Wikipedia:Bài viết chọn lọc/2008/09

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
2005 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014
2015 2016 2017 2018 2019 2020 2021 2022 2023 2024
Bài viết chọn lọc
tháng 9 năm 2008
Tháng
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12

Thành phố Hồ Chí Minh

Trung tâm thành phố
Trung tâm thành phố

Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố đông dân nhất, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục quan trọng nhất của Việt Nam. Nằm trong vùng chuyển tiếp giữa miền Đông Nam BộĐồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh hình thành nhờ công cuộc khai phá miền Nam của nhà Nguyễn. Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh cho lập phủ Gia Định, đánh dấu sự ra đời thành phố. Khi người Pháp vào Đông Dương, để phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa, thành phố Sài Gòn được thành lập và nhanh chóng phát triển, trở thành một trong hai đô thị quan trọng nhất Việt Nam. Năm 1954, Sài Gòn trở thành thủ đô của Việt Nam Cộng hòa và thành phố hoa lệ này được mệnh danh “Hòn ngọc viễn đông”, một trong những đô thị quan trọng của vùng Đông Nam Á. Miền Nam sụp đổ năm 1975, Việt Nam hoàn toàn thống nhất. Ngày 2 tháng 7 năm 1976, Quốc hội quyết định đổi tên Sài Gòn thành “Thành phố Hồ Chí Minh”, tên vị Chủ tịch nước đầu tiên của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay bao gồm 19 quận và 5 huyện, tổng diện tích 2.095,01 km². Vào năm 2006, thành phố có dân số 6.424.519 người, mật độ trung bình 3.067 người/km². Giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh chiếm 20,2 % tổng sản phẩm và 27,9 % giá trị sản xuất công nghiệp của cả quốc gia. Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một đầu mối giao thông quan trọng của Việt Nam và Đông Nam Á, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường không. Vào năm 2007, thành phố đón khoảng 3 triệu khách du lịch quốc tế, tức 70 % lượng khách vào Việt Nam. Các lĩnh vực giáo dục, truyền thông, thể thao, giải trí, Thành phố Hồ Chí Minh đều giữ vai trò quan trọng bậc nhất.

Tuy vậy, Thành phố Hồ Chí Minh đang phải đối diện với những vấn đề của một đô thị lớn có dân số tăng quá nhanh. Trong nội ô thành phố, đường xá trở nên quá tải, thường xuyên ùn tắc. Hệ thống giao thông công cộng kém hiệu quả. Môi trường thành phố cũng đang bị ô nhiễm do phương tiện giao thông, các công trường xây dựng và công nghiệp sản xuất.

Trận Xích Bích

Chữ chạm khắc trên vách núi ở địa điểm được nhiều người cho là nơi diễn ra trận Xích Bích, gần thành phố Xích Bích ngày nay thuộc tỉnh Hồ Bắc
Chữ chạm khắc trên vách núi ở địa điểm được nhiều người cho là nơi diễn ra trận Xích Bích, gần thành phố Xích Bích ngày nay thuộc tỉnh Hồ Bắc

Trận Xích Bích (Hán Việt: Xích Bích chi chiến) là một trận đánh lớn cuối thời Đông Hán có tính chất quyết định đến cục diện chia ba thời Tam Quốc. Trận đánh diễn ra vào mùa Đông năm Kiến An thứ 13 (tức năm 208) giữa liên quân Tôn Quyền-Lưu Bị với quân đội lấy danh nghĩa triều đình của Tào Tháo. Trận Xích Bích kết thúc với chiến thắng quyết định của phe Tôn-Lưu trước đội quân đông đảo hơn của Tào Tháo. Chiến thắng này đã góp phần củng cố vị trí cho hai chư hầu Tôn Quyền, Lưu Bị ở hai bờ Trường Giang đồng thời ngăn cản việc Tào Tháo mở rộng phạm vi quyền lực xuống phía Nam Trung Hoa, tạo cơ sở cho sự hình thành hai nước Thục HánĐông Ngô.

Tuy là một trận đánh lớn có ý nghĩa quyết định trong lịch sử Trung Quốc nhưng vị trí chính xác của trận Xích Bích cho đến nay vẫn là điều gây tranh cãi. Phần lớn các học giả cho rằng Xích Bích nằm ở đâu đó trên bờ nam Trường Giang giữa Tây Nam Vũ Hán ngày nay và Đông Bắc Ba Khâu (nay là thành phố Nhạc Dương). Các thông tin chi tiết nhất về trận đánh được ghi tại phần ghi chép về Chu Du trong tác phẩm Tam quốc chí của Trần Thọ. Trận Xích Bích cũng được mô tả rất chi tiết trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung. [ Đọc tiếp ]

Rhinocerus

Tác phẩm khắc gỗ Rhinocerus của Albrecht Dürer
Tác phẩm khắc gỗ Rhinocerus của Albrecht Dürer

Rhinocerus (Tê giác) là tên tác phẩm khắc gỗ của họa sĩ, nghệ nhân khắc bản in người Đức Albrecht Dürer sáng tác năm 1515. Tác phẩm này là hình ảnh một con tê giác dựa trên các mô tả từ sách vở và bức phác họa của một họa sĩ vô danh về con tê giác Ấn Độ đã được đưa tới Lisboa vào đầu năm 1515. Đây là con tê giác đầu tiên được đưa tới châu Âu kể từ thời Đế chế La Mã vì vậy bản thân Dürer chưa bao giờ được nhìn thấy một con tê giác thực sự. Vào cuối năm 1515 vua Manuel I của Bồ Đào Nha đã gửi con vật cho Giáo hoàng Leo X như một món quà nhưng chiếc tàu chở nó đã bị đắm ngoài khơi Ý đầu năm 1516 và phải chờ đến năm 1579 con tê giác thứ hai mới được mang từ Ấn Độ về châu Âu.

Mặc dù bức tranh có nhiều chi tiết giải phẫu không chính xác về loài tê giác, Rhinocerus vẫn trở nên rất nổi tiếng ở châu Âu và được sao chép lại nhiều lần qua ba thế kỷ sau đó với tư cách một minh họa chính xác về loài tê giác. Mãi đến cuối thế kỷ 18 khi con tê giác Clara được đưa đi trưng bày khắp châu Âu, Rhinocerus mới dần bị thay thế bởi các bức minh họa chân thực hơn. Người ta đã nhận xét về tác phẩm của Dürer như sau: "có lẽ không bức tranh động vật nào có được ảnh hưởng sâu sắc tới nghệ thuật như vậy".

Trận Cannae

Đường tiến quân của Hannibal
Đường tiến quân của Hannibal

Trận Cannae là một trận đánh thuộc Chiến tranh Punic lần 2 diễn ra vào ngày 2 tháng 8 năm 216 TCN trên chiến trường gần ngôi làng CannaeApulia (nay là Canne) thuộc Đông Nam Ý. Trong trận chiến này, quân đội Đế quốc Carthage dưới sự chỉ huy của Hannibal Barca đã đánh bại một lực lượng quân đông hơn của Cộng hòa La Mã do các quan chấp chính Lucius Aemilius PaullusGaius Terentius Varro chỉ huy. Kết cục của trận đánh đã khiến một số thành bang Ý từ bỏ liên minh với Cộng hòa La Mã. Tuy người La Mã giành thắng lợi cuối cùng trong Chiến tranh Punic lần 2, trận Cannae được coi là chiến tích tiêu biểu của Hannibal, một trong những trận đánh nổi tiếng nhất trong lịch sử quân sự thế giới và thất bại nặng nề nhất của quân đội La Mã.

Sau khi hồi phục từ thất bại ở Trebia (218 TCN) và Trasimene (217 TCN), các chỉ huy quân đội La Mã quyết định dùng khoảng 87.000 quân đối đầu với lực lượng Carthage của Hannibal tại Cannae. Cánh phải của đội quân La Mã đóng gần sông Aufidus, kỵ binh của họ được bố trí hai bên sườn còn bộ binh hạng nặng được dồn vào trung tâm đội hình. Có lẽ người La Mã đã hy vọng sẽ bẻ gẫy đội ngũ của người Carthage nhanh hơn so với diễn biến ở trận Trebia. Đối phó với chiến thuật này, Hannibal sử dụng chiến thuật gọng kìm, ông đặt đội bộ binh ít tin cậy nhất vào trung tâm, trong khi lực lượng kỵ binh Carthage tinh nhuệ được bố trí ở hai cánh. Trước khi trận đánh diễn ra, đội hình quân Carthage được triển khai vào dạng vầng trăng khuyết để đối phó với lực lượng bộ binh hạng nặng hùng hậu và áp đảo về số lượng của quân La Mã. Trong lúc vừa đánh vừa tiến, người La Mã không ngờ rằng họ đã lọt vào một vòng cung lớn và bị bao vây từ hai cánh bởi đội kỵ binh và bộ binh tinh nhuệ của Carthage. Do lực lượng bộ binh hạng nặng bị dồn ứ tại trung tâm, quân La Mã nhanh chóng bị tấn công và bị xé nhỏ từ hai bên sườn, họ không thể thoát khỏi đội hình vòng do chính họ tạo nên. Ước tính có khoảng từ 60.000 đến 70.000 quân La Mã bị tiêu diệt hoặc bắt sống tại Cannae (bao gồm cả quan chấp chính Lucius Aemilius Paullus cùng 80 nguyên lão) khiến trận đánh này trở thành một trong những trận đánh ngắn nhưng đẫm máu nhất trong lịch sử quân sự.