Millennium Falcon

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Millennium Falcon
Xuất bản đầu tiênStar Wars: From the Adventures of Luke Skywalker (tiểu thuyết, 1976)
Liên kếtLando Calrissian
Han Solo
Chewbacca
Unkar Plutt
Rey
Đặc điểm chung
LớpTàu chở hàng nhẹ YT-1300F của Liên đoàn Kỹ sư Corellia
Tốc độ tối đa
  • 1050 km/p (652 m/h; tốc độ khí quyển cao nhất)
  • 75 MGLT (Megalight trên giờ; tốc độ nhảy ánh sáng)
Vũ khí
  • 2x súng thần công quad-bolt AG2G (bụng/lưng)
  • 8x giá tên lửa concussion ST2
Phòng thủ
  • 1x máy phát chắn tia ray (đuôi)
  • 1x máy phát chắn lực (đầu)
Sự đẩy
  • Nhảy ánh sáng (10x)
  • 60 độ rẽ vòng trên giây (khí quyển)
  • 90 độ xoay vòng trên giây (khí quyển)
Chiều dài34,75 mét
Dung tích
  • 2 phi công/phụ lái
  • 2 pháo thủ
  • 300 hành khác/khoang chứa hàng

Chiếc Millennium Falcon là một phi thuyền vũ trụ giả tưởng xuất hiện trong thương hiệu Star Wars. Chiếc phi thuyền thuộc dòng chuyên chở hàng hóa hạng nhẹ và thường do tên buôn lậu người Corellia Han Solo (Harrison Ford) cùng người bạn Wookiee Chewbacca (Peter Mayhew) của anh điều khiển. Được thiết kế bởi Liên đoàn Kỹ sư Corellia (CEC), chiếc YT-1300 này rất bền, và được coi là phi thuyền có tốc độ bay nhanh thứ hai trong cốt truyện Star War chính thống.

Chiếc Millennium Falcon xuất hiện lần đầu tiên trong bộ ba phim Star Wars gốc, bao gồm Niềm hi vọng mới (1977), Đế chế phản công (1980), Sự trở lại của Jedi (1983), sau đó là bộ ba phim hậu truyện, Star Wars: Thần lực thức tỉnh (2015), Star Wars: Jedi cuối cùng (2017), và phần phim ngoại truyện Solo: Star Wars ngoại truyện (2018). Chiếc phi thuyền cũng có một màn xuất hiện thoáng qua trong phần phim Sự báo thù của người Sith (2005), ở phân cảnh nó bay vào Tòa Thượng Nghị viện trên hành tinh Coruscant. Ngoài ra, chiếc Falcon cũng xuất hiện trong nhiều tác phẩm thuộc vũ trụ Star Wars mở rộng, bao gồm các tiểu thuyết, truyện tranh và trò chơi điện tử, trong đó có cuốn tiểu thuyết Millennium Falcon của James Luceno là tác phẩm có nội dung tập trung toàn bộ vào chiếc phi thuyền này.[1] Millennium Falcon cũng góp mặt trong phim hoạt hình Bộ phim Lego năm 2014 dưới dạng mô hình Lego, với hai diễn viên Billy Dee WilliamsAnthony Daniels trở lại tham gia lồng tiếng cho nhân vật Lando CalrissianC-3PO, và Keith Ferguson lồng tiếng cho nhân vật Han Solo.

Nguồn gốc và thiết kế[sửa | sửa mã nguồn]

Chiếc Millennium Falcon ban đầu vốn có hình dáng thon dài hơn, nhưng thiết kế này lại khá tương đồng với chiếc Eagle Transporters trong Space: 1999 nên George Lucas đã buộc phải thay đổi lại. Mô hình Falcon ban đầu đã được chỉnh sửa và cân đối lại để sử dụng làm phi thuyền của Công chúa Leia, chiếc Tantive IV.[2] Nhà thiết kế mô hình Joe Johnston có khoảng bốn tuần để thiết kế lại chiếc Falcon, và gợi ý duy nhất của Lucas cho Johnston lúc đó là "hãy nghĩ tới một chiếc đĩa biết bay".[3] Johnston không muốn tạo ra một "chiếc đĩa biết bay đúng nghĩa", vậy nên ông đã thêm vào đó một buồng lái lệch trục, khoang hàng hóa ở đằng trước, và những vị trí để đặt động cơ đầu máy.[3] Thiết kế này đủ đơn giản để có thể hoàn thiện trong vòng bốn tuần. Johnston gọi thành phẩm thiết kế mới của chiếc Falcon này là một trong những dự án tâm huyết nhất của ông.[3]

Âm thanh của chiếc phi thuyền khi bay qua vùng không gian đa chiều được lấy từ hai bản thu tiếng động cơ của máy bay McDonnell Douglas DC-9, với một bản thu được làm đồng bộ chậm hơn bản thu còn lại để tạo ra hiệu ứng biến âm.[4] Để thực hiện điều này, nhà thiết kế âm thanh Ben Burtt đã thêm tiếng vù vù của quạt làm mát vào giàn điều khiển tại công ty hiệu ứng Industrial Light & Magic (ILM).[4]

Miêu tả[sửa | sửa mã nguồn]

Han Solo thắng chiếc Millennium Falcon từ Lando Calrissian trong trò chơi bài 'sabacc' một vài năm trước các sự kiện trong Niềm hi vọng mới.[5] Trong Niềm hi vọng mới, Obi-Wan Kenobi (Alec Guinness) và Luke Skywalker (Mark Hamill) có mượn chiếc phi thuyền này tại Quán rượu Mos Eisley để lái họ cùng C-3PO (Anthony Daniels), R2-D2 (Kenny Baker), và bản kế hoạch Ngôi sao Tử thần tới Alderaan. Khi chiếc Falcon bị Ngôi sao Tử thần bắt được, cả nhóm đã trốn dưới ngăn chứa hàng lậu nằm chìm dưới sàn tàu để tránh bị phát hiện khi quân địch đi thám thính. Solo sau đó đã đòi tiền phí sau khi đưa họ tới căn cứ bí mật của phe Nổi dậy rồi bỏ đi, nhưng sau đó anh đã quay trở lại để đưa Luke đi phá hủy Ngôi sao Tử thần.

Solo điều khiển chiếc Falcon cùng với Chewbacca, Leia, và C-3PO lên đường chạy trốn khỏi hạm đội của Đế quốc trong Đế chế phản công, và đáp xuống tại Thành phố Mây, nơi Darth Vader (David Prowse / James Earl Jones) bắt giữ Solo. Lando Calrissian giúp những người còn lại tẩu thoát và dùng chiếc Falcon để đuổi theo Solo và kẻ đang giam giữ anh, Jabba the Hutt. Calrissian cũng một lần nữa sử dụng chiếc Falcon trong phân đoạn cao trào của Sự trở lại của Jedi, với sự giúp đỡ của Nien Nunb, nhằm phá hủy Ngôi sao Tử thần thứ hai. Trước khi Ngôi sao Tử thần thứ hai bị phá hủy, Lando đã làm hư hỏng một phần nhỏ của chiếc tàu khi vô ý va phải một đường ống bên trong lõi của Ngôi sao. Tuy vậy nhưng Lando và những người đồng đội vẫn thành công trong việc tiêu diệt Đế chế Thiên hà.

Trong Star Wars: Thần lực thức tỉnh, lấy bối cảnh 30 năm sau những sự kiện trong Sự trở lại của Jedi, chiếc Falcon đã thuộc quyền sở hữu của một kẻ buôn phế liệu tên là Unkar Plutt trên hành tinh sa mạc Jakku. Chiếc phi thuyền vốn bị Unkar Plutt cướp từ Solo và Chewbacca một vài năm trước đó. Cô gái nhặt phế liệu Rey (Daisy Ridley) và cựu stormtrooper Finn (John Boyega) đã đánh cắp Falcon để chạy trốn sự truy lùng của Tổ chức Thứ nhất, sau khi bị chúng phát hiện ra họ đang bảo vệ cho droid BB-8. Trong phân cảnh rượt đuổi này, Millennium Falcon đã thực hiện cú rẽ vòng 60 độ trên giây, và cú xoay ngược 90 độ trên giây. Rey, Finn và BB-8 sau đó bị bắt được bởi một tàu chở hàng lậu, và sau đó họ biết được rằng Han Solo và Chewbacca chính là hai người thuyền trưởng của chiếc tàu này, và cả hai người đã xác nhận lại chiếc Falcon là của họ. Solo sau đó đã miễn cưỡng đồng ý giúp Rey và Finn đưa BB-8 về với quân Kháng chiến. Chiếc Falcon một lần nữa lại được xuất hiện trong Star Wars: Jedi cuối cùng, trên hành tinh Ahch-To với Rey và Chewbacca. Nửa sau của phim, Chewbacca và Rey lái chiếc Falcon tới hành tinh Crait, nơi phe Kháng chiến bị Tổ chức Thứ nhất tấn công. Chiếc phi thuyền bị hư hỏng nhẹ sau khi bị một chiến đấu cơ TIE bắn trúng. Sau cuộc chiến, những binh lính phe Kháng chiến còn sống sót cùng nhau lên chiếc Falcon và rời hành tinh Crait.

Tuyến Kessel[sửa | sửa mã nguồn]

Trong phần phim Niềm hi vọng mới, Solo khoe rằng chiếc Falcon đã vượt qua Tuyến Kessel trong vòng "chưa tới mười hai parsec". Với parsec là một đơn vị đo khoảng cách chứ không phải thời gian, nhiều lời giải thích khác nhau đã được đưa ra. Trong bản nháp thứ tư của kịch bản phim, Kenobi đã "phản ứng lại sự cố gắng ngu ngốc của Solo trong việc gây ấn tượng với họ bằng những thông tin sai lệch".[6] Trong vũ trụ Star Wars mở rộng, Tuyến Kessel là một con đường từ Kessel đi qua Cụm Hố đen Dạ dày, vốn được các tay buôn lậu sử dụng để vận chuyển nguồn gia vị Glitterstim quý hiếm; và ý khoe khoang của Solo là nói tới khả năng lái chiếc phi thuyền tới gần các hố đen của Dạ dày nhằm rút ngắn thời gian di chuyển.[7] Trong phần bình luận của DVD Niềm hi vọng mới, George Lucas cho biết, trong vũ trụ Star Wars, du hành qua các vùng không gian đa chiều cần sự cẩn trọng nhất định để có thể né được những ngôi sao, hành tinh, thiên thạch, cũng như các chướng ngại khác,[8] và bởi vì không có chuyến hành trình dài nào là có thể đi theo đường thẳng, con tàu "nhanh nhất" là con tàu có thể định hướng được "hướng đi thẳng nhất", tức là đi với khoảng cách ngắn nhất.[8] Trong cuốn tiểu thuyết Star Wars: From the Adventures of Luke Skywalker phát hành trước đó vào năm 1976 có sử dụng cụm từ: "chưa tới mười hai phần thời gian tiêu chuẩn".

Trong bộ phim Solo: Star Wars ngoại truyện, Tuyến Kessel của Solo được miêu tả kỹ lưỡng hơn, trong đó có lời giải thích cho cụm từ "mười hai parsec". Nhờ hợp nhất bộ nhớ của droid L3 của Lando với Falcon, khả năng định hướng của con tàu được cải thiện và đưa các nhân vật tới một địa điểm nguy hiểm ở gần khu vực hố đen.

Sở hữu[sửa | sửa mã nguồn]

Chiếc Millennium Falcon đã được xuất hiện nhiều lần trong suốt thương hiệu, và quyền sở hữu con tàu đã được nhiều lần nhắc tới trong các đoạn hội thoại giữa các nhân vật.

  • Trước Niềm hi vọng mới, chiếc Falcon thuộc sở hữu của Lando Calrissian. Anh đánh mất nó vào tay Han Solo sau khi để thua trong một vụ cờ bạc. Giai đoạn này cũng được miêu tả kĩ hơn trong Solo: Star Wars ngoại truyện.
  • Theo diễn biến của Đế chế phản công, Leia, Chewbacca và Lando thay nhau sở hữu chiếc Falcon sau khi Solo bị đóng đông bằng carbonite, rồi sau đó bị quân Đế chế và Boba Fett bắt giữ.
  • Trong Sự trở lại của Jedi, Solo rời hành tinh Tatooine với chiếc Millennium Falcon, và tại chỗ hẹn của quân Nổi dậy, anh đưa chiếc Falcon cho Lando mượn để tham gia Trận Endor cũng như phá hủy Ngôi sao Tử thần thứ hai.
  • Sau các sự kiện trong Sự trở lại của Jedi, chiếc Falcon bị đánh cắp khỏi tay Solo, và cuối cùng xuất hiện trên hành tinh Jakku dưới quyền sở hữu của tay buôn phế liệu Unkar Plutt, vào khoảng thời gian 30 năm sau Trận Endor. Trong Star Wars: Thần lực thức tỉnh, Rey và Finn điều khiển con tàu trốn thoát khỏi hành tinh, để rồi sau đó được Solo và Chewbacca tìm ra và nhanh chóng giành lại con tàu. Sau cái chết của Solo, Rey điều khiển chiếc Falcon cùng với phi công phụ Chewbacca. Phiên bản tiểu thuyết của Star Wars: hần lực thức tỉnh viết rằng Chewbacca đã tự nguyện nhường vị trí thuyền trưởng của chiếc Falcon cho Rey.
  • Trong Star Wars: Jedi cuối cùng, chiếc phi thuyền trở thành căn cứ hoạt động của 300 thành viên còn lại của quân Kháng chiến.

Ảnh hưởng văn hóa[sửa | sửa mã nguồn]

Joss Whedon đã nhắc tới Millennium Falcon như là một trong hai thứ đã tạo cảm hứng cho ông thực hiện chương trình truyền hình Firefly.[9] Chiếc Falcon cũng như hình dáng của nó cũng từng được xuất hiện trong các phim điện ảnh Star Trek: First Contact,[10] Blade Runner,[11] SpaceballsStarship Troopers.[12] Loạt manga Berserk cũng có một hồi truyện riêng mang tên Millennium Falcon.[13] Loạt manga và anime Hellsing cũng có trích dẫn về chiếc Millennium Falcon nhằm mục đích gây hài. Loạt phim hoạt hình người lớn Robot Chicken có một tập tên là "The Emperor's Phone Call," trong đó có sự xuất hiện của nhân vật Palpatine.[14]

Năm 2010, Adidas cho ra mắt phiên bản giày Stan Smith được lấy cảm hứng từ thiết kế của chiếc Millennium Falcon, thuộc một phần của chiến dịch Adidas Originals x Star Wars.[15]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Millennium Falcon Week Begins!”. Lucasfilm. ngày 20 tháng 10 năm 2008. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 10 năm 2008. Truy cập ngày 17 tháng 7 năm 2018.
  2. ^ Peterson, Lorne (ngày 14 tháng 11 năm 2006). Sculpting A Galaxy - Inside the Star Wars Model Shop. San Rafael, CA: Insight Editions. tr. 2–3. ISBN 1-933784-03-2.
  3. ^ a b c Bouzereau, Laurent (1997). Star Wars: The Annotated Screenplays. Ballantine Books. tr. 53. ISBN 0345409817.
  4. ^ a b Rinzler, J. W. (ngày 1 tháng 9 năm 2010). The Sounds of Star Wars. Chronicle Books. tr. 82. ISBN 978-0-8118-7546-2.
  5. ^ “Star Wars: Databank: Millennium Falcon (Expanded Universe)”. starwars.com. Truy cập ngày 27 tháng 6 năm 2007.
  6. ^ “Star Wars (Public Version of Fourth Draft) on the Jedi Bendu Script Site”. Truy cập ngày 17 tháng 7 năm 2018.
  7. ^ “Star Wars: Databank: Kessel (Expanded Universe)”. Lucasfilm. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 10 năm 2007. Truy cập ngày 17 tháng 7 năm 2018.
  8. ^ a b Bài bình luận trong DVD Star Wars
  9. ^ Joss Whedon (2005). What's in a Firefly.
  10. ^ Patrizio, Andy. “Star Trek: First Contact - Special Collector's Edition”. IGN. Truy cập ngày 17 tháng 7 năm 2018.
  11. ^ Sammon, Paul M. (ngày 1 tháng 6 năm 1996). Future Noir: The Making of Blade Runner. HarperCollins. tr. 251. ISBN 978-0-06-105314-6. Bill George had been making a replica of the Millennium Falcon [... ] we were so frantic to get more buildings into the cityscape that we grabbed Bill's ship, bristled it with etched brass, and plopped it into different shots. Instant building.
  12. ^ Aden, Jay. “Starship Troopers: A Studio Modeler Portfolio”. Starship Modeler. Truy cập ngày 31 tháng 10 năm 2008.
  13. ^ “Berserk Millennium Falcon Arc ~Seimasenki no Sho~”. MobyGames. Truy cập ngày 17 tháng 7 năm 2018.
  14. ^ The Emperor's Phone Call - Robot Chicken on Adult Swim. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 8 năm 2017. Truy cập ngày 16 tháng 7 năm 2018.
  15. ^ “Star Wars x adidas Stan Smith – Millennium Falcon – Available”. Sneaker News. Truy cập ngày 17 tháng 7 năm 2018.

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]

Bản mẫu:Vũ trụ Star Wars