưởng, nhưng ông vẫn có chút ngậm ngùi khi nhận mình phù hợp làm diễn viên điện ảnh hơn dù có 30 năm làm diễn viên Kịch nói. Vai Năm Đực có thể nói là vai diễn chính diện, hiện lành đầu tiên của ông.[10]

Năm 2023, dù trí nhớ không tốt nhưng Mai Trần vẫn được Nguyễn Quang Dũng động viên và mời tham gia bộ phim điện ảnh Đất rừng phương Nam đây là tác phẩm cuối cùng trong sự nghiệp diễn xuất của ông.[6][13]

Vai diễn

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Lỗ Quý trong "Lôi Vũ"
  • Hoàng Tú trong "Nhân danh công lý"
  • Jourdan trong "Trưởng giả học làm sang"
  • Ba Thợ Nhuộm trong "Hẻm nhỏ tình người"
  • Fedorovsky trong "Đêm họa mi"[2]
  • Giáo điên trong vở Ai điên?[2]

Truyền hình

[sửa | sửa mã nguồn]
Năm Tựa đề Vai diễn Đạo diễn Chú thích
1996 Ông cố vấn (lồng tiếng) Lê Dân
1997 Những nẻo đường phù sa Sếp Tòng Châu Huế, Trần Ngọc Phong
Cô gái Trà Beng [4]
2002 Bão rừng Trần Ngọc Phong
2003 Xóm cũ Thủ Lê Cung Bắc Điện ảnh truyền hình
2009 Gia đình phép thuật Chủ nhà Chu Thiện, Sun Oh
Câu chuyện pháp đình (phần 1) Ba Trọng Nhân Nguyễn Tường Phương
2010 Nhiệm vụ đặc biệt (phần 1) Y Hak Bùi Tuấn Dũng
2012 Duyên nghiệp Vũ Thái Hòa
2013 Nghiệt oan Ông Bình Hoàng Tuấn Cường
2014 Đại ca U70 Phi Tiến Sơn
2015 Cuộc phiêu lưu của Hai Lúa (phần 2) Ba Đời Hồ Ngọc Xum, Nhất Tuấn
2016 Trận đồ bát quái Ông Hội Chu Thiện
2018 Về quê cưới vợ
Cõi mộng Võ Việt Hùng, Nguyễn Tấn Phước
Mộng phù hoa Quế Ngọc, Nam Yên
Con gái bố già Ông nát rượu Nguyễn Phương Điền

Điện ảnh

[sửa | sửa mã nguồn]
Năm Tựa đề Vai diễn Đạo diễn Chú thích
1997 Hạ sĩ quan Hai Sơn Lê Dũng
2001 Ba người đàn ông Lâm Trần Ngọc Phong
2005 Sống trong sợ hãi Năm Đực Bùi Thạc Chuyên
2007 Suối oan hồn Đệ tử ông Nhạc Nguyễn Chánh Tín
2011 Hoán đổi thân xác Ông già Nhất Trung
2013 Bay vào cõi mộng Ba của Thiên Kim Nguyễn Phương Điền
Hiệp sĩ guốc vông Nguyễn Chánh Tín
2015 Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh Tám Tàng Victor Vũ
2017 Xóm Trọ 3D Ba Tú Hoàng Tuấn Cường
2019 Ròm Ông Khắc Trần Thanh Huy
2021 Bố già Chủ tiệm mai táng Trấn Thành
2023 Đất rừng phương Nam ông Sáu Ngù Nguyễn Quang Dũng

Khách mời truyền hình

[sửa | sửa mã nguồn]

Giải thưởng

[sửa | sửa mã nguồn]
Năm Giải thưởng Phim Đề cử Kết quả Chú thích
2006 Giải Cánh diều 2005 Sống trong sợ hãi Nam diễn viên phụ xuất sắc phim truyện điện ảnh Đoạt giải [10]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b c d e f Lạc Xuân (ngày 20 tháng 11 năm 2021). "Nghệ sĩ Mai Trần: Suốt 10 năm đi tìm cha mẹ ruột, gặp nhưng không được nhận". Báo Thanh Niên. Truy cập ngày 3 tháng 6 năm 2025.
  2. ^ a b c d e f g h Phương Nguyên (ngày 5 tháng 3 năm 2016). "Ngựa hoang sải vó giữa đời". Báo Đà Nẵng. Truy cập ngày 3 tháng 6 năm 2025.
  3. ^ a b c d e f g Châu Mỹ (ngày 19 tháng 11 năm 2015). "Quãng đời bán bánh bao để cầm cự sống của diễn viên Mai Trần". VnExpress. Truy cập ngày 4 tháng 6 năm 2025.
  4. ^ a b c Hoàng Linh Lan (ngày 6 tháng 6 năm 2016). "Nghệ sĩ Mai Trần: Những vụn vỡ nhọc nhằn (kỳ cuối)". Báo Công an Nhân dân điện tử. Truy cập ngày 4 tháng 6 năm 2025.
  5. ^ a b c d e f g Hoàng Linh Lan (ngày 18 tháng 5 năm 2016). "Nghệ sĩ Mai Trần: Những vụn vỡ nhọc nhằn (kỳ 1)". Báo Công an Nhân dân điện tử. Truy cập ngày 4 tháng 6 năm 2025.
  6. ^ a b c d e f Lạc Xuân (ngày 3 tháng 2 năm 2024). "Nghệ sĩ Mai Trần sau biến cố: Trí nhớ sa sút, phụ vợ bán hàng online". Báo Thanh Niên. Truy cập ngày 3 tháng 6 năm 2025.
  7. ^ a b c N. H (ngày 25 tháng 9 năm 2019). "Nghệ sĩ Mai Trần hồi phục sau ca phẫu thuật 8 tiếng". VietNamNet. Truy cập ngày 3 tháng 6 năm 2025.
  8. ^ a b Lưu Hằng (ngày 13 tháng 9 năm 2019). "NSND Kim Cương vào viện thăm Mai Trần sau phẫu thuật động mạch vành". VietNamNet. Truy cập ngày 3 tháng 6 năm 2025.
  9. ^ a b Minh Nhàn (ngày 26 tháng 3 năm 2021). "Nghệ sĩ Mai Trần bình phục sau tai biến mạch máu não". VietNamNet. Truy cập ngày 3 tháng 6 năm 2025.
  10. ^ a b c Đỗ Duy (ngày 23 tháng 3 năm 2006). "Mai Trần: 'Tôi hơi ngậm ngùi sau khi nhận Cánh diều vàng'". VnExpress. Truy cập ngày 4 tháng 6 năm 2025.
  11. ^ Huỳnh Quyên (ngày 2 tháng 4 năm 2023). "Diễn viên "Những nẻo đường phù sa": Về già túng thiếu bên vợ kém 20 tuổi". Báo điện tử Dân Trí. Truy cập ngày 3 tháng 6 năm 2025.
  12. ^ "Xót xa nghệ sĩ Mai Trần: Thách đấu Nguyễn Chánh Tín, ở nhà cấp 4 bên vợ cho mượn, đột quỵ ở tuổi 65". Báo Sức Khỏe và Đời Sống. ngày 18 tháng 2 năm 2019. Truy cập ngày 4 tháng 6 năm 2025.
  13. ^ Đăng Bách (ngày 22 tháng 2 năm 2023). "Nghệ sĩ Mai Trần ở tuổi 70: Ở nhờ trên đất người thân, trí nhớ sa sút". Báo Thanh Niên. Truy cập ngày 3 tháng 6 năm 2025.