Bước tới nội dung

Nam Chiếu

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Nam Chiếu
Tên bản ngữ
738–902
Vị thếVương quốc
Thủ đôThái Hòa thành (太和城; nay là Thành phố Đại Lý tỉnh Vân Nam)
Ngôn ngữ thông dụngTiếng Hán trung cổ
Tiếng Lô Lô
Tiếng Bạch
Tiếng Di
Tôn giáo chính
Đạo Phật
Chính trị
Chính phủQuân chủ chuyên chế
Lịch sử 
• Thành lập
738
• Giải thể
902
Tiền thân
Kế tục
Đế quốc Tây Tạng
Đại Trường Hòa
Vương quốc Đại Lý
Hiện nay là một phần của Trung Quốc
 Lào
 Myanmar
 Việt Nam
Nam Chiếu
Tên tiếng Trung
Phồn thể南詔
大禮
Giản thể南诏
大礼
Tên Tây Tạng
Chữ Tạng འཇང་ཡུལ
Tên tiếng Việt
Tiếng ViệtNam Chiếu
Đại Lễ
Tên tiếng Thái
Tiếng Tháiน่านเจ้า
Hệ thống Chuyển tự Tiếng Thái Hoàng giaNanchao
Tên tiếng Lào
Làoໜານເຈົ້າ /nǎːn.tɕaw/
ນ່ານເຈົ້າ /nāːn.tɕaw/
ນ່ານເຈົ່າ /nāːn.tɕāw/
ໜອງແສ /nɔ̌ːŋ.sɛ̌ː/

Nam Chiếu quốc (chữ Hán: 南詔國), cũng gọi Đại Lễ (大禮), người Thổ Phồn gọi ljang yul (tiếng Tạng: འཇང་ཡུལ)[1], là một vương quốc của người Bạch, người Miêungười Di (người Lô Lô), và cộng đồng người Thái (Thái - Kra-Dai) chiếm số nhỏ, họ đã phát triển rực rỡ ở Đông Nam Á trong các thế kỷ 8thế kỷ 9. Vương quốc nằm trong khu vực mà ngày nay là tỉnh Vân Nam của Trung Hoa, và một phần phía tây của Bắc Bộ Việt Nam.

Lược đồ châu Á thế kỷ 8

Vương quốc tồn tại từ năm 738, khi Mông Xá (Mường Se) quốc quân Mông Bì La Các thống nhất Lục Chiếu, và nó đã đạt đến độ cực thịnh vào năm 860 khi ôm gọn vùng Vân Nam ngày nay, giáp với đông nam của Quý Châu, Tây Tạng, Tứ Xuyên; tây bắc của Việt Nam và chính bắc của LàoMiến Điện.

Quốc gia này bị diệt vong vào năm 902, khi quyền thần Trịnh Mãi Tự giết toàn bộ vương thất Nam Chiếu và tự lập nên Đại Trường Hòa. Chiến cục sau đó ở Nam Chiếu đã bất ổn định trong một thời gian, sau khi trải qua 3 thời đại thì chính thức hình thành nên một quốc gia cường thịnh khác ở Vân Nam, Vương quốc Đại Lý.

Quốc hiệu

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 779, Mông Dị Mâu Tầm dời đô đến Dương Tư Mị Thành (陽苴𠴟城), ngày nay chính là Thành phố Đại Lý. Biệt xưng Hạc Thác (鹤拓), lại gọi là Tử Thành (紫城). Năm 794, Dị Mâu Tầm được nhà Đường (đời vua Đường Đức Tông) phong làm Nam Chiếu vương (南詔王), từ đó quốc hiệu chính thức gọi là Nam Chiếu quốc (南詔國) hoặc Hạc Thác.

Năm 860, Mông Thế Long sửa quốc hiệu thành Đại Lễ quốc (大禮國), với ý nghĩa "Lễ nghi chi bang" và tự xưng Hoàng đế. Sang năm 878, Mông Long Thuấn lại sửa thành Đại Phong Dân (大封民) hoặc Đại Phong Nhân (大封人), chữ "Phong" là chỉ người Bạch, quốc hiệu lấy dân tộc tự xưng.

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Sự thành lập và các dân tộc

[sửa | sửa mã nguồn]

Nguyên thủy, ở đây có một vài bộ lạc của người Bạch sinh sống bằng nông nghiệp trong các vùng đất màu mỡ xung quanh hồ Nhĩ Hải. Mỗi một bộ lạc là một vương quốc riêng biệt, được gọi là Chiếu (詔, tiếng Lô Lô: nzy), tiếng Thái nói là Chẩu nghĩa là Chủ Nhân, Người Chủ. Người ta nói rằng đã từng có Lục Chiếu là: Mông Huề Chiếu, Việt Tích Chiếu, Lãng Khung Chiếu, Đằng Đạm Chiếu, Thi Lãng Chiếu, Mông Xá Chiếu. Mông Xá Chiếu ở về phía nam nên đôi khi gọi là Nam Chiếu. Năm 737, đời Huyền Tông nhà Đường ở Trung Quốc, với sự hỗ trợ của quân đội nhà Đường, Mông Bì La Các (tức Bì La Cáp) là đại chiếu của Mông Xá Chiếu đã lần lượt thống nhất Lục chiếu, thành lập ra một Vương quốc mới, gọi là Nam Chiếu.

Về việc này Việt Nam sử lược (VNSL) của Trần Trọng Kim có chép:

" Trong khoảng năm Khai Nguyên (713-742) đời Huyền Tông nhà Đường, Nam Chiếu là Bì La Cáp cường thịnh lên, mà 5 chiếu kia suy hèn đi. Bì La Cáp mới đút lót cho quan tiết độ sứ đạo Kiếm Nam là Vương Dục để xin hợp cả sáu chiếu lại làm một. Triều đình nhà Đường thuận cho, và đặt tên là Quy Nghĩa. Từ đó Nam Chiếu càng ngày càng thịnh lên, đem quân đi đánh Thổ Phồn... Bấy giờ Nam Chiếu đã mạnh lắm, bèn xưng đế và đặt quốc hiệu là Đại Mông quốc rồi lại đổi là Đại Lễ... "

Vương quốc Nam Chiếu duy trì một mối quan hệ mật thiết với nhà Đường, và chính quyền Nam Chiếu là của hai tộc người BạchDi. Một số nhà sử học còn cho rằng phần lớn dân cư là người Bạch, nhưng cầm quyền lại là người Di. Thủ đô của vương quốc này được thành lập năm 738Thái Hòa (ngày nay là làng Thái Hòa, cách thành cổ Đại Lý vài dặm về phía nam). Nằm ở trung tâm của thung lũng Nhĩ Hải, khu vực này khi đó là lý tưởng: nó giúp cho người ta dễ dàng chống lại các cuộc tấn công và nó nằm giữa một khu vực đất đai nông nghiệp màu mỡ.

Dân cư vùng phía Tây và Tây Nam của Nam Chiếu có lẽ phần lớn là các tộc người gốc Tây Tạng như Bạch, người Di (Lolo và La Hủ), phía Đông Nam có lẽ là người Thái gốc Nam Việt mới di cư đến (sau khi thành Phiên Ngung thất thủ) và Miêu (Hmong), Dao. Tuy nhiên, tên các vua Nam Chiếu cho thấy có lẽ họ không phải là người Thái, vì họ đặt tên theo cách dùng âm tiết cuối của tên cha để bắt đầu tên con, phổ biến trong người Lolo và các nhóm Tạng-Miến khác nhưng không phổ biến trong người Thái. Cũng như vậy, có nhiều từ Nam Chiếu được ghi lại được xác định là ngôn ngữ Lolo, và không có trong từ vựng Thái.

Phát triển

[sửa | sửa mã nguồn]
Châu Á vào khoảng năm 800, Nam Chiếu và các quốc gia lân bang

Năm 748, nhà Đường (đời vua Đường Huyền Tông) phong Mông Các La Phượng làm Vân Nam vương (雲南王). Có sự giúp sức của nhà Đường, Các La Phượng khống chế và thâu tóm chính quyền các bộ tộc của Thoán Thị (爨氏) và chiếm hầu hết khu vực Vân Nam.

Trong khi đó Thiền Vu Trọng Thông (鮮于仲通) được phong làm Tiết độ sứ Kiến Nam, còn Trương Kiền Đà làm Thái thú Vân Nam. Vị tân Thái thú hành vi ngạo nghễ bạo ngược, đối đãi vợ chồng Các La Phượng khiếm nhã, lại còn vu cáo Các La Phượng mưu phản. Năm Thiên Bảo thứ 9 (750), Các La Phượng vây giết Trương Kiền Đà, chính thức phản lại nhà Đường (đời vua Đường Huyền Tông). Nghe tin, Tể tướng nhà Đường là Dương Quốc Trung phái Thiền Vu Trọng Thông đem quân đội đến Nhung Châu, Tây Châu, chia ra 3 đường tiến binh chống lại Nam Chiếu. Các La Phượng nhanh chóng phái sứ giả giảng hòa, nhưng nhà Đường cự tuyệt, thế là Các La Phượng bí bách xin Thổ Phồn cứu giúp.

Năm 751, quân đội nhà Đường (đời vua Đường Huyền Tông) tiến tới kinh sư của Nam Chiếu nhưng đội quân này đã bị đánh bại ở Hạ Quan bởi liên quân Nam Chiếu và Thổ Phồn. Cùng năm này, nhà Đường còn chịu một thất bại khác rất nặng nề dưới tay của người Ả Rập trong Trận chiến TalasTrung Á; các thất bại này đã làm nhà Đường suy yếu cả trong lẫn ngoài. Ngày nay, mồ tướng (2 km về phía tây Hạ Quan), và mả vạn binh (trong công viên Thiên Bảo) là chứng tích cho thảm bại này. Từ trận này, Nam Chiếu và Thổ Phồn kết làm huynh đệ chi bang.

Năm 754, nhà Đường (đời vua Đường Huyền Tông) lại cử Lý Mật đem quân đội sang đánh, lần này từ phía bắc, nhưng khi quân đến thì không công thành được, lại hết lương, bệnh dịch nên Lý Mật phải rút đi. Các La Phượng nhân đó truy kích và tiêu diệt toàn bộ quân của Lý Mật.

Bản đồ Nam Chiếu so sánh tương quan với các vùng lãnh thổ của các quốc gia Đông Nam Á ngày nay.

Được lợi từ những thành công này, Nam Chiếu phát triển và bành trướng rất nhanh, đầu tiên là vào Miến Điện, sau đó là toàn bộ Vân Nam ngày nay, xuống phía bắc LàoThái Lan, và sau đó về phía bắc tới Tứ Xuyên. Năm 764, Nam Chiếu thiết lập kinh đô thứ hai tại Côn Minh với một bộ máy hành chính quan lại rất hoàn chỉnh.

Năm 830, Thành Đô của nhà Đường (đời vua Đường Văn Tông) đã bị quân Nam Chiếu (đời vua Mông Khuyến Phong Hữu) chiếm đóng; nó đã là một phần thưởng lớn, vì nó làm cho Nam Chiếu có khả năng đánh chiếm toàn bộ tỉnh Tứ Xuyên với những cánh đồng màu mỡ. Điều này là quá nhiều đối với người Trung Hoa, họ đã không mất nhiều thời gian để phản công.

Năm 859, vua Nam Chiếu là Mông Thế Long công hãm Bá Châu của nhà Đường (nay là Tuân Nghĩa, Quý Châu).

Nam Chiếu cũng đã từng xâm chiếm An Nam (tên gọi khi đó của Việt Nam) từ những năm 846 tới năm 866. Về việc này, trong Đại Việt sử ký toàn thư có chép (lược trích lại):

Ngoài ra, Nam Chiếu cũng đã nhiều lần tấn công Myanmar. Từ giữa thế kỷ thứ 8 cho tới cuối thế kỷ thứ 9, Nam Chiếu là một cường quốc trong vùng nam Trung Quốc, bắc Đông Nam Á. Nó liên tục gây sức ép quân sự lên Các thị quốc Pyu ở miền trung Miến Điện bây giờ, quân Nam Chiếu đánh tới tận miền nam Miến Điện và miền bắc Thái Lan đầu thế kỷ thứ 9, mở cuộc viễn chinh đánh Chân Lạp và ghi lại là họ đã tiến tới tận bờ biển, liên tiếp tiến công vào An Nam đô hộ phủ thuộc nhà Đường trong khoảng thời gian 846 - 866.

Đây là thời kỳ sức mạnh Nam Chiếu đạt đến đỉnh điểm, rồi dần suy đi, trước sức ép của Trung Hoa đang cường thịnh trở lại, và Việt Nam giành được độc lập.

Năm 870 nước Nam Chiếu (đời vua Mông Thế Long) tiến quân đánh vào Thành Đô nhà Đường (đời vua Đường Ý Tông), một quan lại là Dương Khánh Phục (楊慶復) mộ được một đội quân gọi là "Đột Tương" (突將) đến tăng viện, đánh đuổi quân Nam Chiếu ra khỏi Thành Đô. Dương Khánh Phục và quân "Đột Tương" ở lại trấn thủ Thành Đô nhà Đường.

Năm 873, nước Nam Chiếu (đời vua Mông Thế Long) bị đuổi khỏi Tứ Xuyên và bị đẩy lùi về Vân Nam. Việc chiếm đóng Thành Đô là mốc đỉnh cao của nhà Nam Chiếu, từ đó trở đi vương quốc Nam Chiếu bắt đầu suy yếu.

Năm 874, nước Nam Chiếu (đời vua Mông Thế Long) tiến công vào Tây Xuyên[2] của nhà Đường (đời vua Đường Hy Tông), Tây Xuyên tiết độ sứ Ngưu Tùng (牛叢) không kháng cự nổi. Quân Nam Chiếu tiến đến thủ phủ Thành Đô rồi triệt thoái, song Ngưu Tùng sợ Nam Chiếu sẽ lại tiến công nên đã tập hợp người dân khu vực xung quanh vào trong thành Thành Đô. Đường Hy Tông lệnh cho các quận xung quanh: Hà Đông, Sơn Nam Tây đạo, Đông Xuyên phát binh cứu viện Tây Xuyên, trong khi lệnh cho Cao Biền tiến đến Tây Xuyên để giải quyết "man sự".

Mùa xuân năm 875, Cao Biền được Đường Hy Tông bổ nhiệm là Tây Xuyên tiết độ sứ,[3] cũng như Thành Đô doãn.[4] Cao Biền nhận thấy sẽ phát sinh đại dịch nếu người dân đều tụ tập bên trong tường thành Thành Đô, vì thế ông ta đã hạ lệnh mở cổng thành cho người dân ra ngoài ngay cả trước khi ông ta đến thành này, người dân Thục bước đầu rất hài lòng về Cao Biền. Khi đến nơi vào mùa xuân năm 875, Cao Biền tiến hành một số cuộc tiến công nhỏ nhằm trừng phạt Nam Chiếu, sau đó cho xây dựng một số thành lũy trọng yếu trên biên giới với Nam Chiếu. Cao Biền tăng cường phòng thủ, Nam Chiếu không tiếp tục tiến hành các cuộc tiến công vào Tây Xuyên, song thỉnh cầu tổng tiến công Nam Chiếu (đời vua Mông Thế Long) của Cao Biền bị Đường Hy Tông từ chối.[3]

Năm 876, nước Nam Chiếu (đời vua Mông Thế Long) sai sứ giả đến chỗ Cao Biền của nhà Đường cầu hòa, song lại tập kích qua biên giới nhà Đường (đời vua Đường Hy Tông) không ngừng, Cao Biền xử trảm vị sứ giả Nam Chiếu này. Sau đó, Nam Chiếu lại gửi "mộc giáp thư" cho Cao Biền, yêu cầu được mượn Cẩm Giang cho ngựa uống nước. Cao Biền cho xây dựng phủ thành Thành Đô, tăng cường công sự phòng ngự. Cao Biền cũng phái hòa thượng Cảnh Tiên (景先) đến Nam Chiếu, đảm bảo hòa bình và nói rằng triều đình nhà Đường sẽ gả một công chúa cho hoàng đế Mông Thế Long của Nam Chiếu. Do các hành động này của Cao Biền, Nam Chiếu sau đó không còn quấy nhiễu biên giới nhà Đường nữa.

Tới nửa sau thế kỷ 9, Nam Chiếu chỉ còn duy trì ảnh hưởng của mình ở vùng tây nam Trung Hoa, sau hàng thập kỷ chiến tranh liên tục.

Tình hình chính trị nội bộ của Nam Chiếu cũng không ổn định với việc có tới 13 vua lên ngôi trong vòng 120 năm tiếp đó, và không ai trong số họ quan tâm đến việc bành trướng thế lực về phía nam nữa. Trong đó, dòng họ Trịnh ở Vân Nam là người Hán nhiều năm thừa kế chức Thanh bình quan (清平官) thao túng Nam Chiếu. Năm 897, Thanh bình quan Trịnh Mãi Tự sai Dương Đăng giết chết Nam Chiếu vương Mông Long Thuấn. Mông Thuấn Hóa Trinh lên kế vị ngôi vua Nam Chiếu.

Năm 902, vua Mông Thuấn Hóa Trinh qua đời. Trịnh Mãi Tự giết chết 800 người thân tộc của Nam Chiếu vương, triều đại Nam Chiếu bị lật đổ, và sau đó là Đại Trường Hòa. Sau Đại Trường Hòa, lại có Đại Thiên Hưng, Đại Nghĩa Ninh 3 triều đại kế tiếp nhau cho đến khi Đoàn Tư Bình nắm quyền năm 937 để thành lập ra Vương quốc Đại Lý.

Chính trị

[sửa | sửa mã nguồn]

Nền chính trị trung ương của Nam Chiếu ảnh hưởng mạnh của văn hóa nhà Đường.

Lúc này bộ máy cai trị có Lục tào (六曹), gồm: Binh tào (兵曹), Hộ tào (戶曹), Khách tào (客曹), Pháp tào (法曹), Sĩ tào (士曹) cùng Thương tào (倉曹). Cơ bản là noi theo Đường triều đại phương quan chế. Thời hậu kì lại sửa thành Tam thác (三托); Khất thác (乞托) quản ngựa; Lộc thác (祿托) quản Cự thác (巨托) quản thương nghiệp. Dưới là Cửu sảng (九爽) gồm; Mạc sảng (幕爽) quản quân đội; Tông sảng (琮爽) quản hộ tịch; Từ sảng (慈爽) quản lễ nghi; Phạt sảng (罰爽) quản hình luật; Khuyến sảng (勸爽) quản lý quan viên; Quyết sảng (厥爽) quản lý công tác; Vạn sảng (萬爽) quản tài dụng; Dẫn sảng (引爽) quản người khách (nô lệ) và Hòa sảng (禾爽) quản lý thương nhân. Cứ mỗi 3 sảng thì có một Đốc sảng (督爽) quản hạt.

Tể tướng gọi Thanh Bình quan (清平官), giải quyết các việc quốc sự lớn nhỏ, cùng Đại quân tướng (大軍將) và Quốc vương có quyền quyết định tối cao. Ở địa phương, khu vực Lục Chiếu khi đó chia thành Lục kiểm (六瞼); trong đó Kiểm tương ứng với Châu thời Đường. Những khu vực bị chinh phục mà thành thì được gọi là Tiết độ (節度). Cụ thể như sau:

  • Kiểm (瞼): đến thời hậu kỳ đã lên tới con số 11 kiểm.
    • Đại Hòa kiểm (大和瞼): ngày nay là khu Đại Hòa, Thành phố Đại Lý.
    • Tư Mị kiểm (苴咩瞼): còn gọi Dương Tư Mị (陽苴咩), ngày nay là khu vực Đại Lý cổ thành.
    • Đại Ly kiểm (大厘瞼): nay là khu vực Hỉ Châu.
    • Đằng Xuyên kiểm (邆川瞼): nay là khu Đặng Châu.
    • Mông Xá kiểm (蒙舍瞼): nay là khu huyện Nguy Sơn.
    • Bạch Nhai kiểm (白崖瞼): nay là khu vực huyện Di Độ.
    • Vân Nam kiểm (雲南瞼): nay là khu vực huyện Tường Vân.
    • Phẩm Đạm kiểm (品澹瞼): nay là khu vực huyện Tường Vân.
    • Mông Tần kiểm (蒙秦瞼): nay là khu vực huyện Dạng Tỵ.
    • Hĩ Hòa kiểm (矣和瞼): nay là khu vực huyện Nhĩ Nguyên.
    • Triệu Xuyên kiểm (趙川瞼): nay là khu vực trấn Phượng Nghi của Thành phố Đại Lý.

Ngoài Kiểm, Nam Chiếu quốc sau khi thu phục sẽ đặt các khu vực Tiết độ (節度) và Đô đốc (都督). Thời đầu có 8 Tiết độ: Vân Nam (雲南), Thác Đông (拓東), Vĩnh Xương (永昌), Ninh Bắc (寧北), Trấn Tây (鎮西), Khai Nam (開南), Ngân Sinh (銀生, nằm dọc phía đông sông Lan Thương (Mê Kông) tới vùng Lào Lung (Vương quốc Luang Phrabang) sau này) và Thiết Kiều (鐵橋).

Thời hậu kì:

Quân đội

[sửa | sửa mã nguồn]

Nam Chiếu có hệ thống binh đội thiện chiến, cơ bản chia ra quân thường trực, hương binh và di tốt.

Quân thường trực số lượng không lớn, nhưng sức chiến đấu rất mạnh, được xưng là [La Tư tử; 囉苴子]. Hương binh là lực lượng quân sự cơ sở của Nam Chiếu, khi xảy ra chiến tranh thì từ các thôn ấp điều động. Ngày thường ở thôn ấp thì họ cày ruộng như dân thường, đến khi chiến tranh thì lập tức thành binh sĩ, tương tự thể chế ngụ binh ư nông mà lịch sử Việt Nam thường thấy. Còn Di tốt (夷卒) là dạng dân tộc thiểu số có vũ trang, cũng có tính chất lâm thời như Hương binh, khi bình thường thì trú ở các khu tự trị, khi có biến thì được điều quân. Loại Di tốt này cực kì thiện chiến, hay cùng La Tư tử làm tiên phong.

Người quản lý quân sự cao cấp nhất ở Nam Chiếu gọi là Đại quân tướng (大軍將), một loại chức vụ vinh dự, có thể từ các Tiết độ sứ, Đô đốc, Thanh Bình quan hay Tào trưởng tiếp nhậm. Bên dưới có các chức vụ như Diễn tập (縯習), Diễn lãm (縯覽), Thiện duệ (繕裔), Thiện lãm (繕覽), Đạm tù (澹酋), Đạm lãm (澹覽), Mạc ngụy (幕偽) và Mạc lãm (幕覽).

Nam Chiếu xã hội kinh tế phát triển không cân bằng, lấy Điền TrìNhị Hải hai địa khu làm chuẩn tối cao.

Nông nghiệp lấy lúa nước làm chủ yếu, còn có đậu, mạch, túc, tắc các loại ngũ cốchoa màu khác. Đa số là trồng lúa mạch, mỗi năm có 2 vụ mùa, chủ yếu trồng trên các ruộng bậc thang.

Ở Nam Chiếu thì chăn nuôi là ngành cực kỳ tiên tiến. Thủ công nghiệp tương đối phát đạt, đặc biệt xứ sở này rất nổi tiếng việc chế tạo binh khí. Tại Di Độ ở Vân Nam còn có một cái trụ bằng sắt, cho thấy trình độ đúc khí ở Nam Chiếu xưa đã phát triển thế nào.

Thời hậu kỳ của Nam Chiếu, ở Tứ Xuyên có nhiều thợ thủ công từ phương Nam đến, nên các ngành kéo dệt, trổ sơn rất phát triển. Khi giao dịch, nam Chiếu chuộng dùng tăng bạch, muối khối, thời hậu kỳ ưa dùng bối tệ (貝幣; tiền bằng vỏ sò).

Văn học Nam Chiếu đã chịu ảnh hưởng rất nhiều chữ Hán đến từ nhà Đường, song vẫn có những thành tựu bản ngữ (tức tiếng Bạch) nhất định. Dân gian lấy chữ Hán để phỏng lại tiếng Bạch, từ đó tạo ra Chính văn của Nam Chiếu. Vào thời hậu kỳ, triều đình Nam Chiếu phái rất nhiều con em quý tộc đến Thành Đô để du học, và cũng do vậy các thi nhân Nam Chiếu đều có phong thái thơ văn, truyện phú đều rất tương đồng với nhà Đường, cụ thể có Nam Chiếu đức hóa bi (南詔德化碑).

Âm nhạc và vũ đạo của Nam Chiếu muôn màu muôn vẻ, ắt hẳn chịu những nét của dân tộc thiểu số bản địa và Đông Nam Á nói chung. Năm 745, Đường Huyền Tông từng ban cho Nam Chiếu (đời vua Mông Bì La Các) 2 bộ nhạc của người Hồ, và năm 800 thì Nam Chiếu (đời vua Mông Dị Mâu Tầm) cũng hiến Thiên Nam Điền Việt tục ca (天南滇越俗歌) cho nhà Đường (đời vua Đường Đức Tông), sau đổi tên thành Nam Chiếu phụng thánh nhạc (南詔奉聖樂), tham gia diễn xuất nhân số đạt trăm người. Nam Chiếu còn hay chơi một loại ca vũ, mang tính chất Phật giáo. Nam Chiếu dân gian ca vũ lấy Đạp ca (踏歌), Hồ lô sinh (壺蘆笙) tương đối phổ biến, thiếu niên đệ tử cũng thích thổi lá cây để biểu đạt cảm tình.

Nền hội họa Nam Chiếu được bảo tồn đến nay không nhiều lắm, chỉ có Nam Chiếu đồ truyện (南詔圖傳) là tiêu biểu.

Dân chủng

[sửa | sửa mã nguồn]

Nam Chiếu quốc khi ấy là một hỗn hợp, tương tự hợp chủng quốc, có hơn mười mấy dân tộc quy tụ, song nhiều nhất phải kể đến Bạch Man (白蠻; tổ tiên của người Bạch) và Ô Man (烏蠻; tổ tiên của người Di). Bạch Man chủ yếu phân bố ở Điền Tây, Điền Trung ở dải vùng Bình Bá, giao thông phát đạt. Ô Man chủ yếu phân bố ở vùng Điền Đông và một số vùng núi hẻo lánh trong hang, cốc.

Ngoài ra còn có Hòa Man (和蠻; nay là người Hà Nhì), Thuận Man (順蠻; nay là người Lật Túc), Ma Chút (磨些; nay là người Nạp Tây), Tầm Truyện (尋傳; nay là người A Xương), Lỏa Hình (裸形; nay là người Cảnh Pha), Kim Xỉ (金齒; nay là người Thái), Phác Tử Man (朴子蠻; nay là người Palaung, người Bố-lãng, người Va),...

Tôn giáo

[sửa | sửa mã nguồn]

Nam Chiếu có một mối liên quan mật thiết với đạo Phật, được minh chứng bằng các nghệ thuật điêu khắc đá còn tồn tại từ thời kỳ đó. Một số học giả nói rằng đạo Phật dòng Asarya của Nam Chiếu có liên quan đến Phật giáo Ari của bộ phái Mật tông đã từng tồn tại ở Pagan, Myanmar.

Đây là kết quả của việc Nam Chiếu bành trướng thế lực và lãnh thổ của mình, kiểm soát một vùng rộng lớn nay là Vân Nam và một phần lãnh thổ Miến Điện và đông bắc Ấn Độ, mở đường thông thương giữa Trung Quốc với Ấn Độ. Việc Nam Chiếu, cũng giống như nhà Đường ở Trung Quốc, và Đại Việt khi đó, theo Phật giáo đã giúp đạo Phật lan tỏa, cũng như phổ biến văn hóa và kiến trúc Ấn Độ.

Niên biểu

[sửa | sửa mã nguồn]
Đại Mông
Miếu hiệu Thụy hiệu Họ tên Thời gian trị vì
Mông Cao Tổ Kì Gia vương Mông Tế Nô La (Mông Độc La) 649-674
Mông Thế Tông Hưng Tông vương Mông La Thịnh Viêm (Mông La Thịnh) 674-712
    Mông Viêm Các 712
Mông Thái Tông Uy Thành vương Mông Thịnh La Bì (Mông Thành Lạc Khôi) 712-728
  Quy Nghĩa vương Mông Bì La Các (Mông Khôi Lạc Giác) 728-748
  Thần Vũ vương Mông Các La Phượng (Mông Giác Lạc Phượng) 748-779
  Hiếu Hằng vương (Nhật Đông vương) Mông Dị Mâu Tầm 779-808
  Hiếu Huệ vương Mông Tầm Các Khuyến (Mông Tân Giác Khuyến) 808-809
  U vương Mông Khuyến Long Thịnh (Mông Long Thịnh) 809-816
  Tĩnh vương Mông Khuyến Lợi Thịnh (Mông Khuyến Lợi) 816-823
  Chiêu Thành vương Mông Khuyến Phong Hữu (Mông Phong Hữu) 823-859
Đại Lễ
Thụy hiệu Họ tên Thời gian trị vì
Cảnh Trang đế Mông Thế Long (Mông Hữu Long hay Mông Tù Long) 859-877
Đại Phong Dân
Thụy hiệu Họ tên Thời gian trị vì
Thánh minh văn vũ đế Mông Long Thuấn (Mông Thế Thuấn hay Mông Pháp) 877-897
Hiếu Ai đế Mông Thuấn Hóa Trinh 897-902
Đại Trường Hòa
Thụy hiệu Họ tên Niên hiệu Thời gian trị vì
Thánh minh văn vũ uy đức Hoàn hoàng đế Trịnh Mãi Tự Trung Hưng
An Quốc
902-910
Túc văn thái thượng hoàng đế Trịnh Nhân Mân Thủy Nguyên
Thiên Thụy Cảnh Tinh
An Hòa
Trinh Hữu
Sơ Lịch
Hiếu Trì
910-926
Cung huệ hoàng đế Trịnh Long Đản Hiếu Trì
Thiên Ứng
926-927
Đại Thiên Hưng (Hưng Nguyên)
Thụy hiệu Họ tên Niên hiệu Thời gian trị vì
Điệu khang hoàng đế Triệu Thiện Chính Tôn Thánh 928-929
Đại Nghĩa Ninh
Thụy hiệu Họ tên Niên hiệu Thời gian trị vì
Túc cung hoàng đế Dương Càn Trinh Hưng Thánh
Quang Thánh
929-930
  Dương Chiếu (Dương Minh)[5] Đại Minh
Đỉnh Tân
930-937

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Stein, R. A. (1972) Tibetan Civilization, p. 63. Stanford University Press. ISBN 0-8047-0806-1 (cloth); ISBN 0-8047-0901-7 (pbk)
  2. ^ 西川, trị sở nay thuộc Thành Đô, Tứ Xuyên
  3. ^ a b Tư trị thông giám, quyển 252
  4. ^ Cựu Đường thư, quyển 182
  5. ^ Đoàn Ngọc Minh, "Đại Lý quốc sử"

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]