Vết thù hằn trên lưng con ngựa hoang

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Vết thù hằn trên lưng con ngựa hoang
Thông tin sách
Tác giảDuyên Anh
Quốc gia Việt Nam Cộng hòa
Ngôn ngữTiếng Việt
Thể loạiTiểu thuyết
Nhà xuất bảnXuân Thu xuất bản
Ngày phát hành1967
Kiểu sáchIn (bìa mềm)

Vết thù hằn trên lưng con ngựa hoang là nhan đề một tiểu thuyết du đãng do tác giả Duyên Anh công bố tại Sài Gòn năm 1967[1].

Lịch sử[sửa | sửa mã nguồn]

Giữa thập niên 1960, trong bầu không khí náo động của chính trường miền Nam cùng với sự leo thang của cuộc Chiến tranh Việt Nam, giới trẻ nhìn chung đã cảm thấy bế tắc và những mong tìm được sự giải thoát qua lối sống gấp sống vội theo trào lưu hippie đương thời.

Dòng văn chương Việt Nam Cộng hòa giai đoạn này bắt đầu từ bỏ cái phong cách lãng mạn chậm rãi sót lại từ thời Tự Lực văn đoàn để tập trung khai thác mạnh lối sống giới trẻ - những đại biểu của nền văn hóa mới cùng xu hướng cảm nhận cuộc đời ngày càng tân tiến. Số ít tác gia như Chu Tử, Duyên Anh, Nguyễn Thụy Long... đi tiên phong trong việc khám phá một đề tài hoàn toàn mới đối với bối cảnh xã hội Á châu bấy giờ, đó là thế giới tinh thần cũng như cảnh đời của lớp người được báo giới gọi là du đãng.

Đấy không phải trẻ bụi đời hay những kẻ hoạt động thế giới ngầm, mà phần đông đều có tri thức và gia thế đường hoặc, hoặc vừa rời ghế giảng đường... Họ bước chân ra giang hồ chỉ vì những nghịch cảnh thôi thúc, hoặc giản đơn là vì cảm thấy được kích thích tinh thần. Những tác phẩm về họ cũng vạch trần cái chân dung sỗ sàng của xã hội kim tiền, đó là tệ nạn trong thanh thiếu niên.

Năm 1967, kí giả Duyên Anh thực hiện xong tiểu thuyết Vết thù hằn trên lưng con ngựa hoang[2] và đem ấn hành thành sách. Một tác phẩm đậm phong cách hiện sinh và có pha chút lãng tử kiểu Viễn Tây Ý đang rất nổi đương thời.

Nội dung[sửa | sửa mã nguồn]

Tuyến truyện chính xoay quanh nhân vật Hoàng Guitar, một tay đờn thiện nghệ chỉ có ước vọng tưởng chừng dễ dãi là mở lớp dạy lục huyền cầm y-pha-nho. Trong y vừa có chất lãng tử hào hoa vừa không thiếu sự liều lĩnh hiếu thắng của dân anh chị. Nhưng y đồng thời là một trong những kẻ cự phách nhất một băng du đãng, mà đồng bọn không hề muốn mất đi một con người vô cùng được việc như thế.

Với khát vọng hoàn lương ngày càng cồn da cháy thịt, Hoàng lập giao kèo với cả toán rằng: Y sẽ tham gia phi vụ chót, nhưng xong việc thì đường ai nấy đi, riêng y toàn quyền trở về sở trường cũ. Thế nhưng, vụ áp phe ấy bại lộ, một phát đạn oan nghiệt cắm thẳng vào lưng Hoàng Guitar như vết thù không bao giờ xóa được và cũng kết thúc luôn cái kiếp ngựa hoang Nhẫn Nhục.

Nhân vật[sửa | sửa mã nguồn]

  • Hoàng "guitar"
  • Du "chột"
  • Tư "cao"
  • Năm "đởm"
  • Bảy "gác dan"
  • Tám "quăn"
  • Chín "cùi"
  • Mười "khóa"
  • Đực "lì"
  • Hội "ghẻ"
  • Huân "con"
  • Hùng "đầu bò"
  • Phương "công tử"
  • Riri Huệ
  • Thiên Nga
  • Diễm Hương
  • Chiêu Ly
  • Giám thị Hai
  • Vũ Khắc Niệm
  • Cúc

Văn hóa[sửa | sửa mã nguồn]

Theo điều tra hậu trường của giới kí giả đương thời, tác gia Duyên Anh không hoàn toàn hư cấu tiểu thuyết mà dựa vào số phận nhân vật Hoàng Sayonara, một gã du đãng được tay anh chị Đại Cathay tôn làm quân sư. Dù chỉ là phận đàn em nhưng tên tuổi hành trạng Hoàng còn nổi hơn tứ đại ca cùng thời là Đại-Tỳ-Cái-Thế. Sở dĩ có biệt danh Sayonara vì Hoàng chơi guitar rất hay ca khúc thời thượng cùng tên bấy giờ. Ngoài ra, y cũng có biệt danh "ngựa hoang" vì lối tiêu khiển cực kì trác táng, nhiều lần gây chấn động báo giới và các vũ trường nức tiếng Sài Gòn, tới mức bị hình cảnh đem nhốt ở trại Cửu Sừng (Phú Quốc) vẫn không chừa. Hoàng Sayonara tuy là du đãng thứ thiệt nhưng có bằng tú tài toàn phần, đủ điểm vào trường võ bị, chỉ vì ham chơi nhác học nên không tha thiết gì. Y bị quân cảnh Mỹ nã một băng M-16 vào lưng, ngay khi đứa con đầu lòng sắp chào đời.

Trứ tác Vết thù hằn trên lưng con ngựa hoang thường được giới khảo cứu coi như sự nối tiếp thành công của tiểu thuyết Điệu ru nước mắt, ấn hành năm 1965 và dựng phim năm 1970, dựa theo một phần đời nhân vật du đãng khét tiếng Đại Cathay. Tuy nhiên, mức thành công của Vết thù hằn trên lưng con ngựa hoang được coi là "vượt sức tưởng tượng", đồng thời khiến độc giả quên hẳn Điệu ru nước mắt. Sự thành công này cũng được nghiên cứu gia Võ Phiến ví von là bước phát triển của thi pháp Duyên Anh từ chủ đề "ngựa chứng" (học sinh) sang "ngựa hoang" (du đãng).

Năm 1971, Liên Ảnh công ty (liên doanh Trung tâm Quốc gia Điện ảnh, hãng Mỹ Vân điện ảnh cùng một số hãng khác) quyết định mời đạo diễn Lê Hoàng Hoa thực hiện bản điện ảnh cho tiểu thuyết này với nhan đề mới Vết thù trên lưng ngựa hoang, quay hoàn toàn tại Vũng Tàu. Nam tài tử mới nổi Trần Quang vào vai Hoàng Guitar, còn vợ Hoàng do danh ca Thanh Nga diễn. Theo kí ức của đạo diễn Lê Hoàng Hoaminh tinh Trần Quang, suốt thời gian làm phim, trùm du đãng Đại Cathay đã sai đàn em tới giám sát quá trình thực hiện, gây không ít phiền toái cho các nghệ sĩ và kĩ thuật viên. Tuy nhiên, bộ phim khi ra rạp đã hốt bạc, đem lại khoản lợi nhuận không nhỏ cho cuộc phát động chấn hưng điện ảnh mà Hội Điện Ảnh chủ trương. Phim cũng mở ra một hướng khai thác mới cho điện ảnh Việt Nam, đấy là góc khuất trong xã hội thay vì những truyện tình đẫm nước mắt vốn đã lỗi thời từ lâu[3].

Ca khúc chủ đề phim Vết thù trên lưng ngựa hoang (Ngọc Chánh soạn từ, Phạm Duy soạn nhạc) do danh ca Elvis Phương thể hiện trở nên ăn khách tới mức được hãng Shotguns (nhạc sĩ Ngọc Chánh làm chủ quản) tái phát hành qua dĩa và băng cối, vẫn bán đắt như tôm tươi và để dư âm tới sau năm 1975.

Sau sự kiện Tháng Tư Đen, tác gia Duyên Anh bị chính quyền Sài Gòn mới liệt vào danh sách "biệt kích văn hóa". Tác phẩm Vết thù hằn trên lưng con ngựa hoang cùng mọi văn bản có kí danh Duyên Anh hoặc Vũ Mộng Long đều bị đem ra đường phố đốt trong "chiến dịch bài trừ văn hóa phẩm đồi trụy" năm 1978. Tuy nhiên, những sao bản Vết thù hằn trên lưng con ngựa hoang vẫn tồn tại ở nhiều nhà sưu tập cá nhân nên nội dung không hề mai một theo dòng thời đại.

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

Liên kết[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Lược sử tác phẩm Vết thù hằn trên lưng con ngựa hoang
  2. ^ “Về trứ tác Vết thù hằn trên lưng con ngựa hoang. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 3 tháng 5 năm 2021.
  3. ^ Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Kì XIII: Hai điều “đầu tiên” ấn tượng
Tài liệu
  • Duyên Anh, Vết thù hằn trên lưng con ngựa hoang, Xuân Thu xuất bản, Sài Gòn, 1967.
Tư liệu