Vu Mã Thi

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Vu Mã Thi (tiếng Trung: 巫馬施; bính âm: Wuma Shi)[1], tự Tử Kỳ (子旗)[1] hay Tử Kỳ (子期)[2], thường gọi là Vu Mã Kỳ (tiếng Trung: 巫馬旗; bính âm: Wuma Qi), tôn xưng Vu Mã Tử (巫馬子), người nước Lỗ thời Xuân thu, là một trong thất thập nhị hiền của Nho giáo.

Cuộc đời[sửa | sửa mã nguồn]

Quan tư bại[3] nước Trần từng hỏi Khổng Tử: [Lỗ] Chiêu công biết lễ chăng?[4] Khổng Tử trả lời: Biết lễ. Đến khi Khổng Tử trở về, Vu Mã Thi mới nói: Tôi nghe quân tử không a dua, quân tử nay cũng a dua sao? Vua Lỗ lấy con gái ở Ngô làm phu nhân, gọi nàng là Mạnh Tử. Mạnh Tử họ Cơ, cùng [vua Lỗ] họ, gọi là Ngô Mạnh Tử. Vua Lỗ mà biết lễ thì ai cũng biết lễ![5]

Vu Mã Thi đem việc trình báo lại cho Khổng Tử. Khổng Tử nói rằng: Khâu thật may mắn, nếu có lỗi, người đều biết. Bề tôi không được nói xấu vua, ấy là kỵ, là lễ vậy![1][6]

Vu Mã Thi làm quan tể ở ấp Thiện Phụ[7], chăm chỉ cần mẫn, buổi sáng đội sao mà đi, buổi tối đội sao mà về. Sau Mật Tử Tiện đến cai trị Thiện Phụ, từ sáng đến tối chỉ chơi đàn, không hề bước ra ngoài. Khi Vu Mã Thi hỏi Mật Tử, Mật Tử trả lời rằng: Ta đây là dùng người, ngài là dùng sức; dốc sức thì khổ nhọc, dùng người thì nhàn hạ.[8][9] Sau Mật Tử Tiện thả cá cái có mang làm gương cho dân ấp, Vu Mã Kỳ mặc áo tơi đi chợ cá nghe được, đem việc này về báo cho Khổng Tử.[10]

Vu Mã Kỳ khi cùng Tử Lộ đến nước Trần, hai người từng biện luận, cuối cùng Tử Lộ xấu hổ bỏ về.[9]

Mặc Tử từng cùng Vu Mã Tử biện luận về kiêm ái.[11] Vu Mã Tử nói: Ngài kiêm ái thiên hạ, chưa đem lại cái lợi gì; ta không yêu thiên hạ, chưa gây hại gì. Đều không mang lại gì, vì sao ngài khẳng định ngài mà phủ định ta?[12] Mặc Tử hỏi lại: Có nơi bị cháy, một người xách nước, muốn dập lửa; một người cầm đuốc, muốn làm thế lửa lớn hơn. Đều chưa gây hậu quả, ngài tán đồng ai? Vu Mã Tử nói: Ta tán đồng người xách nước, không tán đồng người xách đuốc.[13] Mặc Tử kết luận rằng: Ta chỉ tán thành lý niệm của ta, mà không phải lý niệm của ngài.[14]

Thành ngữ[sửa | sửa mã nguồn]

  • Mang sao, xuất phát từ câu Dĩ tinh xuất, dĩ tinh nhập (以星出以星入).[15]
  • Dũng sĩ không sợ mất đầu, xuất phát từ câu Dũng sĩ bất vong tang kỳ nguyên (勇士不忘喪其元)[9]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b c Tư Mã Thiên, Sử ký, Trọng Ni đệ tử liệt truyện.
  2. ^ Chu Di Tôn, Khổng Tử đệ tử khảo.
  3. ^ Tư bại (司敗): Chức quan chưởng quản tư pháp ở nước Trầnnước Sở thời Đông Chu, tương ứng với chức tư khấu. Đỗ Dự chú thích Tả truyện, Văn công năm thứ mười: Nước Trần, nước Sở gọi chức tư khấu là tư bại. (陳楚名司寇為司敗)
  4. ^ Nguyên văn: Lỗ chiêu công tri lễ hồ? (魯昭公知禮乎?)
  5. ^ Nguyên văn: Ngô văn quân tử bất đảng, quân tử diệc đảng hồ? Lỗ quân thú Ngô nữ vi phu nhân, mệnh chi vi Mạnh Tử. Mạnh Tử tính Cơ, húy xưng đồng tính, cố vị chi Mạnh Tử. Lỗ quân nhi tri lễ, thục bất tri lễ! (吾聞君子不党,君子亦党乎?魯君娶吳女為夫人,命之為孟子。孟子姓姬,諱稱同姓,故謂之孟子。魯君而知禮,孰不知禮!)
  6. ^ Nguyên văn: Khâu dã hạnh, cẩu hữu quá, nhân tất tri chi. Thần bất khả ngôn quân thân chi ác, vi húy giả, lễ dã. (丘也倖,茍有過,人必知之。臣不可言君親之惡,為諱者,禮也。)
  7. ^ Thiện Phụ (單父) hay Đản Phụ (亶父), nay là huyện Thiện, tỉnh Sơn Đông.
  8. ^ Lưu Hướng, Thuyết uyển, Chính lý: Ngã chi vị nhiệm nhân, tử chi vị nhiệm lực; nhiệm lực giả cố lao, nhiệm nhân giả cố dật. (我之謂任人,子之謂任力;任力者固勞,任人者固佚。)
  9. ^ a b c Hàn Anh, Hàn thi ngoại truyện, Quyển 2.
  10. ^ Lã Bất Vi, Lã thị xuân thu, Quyển 18.
  11. ^ Mặc Địch, Mặc Tử, Mặc Tử dữ Vu Mã Tử.
  12. ^ Nguyên văn: Tử kiêm ái thiên hạ, vị vân lợi dã; ngã bất ái thiên hạ, vị vân tặc dã. Công giai vị chí, tử hà độc tự thị nhi phi ngã tai? (子兼愛天下,未雲利也;我不愛天下,未雲賊也。功皆未至,子何獨自是而非我哉?)
  13. ^ Nguyên văn: Ngã thị bỉ phụng thủy giả chi ý, nhi phi phu sảm hỏa giả chi ý. (我是彼奉水者之意,而非夫摻火者之意。)
  14. ^ Nguyên văn: Ngô diệc thị ngô ý, nhi phi tử chi ý dã. (吾亦是吾意,而非子之意也。)
  15. ^ Ca Văn Thỉnh, Thơ văn yêu nước Nam Bộ cuối thế kỷ XIX, Nhà xuất bản Văn hóa, 1962, trang 195.