Wikipedia:Bài viết chọn lọc/2015/10

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
2005 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014
2015 2016 2017 2018 2019 2020 2021 2022 2023 2024
Bài viết chọn lọc
tháng 10 năm 2015
Tháng
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12

SMS Kaiserin

SMS Kaiserin (Nữ Hoàng) là chiếc thứ ba trong lớp thiết giáp hạm Kaiser của Hải quân Đế quốc Đức trong giai đoạn Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Kaiserin được đặt lườn vào ngày 26 tháng 1 năm 1910 tại xưởng tàu của hãng Howaldtswerke ở Kiel, hạ thủy vào tháng 11 năm 1911 và được đưa ra hoạt động cùng hạm đội vào ngày 15 tháng 5 năm 1913. Con tàu trang bị mười khẩu pháo 30,5 xentimét (12,0 in) bố trí trên năm tháp pháo nòng đôi, và đạt tốc độ tối đa 22,1 hải lý trên giờ (40,9 km/h; 25,4 mph). Kaiserin được phân về Hải đội Chiến trận 3 và sau đó là Hải đội Chiến trận 4 thuộc Hạm đội Biển khơi Đức trong hầu hết thời gian của Thế Chiến I. Cùng với các tàu chị em cùng lớp Kaiser, Friedrich der Grosse, König AlbertPrinzregent Luitpold, Kaiserin đã tham gia hầu hết các hoạt động hạm đội chủ yếu trong Thế Chiến I, bao gồm trận Jutland vào ngày 31 tháng 5 - 1 tháng 6 năm 1916. [ Đọc tiếp ]

Lưu Bị

Lưu Bị (161 – 223) là một vị thủ lĩnh quân phiệt, trở thành hoàng đế khai quốc nước Thục Hán thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Dù còn có ý kiến nghi ngờ, Lưu Bị được sử sách xác nhận là dòng dõi xa của hoàng tộc nhà Hán. Xuất thân nhà nghèo, ông phải tự lao động kiếm sống thời trẻ. Sự nghiệp của Lưu Bị khởi đầu bằng việc tham gia trấn áp cuộc khởi nghĩa Khăn Vàng và làm quan cho triều đình, nhưng đường hoạn lộ của ông ban đầu không được suôn sẻ. Gặp lúc nhà Hán suy yếu và nổ ra chiến tranh quân phiệt, Lưu Bị cùng hai người bạn kết nghĩa là Quan VũTrương Phi dần dần tự gây dựng lực lượng và tham gia vào cuộc chiến này. Tuy nhiên, cuộc tranh hùng của Lưu Bị cũng không thuận lợi, ông nhiều lần thất bại và phải đi nương nhờ dưới trướng nhiều chư hầu đương thời như Lã Bố, Tào Tháo, Viên Thiệu, Lưu Biểu. Trong thời gian nương nhờ Lưu Biểu ở Kinh châu, Lưu Bị được Gia Cát Lượng theo phò tá và vạch ra Long Trung đối sách để tranh thiên hạ. Theo đường lối này, ông liên kết với quân phiệt Tôn Quyền ở Giang Đông cùng chống Tào Tháo hùng mạnh ở phía bắc, chiếm được một phần Kinh châu và gần trọn Ích châu làm đất dựng nghiệp. [ Đọc tiếp ]

Bão Cecil (1985)

Bão Cecil hay Cơn bão số 8 năm 1985 là một xoáy thuận nhiệt đới rất mạnh đổ bộ vào khu vực Trung Trung Bộ của Việt Nam vào đêm ngày 15 rạng sáng ngày 16 tháng 10 năm 1985. Cơn bão được xem là lớn nhất trong 100 năm qua càn quét khu vực này và gây thiệt hại hết sức nặng nề. Không chỉ miền Trung Việt Nam, bão cũng đã có những tác động đến Philippines, LàoThái Lan nhưng ở quy mô nhỏ hơn. Hình thành từ một vùng xoáy thấp ở khu vực đảo Caroline, hệ thống nhanh chóng di chuyển vào biển Đông và mạnh lên thành bão Cecil, rồi trở thành một cơn bão mạnh cấp 3 (theo thang bão Saffir-Simpson) vào ngày 15 tháng 10 trên vùng biển Bình Trị Thiên - Nghĩa Bình. Đêm ngày 15 rạng sáng ngày 16 tháng 10, bão đổ bộ và tàn phá dữ dội tỉnh Bình Trị Thiên với tâm bão quét qua thành phố Huế. 702 người đã thiệt mạng, hàng loạt công trình bị phá hủy, hàng nghìn héc-ta hoa màu bị hư hại, thiệt hại do bão gây ra ước tính ít nhất khoảng 65 triệu USD. Cơn bão đã đi vào ký ức không thể phai nhòa của hàng triệu người dân sống trên mảnh đất cố đô Huế. Sau bão, Tổ chức Hội thảo và Phát triển Pháp đã thành lập một dự án phòng chống thiên tai và xây dựng nhà ở kiên cố cho người dân miền Trung Việt Nam. Dự án này đã nhận được giải thưởng quốc tế về nhà ở của Liên Hiệp Quốc vào năm 2008. [ Đọc tiếp ]

SMS Prinzregent Luitpold

SMS Prinzregent Luitpold, tên đặt theo Hoàng tử nhiếp chính Luitpold của Bavaria, là chiếc thứ năm cũng là chiếc cuối cùng trong lớp thiết giáp hạm Kaiser của Hải quân Đế quốc Đức trong giai đoạn Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Prinzregent Luitpold được đặt lườn vào ngày tháng 10 năm 1910 tại xưởng tàu của hãng Germaniawerft ở Kiel, hạ thủy vào ngày 17 tháng 2 năm 1912 và ra hoạt động cùng hạm đội vào ngày 19 tháng 8 năm 1913. Con tàu trang bị mười khẩu pháo 30,5 xentimét (12,0 in) bố trí trên năm tháp pháo nòng đôi, và đạt tốc độ tối đa 21,7 hải lý trên giờ (40,2 km/h; 25,0 mph). Prinzregent Luitpold được phân về Hải đội Chiến trận 3, và sau đó là Hải đội Chiến trận 4, của Hạm đội Biển khơi Đức trong hầu hết thời gian của Thế Chiến I. Prinzregent Luitpold đã tham gia hầu hết các hoạt động hạm đội chủ yếu trong Thế Chiến I, bao gồm trận Jutland vào năm 1916. Nó cũng hiện diện trong Chiến dịch Albion, cuộc tấn công đổ bộ chiếm các cứ điểm do Nga chiếm giữ tại vịnh Riga trong biển Baltic vào cuối năm 1917. Khi Đức thua trận trong chiến tranh và buộc phải ký Thỏa thuận Ngừng bắn vào tháng 11 năm 1918, Prinzregent Luitpold cùng với hầu hết tàu chiến chủ lực của Hạm đội Biển khơi bị lưu giữ tại căn cứ Hải quân Anh ở Scapa Flow và bị giải giới sau đó. [ Đọc tiếp ]