Vụ bê bối thịt giả 2013

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bảng thông cáo tại một siêu thị Tesco theo sau vụ thu hồi thịt bò burger pha trộn với thịt ngựa.

Một vụ bê bối thịt giả mạo năm 2013 là một vụ bán thịt giả mạo tại Âu Châu, khi các loại thực phẩm được quảng cáo có chứa thịt bò nhưng thực chất được phát hiện có chứa thịt ngựa không khai báo, lên đến 100% hàm lượng thịt trong một số trường hợp, và các loại thịt không khai báo khác, chẳng hạn như thịt heo. Vụ việc bị đưa ra ánh sáng ngày 15 tháng 1 năm 2013, khi có báo cáo rằng DNA của ngựa được phát hiện trong thịt bò burger đông lạnh bày bán tại một số siêu thị Ireland và Anh.

Vụ khủng hoảng thịt này khiến người ta đặt vấn đề phải có những quy định và kiểm soát chặt chẽ hơn về thực phẩm bán cho công chúng.

Anh và Ireland[sửa | sửa mã nguồn]

Tại AnhIreland, cơ quan an toàn thực phẩm nhận thấy thịt ngựa lẫn trong thịt bò và thịt cừu bán ở một số nhà hàng và các siêu thị. Hamburger của Burger King cũng có thịt ngựa và công ty này phải chấm dứt hợp đồng với một hãng cung cấp thịt.

Thịt ngựa thông dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới kể cả Âu Châu, nhưng không phải đồ ăn bình thường tại Anh cũng như Hoa Kỳ. Ở Hòa Lan có nhiều hàng thịt bán thịt ngựa chế biến sẵn thành nhiều món ăn khác nhau. Tại Anh bán thịt ngựa không là phạm pháp nếu ghi rõ là thịt gì.

Hàng chục lò sát sinh tại Anh bị khám xét và một số nơi người ta thấy có pha lẫn thịt heo trong thịt bò, không bị cấm nhưng là trái phép.[1]

Pháp[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày 12 tháng 2 năm 2013, Pháp trở thành quốc gia Âu Châu thứ nhì, sau Anh Quốc, xác nhận có sự kiện thịt đông lạnh đem bán cho dân chúng, thay vì thịt bò lại hóa ra thịt ngựa.[2]

Picard, nhà buôn lẻ có hằng trăm tiệm trên khắp nước Pháp, cho biết qua nhiều thử nghiệm, xác nhận có thịt ngựa hiện diện trong hai lô thịt "bò" đông lạnh và được thu hồi, sau khi vụ tai tiếng đổ bể.[2]

Nguồn gốc thịt[sửa | sửa mã nguồn]

Hệ thống bán lẻ Picard của Pháp nói tâm điểm của hiện tượng lo sợ về thực phẩm lan rộng trên khắp Âu Châu xuất phát từ công ty Pháp Comigel. Hệ thống này quyết định cho thu hồi tất cả sản phẩm của Comigel, chủ yếu là món Findus lasagne vốn bị phát giác ở Anh là gồm 100% thịt ngựa.[2]

Các nhà buôn lẻ ở Anh, Thụy Điển, Pháp, Thụy Sĩ và Hòa Lan cũng cho thu hồi các sản phẩm của Comigel như thịt viên, hamburger, lasagne,... ngay sau khi Comigel báo động có sự hiện diện của thịt ngựa trong sản phẩm Findus.[2]

Về phần Comigel, họ phủ nhận không làm gì sai trái vì họ nhận thịt từ một công ty Pháp khác tên Spanghero, công ty này lại nói rằng nhận nguồn tiếp tế từ hai lò tế sinh ở România, được xem là thủ phạm tráo thịt ngựa cho thịt bò.[2]

Phản ứng[sửa | sửa mã nguồn]

Thủ tướng Anh David Cameron cho mở cuộc điều tra tường tận và truy tố theo luật những nơi bán thịt ngựa mà nói là thịt bò. Tại Brussels, Bỉ, có một cuộc họp của Liên Âu về vụ này. Bộ trưởng Môi trường Owen Paterson đề nghị thử nghiệm DNA cho tất cả các món thịt bán ở Âu Châu.[1][3]

Ngày 11 tháng Hai, Thủ tướng România, Victor Ponta, nói trong một cuộc họp báo rằng "không có bất bình thường" trong việc hai công ty ở Romania bán thịt gọi là thịt bò cho các hãng thực phẩm Âu Châu nhưng bị tố cáo là thịt ngựa.[3]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]