Thảo luận:Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc

Nội dung trang không được hỗ trợ ở ngôn ngữ khác.
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Các khu di tích (đề mục không nguồn)[sửa mã nguồn]

Đề mục này do IP viết mà không có bất cứ nguồn nào, nên tôi copy để ở đây. Nếu ai đó có thể biên tập với nguồn đàng hoàng thì cứ việc thêm lại vào bài. – Kien3Khoang (thảo luận) 00:28, ngày 1 tháng 12 năm 2023 (UTC)[trả lời]

Khu di tích lịch sử nhà Trần[sửa mã nguồn]

Khu di tích lịch sử Nhà Trần tại Đông Triều là một quần thể di tích của nhà Trần trên mảnh đất An Sinh cổ (nay là Đông Triều) với diện tích khoảng 22.063ha, gồm nhiều di tích như: lăng mộ của vua, đền, miếu, chùa, tháp… Phần lớn các di tích này nằm trên địa bàn các xã, phường An Sinh, Bình Khê, Tràng An, Thủy An của thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.

Đông Triều được chính sử ghi là quê gốc nhà Trần, sau họ Trần chuyển về Nam Định - Thái Bình rồi phát tích đế vương ở đó. Sách Đại Nam nhất thống chí (tập III, trang 399, phần Lăng mộ) viết: "Bia thần đạo ở Yên Sinh nói rằng tổ tiên nhà Trần vốn là người Yên Sinh, huyện Đông Triều, sau dời đến hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường, cho nên các vua Trần đều táng ở Yên Sinh, mà khi nhường ngôi xuất gia cũng lấy Yên Sinh làm nơi tu ẩn". Theo gia phả họ Trần thì tổ tiên nhà Trần nhiều đời cư trú ở An Sinh, đàn ông làm nghề chài lưới, có sức vóc khỏe mạnh, lại biết thêm võ nghệ để chống chọi với cướp biển, đàn bà canh tác ruộng vườn và dệt cửi. Về sau có Trần Kinh, nhân đi xa đánh bắt cá và bán hải sản, thấy vùng ven biển lộ Thiên Trường có nhiều đất bồi có thể khai thác thành ruộng vườn để canh tác. Sẵn có những người làm thuyền trong nhà, mộ thêm lưu dân, ông đã về vùng đất này đắp đê lập ấp đặt tên là Tức Mặc (nay là xã Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) rồi phát tích đế vương từ đây. Sách Đông Triều huyện phong thổ ký ghi: "Tổ tiên nhà Trần cư ngụ ở xã An Sinh, nhiều người làm nghề chài lưới, sau này mới chuyển xuống ở xã Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, cho nên các vị đế vương của triều Trần đều đưa về an táng ở xã An Sinh. Nay ngôi miếu cổ ở xã An Sinh tổng Mễ Sơn thờ 8 vị hoàng đế của triều Trần, lăng tẩm trong núi đều nằm ở xã này". (Trước năm 1947, thuộc xã Yên Sinh, huyện Đông Triều, Hải Dương)

Năm 1381, để tránh nạn người Chiêm vào cướp phá, nhà Trần đã cho chuyển các lăng ở Thái Bình, Nam Định... về An Sinh. Sách Đại Việt sử ký toàn thư (Nhà xuất bản. Khoa học xã hội, 1998, tập II, tr.168) ghi "Tháng 6, rước thần tượng các lăng ở Quắc Hương (Nam Định), Thái Đường (Hưng Hà, Thái Bình), Long Hưng, Kiến Xương đưa về lăng lớn ở Yên Sinh để tránh nạn người Chiêm Thành vào cướp". Sau khi chuyển về Yên Sinh triều đình đã cho xây dựng khu lăng lớn là Lăng Tư PhúcNgải Sơn lăng và xây dựng một điện thờ lớn gọi là Điện An Sinh (nay thường gọi là Đền Sinh) để thờ cúng.

Đông Triều là vùng đất có nhiều Di tích lịch sử, văn hóa của các thời kỳ lịch sử. Nổi bật nhất là hệ thống các Di tích như: Khu lăng mộ, đền, miếu, chùa, tháp thời Trần với kiến trúc độc đáo, bên trong ẩn chứa một kho tàng tư liệu Hán Nôm quý báu gồm hoành phi, văn bia, câu đối, đại tự, sắc phong…

Khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều gồm những di tích gốc có giá trị lịch sử văn hoá. Kết quả khai quật thăm dò khảo cổ học tại những di tích này đã cung cấp thông tin về nghệ thuật kiến trúc, nghệ thuật trang trí, kỹ thuật làm vật liệu xây dựng, đồ trang trí… Dựa vào các tư liệu lịch sử và các cuộc khai quật khảo cổ học, các cuộc hội thảo về khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều cho đến nay đều khẳng định: Nói đến Đông Triều là nói tới khu lăng mộ các vua Trần, và hệ thống đền, miếu, chùa, am, tháp… Nơi đây là một trung tâm văn hóa tiêu biểu và đặc sắc, duy nhất, lớn nhất của triều đại nhà Trần. Hầu hết các chùa, tháp ở Đông Triều đều thuộc hệ thống quần thể chùa tháp của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Nói một cách tổng quát Quảng Ninh (Đông Triều - Uông Bí) là kinh đô Phật giáo, là trung tâm văn hóa rất tiêu biểu của nước Đại Việt thời Trần (Thăng Long; Thiên Trường, Nam Định; Long Hưng, Thái Bình là trung tâm chính trị).

Một số di tích tiêu biểu trong khu vực này phải kể đến các ngôi chùa có liên quan trực tiếp tới Trần Nhân Tông và thiền phái Trúc lâm Yên Tử, đó là:

1. Am - chùa Ngọa Vân (thuộc thôn Tây Sơn, xã Bình Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh).

Thời Trần, khi thượng hoàng Trần Nhân Tông đến với núi rừng Yên Tử để tu hành, Ngài đã tạo dựng ở đây một am nhỏ để tu thiền, sau khi Ngài tịch các thế hệ nối tiếp đã xây dựng thêm ở đây nhiều công trình phật giáo phục vụ cho việc hành đạo nên mới gọi là chùa Ngọa Vân.

"Ngọa Vân" nghĩa là mây nằm, di tích nằm gần đỉnh của ngọn núi cùng tên, ở độ cao hơn 600m so với mặt nước biển, xung quanh là thảm thực vật rừng vô cùng phong phú, quanh năm mây bao phủ nên nhân dân ta đặt tên là am - chùa Ngọa Vân.

2. Chùa Quỳnh Lâm (thuộc phường Tràng An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh)

Được xây dựng trên quả đồi thấp, thuộc triền núi vòng cung Đông Triều kéo từ Yên Tử xuống, xung quanh quả đồi là núi non bao bọc trông giống như hình viên ngọc quý giữa rừng nên đặt tên là Quỳnh Lâm. Theo nghĩa Hán Việt thì "Quỳnh" là ngọc màu đỏ, "Lâm" là rừng (xưa kia chùa thuộc xã Hà Lôi, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương), nay thuộc trung tâm phường Tràng An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.

Thời Trần, chùa Quỳnh Lâm được xây dựng khang trang trở thành một trung tâm Phật giáo lớn của đất nước. Đặc biệt thời kỳ Pháp Loa (tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm) làm chủ giáo hội Phật giáo, năm 1317, ông cho mở mang và xây dựng chùa thành một trong những trung tâm đào tạo lớn của Thiền phái Trúc Lâm.

Trong Khu Di tích tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều tồn tại hàng loạt các di tích liên quan tới triều Trần - Triều đại gắn liền tới sự hình thành và phát triển rực rỡ nhất của thiền phái Trúc lâm Yên Tử, đó là:

3. Lăng Tư Phúc (thuộc địa bàn thôn Trại Lốc, xã An Sinh, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh)

Lăng Tư Phúc là nơi thờ thần vị của hai vua đầu triều Trần là Trần Thái Tông (1226 - 1258) và Trần Thánh Tông (1258 - 1278) được chuyển từ Nam Định và Thái Bình về đây năm 1381. Theo nghĩa Hán Việt thì  là nương nhờphúc là những sự tốt lành, vì vậy tên lăng còn hàm nghĩa là nơi lưu giữ, hoặc là nơi mang đến mọi sự tốt lành.

4. Thái lăng (lăng Đồng Thái) (thuộc thôn Trại Lốc, xã An Sinh, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh)

Là lăng vua Trần Anh Tông (1293 - 1314), vị vua thứ tư của nhà Trần và phụ táng Thuận Thánh Bảo Từ hoàng hậu (vợ ông). Lăng được xây dựng tại xứ đồng Thái nên lấy tên địa danh đặt tên lăng.

5. Mục lăng (lăng Đồng Mục), (thuộc thôn Trại Lốc, xã An Sinh, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh)

Là lăng vua Trần Minh Tông (1314 - 1329), vị vua thứ năm của nhà Trần. Lăng được xây dựng tại xứ đồng Mục nên lấy tên địa danh đặt tên lăng.

6. Ngải Sơn lăng (Ngải lăng hay An lăng), (thuộc thôn Trại Lốc 2, xã An Sinh, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh)

Là lăng mộ vua Trần Hiến Tông (1329 - 1341), vị vua thứ sáu của nhà Trần. Lăng xây dựng tại xứ Ngải sơn ở An Sinh nên lấy tên địa danh đặt tên lăng. An lăng là tên cũ của lăng ở Thái Bình, an là bình yên, cầu mong sự yên bình.

7. Phụ Sơn lăng (Phụ lăng hay Phụ Xứ lăng), (thuộc xóm Mới, thôn Bãi Dài, xã An Sinh, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh)

Là lăng mộ vua Trần Dụ Tông (1341-1369), vị vua đời thứ 7 nhà Trần. Lăng được xây dựng tại gò Phụ xứ nên lấy tên địa danh đặt tên lăng.

8. Nguyên lăng (Đồng Hỷ lăng hay Chiêu lăng), (thuộc xã Đốc Trại, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh)

Là lăng vua Trần Nghệ Tông (1370 - 1372), vị vua thứ 8 đời nhà Trần. Nguyên nghĩa là gốc tích, tên lăng được đặt để ghi nhớ sự nghiệp khôi phục lại gốc tích nhà Trần của vua Trần Nghệ Tông. Đồng Hỷ là tên xứ đồng đặt lăng nên lấy tên địa danh đặt tên lăng. Còn Chiêu là tự rước họa vào thân, tên Chiêu lăng cũng có ý chỉ về sự sai lầm của vua Trần Nghệ tông khi quá tin tưởng Hồ Quý Ly dẫn đến sự suy vong của nhà Trần. 

9. Hy lăng (Đồng Hy lăng), (thuộc núi Ngọc Thanh, thôn Đạm Thủy, xã Thủy An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh)

Là lăng mộ giả của vua Trần Duệ Tông (1373 - 1377), sau này xây dựng thêm lăng mộ vua Trần Thuận Tông (1388 - 1398). Lăng táng tại xứ Đồng Hy nên lấy tên địa danh đặt tên lăng.

10. Đền An Sinh (vốn là điện An Sinh), (thuộc xã An Sinh, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh)

Được xây dựng vào thời Trần, thế kỷ XIV, là nơi thờ Ngũ vị Hoàng đế nhà Trần: Anh Tông hoàng đế, Minh Tông hoàng đế, Dụ Tông hoàng đế, Nghệ Tông hoàng đế và Khâm minh Thánh vũ hiển đạo An Sinh hoàng đế (có thể là An Sinh vương Trần Liễu). Đền được xây dựng tại làng An Sinh nên được đặt tên theo tên làng. 

11. Đền Thái (Thái tổ miếu, Thái miếu), (thuộc thôn Trại Lốc, xã An Sinh, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh)

Được xây dựng từ đầu thời Trần và là nơi thờ các vị vua đầu triều của nhà Trần, nhân dân trong vùng thường gọi tắt là đền Thái. Sang thời Nguyễn đền bị hư hỏng, nhân dân xây dựng lại thành đình thờ các vua Trần nên còn gọi là đình Đốc Trại.

12. Am Mộc Cảo (nghĩa là am cỏ), (nằm bên tả ngạn suối Phủ Am Trà, thôn Trại lốc, xã An Sinh, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh)

Là nơi ở trong 10 năm cuối đời của Thuận Thánh Bảo Từ Hoàng thái hậu, vợ của vua Trần Anh Tông (mẹ của vua Trần Minh Tông). Khi rước linh cữu vua Trần Anh Tông về táng ở Thái lăng, bà đã rời bỏ Kinh thành về đây dựng am cỏ để sinh sống và phụng thờ, chăm sóc lăng mộ của chồng, bà mất vào mùa Thu, tháng 7 năm 1330. Hiện nay ở đây chỉ còn lại dấu tích nền móng.

13. Chùa Trung Tiết (thuộc thôn Nghĩa Hưng, xã An Sinh, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh)

Theo nghĩa Hán Việt thì "trung" là trung hiếu và "tiết" là tiết nghĩa, tên gọi của chùa hàm ý ca ngợi tấm lòng trung thành của Đặng Tảo và Lê Chung, hai vị bề tôi trung thành của thượng hoàng Trần Anh Tông.

Lúc Thượng hoàng Trần Anh Tông lâm chung, Thái học sinh Đặng Tảo ngồi hầu bên giường ngự để viết di chiếu. Sau khi Thượng Hoàng mất, ông và Gia nhi chủ đô là Lê Chung đã tự nguyện về An Sinh dựng lều để trông coi lăng mộ thượng hoàng là Thái lăng, sau đó dời cả gia đình, mồ mả tổ tiên về An Sinh để tiện việc chăm sóc. Sau khi Lê Chung và Đặng Tảo chết, cảm động trước lòng trung nghĩa của hai vị, vua Trần Nghệ Tông đã sai Trần An xây dựng chùa trên khu đất vốn là lều của hai ông và đặt tên là chùa Trung Tiết nhằm ghi nhận tấm lòng của các ông, đồng thời cấp cho ruộng để thờ cúng.

14. Chùa Hồ Thiên (tên chữ là Trù Phong tự), (thuộc địa bàn xã Bình Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh)

Tương truyền, dưới thời Trần, Hồ Thiên là chốn tu hành của các vị cao tăng. Sau khi kết thúc khóa học ở Quỳnh Lâm Viện, các cao tăng được chuyển về Hồ Thiên để tiếp tục tu hành.

Chùa nằm ở phía nam núi Phật Sơn, được xây dựng trên núi Trù Phong ở độ cao 580m so với mặt nước biển. Theo nghĩa Hán Việt thì Hồ thiên nghĩa là Hồ nước của trời. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí viết: "Chùa Hồ Thiên ở xã Phú Ninh, huyện Đông Triều, dựng từ triều Trần lâu ngày đổ nát, nay vẫn còn dấu vết cũ. Trước chùa có hồ sen, lại có đôi chim hạc thường bay đi bay về". Vì nằm trên núi cao, lại có hồ sen nên chùa được đặt tên là: chùa Hồ Thiên.

15. Chùa - quán ngọc Thanh, (thuộc địa bàn núi Ngọc Thanh, thôn Đạm Thủy, xã Thủy An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh)

Ở đây có cả đạo quán và chùa nên gọi chung là chùa - quán Ngọc Thanh. Theo sách Đại Nam nhất thống chí thì cả chùa và quán Ngọc Thanh đều được xây dựng vào đời Xương Phù (đời vua Trần Giản Hoàng (1377 - 1388), Miếu hiệu Phế đế). Sau này đạo lão không còn phát triển nên nhân dân thường gọi chung là chùa Ngọc Thanh.

Khu di tích Tây Yên Tử[sửa mã nguồn]

Núi Yên Tử nằm trên cánh cung Đông Triều ôm gọn vùng Đông Bắc Việt Nam, sườn Đông chủ yếu thuộc tỉnh Quảng Ninh, sườn Tây thuộc tỉnh Bắc Giang. Có thể nói Tây Yên Tử là nơi được thiên nhiên ban tặng những cảnh sắc tuyệt đẹp kỳ thú, là nơi hội tụ nhiều nét văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc.

Khu Di tích - Danh thắng Tây Yên Tử bao gồm Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử và hệ thống các điểm di tích, hầu hết được xây dựng dưới thời Lý - Trần gắn liền với thiền phái Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông sáng lập, thuộc địa phận các huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động, tỉnh Bắc Giang.

Hiện nay dọc sườn Tây Yên Tử còn lưu lại nhiều di tích, công trình lịch sử văn hóa liên quan đến thời Lý - Trần. Tây Yên Tử gồm hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trải dài từ Sơn Động dọc theo sông Lục Nam xuống đến Yên Dũng, với hệ thống các chùa tháp, di tích lịch sử, cùng sự kỳ vĩ của rừng, núi trùng điệp, thảm thực vật và nhiều loài động vật phong phú.

Theo thống kê hiện nay, hệ thống Tây Yên Tử có hàng chục di tích, danh thắng có giá trị nổi bật. Đặc biệt phía sườn Tây Yên Tử còn có hàng loạt các công trình di tích liên quan chặt chẽ đến quá trình hình thành và hưng thịnh của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử như: chùa Vĩnh Nghiêm, Am Vãi, Hồ Bấc, Bình Long, Suối Mỡ, khu sinh thái Đồng Thông... Mỗi ngôi chùa có những nét kiến trúc riêng và được xây dựng theo luật phong thủy, địa lý đẹp… ghi đậm dấu ấn Phật giáo thời Lý - Trần. Nổi bật là chùa Vĩnh Nghiêm, trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, chùa là một trung tâm, là chốn tổ, có hệ thống tượng phật phong phú, linh thiêng, đặc biệt là kho mộc bản kinh Phật giá trị nổi bật.

Một số di tích, danh lam thắng cảnh tiêu biểu trong khu vực này là:

1. Chùa Vĩnh Nghiêm (thuộc địa phận thôn Quốc Khánh, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang)

Căn cứ vào thư tịch cổ, nguồn di sản Hán Nôm hiện lưu giữ tại chùa cho biết chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng thời Lý (thế kỷ XI), có tên gọi là chùa Chúc Thánh. Đến thời Trần (thế kỷ XIII - XIV), chùa được mở mang, tôn tạo và đổi tên là chùa Vĩnh Nghiêm.

Chùa Vĩnh Nghiêm tọa lạc nơi có vị trí cảnh quan đẹp, đúng thế đất phong thủy của người xưa "đầu gối sơn, chân đạp thủy". Phía trước chùa là ngã ba Phượng Nhỡn, nơi hợp long của sông Thương và sông Lục Nam, phía sau là dãy núi Cô Tiên, con Voi, con Lân huyền thoại, hai bên tả hữu là cánh đồng xanh tốt và khu dân cư trù mật. Trong nội dung văn bia đặt trước tòa tiền đường của chùa, soạn khắc năm Hoằng Định thứ 7 (1606) có miêu tả cảnh đẹp của địa thế chùa Vĩnh Nghiêm như sau: "Nay ở huyện Phượng Nhãn, phủ Lạng Nguyên, đạo Kinh Bắc, nước Đại Việt có một khu sùng phúc rõ là đất Tam Bảo. Nơi đây trang nghiêm rực rỡ, non cao nghìn nhận, điệp điệp trùng trùng, bao bọc như hình long ổ. Ở chỗ hai ba con sông hợp lại, nước đầy ăm ắp, dào dạt, mênh mang, quanh co uốn lượn chầu về như dải lụa bạc. Khoảng giữa đất trời thiêng liêng đó, có một ngôi chùa cổ, tên gọi Vĩnh Nghiêm là ngôi chùa cổ có một bầu trời riêng, truyền rằng đó là chùa Vĩnh Nghiêm, thật là một danh lam đứng đầu thiên hạ..." (Bia "Vĩnh Nghiêm công đức tự bi", dựng năm Hoằng Định thứ 7 (1606)).

Nơi đây là vùng đất tụ thủy, tụ nhân, địa linh nhân kiệt, được vua Trần Nhân Tông chọn làm nơi khai tràng thuyết pháp, đồng thời làm trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo của nước Đại Việt. Như vậy, chùa Vĩnh Nghiêm không chỉ là ngôi chùa lớn, một đại danh lam được lưu truyền trong sử sách mà còn là chốn tổ của một dòng thiền lớn Việt Nam - Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Chùa Vĩnh Nghiêm được nhìn nhận và tôn vinh là một trong những Trung tâm truyền bá Phật giáo của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thời Trần mang đậm bản sắc dân tộc, là nơi tổ chức và thành lập mô hình Phật giáo Nhất tông trên cơ sở hợp nhất các thiền phái đã có trước đó và cũng là mô hình Giáo hội Phật giáo cho các tổ chức Giáo hội sau này: "…Ông đã biến ngôi chùa Vĩnh Nghiêm (còn gọi là chùa Đức La, hiện nay ở xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Hà Bắc) thành trụ sở Trung ương của Giáo hội Trúc Lâm, chứa đủ hồ sơ của tăng, ni cả nước. Ông đã tổ chức nhiều lần độ tăng ni, mỗi lần không dưới một nghìn người. Cho đến năm Khai Hựu thứ 01 (1329)  Pháp Loa đã độ được một vạn năm nghìn tăng ni. Nhiều người trở thành tăng ni thì hiển nhiên là phải xây dựng nhiều chùa" (Hà Văn Tấn,Chùa Việt Nam. HN 1992, tr. 12); "Kể từ triều Lý cách nay 883 năm mà rừng thiền rậm rạp, chùa chiền ngời ngời, vang vang tiếng ngọc, đông đúc môn đồ. Có được cái đó há chẳng phải do công đức to lớn như núi, mênh mông như sông nước các bậc tu hành hun đúc lên hay sao?" (Bia "Đức La xã, Vĩnh Nghiêm tự, sáng tạo lịch đại tu tác công đức bi", dựng năm Bảo Đại thứ 7 (1932)). Những chứng cứ lịch sử nói trên đã phần nào giúp chúng ta thấy được sự hưng thịnh của chùa Vĩnh Nghiêm thời đó.

Điều đáng nói là cả ba vị Tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử (Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang) đều lấy chùa Vĩnh Nghiêm làm Trung tâm truyền bá Phật pháp của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, là đại diện tiêu biểu, minh chứng cho sự khởi phát của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - quốc đạo, triết lý sống của dân tộc Việt thời Trần, còn tiếp tục được duy trì cho đến ngày nay và lan tỏa ra một số nước trên thế giới. Phật giáo Trúc Lâm là yếu tố quan trọng cố kết nhân tâm, tạo nên sức mạnh đoàn kết dân tộc, giúp các nhà chính trị thời Trần lãnh đạo toàn dân đánh thắng quân xâm lược Nguyên - Mông, thi hành chính sách thân dân, hoà hiếu với lân bang, xây dựng đất nước thịnh vượng.

Hơn 700 năm qua, Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử đã trải qua nhiều biến cố, gắn liền với sự diễn tiến thăng trầm của lịch sử Việt Nam nhưng vẫn được duy trì và phát triển. Ngày nay, tinh thần, tư tưởng Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử thời Trần vẫn được tăng, ni, phật tử ở Việt Nam tu học. Từ Trung tâm Phật giáo Vĩnh Nghiêm, tư tưởng của dòng thiền này lan rộng khắp các miền trong cả nước và lan tỏa ra khu vực và thế giới, riêng hệ phái Thiền Tông chủ trương khôi phục Phật giáo thời Trần đã có tới hàng chục vạn người đang tu học tại hơn 60 Thiền viện, Thiền tự trong và ngoài nước.

Có thể nói, chùa Vĩnh Nghiêm là Thánh tích quan trọng bậc nhất của Phật giáo Việt Nam nói chung, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nói riêng. Việc nghiên cứu về chùa Vĩnh Nghiêm có ý nghĩa lớn lao trong quá trình khôi phục diện mạo Phật giáo nhất Tông đời Trần. Với vai trò thiết yếu đó, Vĩnh Nghiêm xứng đáng được tôn vinh là chốn tổ cho muôn đời kế thừa, phát huy bằng tất cả đạo tâm, đạo hạnh và đạo lực của người con Phật.

Chùa Vĩnh Nghiêm còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật quý như: hệ thống tượng thờ, đồ thờ, các bức phù điêu, chạm khắc, hệ thống văn bia, hoa văn trên kiến trúc... Đặc biệt kho Mộc bản với hơn 3 nghìn bản đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào ngày 15 tháng 5 năm 2012.

2. Chùa Am Vãi (thuộc địa phận xã Nam Dương, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang)

Di tích chùa Am Vãi tọa lạc ở trên một địa thế đẹp gắn liền với phong cảnh núi rừng tự nhiên, tạo nên một thắng cảnh tuyệt vời. Tương truyền chùa Am Vãi được xây dựng từ thời Lý và nằm trong hệ thống các chùa tháp được phát triển ở thời Trần dọc theo sườn Tây dãy Yên Tử khi đạo Phật ở vào giai đoạn cực thịnh.

3. Khu di tích - danh thắng Suối Mỡ (thuộc địa phận xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang)

Suối Mỡ là tên một con suối bắt nguồn từ khu vực Đá Vách và Hồ Chuối chảy xuôi dòng theo núi Huyền Đinh - Yên Tử, tạo ra nhiều thác và những bồn tắm thiên nhiên kỳ thú. Dọc theo ven suối có đền Thượng, đền Trung, đền Hạ phụng thờ công chúa Quế Mỵ Nương con gái vua Hùng Định Vương, được phong là Thượng Ngàn Thánh Mẫu. Khu vực rừng suối nước Vàng nằm trên dãy Phật Sơn - Yên Tử, có thắng cảnh thiên nhiên đẹp, dòng suối độc đáo với 24 ngọn thác là một điểm tham quan kỳ thú. Quanh khu vực này có nhiều di tích lịch sử như: chùa Đồng Vành, đền Bản Phủ thờ vua Trần và các hoàng hậu, công chúa thời Trần…

Một số di tích trong khu vực này gắn với thiền phái Trúc Lâm Yên Tử còn phải kể đến như: đền Trần, chùa Hồ Bấc.

4. Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử (thuộc địa phận của huyện Lục Nam và Sơn Động, tỉnh Bắc Giang)

Khu Bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử được thành lập tại Quyết định số 117/2002/QĐ-UBND ngày 22/7/2002 của UBND tỉnh Bắc Giang, có diện tích 13.022,7 ha rừng và đất rừng đặc dụng và vùng đệm 11.765,4 ha.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử nằm ở vị trí sườn Tây núi Yên Tử, chiếm phần lớn diện tích rừng tự nhiên trong quần thể các dãy núi thuộc cánh cung Đông Triều. Đây là khu rừng tự nhiên tập trung lớn nhất của tỉnh Bắc Giang, nối liền với diện tích rừng thường xanh của tỉnh Quảng Ninh.

Theo đánh giá của các nhà khoa học trong và ngoài nước, rừng tự nhiên ở khu vực núi Yên Tử không chỉ chứa đựng giá trị đa dạng sinh học cao, mà còn có vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, cung cấp nước cho vùng hạ lưu thuộc Đông Bắc Việt Nam. Theo kết quả nghiên cứu sơ bộ, có tới 728 loài thực vật và 285 loài động vật rừng đã được ghi nhận tại đây.

Bên cạnh những giá trị đa dạng sinh học, Khu Bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử còn có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, như: Thác Giót, thác Ba Tia, bãi Đá Rạn, Ao Vua, Hồ Tiên, suối Nước Vàng, suối Nước Trong.

5. Các di tích, danh lam thắng cảnh khác thuộc Khu Di tích - Danh thắng Tây Yên Tử

Khu Di tích - Danh thắng Tây Yên Tử còn nhiều địa điểm danh lam thắng cảnh và hàng loạt các di tích liên quan tới triều Trần và thiền phái Trúc lâm Yên Tử, như: chùa Cao, chùa Hòn Tháp, chùa Non, chùa Bình Long (huyện Lục Nam); Vũng Tròn, Khe Rỗ (xã An Lạc, huyện Sơn Động), khu Đồng Thông, thác Ba Tia (xã Tuấn Mậu và thị trấn Thanh Sơn, huyện Sơn Động) nằm ngay dưới chân chùa Đồng thuộc Khu Di tích và danh thắng Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh).

Khu di tích Đông Yên Tử[sửa mã nguồn]

Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử có diện tích khoảng 9.295 ha, gồm các công trình kiến trúc tôn giáo: chùa, am, tháp được xây dựng từ thời Lý, theo tuyến đường trải dài từ Bí thượng (chân Dốc Đỏ) đến đỉnh núi Yên Tử thuộc phường Phương Đông, xã Thượng Yên Công (thành phố Uông Bí) và xã Hồng Thái Đông (thị xã Đông Triều), tỉnh Quảng Ninh.

Một số di tích tiêu biểu trong khu vực này là:

1. Chùa Bí thượng (làng Bí thượng, phường Phương Đông, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) được khởi dựng vào cuối thời Hậu Lê, trên sườn phía Nam của một quả đồi dốc. Chùa đóng vai trò chùa Trình trước khi hành hương lên Khu Di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử.

2. Chùa Suối Tắm (phường Phương Đông, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh), là ngôi chùa gắn liền với truyền thuyết về việc Thượng hoàng Trần Nhân Tông lên Yên Tử tu hành đã nghỉ lại tắm ở dòng suối này nên  gọi là Suối Vua tắm hay Suối tắm.

3. Chùa Cầm Thực (thuộc địa bàn xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí và xã Hồng Thái Đông, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) được xây vào thời Trần, trên một quả đồi tròn có dáng hình mâm xôi, kiến trúc hình chữ "nhất", gồm 6 gian. Trải qua thời gian, chùa xưa bị phá và được trùng tu lại nhiều lần. Vào giữa thế kỷ XX, chùa bị san bằng vì địch hoạ, chỉ còn lại nền móng, vài cây tháp đổ và một lăng xây vào thời Nguyễn. Tuy chỉ là những dấu vết ít ỏi nhưng nó cũng đủ để cho ta biết về sự hiện diện của ngôi chùa trong quá khứ. Dựa trên những dấu tích đó, vào năm 1993 chùa đã được dựng lại trên nền cũ.

Mặt trước chùa Lân, tháng 3 năm 2008

 4. Chùa Lân (thôn Nam Mẫu, xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) được xây dựng từ thời Trần, là ngôi chùa thứ tư trên đường từ Dốc Đỏ vào Yên Tử. Tên chùa Lân còn được nhân dân địa phương hiểu theo tích: Ngày xưa, vào mùa mưa, vùng Nam Mẫu ngập trắng nước, suối chảy mạnh, muốn vào chùa phải dùng bè mảng, nhà chùa phải căng dây cho khách bám, lân dây đi vào. Do việc lân dây lên chùa lâu dần trở thành quen mỗi khi mùa nước ngập, nên chùa có tên chùa Lân.

5. Chùa Giải Oan (xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) được xây dựng vào thời Trần, chùa nằm ẩn mình bên chân núi, phía trước là suối Giải Oan. Truyền thuyết kể lại: Khi Thượng hoàng Trần Nhân Tông xuất gia đến núi Yên Tử tu hành, không muốn vua cha đi tu, vua Trần Anh Tông ngầm sai các cung tần mỹ nữ tìm đến đây can ngăn, xin vua trở lại triều đình, nhưng Trần Nhân Tông vẫn quyết định ở lại Yên Tử và khuyên họ trở về làm lại cuộc đời. Để tỏ lòng trung với vua, họ đã trẫm mình dưới suối. Một số trong các cung phi đó bị chết đuối nên Trần Nhân Tông đã cho lập đàn để cúng giải oan cho linh hồn các cung phi ấy. Nơi dựng đàn tràng sau được dựng chùa gọi là chùa Giải Oan. Chùa Giải Oan vốn linh thiêng có tiếng. Chùa tựa lưng vào vách núi, phía trước chùa là dòng suối tuôn róc rách suốt đêm ngày, rì rào như hát khúc Thiền ca bất tận. Phía bên chùa là con dốc mang tên Hạ Kiệu nơi mỗi lần về thăm vua cha tu hành ở Yên Sơn, hoàng đế Trần Anh Tông lúc tới đây xuống kiệu đi bộ vào. Từ đây có thể thấy ngọn núi Yên Tử cao vời vợi, mây trắng phủ đầy, núi lẫn với trời mây. Một khắc mây tan, núi trông như một chiếc đầu rồng. Có hai dãy núi bên tả và bên hữu nối tiếp với đầu rồng khá cân xứng, tạo thành tay ngai bao quanh chùa. Có thể nói chùa ở địa thế rất đẹp với thế đất phong thủy càng khiến cho chùa linh thiêng hơn.

6. Chùa Hoa Yên (xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh), được xây dựng từ thời Lý. Ban đầu là một am nhỏ, sau dựng thành chùa mái lợp bằng lá cây rừng gọi là chùa Vân Yên. Vân nghĩa là mây, Yên nghĩa là khói, chùa ở độ cao 600m nên những làn mây trắng mỏng bay qua trông như những làn khói nên gọi là Vân Yên. Chùa tọa lạc trên lưng chừng núi, trong một địa thế hùng vĩ, là một ngôi chùa còn giữ lại ít nhiều dấu tích xưa, chùa được xây dựng trên một triền núi rộng thoai thoải, những người xây dựng đã dựa vào thế núi mà bạt thành hai cấp nền lớn có bó đá chắc chắn.Thời Lê khi vua Thánh Tông lên vãn cảnh chùa, thấy cảnh trí nơi đây tuyệt đẹp, trăm hoa đua nở, mây kết thành hoa, giăng trước cửa nên đổi tên thành chùa Hoa Yên.

  Xưa chùa Hoa Yên là ngôi chùa chính của cả hệ thống chùa Yên Tử và được nhắc nhiều trong sử sách. Ngoài tiền đường, thượng điện để thờ phật, chùa còn có rất nhiều công trình phụ trợ khác. Theo sử cũ thì sau khi lên Yên Tử tu hành và đắc đạo, Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã thường xuyên mở các lớp truyền yếu kỷ Thiền tông cho các đệ tử, Pháp Loa, Huyền Quang, Bảo Sái, Pháp Không và các đệ tử khác ở đây.

  Khi Pháp Loa được truyền y bát và trở thành đệ nhị Tam Tổ, chùa Hoa Yên được Pháp Loa cho xây dựng lại to lớn và nguy nga hơn. Chùa có tiền đường, thượng điện để thờ Phật, chùa còn có lầu trống, lầu chuông, nhà nghỉ khách, nhà dưỡng tăng, nhà in kinh, nhà giảng đạo... tạo thành một quần thể kiến trúc to lớn.

Từ chùa Giải Oan đi tới chùa Hoa Yên trên con đường có hai hàng tùng cổ thụ được trồng từ thời Trần vẫn đứng uy nghiêm với tuổi thọ hơn 700 năm, thân rắn chắc, rễ bám vào vách núi bò lan trên mặt đường như những con rắn khổng lồ tạo bậc vững chắc đỡ chân phật tử về nơi cõi phật, tán lá mềm mại, xanh thẫm toả rộng như những chiếc lọng khổng lồ che rợp con đường hành hương của Phật tử.

Cách đường Tùng không xa là những bạt Trúc với vẻ đẹp thanh bạch, tao nhã và sức sống dẻo dai, tương truyền những rặng trúc này cũng được trồng khi Trần Nhân Tông lên Yên Tử tu hành.

  Qua đường tùng và đường trúc tiếp tục hành hương qua khu tháp Hòn Ngọc, khu tháp Tổ rồi đến chùa Hoa Yên, qua đây chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng hệ thống tháp đa dạng và phong phú của các thế hệ thiền sư phái Trúc Lâm đã đến đây tu thiền và đi vào cõi vĩnh hằng.

6.1. Cụm Tháp Hòn Ngọc (xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh)

Hòn Ngọc xưa kia tương truyền là nơi hàng năm khi Hoàng Đế Trần Anh Tông lên vấn an vua cha Trần Nhân Tông ngài thường cho dừng lại ở đây và tiếp tục đi bộ lên chùa nên gọi là dốc Voi Quỳ.  Cạnh dốc voi quỳ là khu tháp Hòn Ngọc, đây là một gò đất khá rộng, bằng phẳng, ở độ cao 400m so với mặt nước biển, ở độ cao này gió đông nam thổi lồng lộng, phong cảnh tuyệt đẹp. Trên Hòn Ngọc là cụm tháp của những nhà sư tu hành ở đây từ cuối Lê cho đến đầu thời Nguyễn, gồm: 4 ngọn tháp đá và gạch, ba ngọn tháp đá còn tương đối nguyên vẹn và một ngọn tháp gạch, ngoài ra còn có năm ngôi mộ của các nhà sư tu hành tại Yên Tử không rõ tên.   

6.2. Khu Tháp tổ (xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh)

Qua vườn tháp Hòn Ngọc, đi tiếp khoảng 300m, đường dốc đứng được xếp đá chắc chắn là lên sân của vườn tháp Tổ. Đây là vườn tháp trung tâm của toàn bộ khu di tích Yên Tử, giữa vườn là tháp Huệ Quang, nơi đặt xá lỵ của Đức Điều Ngự Giác Hoàng Trúc Lâm đệ nhất tổ, quanh tháp Huệ Quang có tường xây bằng gạch, lợp bằng ngói mũi hài thời Trần. Hiện nay, vườn tháp còn lại 64 ngọn tháp và mộ.

7. Chùa Một Mái (thuộc địa bàn xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh)

Nằm nép mình bên sườn núi ở vị trí cao giữa lưng trời, một nửa chùa ẩn sâu trong hang núi, nửa còn lại phô ra bên ngoài chỉ có một phần mái đúng như tên gọi của chùa, tên dân gian gọi là chùa Bán Mái. Thời Trần, đây chỉ có một am nhỏ gọi là Am ly trần. Cảnh am tĩnh lặng, thanh thoát, cách xa nơi trần tục (ly trần). Thượng hoàng Trần Nhân Tông thường sang đây đọc sách, soạn kinh. Các văn từ, thư tịch được lưu trữ ở đây, sau khi ngài hiển Phật, người sau mới lập chùa ở Am này.

8. Am Ngự Dược, am Thung (thuộc địa bàn xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh)

Am Ngự Dược chính là nơi nghiên cứu bào chế thuốc, còn am Thung là nơi sản xuất thuốc. Các loại thảo dược ở núi Yên Tử được thu hái mang về, bào chế thành những viên thuốc Hồng Ngọc Sương. Những viên thuốc quý này không chỉ chữa bệnh cho các nhà Thiền sư tu hành tại Yên Tử, mà còn cung cấp cho triều đình, ban phát cứu dân những phen tràn dịch bệnh, đồng thời cũng là nơi đức vua Trần Nhân Tông thực hiện ước mơ từ thời còn tấm bé. Thuở nhỏ, Hoàng tử Trần Khâm đã thể hiện là người thông minh, hiếu học, học một biết mười. Một bộ sách chép tay mấy trăm bài thuốc dân gian chữa bệnh bằng cỏ cây thảo dược của nước Nam mang tên Nam dược thần hiệu trong kệ sách nhà vua được Hoàng tử say mê đọc suốt mấy hôm liền. Nhiều câu trong đó Hoàng tử đã thuộc lòng, ví như: "da lông thuộc phế, cơ nhục thuộc tỳ, những loại bệnh có triệu chứng đau hoặc lở ngứa tất thảy thuộc về tâm". Bộ sách mô tả kĩ lưỡng rất nhiều loại cây thuốc, dược liệu có sẵn nơi núi rừng, thôn dã chuyên trị các bệnh của nhân gian. Bộ sách điểm tên nơi có nhiều thảo dược quý giá như núi rừng Yên Tử. Hoàng tử ước ao mai sau lớn lên có một ngày nào đó sẽ cùng các  ngự y của triều đình đi khắp chốn rừng sâu núi thẳm, bờ sông bãi sú nước Đại Việt tìm kiếm cây cỏ, dược liệu bào chế thuốc, cấp phát cho dân, cứu bách gia trăm họ thoát khỏi bệnh tật tang thương khi dịch bệnh hoành hành. Và khi lên Yên Tử tu hành, ngài đã thực hiện việc xây dựng nơi nghiên cứu và bào chế thuốc bằng nguồn dược liệu từ núi rừng Yên Tử.

9. Chùa Bảo Sái (thuộc địa bàn xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh)

Khi vua Trần Nhân Tông tu hành ở Yên Tử mới chỉ có am trong động (gọi là ghườm đá ở phía sau bên phải chùa  hiện nay). Am được gọi là Ngô Ngữ Viện, đây là nơi tu hành của Bảo Sái, đệ tử thân tín với Thượng hoàng Trần Nhân Tông. Ông được vua Trần giao cho công việc biên tập và ấn tống tất cả các kinh văn của Thiền Phái Trúc Lâm để truyền giảng phật tông cho các phật tử trong cả nước Đại Việt. 

2.1.10. Chùa Vân Tiêu (thuộc địa bàn xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh)

Ban đầu có tên là am Tử Tiêu, thời Trần, khi Trần Nhân Tông lên tu hành đã dựng am tại đây để ở, về sau mới xây dựng chùa. Từ chùa chúng ta có thể nhìn thấy toàn bộ quang cảnh của bến xe Giải Oan và thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, thậm chí xa hơn nữa ta còn nhìn thấy cả thành phố Hải Phòng, dòng sông Bạch Đằng đang chảy nhìn như một dải lụa mềm mại, chính vị trí đắc địa này nên khi lên Yên Tử tu hành, Trần Nhân Tông đã chọn nơi đây để lập am thất.

11. Chùa Đồng xưa thuộc xã Nam Mẫu tổng Bí Giang huyện Đông Triều, Hải Dương(nay thuộc địa bàn thôn Nam Mẫu, xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) chùa nằm trên đỉnh Tử Tiêu. Vào thời Thượng hoàng Trần Nhân Tông lên Yên Tử tu hành chưa có chùa, ở đó chỉ có một hòn đá vuông phẳng thật lớn, ở độ cao 1.068m so với mực nước biển, là đỉnh cao nhất của dãy núi Yên Tử, phía sau là vách núi dựng đứng thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang, Ngài đã chọn nơi đây làm nơi tĩnh thiền. Vào thời Lê (1428 - 1527) chùa được bà vợ chúa Trịnh công đức xây dựng, toàn bộ kết cấu kiến trúc cũng như đồ thờ tự trong chùa đều được tạo tác bằng đồng, để phù hợp với không khí ẩm ướt quanh năm ở nơi đây. Song do sự khắc nghiệt của thiên nhiên nên chùa bị hư hỏng và đã trải qua nhiều lần trùng tu, năm 2007 chùa được xây dựng lại như ngày nay.

12. Rừng quốc gia Yên Tử (thuộc địa bàn 02 xã Thượng Yên Công và phường Phương Đông, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh)

Rừng Quốc gia Yên Tử với tổng diện tích 2.783 ha bao trọn các điểm di tích của Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử kể trên (có ranh giới phía Bắc giáp Khu Bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử  của tỉnh Bắc Giang), tỷ lệ che phủ của rừng chiếm 80% diện tích, đặc biệt là diện tích rừng tự nhiên chiếm 64,6%. Trong đó có 321ha rừng hầu như chưa bị tác động bao gồm các ưu hợp, loài cây ưu thế sinh thái đặc trưng cho vùng Đông Bắc như: táu mặt quỷ, táu muối, sến mật, chẹo, giẻ, trâm... trữ lượng bình quân 218m³/ha.

Rừng Yên Tử phân làm 2 vùng khí hậu:

- Từ độ cao 700m trở xuống khu vực Vân Tiêu, Bảo Sái là rừng Nhiệt đới, rừng nhiều tầng đa dạng sinh học.

- Từ độ cao 700m trở lên là rừng Á nhiệt đới, quanh năm mây phủ, ẩm ướt.

Theo thống kê, rừng quốc gia Yên Tử có 830 loài thực vật, trong đó có 38 loài đã được ghi vào sách đỏ Việt Nam là Ngành dương sỉ, Ngành hạt trần và Ngành hạt kín. Các loại cây như: Gụ, Lau, Vàng Kiêng, Thông Tra, Thông Tra lá ngắn, Tùng La Hán, Giổi Xanh, Giổi Đỏ, Sến Mật, Đinh Thối, Vù Hương... Những loài cây gắn bó với Phật Hoàng Trần Nhân Tông và Thiền Phái Trúc Lâm, gồm:

- Cây Tùng cổ có tuổi 700 năm, hiện còn 242 cây tập trung ở khu vực Đường Tùng,  Am Dược, Chùa Hoa Yên lên Thác Vàng, Thác Bạc; khu vực Chùa Vân Tiêu, Bảo Sái, Hòn Ngọc, Tháp Tổ...

- Cây Đại cổ hiện còn 13 cây, còn in dấu phong sương, trường tồn cùng Thiền Phái Trúc Lâm đến ngày nay tại khu vực Chùa Hoa Yên, Tháp Tổ...

- Những rừng Trúc bạt ngàn (Thiền Phái Trúc Lâm) và những cây Mai vàng Yên Tử nở rực rỡ vào mùa xuân.

Rừng quốc gia Yên Tử có hệ động vật phong phú và đa dạng: với 35 loài thú, 77 loài chim, 34 loài bò sát, 15 loài lưỡng cư. Có một số loài động vật quý hiếm còn được bảo vệ ở Yên Tử như: Cu ly lớn, Khỉ mặt đỏ, Vọoc mũi huyếch, Khỉ nước rái cá, Sơn dương, Sóc bay lớn, Rồng đất, Trăn, các loài Rắn, Rùa vàng....

Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc - Thanh Mai[sửa mã nguồn]

Đền Kiếp Bạc - Hải Dương

Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc - Thanh Mai gồm 03 khu di tích nằm tách biệt nhau, gồm: Khu di tích Côn Sơn, Khu di tích Kiếp Bạc và Chùa Thanh Mai, có tổng diện tích khoảng 18ha.

Một số di tích tiêu biểu trong khu vực này là:

1. Chùa Côn Sơn (thuộc địa bàn Khu dân cư Tiên Sơn, phường Công Hòa, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương)

Cuối thế kỷ XIII, Đệ nhất thánh tổ Phật hoàng Trần Nhân Tông đã dựng chùa Côn Sơn để đào tạo tăng ni, phát triển đạo pháp. Năm 1329, Đệ nhị thánh tổ Pháp Loa xây dựng và mở rộng phong cảnh Côn Sơn. Năm 1330 - 1334, Đệ tam thánh tổ Huyền Quang về chùa Côn Sơn trụ trì và thuyết pháp.

Hiện nay, chùa Côn Sơn còn dấu ấn kiến trúc thế kỷ XIV, XVII, XVIII gồm các công trình: Hồ Bán Nguyệt, Tam quan, Lầu chuông, gác trống, Phật điện, Tổ đường, tả hữu hành lang, vườn tháp, giếng ngọc, Am Bạch Vân và 5 miếu thờ "Tứ Độc Sơn Xuyên" (trời đất sông núi) trên núi Ngũ Nhạc.

2. Đền thờ Nguyễn Trãi (thuộc địa bàn Khu dân cư Tiên Sơn, phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương)

Ngôi đền hiện nay được tu bổ, tôn tạo lại trên diện tích 10.000m² với 15 hạng mục công trình. Đền chính rộng 200m², kiến trúc theo kiểu chữ Công. Các bức cốn, đầu dư đều chạm lộng, chạm bong, theo phong cách cổ truyền thời hậu Lê.

3. Đền thờ Trần Nguyên Đán (thuộc địa bàn Khu dân cư Tiên Sơn, phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương)

Đền được tu bổ, tôn tạo lại theo kiến trúc thời Trần, hình chữ Đinh, gồm bái đường và hậu cung. Kiến trúc bái đường theo hai tầng tám mái, lợp ngói mũi. Trong hậu cung, tượng thờ Trần Nguyên Đán được đúc bằng đồng. Cạnh đền thờ là dấu tích nền nhà cũ của quan Đại Tư đồ Trần Nguyên Đán, đã khai quật  khảo cổ năm 2000,  được bảo tồn nguyên trạng.

4. Ngũ nhạc linh từ (thuộc địa bàn thôn An Mô, xã Lê Lợi, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương)

Ngũ Nhạc linh từ là năm ngôi miếu thờ thần Ngũ phương nằm trên đỉnh núi Ngũ Nhạc. Núi Ngũ Nhạc là dãy núi xoải dài từ Bắc xuống Nam với chiều dài hơn 4 km, có năm đỉnh, đỉnh cao nhất 238m, nằm về phía Đông Bắc của Côn Sơn. Các ngôi miếu đều được xây dựng bằng các khối đá xanh, kiến trúc lộ thiên.

5. Am Bạch Vân (Bàn cờ tiên), (thuộc địa bàn Khu dân cư Tiên Sơn, phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương)

Đỉnh Côn Sơn là một khu đất bằng phẳng, thời Trần Đệ nhị tổ của Thiền phái Trúc Lâm Pháp Loa Tôn Giả xây dựng Am Bạch Vân làm nơi thuyết pháp. Ở đây xuất lộ nền móng một công trình kiến trúc cổ, hình chữ Công, qua khảo cứu, đó là dấu tích của Am Bạch Vân để tế trời đất, sông núi, sau dân gian gọi là Bàn Cờ Tiên. Hiện nay, tại Bàn Cờ Tiên có dựng một nhà bia theo kiến trúc vọng lâu đình, hai tầng tám mái cổ kính. Từ chùa Côn Sơn lên Bàn Cờ Tiên có hàng trăm bậc đá từ nhiều thế kỷ trước, nay đã được khôi phục gồm trên 600 bậc.

6. Đăng Minh bảo tháp (thuộc địa bàn Khu dân cư Tiên Sơn, phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương).

Phía sau chùa Côn Sơn là Đăng Minh bảo tháp.  Sau khi Tổ Huyền Quang viên tịch tại chùa Côn Sơn (1334), vua Trần Minh Tông cúng dường 10 lạng vàng xây tháp cho thiền sư, lấy tên là Đăng Minh bảo tháp, trải qua thời gian, tháp bị hủy hoại. Năm 1719, nhà sư Hải Ấn xây dựng lại Đăng Minh bảo tháp. Đăng Minh bảo tháp hình chữ nhật, 3 tầng cao khoảng 5m được ghép bởi những phiến đá xanh, lên cao tháp thu nhỏ dần. Tầng giữa khắc nổi 4 chữ Hán Đăng Minh Bảo Tháp, mặt sau khắc bài minh ca ngợi Huyền Quang.

7. Hồ Côn Sơn (thuộc địa bàn Khu dân cư Tiên Sơn, phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương)

Hồ Côn Sơn có diện tích 43 ha, với sức chứa hàng trăm ngàn mét khối nước. Bao quanh hồ là hệ thống đường dạo, cây cảnh. Hồ Côn Sơn là minh đường của khu di tích Côn Sơn. Vào những ngày lễ hội, tại đây diễn ra nhiều hoạt động văn hóa như: rước nước, đua thuyền, câu cá… thu hút khách thập phương.

8. Suối Côn Sơn (thuộc địa bàn Khu dân cư Tiên Sơn, phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương)

Bắt nguồn bởi hai dãy núi Côn Sơn và Ngũ Nhạc, dài khoảng 3 km uốn lượn tạo nhiều ghềnh thác kế tiếp nhau rồi đổ ra hồ Côn Sơn. Dòng suối hẹp, cây cối um tùm mang dáng vẻ hoang sơ, thơ mộng.

9. Đền Kiếp Bạc (thuộc địa bàn thôn Vạn Yên xã Hưng Đạo, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương)

Đền Kiếp Bạc thờ anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Trần Quốc Tuấn là con An Sinh Vương Trần Liễu, cháu vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh). Trần Quốc Tuấn có công lao to lớn trong 3 cuộc kháng chiến chống đế quốc Nguyên Mông ở thế kỷ 13 của vương triều nhà Trần.

Đền Kiếp Bạc được xây dựng nằm ở trung tâm thung lũng Kiếp Bạc trên một khu đất có diện tích khoảng 13.500m². Đền quay về hướng tây nam, nhìn ra sông Lục Đầu.

10. Sinh từ (thuộc địa bàn thôn Vạn Yên, xã Hưng Đạo, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương)

  Sinh Từ cách đền Kiếp Bạc 800m về phía Đông Bắc. Sau khi cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông kết thúc thắng lợi, để ghi nhớ công lao to lớn của Hưng Đạo Vương, vua Trần Nhân Tông đã cho xây dựng đền thờ ngay khi Người còn sống gọi là Sinh Từ, Thượng hoàng Trần Thánh Tông đích thân viết bi minh ca ngợi công lao của Đại Vương. Sinh Từ hiện chỉ còn là phế tích.

11. Đền Nam Tào (thuộc địa bàn thôn Dược Sơn, xã Hưng Đạo, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương)

  Đền Nam Tào thờ quan Nam Tào trên đỉnh núi Nam Tào còn gọi là Dược Sơn ở độ cao 42m, cách đền Kiếp Bạc 500m về phía Tây nam. Qua tư liệu khảo cổ học, văn bia, truyền thuyết dân gian thì di tích được xây dựng vào thời Trần.. Đền Nam Tào hiện nay được xây dựng trên một không gian thoáng với diện tích trên 2.000m².

12. Đền Bắc Đẩu (thuộc địa bàn thôn Bắc Đẩu, xã Hưng Đạo, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương)

Đền Bắc Đẩu quay hướng Tây bắc, lấy núi Dinh (núi Đáp Cầu - Bắc Ninh) làm tiền án, hậu chẩm là núi Mâm Xôi thuộc dãy núi Trán Rồng. Tả có núi Dược Sơn, hữu là núi Thuộc (núi con Quy). Nội minh đường là sông Lục Đầu.

Đền Bắc Đẩu thờ quan Bắc Đẩu, hiện nay được xây dựng trên đỉnh núi Bắc Đẩu trong một không gian thoáng rộng gồm 11 hạng mục chính: Nghi môn, gác chuông, gác trống, tả hữu hành lang, đền chính và nhà hậu đường, công trình phụ cận… Bố cục kiến trúc và họa tiết trang trí hài hoà uyển chuyển cùng phong cách của đền Nam Tào.

13. Vườn thuốc Dược Sơn (thuộc địa bàn thôn Dược Sơn, xã Hưng Đạo, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương)

Dược Lĩnh Cổ Viên là vườn thuốc nam do Trần Hưng Đạo trồng trên núi Dược Sơn. Núi Dược Sơn nằm ở phía nam đền Kiếp Bạc. Thời Trần, Hưng Đạo Vương với tư tưởng "Người Nam dùng thuốc nam" đã cho trồng những vườn thuốc nam, với những vị thuốc quý để chữa bệnh, trị thương cho quân sĩ. Vườn thuốc quý của Trần Hưng Đạo đến thời Lê được xếp vào "Chí Linh bát cổ" (8 di tích cổ của huyện Chí Linh) với tên gọi Dược Lĩnh cổ viên.

14. Ao Cháo (thuộc địa bàn thôn Bắc Đẩu, xã Hưng Đạo, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương)

  Ao Cháo nằm phía dưới chân núi Trán Rồng, Tương truyền, Trần Hưng Đạo đã tập trung quân sĩ đào ao, đón nước từ Hố máng nước để nấu cháo dưỡng thương cho binh lính. Hiện nay di tích đã bị hư hại chỉ là phế tích.

2.5.15. Sông Vang - Xưởng thuyền (thuộc địa bàn thôn Vạn Yên, xã Hưng Đạo, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương)

Sông Vang, Xưởng Thuyền là di tích  nằm trên cánh đồng Vạn Yên cách đền Kiếp Bạc 1000m về phía Bắc. Trần Hưng Đạo đã cho quân sĩ đào sông Vang ở trung tâm Đại bản doanh làm đường thủy trong khu vực nội địa của thái ấp Vạn Kiếp. Tại sông Vang, Hưng Đạo Vương cho xây dựng Xưởng Thuyền để đóng, sửa chữa và cất giấu thuyền chiến. Hai di tích này hiện nay chỉ còn  dấu vết mờ nhạt.

16. Hố Thóc (thuộc địa bàn thuộc thôn Cung Bẩy, xã Lê Lợi, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương)

Di tích Hố Thóc cách đền Kiếp Bạc 2 km về phía Đông Nam. Nằm trong thung lũng lòng chảo rộng 1ha, xung quanh có núi bao bọc, đây là địa hình thuận lợi được Hưng Đạo Vương chọn là nơi cất giữ lương thảo. Lương thực từ các vùng lân cận do Thiên Thành công chúa phu nhân Trần Hưng Đạo phụ trách được vận chuyển theo ngòi Mo về Hố Thóc dự giữ và cất giấu.

17. Viên Lăng (thuộc địa bàn thôn Vạn Yên, xã Hưng Đạo, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương)

Viên Lăng là gò đất hình tròn, cao 5m, diện tích khoảng trên 200m², nằm ở khu vực trung tâm của thung lũng Vạn Kiếp, cách đền Kiếp Bạc khoảng 300m về phía Đông nam. Vị trí của Viên Lăng, phía Tây bắc (qua hồ Lăn) là đền Kiếp Bạc, phía Nam là núi Nam Tào, phía Đông là núi Trán Rồng, phía Tây là sông Lục Đầu. Xung quanh Viên Lăng là ruộng trũng, phía trước nhìn ra hồ đền Kiếp Bạc và sông Thương, phía sau là dãy núi Rồng bao bọc. Viên Lăng được ví như một viên ngọc càm trước miệng rồng (núi rồng). Viên Lăng, tương truyền là nơi đặt lăng mộ Đức Thánh Trần. Năm 2000, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Ban quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã đào thám sát khảo cổ học tại Viên Lăng. Kết quả đã phát hiện nhiều dấu tích kiến trúc nhà ở và một số hiện vật thời Trần.

18. Núi trán rồng (thuộc địa bàn thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương)

Núi Trán Rồng là hậu chẩm của đền Kiếp Bạc. Núi Trán Rồng cùng với Lục Đầu giang tạo nên phong cảnh hữu tình, đối đãi âm dương hoà hợp, làm cho vùng Vạn Kiếp vừa linh thiêng vừa hùng vĩ. Núi Trán Rồng, là điểm dừng long mạch, khởi nguồn từ Tổ sơn Yên Tử phát về.  Trên sườn núi có hàng loạt các di tích, di chỉ khảo cổ thời Trần như: Mộ cổ, Ao cháo, Hố chân bia, Đường gánh gạch...

19. Sông Lục Đầu (thuộc địa bàn thuộc xã Hưng Đạo, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương)

Là nơi đã diễn ra trận Vạn Kiếp lịch sử, năm 1285, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt lần thứ hai. Sông Lục Đầu là cửa ngõ đi - về giữa kinh đô Thăng Long và biển Đông; là cầu nối giao thoa văn hoá của xứ Bắc, xứ Đông và kinh đô Thăng Long... Vì thế dọc tuyến sông Lục Đầu đã hình thành hệ thống di tích lịch sử văn hoá của các thời kỳ như: Chùa Vĩnh Nghiêm (Đức La), Đền Nhạn thờ Trương Hống, Trương Hát; đình Làng Vạn, chùa Tạng, đền Cổ Phao thờ Yết Kiêu, đền Kiếp Bạc, đền Khánh Vân, chùa Phả Lại thờ Khổng Minh Không; Đình Chí Linh thờ Cao Sơn, Quý Minh Đại Vương; đền chùa Cao Đức thờ Cao Lỗ…

20. Chùa Thanh Mai (thuộc địa bàn thôn Thanh Mai, xã Hoàng Hoa Thám, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương)

Chùa Thanh Mai được xây dựng trên núi Phật Tích Sơn thuộc cánh cung Đông Triều. Chùa Thanh Mai được xây dựng từ thời Trần (thế kỷ XIV), gắn với thân thế của Đệ nhị tổ dòng thiền Trúc Lâm là Pháp Loa Tôn giả. Theo văn bia "Thanh Mai Viên Thông tháp bi" niên hiệu Đại Trị thứ 5 (1362) thì Pháp Loa sinh năm 1284 tại thôn Đồng Hòa, xã Ái Quốc, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Năm Hưng Long thứ 12 (1304), Pháp Loa 21 tuổi, được Đệ nhất tổ Trần Nhân Tông cho theo làm đệ tử, xuất gia tu hành tại chùa Côn Sơn. Năm 1305, được ban hiệu là Pháp Loa. Năm 1307, tại am Ngọa Vân trên núi Yên Tử, Pháp Loa được Điều Ngự Trần Nhân Tông đặc phong kế thế trụ trì làm tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm. Ngày 3 tháng 3 âm lịch năm 1330, thiền sư Pháp Loa viên tịch, vua Trần ban pháp hiệu: Phật Tích Sơn, Thanh Mai Thiền Viện, Viên Thông Bảo Tháp, Đệ Nhị Thánh Tổ Trúc Lâm Đầu Đà Pháp Loa Tôn Giả, Quốc Tứ Đặc Phong Tịnh Trí Giác Phổ Tuệ Thiền Tọa Hạ. Triều đình xuất ngân khố 10 lạng vàng để xây Viên Thông Bảo Tháp tại chùa Thanh Mai.

Theo văn bia "Trùng tu Phật Tích Sơn Thanh Mai tự bi ký", chùa Thanh Mai được xây dựng, mở rộng quy mô lớn ở thế kỷ XVII, XVIII.