Thành viên:Nguyenmy2302/nháp2

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Triệu Quân Sự
Sinh14 tháng 7, 1991 (32 tuổi)[1]
Phú Cường, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên
Quốc tịch Việt Nam
Nổi tiếng vìba lần vượt ngục tại Việt Nam
Chiều cao1,62 m (5 ft 4 in)[2]
Cáo buộc hình sựGiết người, Cướp tài sản,
Đào ngũ, Trốn khỏi nơi giam giữ,
Trộm cắp tài sản, Cố ý gây thương tích[1]
Kết ánTù chung thân

Triệu Quân Sự (sinh ngày 14 tháng 7 năm 1991, người dân tộc Nùng), là một phạm nhân người Việt Nam, nổi tiếng khi đã trốn khỏi trại giam tại Việt Nam đến 3 lần.

Tiểu sử[sửa | sửa mã nguồn]

Triệu Quân Sự sinh năm 1991 tại xã Phú Cường, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.[3] Anh là con trai cả trong một gia đình nghèo có hai anh em. Từ nhỏ, Sự đã được đánh giá là một học sinh chăm chỉ và lễ phép, thậm chí còn được cô giáo ở lớp nhận nuôi. Anh cũng từng tham gia thi học sinh giỏi cấp huyện khi lên lớp 5. Tuy nhiên, vì gia đình quá túng bấn nên Sự đã quyết định bỏ học lớp 10 để làm nghề phụ vữa và sau đó là hút cát thuê. Trong thời gian này, Sự đã trở nên nghiện cờ bạc, lô đề.[4] Anh cũng được cho là người nghiện game.[5][6][7] Vào năm 2011, bố mẹ của Sự đã đăng ký cho anh đi nghĩa vụ quân sự tại Quân khu 1 tỉnh Bắc Giang. Anh hoạt động tại đây với cấp bậc bình nhì tại Đại đội 1, Tiểu đoàn 18, Sư đoàn 3.[4][8][9] Ở trong doanh trại, Triệu Quân Sự đã được luyện võ và là một người giỏi võ, cũng như từng là một lính đặc công.[10][11] Tuy nhiên Sự đã trốn đơn vị năm lần không xin phép, cũng như ăn cắp vặt những vật dụng ở trong doanh trại và bị đơn vị cảnh cáo nhiều lần. Những lần trốn trại trước của Sự đều thông qua việc cướp điện thoại của bạn và đem đi cầm cố lấy tiền chơi đánh bạc và trốn về nhà.[4][12]

Quá trình phạm tội[sửa | sửa mã nguồn]

Sau bốn lần trốn khỏi doanh trại về gia đình và bị ép trở lại quân ngũ, trong lần trốn trại thứ 5 vào đầu tháng 8 năm 2012, Triệu Quân Sự đã quyết định trốn lên Hà Nội và lang thang ở đó một thời gian.[4][12][13] Đến ngày 22 tháng 8 cùng năm, trong khi đi vào quán cà phê Hương Sen tại một quận ở Long Biên, thấy chỉ có duy nhất chủ quán là bà Phạm Thị Xuân Hoa (sinh năm 1963), Sự nảy sinh ý định cướp tiền để đi chơi game[5] và đã ra tay cắt cổ bà chủ bằng chiếc dao gập mang đi từ trước, sau đó tháo nhẫn, hoa tai rồi lục soát lấy hai chiếc điện thoại và tiền của bà Hoa bỏ trốn. Sự sau đó vứt chiếc áo cùng hung khí ra sông Hồng rồi bán đi số điện thoại vừa cướp được, lấy số tiền này để bắt xe về Tuyên Quang và bán tiếp chiếc nhẫn với giá 12 triệu đồng, cũng như đi tiếp đến Thái Nguyên để bán đôi hoa tai.[4][8][14] Sau khi tiêu thụ hết số tiền trên, Sự đã quyết định trở về quê nhà và trú nghỉ tại một nhà nghỉ ở xã Yên Lãng, huyện Đại Từ. Thông qua một người bạn thân thiết của Sự, phía cảnh sát sau đó đã biết được nơi ở của Sự và sau đó vào ngày chiều ngày 29 tháng 8 thì ập đến nhà nghỉ và bắt về cơ quan công an. Tại đây, Triệu Quân Sự đã khai nhận những việc mình làm.[4][8]

Ngày 15 tháng 3 tháng 2013, Triệu Quân Sự đã bị kết án tù chung thân tại Tòa án Quân sự Quân khu 1 với ba tội danh là giết người, cướp tài sản và đào ngũ.[4][9][15] Số trang sức và đồ dùng được Sự bán cũng đã bị Công an Thành phố Hà Nội và Công an tỉnh Thái Nguyên thu hồi lại sau đó.[14] Trong thời gian này Sự bị biệt giam ở Trại giam Quân sự khu vực miền Trung, quân khu 5 tại xã Bình Khương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.[6][9]

Những lần trốn trại[sửa | sửa mã nguồn]

2015[sửa | sửa mã nguồn]

Vào rạng sáng ngày 8 tháng 11 năm 2015, lợi dụng thời tiết đang mưa to cùng tiếng động lớn ở xưởng gỗ gần trại giam, Triệu Quân Sự cùng phạm nhân Nhâm Văn Tuấn (sinh năm 1985) đã cùng nhau trốn khỏi phòng giam bằng việc cắt đứt song sắt rồi vượt khỏi tường rào.[4][9][15] Trước đó, lợi dụng sơ hở trong công tác trông giữ của quản giáo, Tuấn đã rủ Sự cùng vượt ngục.[4] Để đề phòng không bị phát hiện, hai người cũng trộn cơm với đất rồi trát vào vết cưa. Sau khi thoát khỏi trại giam, cả hai đã trộm quần áo từ người dân xống xung quanh rồi lấy xe khách bỏ chạy. Sau khi chạy tới Đồng Nai, Tuấn đã tách khỏi để sang Campuchia, còn Sự thì ngược ra miền Bắc.[15]

Chính quyền xã Bình Khương sau đó đã phát đi thông báo về việc hai phạm nhân trốn khỏi trại giam để người dân cảnh giác và bắt giữ. Hàng trăm công an cùng quân dân của xã cũng được cử đi truy tìm hai phạm nhân trong khu vực.[9] Cục Cảnh sát truy nã tội phạm Bộ Công an đã xác lập chuyên án để truy bắt các đối tượng. Tuy nhiên sau một thời gian không tìm được hai tù nhân, công an đã kiểm tra và siết chặt nhiều con đường giáp biên giới Lào và Campuchia. Đến chiều ngày 15 tháng 12 cùng năm, Sự bị bắt khi đang chơi game trên đường Hồ Tùng Mậu, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.[15][16] Trước đó, Thiếu tá Bùi Đức Đào, công tác tại Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng, đã phát hiện ra Triệu Quân Sự đang đi cướp tài sản tại một cửa hàng ở Hà Nội vào buổi tối nên đã quyết định đi vào để tìm hiểu. Khi phát hiện có người tới, Sự đã lao ra và rút dao tấn công. Tuy chỉ tránh được nhát thứ nhất, tuy nhiên đến nhát thứ hai thì anh đã bị đâm trúng vào bụng và bị trọng thương, nhưng may mắn được người dân phát hiện và đưa đi cấp cứu kịp, còn Sự sau khi gây án liền cướp những món đồ đắt tiền trong cửa hàng rồi bỏ chạy.[5][15] Triệu Quân Sự tại cơ quan công an sau đó đã thú nhận những hành động của mình và còn tiết lộ rằng Sự sắp có ý định đến đêm cùng ngày sẽ đi sang biên giới Trung Quốc để trốn.[16]

2020[sửa | sửa mã nguồn]

Gần 5 năm sau đó vào ngày 3 tháng 6 năm 2020, Triệu Quân Sự tiếp tục trốn khỏi Trại giam T10 bằng cách trèo qua vọng gác rồi bám vào đường ống dẫn nước xuống đất trốn ra ngoài.[17] Tối cùng ngày, phạm nhân đã cướp một chiếc điện thoại di động và một chiếc xe máy từ người dân ở huyện Núi Thành, Quảng Nam và sau đó bán chiếc điện thoại cho một tiệm cầm đồ gần đó được 700.000 đồng. Chiều ngày hôm sau đó, lực lượng chức năng đã phát hiện Triệu Quân Sự chạy xe máy ra tới đèo Hải Vân và yêu cầu dừng xe để tiến hành kiểm tra. Tuy nhiên Sự lại bỏ xe lại và trốn lên núi đến tối, và sau đó men theo đường rừng xuống biển bất chấp việc đèo đã bị phong toả,[18] đi đến Liên Chiểu rồi vào Đà Nẵng, đi bộ dọc đường ven biển vào Hội An lẩn trốn vài ngày, trước khi bị bắt tại một quán net ở Tam Kỳ mà Sự đã trú tại đây được một thời gian vào ngày 18 tháng 6 cùng năm.[19][20][21] Trong nửa tháng trốn chạy, Sự khai nhận đã thực hiện sáu vụ trộm cắp, bao gồm một xe máy, ba cái điện thoại di động và 6 triệu đồng tiền mặt.[22][23] Công an cũng thu giữ được quyển nhật kí của Sự, trong đó ghi chép tỉ mỉ về những việc đã làm sau khi vượt ngục.[24]

Đến ngày 18 tháng 12 năm 2020, Tòa án Quân sự Quân khu 5 đã mở phiên xét xử đối với Triệu Quân Sự về tội "Trốn khỏi nơi giam" và "Trộm cắp tài sản".[20][21] Tại phiên toà, Sự đã khai nhận lý do trốn trại là do "trại giam quá khắt khe", đồng thời cũng cho biết lần trốn tù này không có mục đích trốn thoát mà đã có dự định khi trốn được vài ngày thì sẽ bắt taxi về trại giam.[25] Bản án dành cho Sự sau đó tăng thêm sáu năm tù và phạm nhận được chuyển về Trại giam T-974 thuộc Cục Điều tra hình sự, Quân đội nhân dân Việt Nam tại xã Thành Long, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa.[5][26][27]

2022[sửa | sửa mã nguồn]

Khoảng 17:00 ngày 31 tháng 5 năm 2022, Triệu Quân Sự đã vượt ngục lần thứ 3 khi trốn khỏi trại giam.[3] Đến chiều ngày 1 tháng 6 cùng năm, lực lượng Công an xã Yên Dương, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá đã bắt được phạm nhân trên đường Quốc lộ 1 trong khi đang truy tìm đối tượng trên địa bàn tại một khu vực dân cư cách trại giam khoảng 30 km, khi đó Sự đang tìm cách để lẩn trốn sau khi vượt ngục.[28][29][30] Trong lời khai của mình, Sự cho biết đã lấy trộm hai chiếc xe đạp của người dân ven đường và bán đi một chiếc bị hỏng được 100.000 đồng để mua thức ăn ngay trước khi bị bắt.[30][31]

Ngay sau khi Triệu Quân Sự bị bắt, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã viết thư khen ngợi tới Công an tỉnh Thanh Hoá vì bắt được phạm nhân và đề nghị khen thưởng với những người đã tham gia vào quá trình bắt giữ Sự.[26][32][33] Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá Đỗ Minh Tuấn đã ký quyết định khen thưởng hai ngày sau khi Triệu Quân Sự bị bắt, theo đó tặng phần thưởng và bằng khen cho người dân và công an xã Yên Dương khi bắt được phạm nhân.[17] Công an tỉnh cũng ghi nhận việc bắt giữ được đối tượng là có sự hỗ trợ lớn từ người dân khi đã thông báo về sự xuất hiện của Sự tại chợ Vừng, xã Yên Dương.[34][35] Hiện Triệu Quân Sự đã được chuyển giao cho Cục Điều tra Hình sự, Bộ Quốc phòng để xử lý.[26][36]

Nhận định[sửa | sửa mã nguồn]

Triệu Quân Sự đã được truyền thông báo chí Việt Nam nhắc đến như là một ví dụ điển hình của những người nghiện game. Bài bình luận của báo Lao Động đã lấy Triệu Quân Sự và một vài trường hớp tương tự khác để so sánh với "những đứa trẻ béo trắng ởn, suốt ngày cắm mặt vào game" và cho rằng việc Triệu Quân Sự luôn cười khi bị bắt là "nụ cười của một đứa trẻ vô lo, vô nghĩ và vô tâm", cũng như đánh giá những việc mà Sự làm chỉ là "những bi kịch về những đứa trẻ đối mặt với bi kịch".[37] Một bài viết khác trên trang báo cũng bày tỏ sự đồng tình với quan điểm này, cho rằng hành vi nghiện game đã ảnh hưởng quan trọng tới cuộc sống của Sự, cũng như lấy ví dụ về Triệu Quân Sự để nhận xét rằng "từ thói quen nghiện game, ham chơi bỏ học đến trộm, cướp là ranh giới mong manh, dẫn đến là con đường phạm tội của giới trẻ, và thậm chí là giết người".[38] Trong loạt bài "Triệu Quân Sự và những lần trốn khỏi trại giam được đăng tải trên chuyên trang Công an Thành phố Hồ Chí Minh, báo Công an nhân dân, cây bút Thanh Hòa đã đánh giá những lần trốn trại của Triệu Quân Sự và những thủ đoạn của Sự để vượt ngục là "hết sức tinh vi" và nhận xét những lần bị bắt của Triệu Quân Sự đều diễn ra tại quán game là một minh chứng cho việc game đã khiến Sự "trượt dài trên con đường phạm tội".[39][40]

Bài phân tích trên trang Tiền phong đã phân tích việc Triệu Quân Sự trốn trại nhiều lần như vậy là vì việc giảm án đối với Sự rất khó khăn nên khiến anh rơi vào trạng thái tâm lý bất cần. Chuyên gia tâm lý tội phạm, tiến sĩ Đoàn Văn Báu đã liên tưởng việc nghiện game của Sự khiến Sự coi việc trốn trại là một trò chơi và "nếu càng vượt qua được cấp độ cao thì sự hứng thú lại tăng lên". Ông cũng cho rằng mục đích chính của Triệu Quân Sự khi vượt ngục nhiều lần không phải là để chơi game mà là vì "muốn vượt qua thử thách, được nổi tiếng, khao khát tự do và khẳng định bản thân", đồng thời cũng chỉ trích việc truyền thông và mạng xã hội đã tiếp tay kích thích cho Sự trốn trại khi cho biết nhiều cư dân mạng đã ca ngợi Triệu Quân Sự hơn cả nhân vật trong phim Vượt ngục.[41]

Nhiều tranh cãi xoay quanh trách nhiệm của trại giam T-974 trong việc để Triệu Quân Sự vượt ngục lần thứ ba đã dấy lên lo ngại về độ bảo mật của các trại giam tại Việt Nam. Tác giả Lê Thanh Phong viết cho báo Lao Động đã gọi Triệu Quân Sự là một "đối tượng rất manh động và nguy hiểm" và có "biểu hiện tâm lý không bình thường", cũng như nói rằng Sự không thể "xem thường pháp luật, coi pháp luật như trò đùa", đồng thời nhận xét rằng việc khen thưởng và xử phạt phải phân minh, cũng như yêu cầu các cơ quan chức năng phải kiểm điểm cơ sở trại giam vì đã để phạm nhân trốn trại.[42] Báo VietNamNet đã lấy vụ việc để lưu ý các trại giam cần xem xét lại quy trình giám sát và canh giữ phạm nhân cũng như cơ sở vật chất để vụ việc tương tự không xảy ra.[43] Báo điện tử Kiến Thức cũng suy luận từ vụ việc để khẳng định việc phạm nhân trốn trại hoàn toàn có thể xảy ra, nhưng vẫn rất khó để "trốn thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật".[44] Một số ý kiến trái chiều cũng dấy lên sau đó về các clip ghi lại cảnh bắt giữ Triệu Quân Sự đều cho thấy cảnh sát cười nói với phạm nhân, tuy nhiên điều này đã được giải thích sau đó là để nhằm tránh tạo không khí căng thẳng và có thể khiến đối tượng gây nguy hiểm cho những người xung quanh.[45] Cũng trên trang báo Lao Động, tác giả Trung Hiếu đã gọi nụ cười của Triệu Quân Sự là một nụ cười mang tính chế giễu, đồng thời cũng đặt câu hỏi trong việc cải tạo phạm nhân mang tính tích cực và phù hợp hơn so với hiện nay.[46]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b Lê Bằng, Hồ Giáp (19 tháng 6 năm 2020). “Hành trình 15 ngày vượt ngục lẩn trốn của Triệu Quân Sự”. VietNamNet. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2022.
  2. ^ Hoàng Lam (1 tháng 6 năm 2022). “Phạm nhân Triệu Quân Sự tiếp tục vượt ngục”. Tiền phong. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2022.
  3. ^ a b “Phạm nhân Triệu Quân Sự trốn trại lần thứ ba”. Tuổi Trẻ. 31 tháng 5 năm 2022. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2022.
  4. ^ a b c d e f g h i Minh Tiến (18 tháng 11 năm 2015). “Quá khứ bất hảo của phạm nhân trốn trại Triệu Quân Sự”. Công an nhân dân. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 28 tháng 6 năm 2022.
  5. ^ a b c d Bảo Nam (2 tháng 6 năm 2022). “Triệu Quân Sự, phạm nhân 3 lần vượt ngục có lý lịch bất hảo như thế nào?”. Công an Thành phố Đà Nẵng. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2022.
  6. ^ a b Quốc Bảo (1 tháng 6 năm 2022). “Những lần vượt ngục của phạm nhân Triệu Quân Sự”. Pháp luật Plus. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2022.
  7. ^ Danh Trọng (1 tháng 6 năm 2022). “Cục Cảnh sát hình sự huy động trinh sát tinh nhuệ truy bắt phạm nhân vượt ngục Triệu Quân Sự”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2022.
  8. ^ a b c “Nghi can giết chủ quán cà phê là binh nhì”. Thanh Niên. 25 tháng 8 năm 2012. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 28 tháng 6 năm 2022.
  9. ^ a b c d e Hiển Cừ (10 tháng 11 năm 2015). “Hai tù nhân phạm tội giết người, cướp của vượt ngục”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 28 tháng 6 năm 2022.
  10. ^ Đoàn Nguyên, Thanh Đức (5 tháng 6 năm 2020). “Kẻ sát nhân 2 lần trốn trại giam quân đội là người giỏi võ”. Zing News. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2022.
  11. ^ Trung Dũng (1 tháng 6 năm 2022). “Triệu Quân Sự - kẻ 3 lần vượt ngục”. VTC News. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2022.
  12. ^ a b T.Sự (13 tháng 11 năm 2015). “Khẩn trương truy bắt 2 tù nhân trốn trại”. Công an Thành phố Đà Nẵng. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2022.
  13. ^ Thái Thụy (12 tháng 11 năm 2015). “Hai phạm nhân nguy hiểm trốn trại là ai?”. An ninh Thủ đô. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 7 năm 2021. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2022.
  14. ^ a b T.Hoa. “Lời khai của hung thủ sát hại bà chủ quán cà phê Hương Sen”. Hànộimới. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 28 tháng 6 năm 2022.
  15. ^ a b c d e NT (18 tháng 6 năm 2022). “Sự trùng hợp kỳ lạ ở cuộc bắt giữ phạm nhân vượt ngục Triệu Quân Sự”. Tiền phong. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 6 năm 2021. Truy cập ngày 28 tháng 6 năm 2022.
  16. ^ a b Hải Bình (20 tháng 11 năm 2016). “Những thủ đoạn vượt ngục táo tợn”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 28 tháng 6 năm 2022.
  17. ^ a b Lê Hoàng (3 tháng 6 năm 2022). “Khen thưởng tập thể, người dân tham gia bắt Triệu Quân Sự”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2022.
  18. ^ Lữu Hương (5 tháng 6 năm 2020). “Phong tỏa núi Hải Vân, truy bắt phạm nhân tù chung thân”. Báo Chính phủ. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2022.
  19. ^ Thanh Nhật (18 tháng 6 năm 2022). “Đã bắt được Triệu Quân Sự, phạm nhân trốn trại ở Quảng Ngãi”. Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2022.
  20. ^ a b Trần Lộc, Trung Dũng (31 tháng 5 năm 2022). “Tên sát nhân Triệu Quân Sự lần thứ 3 trốn khỏi trại giam”. VTC News. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2022.
  21. ^ a b Đoàn Cường (18 tháng 12 năm 2020). “Triệu Quân Sự: Đang tù chung thân vẫn tiếp tục gây án”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2022.
  22. ^ Phú Linh (22 tháng 6 năm 2020). “Trong nửa tháng trốn trại: Triệu Quân Sự đã thực hiện 6 vụ trộm cắp”. Sức khỏe và Đời sống. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2022.
  23. ^ Đắc Thành (19 tháng 6 năm 2020). “15 ngày thoát vòng vây cảnh sát của Triệu Quân Sự”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2022.
  24. ^ Hoàng Quân (18 tháng 6 năm 2020). “Đã bắt được Triệu Quân Sự, kẻ mang án giết người trốn khỏi trại giam”. Công an Thành phố Hồ Chí Minh. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 2 năm 2022. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2022.
  25. ^ B.Vân (18 tháng 12 năm 2020). “Nếu không bị bắt, phạm nhân trốn trại Triệu Quân Sự sẽ làm gì?”. Người lao động. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2022.
  26. ^ a b c Quốc Bảo (2 tháng 6 năm 2022). “Bộ trưởng Công an gửi Thư khen Công an Thanh Hóa khi bắt được phạm nhân vượt ngục Triệu Quân Sự”. Pháp luật Plus. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2022.
  27. ^ “Án chung thân cho Triệu Quân Sự, đối tượng trốn trại vượt đèo Hải Vân”. Báo điện tử VOV. 18 tháng 12 năm 2020. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2022.
  28. ^ Trần Nghị, Tiến Dũng (1 tháng 6 năm 2022). “Triệu Quân Sự bị bắt cách trại giam gần 30km”. infonet.vietnamnet.vn. VietNamNet. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2022.
  29. ^ Trọng Bôn (1 tháng 6 năm 2022). “Video nóng: Khoảnh khắc bắt phạm nhân Triệu Quân Sự”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2022.
  30. ^ a b L.Kiên, H.Đồng, D.Trọng, P.Tuấn (1 tháng 6 năm 2022). “Triệu Quân Sự bị bắt tại Thanh Hóa”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2022.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết)
  31. ^ Hoàng Lam (2 tháng 6 năm 2022). “Triệu Quân Sự bán chiếc xe đạp lấy cắp cho ai?”. Tiền phong. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2022.
  32. ^ Lê Tú (1 tháng 6 năm 2022). “Bộ trưởng Công an có thư khen lực lượng truy bắt đối tượng Triệu Quân Sự”. Nhân Dân. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2022.
  33. ^ Nguyễn Hưởng (1 tháng 6 năm 2022). “Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị khen thưởng tập thể, cá nhân bắt giữ Triệu Quân Sự”. Người lao động. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2022.
  34. ^ Hà Đồng (2 tháng 6 năm 2022). “Bắt được phạm nhân vượt ngục Triệu Quân Sự có hỗ trợ lớn của nhân dân”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2022.
  35. ^ Thái Thanh (2 tháng 6 năm 2022). “Phát huy sức mạnh toàn dân trong việc bắt đối tượng Triệu Quân Sự”. Cổng thông tin điện tử công an tỉnh Thanh Hóa. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2022.
  36. ^ Hoàng Lam (2 tháng 6 năm 2022). “Triệu Quân Sự và 3 lần vượt ngục: Xử lý phạm nhân nguy hiểm thế nào?”. Tiền phong. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2022.
  37. ^ Anh Đào (19 tháng 6 năm 2020). “Triệu Quân Sự và những đứa trẻ béo trắng ởn, suốt ngày cắm mặt vào game”. Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2022.
  38. ^ Thanh Hải (19 tháng 6 năm 2020). “Sự bất hảo của Triệu Quân Sự và cảnh báo cho những học trò nghiện game”. Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2022.
  39. ^ Thanh Hòa (2 tháng 6 năm 2022). “Triệu Quân Sự và những lần trốn khỏi trại giam: Bề dày bất hảo (kỳ 1)”. Công an Thành phố Hồ Chí Minh. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2022.
  40. ^ Thanh Hòa (3 tháng 6 năm 2022). “Triệu Quân Sự và những lần trốn khỏi trại giam: Cái kết của kẻ nghiện game (kỳ cuối)”. Công an Thành phố Hồ Chí Minh. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2022.
  41. ^ Thanh Hà (3 tháng 6 năm 2022). 'Giải mã' tâm lý phạm nhân Triệu Quân Sự”. Tiền phong. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2022.
  42. ^ Lê Thanh Phong (2 tháng 6 năm 2022). “Triệu Quân Sự không thể xem pháp luật là trò đùa, vượt ngục là "game". Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2022.
  43. ^ T.Nhung (2 tháng 6 năm 2022). “Triệu Quân Sự trốn trại, tâm lý bất ổn hay coi thường pháp luật”. VietNamNet. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2022.
  44. ^ Hải Ninh (2 tháng 6 năm 2022). “Sát nhân Triệu Quân Sự bỏ trốn: Trách nhiệm trại giam T-974?”. Kienthuc.net. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2022.
  45. ^ Mạnh Đoàn (20 tháng 6 năm 2020). “Chuyên gia lý giải vì sao công an thân mật cười nói với Triệu Quân Sự”. VTC News. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2022.
  46. ^ Trung Hiếu (4 tháng 6 năm 2022). “Thấy gì sau 3 lần vượt ngục của Triệu Quân Sự”. Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2022.

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]