Nguyễn Văn Cường (cầu thủ bóng đá)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Nguyễn Văn Cường
Thông tin cá nhân
Ngày sinh 14 tháng 6, 1966 (57 tuổi)
Nơi sinh    Hải Phòng, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Chiều cao 1,74m
Vị trí Thủ môn
CLB trẻ
1984-1987 Công nhân Nghĩa Bình
CLB chuyên nghiệp1
Năm CLB Trận (Bàn)*
1987-2008 Công nhân Nghĩa Bình
Bình Định
   
Đội tuyển quốc gia
1995-1996 Việt Nam
Sự nghiệp HLV
2001-2012 Bình Định

1 Chỉ tính số trận và số bàn thắng
được ghi ở giải Vô địch quốc gia.
* Số trận khoác áo (Số bàn thắng)

Nguyễn Văn Cường (sinh 1966 tại Hải Phòng) là một cựu tuyển thủ quốc gia bộ môn bóng đá của Việt Nam. Thi đấu cho đội tuyển Việt Nam với vị trí thủ môn chỉ trong thời gian rất ngắn, nhưng ông được xem là một trong cầu thủ góp phần quan trọng trong sự trở lại của bóng đá Việt Nam trên đấu trường quốc tế sau năm 1975. Ông là một trong 3 cầu thủ nhận giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam đầu tiên vào năm 1995.

Sự nghiệp một đời[sửa | sửa mã nguồn]

Sinh ngày 14 tháng 6 năm 1966[1] tại Hải Phòng, nhưng cả sự nghiệp bóng đá một đời của ông gắn bó với đất Bình Định[2]. Sớm biểu lộ niềm đam mê bóng đá từ nhỏ, ngay từ thời còn học Trung học tại trường Trưng Vương (Quy Nhơn), ông thường xuyên nổi bật trong các giải đấu phong trào với vai trò thủ môn và tiền đạo. Đặc biệt, với vóc dáng to khỏe và khả năng bay người bắt bóng tốt, ông được các bạn thi đấu đặt cho biệt danh Cường xà lan.

Sau khi tốt nghiệp 12, do gia đình nghèo nên không đủ điều kiện đi đại học, ông phải mưu sinh bằng nghề đạp xích lô. Tuy nhiên, ông vẫn không từ bỏ niềm đam mê bóng đá, mỗi chiều đều ra bãi biển để tập luyện. Nhờ sự kiên trì, nên chỉ sau một thời gian ngắn, ông được gọi tham gia đội bóng phong trào của ngành công an rồi chuyển qua thi đấu cho đội tuyển trẻ Công nhân Nghĩa Bình. Tại đây, ông thi đấu và học hỏi rất nhiều từ thủ thành lừng danh của đội tuyển quốc gia bấy giờ là Dương Ngọc Hùng. Ông nhanh chóng trở thành thủ môn dự bị cho Dương Ngọc Hùng tại đội Công nhân Nghĩa Bình, thậm chí thay thế cho ông Hùng trong đội hình chính một thời gian khi ông Hùng gặp chấn thương.

Năm 1987, ông trở thành thủ môn chính thức của đội Công nhân Nghĩa Bình sau khi ông Dương Ngọc Hùng giải nghệ[3]. Năm 1990, đội bóng Công nhân Nghĩa Bình bị giải thể, ông cùng 4 đồng đội khác được bổ sung vào Đội bóng đá Bình Định. Từ đó, ông gắn bó hẳn với đội bóng này trong suốt sự nghiệp cầu thủ của mình.

Do những đóng góp quan trọng của ông đối với Đội bóng đá Bình Định, đã làm cho Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam Karl Heiz Weigang chú ý. Năm 1995, ông được gọi vào đội tuyển và tham gia thi đấu tại cúp Độc Lập. Tại SEA Games 18 tại Chiang Mai (Thái Lan), ông được Huấn luyện viên trưởng Weigang giao vị trí thủ môn chính thức. Mặc dù phải thi đấu trong tình trạng tồi tệ với nhiều chấn thương, ông vẫn thi đấu xuất thần trong 2 trận đấu quyết định gặp Indonesia (thắng 1-0), và Myanmar (thắng 2-1), cứu nguy được nhiều bàn thua trông thấy, góp phần rất lớn đưa đội tuyển Việt Nam vào chung kết và giành huy chương bạc. Với thành tích này, ông được giới báo chí thể thao Việt Nam bình chọn trao tặng danh hiệu Quả bóng Bạc và Vận động viên tiêu biểu năm 1995.

Tại Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á 1996, ông thi đấu tốt, bắt chính 5/6 trận, góp công lớp giúp Việt Nam giành huy chương đồng. Tuy nhiên, sau giải đấu này, phong độ của ông đột ngột sút giảm. Ông mất vị trí chính thức tại đội tuyển quốc gia về tay Nguyễn Văn Phụng và tại câu lạc bộ về tay Trần Minh Quang. Từng là người hùng của bóng đá Việt Nam, nhưng do cuộc sống khó khăn, ông phải kiếm sống qua ngày với công việc giữ xe ở chợ Quân Trấn (Quy Nhơn)[4]. Mặc dù vậy, ông vẫn tham gia luyện tập và thi đấu. Tuy trong những mùa giải sau đó phục hồi dần phong độ và thi đấu tốt, nhưng do lớn tuổi, ông ít được đưa vào sân thi đấu.

Đến mùa bóng 2001-2002, Câu lạc bộ bóng đá Bình Định được lên hạng chuyên nghiệp. Ông được cử làm Trợ lý Huấn luyện viên đội hình 2 của Câu lạc bộ, kiêm luôn cả vai thủ môn chính thức và tiền đạo dự bị. Tại giải Cúp Quốc gia 2003, ông được tham gia thi đấu và cùng đồng đội giành được cúp Quốc gia sau chiến thắng 2-1 trước đội Ngân hàng Đông Á.

Trong những mùa giải tiếp theo, thỉnh thoảng trong danh sách thi đấu của Câu lạc bộ bóng đá Bình Định vẫn đăng ký tên Nguyễn Văn Cường, dù công việc chính của ông là Huấn luyện viên thủ môn. Sự gắn bó lâu dài với Câu lạc bộ, dẫn đến một kỷ lục trớ trêu cho ông: Cầu thủ già nhất V-League. Đỉnh điểm là tại mùa giải 2008, sau khi Câu lạc bộ thanh lý hợp đồng với thủ môn Trần Minh Quang, ông phải trở lại thi đấu ở tuổi 42[5].

Tại mùa giải 2012, ông bị sa thải khỏi đội bóng mà ông đã gắn bó suốt sự nghiệp bóng đá của mình dù mùa giải vẫn chưa kết thúc[6].

Hiện tại, ông là huấn luyện viên đội tuyển U-17 của Trường Năng khiếu Thể dục thể thao Bình Định, đồng thời là đồng sáng lập Câu lạc bộ Đào tạo thủ môn Hùng Cường (ghép từ tên ông và người thầy của mình là cựu tuyển thủ Dương Ngọc Hùng, cũng là người sáng lập).[7]

Thành tích[sửa | sửa mã nguồn]

Cá nhân
Đội tuyển quốc gia
Cúp Quốc gia

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Đội bóng đá tuổi ngựa đang thi đấu ở Việt Nam
  2. ^ “Trận đấu chia tay "thế hệ vàng" và sự tôn vinh "thủ môn" Bình Định”. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 8 tháng 10 năm 2012.
  3. ^ Ông Hùng sau đó giữ vị trí huấn luyện thủ môn ở Nghĩa Bình.
  4. ^ “Nguyễn Văn Cường - cầu thủ già nhất V-League”. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 4 năm 2013. Truy cập ngày 5 tháng 10 năm 2012.
  5. ^ Lão tướng Nguyễn Văn Cường xỏ găng lại ở tuổi... 42[liên kết hỏng]
  6. ^ SQC Bình Định thay ban huấn luyện
  7. ^ “Bỏ tiền túi xây "lò" thủ môn”. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 10 năm 2012. Truy cập ngày 25 tháng 10 năm 2012.
  8. ^ Minh Hùng. “Lịch sử Quả bóng vàng Việt Nam – Những điều chưa biết”. Sài Gòn Giải Phóng. Truy cập 8 tháng 10 năm 2012. Đã bỏ qua văn bản “ngày 16 tháng 3 năm 2007” (trợ giúp); Chú thích có tham số trống không rõ: |1= (trợ giúp); Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |accessdate= (trợ giúp)

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]