Wikipedia:Bàn tham khảo/Thanh mai trúc mã

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Cây mai là loài cây rất được ưa chuộng ở miền Nam và cả miền Bắc từ xưa tới nay. Trong thơ văn, cây mai được đề cao do hình ảnh của nó tuy mảnh mai, gầy guộc, mong manh, hoa có hưong thơm dịu dàng nhưng luôn chịu được qua mùa đông gió rét để nở hoa khi xuân về. Vì vậy, cây mai là đại diện của chữ Nhẫn và chữ Dũng. Theo phân loại của Trung Quốc có hơn 200 loại hoa mai khác nhau và có rất nhiều loại sống được trong gió rét. Theo tôi, cây mai trong văn học cổ là loại mai hiện nay vẫn có. Bạn có thể xem bài viết về các loại mai trong văn học cổ tại đây [1]. Casablanca1911 03:58, ngày 23 tháng 11 năm 2005 (UTC)[trả lời]

Mai (Chaenomeles) có nhiều loại. Loại tại Việt Nam (hoa màu vàng) có thể thích sống dưới khí hậu nóng, nhưng cũng có các loại sống tại Trung Quốc, Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên (hoa màu đỏ, hồng hay trắng) thích sống dưới khí hậu lạnh. Tôi sống tại Canada, một trong những nơi lạnh nhất trên thế giới, và tôi có một cây mai hoa đỏ (Chaenomeles japonica) hơn 40 năm rồi. Mekong Bluesman 05:20, ngày 23 tháng 11 năm 2005 (UTC)[trả lời]
Cây mai trong câu thanh mai trúc mã là cây Prunus mume thuộc họ Rosaceae - giống với các cây mận, mơ (cùng chi Prunus), còn các loại mai ở miền nam Việt Nam là các loài thuộc chi Ochna/họ Ochnaceae (Ví dụ O. atropurpur. O. integerrima v.v). Chúng là các loài cây khác hẳn nhau. Vương Ngân Hà 06:58, ngày 23 tháng 11 năm 2005 (UTC)[trả lời]

Cây mai trong văn học cổ có rất nhiều loại, tuỳ theo tác phẩm để "xác định" nó là mai gì, cho nên có thể nói nó tương tự loại mai hiện nay hoặc không tương tự. Có một vài ý kiến tôi lượm lặt được, xin thưa hầu quý vị (hơi nhiễm Tàu):

  1. 竹 Trước: còn đọc Trúc, cây trúc hay cây tre. 梅 Mai: cây mai. Đây không phải là cây mai mà người ta trồng cho trổ hoa trong dịp Tết, mà là loại cây cùng loại với cây táo, có hoa màu trắng hoặc hồng, kết trái có vị chua, trái chín thì màu vàng, dùng để làm xí muội hoặc ô mai. Loại cây mai nầy rất giỏi chịu lạnh, trong tuyết giá mà nó vẫn xanh tươi và trổ hoa, nên được xếp vào "Tuế hàn Tam hữu" (Tùng, Trúc, Mai). Do đó nói Trúc mai là để chỉ tình bạn cao khiết.
  2. Nhưng từ ngữ Trúc mai còn dùng để chỉ tình yêu thắm thiết của đôi thanh niên nam nữ do thành ngữ: Thanh mai trúc mã (mai xanh ngựa trúc) rút ra từ bài thơ của Lý Bạch là bài Trường Can Hành. Bài thơ nầy, Lý Bạch tả mối tình thơ ngây của chàng và nàng, cùng ngụ trong xóm Trường Can, thuở nhỏ luôn luôn nô đùa quấn quít cùng nhau, bằng hai câu thơ: Lang ky trúc mã lai. Nhiễu sàng lộng thanh mai. (Chàng cỡi ngựa trúc chạy đến. Chạy vòng quanh giường đùa với mai xanh). Do đó nói: Trúc mai là chỉ tình yêu thắm thiết của một đôi nam nữ. Nguồn Cao đài từ điển.
  3. Trúc mai: có người cho rằng từ thành-ngữ Tầu "trúc mã thanh mai" "ngựa trúc mơ xanh" (bamboo stick-horse & green apricot).
  4. Trúc mai: có nguồn từ điển-tích Hoàng-Kỳ-Mai và Lâm-Bá-Trúc trong "Tình Sử".
  5. Truyện Kiều (chữ Nôm) câu 708 và câu 746 có ghi thành-ngữ "đền nghì trúc mai". Chữ Mai trong câu 708 viết với chữ Hán 梅 (12n) cây mơ, câu 746 viết với chữ Hán 枚 (8n) quả, gốc; cho thấy đây chỉ là những chữ Nôm chỉ mượn âm để viết tên cây Mai là một loại tre, như trong câu "miệng ăn măng trúc măng mai". Hai tiếng Nôm "trúc mai" này là cây Trúc và cây Mai, dùng chỉ vợ chồng.
Trúc là một loại tre nhỏ, thường ví đàn bà, con gái (trúc xinh trúc mọc đầu đình). Mai là một loại tre lớn hơn, ví đàn ông, người chồng.
Mai ruột gần như đặc, rất cứng, có thể dùng làm cán một thứ nông-cụ như cái xuổng nhỏ, dùng xắn, xúc đất, vì cán làm bằng một khúc Mai, nên cũng gọi là cái Mai, "dốt đặc cán Mai".
Trúc và Mai là hai cây cùng loại, cùng hạp thổ-ngơi một nơi, cùng sống bên nhau được, cũng là hai loại tre giỏi chịu-đựng thời-tiết lạnh, dẫu trong mùa đông lá vẫn tươi xanh. Nguồn Việt học mạn đàm. Trần Đình Hiệp 11:05, ngày 23 tháng 11 năm 2005 (UTC)[trả lời]

Tôi xin cảm ơn các bạn đã giải đáp giúp câu hỏi. Tóm lại, tôi có thể biết có nhiều loại mai, nhưng có cùng tên nên gây hiểu nhầm là mai gì. Xin cảm ơn các bạn. Trần Đăng Khoa 08:50, ngày 01 tháng 12 năm 2005 (UTC)[trả lời]