Trận Bornholm (1457)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Trận Bornholm
Một phần của Chiến tranh Mười ba năm

Bờ biển Borholm nhìn từ phía nam ngoài biển vào
Thời gianngày 14-15 tháng 8 năm 1457
Địa điểm
gần đảo Bornholm
Kết quả Hạm đội Gdańsk chiến thắng
Tham chiến
Liên hiệp Phổ gồm:
* Hạm đội Gdańsk
Vương quốc Đan Mạch
Livonia
Chỉ huy và lãnh đạo
Jakub Heine
Jocki Lenyn
Bartz Lenyn
Lực lượng
3 tàu 16 tàu
Thương vong và tổn thất
12 thủy thủ 300 thủy thủ
1 tàu

Trận Bornholm thứ nhất (tiếng Ba Lan: I bitwa pod Bornholmem) là trận hải chiến giữa ba tàu chiến Gdańsk với đoàn tàu vận tải Đan Mạch - Livonia diễn ra vào đêm 14 rạng ngày 15 tháng 8 năm 1457 gần đảo Bornholm trong Chiến tranh Mười ba năm. Trận chiến kết thúc với thắng lợi chiến thuật thuộc về hạm đội Gdańsk, được các sử gia Ba Lan coi là trận hải chiến lớn nhất trong cuộc chiến này đồng thời là biểu tượng chiến thắng của Gdańsk đối với Đan Mạch.

Vương quốc Đan Mạch dưới thời Christian I Oldenburg phản ứng tiêu cực trước việc sáp nhập Kị sĩ đoàn quốc Teuton vào Vương quốc Ba Lan và bắt đầu hợp lực với giáo đoàn Hiệp sĩ Teuton đánh vào đường hàng hải Gdańsk. Đồng thời, Đan Mạch âm mưu thôn tính một phần đất đai của giáo đoàn, can thiệp quân sự nhằm chiếm các cảng trên bờ nam biển Baltic. Bất chấp việc giáo đoàn tuy miễn cưỡng nhưng vẫn trao quyền kiểm soát các thành phố cảng tại Baltic cho đồng minh Đan Mạch, trên biển đã diễn ra các hoạt động ngăn chặn, đánh phá, cướp bóc hàng hóa của đối phương. Để đối phó với tuyến giao thương trên biển bị khóa chặn, các thương thuyền vũ trang của Gdańsk tiến hành một hành động chưa từng có trong lịch sử: một đội tàu Ba Lan kaper được huy động để tấn công tàu chiến, cảng và các vị trí trên bờ biển do Đan Mạch kiểm soát. Chiến thắng của hạm đội Gdańsk trước đoàn tàu vận tải Đan Mạch dẫn đến hiệp ước đình chiến với Vương quốc Đan Mạch ngày 28 tháng 7 năm 1458 theo điều kiện có lợi cho Ba Lan. Trận chiến góp phần loại bỏ đồng minh duy nhất của Hiệp sĩ Teuton buộc tự thân giáo đoàn phải dồn sức vào Chiến tranh Mười Ba Năm.

Nguồn gốc trận chiến[sửa | sửa mã nguồn]

Phản ứng của Đan Mạch với Chiến tranh Mười ba năm[sửa | sửa mã nguồn]

Copenhagen, Nyhavn. Liên minh Kalmar ra đời năm 1397, thống nhất Đan Mạch và Thụy Điển, tạo ra một thế lực thống trị biển Baltic. Việc Ba Lan giành được quyền kiểm soát mặt biển đe dọa quyền lực liên minh này.

Việc sáp nhập Kị sĩ đoàn quốc Teuton vào Vương quốc Ba Lan năm 1454 làm Đan Mạch không thể không lo lắng, vì nó mở ra lối vào biển Baltic cho một siêu cường khác, làm suy giảm quyền lực thống trị của người Scandinavia.[1] Đồng thời, Đan Mạch tìm cách hưởng lợi từ chiến tranh, âm mưu hỗ trợ giáo đoàn để lấy tiền (dùng chi trả cho vấn đề Thụy Điển trong liên minh) hoặc nhận được chủ quyền một số thành tu viện ở Livonia.[2]

Mùa hè năm 1455, để đối phó với Chiến tranh mười ba năm kéo dài, vua Đan Mạch Christian I ủng hộ giáo đoàn. Hạm đội Đan Mạch bắt đầu tấn công tàu thuyền Liên hiệp Phổ.[1] Tuy tuyên bố tình trạng chiến tranh, Đan Mạch lại phải giải quyết xung đột nội bộ với Thụy Điển để duy trì Liên minh Kalmar, nên không tiến hành bất kỳ hoạt động quân sự lớn nào đánh vào Liên hiệp Phổ mà chỉ giới hạn trong việc tuần tra bờ biển Phổ và tổ chức viện trợ quân sự tới Livonia.[2] Năm 1455, giáo đoàn Teuton tái chiếm Königsberg (Królewiec) trên cửa sông PregolyaKlaipėda (Klaipėda) chắn trước cửa sông Neman từ tay Liên hiệp Phổ. Từ đó giúp cho giáo đoàn có cơ hội vận chuyển lương thực và khí tài trên biển.[3]

Chiến tranh Mười ba năm trên biển Baltic[sửa | sửa mã nguồn]

Vua Đan Mạch Christian I Oldenburg muốn nắm quyền bảo hộ Livonia nên đã hỗ trợ giáo đoàn Teuton trong Chiến tranh Mười ba năm

Bất chấp các thắng lợi của Teuton, các thành phố chính trong Liên hiệp Phổ vẫn quyết tâm tiếp tục cuộc chiến chống lại giáo đoàn. Từ đó, hội đồng thành phố Gdańsk và Elbląg quyết định thành lập hạm đội tư nhân để chống lại hạm đội Đan Mạch. Việc này dẫn đến các hoạt động quân sự đặc biệt trên biển.[4][5] Hội đồng thành phố Gdańsk đã ban hành 13 đặc chiếu bộ nã cho các thuyền trưởng tàu biển có vũ trang. Giấy phép này trao quyền tấn công các tàu qua lại Königsberg và Klaipėda nhằm làm tê liệt hoạt động buôn bán trên biển của Teuton và chặn đứt con đường tiếp tế lương thực, vũ khí cho giáo đoàn. Năm 1456, phạm vi tấn công mở rộng ra các tàu đi đến Livonia và Đan Mạch. Sau đó, hai bên tịch thu hàng hóa lẫn nhau tại các cảng đối phương. Tháng 2 năm 1456, sau khi cảnh báo Liên minh Hanse, hội đồng thành phố Gdańsk ban đặc chiếu cho bốn thuyền trưởng nữa để tấn công các tàu Teuton, Livonia, Đan Mạch và bờ biển do Teuton kiểm soát.[6][7]

Khu vực giữa Bornholm và Gotland nằm trên vị trí chiến lược ở ngã tư tuyến vận tải Baltic, giữ tầm quan trọng đặc biệt về quân sự. Trấn giữ khu vực này cho phép kiểm soát toàn bộ hoạt động vận tải trên biển Baltic.[8][9]

Gdańsk: Tháp Thiên nga và cảng Gdańsk lịch sử. Giao thương mang lại nguồn thu nhập lớn cho thành phố và đóng góp chi phí đáng kể cho Liên hiệp Phổ trong Chiến tranh Mười ba năm

Mục tiêu và phương pháp tác chiến hải quân trong Chiến tranh Mười ba năm[sửa | sửa mã nguồn]

Nhiệm vụ các hạm đội Baltic[sửa | sửa mã nguồn]

Chiến tranh Mười ba năm diễn ra vào thời kỳ kém phát triển về quân sự ở khu vực biển Baltic. Vẫn còn yếu sau thời kỳ vương quốc phong kiến tan rã, các quốc gia Baltic không thể tổ chức và tài trợ cho các hạm đội giữ vai trò quan trọng trong hải chiến.[10] Chỉ có Anh và Pháp mới thực hiện được vai trò này trên biển cuối thời Trung cổ.[11]

Tiếp nối từ nửa sau thế kỷ 13, các thành phố cảng lớn tiếp tục duy trì vai trò quan trọng của những hạm đội nhỏ ở Baltic và Biển Bắc vì lợi ích của chính mình. Mục tiêu chính của lực lượng hải quân được tổ chức theo cách này là đảm bảo lợi ích thương mại bằng cách bảo vệ các tuyến mậu dịch của mình, đồng thời ngăn chặn các đối thủ cạnh tranh như cắt đứt đường biển hay phong tỏa bờ biển.[12][13] Một nhiệm vụ quan trọng của các hạm đội thành phố là chống hải tặc.[14][15] Khả năng chuyển quân bằng đường biển và đổ bộ tấn công các vùng lãnh thổ ven biển hiếm khi xảy ra. Hoạt động quân sự trên biển thực ra đều phụ thuộc vào các diễn biến trên đất liền.[12]

Hệ thống huy động hạm đội[sửa | sửa mã nguồn]

Hệ thống huy động hạm đội Ledung lỗi thời vẫn tồn tại ở Đan Mạch và Thụy Điển dựa trên nghĩa vụ đưa tàu cùng thủy thủ đoàn qua địa hạt lãnh thổ theo yêu cầu của quốc vương. Các thành phố kinh tế yếu kém nên không đủ lực hiện đại hóa tàu chiến.[16]

Việc thiếu hạm đội thường trực buộc các bên tham chiến phải sử dụng một hệ thống tư nhân huy động bằng cách thuê hoặc trưng dụng.[16] Hội đồng thành phố hoặc vua sẽ cấp quyền đặc biệt (đặc chiếu bộ nã) cho phép tấn công quân và tàu, cảng đối phương cũng như đại diện để tham chiến.[17]

Tranh khắc gỗ thế kỷ 16 mô tả hải chiến giữa thuyền chèo và thuyền buồm

Ưu điểm của hệ thống tư nhân là không mất chi phí huy động đội tàu. Thay vì được trả công, chỉ huy tàu và thủy thủ đoàn nhận được một phần chiến lợi phẩm. Ngoài ra cũng không mất chi phí đóng tàu tốn kém.[17] Nhược điểm là tính kỷ luật thấp, họ chủ yếu quan tâm đến lợi ích thu được bất kể mục tiêu chiến tranh là gì.[18]

Các tàu buôn di chuyển trong khu vực nguy hiểm cũng sẽ được trang bị vũ khí hộ tống.[19]

Các loại tàu[sửa | sửa mã nguồn]

Chiến tranh nhắm vào các tuyến giao thương dẫn đến kỹ chiến thuật hải chiến buộc phải thay đổi. Yêu cầu ở trên biển dài ngày cũng như kiểm soát khoảng cách lớn dẫn đễn việc thay thế tàu mái chèo bằng tàu buồm. Các loại tàu Scandinavia mớn nước thấp dễ dàng đổ bộ binh mã như sneki hoặc drakkar đã mất đi tầm quan trọng khi so sánh với những mẫu đặt thượng tầngđầu tàuđuôi tàu.[20][21][22] Nhu cầu quan trọng của thương mại hàng hải đối với các thành phố cảng buộc phải thành lập các hạm đội dựa trên tàu vận tải được vũ trang tạm thời. Khác biệt với tàu chiến, các tàu vũ trang này không có cấu trúc thượng tầng lớn và có thể quay về làm tàu buôn ngay khi không còn mối đe dọa trên biển.[23]

Tranh thế kỷ 19 về hạm đội tàu holk thời trung cổ do các thành cảng Baltic tài trợ

Từ giữa thế kỷ 14, bên cạnh tàu koga (kogge) có bánh lái gắn đuôi trong trục thân tàu, tàu holk (holcke) lớn hơn dùng buồm hình chữ nhật đã được đóng, có khả năng mang đến 200 thủy thủ. Thượng tầng mũi và đuôi tàu tạo lợi thế khi chiến đấu trên boong, giúp mẫu tàu này thống trị trong các hạm đội thế kỷ 15.[15][20][22] Một điểm mới trong kỹ nghệ đóng tàu cuối thời Trung cổ là vỏ bọc caravel tăng cường cho thân tàu. Điều này cho phép đóng các tàu lớn hơn như karaka (kraeck) tư nhân được cả hai bên sử dụng trong Chiến tranh Mười ba năm.[20][24] Bên cạnh tàu lớn, các tàu nhỏ hơn rất phổ biến như snigga (schnigge) và krajer (kraier) là tàu chiến tuần tra và do thám, hay các tàu barc (bartz) và tàu đóng kiện.[25]

Trang bị và vũ khí tàu[sửa | sửa mã nguồn]

Vào thế kỷ 15, cùng với cung, nỏmáy bắn đá, pháo thô sơ bắt đầu được trang bị trên tàu, còn thủy thủ cũng sử dụng các loại súng đơn giản như hakownica và súng thủ công. Độ tin cậy rất kém về cả súng lẫn thuốc súng (bằng than củi, sulfurnitrat) cũng như thời gian nạp đạn lâu lên đến 15 phút khiến cho hỏa khí Chiến tranh Mười ba năm chỉ đóng vai trò phụ trợ trong giai đoạn sơ khởi của trận chiến, còn sau đó chủ yếu vẫn giáp chiến bằng các vũ khí nhỏ truyền thống.[26][27][28] Phương án tác chiến cơ bản của đội tàu tư nhân này là áp sát, nhảy sang tàu để bắt giữ đối phương. Vì vậy, thủy thủ trên tàu tư nhân đều được vũ trang[29] nhiều hơn khoảng sáu lần với tàu buôn cùng cỡ. Quy định của Liên minh Hanse về số lượng thủy thủ và lính trên tàu như một thủy thủ trên mỗi 5–6 m³ hay một lính trên mỗi m³ đều không được nghiêm chỉnh tuân thủ.[29] Các tàu buôn đi trong khu vực nguy hiểm cũng được vũ trang tương tự, cùng với đội tàu hộ tống đi theo.[19]

Diễn biến[sửa | sửa mã nguồn]

Nguồn thông tin về trận chiến[sửa | sửa mã nguồn]

Thông tin chi tiết về hoạt động của hạm đội Gdańsk trong Chiến tranh Mười ba năm được chép trong biên niên sử Geschichte des dreizehnjährigen Krieges (Lịch sử chiến tranh Mười ba năm) của thư ký hội đồng thành phố Gdańsk lúc bấy giờ là ngài Johann Lindau.[30] Józef Dyskant chỉ ra rằng không phải các chiến hạm nhỏ tham chiến mà chính là các tàu buôn được hộ tống từ Gdańsk. Hoàn toàn không có chỉ lệnh riêng nào cho các chỉ huy tàu tham chiến.[31][32]

Tường thuật và nhận định[sửa | sửa mã nguồn]

Đêm 14 tháng 8 năm 1457, ba tàu buôn Gdansk dưới sự chỉ huy của Gostram Heyne (Jakub Heine), Jocki và Bartz Lenyn, trên đường chở hàng từ Reval đến các cảng Tây Âu, đã chạm trán với đoàn tàu vận tải 16 chiếc của Đan Mạch-Livonia ngoài khơi Bornholm. Lợi dụng đêm tối, hạm đội Gdańsk tấn công[19] trong hoàn cảnh đối phương vượt trội về số lượng.[33] Kết quả pháo kích và đổ bộ lên tàu đối phương là 12 người phía Gdańsk thiệt mạng và một số bị thương, đổi lại phía Đan Mạch-Livonia bị bắt 40 tù nhân và khoảng 300 người thiệt mạng, trong đó có một tàu bị chìm kéo theo 100 người tử nạn. Đến sáng khi trận chiến kết thúc, đoàn tàu vận tải Đan Mạch-Livonia tan rã hoàn toàn.[34]

Trung tá hải quân Ba Lan Edmund Kosiarz nhận định rằng các tàu Gdańsk giành được thành công lớn khi tránh được sự đe dọa nghiêm trọng do kẻ thù đông hơn.[33] Władysław Konopczyński đánh giá cao ý nghĩa biểu tượng của trận hải chiến đặt dấu chấm hết cho việc Đan Mạch phong tỏa các cảng và là "minh chứng vĩ đại của Gdańsk".[4] Theo Krzysztof Baczkowski, thành công của hạm đội Gdańsk "tạo nền tảng cho sự phát triển của hạm đội tư nhân Ba Lan",[35] còn Andrzej Nowak mô tả chiến thắng Bornholm là "ngày biểu tượng của thành kỳ tự do đầu tiên của Ba Lan (Gdańsk)”.[36] Theo Józef Dyskant, trận hải chiến lớn nhất trong nửa đầu Chiến tranh Mười ba năm là kết quả khi hai hạm đội tình cờ đụng độ và hạm đội Gdańsk tấn công dựa trên điều kiện thuận lợi.[34] Marian Biskup nhận định hải chiến Bornholm là "thành công vĩ đại nhất của dân Gdańsk" và "tầm quan trọng của trận chiến này đã không được đánh giá cao".[37]

Hệ quả[sửa | sửa mã nguồn]

Trong số những tù nhân bị Gdańsk bắt giữ có năm quan chức Teuton, cao nhất là người đứng đầu Sonnenburg. Ngày 23 tháng 9 năm 1457, Gdańsk thông báo chiến thắng này cho Liên minh Hanse cùng với đề nghị được trung gian hòa đàm với vua Đan Mạch Christian I.[34]

Hậu chiến[sửa | sửa mã nguồn]

Cảng sông ở Gdańsk: Dlugie PobrzeżeKrantor

Hiệp ước Stockholm[sửa | sửa mã nguồn]

Sau thất bại thương thảo Malbork của Teuton với lính đánh thuê, vua Christian I tăng cường các hoạt động ngoại giao nhằm khai thác được lợi ích từ giáo đoàn đổi lại sẽ hỗ trợ trong chiến tranh. Mục đích chính Đan Mạch cố gắng thâu tóm từ tay giáo đoàn căn cứ Klaipėda (Memel) nằm ở cửa sông Neman. Vua Christian I đề xuất cho em trai mình là Maurice trấn giữ thành phố và trả lại Hiệp sĩ Teuton sau chiến tranh, đổi lại Đan Mạch sẽ hoàn trả kinh phí phát sinh duy trì thành phố nếu chiến tranh kết thúc bằng sự sáp nhập toàn bộ thành bang Teuton vào Ba Lan.[38]

Thống lĩnh Livonia Johann von Mengede, thường gọi là Osthof, đứng ra đàm phán với vua Đan Mạch, nêu rõ lập trường rằng Copenhagen không thể đòi chủ quyền các thành bang tu viện cũng như Livonia vì các lãnh thổ này nằm dưới quyền giáo hoàng. Trong các cuộc đàm phán, ông cố gắng có được sự đảm bảo của Đan Mạch sẽ can thiệp trong trường hợp Ba Lan tấn công Livonia. Ngày 18 tháng 10 năm 1457, Hiệp ước Đan Mạch-Livonia được ký kết tại Stockholm. Theo đó, với giá 1000 rhenish hàng năm, Đan Mạch căn cứ theo yêu cầu của Livonia sẽ viện trợ lực lượng 300-500 lính đánh thuê mà không có yêu sách gì với bất kỳ lãnh thổ nào của giáo đoàn. Hiệp ước là thành công của Livonia thuộc giáo đoàn khi bảo toàn nền độc lập của mình mà vẫn được đồng minh hỗ trợ quân sự. Đan Mạch không có những hành động quá tích cực đối với chiến tranh Ba Lan-Teuton bởi còn bận tâm gây quỹ cho vấn đề Thụy Điển.[39]

Cuộc chiến trên biển tiếp diễn[sửa | sửa mã nguồn]

Đầu năm 1458, Gdańsk quyết định tiến hành mở rộng chiến tranh trên biển không hạn chế và tăng cường tấn công: 21 đặc chiếu ban hành vào mùa xuân năm 1458 và 12 đặc chiếu hè 1458, cho phép tấn công tàu thuyền Đan Mạch và Livonia ở eo biển Đan Mạch và dọc theo bờ biển Tây Pomerania, Mecklenburg, cũng như đánh phá các thành phố và cảng của Đan Mạch, Na Uy (thuộc Đan Mạch) và Gotland. Hạm đội Gdańsk bắt giữ 45 tàu làm tê liệt hoạt động giao thương vùng Baltic, nên Liên minh Hanse bắt đầu gây áp lực ngăn chặn xung đột giữa các bên đối địch. Ngày 28 tháng 7 năm 1458, hiệp định đình chiến giữa Đan Mạch và Ba Lan ký tại Gdańsk, loại bỏ đồng minh của giáo đoàn Teuton ra khỏi cuộc chiến.[40][4]

Trong văn hóa đại chúng[sửa | sửa mã nguồn]

Lịch sử hải quân Ba Lan trong Chiến tranh Mười ba năm dưới quyền vua Casimir IV là nội dung chính tiểu thuyết "Bałtyckie orły" (Đại bàng Baltic) của Józef Wójcicki.[41][42]

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b Sokołowski 2004, tr. 266.
  2. ^ a b Voigt 1838, tr. 449-551.
  3. ^ Dyskant 2009, tr. 144-146.
  4. ^ a b c Konopczyński 2014, tr. 45.
  5. ^ Nowak 2017, tr. 419.
  6. ^ Dyskant 2009, tr. 146.
  7. ^ Koczorowski 2003, tr. 98.
  8. ^ Dyskant 2009, tr. 16.
  9. ^ Nowak 2017, tr. 255.
  10. ^ Kosiarz 1978, tr. 38-39.
  11. ^ Dyskant 2009, tr. 53.
  12. ^ a b Kosiarz 1978, tr. 38-39, 56.
  13. ^ Drzewiecki & Kardas 2009, tr. 62.
  14. ^ Dyskant 2009, tr. 79.
  15. ^ a b Tarnowski 1991, tr. 20-21.
  16. ^ a b Dyskant 2009, tr. 51.
  17. ^ a b Dyskant 2009, tr. 51-53.
  18. ^ Dyskant 2009, tr. 52-53.
  19. ^ a b c Dyskant 2009, tr. 152.
  20. ^ a b c Kosiarz 1978, tr. 38.
  21. ^ Dyskant 2009, tr. 50.
  22. ^ a b Humble 1992, tr. 10-12.
  23. ^ Dyskant 2009, tr. 50-51.
  24. ^ Dyskant 2009, tr. 62-63.
  25. ^ Dyskant 2009, tr. 64.
  26. ^ Biskup 1990, tr. 23-24.
  27. ^ Dyskant 2009, tr. 81.
  28. ^ Kosiarz 1978, tr. 39.
  29. ^ a b Dyskant 2009, tr. 72.
  30. ^ Dyskant 2009, tr. 7-8.
  31. ^ Dyskant 2009, tr. 152-153, 242-243.
  32. ^ Danh sách thuyền trưởng 1454-1472.
  33. ^ a b Kosiarz 1978, tr. 52.
  34. ^ a b c Dyskant 2009, tr. 152-153.
  35. ^ Baczkowski 1999, tr. 217.
  36. ^ Nowak 2017, tr. 420.
  37. ^ Biskup 2014, tr. 501.
  38. ^ Biskup 2014, tr. 542.
  39. ^ Biskup 2014, tr. 542-543.
  40. ^ Dyskant 2009, tr. 153-155.
  41. ^ Antykwariat Filar 2019.
  42. ^ Biblionetka 2019.

Thư mục[sửa | sửa mã nguồn]

  • Baczkowski, Krzysztof (1999), Dzieje Polski późnośredniowiecznej (1370–1506) [Lịch sử Ba Lan cuối trung cổ (1370–1506)] (bằng tiếng Ba Lan), Kraków: Fogra, ISBN 83-85719-40-7
  • Biskup, Marian (2014), Trzynastoletnia wojna z Zakonem Krzyżackim 1454-1466 [Chiến tranh Mười ba năm với giáo đoàn Teuton 1454-1466] (bằng tiếng Ba Lan), Oświęcim: Napoleon V, ISBN 978-83-7889-288-5
  • Drzewiecki, Andrzej; Kardas, Mariusz (2009), “Meandry polskie polityki bałtyckiej” [Những khúc mắc Ba Lan trong chính sách Baltic], Półwysep Helski. Historia orężem pisana [Bán đảo Hel: Lịch sử viết bằng vũ khí] (bằng tiếng Ba Lan), Toruń: Wydawnictwo Adam Marszałek, ISBN 978-83-7611-535-1
  • Dyskant, Józef Wiesław (2009), Zatoka Świeża 1463 [Vịnh Świeża 1463] (bằng tiếng Ba Lan), Warszawa: Bellona, ISBN 978-83-1111-571-2
  • Humble, Richard (1992), Statki i okręty [Thuyền và tàu chiến] (bằng tiếng Ba Lan), Wrocław: Wydawnictwo Dolnośląskie sp. z o.o., ISBN 83-7023-202-7
  • Koczorowski, Eugeniusz (2003), Pogrom krzyżackiej armady [Pogrom của hạm đội Teuton] (bằng tiếng Ba Lan), Warszawa
  • Konopczyński, Władysław (2014), Kwestia Bałtycka [Vấn đề Baltic] (bằng tiếng Ba Lan), Kraków-Warszawa: Ośrodek Myśli Politycznej Muzeum Historii Polski, ISBN 978-83-62628-52-0
  • Nowak, Andrzej (2017), Dzieje Polski [Lịch sử Ba Lan] (bằng tiếng Ba Lan), 3: 1340-1468 Królestwo zwycięskiego orła, Kraków: Biały Kruk, ISBN 978-83-7553-223-4
  • Kosiarz, Edmund (1978), Bitwy na Bałtyku [Hải chiến Baltic] (bằng tiếng Ba Lan), I, Warszawa: Wydawnictwo Ministerstwa Obrony Narodowej
  • Sokołowski, August (2004), Dzieje Polski ilustrowane [Lịch sử Ba Lan bằng hình ảnh] (bằng tiếng Ba Lan), II, Poznań, ISBN 83-87172-43-X
  • Tarnowski, Wolfgang (1991), Piraci. Rozboje morskie. [Hải tặc. Những vụ cướp biển] (bằng tiếng Ba Lan), Wrocław: Atlas sp. z o.o., ISBN 83-900260-5-8
  • Voigt, Johannes (1838), Geschichte Preußens von den ältesten Zeiten bis zum Untergange der Herrschaft des Deutschen Ordens [Lịch sử Phổ từ giai đoạn đầu đến khi giáo đoàn Teuton sụp đổ] (bằng tiếng Đức), Königsberg
  • “Nazwiska kapitanów (kaprów) 1454 – 1472” [Tên thuyền trưởng (tàu tư nhân) 1454-1472], Polskie Okręty (bằng tiếng Ba Lan), Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 4 năm 2016
  • Bałtyckie orły [Đại bàng Baltic] (bằng tiếng Ba Lan), Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 7 năm 2019
  • Książka: Bałtyckie orły [Sách: Đại bàng Baltic] (bằng tiếng Ba Lan), Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 7 năm 2019