Wikipedia:Bài viết chọn lọc/2015/06

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
2005 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014
2015 2016 2017 2018 2019 2020 2021 2022 2023 2024
Bài viết chọn lọc
tháng 6 năm 2015
Tháng
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12

Sao Thủy

Sao Thủy là hành tinh nhỏ nhất và gần Mặt Trời nhất trong tám hành tinh thuộc Hệ Mặt Trời, với chu kỳ quỹ đạo bằng 88 ngày Trái Đất. Nhìn từ Trái Đất, hành tinh hiện lên với chu kỳ giao hội trên quỹ đạo bằng xấp xỉ 116 ngày, và nhanh hơn hẳn những hành tinh khác. Tốc độ chuyển động nhanh này đã khiến người La Mã đặt tên hành tinh là Mercurius, vị thần liên lạc và đưa tin một cách nhanh chóng. Trong thần thoại Hy Lạp tên của vị thần này là Hermes (Ερμής). Tên tiếng Việt của hành tinh này dựa theo tên do Trung Quốc đặt, chọn theo hành thủy trong ngũ hành. Do hành tinh hầu như không có khí quyển để giữ lại nhiệt lượng, bề mặt Sao Thủy trải qua sự biến đổi nhiệt độ lớn nhất trong số các hành tinh, thay đổi từ 100 K vào ban đêm tới 700 K vào ban ngày. Trục quay của Sao Thủy có độ nghiêng nhỏ nhất trong Hệ Mặt Trời nhưng hành tinh lại có độ lệch tâm quỹ đạo lớn nhất. [ Đọc tiếp ]

Tắc kè lùn quần đảo Virgin

Tắc kè lùn quần đảo Virgin (Sphaerodactylus parthenopion) là một trong hai loài tắc kè mang danh hiệu "loài bò sát nhỏ nhất trên thế giới". Nó được tìm thấy trên ba hòn đảo trong quần đảo Virgin thuộc Anh: Virgin Gorda, Tortola, và đảo Moskito. S. parthenopion được phát hiện vào năm 1964 và được cho rằng là họ hàng gần của loài tắc kè lùn Sphaerodactylus nicholsi sống ở Puerto Rico gần đó. Nó chia sẻ chung vùng phân bố với tắc kè nhỏ vảy lớn (S. macrolepis) vốn sinh sống trên các lá cây mục. Trái với S. macrolepis, S. parthenopion sinh sống trên các sườn đồi khô hơn mặc dù chúng cũng ưa thích các khu vực ẩm ướt nằm dưới các tảng đá vì chúng thiếu các cơ chế ngăn chặn việc mất nước - một vấn đề hóc búa do kích thước quá nhỏ của con vật. Tắc kè lùn quần đảo Virgin có màu nâu sậm ở mặt lưng - thường đi kèm với những vết lốm đốm sẫm màu. Trung bình, chiều dài của chúng là khoảng 18 mm tính từ mõm tới lỗ huyệt, có cân nặng tối đa chỉ chừng 0,15 g. [ Đọc tiếp ]

Ấm lên toàn cầu

Ấm lên toàn cầu hay hâm nóng toàn cầu là hiện tượng nhiệt độ trung bình của không khí và các đại dương trên Trái Đất tăng lên theo các quan sát trong các thập kỷ gần đây. Trong thế kỉ 20, nhiệt độ trung bình của không khí gần mặt đất đã tăng 0,6 ± 0,2 °C. Theo báo cáo của Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA), nhiệt độ trung bình của Trái đất ở cuối thế kỉ 19 đã tăng +0,8 °C và thế kỉ 20 tăng 0,6 ± 0,2 °C. Các dự án mô hình khí hậu của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) chỉ ra rằng nhiệt độ bề mặt Trái Đất sẽ có thể tăng 1,1 đến 6,4 °C trong suốt thế kỷ 21. IPCC nghiên cứu sự gia tăng nồng độ khí nhà kính sinh ra từ các hoạt động của con người như đốt nhiên liệu hóa thạchphá rừng làm cho nhiệt độ Trái Đất tăng lên kể từ giữa thế kỷ 20. IPCC cũng nghiên cứu sự biến đổi các hiện tượng tự nhiên như bức xạ mặt trờinúi lửa gây ra phần lớn hiện tượng ấm lên từ giai đoạn tiền công nghiệp đến năm 1950 và có sự ảnh hưởng lạnh đi sau đó. [ Đọc tiếp ]

Trận chiến đồi Edson

Trận chiến đồi Edson, hay còn gọi là Trận chiến Đồi Máu, là một trận đánh trên bộ trong Chiến dịch Guadalcanal thuộc Mặt trận Thái Bình Dương trong Thế chiến thứ hai giữa Lục quân Đế quốc Nhật Bản và quân Đồng Minh (chủ yếu là Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ) diễn ra từ ngày 12 đến ngày 14 tháng 9 năm 1942. Đây là một trong ba cuộc tấn công lớn của quân Nhật nhằm tái chiếm sân bay Henderson và đẩy lùi quân Đồng Minh trên đảo Guadalcanal. Trong trận đánh này, Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ dưới sự chỉ huy của Thiếu tướng Alexander Vandegrift đã bảo vệ thành công phòng tuyến Lunga bao quanh sân bay Henderson sau khi đánh bại cuộc tấn công của Lữ đoàn Bộ binh số 35 Nhật Bản do Thiếu tướng Kiyotake Kawaguchi chỉ huy. Do đánh giá sai quân số Đồng Minh trên đảo Guadalcanal (khoảng 12.000 quân) mà tướng Kawaguchi đã cho 6.000 quân tấn công trực diện vào phòng tuyến Mỹ nhiều lần vào ban đêm. [ Đọc tiếp ]