Pháp Nhãn tông

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Khai tổ Pháp Nhãn Văn Ích.

Pháp Nhãn tông (zh. fǎyǎn-zōng 法眼宗, ja. hōgen-shū) là một trường phái của Thiền tông Trung Quốc, được xếp vào Ngũ gia thất tông (zh. 五家七宗). Tông này bắt nguồn từ Thiền sư Huyền Sa sư Bị, nối pháp Tuyết Phong Nghĩa Tồn và ban đầu cũng được gọi là Huyền Sa tông. Sau đó pháp tôn của Thiền sư Huyền Sa sư Bị là Thiền sư Pháp Nhãn Văn Ích – làm cho tông phong vang dội khắp nơi và vì thế, tông này được gọi là tông Pháp Nhãn. 63 pháp tự của Pháp Nhãn hoằng hoá khắp nơi, truyền tông này qua đến cả Triều Tiên. Tông này hưng thịnh ba đời nhưng tàn lụi sau đời thứ năm. Mặc dù tông này đã thất truyền tại Trung Quốc nhưng nó vẫn còn tồn tại ở Triều Tiên.[1]

Lịch sử[sửa | sửa mã nguồn]

Tông Pháp Nhãn chính thức là do Thiền sư Pháp Nhãn Văn Ích sáng lập, nhưng các tiền bối đi trước như Huyền Sa Sư Bị, La Hán Quế Sâm đã đặt nền móng cho sự ra đời của tông này. Ban sơ, Thiền sư Pháp Nhãn Văn Ích tham vấn Hoà thượng La Hán Quế Sâm và đại ngộ (năm 935). Sau khi đắc pháp, Pháp Nhãn đến trụ trì tại Viện Thanh Lương và nỗ lực xiển dương thiền phong của mình. Pháp Nhãn chủ trương Lý sự viên dung, không tìm cầu bên ngoài, vạn pháp đều do tâm tạo.[2]

Đệ tử nối pháp của Pháp Nhãn rất nhiều, lên đến 63 vị, trong đó điển hình là Thiên Thai Đức Thiều, Thanh Lương Thái Khâm, Bách Trượng Đạo Hằng, Quy Tông Nghĩa Nhu, Báo Ân Pháp An... làm tông phong phát triển mạnh mẽ khắp nơi và trở thành tông Pháp Nhãn. Trung tâm truyền bá chính của tông này là hai tỉnh Phúc KiếnTriết Giang.[2]

Đến đầu đời Tống, do Quy Ngưỡng tông bị thất truyền nên Thiền tông chỉ còn 4 tông tồn tại là Lâm Tế, Tào Động, Vân Môn và Pháp Nhãn. Trong đó tông Pháp Nhãn cùng với tông Lâm Tếtông Vân Môn là phát triển nhất.[3]

Vĩnh Minh Diên Thọ - Tổ thứ 3 của tông Pháp Nhãn và cũng là tổ thứ 6 tông Tịnh Độ.

Về hoạt động của các Thiền sư tông này thì điển hình là Thiền sư Thiên Thai Đức Thiều với chủ trương dung hợp giữa Thiền tôngThiên Thai tông. Còn đệ tử của Đức Thiều là Vĩnh Minh Diên Thọ thì chủ trương Thiền-Tịnh nhất trí, Vĩnh Minh là người biên soạn bộ Tông Cảnh Lục (100 quyển) nổi tiếng để hệ thống hoá các tông phái, Vĩnh Minh cũng được tôn xưng là tổ thứ 6 của Tịnh Độ tông. Tác phẩm đặc sắc nhất của tông này là bộ Tông Môn Thập Quy Luận (zh. 宗門十規論, 1 quyển) do Thiền sư Văn Ích soạn - khái niệm "Ngũ gia" ra đời từ đây, và bộ Cảnh Đức Truyền Đăng Lục (zh. 景德傳燈錄, 30 quyển) do Thiền sư Vĩnh An Đạo Nguyên (zh. 永安道原) biên soạn vào năm 1004 đã hệ thống hoá lại lịch sử truyền thừa của Thiền tông từ chư tổ xa xưa cho đến đời pháp tôn của Thiền sư Văn Ích.[2][3][4]

Ngoài ra còn có hoạt động của Thiền sư Thiên Đồng Tử Ngưng cũng đáng chú ý. Chính Thiên Đồng Tử Ngưng là người đã tranh luận với Tứ Minh Trí Lễ (Thiên Thai tông). Năm 1004, Trí Lễ soạn Thập Bất Nhị Môn Chỉ Yếu Sao trong đó cho rằng Thiên Thai tông ưu việt hơn Thiền tông và bị Tử Ngưng gửi thư đến hỏi vặn, tổng cộng hai bên tranh luận hơn 20 lần. Cuối cùng, Thái thú Tứ Minh là Trực Các Lâm Công phải bỏ công ra hoà giải và sửa đổi lại Thập Bất Nhị Môn Chỉ Yếu Sao thì mâu thuẫn hai bên mới dịu đi.[3]

Phái của Thiền sư Thiên Thai Đức Thiều từ sau đời của Thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ thì bắt đầu suy vi. Pháp hệ của tông Pháp Nhãn do phái của Thiền sư Thanh Lương Thái Khâm và Quy Tông Nghĩa Nhu nắm giữ. Dưới Thanh Lương Thái Khâm có pháp tử là Thiền sư Vân Cư Đạo Tế, dưới Vân Cư Đạo Tế có pháp tử là Thiền sư Linh Ẩn Văn Thắng. Tuy nhiên các phái này cũng không duy trì được lâu.[3]

Đến thời Bắc Tống, Pháp Nhãn tông dung hợp với Vân Môn tông (zh. 雲門宗) rồi sớm điêu tàn và những đặc sắc của tông phái này dần dần được môn nhân của Vân Môn tông cũng như Lâm Tế tông kế thừa.[4]

Đặc trưng[sửa | sửa mã nguồn]

Nói về tông Pháp Nhãn, Thiền sư Cao Phong Nguyên Diệu đời Nguyên mô tả Thiền phong của tông Pháp Nhãn là "rõ ràng trong sáng". Còn trong Ngũ Gia Tham Tường Yếu Lược Môn (1788) của Tôrei Enji (Đông Lĩnh Viên Từ, 1721-1791) thì có khuynh hướng dùng ngành nghề để nói về các tông phái Thiền, Enji ví tông này với người thương nhân (Pháp Nhãn thương nhân).[3]

Về phong cách giáo hoá thì các Thiền sư tông này có xu hướng "Tiên lợi tế", nghĩa là tùy thuận căn cơ của người học mà chân thành, khẩn thiết dìu dắt giúp họ được khai ngộ mau chóng. Tắc 7 của Bích Nham Lục là một ví dụ:

Tuệ Siêu hỏi: "Thế nào là Phật?". Pháp Nhãn đáp: "Ông là Tuệ siêu!". Ngay câu nói đó, Tuệ Siêu liền đại ngộ.[2]

Bên cạnh đó, các Thiền sư của tông này cũng rất ưa niêm đề[5] các cổ tắc, công án và trong các tác phẩm do các vị Thiền sư tông này sáng tác thường có phụ thêm phần Trứ ngữ (lời bình) cho các cổ tắc, công án.[2]

Ảnh hưởng[sửa | sửa mã nguồn]

Tại Triều Tiên[sửa | sửa mã nguồn]

Vua Quang Tông nước Cao Ly vì cảm mộ Thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ nên từng viết thư xin được nhận làm đệ tử. Sau đó lại phái 36 vị tăng sang Trung Quốc tham học với Thiền sư Vĩnh Minh và tất cả đều đắc pháp, nhờ đó mà tông Pháp Nhãn được truyền bá sang Triều Tiên, đến nay vẫn còn.[2]

Truyền thừa[sửa | sửa mã nguồn]

1/ Thiền sư Huyền Sa sư Bị (Thủy tổ)

2/ Thiền sư La Hán Quế Sâm

3/ Thiền sư Pháp Nhãn Văn Ích (Khai tổ)

4/ Thiền sư Quy Tông Nghĩa Nhu

4/ Thiền sư Sùng Thọ Khế Trù

5/ Thiền sư Thiên Đồng Tử Ngưng

4/ Thiền sư Bách Trượng Đạo Hằng (zh. 百丈道恆)

4/ Thiền sư Pháp Đăng Thái Khâm

5/ Thiền sư Vân Cư Đạo Tế
6/ Thiền sư Linh Ẩn Văn Thắng

4/ Thiền sư Báo Ân Pháp An (zh. 報恩法安)

4/ Thiền sư Thiên Thai Đức Thiều (zh. 天台德韶)

5/ Thiền sư Bản Tiên Đức Lộc
5/ Thiền sư Hoa Nghiêm Chí Phùng
5/ Thiền sư Vĩnh An Đạo Nguyên (zh. 永安道原)
5/ Thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ (zh. 永明延壽)[3]

Nguồn tham khảo và chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ “TU DIEN PHAT HOC”. www.rongmotamhon.net. Truy cập ngày 13 tháng 9 năm 2023.
  2. ^ a b c d e f “Tự điển - pháp nhãn tông”. phatgiao.org.vn. Truy cập ngày 13 tháng 9 năm 2023.
  3. ^ a b c d e f Nguyễn Nam Trân biên dịch (2009). Lịch Sử Thiền Tông Trung Quốc.
  4. ^ a b “Tự điển - Pháp Nhãn Tông”. phatgiao.org.vn. Truy cập ngày 14 tháng 9 năm 2023.
  5. ^ Là câu hay bài thơ do Thiền sư sáng tác ra để bình phẩm về một công án nào đó.
Bảng các chữ viết tắt
bo.: Bod skad བོད་སྐད་, tiếng Tây Tạng | ja.: 日本語 tiếng Nhật | ko.: 한국어, tiếng Triều Tiên |
pi.: Pāli, tiếng Pali | sa.: Sanskrit संस्कृतम्, tiếng Phạn | zh.: 中文 chữ Hán