Tự Đắc Huệ Huy
Thiền Sư Tự Đắc Huệ Huy(自得慧暉, Jitoku Eki, 1097-1183) là một Thiền Sư Trung Quốc, sống vào đời Nhà Tống. Nối pháp Thiền Sư Hoằng Trí Chính Giác, Tào Động tông.
Cơ duyên và hành trạng[sửa | sửa mã nguồn]
Sư xuất thân vùng Thượng Ngu (上虞), Cối Kê (會稽, Tỉnh Triết Giang), họ là Trương (張).Lúc còn nhỏ, sư theo xuất gia với Trừng Chiếu Đạo Ngưng (澄照道凝) và thọ giới. Đến năm 20 tuổi sư yết kiến thiền sư Chân Yết Thanh Liễu (眞歇清了) ở Trường Lô Tự (長蘆寺).
Sau đến tham vấn nơi Thiền Sư Hoằng Trí Chính Giác và đại ngộ. Được Chính Giác truyền lại pháp Thiền của Tông Tào Động. Sự ngộ đao của sư được viết lại trong công án sau:
Sư đến yết kiến Hoằng Trí. Trí nhắc: "chính trong sáng có tối, chẳng dùng tối gặp nhau, chính trong tối có sáng, chẳng dùng sáng thấy nhau" để hỏi Sư. Sư chẳng khế hội.
Đầu hôm, Sư định trở lại trước tượng Thánh tăng thắp hương, mà Hoằng Trí cũng vừa đến.
Sư trông thấy liền chóng rõ câu nói trước. Hôm khác,Sư vào thất.
Hoằng Trí nhắc: Than ôi! Ngày trước mặt như ngọc, lại than! Xoay về râu tợ sương, để hỏi Sư. Sư đáp:- Kia vào ly, kia ra vi.
Từ đây, Sư hỏi đáp không ngại.
Sư được Hoằng Trí ấn chứng truyền pháp, công nhận là Pháp tử của mình.
Vào năm thứ 7 (1137) niên hiệu Thiệu Định (紹定), sư khai mở đạo tràng thuyết pháp ở Bổ Đà (補陀). Rồi sau đó sư đến trụ trì tại các chùa khác như: Vạn Thọ (萬壽), Cát Tường (吉祥), Tuyết Đậu (雪竇)...
Đến năm thứ 3 (1176) niên hiệu Thuần Hy (淳熙), sư được cử đến trú trì Tịnh Từ Tự (淨慈寺) ở Lâm An (臨安), nhưng 4 năm sau thì lại trở về Tuyết Đậu Tự
Vào ngày 29 tháng 11 năm thứ 10 cùng niên hiệu Thuần Hy, sư thị tịch, hưởng thọ 87 tuổi đời và 75 hạ lạp, được vua ban cho hiệu là Tự Đắc Thiền Sư (自得禪師).
Sư có để lại quyển Linh Trúc Tịnh Từ Tự Đắc Thiền Sư Ngữ Lục (靈竹淨慈自得禪師語錄) 6 quyển.
Công Án[sửa | sửa mã nguồn]
Công án về Động Sơn Ngũ Vị của Thiền sư Tự Đắc Huệ Huy:
Tăng hỏi: - Thế nào là chánh trung thiên?
Sư đáp: - Đêm qua canh ba sao đầy trời.
Tăng hỏi: - Thế nào là thiên trung chánh?
Sư đáp: - Mây trắng trùm đầu núi, trọn chẳng bày ngất cao.
Tăng hỏi: - Thế nào là chánh trung lai?
Sư đáp: - Chớ gọi cá kình không lông cánh, ngày nay chính từ đường chim sang.
Tăng hỏi: - Thế nào là kiêm trung chí?
Sư đáp: - Ứng không dấu dụng không vết.
Tăng hỏi: - Thế nào là kiêm trung đáo?
Sư đáp: - Người đá chiếc áo rách, quả đất không người may.
Pháp Ngữ[sửa | sửa mã nguồn]
“ | Tái tê gió bắc quét cây rừng, về cội lá rơi hiện mảnh tâm, muôn dòng về biển thuyền bờ đến,sáu cửa sáng ngời cải gặp kim, vốn đã hiện thành chớ kiếm tìm, đất tánh thảnh thơi xưa nay sáng, ngoài cửa tuyết tan sắc xuân đông, bốn núi lẫn làm cây long ngâm. | ” |
— |
“ | Ông già Thích-ca cùng lý tận tánh miệng vàng nói ra giáo lý một đời dường thể xoay châu chuyển ngọc, vẫn bị người gọi là giấy cũ lau ghẻ. Tổ sư Đạt-ma dùng pháp Nhất thừa chỉ thẳng riêng truyền, nhìn vách chín năm chẳng lập văn tự, bị người gọi là Bà-la-môn nhìn vách. Hãy nói hành lý thế nào? Thơ bị người bên chỉ ra rồi, chăn kéo trùm đầu muôn việc thôi, khi này sơn tăng trọn chẳng hội. | ” |
— |
“ | Da thịt rơi rụng bặt chỗ nơi, sáng tỏ thân tâm một vật không, khéo vào đạo lớn chỗ sâu lặng, người ngọc yên ngồi xe bạch ngưu. Điền địa diệu minh người đạt rất ít, thức tình chẳng đến chỉ chứng mới biết. Con mây trắng linh linh tự chiếu, cha núi xanh cao ngất thường còn, cơ phân sáng sau đảnh, trí hợp mắt trước kiếp. Vì thế nói, đường Tân Phong chừ vót vẫn gieo, động Tân Phong chừ lặng nhưng tươi, người đi đi chừ chẳng động diêu, người dạo dạo chừ chớ mau gấp, nhà nghỉ tuy có người đến ít, rừng suối chẳng dài cây tầm thường. Chư thiền đức! Hướng thượng một phen đến tôn quí khó rõ,trên điện Lưu Ly chẳng xưng tôn, trước rèm phỉ thúy lại hợp bạn. Chính cùng khi ấy kim chỉ xâu suốt chân tông chẳng rơi, nên làm sao thi thiết? Tóc bạc đầy đầu lìa hang núi,giữa đêm xuyên mây vào xóm làng. | ” |
— |
“ | Phó Đại sĩ có bài tụng Pháp thân: "Tay không cán cuốc cầm, bộ hành cỡi lưng trâu, trên cầu người qua thẳng, cầu trôi nước chẳng trôi." Đại sư Vân Môn nói: "Các người đông lại tây lại nam lại bắc lại, mỗi mỗi cỡi một con trâu lại. Tuy nhiên như thế, ngàn đầu muôn đầu chỉ cần biết một cái đầu này." Sư nói: Vân Môn bình thường khô khan châm dùi chẳng phủng, đến trong này cũng biết dính bùn kẹt nước. Quí vị! Hiện nay cần thấy một đầu này chăng? Khí trời hơi lạnh mỗi người tự về nhà. | ” |
— |
Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]
- Từ điển Thiền Tông Hán Việt. Hân Mẫn & Thông Thiền biên dịch. TP HCM 2002.
- Thích Thanh Từ (biên soạn): Thiền sư Trung Hoa I,II,III, TP HCM 1990.
- Fo Guang Ta-tz'u-tien 佛光大辭典. Fo Guang Ta-tz'u-tien pien-hsiu wei-yuan-hui 佛光大辭典編修委員會. Taipei: Fo-kuang ch'u-pan-she, 1988. (Phật Quang Đại Từ điển. Phật Quang Đại Từ điển biên tu uỷ viên hội. Đài Bắc: Phật Quang xuất bản xã, 1988.)