Thảo luận:Ngô đồng (định hướng)

Nội dung trang không được hỗ trợ ở ngôn ngữ khác.
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Tôi cho rằng nhận định "Trong lời bài dân ca Lý chiều chiều (Nam Bộ) cụm từ ngô đồng được nhắc đến là chỉ cây ngô (Zea mays) được trồng lấy lương thực ngoài đồng ruộng chứ hoàn toàn không phải là thuật ngữ tên loài." là không chính xác và có lẽ là sai lầm, do:

  • Theo e-flora, tên gọi ngô đồng [梧桐 = 木 + 吾 + 木 + 同 = mộc (cây, mộc mạc, chất phác) + ngô (ta) + mộc (cây, mộc mạc, chất phác) + đồng (hòa đồng)] là tên chung để chỉ các loài trong chi Firmiana nhưng chủ yếu để chỉ F. simplex = F. platanifolia (An Huy, Phúc Kiến, Quý Châu, Hải Nam, Lưỡng Quảng, Hồ Bắc, Hồ Nam, Chiết Giang, Giang Tô, Giang Tây, Thiểm Tây, Sơn Tây, Tứ Xuyên, Vân Nam, Đài Loan) - loài phổ biến nhất; ngoài ra Trung Quốc có các loài khác như F. calcarea (tây nam Quảng Tây), F. colorata (Vân Nam), F. danxiaensis (Quảng Đông), F. hainanensis (Hải Nam), F. kwangsiensis (Quảng Tây), F. major (Tứ Xuyên, Vân Nam) và F. pulcherima (Hải Nam). Một số tài liệu ghi nhận 2 loài có ở Việt Nam là bo rừng/trôm màu/bo đỏ F. colorata (e-flora, Phạm Hoàng Hộ, Nguyễn Tiến Bân) và Tơ đồng/ngô đồng/trôm đơn/bo rừng/bo xanh F. simplex (Phạm Hoàng Hộ, Nguyễn Tiến Bân). Có nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử Huế (Đỗ Xuân Cẩm) cho rằng cây ngô đồng Firmiana simplex trồng tại khu vực Huế là du nhập vào Việt Nam từ Quảng Đông dưới thời Minh Mạng.
  • Từ ngô trong từ điển Việt Bồ La của Alexandre de Rhodes (1591-1660) xuất bản năm 1651 cũng không có nghĩa nào là để chỉ loài cây lương thực cả. Cụ thể: ngô, nứơc ngô: Reino da China fallando cõ deſprezo: Regnum Sinarum loquendo contemptibiliter de illo. thàng ngô: madraço China: Sinenſis nebulo. Từ điển này cũng không có từ bắp (chỉ thấy các từ như báp chóêi = bắp chuối: fula do ramo de figos da India: flos rami ficuū Indicarum; báp nhà: o que vne em cima a caza de madeira como chaue: clauis vniens ſuperiores partes domus ligneæ và báp, báp môt mlát: cortar de hum golge: ſcindere vnicoictu) cho thấy Zea spp. có lẽ chưa có mặt tại Việt Nam khi đó (~ giữa thế kỷ 17).
  • Người Nam Bộ/Nam Trung Bộ hiện nay không dùng từ ngô để chỉ loài cây lương thực thuộc chi Zea mà dùng từ bắp (ngay trong Đại Nam quấc âm tự vị xuất bản năm 1895-1896 của Paulus Của thấy ghi báp (bắp, 𣔟)). Xem thêm các từ ngô (梧), đồng (桐)) cũng như xem các từ ngô, đồng đồng âm khác nghĩa khác có trong ĐNQATV để thấy hoàn toàn không có từ ngô hay ngô đồng nào khác để chỉ loài cây lương thực nào cả (nhưng không hề có từ Nôm 𥟊: ngô (U+257CA = 禾 (hòa, lúa) + 吾 (ngô, ta)) để chỉ ngô Zea sp. theo cách gọi của người miền bắc/miền trung). Cụ thể tại mục từ đồng (桐) Paulus Của mô tả như sau:
桐 Đồng. c. Cây kêu tên ấy.
Ngô -. Cây cao lớn giống cây gòn, đất nầy không có, chính là cây phụng hoàng hay đậu. Phi ngô đồng bất thê, phi trước [trúc] thật bất thực, 非梧桐不棲非竹實不食 nghĩa là chẳng phải cây ngô đồng thì không đậu, không phải trái tre thì không ăn. (Nói về phụng hoàng là linh vật).

Như vậy, có thể thấy Paulus Của rất am hiểu ý nghĩa của cây ngô đồng trong văn hóa Trung Hoa (cây biết năm nhuận: mỗi cành mỗi năm thường ra 12 lá - mỗi bên 6 lá, mỗi năm nhuận ra 13 lá; cây báo mùa thu đến: (ngô đồng nhất diệp lạc, thiên hạ giai tri thusơ văn nhất diệp lạc, tri thị cửu thu lai - Tư Mã Quang: Ngô đồng; xuân phong đào lí hoa khai nhật, thu vũ ngô đồng diệp lạc thì - Bạch Cư Dị: Trường hận ca). Biểu tượng cho cuộc sống hòa hợp, bình yên và hạnh phúc, chỉ có chim phượng hoàng mới đậu trên cây ngô đồng (ngô đồng bách điểu bất cảm thê, chỉ tị phượng hoàng dã - Trâu Bác: Kiến văn lục), gỗ dùng làm đàn cổ cầm và cổ tranh).

Từ các thực tế trên đây, tôi cho rằng ngô đồng trong bài dân ca Nam Bộ nên được hiểu là ngô đồng F. simplex với ý nghĩa văn hóa của nó là hi vọng, mong muốn về một cuộc sống hòa hợp toàn mĩ, chứ hiểu thành cây ngô (bắp) Zea mays trồng ngoài đồng thì quả là hơi thô. Khonghieugi123 (thảo luận) 18:44, ngày 25 tháng 4 năm 2017 (UTC)[trả lời]