Thảo luận:Nguyễn Đình Hoàn (danh sĩ)

Nội dung trang không được hỗ trợ ở ngôn ngữ khác.
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Dự án Nhân vật Việt Nam
Trang này được thực hiện với sự phối hợp của các thành viên thuộc dự án Nhân vật Việt Nam, một dự án hợp tác giữa các thành viên nhằm nâng cao chất lượng các bài viết về Nhân vật Việt Nam. Nếu bạn muốn tham gia, xin hãy đến thăm trang của dự án! Bạn cũng có thể ghé qua trang thảo luận để trao đổi hoặc đề xuất ý kiến.
?Bài viết chưa được đánh giá chất lượng.
?Bài viết chưa được xếp độ quan trọng.

Cần biên tập[sửa mã nguồn]

Bài này chỉ chép mấy tài liệu vào, cần phải biên tập. Én bạc (thảo luận) 10:41, ngày 12 tháng 2 năm 2017 (UTC)[trả lời]

Sự nghiệp chính trị của Nguyễn Đình Hoàn[sửa mã nguồn]

(TS. Nguyễn Đức Nhuệ, Viện Sử học. Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Nguyễn Đình Hoàn Danh nhân lịch sử thế kỷ XVII-XVIII, Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội, ngày 28/3/2009. NHÀ XUẤT BẢN THẾ GIỚI, Hà Nội, 2009)
Các tài liệu Đăng khoa lục đều thống nhất xác định Nguyễn Đình Hoàn thi đỗ năm 28 tuổi (tính theo tuổi âm lịch). Về khoa thi này, tài liệu chính sử đều cho biết kỳ thi Hội được tổ chức vào tháng 11 năm Mậu Thìn (1688) và tổ chức thi Đình vào tháng Giêng năm Kỷ Tỵ (1689). Thời Lê sơ và Lê Trung hưng, các sĩ tử đã đỗ kỳ thi Hội thì đương nhiên được ân tứ học vị Tiến sĩ, còn trong kỳ Đình thí hay Điện thí sau đó chủ yếu tính điểm để xếp thứ hạng cao thấp theo ba bậc là Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ (gồm có các học vị Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa); Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) và Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Người nào đỗ đầu gọi là Đình nguyên. Do vậy Đình nguyên có thể là Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa hoặc Hoàng giáp. Có khoa không lấy được các học vị trên thì Đình nguyên là người đỗ đầu trong các vị Đồng tiến sĩ. Như vậy, có thể Nguyễn Đình Hoàn sinh năm Tân Sửu (1661) và mất tháng Chạp năm Quý Hợi (đầu năm 1744). Khoa thi Mậu Thìn (1688) lấy đỗ 7 người, duy nhất Nguyễn Đình Hoàn được ân tứ học vị Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) và trở thành Đình nguyên của kỳ thi này. Trong lịch sử khoa cử của Thăng Long - Hà Nội từ thời Lý đến thời Nguyễn, địa bàn quận Cầu Giấy hiện nay có 26 người đỗ đại khoa, trong đó có 6 Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân và 20 Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, nhưng duy nhất có Nguyễn Đình Hoàn đỗ Đình nguyên(2).
Nguyễn Đình Hoàn xuất chính (ra làm quan) trong thời điểm tình hình chính trị xã hội ở Đàng Ngoài khá ổn định, đặc biệt là từ nửa sau thế kỷ XVII trở đi. Ở phía Bắc, nhà Mạc sau khi bị đánh bật khỏi Thăng Long, chạy lên Cao Bằng cát cứ được hơn 7 thập kỷ và đến năm 1677 thì cơ bản bị đánh bại, dư đảng còn sót lại cũng bị tiêu diệt hoàn toàn vào năm 1683.
Cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn kéo dài 45 năm (1627 - 1672) cũng đã đến lúc phải chấm dứt. Hai bên Trịnh - Nguyễn lấy Đại Linh giang (sông Gianh) làm phân giới: “Tự đấy Nam Bắc không đánh nhau nữa”.
Trong khoảng 3 thập kỷ cuối thế kỷ XVII ở Đàng Ngoài nổ ra rải rác một số cuộc nổi dậy của nhân dân địa phương vùng cao biên giới phía Bắc và của hậu duệ Gia Quốc công Vũ Văn Mật nhưng không gây ảnh hưởng lớn đến trật tự xã hội Đàng Ngoài.
Thời điểm này, nền kinh tế Đàng Ngoài đang dần được phục hồi và có những biểu hiện phát triển khá rõ nét, nhất là trên lĩnh vực sản xuất thủ công nghiệp và hoạt động thương nghiệp... Mặc dù ở một số địa phương, đời sống kinh tế của nhân dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn do các yếu tố khách quan đưa lại (lũ lụt, hạn hán, sâu bệnh... dẫn đến mất mùa đói kém) nhưng xét trên đại thể thực trạng kinh tế ở Đàng Ngoài bộc lộ những dấu hiệu tiến bộ, trật tự xã hội đang dần đi vào nền nếp. Đây chính là thời kỳ “kỷ cương được chấn hưng... quan lại vâng theo pháp luật, dân chúng yên ổn làm ăn”,... “các sĩ đại phu đều lấy việc giữ gìn phong cách tiết tháo để tự cổ lệ mình”.
Thời Trịnh Căn trị vì (1682 - 1709), nhân tài nở rộ. Không những “các công khanh phần nhiều đều xứng chức” mà còn xuất hiện nhiều danh thần lương tướng được sử cũ khen ngợi hết lời: Dĩnh Quận công Ngô Hữu Dụng (Trấn thủ Thanh Hoa) “khi ở trấn (hơn 30 năm), ban lệnh gì thì lệnh ấy được thi hành, cấm việc gì thì việc ấy phải thôi hẳn. Bọn trộm cướp phải im hơi”; Thiếu bảo Lộc Quận công Đinh Văn Tả “là danh tướng một thời”; Tham tụng Nguyễn Mậu Tài là người “kỳ cựu vững vàng... trong sạch trung hậu chưa từng bị ai oán ghét”; Liêm Quận công Trần Đăng Doanh “nói năng, bàn luận rõ ràng dứt khoát”; Thượng thư Đồng Tồn Trạch “cầm quyền chính trong tay chín năm mà trong nhà không chứa của thừa, được người ta khen là thanh liêm”; Đô ngự sử Nguyễn Công Vọng, Tham tụng Nguyễn Viết Thứ “là danh thần đương thời”; Nguyễn Quán Nho làm Tể tướng thì “thiên hạ âu ca”; Yên Quận công Trịnh Liễu “là người khiêm nhường, cung kính khoan hậu, thận trọng, kín đáo. Cai trị ở trấn 24 năm biên cương vô sự”; Thiếu bảo quận công Lê Đình Kiên “giữ lòng trung chính... xem dân như con, xử kiện công bằng”... “làm việc chính sự chuộng nghiêm khắc cứng rắn, vì vậy trộm cướp nằm im không dám hoạt động”... Ngoài ra nhiều bậc khoa bảng đỗ đạt dưới thời Trịnh Căn như Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Công Hãng, Lê Anh Tuấn... sau này đều trở thành những bậc lương đống của triều đình Lê - Trịnh. Có thể nói, môi trường chính trị xã hội ở Đàng Ngoài cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII khá thuận lợi cho kẻ sĩ tấn thân trên hoạn lộ.
Thời Lê, từ Lê Thái Tông (1433 - 1442) trở đi, kẻ sĩ bắt đầu được coi trọng. Đối với những người đỗ Tiến sĩ, từ triều Lê Trung hưng trở về sau, chế độ đãi ngộ rất hậu, bổ nhiệm rất cao. Theo Lê Quý Đôn thì có 5 ân điển giành cho những người mới đỗ Tiến sĩ (3).
Phàm người mới đỗ Tiến sĩ, quan ở bộ Lại căn cứ vào đề nghị của quan ở bộ Lễ đưa sang, giao cho Thuyên khảo ty viết rõ ràng toàn hàm đưa sang Thông chính ty, rồi viên Tiến sĩ ấy đến ngoài cửa Đoan Môn làm lễ khâm ban, lại đến Phủ đường làm lễ phụng ban.
Theo quy định bổ nhiệm quan chức đầu tiên cho các tân Tiến sĩ được ban hành từ đời Hồng Đức (1470 - 1497) và được sửa đổi ít nhiều vào thời Bảo Thái (1720 - 1729) thì Hoàng giáp chức Hiệu lý (4).
Như vậy sau khi đỗ Hoàng giáp, Nguyễn Đình Hoàn được trao chức Hàn lâm viện Hiệu lý (5) (chánh Thất phẩm).
Theo tác giả Ngô Cao Lãng trong Lịch triều tạp kỷ thì năm Giáp Dần, niên hiệu Dương Đức thứ 3 (1674), triều đình bàn định về thể lệ bổ nhiệm các Tiến sĩ và đồng Tiến sĩ xuất thân, quy định rõ: Chánh Tiến sĩ (tức Đệ nhất giáp Tiến sĩ xuất thân - Hoàng giáp) ban đầu mới trao chức Hàn lâm viện Hiệu lý, chánh Thất phẩm. Khi nhiệm kỳ đã mãn, nếu là quan ở Kinh thì thăng Lục khoa Cấp sự trung (chánh Lục phẩm). Lại mãn một nhiệm kỳ nữa mà xứng đáng chức vụ thì thăng làm Đô cấp sự trung (chánh Ngũ phẩm)... (6).
Trên thực tế, từ khi Nguyễn Đình Hoàn (1688) thi đỗ đến khi ông về Kinh giữ chức Bồi tụng trong phủ chúa Trịnh (1720), hoạn lộ của ông không được chính sử nhắc đến. Tuy nhiên, thông qua nội dung tấm bia Tiên hiền từ chỉ bi ký (ở xã Xuân Cầu, tổng Xuân Cầu, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh)(7) do Nguyễn Đình Hoàn soạn năm Vĩnh Thịnh thứ 6 (1710) thì thời điểm này Ông đang giữ chức Hộ khoa Đô cấp sự trung.
Tham khảo thêm một số trước tác của Nguyễn Đình Hoàn (đặc biệt là các bài thơ ông sáng tác khi giữ chức Đốc thị ở Nghệ An), chúng tôi phỏng đoán Nguyễn Đình Hoàn ra làm quan ngoại nhiệm (làm quan ở các địa phương) trong khoảng gần 10 năm (từ sau năm 1710 đến năm 1720) (8).
Năm Canh Tý, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 16 (1720), Nguyễn Đình Hoàn được bổ nhiệm làm Bồi tụng bên phủ Chúa (9). Năm Giáp Thìn, niên hiệu Bảo Thái thứ 5 (1724), với tư cách là Bồi tụng, Binh bộ Hữu Thị lang, tước Ân Hải hầu, Nguyễn Đình Hoàn được cử làm Giám thí (Phó chủ khảo) kỳ thi Hội. Khoa này lấy đỗ 17 người.
Tháng 8, năm Giáp Thìn, niên hiệu Bảo Thái thứ 5 (1724), chúa Trịnh mở khoa thi Hoành từ, Nguyễn Đình Hoàn tham dự và trúng vào hạng thứ thủ (thứ 2), được thưởng 5 quan tiền. Về kỳ thi này, tác giả Ngô Cao Lãng cho biết:
Ngày 28 tháng 8. Thi khoa Hoành từ lấy “Cam lộ” (móc ngọt) làm đầu bài và [bảo thí sinh] đặt làm một bài “thuyết” (bài nói về móc ngọt sa xuống, tượng trưng cho cảnh thái bình). Lại ra lệnh cho các người dự thi soạn một bức công văn trả lời Tổng đốc Vân Nam, trong đó trình bày các lý lẽ tỏ ra rằng các trại ven ải Tuyên Quang, Hưng Hoá và xưởng đồng ở núi Mã Yên thuộc Đô Long đều thuộc về bờ cõi nước ta, cách rất xa phủ Khai Hoá thuộc Vân Nam; nước ta đời này qua đời khác vẫn giữ đất ấy và bảo vệ được yên ổn, chứ không phải bá chiếm đất đai của phủ Khai Hoá, vậy há lại nên đẩy về [cho nhà Thanh]?
Bấy giờ Đoàn Bá Dung và Nguyễn Đình Hoàn đều vâng mạng soạn bức công văn ấy để dâng [chúa], được dự vào hợp cách, được thưởng tiền có hơn kém khác nhau (9).
Năm Ất Tỵ, niên hiệu Bảo Thái thứ 6 (1725), chúa Trịnh Cương lệnh cho Bồi tụng Nguyễn Đình Hoàn cùng với Đinh Phụ Ích, Đốc trấn Lạng Sơn, hội đồng với viên quan do triều đình nhà Thanh uỷ nhiệm làm việc điều tra khám xét địa giới hai châu Lộc Bình và Tư Lăng (10).
Sau sự kiện trên, không thấy chính sử ghi chép gì thêm về hành trạng của Nguyễn Đình Hoàn, mặc dù lúc ấy ông mới 65 tuổi. Theo tác giả Phan Huy Chú cho biết: Từ thời Trung hưng về sau, các quan văn võ đến 70 tuổi mới cho về hưu; viên quan nào 69 tuổi thì cuối năm phải làm tờ khải viện lệ bày xin, giao cho các quan bàn, kê rõ chức tước nên thăng và mọi sự lệ, trình lên Chúa xét để thi hành... Mãi đến năm 1737, triều đình mới chuẩn định cho các quan văn võ đến 65 tuổi thì được trí sĩ 3. Có lẽ khi về trí sĩ, Nguyễn Đình Hoàn được gia phong từ Hữu Thị lang bộ Binh lên Tả Thị lang bộ Binh và tước phẩm từ Ân Hải hầu lên Quận công.
Trên đây là toàn bộ hành trạng của Nguyễn Đình Hoàn từ sau khi đỗ Hoàng giáp (1688) đến năm 1725. Trong khoảng trên dưới 40 năm tham chính, Nguyễn Đình Hoàn đã có những đóng góp nổi bật trên lĩnh vực chính trị, nhất là trong khoảng 10 năm ông được giao giữ chức Đốc thị ở Nghệ An.
Thời bấy giờ Nghệ An là một trấn lớn, địa bàn trải dài từ phía Nam trấn Thanh Hoa đến giáp châu Bố Chính. Công việc ở Nghệ An bộn bề, phiền kịch nên chúa Trịnh thường cử những văn thần võ tướng có năng lực thật sự như Nguyễn Công Thái, Lê Thì Liêu, Nguyễn Đình Hoàn để trấn trị, vỗ về dân chúng.
Năm 1672, cuộc chiến tranh Đàng Ngoài - Đàng Trong chấm dứt. Tuy nhiên, các chúa Nguyễn ở trong Nam vẫn thường xuyên có ý thăm dò thực lực đất Bắc Hà.
Năm 1716, chúa Nguyễn Phúc Chu sai hai người khách Phúc Kiến (Trung Quốc) tên là Bình và Quý ra Bắc Hà do thám. Hai người này đến thành Thăng Long trú ngụ, nhờ người mối lái trở thành thân quen với nhà Thái tể Diên Quốc công Trương Dự nên có điều kiện tìm hiểu tình hình ở Bắc Hà khá tường tận. Sau vài tháng, hai người này theo đường Sơn Nam vào trấn Nghệ An. Lúc bấy giờ trấn quan Nghệ An là Lê Thì Liêu ra lệnh nghiêm cấm chặt chẽ, hai người này không có văn bằng nên không thể vào được châu Bố Chính, đành phải quay trở lại Thăng Long, đi đường bộ lên Lạng Sơn, qua cửa Nam Quan sang Lưỡng Quảng, rồi ra biển đi nhờ thuyền buôn về Phú Xuân. Khi gặp Nguyễn Phúc Chu, hai người cho biết... “Đồn và doanh trại ở Nghệ An quân lính dưới quyền 18 quận công và các đề đốc có độ 7, 8 nghìn người. Ba doanh ở Bố Chính có chừng 3.000 quân... Nguyễn Phúc Chu biết được Bắc Hà đang cường thịnh nên mới bỏ ý định dòm ngó...” (12).
Sự kiện trên cho thấy việc nghiêm phòng ở Nghệ An rất được triều đình Lê - Trịnh quan tâm. Thời điểm này, Nguyễn Đình Hoàn đang giữ chức Đốc thị ở Nghệ An. Là một văn quan đảm nhiệm trọng trách của một viên võ tướng ngoài biên, Nguyễn Đình Hoàn đã có những đóng góp to lớn trong quá trình ổn định và phòng giữ nghiêm cẩn địa bàn (13).
Có lẽ sau khi được điều về Kinh, Nguyễn Đình Hoàn được thăng lên chức Hữu thị lang Bộ Binh (14), được cử giữ chức Bồi tụng trong phủ Chúa.
Trên thực tế, chức Bồi tụng là nói về phạm vi quyền hành chứ không phải là phẩm tước, cũng như Tham tụng thực ra là Tể tướng nhưng về chức thì chỉ là Thượng thư (phẩm trật tòng Nhị phẩm), thậm chí có người giữ chức Tham tụng nhưng về mặt quan hàm chỉ là Thị lang (phẩm trật tòng Tam phẩm).
Xét về góc độ quan chức và phạm vi quyền lực thì đây là một vấn đề khá phức tạp, chúng tôi xin trình bày thêm một đôi nét về thể chế chính quyền thời Lê trung hưng và chức năng nhiệm vụ của chức Tham tụng, Bồi tụng.
Từ năm 1600 (khi Trịnh Tùng được phong là Bình An vương, được mở phủ riêng) trở đi trong hệ thống chính trị Đàng Ngoài đã hình thành một định chế đặc biệt - định chế “lưỡng đầu”- với hiện trạng “vua Lê” - “chúa Trịnh”, “cung Vua - phủ Chúa”. Gắn liền với định chế đó là những hoạt động của Triều đường và Phủ đường song song tồn tại và cùng nhau điều hành quản lý đất nước.
Triều đường (hay triều đình) vốn là nơi vua Lê hội họp các quan văn võ đại thần bàn chính sự. Tuy nhiên, dưới thời Trung hưng thực quyền gần như nằm cả trong tay chúa Trịnh, nên khi cần bàn việc quốc sự các quan thường sang bên Phủ đường hội họp dưới sự chủ trì của chúa Trịnh, và Triều đường chỉ còn là nơi các quan vào chầu vua theo nghi thức định kỳ.
Phủ đường là nơi chúa Trịnh họp các đại thần để bàn việc quân quốc trọng sự và điều hành guồng máy cai trị trong nước. Thành phần tham dự các cuộc họp theo định kỳ 9 lần trong một tháng (trừ những lần họp đột xuất) là các quan trong Ngũ phủ (Chưởng phủ sự, Thự phủ sự và Quyền phủ sự - đứng đầu hàng võ), Phủ liêu (Tham tụng, Bồi tụng - đứng đầu hàng văn) và Tri lục phiên là những quan lại thuộc hàng cao cấp (15). Những cuộc họp như thế gọi là đình nghị. Như vậy những buổi họp với Phủ đường chính là cuộc họp của triều đình thu hẹp với sự hiện diện của các quan cao cấp nhất bên triều đình kiêm nhiệm chức vụ bên Phủ đường. Chúa Trịnh tuy không tham dự nhưng mọi kiến nghị trong buổi đình nghị sẽ được đệ trình lên chúa để xin quyết định tối hậu.
Về các chức danh Tham tụng, Bồi tụng, tác giả Lê Quý Đôn cho hay:
“Từ thời đại Kính Tông (1600 - 1619) Thành tổ (tức Trịnh Tùng) hạ lệnh cho Nguyễn Danh Thế, Hiến sát sứ Sơn Tây vào bồi tụng trong Phủ đường bàn việc lớn trong nước; Văn Tổ (tức Trịnh Tráng) hạ lệnh cho Thượng thư Nguyễn Duy Thì tham thị quân mưu. Đây đều là phủ liêu dự bàn việc cơ mật; năm Dương Hoà thứ 4 (1638) đời Thần Tông, Sùng Quốc công Trịnh Kiều mở Tiết chế phủ, mới hạ lệnh cho Thượng thư Nguyễn Danh Thế tham tụng dự bàn quốc chính mà vẫn giữ chức bồi tụng ở phủ chính; sau này Hoằng Tổ (tức Trịnh Tạc) mở Phủ đường hạ lệnh cho Tự khanh Phạm Công Trứ tham tụng, Công Trứ thăng Lễ bộ Thượng thư, cùng với Dương Trí Trạch, Lại bộ Thượng thư, đều giữ chức Tham tụng. Từ đấy, Tham tụng là chức quan đứng đầu trong triều, mà Bồi tụng là chức quan thứ hai” (16).
Theo tác giả Phan Huy Chú “Tham tụng tức là Tể tướng nhưng đó chỉ là quyền chứ không phải là chức, cho nên khi dùng người không cứ phẩm thứ, có khi Thượng thư vào làm Tham tụng, có khi Thị lang hành Tham tụng” (17).
Như vậy giữ chức Tham tụng, Bồi tụng phải là những người tài giỏi, được chúa Trịnh tin dùng mặc dù phẩm trật chỉ ở hàng tòng Nhị phẩm hay tòng Tam phẩm (18).
Thời Trung hưng, Ngũ phủ, Phủ liêu là cơ quan tối cao của Phủ đường, được chúa Trịnh giao trách nhiệm điều hành bộ máy hành chính, giải quyết mọi việc dân, binh, chính... Như vậy, kể từ năm 1720 cho đến khi về trí sĩ, với chức Bồi tụng, Nguyễn Đình Hoàn đã trở thành một trọng thần của triều đình Lê - Trịnh. Ở cương vị này, năng lực chính trị của ông bộc lộ khá sắc sảo trong khi soạn bài công văn trả lời Tổng đốc Vân Nam tranh biện về chủ quyền của Đại Việt đối với vùng đất Tụ Long, châu Vị Xuyên, trấn Tuyên Quang qua kỳ thi Hoành từ năm 1724.
Về việc Thổ quan phủ Khai Hoá (Trung Quốc) tranh chiếm vùng đất châu Vị Xuyên đã xảy ra từ năm 1688, khi Vũ Công Tuấn (hậu duệ của Vũ Văn Mật) làm phản triều đình Lê - Trịnh, chạy sang bên kia biên giới nhờ Thổ ty Vân Nam giúp sức. Thổ ty Vân Nam nhân đấy bèn đem người chiếm lấy, đặt Tuần ty ở các động ven biên giới, sách nhiễu thu thuế người buôn bán (19). Đến năm 1724, sự việc lại xảy ra căng thẳng hơn khi Bố chính tỉnh Vân Nam sai lính vượt biên giới sang khai thác mỏ đồng Tụ Ca. Tổng trấn Khai Hoá cũng đưa người sang lập mốc gỗ ở chân núi Mã Yên... Triều đình Lê - Trịnh phải điều động quân lên kiên quyết chống giữ (20). Sau 5 năm tranh biện, năm 1728, Trịnh Cương sai Nguyễn Huy Nhuận và Nguyễn Công Thái đến xã Tụ Long hội đồng với viên quan phái uỷ tỉnh Vân Nam lập mốc giới. Chỗ lập giới mốc là sông Đổ Chú, về phía Đông sông này là đất Tụ Long nước ta, bên bờ sông có bia đá, có nhà lợp bằng tranh để che mưa nắng. Về phía Tây sông Đổ Chú là đất phủ Khai Hoá, có lập bia ở trên núi đất, có nhà lợp bằng ngói để che mưa nắng và lập đồn canh giữ. Sau sự kiện này, ta đã giành lại được đất của 17 thôn là Nhĩ Hô, Mạnh Đanh, Phù Ni, Phù Ly, Phú Chu, Trị Giang, Phù Không, Ma Hô, Bố Ma, Hô Khâm, Mã Khao, Tà Lộ, Yên Mã, Mã Thọ, Tụ Ca, Thông Sự và Mã Để (21). Quan trọng nhất là nước ta đã lấy lại được mỏ đồng Tụ Long.
Khả năng luận giải, biện bác các vấn đề trong việc đối thoại với Trung Quốc để giành lại chủ quyền lãnh thổ của Nguyễn Đình Hoàn được chúa Trịnh Cương đánh giá rất cao. Chính vì vậy, năm 1725, ông được cử cùng Đinh Phụ Ích lên Lạng Sơn điều tra khám xét địa giới hai châu Lộc Bình và Tư Lăng. Vụ việc này xảy ra từ năm 1689, trải qua 36 năm mới được giải quyết ổn thoả (22).
Với trên dưới 40 năm phụng sự vương triều, về cơ bản, con đường quan danh của Nguyễn Đình Hoàn khá hanh thông, tuy có lúc thăng lúc trầm. Sự nghiệp chính trị của ông được phản ánh rõ nét qua một số sự kiện tiêu biểu nêu trên. Qua đó có thể khẳng định về những đóng góp to lớn của ông đối với sự phát triển của lịch sử dân tộc, đặc biệt là trên lĩnh vực đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia./.
Hà Nội, Xuân Kỷ Sửu
N.Đ.N
Chú giải --------------------
(1) Theo Bái Ân Nguyễn tộc gia phả do Nguyễn Đức Tú biên soạn năm Minh Mệnh thứ 21 (1840), tục biên Tộc phả được biên soạn từ năm Vĩnh Thịnh thứ nhất (1705). Bản dịch của Phạm Thị Thoa.
(2) Tham khảo Bùi Xuân Đính: Tiến sĩ Nho học Thăng Long - Hà Nội (1075 - 1919), Nhà xuất bản. Hà Nội, 2003.
(3) Năm ân điển đó là:
- Ban cho mũ áo và cân đai triều phục, cho vinh quy về quê hương, có đủ các hạng cờ quạt, nghi trượng, phường trống và phường nhạc đón rước.
- Viên quan có trách nhiệm bắt dân làng trước hết dựng phủ đệ cho Tiến sĩ.
- Không những người đỗ Tam khôi hoặc ứng thí chế khoa trúng cách được bổ vào viện Hàn lâm mà cả người đỗ đồng Tiến sĩ cũng được bổ giữ chức quan trong các khoa, các đạo, không phải bổ làm quan ở phủ hoặc huyện.
- Trong mỗi khoa, một người đỗ trẻ tuổi được bổ giữ chức Hiệu thảo.
- Người nào bổ quan ở ngoài các trấn, thì bổ vào hai ty Thừa chính hoặc Hiến sát, đều trao cho chưởng ấn chính thức, không phải giữ chức tá nhị.
(4) Theo Lê Quý Đôn: Kiến văn tiểu lục, Nhà xuất bản. VHTT, Hà Nội, 2006, tr. 106 - 107.
(5) Chức trách của Hàn lâm viện Hiệu lý là kiểm soát chỉnh lý và sẵn sàng cho biết ý kiến về văn từ trong chiếu, chỉ, lệnh dụ, lệnh chỉ, cùng chú giải những chữ trong chiếu, chỉ, lệnh dụ, lệnh chỉ này khi có người hỏi tới... Theo Phan Huy Chú: Lịch triều Hiến chương loại chí, tập I (Quan chức chí), Nhà xuất bản. Giáo dục, Hà Nội, 2007.
(6) Ngô Cao Lãng: Lịch triều tạp kỷ, Nhà xuất bản. KHXH, Hà Nội, 1995, tr. 45.
(7) Về nội dung văn bia sẽ có một bài khảo riêng. Tuy nhiên, xét về các địa danh mà nhóm tác giả Viện Nghiên cứu Hán Nôm giới thiệu thì là những địa danh xuất hiện thời Nguyễn. Vì vậy có khả năng văn bia được khắc lại thời Nguyễn.
(8) Ví như bài: Thứ vận hạ Quốc lão Liêm Quận công Nguyễn Quý Đức (Hoạ vần mừng Quốc lão Liêm Quận công Nguyễn Quý Đức cho biết bài thơ này ông sáng tác trong khoảng từ năm 1717 đến trước năm 1720. Năm 1717, Nguyễn Quý Đức xin về trí sĩ, được gia phong Thái phó Quốc lão tham dự triều chính và mất năm 1720; hay bài Thứ vận hạ Thượng thư Thi Khánh bá Hoàng Công Chí trí sĩ (Hoạ vần mừng ông Hoàng Công Chí, Thượng thư bộ Công, tước Thi Khánh bá về nghỉ hưu). Chính sử không nói rõ Hoàng Công Chí về trí sĩ năm nào chỉ biết ông mất vào năm 1719, thọ 79 tuổi.
(9) Ngô Cao Lãng: Lịch triều tạp kỷ, Nhà xuất bản KHXH, Hà Nội, 1995, tr. 358-359.
(10) Ngô Cao Lãng: Lịch triều tạp kỷ, Sđd, tr. 369. Khâm định Việt sử thông giám Cương mục, tập II, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 1998, tr. 361. Về sự kiện này đã có một bài viết riêng.
(11) Phan Huy Chú: Lịch triều Hiến chương loại chí, Sđd, tập I, tr. 661.
(12) Ngô Cao Lãng: Lịch triều tạp kỷ, Nhà xuất bản KHXH, Hà Nội 1995, tr. 209.
(13) Về lĩnh vực này đã có bài viét riêng trong tập Kỷ yếu.
(14) Theo Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí (Quan chức chí) thì bộ Binh có nhiệm vụ: Giữ công việc binh nhung, cấm vệ, xe ngựa, nghi trượng, khí giới và những việc dân biên giới, quân đóng trấn các trạm phố, các nơi hiểm yếu cùng những việc khẩn cấp. Đứng đầu bộ Binh là viên Thượng thư (hàm tòng Nhị phẩm), tiếp đến là Tả hữu Thị lang (hàm tòng Tam phẩm), nhưng chức Tả Thị lang cao hơn Hữu Thị lang.
(15) Theo quan chế thời Lê, chức quan được liệt vào hàng đại thần phải có hàm tòng Tứ phẩm trở lên (văn quan từ chức Đông các Đại học sĩ, Quốc Tử Giám Tế tửu, Thông chính sứ, Tham chính trở lên đến Tam thái; võ quan từ chức Chỉ huy sứ Đồng tri, Tổng binh Đồng tri, Đô tri lên đến Tam thái).
(16) Lê Quý Đôn: Kiến văn tiểu lục, Sđd.
(17) Phan Huy Chú: Lịch triều Hiến chương loại chí, tập I (Quan chức chí), Sđd.
(18) Theo quan chế đời Hồng Đức (1470 - 1497) và đời Bảo Thái (1720 - 1729) thì chức Thượng thư 6 bộ hàm tòng Nhị phẩm, chức Tả, Hữu Thị lang hàm tòng Tam phẩm.
(19) Khâm định Việt sử thông giám Cương mục, tập II, Sđd, tr. 357.
(20) Sư kiện này được Lê Quý Đôn ghi chép rất cụ thể trong Kiến văn tiểu lục, tr. 395-405.
(21) Lê Quý Đôn: Kiến văn tiểu lục, Sđd, tr. 403.
(22) Vấn đề này đã có một bài viết riêng trong Kỷ yếu này.

Về chức quan của Nguyễn Đình Hoàn[sửa mã nguồn]

(Quang Lê, Viện Sử học. Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Nguyễn Đình Hoàn Danh nhân lịch sử thế kỷ XVII-XVIII, Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội, ngày 28/3/2009. NHÀ XUẤT BẢN THẾ GIỚI, Hà Nội, 2009)
----------------------------------------------------------------------------------------
Nguyễn Đình Hoàn là một nhân vật lịch sử nổi danh của thế kỷ XVII - XVIII. Trên quan lộ, Nguyễn Đình Hoàn đã từng trải nhiều chức vụ khác nhau, và ở cương vị nào, ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và để lại những dấu ấn đậm nét (1).
1 - Các sách về khoa bảng và gia phả của dòng họ Nguyễn Đình ở phường Bái Ân đều cho biết:
Sử sách cũng như gia phả của dòng họ không ghi chép Nguyễn Đình Hoàn giữ chức gì sau khi đỗ Hoàng giáp. Tuy nhiên, quan chế đời Hồng Đức đã quy định: Người đỗ Trạng nguyên được trao chức Thị giảng, Bảng nhãn chức Thị thư, Thám hoa chức Thị chế, Hoàng giáp chức Hiệu lý, còn Tiến sĩ thì từ sau khi Trung hưng, bắt đầu trao cho chức Giám sát. Đồng thời, cũng quy chuẩn định thưởng tư cách cho những người mới đỗ Tiến sĩ: Trạng nguyên 8 tư, Bảng nhãn 7 tư, Thám hoa 6 tư, Hoàng giáp 5 tư, đồng Tiến sĩ 4 tư (2). Theo đó, chức quan đầu tiên mà Nguyễn Đình Hoàn đảm trách là Hàn lâm viện Hiệu lý.
Hàn lâm viện đặt ra từ thời nhà Lý, đến thời vua Lê Thánh Tông, quan chế được san định lại, đã bãi chức Đại học sĩ và đặt thành các chức: Thừa chỉ, Thị độc, Thị giảng, Thị thư, Đãi chế, Hiệu lý, Tu soạn, Kiểm thảo, phẩm trật ở hàng chánh Tứ phẩm trở xuống (3).
Hàn lâm viện là cơ quan phụng mệnh vua hoặc chúa khởi thảo các bài chế, biểu, thơ, ca, văn thư, cùng là các chức cung phụng trong triều đường, nếu chức nào chưa được hợp, đều được làm tờ trình lên (4). Vì thế, những người làm việc trong Hàn lâm viện đều là người nổi tiếng về văn học và am hiểu kiến thức sâu rộng. Chức nhiệm của Hàn lâm viện Hiệu lý là kiểm soát, chỉnh lý và sẵn sàng cho biết ý kiến về văn từ trong chiếu, chỉ, lệnh dụ, lệnh chỉ, cùng chú giải những chữ trong chiếu, chỉ, lệnh dụ, lệnh chỉ này khi có người hỏi tới... Hàn lâm viện Hiệu lý có phẩm trật là chánh Thất phẩm (5).
Căn cứ vào tấm bia Tiên hiền từ chỉ bi (Văn bia ghi việc tu bổ Từ chỉ thờ tiên hiền) tại xã Xuân Cầu, tổng Xuân Cầu, huyện Văn Giang, xứ Kinh Bắc (nay là thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên), thì năm Canh Dần (1710), Nguyễn Đình Hoàn giữ chức Hộ khoa Đô cấp sự trung.
Sáu khoa bắt đầu được đặt ra từ đời Nghi Dân (1459), bao gồm Trung thư khoa, Hải khoa, Đông khoa, Tây khoa, Nam khoa và Bắc khoa. Đến năm Quang Thuận thứ 6 (1465), vua Lê Thánh Tông sửa định lại quan chế, cho đổi Trung thư khoa làm Lại khoa, Hải khoa làm Hộ khoa, Đông khoa làm Lễ khoa, Nam khoa làm Binh khoa, Tây khoa làm Hình khoa, Bắc khoa làm Công khoa. Mỗi khoa có đặt chức Đô cấp sự trung và Cấp sự trung, phẩm trật vào hàng chánh Thất phẩm và chánh Bát phẩm. Hộ khoa Đô cấp sự trung (chánh Thất phẩm) có trách nhiệm bàn xét và bác trả lại những việc mà bộ Hộ quản lý.
Qua 8 bài thơ được chép trong Toàn Việt thi lục, được biết Nguyễn Đình Hoàn còn giữ chức Đại lý Tự khanh (người đứng đầu Đại lý tự).
Các chức Tự khanh, Thiếu khanh được đặt từ thời Trần Dụ Tông (1341 - 1369), còn sáu tự được đặt từ đời Quang Thuận (1460 - 1470). Thái thường tự là một trong sáu tự: Thái thường tự giữ việc lễ nhạc, giao miếu, xã tắc, lăng tẩm; Quang lộc tự giữ việc về rượu lễ, đồ lễ, đồ ăn trong các việc tế tự, triều hội, yến tiệc, lo chứa sẵn (trừ bị) và xuất nhập cẩn thận; Đại lý tự được xét những án tâu lên vua, đưa sang Thẩm hình viện xét rõ; còn Thái bộc tự coi việc xe kiệu voi ngựa; Hồng lô tự giữ việc xướng danh thi Đình và Thượng bảo tự đóng ấn quyển thi Hội. Tự khanh sáu tự được trật hàm chánh Ngũ phẩm.
Các tài liệu về khoa bảng đều ghi rõ ràng rằng, Nguyễn Đình Hoàn làm quan tới chức Hữu Thị lang bộ Binh.
Thể lệ thăng chức năm Thịnh Đức thứ 8 (1670) có quy định: Các chức Thiêm đô, Tự khanh làm việc đủ niên hạn mà xứng chức, viên nào có tài nói, có oai phong thì được thăng chức Phó đô, viên nào có mưu trí làm việc giỏi thì được thăng chức Hữu Thị lang; quan ngoài thì được thăng chức Thừa chính sứ. Các chức Phó đô, Hữu Thị lang, Thừa chính sứ làm việc đủ niên hạn và xứng chức thì được thăng các chức Đô ngự sử, Tả thị lang. Như thế, Nguyễn Đình Hoàn là người mưu thuật, làm việc giỏi, nên được thăng chức làm Hữu Thị lang bộ Binh.
Các bộ thời nhà Lý chia đặt thế nào, chính sử không ghi chép. Thời Lê sơ, mới chỉ có 2 bộ Lại và Lễ. Khi Lê Nghi Dân lên ngôi (1459), đã cho đặt đủ 6 bộ: Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công.
Chức nhiệm của sáu bộ được quy định rất rõ ràng vào năm Đức Nguyên thứ 2 (1675):
- Bộ Lại: Chuyên giữ công việc trao quan phong tước, chọn bổ, xét hạch, thăng giáng và các việc điều bổ (chức khuyết), cấp cho (bổng lộc);
- Bộ Hộ: Giữ công việc về ruộng đất, hộ khẩu, phú thuế, thuế thổ sản, tiền thóc, kho tàng và việc lương bổng quan binh;
- Bộ Lễ: Giữ công việc về nghi lễ, tế tự, tiệc mừng, tiệc yến, trường học, thi cử, mũ áo, ấn dấu, chương tấu, bài biểu, đi sứ, đi triều cận, lại kiêm trông coi các ty thuộc tư thiên, y bốc cùng là tăng đạo, giáo phường, đồng văn, nhã nhạc;
- Bộ Binh: Chuyên giữ công việc binh nhung, cấm vệ, xe ngựa, nghi trượng, khí giới và những việc dân biên giới, quân đóng trấn các trạm phố, các nơi hiểm yếu cùng những việc khẩn cấp;
- Bộ Hình: Giữ mọi công việc về luật lệnh, hình pháp, xét lại các việc tù đày kiện cáo, các việc nghiêm cấm;
- Bộ Công: Giữ những công việc thành trì, cầu cống, đường sá, thợ thuyền, các việc sửa chữa, xây dựng.
Còn chức Thị lang được đặt ra từ thời Lý, với những chức Trung thư Thị lang, Bộ Thị lang. Khi có đủ 6 bộ, thì chức Tả - Hữu thị lang cũng được đặt đầy đủ. Tả - Hữu Thị lang có nhiệm vụ giúp Thượng thư quản lý và điều hành mọi công việc của bộ đó. Theo quan chế Hồng Đức và Bảo Thái, Tả - Hữu Thị lang ở hàng phẩm trật tòng Tam phẩm.
Cũng vì có công lao, nên Nguyễn Đình Hoàn được dự ban tước Ân Hải hầu.
Hầu là một trong 5 bậc tước của Ngũ đẳng: Công, hầu, bá, tử, nam. Từ Hải giải thích: Sách Lễ ký, phần Vương chế chép: Tước lộc của vương chế có 5 bậc (ngũ đẳng): Công, hầu, bá, tử, nam. Lời chú của họ Khổng: 5 bậc công, hầu, bá, tử, nam chỉ vương chế đời Ngu Hạ nhà Chu. Đời Ân thì có 3 bậc là công, hầu, bá. Sách Mạnh Tử, thiên Vạn Chương chép: Bắc cung Kỳ hỏi rằng: Nhà Chu ban tước lộc thế nào? Mạnh Tử trả lời: Thiên tử một ngôi, công một vị trí, hầu một vị trí, bá một vị trí, tử và nam cùng một vị trí, đấy là 5 bậc.
Theo đó, vua Lê Thánh Tông đã ấn định về việc phong tước: Ban tước quốc công và quận công phải là những bầy tôi có công lao to lớn, được dùng một chữ của tên phủ hoặc huyện làm hiệu; tước hầu, tước bá lấy tên xã làm hiệu và dùng cả hai chữ (6). Nguyễn Đình Hoàn được ban tước Ân Hải hầu là phù hợp với quy định, nghĩa là, lấy chữ Ân của phường Bái Ân làm chữ đầu trong tước phong của mình. Xét về bậc thông tư, quan văn được phong Quốc công là Thượng trật (24 tư), Quận công là Thượng giai (23 tư), tước Hầu là Thượng liên (22 tư). Như vậy, Ân Hải hầu Nguyễn Đình Hoàn đã đạt được tước lộc rất cao của Ngũ đẳng.
Khi căn cứ vào bài Thơ mừng ông Nguyễn Đình Hoàn vâng mệnh được sai làm Đại lý Tự khanh, Đốc thị xứ Nghệ An; thì Nguyễn Đình Hoàn được vua Lê chúa Trịnh tín nhiệm cử giữ chức Đốc thị Nghệ An.
Sử gia Phan Huy Chú cho biết: “Chức Đốc đồng, Đốc thị đặt ra từ đầu thời Lê Trung hưng. Ở các trấn đặt chức Đốc đồng, khám xét việc kiện cáo; ở trấn Nghệ An đặt chức Đốc thị, dự coi việc biên cương. Chức Đốc đồng (7) thì dùng quan Tứ phẩm, Ngũ phẩm trở xuống; chức Đốc thị, dùng quan Tam phẩm, Tứ phẩm. Cũng có khi lâm thời chọn người cho làm, không cứ quan phẩm” (8). Sách Khâm định Việt sử thông giám Cương mục bổ sung rõ hơn: “Từ Trung hưng về sau, các trấn đều dùng một quan võ làm Trấn thủ để cầm phòng, chế ngự giặc cướp; một văn quan làm Đốc đồng để khám hỏi kiện tụng. Thường dùng quan Ngũ, Lục trở xuống và những kẻ triều sĩ vừa được cất nhắc ra làm. Khoảng năm Long Đức (1732 - 1735), các con cháu của chúa ra làm Trấn thủ. Giản hoặc cũng có dùng đại thần Tán lý việc trấn, rồi sau lại bãi đi. Duy Nghệ An, vì phải chế ngự xa Thuận Quảng, có nhiệm vụ rất quan trọng, nên về quan văn dùng Tả hoặc Hữu Thị lang làm Đốc thị, quyền gần bằng Đốc suất. Chức Đốc thị, Phó Đốc thị lâm thời chọn người, chứ không cứ phải là quan phẩm” (9).
Mặc dù, chức Đốc thị không có quan phẩm cố định, lâm thời chọn người; nhưng theo chúng tôi, vì Nghệ An là vùng đất đặc biệt, nên vua Lê chúa Trịnh cho đặt Đốc thị làm chức cố định ở đây, để cùng với Đốc suất, tham bàn mọi việc biên cương. Và như thế, chức Đốc thị ở Nghệ An, chắc hẳn, sẽ khác so với chức Đốc thị được đặt ra mỗi khi có việc quân cơ hay chiến sự (ở góc độ này, chức Đốc thị giống với trường hợp của chức Tán lý việc quân).
Năm Canh Tý (1720), “cho Nguyễn Công Hãng, Nguyễn Công Cơ, Lê Anh Tuấn làm Tham tụng; Nguyễn Đình Hoàn, Phạm Khiêm Ích, Tô Thế Huy làm Bồi tụng” (10).
Kể từ năm Canh Tý, niên hiệu Thận Đức nguyên niên (1600), khi Trịnh Tùng được phong làm Bình An vương, được mở phủ riêng, thì hệ thống chính trị ở Đàng Ngoài đã hình thành định chế lưỡng đầu vua Lê - chúa Trịnh. Gắn liền với định chế đó là những hoạt động song song của Triều đường (vua Lê) và Phủ đường (chúa Trịnh): Triều đường vốn là nơi vua Lê hội họp các quan văn võ đại thần bàn chính sự, nhưng dưới thời Trung hưng, thực quyền gần như nằm trong tay của chúa Trịnh, nên Triều đường chỉ còn là nơi các quan vào chầu vua theo nghi thức định kỳ. Trong khi đó, Phủ đường mới là nơi chúa Trịnh và các đại thần họp bàn những việc quân quốc trọng sự, điều hành guồng máy cai trị trong nước. Phủ đường gồm có Ngũ phủ (Chưởng phủ sự, Thự phủ sự và Quyền phủ sự - đứng đầu hàng võ), Phủ liêu (Tham tụng, Bồi tụng - đứng đầu hàng văn) và Tri lục phiên (những quan lại cao cấp).
Vì Phủ đường không phải là một triều đình riêng, nên các chức quan then chốt bên Triều đường đều được kiêm nhiệm những vị trí trọng yếu bên Phủ đường. Cách tổ chức như vậy, về danh nghĩa, vừa đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống quan chế của vương triều, vừa đảm bảo uy thế của vua Lê cũng như vai trò thần tử của chúa Trịnh.
Đứng đầu bên hàng văn ở Phủ đường là Tham tụng (Tể tướng), dưới có Bồi tụng, mà thực chất là Á tướng (Phó Tể tướng). Thời Lý là Tả - Hữu tham tri chính sự. Thời Trần là Tri mật viện; thời Lê sơ đặt Mật viện Tham tri; đến đời Hồng Đức bỏ chức này, công việc trả về Lục bộ. Đến thời Trung hưng, khi các chúa Trịnh cầm quyền, mới đặt quan Bồi tụng bên Phủ đường. Có thể, cùng một lúc, có từ 3 đến 4 viên, đều giữ bản chức mà mang hàm để dự vào chính sự dưới chức Tham tụng. Sự chọn dùng chức này đều do tự ý chúa quyết định, không cứ theo phẩm chức nào.
Chức nhiệm của Bồi tụng là giúp Tham tụng bàn định các công việc nên làm, cùng là hội đồng với quan Thiêm sai để hỏi xét những tờ khải kêu lên. Việc nào đã qua Lục bộ và Ngự sử xử đoán, sự tình đáng ngờ mà các nha môn xử có chỗ dị đồng, thì nên cho một vài người hỏi cung lại, lại phải chiếu lệ đem giam, rồi mới được kê khai duyên cớ để trình lên. Phải cùng cho chữ “khán”, rồi mới được phê chữ và hội đồng gửi bác đi. Việc nào (mà thấy) trong việc xử đoán trước không có lẽ gì khác thì nhất thiết thôi, không bác bẻ. Việc nào mà chưa trải qua xét lại thì nên chiếu theo quy chế gửi bác, không được sai bừa bắt xét.
Năm Giáp Thìn, niên hiệu Bảo Thái thứ 5 (1724), với tư cách là Bồi tụng (bên Phủ đường), kiêm chức Binh bộ Hữu Thị lang (bên Triều đường), tước Ân Hải hầu, Nguyễn Đình Hoàn được cử làm Giám thí kỳ thi Hội. Khoa này lấy đỗ 17 người (11).
Theo quy định năm Nhâm Tuất (1442), vua giao cho bộ Lễ cử các quan để sung vào làm Đề điệu, Giám thí, Tuần xước (viên quan dẫn đầu đội quân có đủ voi ngựa khí giới đi tuần xung quanh trường thi để đề phòng sự gian trá và sự bất trắc có thể xảy ra), Thu quyển (có nhiệm vụ thu nhận quyển của các sĩ tử ứng thi), Di phong (coi giữ việc rọc phách), Đằng lục (giữ nhiệm vụ chép lại từng bài văn của sĩ tử ra một quyển khác để chấm) và Đối độc (giữ việc đọc lại bản Đằng lục để đối chiếu với nguyên văn trong quyển của sĩ tử cho khớp nhau).
Như thế, trong các kỳ thi Hội thời Lê, Đề điệu chính là người đứng đầu và cai quản mọi hoạt động của trường thi. Giám thí là Phó chủ khảo trong các kỳ thi Hội thời Lê, đứng dưới quan Đề điệu. Nếu như Giám thí thời Lê là chức Phó của Đề điệu, thì đến thời Nguyễn, Phó chủ khảo là Tá nhị của Chánh chủ khảo.
Tháng 8 năm Giáp Thìn (1724), chúa Trịnh mở khoa thi Hoành từ. Nguyễn Đình Hoàn tham dự và trúng vào hạng thủ (thứ 2), được thưởng 5 quan tiền.
Hoành từ là một khoa thi không cố định và là hình thức để tuyển chọn những người có tài mỗi khi đất nước có việc hệ trọng. Trong kỳ thi đó, thí sinh phải làm các bài thơ, phú, tán, tụng ca, châm..., không có thể thức nhất định. Thí sinh cũng phải thể hiện sao cho lời văn dồi dào, rộng rãi, tỏ ra có học lực cao siêu, vì đó là kỳ thi để chọn ra những người văn hay học rộng.
Chúng ta đều biết rằng, những năm đầu thế kỷ XVIII, tình hình biên giới phía Bắc của nước Đại Việt không ổn định, xâm lấn đất đai từ phía bên kia biên giới thường xuyên diễn ra. Trước tình cảnh đó, ngày 28 tháng 8, chúa Trịnh mới cho tổ chức khoa thi Hoành từ này. Ngô Cao Lãng cho biết: “Thi khoa hoành từ lấy “Cam lộ” (móc ngọt) làm đầu bài và [bảo thí sinh] đặt làm một bài “thuyết” (bài nói về móc ngọt sa xuống, tượng trưng cho cảnh thái bình). Lại ra lệnh cho các người dự thi soạn một bức công văn trả lời Tổng đốc Vân Nam, trong đó trình bày các lý lẽ tỏ ra rằng: Các trại ven ải Tuyên Quang, Hưng Hoá và xưởng đồng ở núi Mã Yên thuộc Đô Long đều thuộc về bờ cõi nước ta, cách rất xa phủ Khai Hoá thuộc Vân Nam; nước ta đời này qua đời khác vẫn giữ đất ấy và bảo vệ được yên ổn, chứ không phải bá chiếm đất đai của phủ Khai Hoá, vậy há lại nên đẩy về [cho nhà Thanh]?. Bấy giờ Đoàn Bá Dung và Nguyễn Đình Hoàn đều vâng mạng soạn bức công văn ấy để dâng (chúa), được dự vào hợp cách, được thưởng tiền có hơn kém khác nhau (11).
Sau khoa thi Hoành từ đó, chúa Trịnh Cương đã ra lệnh cho “Bồi tụng Nguyễn Đình Hoàn cùng với Đốc trấn Lạng Sơn là Đinh Phụ Ích hội đồng với viên quan do triều đình nhà Thanh ủy nhiệm làm việc điều tra khám xét địa giới hai châu Lộc Bình và Tư Lăng” 1. Với tư cách là người dẫn đầu đoàn đàm phán, đoàn hội khám của ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Ngày mồng 7 tháng 12 năm Quý Hợi (1743), tức ngày 21 tháng 1 năm 1744, Nguyễn Đình Hoàn mất. Triều đình Lê - Trịnh phong ông chức Tả Thị lang bộ Binh, tước Ân Quận công.
2 - Với những chức tước như đã nêu trên, Nguyễn Đình Hoàn còn được hưởng nhiều quyền lợi khác tương ứng với chức nhiệm của mình.
Chúng ta lấy chức thực quan cao nhất (Tả Thị lang, Bồi tụng) và tước phong cao nhất (Ân Quận công) của Đình nguyên Hoàng giáp Nguyễn Đình Hoàn để đối chiếu, xem xét.
2.1 - Về huân cấp: Là xưng hiệu vinh dự phong cấp theo công tích và chỉ phong tặng cho những công thần có phẩm hàm từ Ngũ phẩm trở lên. Những người có công lao, được dự tước Quận công (cả văn lẫn võ) thì Huân cấp ngang với hàm chánh Nhất phẩm; còn những tước hầu, bá, tử thì ngang với tòng Nhất phẩm; tước nam thì ngang với chánh Nhị phẩm. Vì thế, huân cấp của Nguyễn Đình Hoàn là Thượng trụ quốc.
2.2 - Về tản quan: Tức chỉ là quan hàm mà không phải là thực chức.
Hàm tản quan của quan văn, quan võ và nội quan không giống nhau. Với bên văn thì tản quan cho đến hàm Cửu phẩm, nhưng ban võ, tản quan chỉ gia cho những công thần hàm từ Lục phẩm trở lên.
Những văn quan, võ quan được phong tước công, hầu, bá thì tản quan ngang với hàm chánh Nhất phẩm; tước tử ngang với tòng Nhất phẩm, tước nam thì ngang với chánh Nhị phẩm. Ở đây, Nguyễn Đình Hoàn được ban tước Ân Quận công, nên hàm tản quan tương ứng là Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu.
2.3 - Về thông tư: Tư được coi như một bậc để phong thưởng. Thông tư thời Lê có 8 thông, tương ứng với 24 tư. Tám thông là: Trật, giai, liên, ban, tự, chế, tuyển và liệt. Mỗi thông có 3 bậc là: Thượng, trung và hạ. Tổng cộng có 24 tư. Khi đối chiếu sự phối hợp giữa các thông với phẩm tước, thì về văn ban, Quận công có phẩm hàm trên Nhất phẩm, tức là thông cao nhất Thượng trật, ứng với đó là 24 tư.
2.4 - Về vinh phong:
Theo lệ sửa định lại quan chế năm Hồng Đức thứ 2 (1471) thì: “Về công thần được vinh phong thì từ chữ Suy trung đến chữ Tuyên lực cộng 24 chữ. Đại khái, các quan văn võ có công bắt đầu thì được gia 2 chữ cho đến 8 chữ, người nào nên gia chữ nào thì đến chữ ấy đặc cách gia cho. 24 hiệu đó là: Suy trung, Dực vận, Tá lý, Cẩn lễ, Tán trị, Dương võ, Kính thận, Minh nghĩa, Trinh ý, Phụ quốc, Hiệp mưu, Đồng đức, Khiêm cung, Đoan nhã, Kiệt tiết, Tráng liệt, Uy dũng, Cương chính, Bỉnh văn, Hiệu thuận, Thuần tín, Đôn hậu, Tuyên lực, Tĩnh nạn. Tư liệu không cho biết về vinh phong của Nguyễn Đình Hoàn.
2.5 - Về tước phong: Tuy mỗi triều đại có việc việc phong tước khác nhau, nhưng về Ngũ đẳng, hầu như triều đại phong kiến nào cũng tuân thủ rất chặt chẽ. Theo đó, Nguyễn Đình Hoàn được truy phong tước Ân Quận công tức là đã đạt được tước lộc cao của Ngũ đẳng, chỉ đứng sau Quốc công về ngạch thông tư.
2.6 - Với chức tước cao, không những đem lại quyền lực, địa vị và quyền lợi quan trọng cho bản thân, mà còn là một vinh dự cho cả gia đình, họ tộc.
- Lệ cấp bổng lộc (đối với quan ở Kinh thành): Quận công được 120 quan;
- Ruộng đất và người theo hầu: Quận công được 350 mẫu ruộng thế nghiệp, 32 mẫu đất thế nghiệp, 300 mẫu ruộng tứ, 90 mẫu bãi dâu tứ, đầm tứ bằng thực tiền 50 quan, 180 mẫu ruộng tế, người hầu 100 người, hộ mắm muối 50 người. Ngoài ra, những người có phẩm trật trên chánh Nhất phẩm còn được hưởng 3 mẫu vườn đất ở trong kinh thành làm tư gia.
- Khi mất được cấp tiền tuất và lệ tự sự (lệ thờ cúng) theo chức phẩm. Tiền tuất của người có phẩm trật trên Nhất phẩm thì xuất tự đặc ân; chánh Nhất phẩm (Thái phó, Thái bảo) cho tuất 500 quan tiền gián, tòng Nhất phẩm (Tả - Hữu đô đốc) 450 quan tiền gián, chánh Nhị phẩm (Tam thiếu, Hiệu điểm, Đề đốc, Đô đồng tri, Đề lãnh) 400 quan tiền gián, tòng Nhị phẩm (Đô đốc Thiêm sự, Tả - Hữu hiệu điểm, Tham đốc, Phó đề lãnh, Thượng thư sáu bộ) 350 quan tiền gián, chánh Tam phẩm (Đô chỉ huy sứ, Đô tổng binh sứ, Đô ngự sử, Tổng thái giám) 300 quan tiền gián, tòng Tam phẩm (Đô chỉ huy Đồng tri, Tổng binh Đồng tri, Tả - Hữu thị lang, Thừa sứ, Đô thái giám) 250 quan tiền gián...:Còn lệ tự sự cứ chiếu theo chức phẩm mà chuẩn cấp: Chánh Nhất phẩm được 3 xã, 200 quan tiền gián. Trở xuống, cứ kém mỗi bậc sút 20 quan: Tòng Nhất phẩm: 3 xã, chánh Nhị phẩm: 2 xã, tòng Nhị phẩm: 2 xã, chánh Tam phẩm: 1 xã), tòng Tam phẩm: 1 xã, chánh Tứ phẩm cho lĩnh 100 quan tiền gián...
- Các thành viên trong gia đình đều được vinh phong, tập ấm. Theo quan chế thời Hồng Đức (1470 - 1497) và Bảo Thái (1720 1729), thì những người có công lao to lớn, những bậc công thần của triều đình thì đều được phong ấm (tương ứng với những chức, tước). Lệ tập ấm năm Bảo Thái thứ 3 (1722) quy định: Công thần khai quốc, chỉ cho ngành trưởng đời đời được một người làm công thần tôn. Công thần Trung hưng đã dự khảo xét công trạng, đều cho đời đời được công thần tôn. Các quan văn võ được phong công thần thì cho con cháu được tập ấm 5 đời, 4 đời, 3 đời, có khác nhau. Các quan văn võ Nhị phẩm trở lên, thì con cháu được là quan viên tử, quan viên tôn, hàng chắt thì chỉ một chắt trưởng được là quan viên tôn; Tam phẩm, Tứ phẩm thì con cháu đều được quan viên tử quan viên tôn...
Những người được ban tước Quận công thì: Cha và ông đều được phong hầu, mẹ và bà đều được phong Chánh phu nhân, vợ được phong Quận phu nhân, con trưởng được phong Triều liệt Đại phu, các con thứ được phong Hoằng tín Đại phu, cháu trưởng được phong Hiển cung Đại phu.
Qua nội dung một số chức quan mà Nguyễn Đình Hoàn từng đảm nhiệm, cho thấy ông đã có nhiều đóng góp đối với lịch sử dân tộc trên các lĩnh vực, như: Chính trị, quân sự, ngoại giao... Đặc biệt, với chức nhiệm Binh bộ Tả Thị lang, Bồi tụng (Phó Tể tướng), Nguyễn Đình Hoàn đã trở thành vị một đại thần của triều đình Lê - Trịnh, là một công thần lương đống của xã tắc.
Q.L
Chú giải-----------------------------------
(1) Căn cứ vào nhiều nguồn tư liệu khác nhau, Nguyễn Đình Hoàn đã từng giữ những chức vụ (và được ghi chép cụ thể): Hộ khoa Đô cấp sự trung, Đại lý Tự khanh, Hữu Thị lang bộ Binh, Đốc thị Nghệ An, Bồi tụng. Tuy nhiên, trong bài viết này, chúng tôi căn cứ vào những quy định về quan chế của vua Lê chúa Trịnh (thế kỷ XVII - XVIII), nên có thể suy đoán thêm một số chức quan (không được nhắc đến) gắn liền với con đường tiến thân của một Nho sĩ đương triều.
(2) Lê Quý Đôn: Kiến văn tiểu lục, Sđd, tr. 146.
(3) Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, tập I (phần Quan chức chí), Nhà xuất bản.KHXH, HN, 1992, tr. 468.
(4) Lịch triều hiến chương loại chí, Sđd, tr. 468.
(5) Theo quy định thời Hồng Đức, bảng phẩm cấp gồm có 9 phẩm, mỗi phẩm có 2 trật là chánh và tòng, tổng cộng có 18 trật. Đó là cái “gốc” làm căn cứ để định cao thấp. Xem: Đặng Xuân Bảng: Sử học bị khảo, Nhà xuất bản. VHTT, HN, 1997, tr. 558.
(6) Kiến văn tiểu lục, Sđd, tr. 146.
(7) Chức Đốc đồng ở các trấn được đặt ra từ năm Đức Long thứ 3 (1631), đời vua Lê Thần Tông.
(8) Lịch triều hiến chương loại chí, Sđd, tập I (phần Quan chức chí), tr. 568.
(9) Quốc sử quán triều Nguyễn: Khâm định Việt sử thông giám Cương mục, tập II, Nhà xuất bản. Giáo dục, Hà Nội, 1998, tr. 157 - 158.
(10) Đại Việt sử ký tục biên (1676 - 1789), Nhà xuất bản. KHXH, Hà Nội, 1991, tr. 78.
(11) Lịch triều tạp kỷ, Sđd, tr. 358 - 359.
(12) Đại Việt sử ký tục biên (1676 - 1789), Sđd, tr. 97.