Nghi Xuân

(Đổi hướng từ Nghi Xuân, Hà Tĩnh)
Nghi Xuân
Huyện
Huyện Nghi Xuân
Hành chính
Quốc gia Việt Nam
VùngBắc Trung Bộ
TỉnhHà Tĩnh
Huyện lỵThị trấn Tiên Điền
Phân chia hành chính2 thị trấn, 15 xã
Thành lập1469
Tổ chức lãnh đạo
Chủ tịch UBNDLê Anh Dũng
Bí thư Huyện ủyPhan Tấn Linh
Địa lý
Tọa độ: 18°39′57″B 105°45′26″Đ / 18,66583°B 105,75722°Đ / 18.66583; 105.75722
MapBản đồ huyện Nghi Xuân
Nghi Xuân trên bản đồ Việt Nam
Nghi Xuân
Nghi Xuân
Vị trí huyện Nghi Xuân trên bản đồ Việt Nam
Diện tích218,48 km²
Dân số (2022)
Tổng cộng118.000 người[1]
Mật độ530 người/km2
Khác
Mã hành chính442[2]
Biển số xe38-N1 xxx.xx
Websitenghixuan.hatinh.gov.vn

Nghi Xuân là một huyện nằm ở phía bắc tỉnh Hà Tĩnh, vùng Bắc Trung Bộ, Việt Nam.

Vị trí địa lý[sửa | sửa mã nguồn]

Huyện Nghi Xuân nằm ở phía bắc của tỉnh Hà Tĩnh, nằm cách thành phố Hà Tĩnh khoảng 47 km, cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 310 km về phía bắc, có vị trí địa lý:

Huyện Nghi Xuân có diện tích 218 km² và dân số năm 2019 là 102.160 người.[1] Huyện Nghi Xuân cách sân bay Vinh chưa đầy 20 km, đi cửa khẩu Cầu Treo biên giới Việt-Lào 110 km theo đường quốc lộ 8, đi khu kinh tế Vũng Áng (Kỳ Anh) 115 km. Có khu du lịch Xuân Thành, cảng cá Xuân Hội, cảng Xuân Hải; có hệ thống giao thông khá thuận lợi với hai nhánh đường quốc lộ với chiều dài gần 35 km; có 32 km bờ biển với các bãi biển thoải, nước biển trong xanh; sông Lam chảy ven phía tây bắc với chiều dài trong địa phận huyện là 28 km. 3,72% dân số theo đạo Thiên Chúa.

Lịch sử[sửa | sửa mã nguồn]

Một góc thị trấn Tiên Điền

Từ thời nhà Đường đến nhà Ngô, Đinh, Tiền Lê, địa bàn huyện Nghi Xuân thuộc đất Hoan Châu.

Thời nhà Lý, nhà Trần: Nghi Xuân thuộc Nghệ An châu, Nghệ An trại.

Thời nhà Hậu Lê, huyện Nghi Xuân thuộc phủ Đức Quang, xứ Nghệ An (rồi trấn Nghệ An).

Thời nhà Nguyễn, huyện Nghi Xuân thuộc phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Từ năm 1832 đến năm 1975, huyện Nghi Xuân trực thuộc tỉnh Hà Tĩnh.

Từ năm 1976 đến năm 1991, huyện Nghi Xuân trực thuộc tỉnh Nghệ Tĩnh, gồm 17 xã: Cổ Đạm, Cương Gián, Tiên Điền, Xuân An, Xuân Đan, Xuân Giang, Xuân Hải, Xuân Hội, Xuân Hồng, Xuân Lam, Xuân Liên, Xuân Mỹ, Xuân Phổ, Xuân Thành, Xuân Trường, Xuân Viên, Xuân Yên.

Ngày 5 tháng 9 năm 1975, sáp nhập xóm Hội Phúc thuộc xã Xuân Hội vào xã Xuân Trường.[3]

Ngày 23 tháng 2 năm 1977, thành lập xã Xuân Lĩnh tại vùng đất khai hoang.[4]

Ngày 1 tháng 3 năm 1988, tách toàn bộ 59,30 ha diện tích tự nhiên và 507 nhân khẩu của xóm Tiến Hòa, xã Tiên Điền; toàn bộ 22,5 ha diện tích tự nhiên và 588 nhân khẩu của xóm Giang Thủy, xã Xuân Giang cùng 2.298 nhân khẩu là cán bộ, công nhân viên Nhà nước và người ăn theo của các cơ quan đóng trên địa bàn này để thành lập thị trấn Nghi Xuân, thị trấn huyện lỵ huyện Nghi Xuân.

Từ năm 1991 đến nay, huyện Nghi Xuân thuộc tỉnh Hà Tĩnh.

Ngày 8 tháng 6 năm 1994, chuyển xã Xuân An thành thị trấn Xuân An.

Ngày 1 tháng 1 năm 2020, sáp nhập xã Tiên Điền và thị trấn Nghi Xuân thành thị trấn Tiên Điền, sáp nhập xã Xuân Đan và xã Xuân Trường thành xã Đan Trường.[5]

Hành chính[sửa | sửa mã nguồn]

Huyện Nghi Xuân có 17 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 2 thị trấn: Tiên Điền (huyện lỵ), Xuân An và 15 xã: Cổ Đạm, Cương Gián, Đan Trường, Xuân Giang, Xuân Hải, Xuân Hội, Xuân Hồng, Xuân Lam, Xuân Liên, Xuân Lĩnh, Xuân Mỹ, Xuân Phổ, Xuân Thành, Xuân Viên, Xuân Yên.

Văn hóa[sửa | sửa mã nguồn]

Nghi Xuân có nhiều di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu như Ca trù Cổ Đạm, Trò Kiều Tiên Điền và Xuân Liên, Sắc Bùa Xuân Lam, Chầu Văn Xuân Hồng, trò Sĩ - Nông - Công - Thương - Ngư Xuân Thành, Lễ hội Cầu ngư Xuân Hội, các làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh...

Làng nghề truyền thống[sửa | sửa mã nguồn]

  • Làng nón Tiên Điền: thuộc thị trấn Tiên Điền
  • Làng nước mắm Cương Gián: nay là xã Cương Gián
  • Làng làm nồi đất Cổ Đạm: thuộc xã Cổ Đạm
  • Làng làm mộc: thuộc xã Xuân Phổ.
  • Làng làm trống: thuộc xã Xuân Hội.

Lễ hội truyền thống[sửa | sửa mã nguồn]

  • Hội Mỹ Dương tại xã Xuân Mỹ, vào 17 tháng 12 âm lịch: Lễ cúng thần săn bằng thú rừng.
  • Hội Phan Xá vào 7 - 15 tháng 1 âm lịch: Lễ khai canh.
  • Lễ Tống Trùng tại xã Tiên Điền, vào tháng 2 âm lịch: Cúng ở đình thờ Thành hoàng, cúng trời đất, cầu yên mùa màng.
  • Hội Sĩ Nông Công Thương, tại xã Xuân Thành, vào tháng 5 âm lịch hàng năm.
  • Tục thờ thần và lễ cầu ngư ở làng xã Xuân Hội, vào ngày mồng 3 tháng 2 âm lịch.
  • Hội lễ ở làng Giáo Phường tại Đình Hoa Vân Hải xã Cổ Đạm, vào 11 tháng Chạp hàng năm.
  • Lễ hội Đầm vực vào tháng 6 dương lịch. Đầm Vực ở Xuân Viên nằm dưới chân dãy Hồng Lĩnh, có chiều dài hơn 1 km với diện tích khoảng 30 ha. Đây là khu vực có nhiều loài cá nước ngọt sinh trưởng.

Giáo dục[sửa | sửa mã nguồn]

Danh nhân[sửa | sửa mã nguồn]

Nghi Xuân khi xưa thuộc phủ Đức Quang (gồm cả Hương Sơn, Can Lộc, Đức Thọ, Thanh Chương, Nghi Lộc) được xem là vùng "địa linh nhân kiệt" của xứ Nghệ. Trong thời kì phong kiến, Nghi Xuân có 21 vị đỗ Đại khoa (Tiến sĩ) với những dòng họ nổi tiếng khoa bảng như: Nguyễn Tiên Điền, Ngụy Khắc, Trần, Phan, Uông, Đậu, và các làng giàu truyền thống văn hoá như: Tiên Điền, Uy Viễn, Cương Gián, Cổ Đạm, Tả Ao, Phan Xá.

Những danh nhân, nhà khoa bảng, văn nhân và quan lại nổi tiếng :

Những người nổi tiếng, tiêu biểu hiện nay, xuất thân từ huyện Nghi Xuân:

- Văn hóa, giáo dục, khoa học, chính trị:

- Nghệ sĩ:

- Tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang:

Du lịch[sửa | sửa mã nguồn]

Sông Lam, đoạn qua địa bàn huyện Nghi Xuân

Hình thế đất Nghi Xuân như chiếc mũ cánh chuồn nhìn nghiêng, ba mặt là núi, sông biển. Thế đất tam hợp của núi, sông và biển chung tụ tạo nên một miền quê có nhiều cảnh quan danh thắng và di tích.

Danh thắng[11][sửa | sửa mã nguồn]

Nói tới cảnh đẹp Nghi Xuân, thường người dân nơi đây hay nhắc tới câu "Nghi Xuân bát cảnh'' có từ xưa. Tám cảnh đó là:

Hồng Sơn liệt chướng (Núi Hồng thành dựng)

Đan Nhai quy phàm (Đan Nhai buồm về)

Song Ngư hý thủy (Đảo Song Ngư như đôi cá giỡn nước)

Cô Độc lâm lưu (Núi Cô Độc như con nghé lội rào)

Giang Đình cổ độ (Bến đò cổ Giang Đình)

Quần Mộc bình sa (Bãi cát bằng Quần Mộc)

Uyên Trừng danh tự (Chùa Uyên Trừng cảnh đẹp)

Hoa Phẩm thắng triền (Chợ Hoa Phẩm hàng đầy).

Lý giải cụ thể hơn tám cảnh nói trên, theo thứ tự từ núi đến sông và chảy xuôi ra biển:

Hồng Sơn liệt chướng:

Đây là dãy núi phía nam huyện, là phên dậu che chở cho Nghi Xuân, có 9 xã trong huyện nằm ven chân núi. Hồng Sơn là núi Hồng, là dải Hồng Lĩnh và còn được gọi là Ngàn Hống.

Cái tên Hồng bắt nguồn từ truyền thuyết: Dãy núi xưa có 100 đỉnh, có đỉnh Mồng Gà, đỉnh Đầu Voi, đỉnh Đầu Ngựa... Phải chăng vì thế mà đỉnh Ngọc tưởng mình là cao sang, tách ra khỏi quần thể, đứng một mình trên đất Đức Thuận (thuộc thị xã Hồng Lĩnh). Đàn chim Hồng nghe nơi đây có núi trăm đỉnh, bèn gửi 100 con đến tọa lạc, làm đẹp cho dãy núi, tạo cho thế đất càng linh hơn. Sau khi có 99 con hạ cánh đỗ lên 99 đỉnh, còn 1 con dù biết kia là đỉnh Ngọc, đậu lên đấy có thể sáng chói hơn, mà cũng chỉ cách có nửa dặm. Nhưng vì không muốn xa bầy, bèn bay lượn quanh. Một nông dân xã Mỹ Dương (nay là Xuân Mỹ) nhìn thấy, phần thì thương con chim lẻ loi, phần thì sợ đàn chim bỏ đi, nên ông cùng với một số bạn bè đến sát chân núi đắp một "Cục lịp" (lịp là hình cái nón) cho chim đậu. Cảm thông, con chim thứ 100 sà xuống đậu, nhưng do đắp vội, cục lịp vỡ ra, con chim đành bay lên. Cả đàn bèn cùng cất cánh bay theo. Sau này núi nối tiếc, mang tên Hồng làm kỷ niệm. Cục lịp vẫn còn cùng với dải Hồng Lĩnh thơ mộng, tạo nên nhiều cảnh đẹp. Có nền Trang Vương xa xưa với chùa Hương Tích đẹp và cổ kính, có dãy Ngũ Mã với đền Củi linh thiêng, có lăng mộ Ngọc Trần vợ vua Lê Lợi ở núi Na, có bàn cờ Tiên, có đá Ông, đá Mụ, có đá Nhoi nơi những người có tâm huyết với đất nước ở ẩn, có truông Cồng Khánh con đường mà Đại thi hào Nguyên Du đi tắt vượt Treo Vọt để hát phường vải, có di chỉ văn hóa Phôi Phối...

Hoa Phẩm thắng triền:

Hoa Phẩm là tên chợ nằm trước chân núi Na (trong dải Hồng Lĩnh, thuộc địa phận xã Xuân Lam), chợ nằm gần sông, gần đường cái quan, thông thương nam bắc, là cảnh "Chênh vênh quán lá chen hoa tím, vắt vẻo đường quan hương thoáng bay", chợ lại ở một bên trạm nơi dừng chân của các cuộc kinh lý, cũng gần nhà quản nên sầm uất. Sau này, khi táng bà Lê Nguyên Phi (vợ vua Lê Lợi) ở núi Na, chợ dời đến bãi Chế sát bờ sông, cảnh trên bến dưới thuyền tấp nập, trù phú, nên đã có những câu ngợi ca "chợ Chế một tháng sáu phiên. Một quan mà bán tám tiền cũng đi" (một quan = mười tiền).

Cô Độc lâm lưu:

Từ chợ Củi, xuôi xuống chút nữa ta gặp hòn núi Cô Độc (thuộc nhóm Ngũ Mã trong dải Hồng Lĩnh, địa phận xã Xuân Hồng). Nhìn cả nhóm núi như đàn trâu đang cúi mình và một con nghé đứng riêng. Chuyện kể: Trong lúc cả đàn đang ăn cỏ, một chú nghé non ngẩng đầu nhìn sang bên kia sông, nơi ấy cỏ hình như xanh hơn, mịn màng hơn, êm ả hơn, ngon lành hơn. Chú lặng lẽ tách khỏi đàn định vượt sông, khi hai chân trước vừa bước xuống sông, điều không may đã đến, trời bắt chú hóa đá. Thế là có một ngọn núi đá nằm bên bờ sông, lại có một phần chân núi cắm ra ngoài sông, nước chảy lồng phía dưới, thuyền chạy luồn thú vị biết bao...

Uyên Trừng danh tự:

Từ hòn Cô Độc xuôi dòng rồi rẽ vào hói Dằng (xã Xuân Hồng), trên sườn hữu ngạn là chùa Uyên Trừng, chùa còn có những tên khác nhau như chùa Hoa Tàng, Ba Tằng, tên nôm thường gọi là chùa Dằng. Chùa toạ lạc trong một cảnh quan đẹp trên dải Hồng Lĩnh, ẩn trong rừng cây cổ thụ, ba mặt là núi Hồng, có Am viện, trước chùa là con khe nhỏ, có cầu gỗ mảnh mai bắc qua. Phía trước chùa có vực sâu (chừng 2 cây nứa). Chuyện kể: Có nhiều người nghe được tiếng động lao xao dưới đáy. Cảnh chùa tĩnh mịch, huyền bí trong tiếng chuông ngân, nối với ngoài bằng tiếng chim. Đây là ngôi chùa cổ linh thiêng, nổi tiếng trên đất Nghi Xuân. Theo truyền ngôn, chùa có từ thời nhà Lý, nhưng cũng không rõ xây từ năm nào. Trong chiến tranh chống Mỹ, đây là khu vực bị ném bom rất ác liệt, cả một vùng rộng lớn bị tàn phá.

Ngày nay, di tích chùa Uyên Trừng và những cảnh quan vùng này đã khác hẳn xưa bởi thời gian và chiến tranh làm đảo lộn.

Quần Mộc bình sa:

Từ chùa Uyên Trừng trở ra Sông Lam, xuôi qua Bến Thủy ta trông thấy cồn nổi giữa sông, đó là Quần Mộc (nay thuộc xã Xuân Giang). Xưa Quần Mộc là bãi cát bồi bằng phẳng, viền quanh là rừng bần tươi xanh, trông như đang nổi bồng bềnh giữa sông, cứ chiều đến là hàng ngàn cò trắng về đậu trên rừng bần, trông như những đóa hoa trắng và buổi bình minh đàn chim lại bay kiếm ăn xa, dưới ánh nắng ban mai, cánh chim rực hồng lan tỏa. Ở đây xưa còn là bàn đạp để tấn công sang hai bờ và trở thành bãi chiến trường.

Ngày trước, Quần Mộc có khi còn chọn làm trường thi an toàn, dễ kiểm soát. Thời Tây Sơn ở đây còn đắp thành lũy.

Hiện nay, đây là vùng dân cư, đất đai màu mỡ, cây cối xanh tốt quanh năm. Trong làng có nhà thờ họ Hồ nổi tiếng.

Giang Đình cổ độ:

Quần Mộc đi xuôi chút nữa là bến Giang Đình. Xưa, đây là bến đò ngang nằm ở trung tâm huyện lại sát huyện lỵ, nên được chọn làm nơi gặp mặt trên sồng, về sau là nơi đón khách xa đến huyện (theo đường thủy), rồi là nơi đón các ông nghè vinh quy, mở hội ãn mừng và được rước về quê quán.

Bến Giang Đình đẹp, vì ngoài có rừng bần chắn gió, bến dốc nên sạch, trên bờ là nhũng cây cổ thụ rợp bóng mát; ngay sát là chợ huyện, nên chợ cũng được mang tên Giang Đình. Trên chợ dưới thuyền rất thuận lợi, buôn bán sầm uất. Bến xưa, có lúc là đón người vinh hiển, có lúc lại xôn xao với vành yếm thắm, cũng có lúc đò sang tím lại bởi tiếng tầm tình.

Đan Nhai quy phàm:

Rời bến Giang Đình xuôi ra cửa Sông Lam, trước đây gọi là cửa Đan Nhai còn nay gọi là cửa Hội (cửa Đan Nhai là tên của xã Đan Nhai, cửa Hội là tên của xã Hội Thống, còn nay là xã Xuân Hội).

Ngày trước, khi trời chiều buông xuống, ráng đỏ phủ lên cảnh vật, nhiều cánh buồm no gió lướt như đan nhau về bến cửa, những cánh buồm óng ánh đỏ, mật nước như tím lại, trên nền trời in những bóng hải âu sải cánh... Hơn nữa, cửa Đan Nhai là vùng cát bồi trên chân núi Hồng Lĩnh, sách cũ còn ghi: Cửa Đan Nhai đá chìm lởm chởm, thuyền bè rất khó ra vào cửa sông. Chính vì lẽ ấy, khi thuyền vào cửa lạch không thể chạy theo một đường thắng, mà còn phải căn cứ vào chớn nước để thay đổi đường đi, lúc "bát", lúc "cạy" (sang phải, sang trái) làm cho những cánh buồm no gió dập dờn qua lại khác nào đàn bướm đang vờn hoa, đàn cá đang dỡn nước.

Song Ngư hý thủy:

Đứng trên cửa biển Đan Nhai xưa, nay là đất xã Xuân Hội, nhìn về phương bắc sẽ thấy hòn đảo mang tên Song Ngư (đảo nay thuộc tỉnh Nghệ An quản lý). Đảo như hai con cá lớn đầy đủ thân và đuôi, đang châu đầu vào nhau như đùa giỡn trên biển. Nhất là những hôm sóng to, vỗ vào thân núi trắng xóa như hai con cá đang lội. Còn đứng trong làng nhìn ra, bị cây che lấp phía dưới, phía thân núi còn lại như thân hai con trâu, lưng oằn xuống, như đang gục đầu vào nhau thử sức.

Trong tám cảnh này, có những cảnh "Thiên phú" như Hồng Sơn liệt chướng, Song Ngư hý thủy sẽ trường tồn với thời gian. Có những cảnh thiên nhiên và con người cùng tác động đến như: Cô Độc lâm lưu, Quần Mộc bình sa. Có những cảnh do con người tác động đến mới có như: Hoa Phẩm thắng triền, Uyên Trừng danh tự, Giang Đình cổ độ, Đan Nhai quy phàm.

Nghỉ dưỡng[sửa | sửa mã nguồn]

Khu du lịch biển Xuân Thành:[12]

Là bãi biển thuộc địa phận thôn Đông Hội xưa, ngày nay là Khu du lịch sinh thái Xuân Thành, ở xã Xuân Thành. Bãi biển Xuân Thành trải dài hơn 5 km vớỉ độ dốc thoai thoải, cát trắng mịn màng, nước biển ở đây có độ mặn vừa phải, trong, xanh và sạch. Bãi biển Xuân Thành còn giữ được vẻ nguyên sơ, kỳ bí, thơ mộng của núi, rừng và biển.

Điều tạo ra sự khác biệt cho bãi biển Xuân Thành chính là song song với biển là một dòng sông nước ngọt từ núi Hồng Lĩnh chảy qua các xã Xuân Giang, Tiên Điền, Xuân Mỹ, Xuân Yên tạo thành đầm Công Chúa. Từ đầm Công Chúa chảy về hướng thôn Hải Phòng, thuộc xã Xuân Hải rồi chuyển sang hướng nam đổ ra cửa lạch Đào ở bãi tắm ngày nay. Dòng nước ngọt chảy quanh co, uốn lượn theo chiều dài của biển, với những rặng dừa ngày đêm soi bóng. Lạch Đào không sâu nhưng nước không bao giờ cạn. Hai bên bờ lạch là thảm thực vật xanh tốt. Ngày nay, đoạn dòng chảy ở của lạch Đào được các chủ cơ sở kinh doanh du lịch bắc cầu cong nối liền đôi bờ dòng chảy. Đứng trên cầu bắc ngang qua sông, du khách sẽ được ngắm nhìn cảnh sắc bao la của biển cả. Khu du lịch biển Xuân Thành có thể xem là một cảnh biển mới hấp dẫn của đất Nghi Xuân.

Sau gần 20 năm đưa vào khai thác, đến nay Khu du lịch biển Xuân Thành đã có hơn 150 đơn vị, cá nhân đầu tư hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ, nhiều nhà hàng và các cơ sở lưu trú với hơn 500 phòng nghỉ, trong đó có 9 cơ sở được thẩm định xếp hạng. Hiện tại, ở đây đã có cơ sở nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn 5* là Khách sạn Mường Thanh.

Di tích[sửa | sửa mã nguồn]

Nghi Xuân có trên 200 di tích văn hóa - lịch sử, trong đó có 83 di tích đã được cấp bằng di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia, gồm 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 8 di tích cấp quốc gia và 74 di tích cấp tỉnh. Sau đây là một số di tích nổi bật:

  • Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du tại thị trấn Tiên Điền: được hình thành, phát triển trên cơ sở các di tích của dòng họ Nguyễn Tiên Điền, một thế tộc lừng danh. Đây là Di tích quốc gia đặc biệt (2012).
  • Nhà thờ và mộ Nguyễn Công Trứ: Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia (1991)
  • Đền Chợ Củi tại xã Xuân Hồng: Di tích kiến trúc nghệ thuật tôn giáo thế kỉ 17, thờ Đức ông Hoàng Mười, Liễu Hạnh công chúa, là Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia (1993)
  • Đình Hội Thống tại xã Xuân Hội: Kiến trúc nghệ thuật thế kỉ 17, Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia (1995).
  • Nhà thờ và mộ Anh hùng Chí sỹ yêu nước Trịnh Khắc Lập tại xã Xuân Thành: Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia (1998).
  • Đình Hoa Vân Hải tại làng Vân Hải, xã Cổ Đạm: Di tích cách mạng giai đoạn 1930-1931, là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia (2001).
  • Đền thờ Nguyễn Xí tại xã Cổ Đạm: Di tích lịch sử cấp quốc gia (2008)
  • Di tích khảo cổ Phôi Phối - Bãi Cọ thuộc xã Xuân Viên: Di tích khảo cổ cấp quốc gia (2014).
  • Nhà thờ Nguyễn Bật Lãng tại xã Xuân Liên: Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia (2019).
  • Nhà thờ Thiếu bảo Liêu Quận công Đặng Sĩ Vinh: được xây dựng từ năm 1770 thời Vua Lê Hiển Tông, là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh (2003).
  • Đền Thánh Mẫu ở xã Xuân Lam: Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh (2005).
  • Nhà thờ và lăng mộ Bảng nhãn Trần Bảo Tín ở Thị trấn Xuân An: Di tích văn hóa cấp tỉnh (2008).
  • Đền thờ Hoàng giáp Nguyễn Ngọc Huấn ở xã Xuân Yên: di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh (2008).
  • Đền Nhà Bà xã Cổ Đạm: Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh (2008).
  • Đền làng Cam Lâm ở xã Xuân Liên: Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh (2008).
  • Nhà thờ Hoàng giáp Phan Chính Nghị tại thôn Vinh Mỹ xã Xuân Mỹ. Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh (2006).
  • Đền Thượng tại thôn An Tiên, xã Xuân Giang thờ ba vị đại vương triều Lý gồm Uy Minh vương Lý Nhật Quang, Đông Chinh vương và Dực Thánh vương, là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh (2011).
  • Đền Thánh Mẫu ở xã Xuân Yên: 2011: Di tích văn hóa cấp tỉnh (2011).
  • Đền thượng ở xã Cổ Đạm thờ thái úy Tô Hiến Thành: Di tích Lịch sử văn hóa cấp tỉnh (2015).
  • Đền Am và Đền Bến ở xã Xuân Liên: Di tích Lịch sử văn hóa cấp tỉnh (2016).
  • Nhà thờ và Mộ Đậu Vĩnh Tường ở xã Xuân Viên: Di tích Lịch sử văn hóa cấp tỉnh (2016).
  • Đền Huyện Nghi Xuân. Nơi đây thờ Hoàng tử triều Lý là Uy Minh vương Lý Nhật Quang. Đền thờ được xây dựng lâu đời và nổi tiếng linh thiêng. Đền Huyện, được phục dựng trên nền móng cũ vào năm 2011, gồm có các hạng mục tam quan, hạ điện, trung điện, thượng điện, giải văn, giải vũ, hồ nước và các hạng mục khác. Đền Huyện được công nhận, xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh (2019).
  • Đền Đông Hải Đại Vương và Nhà thờ Phan Thái ở xã Cương Gián: Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh (2020).
  • Đền thờ Đức Thánh Trần ở xã Cổ Đạm thờ Trần Hưng Đạo. Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh (2021).
  • Đền Cả (Miệu) ở xã Xuân Hội: lưu giữ 46 sắc cổ có niên đại từ Cảnh Hưng năm thứ 44 (1783) đến Khải Định năm thứ 9 (1924). Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh (2008).
  • Chùa Trậu (Chùa Đà Liễu) ở xã Xuân Mỹ. Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh (2008).
  • Trúc Lâm đại giác - Việt Nam Trần triều điện tọa lạc trên khu đắc địa rộng 5000 m2 tại làng Kiều Lĩnh, xã Xuân Phổ, có kiến trúc đặc biệt độc đáo, vừa hiện đại vừa cổ kính. Ba tòa nhà chính là 3 cung điện thờ, được xây dựng 2 tầng, tầng một bằng bê tông cốt thép, tầng 2 bằng gỗ quý nhập khẩu từ nước CHDCND Lào, thờ các vị vua nhà Trần.

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b “Kết quả toàn bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019”. Tổng cục Thống kê. 17 tháng 10 năm 2020. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2021.
  2. ^ “Đơn vị hành chính”. danhmuchanhchinh.gso.gov.vn.
  3. ^ “Quyết định233-BT sáp nhập xóm Hội Phú xã Xuân Hội và xã Xuân Trường huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh”. thuvienphapluat.vn. Truy cập 21 Tháng sáu 2023.
  4. ^ “Quyết định 619-VP18 thành lập xã và điều chỉnh địa giới xã thuộc tỉnh Nghệ Tĩnh”. thuvienphapluat.vn. Truy cập 21 Tháng sáu 2023.
  5. ^ “Nghị quyết số 819/NQ-UBTVQH14 năm 2019 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Hà Tĩnh”.
  6. ^ “Công bố quyết định phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú; công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư đợt năm 2006”.
  7. ^ “Bà Hà Thị Mỹ Dung là nữ Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước đầu tiên”. VOV.VN. 25 tháng 6, 2021.
  8. ^ “Bổ nhiệm Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân”. Báo Nhân Dân điện tử. 3 tháng 7, 2021.
  9. ^ “PGS.TS.BS Đậu Xuân Cảnh: Việt Nam và giấc mơ cường quốc về dược liệu”. Báo Pháp luật Việt Nam. Truy cập 18 tháng 9 năm 2023.
  10. ^ “Bộ Y tế bổ nhiệm Tổng Biên tập Báo Sức khỏe và Đời sống - Hoạt động của lãnh đạo bộ - Cổng thông tin Bộ Y tế”. moh.gov.vn. Truy cập ngày 29 tháng 5 năm 2023.
  11. ^ Nhiều tác giả (2005). Nghi Xuân - Di tích và danh thắng. Ủy ban nhân dân huyện Nghi Xuân. tr. 25–34.
  12. ^ Ủy ban nhân dân huyện Nghi Xuân (2019). Địa chí huyện Nghi Xuân. Nhà xuất bản Đại học Vinh. tr. 428–430. ISBN 978-604-923-479-8.

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]