Thổ Thổ Cáp

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Thổ Thổ Cáp
Thụy hiệuVũ Nghị
Binh nghiệp
Cấp bậcsĩ quan cấp tướng
Thông tin cá nhân
Sinh1237
Mất
Thụy hiệu
Vũ Nghị
Ngày mất
1297
Giới tínhnam
Gia quyến
Thân phụ
Ban Đô Sát
Hậu duệ
Sàng Ngột Nhi, Biệt Lí Bất Hoa, Đoạn Cổ Lỗ Ban, Hoan Soa, Thái Bất Hoa, Bất Hoa Thiếp Mộc Nhi
Nghề nghiệptướng lĩnh quân đội
Dân tộcNgười Kipchak
Quốc tịchnhà Nguyên

Thổ Thổ Cáp (chữ Hán: 土土哈, chuyển ngữ Poppe: Togtoqa, 12371297), người thị tộc Bá Nha Ngột, dân tộc Khâm Sát (Kipchak), là tướng lĩnh nhà Nguyên trong lịch sử Trung Quốc. Ông có công bảo vệ biên giới phía bắc đế quốc.

Thân thế[sửa | sửa mã nguồn]

Tổ tiên của Thổ Thổ Cáp là người bộ tộc Án Đáp Hãn Sơn ở Chiết Liên xuyên, phía bắc Vũ Bình lộ, về sau dời đến núi Ngọc Lý Ba Lý ở phía tây bắc, định cư ở đất ấy, đặt quốc hiệu là Khâm Sát. [1] [1] Thủy tổ là Khúc Niên [2]; ông kỵ là Toa Mạt Nạp, ông cụ là Diệc Nạp Tư, đời đời làm Khâm Sát quốc vương.[3][4]

Thành Cát Tư hãn tấn công thị tộc Miệt Nhi Khất (Merkit), thủ lĩnh của họ là Hỏa Đô chạy đến Khâm Sát, được Diệc Nạp Tư che chở. Thành Cát Tư hãn sai sứ đòi giao người, Diệc Nạp Tư từ chối. [2] Thành Cát Tư hãn mệnh cho Tốc Bất Đài, Triết Biệt đi dẹp. Diệc Nạp Tư đã già, trong nước rối loạn, ông nội của Thổ Thổ Cáp là Hốt Lỗ Tốc Man sai sứ nhận tội với Oa Khoát Đài. Đến khi Mông Ca nhận lệnh cầm quân, cha của Thổ Thổ Cáp là Ban Đô Sát đưa cả tộc đầu hàng. [3] [3][4]

Ban Đô Sát tòng chinh Oát La Tư (Nga), tham gia chiếm thành Mạch Khiếp Tư, có công. Ban Đô Sát soái 100 người Ngọc Lý Ba Lý Khâm Sát theo Hốt Tất Liệt đánh Đại Lý, đánh Tống; bọn họ nổi tiếng cường dũng. Người Ngọc Lý Ba Lý Khâm Sát thường được hầu hạ bên cạnh Hốt Tất Liệt, coi việc nuôi ngựa, hằng năm vắt sữa ngựa dâng lên; sữa trong vắt mà vị ngon, gọi là sữa ngựa đen; tiếng Mông Cổ gọi đen là Cáp lạt, nhân đó những túc vệ người Ngọc Lý Ba Lý Khâm Sát được gọi là Cáp Lạt Xích. Hốt Tất Liệt gả em gái của chư vương Cáp Nạp là Nột Luân cho Ban Đô Sát.[3][4]

Phụng sự Nguyên Thế Tổ[sửa | sửa mã nguồn]

Giành lại đại trướng[sửa | sửa mã nguồn]

Năm Trung Thống đầu tiên (1260), cha con Ban Đô Sát, Thổ Thổ Cáp theo Hốt Tất Liệt đánh A Lý Bất Ca ở Mạc Bắc, cùng có công được thưởng. Ban Đô Sát mất, Thổ Thổ Cáp được tập chức của cha, coi túc vệ.[3][4]

Tông vương Hải Đô nổi loạn, Nguyên Thế Tổ cho rằng Mạc Bắc là căn bản của quốc gia, mệnh cho Hoàng thái tử Bắc Bình vương Na Mộc Hãn soái chư vương trấn thủ nơi ấy. Năm Chí Nguyên thứ 14 (1277), chư vương Thoát Thoát Mộc, Thất Liệt Cát [5] phản, cướp bóc các bộ, chiếm đoạt đại trướng của Nguyên Hiến Tông đem đi. Thổ Thổ Cáp soái quân đánh dẹp, đánh bại tướng của phản quân là Thoát Nhi Xích Nhan ở Nạp Lan Bất Lạt, đón các bộ quay về. Thủ lĩnh bộ tộc Ứng Xương là Chích Nhi Ngõa Đài nổi loạn, Thoát Thoát Mộc đem quân tiếp ứng, giữa đường gặp Thổ Thổ Cáp, sắp giao chiến, bị quân Nguyên bắt được vài mười kỵ binh do thám, Thoát Thoát Mộc bỏ đi; quân Nguyên bèn diệt Chích Nhi Ngõa Đài. Thổ Thổ Cáp đuổi theo bọn Thoát Thoát Mộc đến Thốc Ngột Lạt hà [6], trải qua 3 đêm mới quay lại. Sau đó lại đánh bại phản quân ở Oát Hoan hà [7], giành lại đại trướng, trả người của các bộ bị bắt về Bắc Bình.[3][4]

Nhận nhiều ân sủng[sửa | sửa mã nguồn]

Năm thứ 15 (1278), quân Nguyên bắc chinh, có chiếu cho 1000 kiêu kỵ Khâm Sát đi theo. Thổ Thổ Cáp đuổi theo Thất Liệt Cát qua Kim Sơn, bắt bọn Trát Hốt Đài để hiến. Lại đánh bại bọn Khoan Chiết Ca, bịt vết thương ra sức chiến đấu, bắt được ngựa, dê, quân nhu rất nhiều. Về triều, đế triệu đến trước giường, đích thân úy lạo, ban cho tửu khí (đồ uống rượu) bằng vàng bạc cùng trăm lạng bạc, chín món kim tệ (vật dụng bằng vàng), các bộ quan phục Chích tôn để dự tiệc theo mùa trong năm, một con chim cắt Hải Đông Bạch, còn ban cho đại trướng vừa giành lại. Lại có chiếu đem tất cả người Khâm Sát, là dân hay nô tỳ của chư vương, biên thành hộ tịch riêng, chịu sự quản lý của Thổ Thổ Cáp, mỗi hộ được cấp 2000 xâu tiền, hằng năm ban thóc, lụa, tuyển kẻ tài dũng gia nhập túc vệ. [4] [3][4]

Năm thứ 19 (1282), được thụ Chiêu dũng đại tướng quân, Đồng tri thái phó viện sự. Năm thứ 20 (1283), đổi làm Đồng tri vệ úy viện sự, kiêm lãnh Quần mục tư. Thổ Thổ Cáp xin cho người của bộ lạc Cáp Lạt Xích làm đồn điền ở Kỳ nội; có chiếu cấp 400 khoảnh vườn ở huyện Văn An thuộc Bá Châu, thêm 800 quân dân nước Tống mới hàng, khiến ông lãnh việc ấy. Năm thứ 21 (1284), được ban Kim hổ phù, rồi ban kim điêu, cừu mạo (áo mũ), ngọc đái (đai ngọc) mỗi món được một, một con chim cắt Hải Đông Thanh [8], một khu cối xay nước, 2000 mẫu vườn ở cận giao (cõi gần thành), dời hộ tịch 4600 con em Mông Cổ các lộ Hà Đông sang ở dưới quyền Thổ Thổ Cáp. Năm thứ 22 (1285), được bái làm Trấn quốc thượng tướng quân, Xu mật viện phó sứ. Năm thứ 23 (1286), triều đình đặt Khâm Sát thân quân vệ, bèn lấy Thổ Thổ Cáp kiêm Đô chỉ huy sứ, cho tùy ý chọn thành viên tông thất và quan lại làm quan thuộc.[3][4]

Phò tá hoàng tôn[sửa | sửa mã nguồn]

Quân đội của Hải Đô xâm phạm Kim Sơn, có chiếu sai Thổ Thổ Cáp và đại tướng Đóa Nhi Đóa Hoài cùng kháng địch. Năm thứ 24 (1287), tông vương Nãi Nhan phản, ngầm sai sứ liên kết với Dã Bất Cán, Thắng Lạt Cáp, Thổ Thổ Cáp bắt được sứ giả, nắm rõ tình hình, tâu lên, xin gọi bọn Thắng Lạt Cáp vào triều. Thắng Lạt Cáp bày tiệc mời 2 tướng, Đóa Nhi Đóa Hoài muốn đi, Thổ Thổ Cáp cho rằng việc này khó lường, bèn đình chỉ, nên kế của Thắng Lạt Cáp không thi hành được. Chưa được lâu, có chỉ lệnh Thắng Lạt Cáp vào triều, hắn ta sắp từ Đông Đạo lên đường, Thổ Thổ Cáp nói với Bắc An vương Na Mộc Hãn rằng: "Đất đai của hắn ở mặt đông, sang đấy thì không sợ gì nữa; ấy là thả cọp về với núi rừng đấy!" Na Mộc Hãn bèn mệnh cho Thắng Lạt Cáp theo Tây Đạo mà đi. Có tin đồn Dã Bất Cán phản, mọi người muốn báo lên triều đình, rồi mới phát binh. Thổ Thổ Cáp không đồng ý, gấp gáp tiến quân, đi suốt 7 ngày đêm, vượt Thốc Ngột Lạt hà, giao chiến ở Bột Khiếp lĩnh, đánh cho phản quân đại bại, Dã Bất Cán một mình chạy thoát. [5] Khi ấy Thế Tổ thân chinh Nãi Nhan, nghe tin, sai sứ mệnh cho Thổ Thổ Cáp quét sạch tàn dư phản quân, men sông tiến xuống. Gặp vạn kỵ binh của phản vương Dã Thiết Ca, Thổ Thổ Cáp đánh đuổi ông ta, giành được rất nhiều ngựa, còn bắt bọn phản vương Cáp Nhi Lỗ, dâng tù binh ở hành tại, đế giết đi. Người Khâm Sát, Khang Lý bỏ phản quân về hàng, lập tức giao cho Thổ Thổ Cáp, đặt ra Cáp Lạt Lỗ vạn hộ phủ; người Khâm Sát tản mát các nơi, làm bộ hạ của chư vương An Tây, đều lệnh cho ông thống lãnh. Khi ấy hoàng tôn Thiết Mục Nhĩ (sau này là Nguyên Thành Tông) làm phủ quân ở phương bắc, có chiếu lấy Thổ Thổ Cáp tòng chinh. Quân Nguyên đuổi theo tàn dư của Nãi Nhan ở Cáp Lạp Ôn [9], giết phản vương Ngột Tháp Hải, thu hàng tất cả bộ hạ của ông ta. Năm thứ 25 (1288), chư vương Dã Chích Lý bị phản vương Hỏa Lỗ Hỏa Tôn [10] tấn công, sai sứ cáo cấp. Thổ Thổ Cáp lại theo hoàng tôn dời quân cứu viện, đánh bại kẻ địch ở Ngột Lỗ Hôi. Quân Nguyên về đến Cáp Lạt Ôn sơn, trong đêm vượt Quý Liệt hà [11], đánh bại phản vương Cáp Đan, thu hàng tất cả các bộ ở Liêu Tả, đặt Đông Lộ vạn hộ phủ. Thế Tổ khen ngợi công lao của Thổ Thổ Cáp, gả em gái của Dã Chích Lý là Tháp Luân làm vợ ông.[3][4]

Năm thứ 26 (1289), Thổ Thổ Cáp theo hoàng tôn Tấn vương Cam Ma Lạt đánh Hải Đô. Đến Hàng Hải lĩnh [12], địch đến trước, chiếm cứ nơi hiểm yếu, các cánh quân Nguyên thất bại, chỉ có Thổ Thổ Cáp đem quân bản bộ đi đầu, chiến đấu kịch liệt, cứu Tấn vương ra ngoài. Kỵ binh của địch đuổi theo, Thổ Thổ Cáp bèn tuyển quân tinh nhuệ đặt mai phục để đợi, phản quân không dám đến gần. Mùa thu, tháng 7 ÂL, Thế Tổ đi tuần biên giới phía bắc, triệu kiến úy lạo Thổ Thổ Cáp. Sau khi về kinh sư, Thế Tổ lại khen ngợi Thổ Thổ Cáp trong bữa tiệc lớn; luận công chư tướng, ban thưởng cho người Khâm Sát trước hết. [6] [3][4]

Săn bắn bắc biên[sửa | sửa mã nguồn]

Ban đầu, nhà Nguyên diệt Tống, Thế Tổ mệnh cho 1000 tô hộ (hộ làm ruộng thuê) ở Kiến Khang, Lư, Nhiêu sung làm hộ Cáp Lạt Xích, thêm 1700 hộ đã bắt được ban cho Thổ Thổ Cáp, còn cho một con trai làm quan, để đốc trách việc thu thuế.[3] Năm thứ 28 (1291), Thổ Thổ Cáp tâu: "Quân Cáp Lạt Xích có hơn vạn, đủ để sử dụng." Có chiếu ban châu mạo (mũ đính ngọc trai), châu y (áo đính ngọc trai), kim đái (đai vàng), ngọc đái (đai ngọc), chim cắt Hải Đông Thanh mỗi món được một; còn ban cho bộ khúc của Thổ Thổ Cáp thuế y (áo lông mềm), vạn xúc kiêm tố (lụa nhũn). Thổ Thổ Cáp soái vạn người Cáp Lạt Xích lên phía bắc săn bắn ở Hán Tháp Hải, kẻ địch ở vùng biên nghe tin đều bỏ đi. Mùa thu năm thứ 29 (1292), lược đất Kim Sơn, bắt hơn 3000 hộ của Hải Đô, trở về Hòa Lâm. Có chiếu sai Thổ Thổ Cáp tiến đánh thị tộc Khất Lý Cát Tư (Qirqisud). Mùa xuân năm thứ 30 (1293), quân Nguyên đến Khiêm hà [13], đi trên băng mấy ngày, đến được lãnh thổ của họ, bắt hết 5 bộ của thị tộc này, đóng đồn để giữ. Tâu lên công trạng, được gia Long Hổ vệ thượng tướng quân, còn cấp cho Hành xu mật viện ấn. Hải Đô nghe tin quân Nguyên chiếm Khất Lý Cát Tư, bèn đưa quân đến Khiêm hà, Thổ Thổ Cáp đánh bại ông ta, bắt tướng địch là Bột La Sát.[3][4]

Phụng sự Nguyên Thành Tông[sửa | sửa mã nguồn]

Năm thứ 31 (1294), Thành Tông lên ngôi, ban chiếu lấy việc biên cảnh làm trọng, cho Thổ Thổ Cáp khỏi vào triều, sai sứ ban 500 lạng bạc, bầu, mâm, chén bằng vàng đính thất bảo mỗi món được một, vạn xâu tiền, một cái lều giạ trắng, gia nhất, tám con lạc đà một bướu. Mùa đông, Thổ Thổ Cáp được triệu đến kinh sư, ban thưởng nhiều hơn, riêng ban cho bộ hạ 120 vạn xâu tiền. Mùa xuân năm Nguyên Trinh đầu tiên (1295), tiếp tục ra giữ biên giới phía bắc. Mùa thu năm thứ 2 (1296), chư vương hưởng ứng Hải Đô đưa lực lượng về hàng, dân chúng vùng biên kinh động rối loạn, Thổ Thổ Cáp đích thân đến Ngọc Long Hãn giới, xuất tiền riêng để vỗ yên bọn họ, dẫn đường cho bọn chư vương Nhạc Mộc Hốt vào triều. Đế cởi ngự y để ban, lại ban 50 lạng vàng, 1500 lạng bạc, 5 vạn xâu tiền, kiệu xe mỗi loại được một.[3][4]

Tháng giêng ÂL năm Đại Đức đầu tiên (1297), được bái làm Ngân thanh vinh lộc đại phu, Thượng trụ quốc, Đồng tri xu mật viện sự, Khâm Sát thân quân đô chỉ huy sứ, phụng mệnh trở về biên giới phía bắc. Tháng 2 ÂL, đến Tuyên Đức phủ, mất, hưởng thọ 61 tuổi. Được tặng Kim tử quang lộc đại phu, Tư không, truy phong Duyên quốc công, thụy là Vũ Nghị, về sau gia phong lên tước vương.[3][4]

Hậu nhân[sửa | sửa mã nguồn]

Thổ Thổ Cáp có tám con trai:

  1. Tháp Sát Nhi, làm đến Định viễn đại tướng quân, Bắc Đình nguyên soái;
  2. Thái Bất Hoa, làm đến Ngự vị hạ bác nhi xích;
  3. Sàng Ngột Nhi, là người nổi tiếng nhất, sử cũ có truyện;
  4. Biệt Lý Bất Hoa, làm đến Khâm Sát thân quân thiên hộ;
  5. Thiếp Mộc Nhi Bất Hoa, làm đến Kiến Khang đẳng xứ Cáp Lạt Xích hộ Đạt lỗ hoa xích;
  6. Hoan Sai, làm đến Khâm Sát thân quân thiên hộ;
  7. Nhạc Lý Thiếp Mộc Nhi, làm đến Kim Vũ vệ thân quân đô chỉ huy sứ sự;
  8. Đoạn Cổ Lỗ Ban, làm đến Khâm Sát thân quân đô chỉ huy sứ.[4]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

Tài liệu công cộng[sửa | sửa mã nguồn]

  • Nguyên sửquyển 128, liệt truyện 15, Thổ Thổ Cáp truyện
  • Tân Nguyên sửquyển 179, liệt truyện 76, Thổ Thổ Cáp truyện

Tài liệu cá nhân[sửa | sửa mã nguồn]

  • Tô Thiên Tước (đời Nguyên) – Nguyên triều danh thần sự lược, quyển 3 dẫn từ Diêm PhụcThổ Thổ Cáp kỷ tích bi – Nhà xuất bản Trung Hoa Thư Cục, 08/1996, ISBN 9787101012941
  • Lưu Nghênh ThắngNguyên sử (tân biên) – Nhà xuất bản Trung Hoa Thư Cục, 12/2006, ISBN 9622319351
  • Ngu Tập (đời Nguyên) – Đạo viên học cổ lục, quyển 23, Cú Dung quận vương thế tích bi – Tập đoàn xuất bản Cát Lâm, 05/2005, ISBN 9787807201878
  • Bài viết Tu Hiểu Ba"Nguyên sử" Thổ Thổ Cáp, Bất Hốt Mộc truyện đính ngộ kỳ 4, tạp chí Văn Hiến, 1997, Bắc Kinh

Khảo chứng[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Tô Thiên Tước, tlđd: Tổ tiên của ngài là người bộ tộc Án Đáp Hãn Sơn ở Chiết Liên xuyên [14], phía bắc Vũ Bình lộ [15], về sau dời sang tận cùng tây bắc, đến khu vực có núi Ngọc Lý Ba Lý, được bao bọc bởi hai con sông: trái là Áp Xích [16], phải là Dã Đích Lý [17][18], bèn định cư ở đó, đặt (quốc) hiệu là Khâm Sát. Đất ấy cách Trung Quốc hơn 3 vạn dặm, đêm mùa hạ cực ngắn, mặt trời mọc một lúc rồi lặn mất. Đất đai màu mỡ, cỏ cây tươi tốt, thổ sản hợp với ngựa. Người giàu có sở hữu cả vạn con. Có tục giữ đồ binh ở cạnh chỗ ngồi, tính dũng mãnh cương liệt, nhờ phong thổ mà được vậy.
  2. ^ Tô Thiên Tước, tlđd: Thủy tổ của ngài là Khúc Niên, cao tổ là Toa Mạt Nạp, tằng tổ là Diệc Nột Tư [19], đời đời làm Khâm Sát quốc vương. Thái Tổ chinh nước Miệt Khất [20], chúa của họ là Hỏa Đô chạy đến Khâm Sát, sai sứ dụ Diệc Nột Tư rằng: "Mày sao dám giấu con nai đã trúng tên của ta? Đừng làm vậy, vạ sắp đến với mày đấy!" Diệc Nột Tư nói với sứ giả rằng: "Chim sẻ trốn chim chiên, nhờ nơi rừng rậm mà được sống; ta còn không bằng cây cỏ ru?"
  3. ^ Tô Thiên Tước, tlđd: Năm đinh dậu, Hiến Tông ở tiềm để [21], phụng mệnh đánh dẹp, binh đã đến cõi, cha của ngài là Ban Đô Sát đưa cả tộc nghênh hàng,... Nguyên sử, tlđd: Thành Cát Tư hãn mệnh cho tướng đi dẹp. Diệc Nạp Tư đã già, trong nước đại loạn, con của Diệc Nạp Tư là Hốt Lỗ Tốc Man sai sứ nhận tội với Thái Tông. Mà Hiến Tông thụ mệnh cầm quân, con Hốt Lỗ Tốc Man là Ban Đô Sát đưa cả tộc nghênh hàng. Tân Nguyên sử, tlđd: Thái Tổ mệnh cho Triết Biệt, Tốc Bất Đài đánh Khâm Sát, ông nội của Thổ Thổ Cáp là Hốt Đô Tốc Man đưa con trai là Ban Đô Sát nghênh hàng.
  4. ^ Tô Thiên Tước, tlđd: Về triều, đế triệu đến trước giường úy lạo ông, ban cho tửu khí cùng kim tệ, quan phục Chích tôn để dự tiệc, một con chim cắt Hải Đông Bạch, còn ban cho đại trướng, dụ ông rằng: "Vũ trướng của tổ tông, không phải là nơi mà bề tôi có thể dùng, bởi khanh có thể giành lại, nên ban cho khanh." Hạ chiếu: "Người Khâm Sát là dân thuộc về chư vương, đều làm riêng hộ tịch cho họ, thuộc về Thổ Thổ Cáp; mỗi hộ được nhận 2000 xâu tiền, hằng năm ban cho thóc lụa, tuyển kẻ tài dũng, dùng làm túc vệ."
  5. ^ Tô Thiên Tước, tlđd: Mùa xuân năm thứ 24, Đông Phiên chư vương Nãi Nhan bạn, ngầm liên kết với đồng bọn Dã Bất Cán, Thắng Lạt Cáp ở bắc biên, gián điệp của 2 người vào trong quân, bị ngài bắt được, biết hết nội tình của họ, sai sứ báo về, còn nói: "Nên triệu bọn Thắng Lạt Cáp đến khuyết." Một ngày Thắng Lạt Cáp đặt tiệc, triệu ngài cùng Đóa Nhi Đóa Hoài, Đóa Nhi Đóa Hoài sắp đi, ngài ngăn ông ta rằng: "Hắn giấu diếm họa tâm, chúng ta đến, ắt bị bắt, đại quân còn ai thống lãnh?" bèn không đi. Sau đó có chỉ lệnh Thắng Lạt Cáp vào triều, sắp theo Đông Đạo mà đi. Ngài nói với Bắc An vương rằng: "Bọn chúng được chia đất ở mặt đông, ra đấy thì không lo gì nữa, ấy là thả cọp vào núi rằng vậy!" Bèn mệnh (ông ta) theo tây đạo mà đi. Có người nói Dã Bất Cán bạn, mọi người muốn trước hết báo về triều, rồi mới phát binh. Ngài nói: "Binh quý thần tốc, tôi tận trung với nước, đang lúc gặp việc cần phải quyền nghi. Nếu hắn quả thực đã bạn, binh chí có thể lập tức bắt ngay, không nên bó buộc mà phải nhanh lên." Mọi người lấy làm phải. Hôm ấy khởi hành, ngài làm tiền phong, rong ruổi 7 ngày đêm, vượt Thốc Ngột Lạt hà, cùng Dã Bất Cán giao chiến ở Bột Khiếp lĩnh. Hắn đại bại, bị bắt vô kể, Dã Bất Cán một mình chạy thoát.
  6. ^ Tô Thiên Tước, tlđd: Tháng 7 mùa thu, Thế Tổ tuần hạnh bắc biên, khen ngợi ngài rằng: "Nhớ khi xưa Thái Tổ khởi nghiệp, thua trận về tay Vương Hãn, cùng một, hai bề tôi hiền uống nước Ban Thuật hà [22], đến nay còn truyền tụng. Khanh có lòng son bảo vệ xã tắc, nức tiếng Sóc Nam [23], dẫu mất mà như vẫn còn [24], khanh hãy gắng lên." Về đến kinh sư, cùng quần thần ăn tiệc, lại dụ ngài rằng: "Người sóc phương đến, (kể rằng) Hải Đô có nói: ‘Chiến dịch Hàng Hải, giả sử biên tướng của họ người nào cũng thiện chiến như Thổ Thổ Cáp, tôi há được yên lành như thế này.’ Tất cả tướng sĩ có công, hãy lệnh cho họ vào triều kiến, trẫm muốn gặp mặt để khen thưởng." Ngài nói: "Theo điển lệ phong thưởng, tướng sĩ Mông Cổ nên ở trước bọn họ." Thế Tổ nói: "Khanh không cần nhường nhịn, nếu bọn chúng muốn được ở trên bọn ngươi, sao không ra sức chiến đấu như bọn ngươi!?" Hôm sau, triệu các tướng sĩ, ban thưởng có phân biệt.

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Nguyên sử, tlđd chép: Tổ tiên của ông là người bộ tộc Án Đáp Hãn Sơn ở Chiết Liên xuyên, phía bắc Vũ Bình lộ, về sau dời sang núi Ngọc Lý Ba Lý phía tây bắc, nhân đó lấy (tên núi) làm tên thị tộc... Chi tiết này được các sử gia đương đại khẳng định là lầm, có thể xem chi tiết ở Tu Hiểu Ba, tlđd; Tân Nguyên sử, tlđd chép rõ là Bá Nha Ngột thị
  2. ^ Tô Thiên Tước, tlđdNgu Tập, tlđd chép Khúc Niên, Nguyên sử, tlđd chép là Khúc Xuất, Lưu Nghênh Thắng, tlđd cho rằng Nguyên sử đã lầm
  3. ^ a b c d e f g h i j k l m Nguyên sử, tlđd
  4. ^ a b c d e f g h i j k l m Tân Nguyên sử, tlđd
  5. ^ Tô Thiên Tước, tlđdNguyên sử, tlđd chép là Thoát Thoát Mộc, Thất Liệt Cát; Tân Nguyên sử, tlđd chép là Thoát Hắc Thiếp Mộc Nhi, Tích Lý Cát
  6. ^ Nguyên Sử – Thái Tổ Kỷ gọi là Thổ Ngột Lạt hà, Hồng Trà Khâu truyện gọi là Thoát Lạt hà; Trương Đức HuyTái Bắc kỷ hành gọi là Hồn Độc Lạt hà; Minh sửThành Tổ kỷ gọi là Thổ Lạt hà. Nay là Thổ Lạp hà
  7. ^ Tân Đường thưHồi Cốt truyện gọi là Côn hà hay Côn thủy; Nguyên sử – Thái Tông kỷ gọi là Oát Nhi Hàn hà, Minh Tông kỷ gọi là Oát Nhĩ Hãn thủy; Ngu Tập, tlđd gọi là Oát Hoan hà, Âu Dương HuyềnTiết thị gia truyện gọi là Oát Nhĩ Hãn hà. Nay là Ngạc Nhĩ Hồn hà
  8. ^ Hải Đông Thanh là Cắt Bắc Cực; ở trên có nhắc đến Hải Đông Bạch, người viết chưa rõ 2 giống này khác nhau thế nào!?
  9. ^ Nguyên sử, tlđd chép là Cáp Lạt, có lẽ là Cáp Lạt hà, nay là Cáp Lạp Cáp hà; Tân Nguyên sử, tlđd chép là Cáp Lạt Ôn, có lẽ là Cáp Lạt Ôn sơn, nay là Đại Hưng An lĩnh. Cáp Lạt hà phát tích từ Đại Hưng An lĩnh
  10. ^ Nguyên sử, tlđd chép là Hỏa Lỗ Cáp Tôn; Tô Thiên Tước, tlđdTân Nguyên sử, tlđd chép là Hỏa Lỗ Hỏa Tôn
  11. ^ Nay là Quy Lưu hà
  12. ^ Nay là Hàng Ái sơn
  13. ^ Tô Thiên Tước, tlđdNguyên sử, tlđd đều chép là Khiếm hà; Tân Nguyên sử, tlđd chép là Khiêm hà. Nay là thượng du Diệp Ni Tái hà
  14. ^ Nay là khu vực đồng bằng địa cấp thị Thông Liêu, Nội Mông Cổ
  15. ^ Nay là khu vực từ Nguyên Bảo sơn cho đến bắc bộ Ninh Thành thuộc địa cấp thị Xích Phong, Nội Mông Cổ
  16. ^ Lưu Nghênh Thắng, tlđd cho rằng Áp Xích là lầm, phải là Áp Diệc mới đúng; nay là sông Ô Lạp Nhĩ
  17. ^ Nay là sông Phục Nhĩ Gia
  18. ^ Tu Hiểu Ba, tlđd qua khảo sát cho biết núi Ngọc Lý Ba Lý nằm ở hạ du của hai con sông này
  19. ^ Nguyên sử, tlđd chép là Diệc Nạp Tư. Nột/Nạp đều có bính âm là nà
  20. ^ Nguyên sử, tlđd chép là Miệt Lý Khất; các tài liệu hiện này đều phổ biến là Miệt Nhi Khất
  21. ^ Tiềm để là nơi ở của Hoàng đế khi chưa lên ngôi
  22. ^ Nguyên sử, tlđd chép là Ban Thuật hà; Tân Nguyên sử, tlđd chép là Ban Châu Nhĩ hà
  23. ^ Quận Sóc Phương được đặt vào đời Tây Hán, phế vào đời Đông Hán; quận trị nay là kỳ Hàng Cẩm, địa cấp thị Ngạc Nhĩ Đa Tư, Nội Mông Cổ. Sóc Phương nằm ở cực bắc của nhà Hán, nên Sóc Phương hay Sóc là phiếm từ chỉ phương bắc
  24. ^ Nguyên văn: tuy tử chi nhật, do sanh chi niên