Thi tứ

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia


Thi tứ hay còn gọi là tứ thơ là cảm xúc thơ hoặc ý nghĩa hình ảnh thơ. Người xưa thường nói:

"Thi tứ ở trong tuyết, trên lưng ngựa trên cầu Bá Phong, chứ ở đâu nơi này" (lầu son gác tía). Lại có người nói: "Thi tứ ở nơi khóm trúc vắng.". Ý nói thơ là cảm xúc thẩm mỹ, thi vị, không giống với cảm xúc sinh hoạt thực dụng hằng ngày. Làm thơ phải bắt đầu từ cảm xúc thơ, tức là thi tứ, phải có "tứ thơ". Tìm tứ là xác định cảm xúc và hình ảnh thơ. Cấu tứ là tạo được hình tượng có khả năng khơi gợi được cảm xúc nhân văn của tâm hồn con người. Đó là sự kết hợp giữa hình ảnh sống động và ý nghĩa thơ, sao cho sự sống của hình ảnh càng triển khai ra, càng khơi sâu thêm nhiều ý nghĩa của bài thơ. Chẳng hạn bài Cô nhạn (Con nhạn lẻ đàn) của Đỗ Phủ: "Nhạn lạc không ăn uống – Bay kêu tiếng nhớ đàn – Ai người thương chiếc bóng – Mất hút giữa mây ngàn – Mòn trông còn thấp thoáng – Xót lắm, tiếng mơ màng – Quạ đồng sao hiểu được – Quàng quạc tiếng kêu khan !" (Bản dịch). "Bay kêu nhớ đàn" là tứ bài thơ "Lạc đàn cho nên nhớ, vì nhớ mà bay, vời trông đã mất hút mà vẫn cứ bay mãi tưởng như vẫn còn trông thấy đàn mà bay theo. Vì nhớ mà kêu, xót nhiều nên kêu không ngớt, như trông thấy đàn mà gọi theo vậy." (Theo Phố Khởi Long, Độc Đỗ tâm giải). Tứ thơ đã biểu hiện tình cảnh cô ngạo đáng thương của kẻ lạc đàn.

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]