Phạm Cuống

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Phạm Cuống
Hoàn Nghĩa hầu
Thụy hiệuVũ Tương
Thông tin cá nhân
Sinh
Ngày sinh
1367
Nơi sinh
Thái Nguyên
Mất
Thụy hiệu
Vũ Tương
Ngày mất
1454
Giới tínhnam
Gia quyến
Thân phụ
Phạm Bá Yên
Thân mẫu
Vũ Thị Vượng
Phối ngẫu
Lưu Thị Ngọc Ngoan
Hậu duệ
Phạm Văn Hiển, Phạm Quý Hoa, Phạm Tấn
Tước vịQuan phục hầu
Quốc tịchĐại Việt
Thời kỳnhà Lê sơ
Truy phong
Tước hiệu
Hoàn Nghĩa hầu
1484, bởi Lê Thánh Tông

Phạm Cuống (1367–1454) hay Lê Cuống là một công thần khai quốc nhà Lê sơ trong lịch sử Việt Nam.

Tiểu sử[sửa | sửa mã nguồn]

Theo thần phả địa phương, Phạm Cuống sinh năm 1367, quê ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên ngày nay. Phạm Cuống là cháu của Hồ triều bá Phạm Long, gia tộc nhiều thế hệ làm phiên giậu cho nhà Trần. Phạm Long lấy bà Nguyễn Thị Giản sinh con Phạm Bá Yên, Phạm Bá Yên lấy Vũ Thị Vượng sinh ra Phạm Cuống.[1] Phạm Cuống sinh ra đã có dung mạo phi thường, trí lực hơn người, mưu mô tài giỏi, nên được Lưu Trung gả con gái cho, thành là em rể của Lưu Nhân Chú.[2][3] Một số nguồn lại ghi Phạm Cuống là anh rể.[4][5][6] Cũng theo tư liệu địa phương, vợ Phạm Cuống được vua ban hiệu công chúa, nên gọi là Công chúa Ngọc Ngoan (Lưu Thị Ngọc Ngoan).[7]

Trong khởi nghĩa Lam Sơn, Phạm Cuống theo Lưu Nhân Chú đầu nhập Lê Lợi[8], tham gia vào nhiều trận chiến, thường tham mưu quân sự.[9] Năm 1426, Lê Lợi lấy danh nghĩa Trần Cảo phong Phạm Cuống chức Đồng Tổng quản Quy Hóa trấn tri quân dân sự.[2] Năm 1428, ông được phong Đồng tổng quản trông coi các việc quân trấn Tuyên Quang, vệ Quy Hóa.[7]

Khởi nghĩa thành công, nhà Lê sơ thành lập, Phạm Cuống được xếp vào hàng Quan phục hầu. Ông là người đứng đầu danh sách 16 người được phong tước này. Thời Lê Thái Tông, khi Lưu Nhân Chú bị sát hại, Phạm Cuống né được sự kiện này, tiếp tục phục vụ các triều vua Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông.[2]

Phạm Cuống mất năm 1454, thọ 87 tuổi. Con trai Phạm Văn Hiển thụ ấm Thông Chương đại phu.[10] Năm 1484, thời vua Lê Thánh Tông, truy tặng Tuyên lực công thần, Đặc tiến Phụ quốc thượng tướng quân, tước Hoàn Nghĩa hầu, Trụ quốc, thụy Vũ Tương.[2]

Hậu duệ[sửa | sửa mã nguồn]

Theo gia phả họ Lê Phạm ở làng Ngọc Lĩnh (Hoằng Trường), cháu ba đời của Phạm Cuống là Định quận công cùng con trai là Phạm Cảnh Phúc khi truy đuổi Mạc Kính Điển đã lạc vào vùng này, nên quyết định đến đây ẩn cư.[11]

Theo gia phả họ Phạm ở Yên Lãng, sau khi khởi nghĩa thắng lợi, Phạm Cuống về quê lấy vợ lẽ, sinh ra Phạm Quý Hoa. Phạm Quý Hoa có ba con trai, trong đó con trưởng cùng cha đổi sang họ Ma, con thứ là Phạm Tấn là cụ tổ dòng họ Phạm nơi đây.[7]

Vinh danh[sửa | sửa mã nguồn]

Đền thờ Phạm Cuống và Phạm Vấn ngày nay thuộc thôn 4, làng Ngọc Lĩnh, xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1994, đền được công nhân di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.[12] Ngày 17 tháng 3 năm 2019, đền được nhận bằng di tích.[13]

Lễ hội đền thờ Lưu Nhân Chú thuộc khu di tích Núi Văn–Núi Võ ở xã Yên Văn, huyện Đại Từ (Thái Nguyên), tương truyền là nơi cha con Lưu Trung, Lưu Nhân Chú, Phạm Cuống luyện quân chống quân Minh, được công nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2023.[14]

Tên Phạm Cuống được đặt cho một con đường ở thành phố Thanh Hóa,[15][16] thị xã Bỉm Sơn.[17]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  • Trần Đức Cường (2009). Địa chí Thái Nguyên. Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Trần Đức Cường 2009, tr. 1086
  2. ^ a b c d “Phạm Cuống, tướng tài dưới 3 triều Vua Lê”. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 17 tháng 3 năm 2016.
  3. ^ Vân Ngọc (14 tháng 10 năm 2021). “Thái Nguyên trong dòng chảy lịch sử đất nước (Bài 5): Tể tướng Lưu Nhân Chú - chí như tùng bách, chất người như ngọc”. Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 12 năm 2023. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2023.
  4. ^ Hồng Tâm (24 tháng 3 năm 2016). “Hội Núi Văn - Núi Võ”. Báo Thái Nguyên. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 2 năm 2016. Truy cập ngày 17 tháng 3 năm 2016.
  5. ^ K.D (7 tháng 2 năm 2012). “Về Đại Từ (Thái Nguyên) dự hội Núi Văn- Núi Võ”. Báo Tây Ninh. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 12 năm 2023. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2023.
  6. ^ “Tưởng nhớ công lao của Anh hùng dân tộc”. Báo Thái Nguyên. 21 tháng 2 năm 2018. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 12 năm 2023. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2023.
  7. ^ a b c Trần Thép (30 tháng 8 năm 2023). “Tướng quân Phạm Cuống – vinh hiển và tri ân (Kỳ 2)”. Tạp chí Văn Nghệ Thái Nguyên. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 12 năm 2023. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2023.
  8. ^ “Khai hội Núi Văn - Núi Võ xuân Quý Tỵ”. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 25 tháng 6 năm 2021.
  9. ^ Trần Thép (29 tháng 8 năm 2023). “Tướng quân Phạm Cuống – vinh hiển và tri ân (Kỳ 1)”. Tạp chí Văn Nghệ Thái Nguyên. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 12 năm 2023. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2023.
  10. ^ Trần Đức Cường 2009, tr. 1087
  11. ^ Thu Thủy. “Khái quát về địa lý, điều kiện tự nhiên và truyền thống lịch sử, văn hóa”. Cổng thông tin điện tử xã Hoằng Trường. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 12 năm 2019. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2023.
  12. ^ “Di tích lịch sử huyện Hoằng Hóa”. Cổng thông tin điện tử huyện Hoằng Hóa. 15 tháng 10 năm 2018. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 12 năm 2023. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2023.
  13. ^ Thu Thủy (21 tháng 3 năm 2019). “Xã Hoằng Trường đón nhận bằng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh: Đền thờ Phạm Cuống – Phạm Vấn”. Cổng thông tin điện tử xã Hoằng Trường. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 12 năm 2019. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2023.
  14. ^ Trí Phương (17 tháng 2 năm 2023). “Thái Nguyên: Thêm 2 Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia”. Báo Dân tộc và Phát triển. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 3 năm 2023. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2023.
  15. ^ Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa (11 tháng 6 năm 2019). “Xin ý kiến đặt tên đường phố và công trình công cộng trên địa bàn TP Thanh Hóa”. Cổng thông tin điện tử xã Hoằng Trường. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 7 năm 2019. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2023.
  16. ^ Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa (12 tháng 12 năm 2019). “Nghị quyết số 247/NQ-HĐND về việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Thanh Hóa” (PDF). Cổng thông tin điện tử thị xã Bỉm Sơn. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2023.
  17. ^ Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa (10 tháng 12 năm 2021). “Nghị quyết số 207/NQ-HĐND về việc đặt tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa”. Cổng thông tin điện tử thị xã Bỉm Sơn. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2023.