Nguyễn Văn Trấn

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Nguyễn Văn Trấn (1914 - 1998) còn gọi Bảy Trấn, là một nhà báo, nhà văn, nhà hoạt động cách mạng chống Pháp, Chính ủy Bộ Tư lệnh Khu 9 và giảng viên trường Nguyễn Ái Quốc.

Tiểu sử[sửa | sửa mã nguồn]

Nguyễn Văn Trấn sinh ngày 21 tháng 3 năm 1914 tại Chợ Đệm, huyện Bình Chánh, tỉnh Long An (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh) trong một gia đình địa chủ khá giả.

Năm 1927, ông lên Sài Gòn học trường Pétrus Ký. Năm 1930, ông đậu Tú tài phần nhất. Chịu nhiều ảnh hưởng tư tưởng của Phan Chu TrinhNguyễn An Ninh, ông bỏ học và bắt đầu hoạt động cách mạng chống Pháp, sau ông đó gia nhập đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 1938, ông sáng lập tờ Le Peuple (Dân chúng).

Ngày 25 tháng 8 năm 1945, ông tham gia lãnh đạo cuộc cách mạng cướp chính quyền ở Sài Gòn. Do có những hành động quyết liệt với các phần tử đối kháng, ông bị gọi là hung thần Chợ Đệm[1]. Có giả thuyết cho rằng Nguyễn văn Trấn là một trong ba người đã thực hiện việc giết Tạ Thu Thâu, hai người kia là Kiều Đắc Thắng [2] và Nguyễn Văn Tây [3].

Trong thời kỳ 9 năm kháng chiến (1946-1954), ông làm tới chức Chính ủy Bộ Tư lệnh Khu 9.

Năm 1951 ông tham gia Đại hội II Đảng Cộng sản Đông Dương, sau trở thành giảng viên trường Nguyễn Ái Quốc, rồi Vụ Phó Ban Tuyên huấn Trung ương.

Năm 1964, ông được bầu làm ủy viên Ủy ban Thống nhất trong kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa III, ngày 03 tháng 7 năm 1964.[4]

Sau khi về hưu, Nguyễn Văn Trấn cộng tác với nhiều tờ báo tại Việt Nam, như tờ Tuổi Trẻ cười, với bút hiệu Hai Cù Nèo và viết nhiều sách khảo cứu, tự thuật.

Trong những năm cuối đời, ông tỏ vẻ lo ngại về vai trò của Đảng Cộng sản. Ông từng tham gia Câu lạc bộ Những Người Kháng chiến cũ và ký vào bản kiến nghị 100 người năm 1988 kêu gọi thay đổi cách thức bầu cử. Theo tờ Asia Times Online, ông đã cho rằng Đảng đang xâm phạm quyền hạn của nhà nước và đã kêu gọi tạo luật lệ cho Đảng phải theo.[5] Năm 1995, ông viết tập "Viết Cho Mẹ Và Quốc hội" và xuất bản với tư cách cá nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh trong đó ông nhấn mạnh quyền tự do báo chí là nhân quyền cơ sở nhất.[6] Tác phẩm này bị nhà cầm quyền cấm lưu hành một tuần sau khi xuất bản[7].

Năm 1997, ông là một trong 45 nhà văn được Tổ chức Theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch) trao giải Hellman/Hammett dành cho các nhà văn bị đàn áp chính trị.[8]

Ngày 1 tháng 5 năm 1998, ông qua đời tại Thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 85 tuổi.

Các tác phẩm chính[sửa | sửa mã nguồn]

  • Chúng Tôi Làm Báo (1977)
  • Chợ Đệm Quê Tôi (1985)[9]
  • Chuyện Trong Vườn Lý (1988)
  • Logich Vui (Nhà xuất bản Sự Thật 1992)
  • Trương Vĩnh Ký, Con người và Sự Thật (1994)[10]
  • Viết Cho Mẹ Và Quốc hội[6]

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Bảng Tường Trình Về Buổi Nói Chuyện Về Nhân quyền Và Tự Do Tôn Giáo Cho Việt Nam Của Hòa Thượng Thích Giác Lượng:[liên kết hỏng]
  2. ^ Theo Người Bình XuyênNGUYỄN BÌNH, Huyền Thoại và Sự Thật của Nguyên Hùng: Kiều Đắc Thắng là công nhân quê miền Trung, trước năm 1945 vô Sài Gòn sinh sống đủ nghề từ phu đồn điền, khuân vác, thợ hớt tóc. Bản chất Kiều Đắc Thắng giống như tên: háo thắng. Không rõ nguyên nhân gì mà Kiều Đắc Thắng bị Tây bắt đày ra khám Vũng Tàu (có tài liệu nói là ăn cướp). Nhờ Năm Bé là một tay anh chị Xóm Chiếu giúp đỡ, Kiều Đắc Thắng vượt ngục về Lái Thiêu.Khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, Kiều Đắc Thắng tự xưng là chỉ huy trưởng Trung đoàn kháng chiến miền Đông đóng quân ở Bưng Cầu (tài liệu khác nói Thắng tự xưng tư lệnh miền Đông). Ai Kiều Đắc Thắng cũng cho là Việt gian, nhà máy nào cũng xung công. Ai chống lại thì giết. Danh sách nạn nhân của Kiều Đắc Thắng dài sọc, trong đó có nhà cách mạng Phan Văn Hùm. Các hành động quân phiệt của Kiều Đắc Thắng chấm dứt khi đặc phái viên Trung ương Nguyễn Bình vào Nam thống nhất lại các tổ chức vũ trang.
  3. ^ Tìm hiểu cái chết của Tạ Thu Thâu [liên kết hỏng]
  4. ^ “Danh sách các vị lãnh đạo nhà nước và các vị phụ trách các cơ quan cao cấp...”. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 4 năm 2008. Truy cập ngày 23 tháng 4 năm 2008.
  5. ^ Tran Dinh Thanh Lam (2 tháng 5 năm 2007). “Vietnam's leaders sidestep the 'c' word”. Asia Times Online. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 10 năm 2007. Truy cập ngày 16 tháng 5 năm 2008.
  6. ^ a b Vo Van Ai (2000). Michael Jacobsen và Ole Bruun (biên soạn) (biên tập). Human Rights and Asian Values: Contesting National Identities and Cultural Representation in Asia. Routledge. tr. 99. ISBN 0700712127.
  7. ^ Jacobsen và Bruun, tr. 110
  8. ^ Human Rights Watch. “Congressional Casework”. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 5 năm 2008. Truy cập ngày 16 tháng 5 năm 2008.
  9. ^ Chợ Đệm quê tôi/ Nguyễn Văn Trấn.- Tp. Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản. Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 1985.- 510tr; 19cm
  10. ^ Trương Vĩnh Ký con người và sự thật. Biên khảo của Nguyễn Văn Trấn - Thành phố Hồ Chí Minh: Ban khoa học xã hội thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, 1993 - 274trang; 19cm.