Thảo luận:Kinh tế Việt Nam thời Pháp thuộc

Nội dung trang không được hỗ trợ ở ngôn ngữ khác.
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Thêm thông tin[sửa mã nguồn]

Nếu không bạn nào phản đối tôi sẽ thêm các thông tin có nguồn sau vào bài:

Dưới thời Pháp thuộc, phương thức canh tác nông nghiệp không thay đổi trong hàng ngàn năm, quan hệ sản xuất tại nông thôn vẫn là quan hệ địa chủ - tá điền. Ngoài ra còn có thêm việc chiếm hữu diện tích lớn đất đai của thực dân Pháp và giáo hội Thiên Chúa giáo. Ở Bắc Kì, tính đến năm 1902, người Pháp đã chiếm hữu 182.000 héc ta đất trong đó có 50.000 héc ta ở các vùng trù phú nhất.[1] Sau khi chiếm đất, thực dân Pháp chủ yếu vẫn áp dụng phương pháp phát canh thu tô. Một số tư bản thực dân có kinh doanh trong những sở đồn điền mới theo lối tư bản chủ nghĩa, nhưng số này ít, chủ yếu là nhằm tận dụng nhân công rẻ mạt. Ngoài địa chủ Pháp, giáo hội Thiên Chúa chỉ riêng ở Nam Kỳ đã sở hữu 1/4 diện tích đất canh tác.[1] Theo thống kê phân bố ruộng đất ở miền Bắc trước năm 1945, chỉ có 4% dân số đã chiếm hữu tới 24,5% tổng số ruộng đất.[1] Còn lại phần lớn nông dân nghèo thì không có hoặc chỉ có rất ít đất canh tác. Đầu năm 1945, nông dân chiếm 95% dân số Việt Nam nhưng làm chủ không quá 30% diện tích ruộng đất. Riêng tầng lớp nông dân nghèo (không có hoặc chỉ có rất ít ruộng đất) chiếm 60% dân số nông thôn, nhưng chỉ có khoảng 10% ruộng đất. Còn giai cấp địa chủ chiếm không tới 5% dân số nhưng chiếm hữu 70% ruộng đất.[2]

Cơ cấu giai cấp nông dân vận động theo hướng bần nông, cố nông ngày càng khốn khó; trung nông ổn định tương đối; địa chủ thì mở rộng sự chiếm hữu. Cuộc sống của nông dân Việt Nam phụ thuộc vào ruộng vườn, nhưng do việc địa chủ chiếm hữu ngày càng nhiều ruộng đất, diện tích đất canh tác bình quân ngày càng giảm, đến năm 1945 chỉ còn mức 0,18 ha (Thanh Hoá), 0,17 ha (Hà Tĩnh), 0,12 ha (Nghệ An); sản lượng lúa tính theo đầu người cũng giảm theo, trung bình chỉ còn 1,2 tạ/người/năm. Nông dân bị bần cùng hoá nhanh hơn bởi vì sự chuyển biến của nông nghiệp không theo kịp đà tăng dân số, phân chia ruộng đất bất bình đẳng. Diện tích gieo trồng tính theo đầu người ở bắc trung kỳ đã giảm 5 lần tính từ thời vua Tự Đức đến năm 1945 (ở mức 1 mẫu/người xuống mức 2 sào/người). Sản lượng lúa theo đầu người giảm một nửa tính từ những năm đầu thế kỷ 20 đến năm 1945 (ở mức 3,2 tạ/người/năm xuống 1,7 tạ/người/năm ở Thanh Hoá; 1,6 tạ/người/năm xuống 0,8 tạ/người/năm ở Nghệ An).[3] Tại Nam Kỳ, đất đai phì nhiêu nhưng nông dân chỉ vừa đủ ăn. Trung bình điền chủ thâu 80% số lúa thu hoạch được. Trung bình đất tốt được 1600kg lúa mỗi mẫu, đất xấu khoảng 1000kg. Mỗi người tiêu thụ khoảng 200kg, không kể để làm rượu, chăn nuôi, thì tá điền chỉ còn đủ lúa để mua sắm ăn chơi trong mấy ngày Tết rồi ra giêng thì bắt đầu vay nợ mới. Ngay từ cuối những năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã mô tả nông dân Việt Nam như sau: “Ruộng bị Tây chiếm hết, không đủ mà cày. Gạo bị nó chở hết, không đủ mà ăn. Làm nhiều, được ít, thuế nặng... Đến nỗi chết đói, hoặc bán vợ đợ con, hoặc đem thân làm nô lệ như những người nó chở đi Tân thế giới...” [4]. Miền Bắc Việt Nam thường rơi vào tình trạng đói kém khi mất mùa hoặc gặp thiên tai, lũ lụt. Trong nạn đói năm Ất Dậu làm 2 triệu người chết, tỷ lệ chết đói cao nhất là những nông dân không có đất canh tác.

Ở Nam Kỳ, người Pháp sớm nhận thấy tiềm năng thu lợi nhuận từ nông nghiệp của vùng này[5]. Tại đây, tính đến năm 1936, Pháp đã đào được 1360 km kênh chính, 2500 km kênh phụ với kinh phí lên đến 58 triệu Franc. Hệ thống kênh đào được thực hiện trong khoảng 80 năm ở Nam Kỳ đã làm thay đổi hẳn diện mạo nông nghiệp ở Đồng bằng Sông Cửu Long khiến diện tích đất canh tác được mở rộng, sản lượng lúa mỗi ngày một tăng, hình thành nên thị trường hàng hóa nông nghiệp. Giao thông vận tải cũng phát huy hiệu quả qua hệ thống đường thủy.[6] Người Pháp thúc đẩy việc khai khẩn rừng tràm, đồng cỏ và các vùng đất thấp ở Nam Kỳ như Long Xuyên, Châu ĐốcĐồng Tháp Mười[7]. Trong nửa thế kỷ (1880-1937), diện tích trồng lúa tăng lên 420% (1880: 522.000 mẫu; 1937: 2,2 triệu mẫu), số lúa xuất cảng tăng lên 545% (1880 : 284.000 tấn; 1937: 1,5 triệu tấn), số dân tăng 260% (1880: 1,7 triệu, 1937: 4,5 triệu)[8]. Những quan chức người Việt cộng tác với thực dân Pháp chiếm hữu được nhiều ruộng đất nhất. Tứ đại phú hộ ở Nam Kỳ thời đó đều là quan chức người Việt cộng tác với thực dân Pháp, họ được thực dân Pháp ưu tiên cấp cho những khu đất rộng và tốt nhất, lại được biết những thông tin về việc đào kênh mương nên biết rõ mua đất ở đâu là thuận lợi nhất. Thực dân Pháp thu được 235 triệu Franc (trong lúc tiền đầu tư chỉ 54 triệu Franc) tiền bán đất cho các điền chủ người Pháp và người Việt, trong đó giới điền chủ lớn đã chiếm 1.035.000 ha (riêng quan hội đồng Trần Trinh Trạch - cha công tử Bạc Liêu chiếm 145.000 ha), trong đó điền chủ người Pháp chiếm 308.000 ha ruộng tốt, gần sông rạch, điền chủ nhỏ từ 10-50 ha chiếm 620.000 ha, quan xã, thôn ấp chiếm 230.000 ha. Còn lại hơn 4 triệu nhân khẩu nông dân chỉ chia nhau hơn 500.000 ha[5].

Ở Bắc bộ thì tình hình lại xấu hơn nhiều. Trong suốt thời kỳ Pháp thuộc (1884-1945), người Pháp vẫn không thể trị thủy sông Hồng. Do các lần vỡ đê vào các năm 1893, 1899, 1904, 1905, 1911, 1913 và khủng khiếp nhất là năm 1915, khiến cho Bắc bộ điêu tàn. Năm 1915, 4 tỉnh hữu ngạn sông Hồng (Hà Nội, Hà Đông, Ninh Bình, Nam Định) bị lụt suốt 3 tháng, diện tích lúa mất trắng lên tới 221.000 ha, 200 người bị chết đuối. Năm 1926 vỡ đê sông Hồng, sông Luộc, sông Tiên Lãng, trong lúc mực nước mới đạt 11,92 m. Giai đoạn 1927-1944 đê sông Hồng không vỡ, nhưng năm 1936 vỡ đê sông Đuống do nguyên nhân chủ quan. Năm 1941, 1942 đập Đáy tiếp tục được thử với lũ nhỏ nhưng lần nào cũng xảy ra sự cố. Việc phân lũ qua sông Đáy bị quên lãng cho đến cách mạng tháng Tám[5]. Sau Cách mạng tháng 8, ngày 11/10/1945, Chính phủ lâm thời Việt Nam họp phiên toàn thể về tu bổ đê, quyết dốc ngân khố kêu gọi nhân dân góp tiền của và công sức sửa sang đê. Nhưng quân Pháp quay lại tấn công, Mật lệnh 48/ZN ngày 11/1/1952 của Vullemey, chỉ huy quân viễn chinh Pháp lệnh “Phải phá một cách có hệ thống các đập nước và tất cả các phương tiện tưới ruộng”. Cho đến năm 1954, hệ thống thủy nông toàn miền Bắc hầu như bị phá hủy, làm cho nạn lụt lội, hạn hán các năm 1952, 1953, 1954 rất trầm trọng, diện tích tưới từ 227.500 ha tụt xuống chỉ còn 26.200 ha[9].

Năm 1904, Pháp bắt đầu trồng cao su ở Nam Kỳ với quy mô lớn. Năm 1918, Pháp sở hữu một diện tích đất 184.700 ha ở Nam Kỳ trong đó có 7000 ha dùng trồng cao su. Trong 25 năm, số diện tích canh tác tăng gấp đôi và sản lượng tăng lên gấp 20 lần: năm 1920 : 70000 mẫu đồn điền, 3000 tấn cao su; 1930 : 80000 mẫu, 8000 tấn; 1940 : 97300 mẫu, 58000 tấn; 1945 : 138400 mẫu, 77400 tấn. Đồn điền cao su ở miền Đông Nam Kỳ tập trung trong tay 5 đại công ty của Pháp. Ngoài các công ty lớn do Pháp làm chủ còn có độ 60 đồn điền cao su nhỏ, diện tích trên dưới 100 mẫu của người Việt. Từ khi khai thác cao su ở Nam Kỳ, số xuất cảng cao su ở Nam Kỳ đã chiếm một tỷ lệ quan trọng trong tổng giá trị xuất cảng ở Đông Dương: năm 1936 chiếm 14,3%, năm 1937 : 18%, năm 1939 : 27,4%. Trong vòng 10 năm (1928-1939) trị giá cao su xuất cảng đã tăng lên gấp 7 lần, từ 11 triệu quan năm 1928 lên đến 96 triệu năm 1939.[10]

Chính sách bóc lột nhân công biểu hiện rõ trong việc khai thác đồn điền cao su. Năm 1939, 19 công ty cao su Đông Dương lời được 309 triệu quan, trong khi số lương trả cho nhân công chỉ 40 triệu.[11] Bị bóc lột và đói khổ, công nhân cao su bỏ trốn quay trở về quê do đó nhu cầu mộ phu là vấn đế cấp thiết. Mỗi công nhân được tuyển dụng, người mộ phu sẽ được trả từ 10 đến 20 đồng khiến người ta thực hiện cưỡng ép tại một số vùng nông thôn tạo ra sự bất bình mà điển hình là vụ ám sát người chuyên mộ phu cao su René Bazin năm 1929 đã khiến hơn 200 đảng viên Quốc Dân Đảng bị bắt giam và 76 người bị cầm tù. Des Rousseaux trong một báo cáo mật gởi cho Toàn Quyền Đông Dương viết "Người nông dân chỉ chấp nhận rời khỏi làng đi làm việc nơi khác là khi nào họ bị đói. Do đó phải đi đến kết luận lạ lùng cho phương thuốc thiếu nhân công [ở đồn điền] là phải bần cùng hóa nông thôn, rút bỏ các khoản trợ cấp, hạ giá nông sản...[12]".

Sau khi thực dân Pháp thiết lập nền cai trị tại Việt Nam, đầu thế kỷ XX, các công ty Pháp bắt đầu xây dựng một số cơ sở công nghiệp trong các ngành khai khoáng, cơ khí, rồi đến hệ thống công nghiệp dịch vụ và công nghiệp chế biến. Công nghiệp phát triển trên năm lĩnh vực chủ yếu: khai thác mỏ, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí vận tải, và cuối cùng là các ngành công nghiệp chế biến.[13]

Khai thác than đá là ngành công nghiệp dẫn đầu ở Việt Nam. Trong những năm cuối của thế kỷ XIX, số công nhân mỏ trên 4.000 người. Kỹ thuật khai thác chủ yếu còn là thủ công với sản lượng khoảng 10.000-12.000 tấn/năm. Đến năm 1913, sản lượng than đã tăng gấp 5, đạt tới nửa triệu tấn. Từ khi Đại chiến thế giới lần thứ nhất kết thúc, sản lượng than đạt 3-4 triệu tấn/năm. Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế 1929-1930, sản lượng than giảm xuống dưới mức 2 triệu tấn và chỉ tăng dần trở lại vào giữa thập kỷ 30. Năm 1937 đạt 2.308.000 tấn, 1939 đạt 2.615.000 tấn. Đa số than khai thác ra được xuất khẩu. Từ sau Đại chiến thế giới lần thứ nhất, tỷ lệ than sử dụng trong nước tăng lên. Đến năm 1939, tỷ lệ than xuất khẩu trong tổng sản lượng than vẫn còn ở mức 68%, trong đó khoảng 10-20% là xuất khẩu sang Pháp, phần còn lại xuất cho các nước thuộc Viễn Đông.[13]

Sau than là kẽm và thiếc, hai thứ này chiếm khoảng 10% tổng giá trị sản lượng công nghiệp khai thác mỏ của Pháp ở Đông Dương. Đến năm 1936, sản lượng thiếc đã đạt tới 2.416 tấn/năm. Năm 1926, sản lượng kẽm đã đạt tới 62.000 tấn. Tới năm 1929, kẽm chiếm tới 9,7% trong tổng giá trị công nghiệp ở Đông Dương. Nhưng về sau, do giá kẽm trên thị trường thế giới giảm liên tục, nên việc khai thác kẽm sa sút dần. Việc khai thác các kim loại khác, ngoài kẽm và thiếc, không có gì đáng kể: đó là những mỏ crôm, kền ở Thanh Hoá, mỏ bạc ở Ngân Sơn, mỏ đồng ở Vạn Tài, mỏ sắt ở Linh Nham và Na Dương. Mỏ vàng ở Bồng Miêu đã từng có thời kỳ Pháp khai thác được khoảng 100 kg/năm, nhưng sau một số năm thì vàng cạn kiệt, chi phí khai thác quá tốn kém, không có lãi, nên mỏ này cũng ngừng hoạt động.[13]

Ngành khai thác khoáng sản tăng lên nhanh chóng vào sau Đại chiến thế giới lần thứ nhất và đạt tới đỉnh cao là 18 triệu đồng tiền Đông Dương vào năm 1929. Nhưng sau đó, do khủng hoảng kinh tế thế giới, nó giảm sút nghiêm trọng, còn hơn một nửa. Đến cuối thập kỷ 30 và đầu thập niên 40 của thế kỷ XX, nó đạt lên đỉnh cao nhất, khoảng 30 triệu đồng. Trước tình hình chiến sự ở Đông Dương, đặc biệt là sự khống chế của quân đội Nhật, việc khai thác mỏ của người Pháp cũng giảm sút nghiêm trọng, xuống còn 14 triệu đồng năm 1944 và hơn 4 triệu đồng năm 1945.[13]

Sau khi Pháp chiếm Bắc kỳ thì ngành công nghiệp vật liệu xây dựng mới phát triển mạnh. Cơ sở quan trọng đầu tiên là Nhà máy Xi măng Hải Phòng do Công ty Xi măng Portland nhân tạo Đông Dương xây dựng năm 1894 với 4 lò quay. Ngành sản xuất gạch và ngói được phân tán hầu như ở tất cả các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Tuy nhiên, cũng có những nhà máy lớn, nổi tiếng ở Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng, Đáp Cầu, Biên Hoà...[13]

Những nhà máy cơ khí vận tải cũng hình thành như nhà máy đóng tàu biển Bason, những nhà máy sửa chữa và chế tạo toa xe lửa ở Gia Lâm, Vinh, Sài Gòn, một số nhà máy lắp ráp và sửa chữa ô tô như Avia, Star ở Hà Nội...[13]

Công nghiệp chế biến của Pháp ở Việt Nam về cơ bản là công nghiệp chế biến nông sản và lâm sản. Trong công nghiệp chế biến nông sản, ngành xay xát lúa gạo chiếm vị trí quan trọng nhất và cũng ra đời sớm nhất. Nhà máy xay xát đầu tiên được xây dựng tại Chợ Lớn vào năm 1870. Đến năm 1885, khắp Nam bộ đã có tới 200 xưởng xay xát. Đi kèm với nó là các nhà máy dệt bao đay, sữa chữa máy móc, xe cộ, thuyền bè... Đi đôi với ngành công nghiệp xay xát, có ngành công nghiệp nấu rượu nhằm giải quyết nhu cầu ngân sách cho chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương. Nấu rượu là độc quyền của chính quyền thuộc địa. Chỉ một hãng rượu Đông Dương tại Hà Nội đã xây dựng tới 4 nhà máy vào năm 1901, mỗi tháng dùng khoảng 3.000 tấn gạo để nấu rượu. Ngành công nghiệp đường cũng được phát triển. Đến năm 1923, Công ty tinh lọc đường đã xây dựng nhiều nhà máy sản xuất đường ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam. Đến năm 1938, sản lượng đường đã lên tới 10.000 tấn. Pháp còn xây dựng một số nhà máy bia khá lớn. Ở Nam kỳ, Hãng Victor Larue có tới 14 nhà máy. Ở Bắc kỳ, Công ty Bia Hommel đã xây dựng một nhà máy lớn ở Hà Nội, vừa sản xuất bia, vừa sản xuất nước đá và nước có ga.[13]

Ngành công nghiệp nhẹ lớn nhất của Pháp ở Việt Nam là ngành công nghiệp dệt. Nhà máy dệt đầu tiên được xây dựng vào năm 1890, tại miền Nam. Đến năm 1900, A.Dadre và Dupré lập ra ở Nam Định một nhà máy dệt lớn, đứng hàng thứ 3 trong số 269 công ty của Pháp, đạt lợi nhuận tới 52.000.000 FF năm 1939. Từ năm 1903, cũng đã xuất hiện ngành công nghiệp tơ lụa. Những nhà máy đầu tiên sản xuất lụa được lập ra ở Trung kỳ, chủ yếu ở Quảng Nam. Ở Bắc kỳ, cũng thời kì này, Dadre đã xây dựng một nhà máy tơ ở Nam Định. Tất cả những sản phẩm của nhà máy tơ lụa đều được xuất khẩu sang Pháp.[13]

Công nghiệp chế biến lâm sản bắt đầu phát triển từ đầu thế kỉ XX. Ba ngành quan trọng nhất thuộc lĩnh vực này là giấy, gỗ và diêm. Đến thập kỷ 1930 đã xuất khẩu sang các thị trường Hồng Kông, Singapore, Nhật. Từ năm 1913, Pháp đã thành lập Công ty Giấy Đông Dương. Công ty này có hai nhà máy Nhà máy Giấy Việt Trì và Nhà máy Giấy Đáp Cầu, sản xuất nhiều loại giấy khác nhau, như giấy viết, giấy in báo, bìa carton,… Năm 1891, Pháp xây dựng một nhà máy sản xuất diêm đầu tiên ở Hà Nội. Đến năm 1897, Pháp lập một nhà máy diêm lớn hơn tại Bến Thuỷ (Nghệ An). Đến năm 1899, Schneider lập thêm một xưởng nữa ở Hà Nội.[13]

Ngoài những lĩnh vực công nghiệp kể trên, Pháp còn mở một số ngành công nghiệp khác khác nữa, nhưng quy mô không lớn, vì nhu cầu của xã hội về các mặt hàng này còn thấp: Nhà máy sản xuất xà phòng ở Hải Phòng xây dựng năm 1899; Xưởng in của Schneider tại Hà Nội sử dụng 150 công nhân, cũng lập ra năm 1899; Các nhà máy thủy tinh, chủ yếu là làm kính và vỏ chai lập ra ở Hải Phòng, Nam Định, Hà Nội, Sài Gòn.[13] Các dịch vụ như điện, nước... thời kỳ này phát triển tương đối chậm, lệ thuộc nhiều vào sự hình thành các đô thị[13].

Công nghiệp bản xứ của Việt Nam phần lớn hoạt động trong ngành chế biến, với những xí nghiệp vừa và nhỏ, chiếm tỷ lệ nhỏ bé trong tổng số vốn đầu tư, trong sản lượng công nghiệp, số lao động sử dụng cũng rất ít. Người Việt chiếm lĩnh một số lĩnh vực mà Pháp và Hoa kiều ít đặt chân tới, đó là sản xuất hàng tiêu dùng phục vụ cho người Việt. Phần lớn các nhà kinh doanh công nghiệp Việt Nam cũng đồng thời là những người có đầu óc dân tộc, yêu nước, có những hoạt động xã hội.[13] Thủ công nghiệp Việt Nam từng có quá khứ huy hoàng nhưng đã suy tàn nên được Pháp khuyến khích và khai thác. Các nghề thủ công có những khiếm khuyết như thiếu công nghệ hiện đại, thiếu tính sáng tạo, nhàm chán, lặp lại và đặc biệt không phù hợp với thị hiếu Châu Âu. Chính quyền thuộc địa chủ trương củng cố những nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống bằng cách đào tạo lao động tại chỗ, cải thiện chất lượng sản phẩm để có thể dễ dàng tiêu thụ. Nhiều khoá tập huấn nghề đã được thực hiện ở các tỉnh Hà Đông, Nam Định, Bắc Ninh, Hà Nội. Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ mới vẫn hạn chế khiến năng suất lao động thấp.[14]

Mức đầu tư của tư bản Pháp, từ 1924 đến 1939, vào ngành thương mại là 421 triệu france Pháp, chiếm 5,6% tổng số đầu tư tư nhân Pháp tại Việt Nam. Số tư bản này chủ yếu trong các lĩnh vực nhập khẩu và xuất khẩu, mà trước hết là xuất, nhập khẩu với chính quốc và với các thuộc địa Pháp. Trong giai đoạn đầu, hoạt động thương nghiệp của Pháp chủ yếu tập trung ở các thương cảng: các tàu Pháp đem hàng vào bán, rồi thông qua các đại lý mua hàng để xuất khẩu.[13]

Ngoài việc kinh doanh xuất nhập khẩu, Pháp độc quyền kinh doanh đối với 3 sản phẩm quan trọng là muối, rượu, thuốc phiện để nâng giá 3 mặt hàng này lên rất cao, rồi thông qua độc quyền, hoặc cưỡng bức tiêu thụ để thu tiền cho ngân sách. Cách kinh doanh theo lối độc quyền của chính phủ thực dân dựa trên nhu cầu của dân bản xứ để bòn rút họ: một thói hư - thuốc phiện, một thói quen - rượu, một nhu cầu cơ bản - muối đã tạo ra nhiều lãi và đóng góp tới 60-70% tổng thu ngân sách.[13]

Người Hoa đóng vai trò đáng kể trong việc nhập cảng và tiêu thụ nội địa. Về xuất khẩu, người Hoa chiếm phần lớn nhất trong việc thu gom, xay giã và xuất khẩu lúa gạo mà Chợ Lớn là trung tâm qui tụ nguồn lúa gạo của toàn đồng bằng Nam Bộ. Về nhập khẩu, người Hoa gần như độc quyền trong việc nhập khẩu những mặt hàng tiêu dùng từ Nhật Bản, Singapore, nhất là từ Hồng Kông và Thượng Hải, gồm vải vóc, thực phẩm, dụng cụ gia đình, nến, giấy, bút mực, diêm, giầy dép, quần áo... là những thứ mà Pháp không quan tâm, hoặc có kinh doanh nhưng giá đắt hơn do chí phí vận tải quá lớn.[13]

Ba mươi năm đầu tiên của thế kỷ XX, để thực hiện chính sách khai thác thuộc địa, Pháp đã xây dựng một hệ thống đường sắt từ Bắc vào Nam nhằm phục vụ công cuộc cai trị và khai thác thuộc địa của họ.[15] Đến năm 1936, người Pháp xây dựng xong đường sắt Bắc Nam với tổng chiều dài 2600 km[16]. Đến năm 1912 người Pháp tiến hành xây dựng hệ thống đường bộ cho Đông Dương, trong đó chủ yếu là Việt Nam. Từ đó Việt Nam hình thành 3 loại đường bộ gồm: Đường thuộc địa – Trục đường quan trọng của quốc gia và xuyên Đông Dương. Đường thuộc Xứ -Trục đường trong phạm vi 3 xứ (Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ) và đường nối 3 xứ.[16] Từ 1900 đến 1935, Pháp đã sử dụng 145 triệu franc để lập đường xe lửa và 45 triệu franc để mở mang đường sá[17]. Đường thiên lý Bắc Nam được xây dựng dưới triều Nguyễn được người Pháp nâng cấp, mở rộng, gọi là đường thuộc địa số 1. Cùng với xây dựng đường số 1, dài khoảng 2000km, các trục đường thuộc địa khác cũng được xây dựng như các trục đường số 2,3,4,5,6 ..ở miền Bắc; trục đường: 7,8,9,11,12 (cũ),14... ở miền Trung và các trục đường 13, 15,16,51, 20, 21 (cũ), 22, Sài Gòn – Cà Mau (đường số 1 kéo dài)... Đến năm 1919 người pháp đã xây dựng 21 con đường thuộc địa. Tổng chiều dài các đường thuộc địa khác ngoài đường số 1 là khoảng trên 6.600km được rải đá. Các trục đường bộ song song với các tuyến đường sắt được nâng cấp, trở thành các trục đường liên tỉnh như: Đường 2, đường 70 ( Hà Nội - Tuyên Quang- Lao Cai) đường 3 ( Hà Nội -Thái Nguyên – Cao Bằng), đường 5 (Hà Nội - Hải Phòng). Hàng trăm cây cầu kiên cố cũng được xây dựng, trong đó có các cầu lớn như Cầu Bình Lợi (Sài Gòn) cầu Gềnh (Đồng Nai), Đà Ràng (Tuy Hòa), cầu Bạch Hổ (Huế): cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa), Cầu Long Biên (Hà Nội)... Pháp cũng xây dựng các trục đường tỉnh và vươn tới nhưng vùng xa xôi hẻo lánh, có các mỏ quặng, than đá và vùng biên giới. Điển hình là các trục đường: Hà Nội- Cao Bằng, Việt Trì- Tuyên Quang, Vinh- Sầm Nưa. Đầu thế kỷ 20, Pháp đã làm được 20.000km đường bộ. Đến năm 1930, Pháp đã mở được 15.000 km đường bộ, trong đó khoảng 2.000 km đường rải nhựa. Năm 1945, Việt Nam có khoảng 11 sân bay, bao gồm: Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Gia Lâm, Cát Bi, Bạch Mai, Đồng Hới, Huế, Nha Trang, Cà Mau, Phan Thiết, Sóc Trăng...[16] Ngoài ra họ còn thiết lập hệ thống điện tín, hệ thống cảng biển, cảng sông với các cảng nổi tiếng, có quy mô lớn trong khu vực thời bấy giờ như Cảng Sài Gòn, Cảng Hải Phòng. Tóm lại, dưới thời Pháp thuộc, từ năm 1890 đến năm 1945, Việt Nam có một giai đoạn phát triển hạ tầng giao thông toàn diện và cơ bản nhất trên quy mô toàn quốc với các loại hình: đường bộ, đường sắt, đường biển, đường sông và cảng hàng không...phục vụ cho các hoạt động giao thương cho những năm sau này ở Việt Nam[16].

Bên cạnh đó người Pháp còn xây dựng các thành phố lớn từ những đô thị có sẵn như Hà Nội, Sài Gòn hay thành lập mới như Hải Phòng, Đà Nẵng... Ngày 19 tháng 7 năm 1888, Tổng thống Pháp Sadi Carnot ký sắc lệnh thành lập thành phố Hà Nội. Thành phố Hà Nội lúc này có diện tích nhỏ bao gồm 2 huyện Thọ Xương và huyện Vĩnh Thuận thuộc phủ Hoài Đức. Phạm vi thành phố bó hẹp nằm trong khu vực Phố Huế, Đại Cồ Việt, Khâm Thiên, Giảng Võ, Đường Thụy Khuê, Hồ Tây đến cầu Long Biên. Năm 1902, Hà Nội trở thành thủ đô của Liên bang Đông Dương và được người Pháp xây dựng, quy hoạch lại, được mệnh danh là Tiểu Paris phương Đông thời bấy giờ. Nhờ sự quy hoạch của người Pháp, thành phố dần có được bộ mặt mới. Lũy thành thời Nguyễn dần bị triệt hạ, đến năm 1897 hầu như bị phá hủy hoàn toàn,[18] chỉ còn lại Cột Cờ, Cửa Bắc với vết đạn năm 1873, Đoan Môn và lan can rồng đá ở trong hoàng thành cũ. Năm 1901, các công trình phủ Thống sứ, Nhà bưu điện, Kho bạc, Nhà đốc lý, Nhà hát lớn, Cầu Long Biên, Ga Hà Nội, những quảng trường, bệnh viện... được xây dựng. Hà Nội cũng có thêm trường đua ngựa, các nhà thờ Cơ Đốc giáo, trường Đại học Y khoa, Đại học Đông dương, Đại học Mỹ thuật, các trường Cao đẳng Pháp lý, Nông lâm cùng những nhà máy sản xuất rượu bia, diêm, hàng dệt, điện, nước... Khi những nhà tư bản người Pháp tới Hà Nội ngày một nhiều hơn, các rạp chiếu phim, nhà hát, khách sạn... dần xuất hiện, những con phố cũng thay đổi để phù hợp với tầng lớp dân cư mới.[19] Vào năm 1921, toàn thành phố có khoảng 4.000 dân châu Âu và 100.000 dân bản địa.[20]

Năm 1679, chúa Nguyễn Phúc Tần cho một số nhóm người Hoa tị nạn triều Mãn Thanh tới Mỹ Tho, Biên Hòa và Sài Gòn để lánh nạn[21]. Đến năm 1698, chúa Nguyễn sai tướng Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý miền Nam. Trên cơ sở những lưu dân Việt đã tự phát tới khu vực này trước đó, Nguyễn Hữu Cảnh cho lập phủ Gia Định và hai huyện Phước Long, Tân Bình. Vùng Đông Nam Bộ được sáp nhập vào cương vực Việt Nam.[22] Thời điểm ban đầu này, khu vực Biên Hòa, Gia Định có khoảng 10.000 hộ với 200.000 khẩu. Công cuộc khai hoang được tiến hành theo những phương thức mới, mang lại hiệu quả hơn. Cuối thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18, Mỹ ThoCù lao Phố là hai trung tâm thương mại lớn nhất Nam Bộ. Tuy nhiên, cuối thế kỷ 18, sau các biến loạnchiến tranh, thương nhân dần chuyển về vùng Chợ Lớn. Khu vực Sài Gòn dần trở thành trung tâm kinh tế lớn nhất Nam Bộ. Năm 1802, sau khi chiến thắng Tây Sơn, Nguyễn Ánh lên ngôi và đẩy mạnh công cuộc khai khẩn miền Nam. Miền Nam được chia thành 5 trấn, gọi là "Gia Định ngũ trấn". Ngay sau khi chiếm được thành Gia Định vào năm 1859, thực dân Pháp gấp rút quy hoạch lại Sài Gòn thành một đô thị lớn phục vụ mục đích khai thác thuộc địa. Đồ án thiết kế được Phó Đô đốc Pháp là Page (về sau là Charner) cử trung tá công binh Pháp là Paul Florent Lucien Coffyn (20/5/1810 – 5/8/1871), nguyên Lãnh sự Pháp ở Hoa Kỳ, thiết kế. Theo bản đồ của Coffyn được công bố vào ngày 13/5/1862, quy hoạch ban đầu của Sài Gòn bao gồm cả tỉnh Chợ Lớn với khoảng 500.000 dân (Saigon ville de 500.000 âmes), tức khoảng 20.000 dân/km²[23]. Quy hoạch này tương ứng với quy hoạch khu vực phòng thủ của tướng Nguyễn Cửu Đàm năm 1772, khi dân số Sài Gòn chỉ khoảng 20.000–30.000 người[23]. Nhưng đến 1864, nhận thấy diện tích dự kiến của thành phố quá rộng, khó bảo đảm về an ninh, Soái phủ Pháp ở Nam Kỳ (Gouverneur Amiral de la Cochinchine) lúc đó là Chuẩn đô đốc Pierre Rose quyết định tách Chợ Lớn khỏi Sài Gòn. Ngày 3/10/1865, Pierre Rose ra lệnh quy hoạch lại Sài Gòn chỉ còn là khu vực nằm giữa rạch Thị Nghè, sông Sài Gòn, rạch Bến Nghé và đường mới khu cầu Ông Lãnh hiện nay. Toàn bộ quy hoạch chỉ còn rộng khoảng 3 km²[23]. Rất nhanh chóng, các công trình quan trọng của thành phố, như Dinh Thống đốc Nam Kỳ, Dinh Toàn quyền, được Pháp thiết kế và huy động nhân công xây dựng. Sau 2 năm người Pháp xây dựng và cải tạo, khu quy hoạch rộng khoảng 3 km² nói trên đã hoàn toàn thay đổi.[24] Thành phố Sài Gòn khi đó được thiết kế theo mô hình châu Âu, nơi đặt văn phòng nhiều cơ quan công vụ như: dinh thống đốc, nha giám đốc nội vụ, tòa án, tòa thượng thẩm, tòa sơ thẩm, tòa án thương mại, tòa giám mục,... Nam Kỳ Lục tỉnhthuộc địa của Pháp và Sài Gòn nằm trong tỉnh Gia Định.

Năm 1911, tổng số thuế Pháp thu về là 4,8 triệu đồng; năm 1920 là 6,2 triệu đồng, năm 1930 là 10 triệu đồng[25].

Sazxe (thảo luận) 22:12, ngày 18 tháng 8 năm 2020 (UTC)[trả lời]

Tham khảo

  1. ^ a b c ĐẠI CƯƠNG LỊCH SỬ VIỆT NAM, TẬP 2, trang 121, Đinh Xuân Lâm chủ biên, Nhà xuất bản Giáo dục, năm 2000.
  2. ^ NHỮNG BIẾN ĐỔI CỦA GIAI CẤP NÔNG DÂN VÀ QUAN HỆ ĐỊA CHỦ - TÁ ĐIỀN Ở NAM BỘ THỜI KỲ CẬN ĐẠI, Lâm Quang Huyên, Kỷ yếu hội thảo Việt Nam học lần thứ 3.
  3. ^ CHUYỂN BIẾN CỦA NÔNG NGHIỆP VÀ XÃ HỘI NÔNG THÔN BẮC TRUNG KỲ THỜI THUỘC PHÁP, Trần Vũ Tài, Khoa Lịch sử - Đại học Vinh
  4. ^ Phạm Xuân Nam, Chính sách xã hội trong Cách mạng tháng 8 năm 1945 và trong sự nghiệp đổi mới ngày nay, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 11(96) - 2015 download
  5. ^ a b c Hào hùng thủy lợi Việt Nam: Thời Pháp thuộc, báo Nông nghiệp Việt Nam, 11/11/2014
  6. ^ Nguyễn Thanh Lợi. Tạp chí Xưa &Nay, số 286, số 6, 2007
  7. ^ Sơn Nam, Lịch Sử Khẩn Hoang Miền Nam - Lưu ý, Nxb Trẻ, 2014
  8. ^ Nguyễn Thế Anh. Việt Nam thời Pháp đô hộ, trang 181, Saigon : Lửa Thiêng, 1970
  9. ^ Hào hùng Thủy lợi Việt Nam: Kỳ tích trong gian khó, Báo Nông nghiệp Việt Nam, 11/11/2014,
  10. ^ QUÁ TRÌNH ĐẦU TƯ VÀ KHAI THÁC THUỘC ĐỊA VỀ CAO SU CỦA TƯ BẢN PHÁP Ở VIỆT NAM (1858-1945), Hội khoa học lịch sử Bình Dương, 25/07/2012
  11. ^ Huỳnh Lứa, Lịch sử phong trào công nhân cao su VN, trang 81, TPHCM : Nxb Trẻ, 2003
  12. ^ Huỳnh Lứa, Lịch sử phong trào công nhân cao su VN, trang 23, TPHCM : Nxb Trẻ, 2003
  13. ^ a b c d e f g h i j k l m n o TRƯỚC CÁCH MẠNG THÁNG 8 NĂM 1945, Bộ Công thương Việt Nam, 22/07/2019
  14. ^ Tiểu thủ công nghiệp ở Bắc Kỳ thời Pháp thuộc, Trần Thị Phương Hoa, Khoa học xã hội Việt Nam, số 3 (112) - 2017
  15. ^ “Lịch sử ngành đường sắt”. Truy cập 2009. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |ngày truy cập= (trợ giúp)
  16. ^ a b c d Giao thông Việt Nam thời Pháp ( 1890 – 1945). Đường thuộc địa, đường sắt và cảng sông, biển mở đầu phát triển hạ tầng giao thông Việt Nam, Hội KHKT Cầu đường Việt Nam, 2014/12/2
  17. ^ Nguyễn Thế Anh. Việt Nam thời Pháp đô hộ, trang 179, Saigon : Lửa Thiêng, 1970
  18. ^ Logan, William Stewart (2000). Hanoi: Biography of a City. UNSW Press. tr. 86. ISBN 9780868404431. Truy cập ngày 9 tháng 11 năm 2010.
  19. ^ “Hà Nội thời Pháp thuộc”. Hà Nội theo năm tháng. ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội. Truy cập ngày 1 tháng 10 năm 2010.
  20. ^ Papin, Philippe (2001). Histoire de Hanoi. Fayard. tr. 381–386. ISBN 2213606714.
  21. ^ Hai nhóm người Hoa theo Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên bỏ xứ ra đi vì không cam chịu sự cai trị của Mãn Thanh, không phải mang danh nghĩa phản Thanh phục Minh.
  22. ^ “Lịch sử hình thành đất Sài Gòn”. Website Thành phố Hồ Chí Minh. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 2 năm 2010. Truy cập ngày 22 tháng 5 năm 2014.
  23. ^ a b c Quy hoạch Sài Gòn 1772 vượt xa tầm nhìn người Pháp 1865, Báo Tuổi trẻ, 22/03/2016
  24. ^ “Sài Gòn biến đổi và hình thành một thành phố theo kiểu phương Tây”. Website Thành phố Hồ Chí Minh. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 4 năm 2009. Truy cập ngày 22 tháng 5 năm 2014.
  25. ^ Nguyễn Thế Anh. Việt Nam thời Pháp đô hộ, trang 158, Lửa Thiêng, Saigon, 1970