Văn hóa Abashevo
Văn hóa Abashevo là một văn hóa khảo cổ thuộc thời đại đồ đồng ở khoảng nửa sau thiên niên kỷ 2 TCN trên vùng lãnh thổ Nga thuộc châu Âu, từ tỉnh Kaluga tới miền nam cộng hòa Bashkiria. Văn hóa này có tên gọi từ tên làng Abashevo (cộng hòa Chuvashiya), nơi vào năm 1925 lần đầu tiên một đoàn các nhà khảo cổ dưới sự chỉ đạo của V. F. Smolin đã tìm thấy các gò mộ của nó[1]. Trong thập niên 1950-1960 K. V. Salnikov đã phân chia ra các biến thể Trung Volga, Sterlitamaksk (Bashkiriya), Magnitogorsk (Ngoại Ural), Trung sông Đông và Hạ sông Đông của văn hóa Abashevo, còn A. D. Pryakhin (1976, 1977) lại cho rằng văn hóa Abashevo có điểm chung về mặt lịch sử, trong đó chứa các văn hóa khảo cổ Đông-Volga, Trung sông Đông và Ural (Balanbash)[1].
Nguồn gốc dân tộc
[sửa | sửa mã nguồn]Theo một số nhà nghiên cứu, văn hóa Abashevo và văn hóa Fatyanovo, theo nguồn gốc của mình có liên quan với văn hóa Trung Dnepr và là sự phát triển của biến thể địa phương của văn hóa Srubna. Những người chết thuộc chủng Kavkaz mặt dài nằm trong các ngôi mộ kiểu Srubna được thể hiện rõ trong các mộ táng của văn hóa Abashevo. Về mặt dân tộc học thì dân cư của văn hóa Abashevo là người Aria, được xác nhận bằng nhiều điểm tương đồng với kinh Vệ Đà cổ đại, với các dữ liệu của khảo cổ học và nhân loại học[2].
Địa điểm
[sửa | sửa mã nguồn]Các di vật khảo cổ của văn hóa Abashevo được tìm thấy tại Chuvashiya (trên thực tế là làng Abashevo), Mari El, Bashkiria cũng như các tỉnh Voronezh[3] và Lipetsk[4].
Theo quan điểm của A. D. Pryakhin, văn hóa Abashevo hình thành tại vùng Trung sông Đông và khu vực phụ cận trong thế kỷ 17-18 TCN trên cơ sở các truyền thống văn hóa của dân cư vùng rừng và rừng-thảo nguyên Đông Âu, trang trí các nồi, niêu, xoong, chậu của mình bằng các họa tiết dạng dây nổi, với sự tham gia tích cực của các nhóm dân cư thảo nguyên. Từ các vùng xuất phát điểm ban đầu này dân cư của văn hóa Abashevo đã tỏa ra để định cư tại các khu vực khác: Sursk-Volga, Đông-Volga và Ural. Trong thế kỷ 16-17 TCN dân cư Abasevo đã trở thành một trong các hợp phần tạo thành dân cư giai đoạn đầu của các văn hóa như Alakul và Srubna tại các khu vực thảo nguyên và rừng-thảo nguyên tại miền bắc đại lục Á-Âu[1].
Đặc điểm
[sửa | sửa mã nguồn]Các điểm dân cư Abashevo phân bố trên các mũi đất tại các địa hình bãi bồi ven sông[1]. Các ngôi nhà của người Abashevo là các kết cấu với khung nhiều buồng trên mặt đất và móng đào nông vào trong lòng đất. Mái nhà là dạng 2 hay 4 mặt nghiêng được lợp bằng các loại vật liệu hữu cơ (lau sậy, cỏ, vỏ cây, v.v.). Bên trong nhà có các bếp lò và các hốc nội trợ. Đồ gốm Abashevo là bình dạng chậu và hộp, nét đặc trưng dân tộc của bình chậu Abashevo là dạng chuông. Người ta cũng tìm thấy các sản phẩm kim loại (vũ khí hình phiến lá, dao, dao găm, dao trổ, rìu, rìu cuốc, đầu mũi giáo, các móc bọc lót, dùi, nhiều đồ trang sức đa dạng - vòng, khuyên tai v.v), xương (dao trổ, khóa cài, v.v.), đá (rìu, chày, búa, đe, v.v.), đá phiến silic (mũi tên, các tấm nạo, các tấm dạng dao). Hầu như trong tất cả các ngôi nhà của văn hóa Abashevo đều có dấu vết của việc gia công kim loại[1].
Lĩnh vực chính của nền kinh tế của dân cư văn hóa Abashevo là chăn thả gia súc lưu động không nhốt trong chuồng trại, luyện kim và gia công đồng thiếc[1]. Một yếu tố quan trọng của các nền văn hóa Abashevo là việc chăn nuôi ngựa. Họ đã có thể sản xuất ra các cỗ xe do ngựa kéo[5]. Công cụ lao động bằng đá, đồng và xương gia súc cùng động vật hoang dã chứng thực về các nghề săn bắn, chăn thả gia súc và nông nghiệp. Người Abashevo là những người đầu tiên khai thác các mỏ kim loại màu tại khu vực Ural[6]. Các khu dân cư của văn hóa Abashevo chỉ được tìm thấy tại khu vực ven Ural.
Tục thờ cúng lửa và thần Mặt Trời rất phát triển trong các bộ lạc Abashevo (tương tự như của Hỏa giáo).
Các di chỉ mộ táng - chôn cất dưới gò mộ - chủ yếu bắt gặp trong lưu vực các sông Belaya, Dema, Ik. Người ta phân biệt mộ kiểu các ụ đất đơn giản, các gò mộ với rào chắn bằng đá với dấu vết của các hàng rào dạng cột. Ngoài các hốc chôn cất đơn giản trong đất, cũng thấy có các khoang chôn cất, được tạo ra từ bên trong hốc đá hoặc hốc gỗ, trong một số trường hợp người ta cũng che phủ phía trên bằng đá hay gỗ. Trong các hốc chôn cất, ngoài xương người chết, còn tìm thấy một phần hay toàn bộ nồi niêu, cùng các đồ kim khí (dao, dao găm, đồ trang sức), xương và đá. Người ta cũng tìm thấy mộ chôn cất tập thể (Yukalikulevo, Ahmerova II) [1].
Trong các gò mộ được khai quật người ta thấy người Abashevo đã chôn cất người chết với các nồi niêu, xoong, chậu, bình, lọ bằng đất sét có trang trí và các đồ trang sức bằng đồng và bạc.
Tương tác với văn hóa Andronovo
[sửa | sửa mã nguồn]Theo kiểu cách sinh sống thì các bộ lạc Abashevo gần với các bộ lạc của văn hóa Andronovo. Người Abashevo ở Nam Ural có tiếp xúc gần gũi với các láng giềng phía đông - người Andronovo. Người Abashevo cũng vay mượn một số họa tiết trang trí của các bộ lạc Andronovo để trang trí các bình chậu bằng đất sét của mình. Các bình chậu như vậy được tìm thấy khi khai quật mộ táng Metevtamaksk. Đồng thời, một số đặc điểm, là đặc trưng của văn hóa Abashevo, cũng được chuyển cho người Andronovo. Điều này lý giải cho rất nhiều các di vật là đồ trang sức kim khí kiểu Abashevo, được tìm thấy trong các di chỉ Andronovo.[7].
Xem thêm
[sửa | sửa mã nguồn]Liên kết ngoài
[sửa | sửa mã nguồn]- Chuyên khảo về văn hóa Abashevo Lưu trữ 2009-01-24 tại Wayback Machine
- Văn hóa Abashevo Lưu trữ 2008-12-27 tại Wayback Machine
Ghi chú
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ a b c d e f g Văn hóa Abashevo Lưu trữ 2007-11-18 tại Wayback Machine tại website của Viện Lịch sử và Khảo cổ, chi nhánh Ural của Viện Hàn lâm Khoa học Nga.
- ^ Lịch sử cổ đại của miền Nam Ural[liên kết hỏng]
- ^ “Vùng đất Voronezh ẩn chứa gì trong mình”. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 5 năm 2009. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2009.
- ^ Tình trạng và các vấn đề trong bảo tồn các di sản văn hóa trong khu vực Lipetsk trước ngưỡng cửa Ngày Quốc tế Bảo hộ các di tích văn hóa và các khu vực đáng ghi nhớ
- ^ Các đồ chôn cất dưới gò mộ của các bộ lạc thuộc văn hóa Abashevo vùng sông Đông-Volga
- ^ Trên sông Oka bốn ngàn năm trước...
- ^ Văn hóa Abashevo