Thập đại đệ tử

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Tượng các đệ tử của Đức Phật, đặt tại trong Miếu Ngũ Hành Nương Nương

Thập đại đệ tử (chữ Hán: 十大弟子, tiếng Tạng chuẩn: ཉན་ཐོས་ཉེ་འཁོར་བའུ་) là danh xưng dùng để chỉ mười đệ tử quan trọng của Phật Thích-ca Mâu-ni, hay được nhắc nhở trong kinh sách Đại thừa (tiếng Phạn: mahāyāna).

Nguồn gốc[sửa | sửa mã nguồn]

Trong các kinh điển Phật giáo, trong quá trình phát triển của Tăng đoàn, thỉnh thoảng ghi chép lại những lời khen ngợi của Thích-ca Mâu-ni dành cho các đệ tử nổi bật ở một vài khía cạnh. Trong kinh Tăng nhất A-hàm, ghi nhận các đệ tử đứng đầu giáo đoàn về từng phương diện khác nhau, được Phật xác nhận, như Kiều-trần-như có pháp lạp cao nhất; Xá-lợi-phất có trí tuệ siêu việt nhất, Mục-kiền-liên thần thông bậc nhất... Thống kê ghi nhận được có cả thảy 41 tì kheo, 13 tì kheo ni, 11 cư sĩ nam và 10 cư sĩ nữ, từng được Phật Thích-ca Mâu-ni khen ngợi như thế. Một số đệ tử còn được ông giao cho thay mặt thuyết pháp cho các đệ tử khác và một số bài thuyết pháp của các đại đệ tử này được ghi nhận trong các bài Kinh.

Danh vị Thập đại đệ tử[sửa | sửa mã nguồn]

Theo kinh điển Phật giáo Bắc truyền[1] thì thứ tự danh vị của 10 vị này như sau:

  1. Ma-ha-ca-diếp (tiếng Trung: 摩訶迦葉, tiếng Nam Phạn: Mahākassapa, tiếng Phạn: mahākāśyapa, tiếng Tạng chuẩn: འོད་སྲུང་ཆེན་པོ་): Đầu-đà (tu khổ hạnh) Đệ nhất, được xem là Sơ tổ Thiền tông Ấn Độ; ông là người yêu cầu mở đại hội kết tập kinh điển lần đầu tiên của Phật giáo.
  2. Mục-kiền-liên (tiếng Trung: 目犍連, tiếng Nam Phạn: Moggallāna, tiếng Phạn: mahāmaudgalyāyana, tiếng Tạng chuẩn: མོའུ་འགལ་གྱི་བུ་): Thần thông Đệ nhất, hay đi đôi với Xá-lợi-phất; sau khi xuất gia được 7 ngày ông đã đoạn trừ hết các lậu hoặc, chứng quả A-la-hán.
  3. Phú-lâu-na (tiếng Trung: 富樓那, tiếng Nam Phạn: Pūraṇa, tiếng Phạn: pūrṇa, tiếng Tạng chuẩn: གང་པོ་): Thuyết Pháp Đệ nhất.
  4. Tu-bồ-đề (tiếng Trung: 須菩提, tiếng Phạn: Subhūti, tiếng Phạn: subhūti, tiếng Tạng chuẩn: རབ་འབྱོར་): Giải Không Đệ nhất. Tu-bồ-đề thường xuất hiện trong kinh điển hệ Bát-nhã-ba-la-mật-đa.
  5. Xá-lợi-phất (tiếng Trung: 舍利弗, tiếng Nam Phạn: Sāriputta, tiếng Phạn: śāriputra, tiếng Tạng chuẩn: ཤཱ་རིའི་བུ་): Trí huệ Đệ nhất, đệ tử quan trọng nhất của Phật trong các kinh Tiểu thừa; trước khi xuất gia, ông là một luận sư nổi tiếng trong giáo đoàn Bà-la-môn.
  6. La-hầu-la (tiếng Trung: 羅睺羅, tiếng Nam Phạn: Rāhula, tiếng Phạn: rāhula, tiếng Tạng chuẩn: སྒྲ་གཅན་འཛིན་): Mật hạnh Đệ nhất, ông cũng là người con duy nhất của Thái tử Tất-đạt-đa (sau này thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni).
  7. A-nan-đà (tiếng Trung: 阿難陀, tiếng Nam Phạn: Ānanda, tiếng Phạn: ānanda, tiếng Tạng chuẩn: ཀུན་དགའ་བོ་): Đa văn Đệ nhất, người "nghe và nhớ nhiều nhất", được xem là Nhị tổ Thiền tông Ấn Độ. A-nan-đà hay được trình bày trong tranh tượng đứng bên cạnh Phật cùng với Ma-ha-ca-diếp; tuy là Đa văn Đệ nhất nhưng sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn ông mới chứng quả A-la-hán rạng sáng ngày kết tập kinh điển đầu tiên.
  8. Ưu-bà-li (tiếng Trung: 優波離, tiếng Nam Phạn: Upāli, tiếng Phạn: upāli, tiếng Tạng chuẩn: ཉེ་བར་འཁོར་): Giới luật Đệ nhất;
  9. A-na-luật (tiếng Trung: 阿那律, tiếng Nam Phạn: Anuruddha, tiếng Phạn: aniruddha, tiếng Tạng chuẩn: མ་འགགས་པ་): Thiên nhãn Đệ nhất;
  10. Ca-chiên-diên (tiếng Trung: 迦旃延, tiếng Nam Phạn: Kātyāyana, tiếng Phạn: katyāyana, tiếng Tạng chuẩn: ཀ་ཏྱའི་བུ་): Biện luận Đệ nhất;

Theo Phật học Đại từ điển, danh vị 10 đại đệ tử giống như kinh điển Bắc truyền, nhưng thứ tự có thay đổi:

  1. Xá-lợi-phất: Trí huệ đệ nhất
  2. Mục-kiền-liên: Thần thông đệ nhất
  3. Ma-ha-ca-diếp: Đầu đà đệ nhất
  4. A-na-luật: Thiên nhãn đệ nhất
  5. Tu-bồ-đề: Giải không đệ nhất
  6. Phú-lâu-na: Thuyết Pháp đệ nhất
  7. Ca-chiên-diên: Luận nghĩa đệ nhất
  8. Ưu-bà-li: Trì luật đệ nhất
  9. La-hầu-la: Mật hành đệ nhất
  10. A-nan-đà: Đa văn đệ nhất

Các đại đệ tử khác[sửa | sửa mã nguồn]

Theo kinh điển Pāli, danh vị các đại đệ tử được ghi nhận tản mát và có số lượng nhiều hơn 10 như Thi-bà-la (Sīvali): Tài lộc đệ nhất (Phước đức đệ nhất),...

Những đệ tử đầu tiên[sửa | sửa mã nguồn]

Trong kinh điển nguyên thủy, có ghi nhận 2 người đầu tiên được Phật Thích-ca Mâu-ni thuyết giảng sau khi đắc đạo là hai thương nhân là Tapussa (Sa-lệ-phú-ba) và Bhallika (Bấc-lê-ca), vốn đang tháp tùng 500 cỗ xe bò, chở hàng hóa từ vùng Ukkalā đến buôn bán tại miền Majjhimapadesa. Theo văn hóa kính trọng tu sĩ bấy giờ, khi gặp sa môn Tất-đạt-đa Cồ-đàm, họ đã thực hành cúng dường vật thực cho Ngài và được Ngài thuyết giảng.[2][3] Nội dung thuyết giảng này không được ghi nhận lại, nhưng tương truyền sau khi được thuyết giảng, 2 thương nhân này đã xin Đức Bụt ban cho Xá lợi tóc và Xá lợi tóc ấy còn được tôn thờ cho đến ngày này tại ngôi bảo tháp Shwedagon (Yangon, Myanmar).

Cũng theo kinh điển nguyên thủy, hai thương nhân này được xem là hai cận sự nam đã quy y Nhị Bảo đầu tiên, gọi là Dvevācikasara-ṇagamana. Về sau, Bhallika xuất gia trở thành Tỳ kheo và đắc quả A-la-hán.[2]

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Duy-ma-cật sở thuyết kinh, Đệ tử phẩm.
  2. ^ a b Kinh Đại Bổn (Mahāpadānasuttaṃ).
  3. ^ Đại phẩm (Mahāvagga).

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  • Phật Quang Đại Từ điển (佛光大辭典). Phật Quang Đại Từ điển biên tu Ủy viên Hội. Đài Bắc: Phật Quang xuất bản xã, 1988.
  • Das Lexikon der Östlichen Weisheitslehren, Bern 1986.
  • Thập đại đệ tử truyện, Tinh Vân (星雲) đại sư