Người Kinh Tam Đảo (Quảng Tây)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Người Kinh Tam Đảo (chữ Nôm: 𠊛京三島) hay Kinh tộc Tam đảo (chữ Hán phồn thể: 京族三島, bính âm: Jīngzú Sàndăo) là tên gọi đặc trưng được dùng để chỉ cộng đồng thiểu số người Việt (còn gọi là người Kinh) di cư theo đường biển từ miền duyên hải của Việt Nam vào đầu thế kỷ 16 đến định cư trên ba hòn đảo (tam đảo) nhỏ là Vạn Vĩ (Wanwei), Vu Đầu (Wutou) và Sơn Tâm (Shanxin) lúc đầu vốn là hoang đảo (ba hòn đảo này trước đây thuộc Việt Nam, sau Công ước Pháp – Thanh 1887 thì được nhượng cho Trung Quốc), ngày nay là ba thôn thuộc địa phận thị trấn Giang Bình, huyện cấp thị Đông Hưng, địa cấp thị Phòng Thành Cảng của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc (cách cửa khẩu Móng Cái của Việt Nam chừng 25 km). Họ được coi là cộng đồng người Kinh chủ yếu và còn mang nhiều bản sắc văn hóa Việt Nam nhất tại Trung Quốc với tư cách là một trong 56 dân tộc của đất nước này (không bao gồm cộng đồng người Việt mang quốc tịch Việt Nam hiện đang học tập và làm việc tại Trung Quốc). Tại Quảng Tây nói riêng và Trung Quốc nói chung, tên gọi "Kinh tộc Tam Đảo" (chữ Hán giản thể: 京族三岛, bính âm: Jīngzú Sàndăo), có nghĩa là "Ba hòn đảo của người Kinh", hiện vẫn được dùng tương đối phổ biến để chỉ cộng đồng người Kinh này cũng như để chỉ địa bàn sinh sống tập trung của họ tại ba hòn đảo nói trên (nay đã trở thành bán đảo do phù sa bồi lấp và nhờ chính quyền cùng nhân dân địa phương đã đắp đê, làm đường nối các đảo với đất liền). Với lịch sử định cư trải qua hơn 500 năm, hầu hết cư dân người Kinh ở khu vực Tam Đảo (Vạn Vĩ, Vu Đầu và Sơn Tâm) cũng như một vài nơi khác ở Quảng Tây (chủ yếu tập trung tại Đông Hưng) đều có chung nguồn gốc là người Đồ Sơn (Hải Phòng, Việt Nam), còn lại số ít người Kinh trong đó có nguồn gốc từ một vài địa phương ven biển của Việt Nam di cư đến. Theo điều tra dân số tại Trung Quốc vào năm 2000, dân số người Kinh riêng tại khu vực nói trên là khoảng hơn 18.000 người trong tổng số trên dưới 22.000 người dân tộc Kinh trên toàn lãnh thổ Trung Quốc[1], một con số được coi là rất khiêm tốn nếu so với nhiều dân tộc khác đang cùng sinh sống trên đất nước đông dân nhất thế giới này.

Nguồn gốc[sửa | sửa mã nguồn]

Theo tài liệu bằng chữ Nôm mà người Kinh còn lưu giữ trong một ngôi đình của họ, tổ tiên của Việt tộc tam đảo đã từ vùng Đồ Sơn (ngày nay thuộc Hải Phòng, Việt Nam) đến vùng đất tam đảo này vào năm Hồng Thuận thứ ba (Hồng Thuận tam niên) thời nhà Lê sơ (1511) với khoảng hơn 100 người trong số 12 dòng họ khác nhau bao gồm: Tô, Đỗ, Nguyễn, Hoàng, Vũ, Bùi, Cao, Ngô, La, Cung, Khổng và Lương[2]. Thuở ban đầu, họ tụ cư trên ba hòn đảo nhỏ rồi sau thành ba làng tên là Vạn Vĩ, Vu Đầu và Sơn Tâm thuộc huyện Giang Bình của thành phố cấp huyện Đông Hưng, Phòng Thành Cảng ngày nay nên người ta quen gọi là Kinh tộc Tam đảo.

Dòng họ Tô[sửa | sửa mã nguồn]

Dòng họ Tô là một dòng họ lớn và được xem là có ảnh hưởng nhất trong cộng đồng các dòng họ người dân tộc Kinh tại Quảng Tây nói riêng và Trung Quốc nói chung. Họ Tô là một trong 12 dòng họ người Kinh hay còn gọi là người Việt gốc Đồ Sơn (Hải Phòng, Việt Nam) di cư theo đường biển vào đầu thế kỷ 16 đến định cư tại khu vực Tam Đảo (ba hòn đảo) gồm Vạn Vĩ (Wanwei), Vu Đầu (Wutou) và Sơn Tâm (Shanxin)[2] ngày nay là ba thôn thuộc địa phận thị trấn Giang Bình, huyện cấp thị Đông Hưng, địa cấp thị Phòng Thành Cảng của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc (cách cửa khẩu Móng Cái của Việt Nam khoảng 25 km). Địa bàn cư trú tập trung của dòng họ Tô là ở thôn Vạn Vĩ (Wanwei), vốn là một trong ba hòn đảo hoang được người Kinh đến khai phá từ những ngày đầu[3]. Nhiều người trong họ Tô đã có công nghiên cứu, bảo tồn và quảng bá các giá trị đặc sắc của văn hóa truyền thống của người Kinh đồng thời cũng là cội nguồn của văn hóa Việt Nam[2] đến nhiều nơi trên đất nước Trung Quốc rộng lớn dù cho dân số của người Kinh tại Trung Quốc là rất khiêm tốn nếu so với nhiều cộng đồng dân tộc khác của đất nước này[4]. Hiện dòng họ Tô cũng như một số dòng họ người Kinh khác không chỉ tập trung sinh sống tại khu vực Tam Đảo (Vạn Vĩ, Vu Đầu và Sơn Tâm) mà đã phân tán ra nhiều địa bàn khác quanh khu Phòng Thành Cảng của tỉnh Quảng Tây.

Một số cá nhân tiêu biểu
  • Tô Quang Thanh, tướng dưới triều vua Quang Tự nhà Thanh, đã có công tổ chức đồng bào Kinh tộc đánh lại quân Tây xâm lấn biên cương hồi thế kỷ 19, được thờ tại đình làng Vạn Vĩ.[5]
  • Tô Duy Phương (Su Weifang), nguyên Phó Giám đốc Cục Công an thành phố (địa cấp thị) Phòng Thành Cảng của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc đồng thời là một nhà sưu tầm và nghiên cứu văn hóa người Kinh có uy tín ở Quảng Tây.[2][5][6][7]
  • Tô Minh Phương, đại biểu Quốc hội dân tộc Kinh của Quốc hội Trung Quốc khóa 11 đồng thời là Bí thư chi bộ thôn Vạn Vĩ.[2][8]
  • Tô Hải Trân, người gốc Vạn Vĩ, nhà nghiên cứu về nhạc cụ đàn bầu (độc huyền cầm hay duxianqin) của người Kinh tại Trung Quốc, đã biên tập và phát hành tập nhạc chuyên về đàn bầu hàng đầu tại Trung Quốc mang tên là Hải vận ma ảnh.[9]

Đời sống văn hóa[sửa | sửa mã nguồn]

Ngôn ngữ[sửa | sửa mã nguồn]

Người Kinh tam đảo vốn nói tiếng Kinh và sử dụng phổ biến chữ Nôm, nhưng từ lâu họ cũng nói tiếng Quan thoại và sử dụng chữ Hán. Tuy nhiên, về ngữ pháp, người Kinh không nói ngược như dân Hán mà vẫn nói xuôi theo lối giao tiếp của người Việt.

Phong tục tập quán[sửa | sửa mã nguồn]

Y phục của người Kinh đơn giản và thực tế. Phụ nữ ăn mặc theo cổ truyền với những chiếc áo ngắn, không cổ, chẽn bó vào thân mình, cài nút phía trước, mặc những tấm quần rộng nhuộm đen hay nâu. Khi ra ngoài, phụ nữ thường mặc thêm áo dài tay chật nhuộm màu sắc nhạt hơn. Họ thích đeo khuyên tai, tóc rẽ ngôi ở giữa dùng vải đen hay khăn đen bọc lấy và vấn xung quanh đầu. Dân quê còn đi chân đất. Còn đàn ông thì thường mặc áo cộc để làm việc, cổ quấn khăn, nhưng khi có hội hè thì họ mặc những áo dài chùng tới gối, hai vạt trước sau đối nhau và có giải quấn ở eo lưng.

Ngày nay, người Kinh ăn mặc giống như người Hán láng giềng, mặc dù còn một số người già còn giữ lối ăn mặc theo cổ tục và một thiểu số phụ nữ trẻ còn vấn tóc và nhuộm răng đen vì vẫn còn tục ăn trầu, còn đàn ông thì ăn mặc thực tế theo hiện đại như những dân lân cận khác.

Ẩm thực[sửa | sửa mã nguồn]

Về ẩm thực, người Kinh ở Tam Đảo ăn cơm là chính, ngoài ra còn ăn khoai, sắn, khoai sọ, thích ăn các loài hải sản như cá, tôm, cua. Đặc biệt, họ làm nước mắm từ cá biển để chấm và nêm thức ăn như người Việt ở Việt Nam. Những món ăn ưa thích của họ là bánh đa làm bằng bột gạo có rắc vừng nướng trên than hồng mà sách Trung Quốc gọi là phong xuy hỉ (bánh phồng do gió thổi) và bún riêu, bún ốc sách chữ Hán ghi là hỉ ty tức là sợi bún nấu với canh cuaốc.

Tín ngưỡng, tôn giáo[sửa | sửa mã nguồn]

Tôn giáo chủ yếu là Phật giáo đại thừa và Đạo giáo. Ngoài ra họ còn duy trì tục cúng thần linh và tổ tiên.

Sinh hoạt văn hóa[sửa | sửa mã nguồn]

Họ ưa thích lối hát đối đáp giao duyên (antiphonal songs) nghe du dương và trữ tình, kiểu như hát Quan họ ở miền Bắc Việt Nam bây giờ. Lối hát đúm hát đối này thường được tổ chức vào ngày Tết, ngày Hội. Nhạc cụ cổ truyền của người Kinh gồm có đàn nhị, sáo trúc, trống, cồng và đàn bầu là một nhạc khí chỉ riêng Kinh tộc có mà thôi. Họ có một kho tàng văn học dân gian truyền khẩu phong phú với ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích... Những điệu múa ưa chuộng của người Kinh là múa đèn, múa gậy sặc sỡ nhiều màu, múa rồng và múa y phục thêu thùa.

Đời sống kinh tế[sửa | sửa mã nguồn]

Người Kinh tại khu vực Tam đảo hoạt động chủ yếu trong các ngành như ngư nghiệp (đánh bắt, nuôi trồng hải sản), nông nghiệp. Ngoài ra, một bộ phận dân cư hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ.

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ “Truyện Kiều dân gian hoá ở một tộc người Kinh”. Truy cập 23 tháng 9 năm 2015.
  2. ^ a b c d e Làng Việt cổ 500 năm ở Trung Quốc
  3. ^ http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/van-hoa-viet-nam/van-hoa-ung-xu-voi-moi-truong-xa-hoi/726-nguyen-thi-phuong-cham-van-hoa-truyen-thong-cua-nguoi-kinh-o-van-vi.html
  4. ^ Theo điều tra dân số tại Trung Quốc vào năm 2000, dân số người Kinh riêng tại khu vực Tam Đảo (Vạn Vĩ, Vu Đầu và Sơn Tâm) là khoảng hơn 18.000 người trong tổng số trên dưới 22.000 người dân tộc Kinh trên toàn lãnh thổ Trung Quốc [1]
  5. ^ a b Người chép sử Việt trên đất Trung Hoa[liên kết hỏng]
  6. ^ “Bản sao đã lưu trữ”. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 6 năm 2013. Truy cập ngày 29 tháng 4 năm 2012.
  7. ^ “Chữ Nôm thần kỳ cổ xưa của dân tộc Kinh”. Truy cập 23 tháng 9 năm 2015.
  8. ^ http://vietnamese.cri.cn/561/2010/03/08/1s137675.htm
  9. ^ “Sunjin. Đàn bầu của người Kinh ở Trung Quốc - Văn hóa học”. Truy cập 23 tháng 9 năm 2015.

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

Video về người Kinh Trung Quốc[sửa | sửa mã nguồn]