Bước tới nội dung

Rừng xà nu

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Rừng xà nu
Truyện ngắn
Thông tin tác phẩm
Tác giảNguyên Ngọc
Thời gian sáng tác1967
Quốc gia Việt Nam
Ngôn ngữTiếng Việt
Thể loạiTruyện ngắn

Rừng xà nu là một truyện ngắn của Nguyễn Trung Thành (bút danh của nhà văn Nguyên Ngọc), được viết năm 1965. Trong tác phẩm, với hình tượng cây xà nu và những "anh hùng dân tộc" ở làng Xô Man trong thời Chiến tranh Việt Nam, nhà văn đã làm nổi rõ khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, đặc điểm cơ bản của văn học Việt Nam giai đoạn 19671976.[1]

Tóm tắt nội dung tác phẩm

[sửa | sửa mã nguồn]

Truyện kể về làng Xô Man ở vùng Tây Nguyên nằm giữa cánh rừng xà nu bạt ngàn, đang phải từng ngày hứng chịu những trận pháo kích dữ dội của liên quân Hoa KỳViệt Nam Cộng hòa. Sau 3 năm tham chiến, Tnú – nhân vật chính, và là một chiến sĩ Quân Giải phóng – trở về thăm làng. Thằng bé Heng dẫn đường cho Tnú vì đường vào làng nay đã được du kích bố phòng rất chặt chẽ và nghiêm ngặt: hầm chông, hố chông, giàn thò chằng chịt...

Đêm đó, Tnú ăn cơm và ở lại nhà cụ Mết. Cả làng tụ họp, Dít – em gái của Mai, và là một Bí thư chi bộ – kiểm tra giấy phép của Tnú xong, cụ Mết tự hào kể lại cho mọi người nghe về công cuộc đấu tranh của làng – nó gắn bó với cuộc đời Tnú.

Hồi ấy, bị liên quân Mỹ - VNCH tấn công, nhưng làng vẫn bí mật nuôi giấu cán bộ Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam, người cán bộ đó là anh Quyết. Tnú và Mai khi đó là hai đứa trẻ mồ côi được giao làm liên lạc viên cho anh Quyết, rồi được anh dạy chữ Quốc ngữ.

Một lần, trong chuyến đưa thư của anh Quyết lên huyện, Tnú bị địch bắt. Dù bị tra tấn dã man, anh vẫn kiên quyết không khai dù chỉ nửa lời. Do cơ sở hoạt động bị bại lộ, anh Quyết hi sinh trong một trận càn. Ở tù 3 năm, Tnú vượt ngục, trở về làng thay anh Quyết chỉ huy buôn làng chuẩn bị vũ khí chiến đấu và cưới Mai, rồi hai người cũng đã có cho mình một đứa con trai đầu lòng.

Tin làng Xô Man chuẩn bị vũ khí chờ thời cơ nổi dậy lọt đến tai Quân lực Việt Nam Cộng hòa đóng tại đồn Đắc Hà gần đó. Một viên chỉ huy Biệt Động Quân tên là Dục đưa lính đến lùng sục, vây ráp. Cụ Mết, Tnú cùng những người thanh niên lánh vào rừng. Không bắt được Tnú, địch bắt Mai cùng với đứa con nhỏ chưa đầy tháng nhằm dụ Tnú phải chui ra khỏi nơi ẩn náu.

Từ vị trí ẩn nấp, Tnú chứng kiến cảnh vợ con bị toán lính giặc hỏi cung, tra tấn. Lòng căm thù lên đến đỉnh điểm, Tnú nhảy xổ vào cứu vợ con nhưng rồi Mai và đứa con đã chết, anh cũng bị bắt... Toán lính giặc dưới trướng tên tướng Dục tẩm nhựa xà nu đốt mười đầu ngón tay Tnú trước mặt dân làng nhằm uy hiếp tinh thần họ.

Tnú chịu đựng không kêu la. Có tiếng động xung quanh, Tnú thét lên một tiếng "Giết!!!", dân làng đồng thanh, nhất tề nổi dậy, Dục và toán lính dưới quyền đã bị cụ Mết và đội ngũ thanh niên tiêu diệt sạch. Làng Xô Man công khai đối đầu chính quyền. Tnú gia nhập Quân Giải phóng, anh đã hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ, và được cấp chỉ huy cho về phép thăm làng một đêm.

Sáng hôm sau, cụ Mết, Dít tiễn Tnú lên đường. Họ chia tay nhau ở đồi xà nu, cạnh con nước lớn.

Nguyên mẫu ngoài đời thực của "làng Xô Man" và cây "xà nu"

[sửa | sửa mã nguồn]

Tên gọi làng Xô Man và cây xà nu trong truyện ngắn Rừng xà nu đều là do tác giả hư cấu ra. Nguyên mẫu ngoài đời thực của làng Xô Man là một ngôi làng của người Giẻ Triêng có tên là làng Xốp Nghét của Xốp, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum[2][3][4]

Còn cây xà nu trong tác phẩm thực chất là cây thông ba lá. Trong tiếng Giẻ Triêng, cây thông ba lá không được gọi là xà nu mà gọi là loong rúh.[2][3][5][6] Chỉ những cây thông ba lá nào chứa hàm lượng nhựa cao, khi khô mới gọi là xinu. Không phải cây thông nào cũng gọi tên như vậy. Nhựa cây thông ba lá được người Giẻ Triêng dùng để đốt thắp sáng vào ban đêm. Khi trai gái thành vợ thành chồng thì xinu không thể thiếu trong quà biếu của nhà gái "đáp lễ" cho nhà trai.[4]

Trong khi đó, một "nhánh" của dân tộc Giẻ Triêngngười Tà Rẻ lại gọi cây thông ba lá là t'nủ, cũng là lễ vật nên vợ chồng. Song t'nủ là thứ không thể thiếu trong số quà biếu nhà gái đáp lễ nhà trai khi cưới hỏi. Tục truyền từ xa xưa theo câu ca: "Con đi trước t'nủ theo sau".[4]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ . Tác phẩm ra mắt lần đầu trên tạp chí Văn nghệ Quân Giải phóng Trung Trung Bộ. Sau đó được in trong tập Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc.
  2. ^ a b Văn Công Hùng. Trở về Xô Man... - Bài 2: Làng Xô Man và cụ Mết, Báo Gia Lai. Truy cập ngày 24 tháng 1 năm 2017.
  3. ^ a b Tạ Văn Sỹ. Về lại "rừng xà nu", Báo Kon Tum. Truy cập ngày 24 tháng 1 năm 2017.
  4. ^ a b c “Sự thật sau những tác phẩm để đời - Kỳ 2: Xà nu - lễ vật hôn nhân”.
  5. ^ Văn Công Hùng. Trở về Xô Man... - Bài 1: Xà nu, Báo Gia Lai. Truy cập ngày 24 tháng 1 năm 2017.
  6. ^ Ngọc Tân. Đi tìm hình bóng "rừng xà nu"..., Báo Đầu tư. Truy cập ngày 24 tháng 1 năm 2017.