Thảo luận:DNA

Nội dung trang không được hỗ trợ ở ngôn ngữ khác.
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
(Đổi hướng từ Thảo luận:ADN)

bài viết này có quá nhiều chi tiết, có thể lược bỏ hay rút ngắn lại - ví dụ: - phần ứng dụng khoa học DNA trong thực tiễn: đề cập ngắn gọn hay chỉ cần ghi tiêu đề - phần đặc tính lý hóa: rút gọn - phần DNA sợi đơn và cơ chế sửa lỗi đột biến: lược bỏ vì không thực sự cần thiết ... vài đóng góp nhỏ, hi vọng có thể giúp đề tài này nhanh hoàn thiện.Mn17 14:28, ngày 11 tháng 4 năm 2007 (UTC)[trả lời]

DNA khi được đọc sang tiếng Việt sẽ là Axit deoxyribonucleic. Vì vậy theo tôi nên đổi tên bài thành ADN. Nhiều tài liệu giáo khoa của VN đều sử dụng tên gọi này. Cả trường hợp RNA cũng vậy. NAD thảo luận 12:05, ngày 12 tháng 1 năm 2008 (UTC)NAD[trả lời]

Tôi cũng hoàn toàn đồng ý, nên đổi tên bài là ADN. Trong sách giáo khoa sinh học và trên báo chí Việt Nam toàn dùng ADN mấy chục năm nay.Future ahead (Thảo luận · Đóng góp) 17:46, ngày 16 tháng 1 năm 2017 (UTC)[trả lời]
Vấn đề nếu cập nhật với xu thế thế giới sử dụng Anh ngữ thì không nên giữ cái tàn dư Pháp ngữ kiểu ADN, ARN, axít,… trong thuật ngữ khoa học. Sử dụng DNA, RNA, Acid… thế cho dễ với ngoại quốc. Mà hình như, Pháp hiện tại cũng sử dụng DNA, RNA… rồi. VdKNG – 2001:EE0:E4FE:BBF0:7489:2EA6:3788:55A5 (thảo luận) 21:18, ngày 21 tháng 11 năm 2022 (UTC)[trả lời]

Hoàn toàn đồng ý. Theo google thì thấy trong tiếng Việt, ADN phổ biến hơn nhiều.--V (thảo luận) 12:16, ngày 12 tháng 1 năm 2008 (UTC)[trả lời]

Tên bài viết[sửa mã nguồn]

Xin phép được hỏi, bạn P.T.Đ di chuyển bài viết này từ ADN thành DNA vì lí do gì? Theo những gì tôi và hàng triệu người khác được học ở phổ thông, thứ này trong tiếng Việt được gọi là ADN. Tran Xuan Hoa (thảo luận) 12:29, ngày 4 tháng 1 năm 2017 (UTC)[trả lời]

@Tran Xuan Hoa: Bạn có thể xem qua các ý kiến ở thảo luận này tại mục Ứng cử BVCL. Thân! P.T.Đ (thảo luận) 12:32, ngày 4 tháng 1 năm 2017 (UTC)[trả lời]
Cùng chung thắc mắcFuture ahead (Thảo luận · Đóng góp) 17:46, ngày 16 tháng 1 năm 2017 (UTC)[trả lời]
Thắc mắc của các bạn đã được tác giả viết bài chính trả lời trong thảo luận mà tôi đưa link. Mời xem qua. P.T.Đ (thảo luận) 00:48, ngày 17 tháng 1 năm 2017 (UTC)[trả lời]
Good job. Phiên bản hiện tại khá ổn rồi. Nếu bạn nào rảnh viết thêm được mục lịch sử tên gọi và độ phổ biến của các tên gọi thì tuyệt. ADN định hướng cũng về đây thôi. Future ahead (Thảo luận · Đóng góp) 02:41, ngày 17 tháng 1 năm 2017 (UTC)[trả lời]
Theo quy định về tên bài viết của Wikipedia tiếng Việt thì tên bài phải là tên phổ biến nhất. Trong tiếng Việt ADN phổ biến hơn DNA, bài này cần được đổi trở lại tên cũ. Kiendee (thảo luận) 09:35, ngày 25 tháng 4 năm 2017 (UTC)[trả lời]

Giới hạn nào nên được đặt ra cho sự "hòa nhập", khi mà dường như, "hòa nhập" đang là một cái cớ tốt để Anh hóa các từ ngữ, đè chết các từ ngữ bản địa ? Михаил Александрович Шолохов (thảo luận) 08:03, ngày 21 tháng 8 năm 2017 (UTC)[trả lời]

Mình cũng cho là ADN là từ phổ biến hơn. Bình thường ta vẫn đọc là "a-đê-en" mà.Hugopako (thảo luận) 10:02, ngày 21 tháng 8 năm 2017 (UTC)[trả lời]

Trả lời Sholokhov, và những bạn trên[sửa mã nguồn]

Xin phép được chuyển hai câu hỏi của Sholokhov từ trang thảo luận cá nhân đến đây, vì nơi đây Sholokhov cũng đã đưa một câu hỏi tương tự hai câu trên, tuy gọn hơn. Và có lẽ trả lời tại đây sẽ phù hợp hơn. Toàn văn hai câu hỏi:

Người ta có thể đặt ra giới hạn nào cho việc "quốc tế hóa" hoặc "dùng từ quốc tế" để đảm bảo sự cân bằng của việc "không cô lập" với "giữ bản sắc" ? Dường như "quốc tế hóa" có thể là một lý do tốt để "Anh hóa" các từ ngữ, làm giảm mức độ sử dụng của các thuật ngữ/từ ngữ bản địa, và dường như hạ thấp địa vị của từ ngữ bản địa so với tiếng Anh ? Михаил Александрович Шолохов (thảo luận) 08:09, ngày 21 tháng 8 năm 2017 (UTC)


Khi đọc hai câu hỏi trên, một câu hỏi yêu cầu trả lời, một câu hỏi tu từ, kèm chủ đề bàn luận có vẻ quá tầm cỡ, trình độ và kinh nghiệm thảo luận, tôi tạm nghĩ mình khó có thể đáp ứng một trả lời toàn vẹn cho hai câu hỏi trên, nên xin phép được phản hồi nhẹ nhàng, chủ yếu xoay quanh việc: "hai tên DNA/ADN (tên chủ thể của bài viết này) với việc sử dụng hợp lý những thuật ngữ 'quốc tế', trong đảm bảo cân bằng giữa 'quốc tế hóa' thuật ngữ/từ ngữ với 'từ ngữ bản địa', với việc 'không cô lập' và với 'giữ bản sắc'."

Trước nhất, hai tên DNA/ADN, hai tên chỉ cùng một chủ thể, chủ thể là một phân tử sinh học nổi tiếng. Xét về hai tên này, có lẽ nhiều người thừa biết là tên viết tắt, còn viết tắt cho gì, thì dưới đây:

  • DNA: là tên viết tắt trong trường hợp ngôn ngữ có cấu trúc ngữ pháp "phụ trước chính sau", tính từ đứng trước danh từ để bổ nghĩa cho danh từ đứng sau, như tiếng Anh: DNA viết tắt cho Deoxyribonucleic acid, và hiện nay, tôi nghĩ đa phần mọi người đều thừa nhận tiếng Anh là một ngôn ngữ quốc tế, thông dụng toàn cầu, nên thuật ngữ DNA cũng là một thuật ngữ quốc tế, thông dụng trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt là sinh học, tầm quốc tế.
  • ADN: là tên viết tắt trong trường hợp ngôn ngữ có cấu trúc ngữ pháp "chính trước phụ sau", tính từ đứng sau danh từ để bổ nghĩa cho danh từ đứng trước, như tiếng Pháp: ADN viết tắt cho Acide désoxyribonucléique (dù trong tiếng Pháp, tính từ có thể đứng cả trước lẫn sau danh từ tùy trường hợp), hay tiếng Việt: Axit deoxyribonucleic[1][2] (trích từ hai cuốn sách giáo khoa tổng hợp về sinh học, được dịch từ phiên bản tiếng Anh tương ứng, một của NXB Giáo dục, một của NXB Trẻ; thoáng qua cụm "deoxyribonucleic", có lẽ họ đã giữ nguyên, tức phiên chuyển, không phiên âm (kiểu như "đêôxiribônuclêic" trong sách giáo khoa sinh học tiếng Việt hiện hành) từ từ gốc tiếng Anh, và lối phiên chuyển như vậy hầu như được wiki áp dụng khá triệt để, như "Sholokhov" thay vì "Sô-lô-khốp", xin lạm bàn chút về khoản này)

Như vậy, rõ ràng, ADN là tên viết tắt hợp lý về mặt cấu trúc ngữ pháp trong tiếng Việt, có thể xem là giữ được cái "hồn", cái "bản sắc" thứ tự tính từ đứng sau danh từ của tiếng Việt (còn việc ADN có là "từ ngữ bản địa" hay không, thì do không rõ lắm bốn chữ "từ ngữ bản địa", chẳng là trong trường hợp loài bản địa, thuật ngữ chỉ những loài có gốc gác địa phương trong một khu vực nhất định, không du nhập từ nơi khác; trong khi ADN và tên đầy đủ của nó lại là từ mượn, dẫn đến mâu thuẫn về mặt ý nghĩa, nên xin không bàn đến). ADN, một từ viết tắt có lẽ mượn từ tiếng Pháp theo dòng lịch sử, lại phù hợp với lối ngữ pháp tiếng Việt, có thể tạm xem là một tên mang "bản sắc Việt"; đồng thời, sự phổ biến rộng rãi của tên viết tắt ADN là điều không thể chối cãi trên phạm vi toàn diện xã hội, tất nhiên không kể đến những phạm vi chuyên biệt. Dẫn đến, việc chọn tên viết tắt ADN là phù hợp trong việc giữ "bản sắc", và đảm bảo tính phổ biến đại chúng-một ưu tiên quan trọng trong việc đặt tên bài tại Wikipedia.

Và, cũng rõ ràng, DNA là tên viết tắt trong tiếng Anh (và những ngôn ngữ có cấu trúc ngữ pháp tương tự), một ngôn ngữ quốc tế, nên có thể xem là một thuật ngữ quốc tế, sử dụng thông dụng trong nghiên cứu khoa học ở tầm quốc tế. Nếu dựa vào tính quốc tế này, mà chọn sử dụng tên viết tắt DNA, có lẽ sẽ thích hợp để đảm bảo tính hội nhập, tính quốc tế hóa; một văn bản khoa học tiếng Việt nghiên cứu về đại phân tử này, mà tràn ngập đầy ba chữ cái DNA để biểu thị cho phân tử đó, thì nhìn có vẻ có tính quốc tế thật, dù khi so với ADN, việc sử dụng DNA lại mất đi cái bản sắc thứ tự, đọc cũng hơi lạ miệng và quan trọng là hầu như chỉ gói gọn trong hoạt động nghiên cứu khoa học; ngoài xã hội tên DNA cũng có thể xuất hiện đâu đấy, nhưng ADN vẫn phổ biến hơn cả, vì ấn tượng ban đầu là thứ quyết định, khi giáo dục phổ thông vẫn còn sử dụng tên này. DNA, nếu chọn tên này vì lý do tính quốc tế, tính hội nhập, thì buộc lòng phải hi sinh cái phổ biến, cái "bản sắc" của ADN trong tiếng Việt. Vậy sự hi sinh này có đáng không? Tôi nghĩ là đáng, ít nhất là về mặt "bản sắc", vì cả hai tên viết tắt trên đều là từ mượn, nên ý nghĩa của hai chữ "bản sắc" đã vơi đi nhiều phần, so với cái "bản sắc" nửa vời của ADN thì tính quốc tế của DNA lại hơn hẳn. Còn tính phổ biến thì sao, đáng để hi sinh không? Tôi nghĩ vấn đề này phải nói là rất khó khăn, muốn thay đổi thói quen là điều không hề dễ dàng, nhưng nếu thật sự tôn vinh tính quốc tế, thì việc thay đổi dần dà cũng sẽ xong, tập trung vào những bài khoa học thuần túy trước, rồi ra ngoài xã hội sau. Vì tính quốc tế, những bài khoa học thuần túy như bài viết trên wiki này cần sử dụng tên viết tắt DNA, bỏ qua yêu cầu về mặt phổ biến của từ ngữ, khi yêu cầu này chỉ mang tính thường lệ, không áp dụng cho cá biệt, không phải là bắt buộc hoàn toàn. AIDS/SIDA cũng là một cặp cá biệt gần như vậy.

Bỏ được cái "bản sắc", cái phổ biến, để chọn một cái tên quốc tế thì đạt được lợi ích gì? Chắc chắn với tên viết tắt quốc tế thì bài viết trên viwiki có thể thống nhất hơn với thế giới về mặt thuật ngữ. Nhưng cụ thể hơn, trong tầm nhìn nhỏ hẹp của tôi, thì tính quốc tế của DNA lại đảm bảo được sự đơn nghĩa của thuật ngữ, một lợi ích thực tế, thiết thực và quan trọng có được từ tính quốc tế khi so với ADN. Đọc câu này: "Trình tự ADN của mtDNA cũng đã được xác định cho một số lượng lớn các sinh vật và cá thể...", trích từ phiên bản cũ của bài viết DNA ty thể do BacLuong viết chính, sẽ thấy điểm yếu quan trọng khi sử dụng ADN thay vì DNA, đó là không thống nhất với các thuật ngữ phái sinh, không đảm bảo tính đơn nghĩa của thuật ngữ, một chủ thể mà lại có đến hai thuật ngữ để biểu thị. Như vậy, sử dụng DNA sẽ đảm bảo được sự thống nhất với các thuật ngữ phái sinh, tránh tình trạng những câu lủng củng như trên, đảm bảo được sự đơn nghĩa của thuật ngữ, nhất là khi đối với bài viết này [DNA], đầy rẫy những thuật ngữ phái sinh như: eDNA, A-DNA, B-DNA, dsDNA, ssDNA, DNAzyme... những thuật ngữ có thể gọi là bất di bất dịch, khó chuyển lại theo kiểu tiếng Việt được, đập đi xây lại quá khó và có lẽ bất khả thi, nên dùng luôn một từ cho thống nhất với quốc tế là điều hợp lý.

Vậy, với những ưu điểm trên, tôi chọn DNA, và trong lần ứng cử bài này hồi tháng 12 năm ngoái, cũng có ba thành viên đồng ý với việc chọn này. Thật ra thì vẫn còn một vấn đề nho nhỏ đối với việc sử dụng thuật ngữ DNA, đó là không tương thích với tên đầy đủ "Axit deoxyribonucleic" trong tiếng Việt, nên trong bài viết tôi có ghi theo kiểu nước đôi, là "DNA, trong tiếng Việt gọi là Axit deoxyribonucleic", chứ không phải là "viết tắt của". Cách viết này cũng xuất hiện trong hai cuốn sách mà tôi đề cập ở trên, và Wikipedia tiếng Indonesia.

Trên đây là câu trả lời của tôi về một khía cạnh nhỏ trong hai câu hỏi trên của Sholokhov, về việc lựa chọn DNA hay ADN, một vấn đề không chỉ Sholokhov mà nhiều bạn khác cũng đang có khúc mắc. Có thể là tôi đã cố gắng hết sức trả lời nghiêm túc, nhưng căn bản do ít kinh nghiệm thảo luận, nên câu trả lời có hơi dài thòng, hay thiếu sót gì đấy, tệ hơn là không tới đích, cũng mong mọi người giúp cải thiện thêm. Cảm ơn! P.T.Đ (thảo luận) 17:45, ngày 22 tháng 8 năm 2017 (UTC)[trả lời]

  1. ^ Harvey Lodish, Arnold Berk, Chris A. Kaiser, Monty Krieger, Anthony Bretscher (Bản dịch: Nhiều tác giả) (2012). “4”. Molecular Cell Biology (Sinh học phân tử của tế bào). Tập 2. Di truyền học và sinh học phân tử (ấn bản 7). Hoa Kỳ (Bản dịch: Việt Nam): W. H. Freeman (Bản dịch: Nhà xuất bản Trẻ). tr. 2. ISBN 9781429234139. Truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2017.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết)
  2. ^ Neil A. Campbell, Jane B. Reece, Lisa A. Urry, Michael L. Cain, Steven A. Wasserman, Peter V. Minorsky, Robert B. Jackson (Bản dịch: Nhiều tác giả) (2008). “5”. Biology 8th Edition (Sinh học) (ấn bản 8). Hoa Kỳ (Bản dịch: Việt Nam): Pearson Benjamin Cummings (Bản dịch: Nhà xuất bản Giáo dục). tr. 86. ISBN 978-0805368444. |ngày truy cập= cần |url= (trợ giúp)Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết)
@P.T.Đ: Về cơ bản, nếu như tôi được chọn thì tôi không viết mtDNA mà sẽ viết "ADN ti thể", nó bất tiện cho tôi (người viết) vì phải viết dài, nhưng nó tiện hơn cho người đọc (không phải mất công suy nghĩ xem mt là cái gì), và nó đảm bảo Việt hóa ở mức độ cao hơn so với mtDNA.
Đồng thời tôi cũng muốn trình bày rằng, đây là văn bản viết bằng tiếng Việt và đối tượng chủ yếu nó phục vụ là người đang sử dụng tiếng Việt làm công cụ đọc hiểu chủ đạo, và đó là một lý do tại sao tôi mong muốn có sự ưu tiên về tính Việt hơn những cái khác. Các ngôn ngữ khác cũng có quyền như thế và trong nhiều trường hợp họ đã sử dụng quyền đó. Михаил Александрович Шолохов (thảo luận) 04:51, ngày 23 tháng 8 năm 2017 (UTC)[trả lời]
@Sholokhov: Về "mtDNA" và "ADN ty thể", việc chuyển từ viết một từ viết tắt sang viết một từ mang ý nghĩa đầy đủ của từ viết tắt đó, mà trong bối cảnh đơn giản nhất là hai từ thuộc về hai ngôn ngữ khác nhau, nên có thể xem đây là việc dịch từ "mtDNA" thành từ "ADN ty thể", một từ viết tắt, một từ mang ý nghĩa đầy đủ của từ viết tắt, và có thể xem là một ánh xạ không cùng bản chất trong quá trình dịch thuật. Bỏ qua các biến đổi để đảm bảo văn phong khi dịch thuật, việc dịch ánh xạ đúng bản chất là điều quan trọng trong dịch thuật ngữ khoa học. Từ tiếng Việt "ADN ty thể" có từ tương đương trong tiếng Anh là "Mitochondrial DNA", không nên là từ viết tắt của nó. Từ viết tắt tiếng Anh "mtDNA" hiện chưa có từ viết tắt tương đương trong tiếng Việt, dù rằng các nhà khoa học có thể phát minh một từ viết tắt mới chẳng hạn như "ADNtt", nhưng có lẽ họ đã không chọn cách này, mà mượn luôn từ viết tắt tiếng Anh trên, tính quốc tế và tiện dụng trong nghiên cứu khoa học có thể là lý do lớn của việc này. Thật ra, nếu không quá cứng nhắc, nếu chấp thuận việc cho rằng từ viết tắt có cùng bản chất với từ đầy đủ của nó, ở phương diện đều là những từ cùng chỉ một chủ thể duy nhất, chỉ khác biệt ở cách trình bày, thì vẫn có thể tạm xem là một cách dịch ánh xạ đúng bản chất. Nhưng thực tế, lối dịch từ từ viết tắt trong ngữ gốc sang từ đầy đủ trong ngữ đích không thể nào lấp đầy mọi trường hợp trình bày và yêu cầu kiến thức, chuyên môn có thể xảy ra, dài có lẽ là một lý do đơn giản nhất. Và thực tế cũng cho thấy từ viết tắt có địa vị riêng của nó trong trình bày văn bản và giao tiếp, như mọi người sẽ thích đọc/viết DNA/ADN hơn là tên đầy đủ của chúng, hoặc là các tên WHO, WTO, NATO, ASEAN thay vì tên đầy đủ của tổ chức, hiệp hội, khả năng cao là vậy. Vì cách dịch ánh xạ không đúng bản chất, ít nhất là về mặt trình bày, vì không thể đảm bảo tương thích mọi trường hợp văn cảnh, yêu cầu chuyên môn có thể xảy ra và vì từ viết tắt có chỗ đứng riêng của nó, nên việc lựa chọn tên đầy đủ thay cho tên viết tắt không phải là lựa chọn tối ưu trong tất cả trường hợp, điển hình như trường hợp "msDNA", viết tắt cho "Multicopy single-stranded DNA", tạm dịch là "DNA mạch đơn đa sao chép". Vì vậy, để ưu tiên sự tối ưu và phổ quát, phải dùng từ viết tắt để dịch từ viết tắt, mà tiếng Việt lại không có/không nhất thiết phải có từ viết tắt tương đương, nên mượn và lựa chọn "mtDNA" là điều hợp lý. Và nếu chọn "mtDNA" thì tất nhiên phải chọn "DNA" để đảm bảo sự thống nhất với thuật ngữ phái sinh, như đã nói ở trên. Còn về việc gây bất tiện cho người đọc, thì nếu nhìn theo một phương diện khác, rằng nên có ít chướng ngại vật như vậy để người đọc thêm tò mò và cất công tìm hiểu thêm, và khi biết được nhiều hơn, có thể họ sẽ cảm thông với việc lựa chọn như vậy, tất nhiên là tuyệt đối tiết chế, không lạm dụng, làm khó người đọc. Và ở mức độ Việt hóa, tôi nghĩ cũng khó có thể nói "ADN ty thể" Việt hóa hơn "mtDNA" khi như trên đã xem mtDNA là từ viết tắt mượn từ tiếng Anh, nên lúc này có thể xem nó cũng là một từ viết tắt trong tiếng Việt, nếu tuân thủ tính đơn ánh khi dịch thuật đơn thuần.
"Một văn bản viết bằng tiếng Việt, phục vụ chủ yếu người đọc tiếng Việt, là một lý do để ưu tiên tính Việt, so với những tính khác [như thống nhất, hội nhập]. Ngôn ngữ khác cũng có quyền ưu tiên tính đặc thù, hay tính bản địa của ngôn ngữ như vậy, và đã sử dụng quyền này trong nhiều trường hợp." Tính Việt trong tiếng Việt, hay tổng quát là tính bản địa của ngôn ngữ, được ưu tiên hơn những tính khác là điều dễ hiểu, khi ngôn ngữ phục vụ chủ yếu người biết ngôn ngữ đó, đặc biệt là những người sử dụng ngôn ngữ đó làm công cụ đọc hiểu chính. Quyền ưu tiên tính bản địa, mà "các ngôn ngữ đã sử dụng trong nhiều trường hợp", không dễ áp dụng được trong hiện thực giao lưu mạnh mẽ giữa các ngôn ngữ thời nay. Tính bản địa bị tính quốc tế, hội nhập lấn lướt, phần nhiều là vì lý do chênh lệch về khả năng, giới hạn của sức biểu đạt vốn từ của chính bản thân ngôn ngữ, cùng ưu điểm thống nhất, phổ quát của ngữ gốc mà dịch sang ngữ đích khó đạt được. Tiếng Anh, thứ tiếng thông dụng quốc tế, thứ tiếng làm các ngôn ngữ sử dụng hệ chữ Latin khốn đốn ở phương diện xâm phạm đến bản chất bản địa "thiêng liêng" của ngôn ngữ, lại rất có thể là thứ tiếng hi sinh cao nhất tính bản địa của mình.
Trên môi trường Wikipedia tiếng Anh, không khó để tìm thấy những bài viết về các nhân vật, địa danh, món ăn Việt Nam, và cũng dễ dàng thấy được cái "hồn", cái "bản địa" của tiếng Việt đang chễm chệ tồn tại trên những văn bản Anh ngữ đó. Cái "hồn" ấy, ở đây là hệ thống sáu dấu thanh vắt lên những từ ngữ tiếng Việt, thể hiện chất âm thanh trầm bổng của một ngôn ngữ thanh điệu, mà một ngôn ngữ không thanh điệu như tiếng Anh không thể biểu đạt toàn vẹn, dẫn đến trong các văn bản tiếng Anh tồn tại hai lớp từ vựng tiếng Việt, một bị Anh hóa, một chưa/không bị. Nhóm từ bị Anh hóa có thể là do thói quen, yếu tố lịch sử, dễ Anh hóa và kha khá từ tiếng Việt chỉ có thanh ngang, tiện trong nhúng vào văn bản tiếng Anh mà không bị vênh; nhóm chưa/không bị khả năng là do quá trình du nhập, giao lưu quá nhanh, không kịp tạo ra một tiêu chuẩn để Anh hóa từ vựng tiếng Việt cho văn bản tiếng Anh, và vì việc Anh hóa đó có thể khiến tính toàn vẹn âm thanh của từ ngữ tiếng Việt bị mất đi do hạn chế trong sức biểu đạt chất thanh điệu của Anh ngữ, một từ tiếng Việt không dấu có thể là nhiều từ nữa khi gán dấu vào, nên chúng, thứ chữ Việt rặt, vẫn ung dung hiện diện trên những văn bản Anh ngữ, ít nhất là trong môi trường enwiki. Vậy nên, qua ví dụ trên, thứ quyền "đã được sử dụng trong nhiều trường hợp", quyền ưu tiên tính bản địa, lại chưa thể, và không thể áp dụng toàn vẹn lên mọi trường hợp. DNA là một trường hợp cá biệt như vậy.
Xét thêm về cái gọi là tính Việt của cặp DNA/ADN. Như thế này, việc nghĩ rằng ADN có tính Việt hơn DNA, khả năng là do mối liên đới của từ viết tắt này với tên đầy đủ của nó, Axit deoxyribonucleic, một cái tên giữ được chất bản địa thứ tự đặc trưng của tiếng Việt, nên có thể suy ra từ viết tắt ADN cũng có tính Việt, được "truyền từ" tên đầy đủ đó, và tính Việt hơn DNA, là do mối liên đới này. Vậy khi vứt đi mối liên đới này thì sao, tức khi du nhập vào quần chúng người Việt kiến thức đại phân tử sinh học này, chỉ được gọi vỏn vẹn bằng một tổ hợp ba chữ cái, thì dù là ADN hay DNA, cũng đều chẳng có tính Việt nào ở đây cả với hai cái tên này, vì đây chỉ đơn thuần là tổ hợp bộ ba chữ cái, chẳng thể hiện được chất Việt nào trong hai tổ hợp này. Và việc xóa nhòa mối liên đới giữa tên viết tắt và tên đầy đủ khiến ADN và DNA bình đẳng với nhau về tính Việt khả năng là tồn tại, khi trong bình diện xã hội, đa phần mọi người đều gọi phân tử sinh học này bằng tên viết tắt của nó, không mảy may chú ý gì với cái tên đầy đủ, hay xem xét tính Việt của cái tên ADN là từ đâu ra. Vậy, nếu như cho rằng thật sự không có mối liên đới trên, lý do khiến DNA/ADN bình đẳng về tính Việt, khi mọi người không quan tâm chú ý, lại gọi tên một cách hằng định theo thói quen mà cốt không dựa vào tính Việt của cái tên, mà tại sao ADN vẫn phổ biến hơn so với DNA trong phạm vi toàn diện xã hội? Theo tôi, nguyên nhân rất đơn giản, chính là vì hiệu ứng "ấn tượng ban đầu". Người Việt, những người sử dụng tiếng Việt nhiều nhất, được dạy tại trường phổ thông, là sử dụng tên ADN cho phân tử sinh học này, như Tran Xuan Hoa đã đề cập phía trên, rồi những người được học lại truyền đến những người chưa học hay không có điều kiện học, và tên ADN dần phổ biến trong xã hội từ việc tiếp xúc, ấn tượng ngay từ đầu với cái tên này, còn DNA thì được tiếp xúc sau/hoặc không có hoàn cảnh để tiếp xúc, khó mà đạt được ưu thế như cái tên tiếp xúc đầu ADN. Một trường hợp khá thú vị vừa giống vừa ngược với cặp DNA/ADN ở phương diện ấn tượng ban đầu đã tác động mạnh mẽ đến sự phổ biến, là "Axit docosahexaenoic", thoạt nghe thì hiếm ai biết đây là thứ gì, nhưng khi nghe tên viết tắt ngoại nhập của nó, "DHA", đa phần đều hiểu là một chất tốt cho trí não, trí thông minh. Không được dạy trong trường phổ thông, nhưng ấn tượng ban đầu do truyền thông, nhà đài, quảng cáo đã khiến cái tên DHA được khắc sâu vào tâm trí để biểu thị cho thứ phân tử tốt não đó, và phổ biến lan rộng, bất chấp tính Việt có hay không của cái tên này. Đây cũng là một ví dụ hay cho việc tước bỏ mối liên đới giữa tên viết tắt và tên đầy đủ, vì ngay từ đầu trong đại chúng, mọi người tiếp xúc ngay với một tên viết tắt để biểu thị một phân tử, không màng đến tên đầy đủ, đến tính Việt, mà vẫn chễm chệ xuất hiện trên những văn bản đại chúng, và có thể là khoa học. Một ADN viết tắt theo tên đầy đủ tiếng Việt, một DHA viết tắt theo tên đầy đủ tiếng Anh, khác nhau về nguồn gốc viết tắt, và có thể là hàm lượng tính Việt, nhưng lại giống nhau về nguồn gốc của sự phổ biến là do ấn tượng ban đầu, mà nếu dùng thước đo phổ biến để đặt tên bài tại đây, những bài bách khoa khoa học thuần túy, sẽ không đảm bảo được tính thống nhất, một yêu cầu quan trọng của bài viết khoa học. Xin lạm bàn chút về tính phổ biến này, vì muốn sẵn trả lời cho những bạn trên rằng "phổ biến" không phải là một thước đo tốt để đề tựa trong trường hợp tên bài phức tạp như vậy.
Vậy chốt lại, xét cơ bản về hai tên DNA và ADN, thì tốt nhất là không nên xem tên nào có tính Việt hơn tên nào, vì ở cấp độ đơn thuần coi chúng là những tổ hợp bộ ba chữ cái, thì cả hai tên DNA lẫn ADN đều chẳng có tính Việt gì cả, nên việc ưu tiên cho DNA, một tên viết tắt quốc tế, là điều hợp lý, chẳng ảnh hưởng gì đến địa vị bản địa của ngôn ngữ; còn ở cấp độ chồng thêm lớp liên đới giữa tên viết tắt và tên đầy đủ, khiến xuất hiện lối suy nghĩ cho rằng tên viết tắt ADN có tính Việt, được thừa hưởng từ tên đầy đủ, hơn hẳn DNA, nhưng rõ ràng thực tế đã chỉ ra, mối liên đới này là mơ hồ, hiếm ai quan tâm, để ý đến cái tên đầy đủ và sự liên quan giữa tên đầy đủ và tên viết tắt, mà thực chất, đa phần mọi người gọi thứ phân tử này là ADN chủ yếu là vì hiệu ứng "ấn tượng ban đầu", thứ tạo nên tính phổ biến rộng rãi của ADN và trường hợp thú vị DHA, mà không phải gọi nhiều là do tính Việt được bổ sung từ lớp liên đới nếu có của ADN, nên dù cho có lớp ngữ nghĩa này, tính quốc tế và thống nhất của DNA vẫn ưu điểm hơn tính Việt nửa vời của ADN, thứ tính không làm nên sự phổ biến đại chúng của bản thân tên tắt. Tóm lại, trong một điều kiện mà DNA lẫn ADN đều bình đẳng với nhau về tính Việt, thì sự ưu tiên cái nào lúc này phụ thuộc vào những tính khác, và tất nhiên tính quốc tế, hội nhập, thống nhất và tiện dụng trong văn bản khoa học của DNA đã chiếm ưu thế tuyệt đối. P.T.Đ (thảo luận) 15:19, ngày 24 tháng 8 năm 2017 (UTC)[trả lời]

Không nên thực hiện công việc "xóa nhòa mối liên đới giữa tên viết tắt và tên đầy đủ", bởi vì đó là chúng ta đã tự ý cắt bỏ một mối liên hệ, thuộc tính có thật của đối tượng để thay đổi bản chất đối tượng theo quan điểm chủ quan. ADN và DNA KHÔNG bình đẳng về tính Việt và chúng ta không nên "xem như" mối liên hệ đó không có để kết luận rằng 2 cái đó ngang nhau theo ý mình. Người đọc không quan tâm đến tên gốc hay mối liên hệ với tên gốc nhưng nó vẫn đang tồn tại đấy, nó vẫn tồn tại như vậy kể cả khi toàn bộ người đọc đều không biết hay không quan tâm.

Ít nhất là ở trên môi trường wiki, khi mà bài viết không phải là bản dịch, người viết có quyền tùy nghi sử dụng từ viết tắt hay tên đầy đủ ở bất cứ nơi nào mà họ muốn, thì người viết có thể tận dụng cái quyền đó để viết "tiếng Việt" ở những nơi mình có thể viết được. Tiếng Anh tồn tại 2 lớp từ tiếng Việt có vừa chưa bị Anh hóa, thì tiếng Việt cũng có quyền đó, chưa Việt hóa được hết thì cố gắng Việt hóa hết mức có thể, chứ không nên vì chưa làm được hết mà "rút quân" hoàn toàn khỏi mảng đó luôn. Михаил Александрович Шолохов (thảo luận) 01:21, ngày 25 tháng 8 năm 2017 (UTC)[trả lời]

@Sholokhov: Cảm ơn Sholokhov đã chỉ ra lỗi lập luận trên. Thực tình, tôi cũng không muốn sa đà vào việc bàn về tính Việt của hai tên DNA và ADN, khi kiến thức và khả năng mình có hạn nên dẫn đến cách nhìn chủ quan, mà muốn tập trung vào việc nên ưu tiên tính quốc tế, hội nhập và thống nhất hơn là tính Việt trong trường hợp cặp DNA/ADN, dù cho tính Việt của ADN hơn DNA.
Bài viết dù là tự viết hay dịch lại, thì “người viết vẫn có quyền tùy nghi sử dụng từ viết tắt hay tên đầy đủ ở bất cứ nơi nào mà họ muốn”, vì bài tự viết vẫn phải tham khảo, đối chiếu tư liệu ngoại ngữ khi kiến thức khoa học là của chung quốc tế, hay bản dịch có thể theo lối phỏng dịch, bổ sung và chỉnh sửa thêm, chưa hẳn là bám sát bản gốc, nói chung là muôn hình vạn trạng, nhào nặn thế nào thì tùy người viết/dịch, tùy văn phong, tôi không quan tâm lắm. Vấn đề ở đây tôi thấy: “từ viết tắt DNA cùng nhóm từ viết tắt phái sinh của nó như mtDNA, eDNA hay nhóm từ phái sinh nhưng không hẳn là viết tắt như DNAzyme, DNase” thật sự là một hệ sinh thái thống nhất. Bây giờ, du nhập DNA thì biến thành ADN thì dễ, nhưng du nhập đám kia thì biến thành gì đây, không thể nào né tránh hay chống chế bằng việc dùng từ đầy đủ nhiều bất cập (như trường hợp tên đầy đủ dài thòng của msDNA) hay các thủ pháp viết bài, dù là bài dịch hay tự viết, không thể nào đảm bảo mọi trường hợp đều êm thấm cả. Thực tế, đối với nhóm trên thì các văn bản khoa học tiếng Việt vẫn giữ nguyên, như hai cuốn sách mà tôi đã đề cập, ngoài ra có thể kể thêm cuốn Di truyền học của Phạm Thành Hổ, một cuốn tự viết và ghi rõ nên ưu tiên sự hòa nhập, cùng nhiều giáo trình, bài giảng sinh học trong các trường đại học hiện nay. “Viết ‘tiếng Việt’ ở những nơi có thể viết được” mà không màng đến tính thống nhất của cả một hệ sinh thái tập hợp từ thì thật thiếu khoa học.
Như vậy, giới hạn giữa “hòa nhập” và “ưu tiên tính bản địa” có thể liên quan một phần đến tính thống nhất của hệ thuật ngữ. Một hệ thuật ngữ thống nhất của ngữ gốc không nên du nhập một cách phân mảnh vào ngữ đích, mà nên mượn lại hệ thuật ngữ ấy, và như thế sẽ đảm bảo được tính thống nhất, không cần phải viện dẫn những biện pháp né tránh, đỡ rối tung từ ngữ, tất nhiên ở đây là chỉ nói riêng trường hợp tên viết tắt DNA cùng nhóm từ phái sinh của nó.
Và thực trạng hiện nay, để phục vụ người đọc tiếng Việt, thì không nhất thiết cần phải “cố gắng Việt hóa hết mức có thể”, như ở khía cạnh phiên âm, giờ có mấy nhà xuất bản nào mà xuất bản một cuốn truyện dịch với tên các nhân vật, địa danh được phiên âm triệt để đâu, để tên phiên âm có khi bị độc giả phản đối các kiểu, toàn là “rút quân” giữ nguyên tên không. Và ngay Wikipedia có lẽ cũng chịu thua tên phiên âm Việt hóa triệt để, nên đành đặt quy định hạn chế tên phiên âm. Một ví dụ cho thấy quyền ưu tiên tính bản địa của ngôn ngữ bị chính người sử dụng ngôn ngữ đó từ khước.
Vậy nên, tôi nghĩ mọi thứ đều là tương đối cả, không nên buộc phải Việt hóa hết mức có thể, mà nên ưu tiên những gì tốt hơn, khi tính quốc tế, hòa nhập có ưu điểm lớn là đảm bảo tính thống nhất của DNA và tiện dụng trong văn bản khoa học.
P/S: Còn về câu hỏi trong trang thảo luận cá nhân thì tôi xin trả lời đây luôn cho tiện. Thật lòng mà nói, so với những tên viết tắt phổ biến toàn cầu khác, tôi thấy cái tên ĐHQGHN quá xấu. Xem qua những tên viết tắt, trừ đa phần nhóm từ viết tắt 2-3 chữ dễ nhớ và số ít 4 chữ, mà từ viết tắt nào mà nhiều chữ hơn thì thường sẽ như thế nào ấy mà nó dễ đọc, kiểu như UNICEF, UNESCO, IUPAC, CONCACAF… Có lẽ tiếng Anh và ngôn ngữ châu Âu hợp để viết tắt hơn, thiên thời địa lợi nó vậy rồi, có vẻ đối với các ngôn ngữ này, người ta có thủ thuật để chắt lọc và chọn từ, hoặc may mắn làm sao đó mà từ viết tắt lại hay, mà hay, dễ đọc thì mới phổ biến được, mới dễ đạt địa vị, còn như cái tên ĐHQGHN thì tôi nghĩ dù chính phủ hay cộng đồng người Việt có tuyên truyền với thế giới cỡ mấy thì cũng khó lòng bằng những cái tên trên, mà cái gì không phù hợp thì cũng tự đào thải thôi. Nhiều quốc gia có địa vị hơn chúng ta, và có lẽ họ thừa biết ngôn ngữ của họ bản chất khó mà viết tắt hay như Anh ngữ, nên vẫn chọn Anh ngữ để viết tắt từ ngữ khi phổ biến với đại chúng thế giới, còn trong nội bộ thì sao cũng được, như Thusinhviet đã trả lời trong trang thảo luận của tôi là ĐHQGHN hay VNU vẫn được sử dụng song song trong văn bản tiếng Việt. Tôi thấy thời buổi giao lưu hội nhập thì nên hạn chế câu nệ ái quốc chủ nghĩa hình thức cho khỏe thân. :) P.T.Đ (thảo luận) 15:23, ngày 25 tháng 8 năm 2017 (UTC)[trả lời]

Hình thức không nên câu nệ nhưng cũng không nên bỏ qua, hình thức là phương tiện để đạt đến nội dung giống như lễ là phương tiện đạt đến nhân. Chọn một hình thức nào đó không đơn thuần mang ý nghĩa tiện hay không tiện, mà còn có nhiều ý nghĩa khác, trong chủ đề này ví dụ nó cho thấy xu hướng, thị hiếu, thái độ của dư luận đối với ngôn ngữ của mình và của người khác, nó cho thấy vị trí của một ngôn ngữ này so với một ngôn ngữ khác. Nó cũng cho thấy khả năng/thái độ minh họa và trình bày các khái niệm của một ngôn ngữ và của những người sử dụng/nghiên cứu ngôn ngữ đó, thông qua việc chúng ta phải đi vay mượn từ ngữ của các bạn bè khác hay có thể lấy vốn tự có của mình để trình bày, thông qua việc chúng ta quyết định "muốn" mượn hay "muốn" dùng vốn tự có. "Quyền ưu tiên tính bản địa của ngôn ngữ bị chính người sử dụng ngôn ngữ đó từ khước" đó là chuyện không lấy gì làm vui vẻ, bởi vì khi "quyền" của tiếng mẹ đẻ bị người sử dụng nó chối từ có nghĩa là địa vị của tiếng mẹ đẻ bị suy giảm ở một mức độ nào đó, nó đặt ra vấn đề là có chuyện gì đang xảy ra với ngôn ngữ bản địa, ngôn ngữ bản địa sẽ vận động và phát triển ra sao, và thái độ của người dùng nó sẽ biến đổi theo xu hướng nào, và thái độ hợp lý của các nhà ngôn ngữ học, các nhà quản lý nên là như thế nào, vân vân.

Đó là lý do tôi đặt ra các vấn đề khác ví dụ như "tính bản địa" để xem xét cùng với "tính hội nhập", "tính thống nhất", "tính hệ thống". Tôi xin lỗi vì đã suy diễn vấn đề phức tạp như vậy. Михаил Александрович Шолохов (thảo luận) 01:26, ngày 26 tháng 8 năm 2017 (UTC)[trả lời]

@Sholokhov: Bên trên tôi cũng nói là hạn chế câu nệ hình thức thôi, chứ mọi thứ cũng tương đối mà, không thể nào bỏ qua hoàn toàn trong mọi trường hợp được. Mà Sholokhov đã suy nghĩ hơi nhiều rồi, tôi thì đơn giản thấy cái nào có ưu điểm hơn, tối ưu hơn thì ưu tiên, vậy thôi.
Gìn giữ cái thuần túy là điều không dễ trong thời buổi giao lưu hội nhập. Nếu bản thân cái thuần túy có hạn chế, thì có lẽ phải nhường bước trước những ưu điểm của cái ngoại nhập. Không phù hợp thì sẽ dần đào thải. Nên những cái tên như "Trần dynasty" hay "Vietnamese đồng" có thể sẽ ngự trị lâu dài bên Wikipedia tiếng Anh, có lẽ vì bên đó cũng hiểu rằng khi du nhập từ ngữ tiếng Việt, không dễ để Anh hóa được, do làm mất đi tính hệ thống của chất thanh điệu trong tiếng Việt, nên mượn lại giữ nguyên là điều hợp lý, dù "Tran dynasty" hay "Vietnamese dong" có thể phổ biến hơn rất nhiều trong cộng đồng người nói tiếng Anh và có tính Anh hóa cao hơn. Và DNA/ADN cũng là trường hợp tương tự vậy thôi, khác chút là ngược chiều từ Anh vào Việt, khi mà nên giữ nguyên DNA trong quá trình du nhập vì tính hệ thống, thống nhất, tiện dụng của DNA cùng nhóm từ phái sinh trong văn bản khoa học, dù biết rằng ADN phổ biến hơn rất nhiều trong cộng đồng người nói tiếng Việt và có tính Việt hóa cũng cao hơn. Thời buổi này thì hầu như sinh ngữ nào cũng gặp phải vấn đề như vậy cả, nên nói địa vị ngôn ngữ lên cao xuống thấp là do hội nhập thì cũng khá là mơ hồ.
P/S: Mà Sholokhov có thấy vinh dự khi "Trần dynasty" hay "Vietnamese đồng" nằm thẳng cẳng bên Wikipedia tiếng Anh không, khi tên riêng gọi bằng tên gốc mà không bị phiên âm Anh hóa triệt để, có lẽ bên đó cũng chịu thua đám dấu thanh nhảy nhót của tiếng Việt rồi, buộc phải từ khước "quyền đó", dù có thể vẫn có những thành viên ra sức bảo vệ tính bản địa; mà chỗ này có khi lại may hơn Tàu, khi mà dấu trong bính âm lại bị lột hết, để rồi sinh ra Shanxi và Shaanxi. Nói chung thì cũng lạm bàn chút vậy thôi, chứ tôi cũng không muốn lê thê thêm nữa, hi vọng Sholokhov và mọi người cảm thông với cái tên hiện tại của bài viết này, tôi đã trình bày hầu như những gì có thể rồi. P.T.Đ (thảo luận) 08:12, ngày 26 tháng 8 năm 2017 (UTC)[trả lời]

P.T.Đ Thật ra thì, mặc dù tôi cũng cảm ơn các bạn en wiki đã giữ gìn nhiều tiếng Việt có dấu, nhưng nếu các bạn en wiki quyết định chuyển thành tên không dấu thì tôi cũng tôn trọng họ. Mong muốn của tôi là wiki TV Việt hóa hết sức có thể, thì tôi cũng tôn trọng mong muốn wiki TA Anh hóa hết mức - nếu họ có muốn điều đó. Kiểu như, mình muốn thành đạt việc gì thì cũng phải tôn trọng mong muốn thành đạt như vậy của kẻ khác. Михаил Александрович Шолохов (thảo luận) 08:45, ngày 26 tháng 8 năm 2017 (UTC)[trả lời]

@Sholokhov: Là lẽ thường tình thôi. Mong muốn của tôi là ưu tiên cái tốt hơn, nên mới thuận theo xu thế hội nhập ở trường hợp bài này. Chỉ mong là mong muốn của mình được mọi người ủng hộ, đợi bao nhiêu lâu tôi cũng chịu. P.T.Đ (thảo luận) 09:11, ngày 26 tháng 8 năm 2017 (UTC)[trả lời]
Khi thảo luận về tên bài phải căn cứ theo quy định về tên bài mà thảo luận, những lý do bạn đưa ra để giữ tên gọi hiện tại xét theo quy định hiện hành là không hợp lệ. Quy định yêu cầu phải chọn tên phổ biến nhất làm tên bài, ADN chứ không phải là DNA mới là tên phổ biến nhất vì thế tên bài chỉ có thể là ADN.Kiendee (thảo luận) 12:02, ngày 27 tháng 8 năm 2017 (UTC)[trả lời]

Về bazơ[sửa mã nguồn]

Vì đây là 1 bài viết dài và là bài viết chọn lọc nên tôi không dám tự mình thay đổi nội dung bài viết, nên xin phép đăng lên đây trước. Chúng ta học đều đọc bazơ là bazơ. Giờ hỏi một người bình thường base là gì tôi cá ít ai biết. Nhưng bài ADN từ đầu tới cuối đều ghi bazơ là base. Ý kiến của tôi là nên chuyển hết base thành bazơ. Nếu mọi người đồng ý tôi sẽ xin phép chuyển. Tiểu Phương #Talk2me 10:39, ngày 17 tháng 3 năm 2018 (UTC)[trả lời]

Cytosine vs Xitozin[sửa mã nguồn]

Trong SGK Sinh học 9, Cytosine (C) được đọc và viết tắt bằng tiếng Việt là Xitozin (X). Để thuận tiện cho việc tìm kiếm, chúng ta có nên bao gồm cả hai cách viết không? robertthepremier (thảo luận) 15:14, ngày 11 tháng 12 năm 2019 (UTC)Premier2007[trả lời]

Danh pháp hóa học và sinh học[sửa mã nguồn]

Từ nay trở đi (trừ khi có một đồng thuận mới), mọi danh pháp hóa học hay sinh học trên Wikipedia đều tuân theo TCVN 5529:2010 và TCVN 5530:2010. – — Dr. Voirloup💬 12:51, ngày 29 tháng 6 năm 2021 (UTC)[trả lời]

@Mongrangvebet: TCVN không có vụ sinh học, theo đồng thuận là dùng tiếng Anh cho thuật ngữ sinh học. P.T.Đ (thảo luận) 14:38, ngày 29 tháng 6 năm 2021 (UTC)[trả lời]
Vậy DNA là hóa học hay sinh học? :)) – — Dr. Voirloup💬 15:46, ngày 29 tháng 6 năm 2021 (UTC)[trả lời]
@Mongrangvebet: Ý tôi là TCVN không có quy định về cái gọi là "danh pháp sinh học", chỉ có danh pháp hóa học thôi. Cái chúng ta đã đồng thuận là dùng TCVN cho danh pháp hóa học, và dùng tiếng Anh cho thuật ngữ sinh học (danh pháp là một hệ thống các thuật ngữ, xem en:Nomenclature). Theo tôi hiểu thì sinh học không có cái gọi là danh pháp chung như bên hóa học, mà chỉ có danh pháp riêng từng ngành con, như danh pháp hai phần bên phân loại học, danh pháp enzyme, protein bên phân tử... Còn DNA là hóa sinh (Biochemistry), ngành con thuộc cả hóa và sinh học. P.T.Đ (thảo luận) 17:00, ngày 29 tháng 6 năm 2021 (UTC)[trả lời]