Trần Thanh Quế

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Trần Thanh Quế
Sinh1921
Thuận Hưng, Long Mỹ, Rạch Giá
Mất1983
Quốc tịch Việt Nam
Thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam
Năm tại ngũ1947–1970
Đơn vịHuyện đội Tri Tôn
Tham chiếnKháng chiến chống Pháp
Kháng chiến chống Mỹ
Khen thưởngAnh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân

Trần Thanh Quế (1921–1983), tên thường gọi là Năm Hội, Mười Ly, nguyên Bí thư Huyện ủy Tri Tôn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long Châu Hà, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.

Cuộc đời[sửa | sửa mã nguồn]

Trần Thanh Quế sinh năm 1921 ở xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, tỉnh Rạch Giá (thuộc tỉnh Hậu Giang ngày nay), trú quán ở xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh Châu Đốc (thuộc tỉnh An Giang ngày nay).[1] Đầu năm 1945, ông tham gia Thanh niên Tiền phong xã Lương Phi.[2]

Cuối năm 1945, ông được điều động tham gia Ủy ban Hành chính cách mạng lâm thời huyện Tri Tôn, giữ chức vụ Ủy viên chính trị. Tháng 6 năm 1947, ông chính thức thoát ly gia đình, hoạt động ở khu vực căn cứ Núi Tô (An Tức, Tri Tôn).[1][3]

Tháng 1 năm 1948, ông được giới thiệu vào Đảng Cộng sản Việt Nam, giữ chức vụ Chủ tịch Mặt trận Việt Minh huyện Tri Tôn. Tháng 5, ông chính thức được kết nạp Đảng. Do giỏi tiếng Khmer, lại có nhiều kinh nghiệm vận động tại các phum, sóc, nên ông thường nhận nhiệm vụ tuyên truyền, vận động người Khmer ở hai huyện Tịnh Biên, Tri Tôn ủng hộ lực lượng kháng chiến, đồng thời giới thiệu nhiều người gia nhập tổ chức Đảng.[1]

Từ năm 1949, ông chủ yếu được phân công nhiệm vụ ở vùng Bảy Núi. Năm 1957, ông cùng Bí thư Huyện ủy Vũ Hồng Đức đã xây dựng lực lượng vũ trang mang tên "Quân đội Thất Sơn".[1][4][5]

Tháng 6 năm 1963, ông đảm nhận vai trò Chính trị viên Huyện đội, Ủy viên Chính trị Liên chi huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, Phó Trưởng ban Căn cứ địa của tỉnh An Giang. Ông đã trực tiếp tham gia chỉ huy nhiều trận đánh, trong đó nổi bật nhất là hai lần tập kích quận lỵ Tri Tôn. Trong thế trận bị bao vây 128 ngày đêm trên đồi Tức Dụp (18 tháng 11, 1968–25 tháng 3, 1969), ông vẫn chỉ huy lực lượng đặc công huyện tấn công quận lỵ, thành công tiêu diệt nhiều kẻ địch. Trận Tức Dụp được xem là "biểu tượng tiêu biểu nhất về tinh thần đấu tranh của quân và dân An Giang".[1][3]

Năm 1970, ông được bầu làm Bí thư Huyện ủy Tri Tôn. Năm 1974, tỉnh Long Châu Hà được tái lập, ông được chỉ định tham gia Tỉnh ủy Long Châu Hà đặc trách Trưởng ban Vận động nông dân tỉnh, rồi Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long Châu Hà.[1]

Sau khi đất nước thống nhất (1976), ông tiếp tục giữ chức vụ Tỉnh ủy viên (Tỉnh ủy An Giang), Bí thư Huyện ủy Tri Tôn. Với cương vị được giao, ông đã chỉ đạo xây dựng tuyến phòng thủ ở khu vực biên giới, cùng bộ đội Quân khu 9 tham gia chống trả các cuộc tấn công của quân Khmer Đỏ.[1][3]

Ông mất năm 1983.[1]

Tôn vinh[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày 20 tháng 12 năm 2016, hội thảo khoa học về cuộc đời ông được Hội Khoa học lịch sử tỉnh An Giang phối hợp với Huyện ủy Tri Tôn tổ chức. Đây được xem là cơ sở để Ủy ban nhân dân huyện lấy tên ông để đặt cho những công trình công cộng, trường học, tên đường trong tương lai.[6]

Ngày 13 tháng 6 năm 2017, ông được Tổng cục Chính trị đề nghị xét truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.[7][8] Lễ truy tặng được tổ chức ngày 25 tháng 7 năm 2018 tại Ủy ban nhân dân huyện Tri Tôn.[2][3][9]

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b c d e f g h Ngô Chuẩn (25 tháng 8 năm 2012). “Chuyện về ông Mười Ly”. Báo An Giang. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 4 năm 2022. Truy cập ngày 22 tháng 8 năm 2022.
  2. ^ a b Ngô Chuẩn (26 tháng 7 năm 2018). “Tri Tôn có thêm Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Báo An Giang. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 7 năm 2018. Truy cập ngày 22 tháng 8 năm 2022.
  3. ^ a b c d Cẩm Vân (25 tháng 7 năm 2018). “Truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho đồng chí Trần Thanh Quế”. Trang Thông tin điện tử Tuyên giáo An Giang. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 4 năm 2022. Truy cập ngày 22 tháng 8 năm 2022.
  4. ^ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (1 tháng 7 năm 2015). “Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng vũ trang tỉnh An Giang”. Trang Thông tin điện tử Tuyên giáo An Giang. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 9 năm 2015. Truy cập ngày 22 tháng 8 năm 2022.
  5. ^ Trung Thành (16 tháng 6 năm 2022). “An Giang cùng cả nước trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước”. Trang Thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh An Giang. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 8 năm 2022. Truy cập ngày 22 tháng 8 năm 2022.
  6. ^ Trần Văn Hợp (21 tháng 12 năm 2016). “Tri Tôn: Hội thảo khoa học nhân vật lịch sử Trần Thanh Quế”. Trang Thông tin điện tử Tuyên giáo An Giang. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 4 năm 2022. Truy cập ngày 22 tháng 8 năm 2022.
  7. ^ “Danh sách các tập thể, cá nhân được các cơ quan, đơn vị đề nghị xét phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ”. Báo Quân đội nhân dân. 13 tháng 11 năm 2017. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 8 năm 2022. Truy cập ngày 22 tháng 8 năm 2022.
  8. ^ “Danh sách các tập thể, cá nhân được các cơ quan, đơn vị đề nghị xét phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ”. Báo Quân khu 7 Online. 13 tháng 11 năm 2017. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 8 năm 2022. Truy cập ngày 22 tháng 8 năm 2022.
  9. ^ Bích Thuỷ (7 tháng 8 năm 2018). “Lễ truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang”. Sở Nội vụ tỉnh An Giang. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 22 tháng 8 năm 2022.