Wikipedia:Năm cột trụ

Trang khóa hạn chế cho thành viên xác nhận mở rộng (khóa 30/500)
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
(Đổi hướng từ Wikipedia:5 cột trụ)

Tất cả những nguyên tắc hoạt động cơ bản của Wikipedia có thể được tóm gọn thành năm cột trụ dưới đây:

Wikipedia là bách khoa từ điển toàn thư

Wikipedia kết hợp những yếu tố của bách khoa toàn thư, từ điển địa lý, và niên giám, tổng quát hoặc chuyên ngành. Wikipedia không phải là chỗ để diễn thuyết, đăng quảng cáo, quảng bá hình ảnh cá nhân, thử nghiệm tình trạng vô chính phủ hay dân chủ, hay để chứa những mớ thông tin thập cẩm. Wikipedia không phải là một danh mục Web, từ điển, tờ báo, hay tuyển tập các tài liệu nguyên văn; các loại nội dung này nên được đưa vào các dự án khác của Wikimedia.

Wikipedia giữ một thái độ trung lập

Chúng ta luôn cố gắng viết ra những bài khách quan, thể hiện quan điểm của đa số. Hãy mô tả vấn đề và trình bày dữ kiện chứ đừng tranh luận hay bảo vệ quan điểm. Đôi khi, ta cần phải miêu tả nhiều quan điểm khác nhau, mỗi quan điểm được trình bày một cách chính xác và đặt trong ngữ cảnh, không có quan điểm nào được trình bày như thể là "sự thật" hoặc "quan điểm đúng nhất". Bài viết cần chính xác và có thể kiểm chứng được, dẫn từ những nguồn đáng tin cậy và có thẩm quyền, đặc biệt ở các chủ đề gây tranh cãi hay nhân vật đang sống. Wikipedia không đăng kinh nghiệm hay quan điểm cá nhân của người viết.

Nội dung của Wikipedia tự do và ai cũng có thể sử dụng, sửa và phân phối

Do tất cả các sửa đổi của bạn sẽ được cấp giấy phép tự do, không ai có thể sở hữu bài viết. Tất cả các đóng góp của bạn có thể và sẽ bị sửa đổi không thương tiếc và phân phối lại. Hãy tôn trọng luật bản quyền và đừng sao chép từ các nguồn khác. Trong một số trường hợp, Wikipedia cho phép dùng phương tiện không tự do trong quy phạm sử dụng hợp lý của luật bản quyền Hoa Kỳ, nhưng hãy ưu tiên nội dung tự do hơn.

Các thành viên Wikipedia nên cư xử với nhau một cách tôn trọng và văn minh

Hãy tôn trọng và lịch sự với các thành viên Wikipedia khác, ngay cả khi bạn đang bất đồng với họ. Hãy làm theo quy tắc ứng xử của Wikipedia và tránh công kích cá nhân. Hãy tìm kiếm đồng thuận và tránh bút chiến. Đừng bao giờ phá rối Wikipedia nhằm chứng minh một quan điểm. Hãy thiện chí và cho rằng người khác cũng đang thiện chí như mình. Hãy cởi mở, chào đón và bao dung. Trong trường hợp có mâu thuẫn, hãy bình tĩnh thảo luận ở trang thảo luận và làm theo quy trình giải quyết mâu thuẫn. Hãy nhớ rằng Wikipedia tiếng Việt có đến 1.292.175 bài khác để viết tiếp và thảo luận.

Wikipedia không có quy tắc cứng nhắc nào

Đúng là Wikipedia có một bộ quy định và hướng dẫn, nhưng những quy định này không hẳn là bất di bất dịch. Nội dung quy định có thể phát triển theo thời gian. Tinh thần quy định quan trọng hơn câu chữ cấu thành nên quy định đó, và đôi lúc cần tạo ra ngoại lệ để phát triển Wikipedia. Hãy mạnh dạn nhưng đừng bất cẩn trong khâu viết bài. Đừng lo về chuyện nhầm lẫn hay sai sót vì mọi phiên bản cũ đều được lưu lại để bạn có thể sửa.